trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
21.8.2004
Trương Thái Du
Nói thêm về đám con hoang của Sartre
 
Ở quyển L'être et Néant (Hữu thể và vô thể) in năm 1943, Jean Paul Sartre viết: "Ce qui compte dans un vase, c’est le vide du milieu", tạm dịch nghĩa: "Điều đáng kể của chiếc hũ (hoặc vò, bát, chén, bình, lọ) chính là phần trống rỗng ở giữa".

Tham khảo Thiên Thượng – Đạo Đức Kinh của Lão Tử, nguyên văn Hán Việt: “Tam thập phúc, cộng nhất cốc, đương kỳ vô, hữu xa chi dụng. Duyên thực dĩ vi khí, đương kỳ vô, hữu khí chi dụng. Tạc hộ dũ dĩ vi thất, đương kỳ vô, hữu thất chi dụng. Cố hữu chi dĩ vi lợi, vô chi dĩ vi dụng.” [1]

Tạm dịch: “Ba mươi nan hoa cùng qui vào bầu trục, nhưng chính nhờ khoảng trống không giữa bầu trục, xe mới dùng được. Nhào đất sét để làm chén bát, nhưng chính nhờ khoảng trống không ở trong, chén bát mới dùng được. Trổ cửa cái, cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống không đó, mà nhà mới dùng để ở được. Cứ tưởng cái ‘hữu’ là lợi, thực ra cái ‘vô’ mới làm cho ‘hữu’ có ích.”

Nguyễn Quyến kể [2] , năm 1949 khi được Sartre mời “tranh luận”, triết gia Việt Nam Trần Đức Thảo đã chỉ ra J.P. Sartre đã đọc sách tư tưởng phương Đông và rút lấy bài học từ những chứng nghiệm của Thiền tông. Tuy nhiên, Sartre đã lầm lẫn từ những "hành động" nội tâm sang những hoạt động bình thường trong xã hội. Cuối cùng Sartre đã bỏ cuộc.

Nguyễn Văn Lục trong bài Những người con hoang của J.P. Sartre nhận xét: “Ðến Phật giáo, Lão giáo cũng nhập cuộc. Người ta vào đạo Phật qua lối ngõ của J.P. Sartre. Từ lăng kính Nho, Phật, Lão đến lăng kính Hiện tượng luận.” Vô hình chung, cho ta thấy một đường dẫn mờ ảo từ nền tảng Á Đông đến tư tưởng Sartre.

Câu hỏi ở đây là: Phải chăng triết gia ngoại hạng của Tây dương thế kỷ 20 đã “đạo văn” Lão Đam và đạo ý Thiền tông?

Nói cho cùng, Sartre đã thổi vào ngôn ngữ Việt Nam (qua các bản dịch) nhiều từ ngữ mới và bóng bẩy theo công thức: tiếng Tây ra tiếng Hán-Việt văn bản, rồi diễn nôm nếu có thể. Lê Thành Trị nghĩ rằng: “Chúng ta có thể nói quần chúng là nạn nhân nhiễm độc tư tưởng và tâm tình của ông, quần chúng, khác với Hàn lâm viện nhà vua Thụy Điển, sẽ không thấy Sartre có công đặt ra hoặc gợi lên nhiều vấn đề nhân sinh, kể cả chính trị, đáng cho thức giả suy nghĩ trên giấc mơ chân lý toàn diện.” [3]

Ở mức độ nào đấy, thứ Hán-Việt văn bản kia đã chôn vùi con người Việt Nam trong mớ ngữ nghĩa ông chằng bà chuộc. Đi lạc trong rừng chữ, đánh vật với chữ mới chính là nguyên nhân đẻ ra đám con hoang kỳ dị nọ.

Riêng tôi thì chỉ thu nhặt được ở Sartre bản dịch vài bụi cỏ chữ trong một mùa xuân non trẻ trống rỗng, nếu không kể đến liên tưởng cực đoan: có thứ gì đó rất chung toát lên giữa những người Pháp ở ba sự kiện sau: Napoléon minh triết: “Cái cao cả và sự lố bịch chỉ cách nhau 1 bước chân” rồi hạ lệnh bắn đại bác vào tượng nhân sư Ai Cập để tìm… vàng. Sartre chiêm nghiệm: “Con người bị ném vào cuộc đời và phải chịu trách nhiệm về việc hắn làm”. Bọn lính Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội năm 1954 thì không nói nhiều, chúng lạnh lùng đặt thuốc nổ phá tan Chùa Một Cột.

Thật đáng mừng, người Pháp thế kỷ 21 đã phản ứng khá mạnh mẽ khi Taliban phá hủy 2 tượng Phật ở Bamiyan, Afghanistan.


© 2004 talawas



[1]Lão Tử - Đạo Đức Kinh, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Văn Hóa 1994.
[2]Triết gia Trần Đức Thảo - Người chiến binh của niềm hy vọng, Nguyễn Quyến – talawas 26.4.2004
[3]Lê Thành Trị - Hiện tượng luận về Hiện sinh, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, xuất bản tại Sài Gòn năm 1969.