trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
24.8.2004
Cao Việt Dũng
Tại sao Tel Quel tên là Tel Quel?
 
Nhân ông Đào Trung Đạo có nhã ý lo cho trí thức trẻ trong nước đọc phải những bài như bài của ông Nguyễn Văn Lục mà «đi chệch con đường học hỏi chân thực, thẳng thắn và chính qui», và nhân ông trình bày nhận định của mình về tình hình văn chương chính trị và trí thức Pháp cộng với ảnh hưởng đến Việt Nam, tiện có dịp may tôi bèn kiểm tra lại chút hiểu biết sơ sài của mình xem có bị chệch đường hay không. Ngay đoạn mở đầu của ông đã khiến tôi phải có rất nhiều thắc mắc.

Không hiểu ông Đào Trung Đạo có ý gì khi nói «tốt nghiệp Ecole Normale Supérieure nghĩa là chỉ được dạy trường trung học». Thế hóa ra hiểu biết về tình hình văn chương chính trị và trí thức Pháp như ông không biết chế độ bổ nhiệm giáo sư đại học ở Pháp hay sao. Muốn đi dạy phải có bằng Agrégation (sau này có thêm bằng Capes), nhưng mới ra trường thì phải đi dạy trung học, được bổ đi đâu thì phải đi đấy, ai cũng thế cả, sau rồi khi có chỗ trống ở đại học, qua bỏ phiếu hội đồng mới thành giáo sư. Ông tỏ ra kính trọng cái chức giáo sư vậy, tại sao còn liệt kê Georges Bataille với cả Maurice Blanchot, những người cũng không hề có ghế giảng dạy ở đại học? Bataille học ở trường kém tiếng tăm hơn trường của Sartre nhiều, là trường Ecole des Chartes, chuyên đào tạo nghiên cứu văn bản cổ, học sinh ra trường rất hay đi coi sách ở thư viện, và quả thật Bataille đã làm nghề quản thủ thư viện quốc gia, đúng cái nghề của Rémy de Gourmont ngày trước. Bây giờ đi hỏi người Pháp Bataille là ai, tôi đảm bảo 90% sẽ trả lời: «là một tay viết truyện khiêu dâm» - bởi vì ai còn nhớ Bataille nhà phê bình, mà chỉ còn biết đến Bataille tác giả Histoire de l’œilLe bleu du ciel cùng lối sống phóng đãng (gấp nhiều lần Sartre!). Trong khi đó Sartre vẫn «nguyên xi» là nhà triết học, nhà văn, nhà phê bình, không ai mà không biết.

Ông lại nói Sartre (và Camus) chỉ có ảnh hưởng ở ngoài trường đại học, thế chẳng hóa ra ông giáo sư Emmanuel Lévinas chỉ có ảnh hưởng với những học sinh mà ông trực tiếp dạy thôi sao? Và xét như thế Lévinas có ảnh hưởng quá nhỏ so với Sartre (và Camus), vì ở Pháp đâu phải ai cũng học đại học, mà học đại học rồi đâu có phải ai cũng được học ông Lévinas để mà chịu ảnh hưởng? trong khi giới «ngoài đại học» thì đông đảo không biết đâu mà kể. Tôi lại nghĩ khác ông Đào: chính vì muốn có tầm ảnh hưởng lớn nên Sartre đã không chọn con đường dạy học; sau vài năm dạy ở Le Havre là ông bỏ đi viết sách kiếm tiền… cho khỏe.

Việc Sartre ngồi nghe Kojève nghe giảng có gì đâu mà ông Đào Trung Đạo phải nhấn mạnh như thế? Chính Bataille mà ông kính trọng đó, khi tuổi đã xấp xỉ 40, còn chịu khó đến Ecole des hautes études để nghe cũng chính Kojève giảng Hiện tượng luận tinh thần của Hegel, chắc hồi đó trong số thính giả có cả Sartre. Đơn giản là vì đó là lần đầu tiên cuốn sách quan trọng nhất của Hegel được dịch, giới thiệu và giải thích ở Pháp. Ngoài Bataille và Sartre còn có cả loạt: Breton, Lacan, Merleau-Ponty, Aron, Queneau. Người ta giảng hay thì đi nghe, đó là thái độ của trí thức,có ai biết hết mọi thứ đâu? Bergson từng giảng ở Collège de France, người đến nghe đông như kiến, trong đó chắc không phải ai cũng dốt.

Giải thích dài dòng như thế chỉ để nói là chuyện có dạy đại học hay không, có đi nghe «ké» thì cũng không hề ảnh hưởng gì đến tài năng và nhân cách trí thức, nhất là trí thức trẻ cả. Còn chuyện những người không đi dạy đại học mà có ảnh hưởng lớn, sâu rộng, thiết tưởng tôi không cần phải đưa ra ví dụ.

Để nhằm chứng minh ảnh hưởng của Sartre là không đáng kể, «cũng thường thôi», ông Đào Trung Đạo so sánh tờ tạp chí Les Temps Modernes (do Sartre và Beauvoir chủ trương, thành lập năm 1945, Merleau-Ponty chỉ có chân trong ban biên tập đầu tiên, cùng một số người khác trong đó có Jean Paulhan) với ba tờ tạp chí khác. Tôi phải nói thẳng ngay là những so sánh của ông hoàn toàn không có nghĩa. NRF thành lập năm 1908 quả là một tờ tạp chí khổng lồ với những cái tên như Gide, Claudel, Fargue, Valéry, Larbaud… vô số không thể kể hết. Nhưng thực chất nó đã đình bản vào năm 1940, dù Pierre Drieu la Rochelle, dưới sự bảo trợ của Đức, gắng gượng phát hành được đến năm 1943. Khi tờ báo của Sartre ra đời và phát triển mạnh mẽ, trên văn đàn không có bóng dáng NRF. Đến tận năm 1953 nó mới được tái bản, dưới sự điều hành của Jean Paulhan (ông Đào Trung Đạo chú ý Paulhan từng có chân trong ban biên tập Les Temps Modernes!) và Marcel Arland.

Tờ Esprit (chứ không phải L’Esprit) sau chiến tranh không còn hạt nhân quan trọng nhất của nó là Emmanuel Mounier (Joseph Rovan và Jean-Marie Domenach thay thế). Hơn thế nữa, năm 1950 (cũng là năm Mounier qua đời), nó lại bị Roger Garaudy tố cáo là thân Vichy, hợp tác với Đức thời chiếm đóng (lời tố cáo sau này sẽ được Bernard-Henry Lévy lặp lại). Dù cố thanh minh đến đâu thì Esprit cũng bị giảm sút uy tín, vì thời đó chỉ những người kháng chiến mới được trọng vọng. Mà Sartre thì là kháng chiến từ đầu đến chân!

Trong số ba tờ tạp chí mà ông Đào Trung Đạo đưa ra để «đè bẹp» Les Temps Modernes, chỉ tờ Critique là «đồng cân đồng hạng», vì nó được thành lập cùng khoảng thời gian với tờ của Sartre (chính xác hơn thì chậm hơn một năm), và người sáng lập cũng vô cùng nổi tiếng. Người đó là (lại là)… Georges Bataille, và nhất định không thể là của Tel Quel như ông Đào mở ngoặc giải thích. Năm 1946 Philippe Sollers mới 10 tuổi, vẫn ở Bordeaux thành phố quê hương và không thấy tài liệu nào nói đã biết gì về các tờ tạp chí ở Paris chưa. Lịch sử văn học nói khác ông Đào Trung Đạo, nó nói là năm 1960 tờ Tel Quel mới được thành lập, có Philippe Sollers cùng năm chiến hữu trong ban biên tập. Và chính vì có tờ tạp chí đó, nhóm Sollers mới có tên là nhóm Tel Quel, tác phẩm nổi tiếng nhất là tác phẩm chung Théorie d’ensemble (còn cái tên Tel Quel có vẻ như được lấy từ tên một tác phẩm của Paul Valéry). Năm 1982, sau khi hoàn thành sứ mệnh là đưa nghiên cứu văn học ngả sang hướng ký hiệu học, tờ Tel Quel đình bản và Sollers bỏ đi lập tờ L’Infini, trợ thủ đắc lực là bà vợ Julia Kristeva.

Ông Đào Trung Đạo đưa ra ba tờ tạp chí để so sánh, để rồi rốt cuộc người ta lại hiểu hóa ra Les Temps Modernes là «xịn» nhất!

Định bàn thêm về bài viết của ông Đào Trung Đạo, nhưng đoạn sau ông toàn nói về tình hình miền Nam cách đây mấy chục năm, nghe ra ông cũng biết rõ, biết cả những chuyện bếp núc như Mai Thảo «sợ» Nguyễn Văn Trung, nên tôi… kiếu từ và chuyển sang kể cho ông Nguyễn Văn Lục một câu chuyện mà một hôm đi ngang qua trường Ecole Normale Supérieure phố Ulm tôi tình cờ nghe được: một anh sinh viên Pháp hỏi một sinh viên mặt mũi châu Á áng chừng là người Trung Quốc (chắc họ vừa làm quen): «Anh sang nghiên cứu về vấn đề gì?» - «Về Bergson» - «Ai cơ» - «Bergson ấy» - «Thú thực là tôi không biết». Câu chuyện là như vậy đó, trong ảnh hưởng văn hóa nhiều khi có những điều rất khó hiểu. Ở Pháp mấy ai còn biết đến triết gia lừng danh Bergson (chỉ có giới nghiên cứu triết hoặc văn học chuyên về Proust hoặc Péguy muốn hiểu về quan niệm thời gian tính trong tác phẩm của hai người này), nhưng có sinh viên Trung Quốc lặn lội sang tận Pháp để phủi bụi sách trong thư viện mà nghiên cứu. Sự lệch pha văn hóa này là hiện tượng rất dễ thấy, vậy nên khi ở Việt Nam đến giờ người ta vẫn cứ Sartre với Camus thì ông cũng không nên lấy làm lo lắng. Có thể là con hoang thật, nhưng trong lịch sử thiếu gì con hoang mà lại ngon hơn con thật. Umberto Eco cũng là con hoang đấy thôi (ông Vũ Ngọc Thăng chắc có thể khẳng định được điều này). Mà nói cho cùng ở Việt Nam cái gì chẳng lệch lạc, nếu không người ta đã đi tìm dịch, tìm đọc những tác phẩm văn học giá trị chứ không suốt ngày lẩn quẩn với mớ văn học Trung Quốc hiện đại ngày càng thô tục và hỗn loạn của những Mạc Ngôn, Vệ Tuệ, Cửu Đan…

© 2004 talawas