trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
4.9.2004
Ðặng Phùng Quân
Hành trạng của kẻ sĩ
 
Hai khuôn mặt của thần Janus có thể biểu tượng cho người trí thức: sự đối lập không phải giữa thiện/ác, mà là giữa chân/ngụy, thực/giả, đỏ/đen. Tại sao vậy? Không thể lấy tiêu chuẩn giá trị đạo đức để xác định hành tác của trí thức, bởi thiện/ác chỉ là hệ luận của ứng xử. Trong tiếng Việt, hai từ “kẻ sĩ” và “trí thức” dùng để chỉ chung một phạm trù nhân cách, tương tự như hai từ trong tiếng Pháp là “clerc” và “intellectuel”. Từ “trí thức/intellectuel” có vẻ thông dụng, song từ “kẻ sĩ/clerc” tuy cổ nhưng lại hàm chứa ý nghĩa sâu sắc hơn – về cả hai mặt ý thức và sứ mạng. Sự đối lập của kẻ sĩ có thể nhận ra trong lịch sử văn học Việt Nam với những người như Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát thể hiện một đằng xuất xử lập danh (với Nguyễn Công Trứ là “tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt/ dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên/ có giang sơn thì sĩ đã có tên”), một đằng hành tàng khinh danh (với Cao Bá Quát là “đạp hướng danh đồ bất diệu đầu”), như Phạm Thái và Nguyễn Hữu Lượng tỏ rõ một đằng chống Tây Sơn, một đằng phò Tây Sơn (qua “Tụng Tây hồ phú” và “Chiến tụng Tây hồ phú”), như Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường (chống thực dân và theo thực dân Pháp)... mọi biểu lộ đều hàm xúc tính cách chính trị. Chỉ tiếc là không có tài liệu tự truyện của những sĩ phu này để người ta có thể nghiên cứu rốt ráo hành trạng của họ. Thái độ của những người như Phạm Thái, Cao Bá Quát có phải là tiêu cực? Như Nguyễn Công Trứ có phải là tích cực với danh lợi? Như Nguyễn Hữu Lượng là thức thời vụ? Hay bị lên án là “ngụy” khi triều đại Tây Sơn sụp đổ, theo quan điểm xu thời, như bọn chó canh của bạo quyền, thời nào cũng có. Ngay anh em trong nhà, như Nguyễn Nễ theo Tây Sơn, Nguyễn Quýnh phò Lê chống Tây Sơn, Nguyễn Du làm quan cho triều Nguyễn, trong thời nội chiến mỗi người một chọn lựa, khó thể phê phán. Trong thời hiện đại, những trường hợp kẻ sĩ như Trần Ðức Thảo, Nhất Linh khó kiếm đối tác tương xứng để so sánh.

Trong lịch sử văn học Pháp, cũng có những cặp đối lập như một đặc sắc của truyền thống Pháp, chẳng hạn hai biểu tượng triết học tình/lý đối lập là Descartes và Pascal, hai xu hướng bi kịch cổ điển là Corneille và Racine, hai quan niệm bi/lạc nơi Voltaire và Rousseau; sự đối lập thể hiện rõ nét lý trí và đam mê, lý luận và tín ngưỡng, sắc sảo và thành thực, khôn ngoan và tự nhiên... Ðến thế kỷ hai mươi, hình tượng Janus trí thức hai mặt nổi bật nhất của nước Pháp là đối lập giữa Raymond Aron và Jean-Paul Sartre: họ là những người đương thời với nhau, lại đồng tuế, đồng môn, là bằng hữu thân thiết một thời, sinh vào năm 1905 và lần lượt qua đời vào những năm 1983 và 1980, đồng thời là đối thủ quyết liệt của nhau, song điều tiêu biểu nhất là thể hiện hai cực của những tranh luận trí thức sôi nổi của cả một thời đại. Ðã có nhiều công trình viết về cặp trí thức đối lập này [1] vì họ là những nhân vật nổi tiếng của thế kỷ, như những đánh giá: “Khi Raymond Aron mất vào năm 1983, ông đã hoàn tất một biểu tượng duy nhất trong đời sống công cộng của Pháp. Hầu như ông được mọi người thán phục và kính trọng; những bài viết và ý kiến của ông đã lên tới tầm mức gần như khuôn vàng thước ngọc qua suốt một lãnh vực bao la của công luận, hàn lâm và trí thức. Là một nhà tư tưởng Pháp kiệt xuất duy nhất của thế hệ, ông đã giữ một vị thế tự do kiên định chống lại mọi âm mưu toàn trị của thời đại, Aron biểu hiện không những cho một biểu tượng liên tục của truyền thống vĩ đại của tư tưởng nước Pháp mà còn là một ngọn đuốc chỉ đường vào tương lai ở một thời kỳ hỗn loạn hoang mang trong cộng đồng trí thức. Chỉ mấy năm trước đây với thế hệ 1968, Aron còn là hiện thân quỷ quái của mọi sai lầm đối với giới trí giả quan cách của nước Pháp, thì từ 1983 – theo ý kiến của nhiều người trong số những người này nay đã vỡ mộng về những ảo tưởng và lý tưởng của họ – Aron đã là nguồn hy vọng tốt đẹp nhất cho việc phục hoạt tư tưởng tự do.” [2] Với Sartre, những hoạt động năng nổ trong nửa sau thế kỷ cùng với những tác phẩm nổi tiếng của ông, có thể thâu tóm trong một câu súc tích của Jacques Audiberti là “một người tỉnh thức trên mọi mặt trận của tri thức.” [3]

Tại sao lại chọn Aron và Sartre để nói về hành trạng kẻ sĩ trong thời đại ở đây? Họ là điển hình của hai vị thế trí thức phức tạp và mâu thuẫn có tính cách phổ quát chung của nhân loại trong thế kỷ vừa qua, nhưng thiết thân đối với chúng ta vì những vấn đề của họ là những vấn đề mà chúng ta hằng quan tâm. Tuy nhiên, với phạm vi hạn hẹp của bài viết, tôi chú ý đến thái độ ứng xử của họ với tư cách kẻ sĩ, hơn là đi sâu vào những tranh biện lý luận.

Ở miền Nam trước năm 1975, Aron có thể là một tên tuổi còn xa la mặc dầu với những bài viết chính trị trên báo Le Figaro và tác phẩm Thuốc phiện của người trí thức (L’Opium des intellectuals) có thể coi như xu hướng “chống cộng”, còn Sartre có vẻ được biết tới cùng với những tên tuổi khác như Camus, Mounier và những chủ nghĩa “nhân vị”, “hiện sinh”, lý do là trong giai đoạn 1954-1963 “chủ nghĩa nhân vị” được chính quyền miền Nam chính thức coi là một hệ tư tưởng chính thống, được truyền bá công khai để chống lại hệ tư tưởng Mác-xít, và Sartre được nói đến nhiều qua một tập sách nhỏ Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản (L’existentialisme est un humanisme) rất gần với quan điểm “nhân vị” (mà chính Mounier đã coi chủ nghĩa nhân vị như một nhánh trên cây phổ hệ của triết học hiện sinh trong tác phẩm Giới thiệu những chủ nghĩa hiện sinh), với một định thức “bản chất có trước tồn tại” được giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu. Người ta đã “thông tục hóa”, thậm chí còn sùng bái Sartre như thánh quan phòng của đời mình (nên đã có một nhà thơ viết một bài phúng thích, trên bìa sau tập san Vấn Ðề là “chỉ có những thằng ngốc mới viết: Sartre trong đời tôi” để châm biếm một giáo sư triết học tự coi là thờ Sartre) tuy có thể không đọc nổi những tác phẩm triết học chính của Sartre như L’Etre et le Néant, Critique de la Raison Dialectique (Aron từng nói đến loại người này trong tập Hồi ký của ông bàn về Hegel mà không đọc chính những tác phẩm của Hegel), nói đến hiện tượng luận, nhưng chưa từng đọc sách của Husserl... Cái hỏa mù ý thức hệ “hiện sinh”, “nhân vị” đã tạo ra một ngộ nhận khi những cán bộ quản lý Viện Triết học miền Bắc vào miền Nam choáng ngợp vì tưởng là những thứ “chủ nghĩa hiện sinh”, “chủ nghĩa xã hội không cộng sản”, “tôn giáo” có ảnh hưởng thực, nên đã dụng công tổ chức một “hội nghị về tư tưởng miền Nam” quanh những chủ đề trên (!). [4]

Hành trạng tư tưởng chính trị của Aron và Sartre có thể xét đến một cách khái quát theo những giai đoạn: 1/ từ thời gian theo học trường Cao đẳng Sư phạm đến kháng chiến chống cuộc chiếm đóng của Ðức quốc xã; 2/ trong cuộc Chiến tranh lạnh giữa hai khối; 3/ biến động tháng Năm 1968; 4/ từ cuộc chiến Algérie đến cuộc chiến Việt Nam.

Khởi sự hình thành tư tưởng của Aron và Sartre có thể đánh dấu từ lúc được chuẩn bị ở Lycée Condorcet (Aron) và Louis-le-Grand (Sartre) để nhập trường Cao đẳng Sư phạm đường Ulm (đối với người Pháp, cùng với trường Bách nghệ/Polytechnique là trường lớn thế giá nhất của nền Cộng hòa) vào năm 1924, nơi đây họ trở thành những sinh viên triết học ưu tú cùng với những khuôn mặt sáng giá sau này như Lagache, Nizan và Canguilhem đồng khóa, Sartre, Aron và Nizan là bộ ba thân thiết và thường gọi nhau là bạn nhỏ (petits camarades). Trong thời gian theo học ở đường Ulm, Aron đã tham gia phong trào xã hội, như ông xác định trong bài viết tưởng niệm Alain sau này trên tạp chí NRF năm 1952 là “vào thời bấy giờ, cũng như đa số những bạn học sư phạm không theo đạo Thiên chúa, tôi có xu hướng khuynh tả và tự coi là người theo chủ nghĩa xã hội”, trái lại Sartre là người phi chính trị và không tham gia những vấn đề thời sự, ông mộng trở thành con người triết lý và văn chương, kết hợp cả Spinoza lẫn Stendhal (như Simone de Beauvoir kể lại). Xu hướng xã hội của Aron có thể ghi nhận rõ trong bài điểm cuốn sách Bên ngoài chủ nghĩa Mác (Au-delà du marxisme) của Henri de Man năm 1931, ông viết “chủ nghĩa xã hội phải chuyển biến lại thành một thực thể tinh thần” như báo hiệu hai chủ đề chính trong những tác phẩm sau này của ông là quan hệ đối với chủ nghĩa Mác và văn minh công nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, cả hai cùng có cơ hội làm việc cho Học viện ở Berlin, trong thời gian lưu lại ở đây, tiếp cận với tư tưởng Ðức, Aron chú tâm đến văn hóa Weimar và hệ thống tư tưởng của Dilthey, Rickert, Simmel và Max Weber, trong khi Sartre theo lời khuyên của Aron là người đã ở Ðức trước ông hai năm, chú trọng đến Heidegger và hiện tượng luận của Husserl. Cũng từ kinh nghiệm này, Aron đi vào con đường triết học về Lịch sử, ngoài hai ngả đường có ảnh hưởng với những học viên của trường Cao đẳng cùng thế hệ là dân tộc học với Marcel Mauss, Paul Rivet và xã hội học với Célestin Bouglé, con đường suy tư tự lập của ông đã dẫn đến thành quả là những tác phẩm Xã hội học Ðức hiện đại (1935), Dẫn vào triết học về Lịch sử (1938), Luận về một lý luận lịch sử trong nước Ðức hiện đại (1938) của ông trong thời gian này và một cái nhìn sâu sắc về tương lai chính trị khi Hitler nắm chính quyền. Từ tham vọng bành trướng của Ðức Quốc xã cho đến khi phát động cuộc chiến đã làm thay đổi cái nhìn của một người theo chủ nghĩa hòa bình như Aron hoặc thức động tinh thần phi chính trị của Sartre, như chính họ xác nhận: “Chiến tranh thực sự đã chia cuộc đời tôi làm hai... Ðiều đó thực sự là con đường đi từ tuổi trẻ sang tuổi trưởng thành. Ðồng thời, chiến tranh khiến tôi phát hiện ra một số góc cạnh về chính tôi và thế giới.” [5] , và “Tôi vẫn còn ghi nhận mãi mãi rằng kinh nghiệm này đã khiến tôi thiên về một chủ nghĩa bi quan tích cực. Dứt khoát từ đây tôi không còn tin tưởng là Lịch sử tuân thủ những mệnh lệnh của lý trí và những khao khát của những người thiện chí nữa.” [6] Khi nước Pháp bị chiếm đóng, cả hai đã trở thành những người tích cực nhập cuộc với Kháng chiến và khi nước Pháp được giải phóng, họ đã cùng đứng chung với nhau trong một tờ báo mang tên Thời Mới (Les Temps Modernes) ra mắt vào tháng Mười năm 1945 trong khung cảnh thời Giải phóng, nhưng cũng từ giai đoạn hậu chiến này, hai “người bạn nhỏ” trở thành kẻ thù của nhau trong suốt ba mươi năm. Sự chia rẽ không thể hàn gắn này bắt nguồn từ sự đối lập tư tưởng đến thái độ chính trị khởi từ Chiến tarnh lạnh giữa hai khối. Sartre từ bỏ thái độ phi chính trị để nhập cuộc, như ông viết trong Văn học là gì?: “Trách nhiệm và bổn phận của chúng ta là xã hội vừa đặt để trên lưng chúng ta” và chọn lựa của ông là “bạn đồng hành” (compagnon de route) với đảng cộng sản. Trong những đàm thoại sau này do Simone de Beauvoir ghi lại thì Sartre ghi nhận là trong những cuộc gặp gỡ nói chuyện, họ không còn đồng thuận với nhau nữa. Chủ yếu là thái độ đối với hai khối, như Simone thuật lại là “Aron nói không thích Mĩ cũng không thích Liên Xô, nhưng trong trường hợp xẩy ra chiến tranh, ông sẽ liên kết với phương Tây, còn Sartre đáp là ông không khoái chủ nghĩa Stalin hay Mĩ, nhưng nếu chiến tranh bùng nổ, ông đứng về phía cộng sản.” [7] Việc tiến lại gần với người cộng sản của Sartre không hẳn là một giao hảo hữu nghị. Những triết gia của đảng cộng sản Pháp như Roger Garaudy, Henri Lefebvre phê phán gắt gao chủ nghĩa hiện sinh của Sartre, chẳng hạn Garaudy gọi Sartre là một tiên tri giả của một thứ triết học phản động, hay Lefebvre cảm thấy chủ nghĩa hiện sinh có một cái gì đáng tởm; Lefebvre còn đả kích một người bạn thân thời Cao đẳng của Sartre là Paul Nizan (ra khỏi đảng cộng sản để phản đối hiệp nghị giữa Ðức Quốc xã và Liên xô năm 1939, bị tố cáo là phản bội, hợp tác với Quốc xã và bị người Ðức giết vào năm 1940) mà chính Sartre cùng với nhiều trí thức khác lên tiếng bênh vực. Aleksander Fadeiev, Tổng thư kí Liên hiệp các nhà văn Liên Xô trong “Hội nghị thế giới những trí thức để bảo vệ hòa bình” tại Wroclaw, Ba Lan đã đả kích phe phản động cùng những tác phẩm của Sartre, Miller, Eliot, Malraux. Thái độ trung lập đến chỗ đồng hành với đảng cộng sản của Sartre và một số bạn hữu không hẳn là một chọn lựa chính trị, như họ từng bị dao động trong cuộc chiến tranh lạnh này, qua tự thuật của Simone de Beauvoir vào thời bấy giờ: “Quả thật người ta nói nhiều về một cuộc chiếm đóng của Nga. Sau khi quân đội Mỹ tràn qua vĩ tuyến 36 (sic), sau khi “chí nguyện quân” Trung quốc tràn vào miền Bắc Cao ly và không quân Mỹ oanh tạc Bình Nhưỡng, Mỹ tuyên bố động viên, Mac Arthur muốn bỏ bom xuống Trung Quốc, lúc bấy giờ Liên Xô can thiệp... Trong trường hợp xẩy ra chiến tranh, Hồng quân có thể mau chóng xâm lăng châu Âu tới tận Brest: lúc đó ra sao? Francine [vợ của Albert Camus] nói với chúng tôi: ngày mà người Nga tràn vào Paris, chị sẽ tự sát với hai đứa con… Tôi không thắc mắc chuyện đó cho đến khi gặp Camus, chính ông ta hỏi Sartre: “Anh có nghĩ điều gì xảy ra cho chúng ta khi người Nga đến đây?” ông ta nói vẻ nghiêm trọng: “Ðừng ở lại!”, Sartre hỏi: “Còn anh, anh tính ra đi?” Camus trả lời: “Tôi sẽ làm những gì đã làm trong thời Ðức chiếm đóng” [Camus tham gia Kháng chiến chống Quốc xã]... Tuy nhiên Camus với một giọng nhiệt thành khuyến cáo Sartre: “Anh nên đi. Nếu anh ở lại, không những họ giết anh mà còn tiêu diệt danh dự anh nữa. Anh sẽ chết trong tù đày.” Cuối chương sách, Simone kể là đã viết thư cho em gái với lời lẽ: “Giữa cái đê tiện của Mĩ và cuồng tín của Cộng sản, không biết còn nơi nào cho chúng ta trên thế giới này.” [8] Tuy nhiên, Sartre xác định sự chọn lựa đồng hành với đảng cộng sản Pháp: “Quan điểm của tôi đã biến chuyển. Tôi khẳng định người nào chống cộng là chó má... Tôi viết ngày đêm phần thứ nhất của loạt bài Những người cộng sản và hòa bình” sau những vụ Jacques Duclos (bị bắt vì biểu tình cộng sản chống lại việc tướng Ridgway đến Pháp để nhận chức chỉ huy trưởng lực lượng phòng thủ Bắc Ðại tây dương)”, loạt bài này xuất hiện năm 1952 chứng tỏ Sartre đứng trong hàng ngũ ủng hộ Liên Xô, không tin có những trại cải tạo, tù đày ở Liên Xô, không đồng tình với những lời lên án Liên Xô không có những quyền tự do, khi viết: “Dầu bản chất của xã hội Liên xô ngày nay thế nào đi nữa, về mặt đại thể Liên Xô, trong thế cân bằng giữa các lực lượng, đứng về phía những người chống lại những hình thức bóc lột mà chúng ta đều rõ.”

Sự chia rẽ rõ rệt như chính Simone de Bauvoir xác định “khi người ta không đồng ý với nhau về mặt chính trị thì không thể còn là bạn bè với nhau nữa.” Quan điểm của Aon thực ra đã rõ ngay từ trong những bài viết từ 1937, ông đã đưa ra từ ngữ “Những Nhà nước toàn trị” để chỉ có nhiều điểm chung trong mọi chế độ toàn trị như ở Ðức quốc xã và Liên Xô, cũng đánh dấu chuyển hướng từ theo chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tự do. Ông viết: “mọi chế độ dầu thế nào cũng phải bảo đảm cho mọi cá nhân cái tối thiểu về an sinh kinh tế,” bảo vệ chủ nghĩa đa nguyên và những tự do, ông phê phán những “tư kiến của những người khuynh tả”. Ông chỉ ra hạt nhân trong cuộc tranh luận là Lịch sử vì “với những gì người mác xít quan tâm, cầu tới huyền thoại duy vật không phải chỉ có những lý do Sartre đưa ra. Huyền thoại duy vật hàm ngụ một chủ nghĩa tất định lịch sử tất yếu dẫn đến chế độ xã hội không còn giai cấp. Người ta tưởng tượng ra một tất yếu lịch sử tự nó thể hiện ý nghĩa của Lịch sử” từ bài viết 1948, thời điểm chỉ rõ sự đoạn tuyệt giữa Sartre và Aron. Ngay từ mùa xuân 1947, Aron giã từ báo Combat sang cộng tác với Le Figaro và trong ba mươi năm đó ông đã viết 2299 bài trên tờ báo này. Những tác phẩm như Cuộc Ly cách lớn (Grand Schisme), 1948 chỉ ra Aron là một nhà phân tích chính trị nổi tiếng và là một trí thức nhập cuộc: “Ðối với một phe phái vừa mang tính hiếu chiến và tín ngưỡng áp dụng chặt chẽ nguyên tắc: kẻ nào không theo ta là chống ta, thì chỉ có một thái độ đáng kính duy nhất là nhất trí toàn diện hay phủ nhận tuyệt đối. Không có thái độ nửa vời.” Trong một tác phẩm khác, Thuốc phiện của người trí thức (L’Opium des intelectuels), 1955 khi phân tích những huyền thoại của trí thức khuynh tả, ông không nhằm đối thoại với người cộng sản, mà để phê phán thái độ của những người khuynh tả như Sartre “thường thất lạc trong chính trị”, và ở đó ông muốn chỉ ra là “Liên Xô với những gì đang xẩy ra như những trại tập trung cải tạo, chủ nghĩa độc tài, tham vọng bành trướng không phải là lỗi của Stalin, nhưng bởi vì tự căn nguyên, là một quan niệm về vận động cách mạng phải dẫn đến tình trạng như vậy tại Liên Xô và đó chính là điều Sartre không thể chấp nhận vì nói động đến phong trào xã hội chủ nghĩa là động chạm đến một cái gì cốt tủy đối với Sartre, mà quả thật nhiều lần Sartre viết: “Người ta chỉ có thể kết án Liên Xô nếu người ta tham gia phong trào xã hội chủ nghĩa, tham gia vào vận động cách mạng.” Anh ta đã viết “Tất cả những người chống cộng là chó.” Vì không phải là người cộng sản nên anh ta coi mình về mặt đạo đức là có tội nếu chống cộng.” Theo Aron, chống cộng khi người ta không là người cộng sản là một điều tự nhiên vì vào bấy giờ, người cộng sản thường nói “hoặc anh theo chúng tôi, hoặc anh chống chúng tôi”, cho nên theo ông cũng tự nhiên như nói: “Vì chúng ta không theo họ, vì chúng ta phán đoán họ đáng ghét, nên chúng ta chống”, nhưng Sartre lại cho là “Anh không có quyền phê bình phong trào cộng sản, vì anh ở ngoài. Anh phải có cảm tình với phong trào mới có quyền sửa sai.” Theo như Aron “nghĩ là phong trào ngay từ khởi điểm đã dẫn đến những kết quả như vậy, chắc chắn tôi không thể chấp nhận việc cấm phê bình.” [9] Theo Aron, Sartre đứng về phía những người phò chủ nghĩa xã hội, thù nghịch chế độ dân chủ đại nghị, cho nên khi phong trào cấu trúc luận nở rộ vào những năm 60, Sartre gọi đó là “một thứ hệ tư tưởng mới của giai cấp tư sản chống lại chủ nghĩa xã hội.”

Năm 1956, bản báo cáo của Khrouchtchev đọc trong Ðại hội Ðảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX lên án “việc sùng bái cá nhân” cùng với những sai lầm nghiêm trọng của Stalin đã làm sững sờ những người “khuynh tả không cộng sản” còn mơ hồ về những thực tế ở bên kia “bức màn sắt” khiến Sartre thú nhận: “Phải, cần phải biết điều gì người ta muốn, cho đến chỗ nào người ta muốn đi, đảm nhận những cải cách mà trước tiên không nên bố cáo tùm lum, mà phải thực hiện một cách tuần tự. Từ quan điểm này, lỗi to lớn nhất có lẽ là báo cáo Khrouchtchev vì theo tôi, tố cáo công khai và nhiệt thành, trình bày cặn kẽ mọi tội ác của một nhân vật thần thánh đã biểu hiện khá lâu cho chế độ là một điều điên rồ nếu một việc trung thực như vậy không thể khả hữu bởi một việc nâng cao trước tiên và đáng kể trình độ đời sống quần chúng... Nhưng kết quả là phát hiện chân lý cho đám đông không sẵn sàng tiếp nhận. Khi người nhìn ở một góc cạnh ở nước Pháp chúng ta, báo cáo đó đã làm rung động những người trí thức và công nhân cộng sản, thì người ta hiểu làm sao người Hung chẳng hạn thiếu sửa soạn để hiểu câu chuyện kinh khủng về những tội ác và sai lầm này mà không được giải thích, phân tích lịch sử, hay thận trọng.” Aron không ngỡ ngàng về nội dung của báo cáo, ông chỉ nhận xét: “Chân lý thường không đúng mức, những chuyện ghê gớm của những chế độ chuyên chính lại vô độ quá mức.”Kíp đến biến cố mùa thu năm này khi Liên Xô đem xe tăng can thiệp vào nội tình Hungari, Aron ký tên vào thỉnh nguyện thư của Hội nghị tranh đấu cho tự do văn hóa cùng vói những tên tuổi như Karl Jaspers, Salvador de Madariaga, Bertrand Russell “nhân danh ý thức phổ quát” yêu cầu Liên hiệp quốc có những biện pháp cấp thời để cứu nền tự do và độc lập của dân tộc Hung và bảo đảm bảo vệ dân tộc này trước sự đàn áp tàn bạo và khủng bố của quân đội Liên Xô”, Sartre và bạn bè cũng ký một thỉnh nguyện thư “chống sự can thiệp của Liên Xô”, lên án “việc sử dụng đại bác và xe tăng để phá sự nổi dậy của dân tộc Hung và ý chí độc lập của họ”, nhưng thỉnh nguyện thư này nhân danh “chủ nghĩa xã hội” để bài xích những trí thức theo chủ nghĩa tự do.

Từ sau thỉnh nguyện thư này, Sartre công khai đoạn tuyệt với đảng cộng sản Pháp vì “mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của những người lãnh đạo đảng vào lúc này là kết quả của ba mươi năm dối trá và khép kín” mặc dầu không lâu trước đó ông ca ngợi “sự thông minh khách quan ngoại hạng” của đảng cộng sản Pháp cùng với kết luận là “hiếm khi nào đảng sai lầm”. Từ biến cố lịch sử này, Sartre đi đến kết luận là “điều mà dân tộc Hung dạy cho chúng ta với xương máu của họ, chính là sự phá sản toàn bộ của chủ nghĩa xã hội như một món hàng nhập khẩu từ Liên Xô.” Sự đả kích trực tiếp này đánh động đến những người đồng hành và cả những trí thức trong đảng, khiến những người lãnh đạo đảng phải phản ứng quyết liệt, mục tiêu nhắm vào Sartre và những người bị khai trừ khỏi đảng như Garaudy, Lefebvre, gọi họ là “bọn sâu bọ và đồng bọn” (trên báo L’Humanité của đảng) muốn gậm nhấm đảng từ bên trong, hay Waldeck Rochet bồi tiếp cũng trên tờ báo này là “ngày nay Sartre tấn công và phỉ báng đảng chúng ta cùng với mấy phần tử cơ hội chủ nghĩa trong đảng đã nối gót y” và kết luận là “ở mọi giai đoạn lớn trong lịch sử đảng, trong những thời điểm khó khăn, thường thấy một số phần tử tiểu tư sản, tự bản chất là hay hoảng hốt, đầu hàng trước áp lực của kẻ thù giai cấp.” Ðảng cộng sản Pháp không bao giờ quên và tha thứ cho thái độ của Sartre, nên trong biến động tháng Năm 1968, cũng trên tờ báo đảng người ta đọc thấy: “Khi phát biểu ở Sorbonne trước sinh viên, Jean-Paul Sartre đã đưa ra ý kiến của ông ta về đường lối chính trị mà đảng ta theo đuổi từ thời Giải phóng: ‘Một lịch sử dài và buồn thảm.’ Sau khi đã tuyên dương “thái độ đáng ngưỡng mộ” của những người cộng sản trong cuộc Kháng chiến, ông ta phê bình họ đã không theo đà nắm lấy quyền lực trong năm 1945... Chúng ta biết là Jean-Paul Sartre thực tình chống phát xít. Ðó là một điểm chung giữa chúng ta và ông ta. Nhưng, nếu chúng ta không lầm thì ông ta chẳng có vai trò quan trọng gì trong tổ chức du kích chống lại bọn chiếm đóng. Ðã không góp phần vào cuộc chiến vũ trang vào lúc đó là một nghĩa vụ dân tộc, thật kỳ lạ là ông ta lại trách chúng ta đã không theo đuổi cuộc chiến vũ trang vào lúc nó trở thành một cuộc phiêu lưu. Vì nội chiến không phải là một hội chợ và cũng không tất yếu dẫn đến chủ nghĩa xã hội.” [10]

Cuộc chiến tại Algérie với mục tiêu giải thực, đòi độc lập cho Algérie lại một lần nữa đưa Aron và Sartre đến gần nhau trong cuộc hội họp phản đối chiến tranh, nhưng cũng không đưa họ đến chỗ đồng thuận. Từ sau vụ Liên Xô xâm lăng Hungari chấm dứt cuộc đồng hành với người cộng sản, Sartre đổi địa bàn hy vọng vào cách mạng chuyển qua Thế giới thứ Ba như Cuba, Việt Nam, Trung quốc và gần cận là Algérie. Nếu như trước đây ông tuyên bố là có tự do phê bình ở Liên Xô, thì giờ đây ông tin là “chế độ do cách mạng Cuba thực hiện là một nền dân chủ trực tiếp”, và thiên về bạo động, như ông hô hào trong lời tựa cuốn sách Những kẻ bị đày đọa trên mặt đất của Frantz Fanon là “trong buổi đầu của nổi loạn, cần phải giết. Hạ một người Âu, là liệng một viên đá giết hai chim, vừa đồng thời tiêu diệt thống trị và bị trị.” [11] Có khác biệt sâu sắc giữa Sartre, một người bị coi là “vô chính phủ” với Aron là “người theo chủ nghĩa tự do”, trong những năm giảng dạy tại Sorbonne và Học viện Pháp quốc với những giáo trình phân tích xã hội hiện đại, nhằm “chứng thực chủ nghĩa tự do về mặt chính trị và trí thức”. Aron đã chỉ ra truyền thống xã hội học từ Montesquieu cũng như Alexis de Tocqueville và Max Weber đã chứng thực chủ nghĩa tự do qua phân tích xã hội học, và điều cơ bản là khởi từ việc nghiên cứu những xã hội kinh tế hiện đại, ông nhìn ra “đâu là những hiểm họa rút ra từ việc tập trung mọi quyền lực trong tay một đảng duy nhất”.

Nếu trong cuộc chiến Algérie, cả Sartre lẫn Aron đều bị bọn khủng bố OAS (chủ trương duy trì quyền lực thực dân) đe dọa tới tính mạng, thì trong cuộc chiến Việt Nam thái độ của họ lại khác. Ngay từ những tháng đầu ăm 1965, khi lực lượng quân sự Mĩ đổ bộ lên Ðà Nẵng, Sartre cùng với một số trí thức đã ký những tuyên ngôn kêu gọi lập một phong trào tranh đấu chống lại chính sách Mĩ ở Việt nam, trong mùa Xuân năm sau, họ ra một kêu gọi tố cáo sự chiếm đóng của Mĩ ở Việt Nam. Sartre là một thành viên của tòa án Russell xử những tội ác chiến tranh ở Việt Nam, với khẩu hiệu “người [hiểu là người cộng sản] Việt chiến đấu vì mọi người và lực lượng quân sự Mĩ chiến đấu chống lại tất cả mọi người”, cũng Sartre vào những năm cuối đờI đã đứng về phía thuyền nhân (boat people), cho nên Sirinelli đặt câu hỏi: những cuộc tranh đấu trong liên tục một đời vì những người này, luôn luôn nhân danh công lý và chống lại áp bức, những tranh đấu dưới dấu chỉ mâu thuẫn vì những người khác, bởi vì sự hiện hữu của thuyền nhân mâu thuẫn tương phản với sự kiện là người [cộng sản] Việt chiến đấu “vì mọi người”. [12] Với góc nhìn của chủ nghĩa tự do, Aron bầy tỏ thái độ, từ cuốn sách năm 1973 đến Hồi ký sau này là: “Vào năm 1965 hay 1968, hiện diện một chế độ Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam đối vói tôi vẫn đáng ưa hơn là chế độ chuyên chính ở miền Bắc.” [13]

Ngày 20 tháng Sáu năm 1979, Sartre và Aron cùng đứng trên một diễn đàn ở khách sạn Lutétia để biện hộ cho “thuyền nhân” trong sáng kiến tổ chức “một con tàu cho Việt nam” để cứu vớt những người vượt biển tìm tự do lênh đênh trên biển Ðông. Người ta ghi nhận một sự biến trong lịch sử trí thức nước Pháp là hai kẻ đối đầu thù nghịch suốt ba mươi năm đã hòa giải với nhau trong mục tiêu tranh đấu cho quyền của con người: cái bắt tay và tiếng gọi nhau là “bạn nhỏ” thân quen năm xưa.

Ðến cuối đời họ, khi nắp quan tài đã đóng lại, người ta vẫn thắc mắc với công luận đương thời về hai mẫu mực trí thức này là “tại sao người ta vẫn thích đứng về phía Sartre sai lầm, hơn là đứng về phía Aron hữu lý?” Phải chăng vì tài năng sáng tạo của Sartre (thật hổ thẹn cho những kẻ không có tài cán văn chương muốn tự nhận là đệ tử của Sartre), với một Aron minh triết nhưng mãi cô đơn (je me sentais solitaire, như chính ông thừa nhận)?

Cô đơn, cũng là tâm thức của người trí thức trước bạo lực. Khi đọc lại Trần Ðức Thảo trong tác phẩm Vấn đề con người và chủ nghĩa “Lý luận không có con người”, người ta thấy sự phê phán Louis Althusser chỉ là cái cớ, điểm chính yếu như ông bày tỏ trong Lời Tựa là:

“Trong mọi vấn đề xã hội, quan điểm giai cấp là hoàn toàn đúng và cần thiết. Nhưng cũng có trường hợp mà quan điểm giai cấp, dù là căn bản, nhưng không đủ khả năng giải quyết. Ví dụ như một người bị quy oan, [tôi nhấn mạnh - ÐPQ] coi như không còn trong hàng ngũ nhân dân. Trong trường hợp như thế thì phương diện thành phần giai cấp, người ấy không còn chỗ nào đứng trong xã hội, do đó thì cũng không thể nào thanh minh. Vì anh có thể nói bất cứ cái gì, tiếng nói của anh bị coi như tiếng nói của kẻ thù, hoặc hầu như tiếng nói của kẻ thù. Dù anh có nói đúng thì cũng không ai kể đến. Không ai lại có thể tự nhận cho mình cái nguy cơ bị coi như liên quan với kẻ thù. Trong tình cảnh như thế, thì chỉ còn có danh nghĩa con người là có thể bảo đảm cho người bị quy oan một chỗ đứng tối thiểu, để tự thanh minh. Bất kỳ người nào cũng là một con người. Và không ai có thể tước đoạt cái danh nghĩa ấy của bất kỳ ai... Nói dân chủ hóa thì có nghĩa trước hết là bảo đảm đầy đủ quyền dân chủ cho người công dân, khắc phục cái tình trạng cô lập hóa những người bị quy oan, đưa đến chỗ mọi người sợ bị quy oan. Ðấy là lý do vì sao vấn đề dân chủ hóa là gắn liền với vấn đề con người theo nghĩa chung của loài người, quyền con người nói chung.” [14]

Cuộc đời Trần Ðức Thảo ra sao, ai cũng rõ. Tôi không biết thông điệp nhắn nhủ này của ông, những người trí thức Việt Nam khác có lỗ tai để nghe không?


© 2004 talawas



[1]Chỉ kể ở đây vài tài liệu đáng chú ý: Sartre et Aron, Deux Intellectuels dans le siècle, 1995 của Jean-François Sirinelli người chuyên khảo về trường Cao đẳng Sư phạm, những học trò của trường này và những trí thức nói chung của nước Pháp, Les Petits Camarades. Essai sur Jean-Paul Sartre et Raymond Aron, 1987 của Etienne Barilier, một công trình khác là tiểu luận Jean-Paul Sartre and Raymond Aron của James D. Wilkinson in trong tập san Salmagundi, số đặc biệt về Trí thức, số 70-71 Xuân-Hạ 1986. Những tư liệu chính khác mà tôi tham khảo là cuốn Mémoires của Aron, những cuộc nói chuyện với J-L. Missika và D. Wolton của R. Aron, bộ Situations của Sartre, những thư tín của Sartre với nhiều người, những bộ Tự truyện của Simone de Beauvoir, những tác phẩm triết học và chính trị của Aron và Sartre.
[2]X. Tony Judt, The Burden of Responsibility: Blum, Camus, Aron and the French twentieth century, 1998.
[3]Dẫn bởi Annie Cohen-Solal, Sartre, 1985.
[4]Sartre và chủ nghĩa hiện sinh thực ra đã được nói đến ngay từ những năm đầu thập niên 50s dưới ngòi bút Triều Sơn, tác giả tiểu thuyết Nuôi Sẹo và những bài thơ tự do đầu tiên trên văn đàn tạp chí Ðời Mới (x.b. ở Saigon do Trần văn Ân và Hồ hữu Tường chủ trương). Quan niệm chủ nghĩa hiện sinh có ảnh hưởng trong nếp sống xã hội và văn học miền Nam là một giả tưởng. Như sự sa ngã vì phụ nữ của mấy nhà tu Viện trưởng Ðại học có phải là do tiêm nhiễm tư tưởng hiện sinh không? Những sinh viên, thanh niên vào bưng theo cách mạng, như chỗ tôi nhận xét, không phải vì ảnh hưởng sách báo viết về hiện sinh, mà do kế thừa tinh thần đi làm cách mạng lãng mạn kiểu Dũng trong tiểu thuyết Ðôi Bạn của Nhất Linh (tôi còn nhớ trong những năm đầu 70s, một “sinh viên tranh đấu” đến gặp tôi vào 10 giờ đêm, cỡi xe gắn máy, đầu đội mũ sùm sụp, mặc áo tơi, đeo kính đen để nói chuyện về cuộc xuống đường biểu tình vào ngày hôm sau – hình ảnh đẹp lãng mạn như người trong Hội kín thời Pháp thuộc, nhưng thực liều lĩnh vì dễ bị để ý, nhất là vào lúc thành phố giới nghiêm 11, 12 giờ đêm thời bay giờ) và hoạt động trí vận hữu hiệu của Mặt trận như kinh nghiệm mà giáo sư triết học Nguyễn văn Trung kể ra đây: “Tôi biết Vũ Hạnh, Lữ Phương nằm vùng, Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc, TinVăn do mặt trận dựng lên... nhưng vẫn chấp nhận tham gia, cũng như nhiều người khác. Tôi còn giữ danh sách các vị trong LLBVVHDT và Ủy ban Vận động Cải thiện Chế độ Lao tù miền Nam Việt Nam có cả gần 100 vị trong Cố vấn đoàn, Chủ tịch đoàn, chỉ kể mấy vị nổi tiếng như Luật sư Trần văn Tuyên, nguyên Phó Thủ tướng, Bác sĩ Trần ngọc Ninh, nguyên Bộ trưởng Giáo dục, dân biểu Hổ hữu Tường, giáo sư Lê hữu Mục, luật sư Bùi chánh Thời, bác sĩ Nguyễn đan Quế, giáo sư Lê doãn Kim, giáo sư Ðặng phùng Quân, các Linh mục, Thượng tọa như Thích đức Nhuận, chánh thư ký viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, TT. Thích Mãn Giác, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên Phâät tử, TT. Thích Pháp Lan Chánh Ðại diện Tỉnh Giáo hội Phật giáo Gia định... Linh mục Chân Tín khi làm Chủ nhiệm báo Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp chống Cộng rõ rệt, nhưng khi làm tạp chí Ðối Diện thay đổi lòng, chuyển sang chống chống Cộng và được mời tham gia Ủy ban nói trên với tư cách Phó Chủ tịch.” (X. Nguyễn văn Trung, “Ðôi điều trao đổi...”, Tạp chí Văn Học, số 124, tháng 8 năm 1996 xuất bản ở Mỹ).
[5]X. Sartre, “Tự họa chân dung ở tuổi bẩy mươi” trong Situations X, 1976.
[6]X.Aron, Leçon inaugurale au Collège de France, 1970.
[7]X. Simone de Beauvoir, La cérémonie des adieux, suivi de Entretiens avec J-P. Sartre, 1981.
[8]X. Simone de Beauvoir, La force des choses, 1963.
[9] X. Raymond Aron, Le spectateur engagé, 1981.
[10] Dẫn trong Mai 1968 en France, 1970 của Jean Thibaudeau.
[11]X. Alain, Renaut, Sartre, le dernier philosophe, 1993.
[12]X. J.-P. Sirinelli, Sách dẫn tên.
[13]X. Raymond Aron, La république impériale, 1973; Mémoires, 1983.
[14]Trần Ðức Thảo, sách dẫn trên, 1988 (In lần thứ hai, 2000).