trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
28.4.2002
Nguyên Ngọc
Ðôi điều về chuyện dịch
 
Mãi rất gần đây, tôi mới được biết đến Talawas. Tôi thấy đây là một diễn đàn thú vị, rất có ích. Xin hoan nghênh, cám ơn các bạn đã chủ trương. Và xin thử tham gia cùng các bạn, bắt đầu bằng đôi suy nghĩ chung quanh câu chuyện dịch.

Mấy năm vừa qua, tôi có dịch một số cuốn sách, đều là từ tiếng Pháp: mấy cuốn tiểu thuyết, dịch vì thấy thích; mấy cuốn lý luận văn học, dịch vì thấy cần. Có lẽ ở Việt Nam hiện nay, việc dịch và giới thiệu các sách lý luận văn học còn cần thiết hơn là dịch tiểu thuyết, nhất là các loại tiểu thuyết bestseller đang tràn ngập trên các quầy sách khắp nước bây giờ. Ai cũng biết, do nhiều nguyên nhân khác nhau, lý luận văn học trong nước chậm so với ngoài nước không biết nên nói là bao nhiêu năm. Và tất nhiên đó là cản trở lớn.

Theo tôi, dịch hai loại sách này có chỗ khá khác nhau.

Tôi cho là dịch tiểu thuyết bắt đầu trước hết bằng chính quan niệm về tiểu thuyết, thế nào là tiểu thuyết. Roland Barthes có một định nghĩa rất hay. Ông nói: Tiểu thuyết là “một kiểu hình chiếu phẳng của một thế giới cong và nối liền”. Nói nôm na, thế giới (tức cuộc đời) thì lồi lõm, gập ghềnh, lộn xộn, quanh co, khúc khuỷu, như trái đất của chúng ta vậy, có Hymalaya cao trên 8.000 mét, có hố thẳm ở Thái Bình Dương sâu hơn 10.000 mét, tức nó là không gian ba chiều, ấy là chưa nói đến chiều thứ tư nữa: thời gian. Proust và Joyce đã cố thăm dò cái chiều thứ tư này. Hoặc còn có thể có nhiều chiều khác nữa mà hình như bằng một trực cảm nào đó chúng ta cũng có thể cảm nhận. Vậy mà cái thế giới lồi lõm gập ghềnh bao nhiêu là chiều sống động và phức tạp đó lại phải được chiếu, chỉ được chiếu bằng các con chữ, dòng chữ tuyến tính trên trang giấy chỉ có hai chiều. Cho nên, theo tôi công việc của nhà tiểu thuyết chính là làm cái trò ảo thuật này: dựng nên một thế giới đa chiều bằng toàn những phương tiện chỉ tuyệt đối hạn chế có hai chiều. Ai không biết làm được cái trò ảo thuật đó thì không thể trở thành nhà tiểu thuyết. Và mỗi nhà tiểu thuyết đều có cái thuật riêng của mình, mỗi cuốn tiểu thuyết đều có cái thuật riêng của nó để chơi cái trò huyền ảo đó.
Dịch tiểu thuyết vì vậy thật khó khăn (tất nhiên là dịch hay). Ở đây mà chỉ dịch nghĩa, dù là dịch nghĩa tuyệt đối chính xác từng từ, từng câu, thì chưa là gì cả. Anh sẽ chỉ đem đến cho người đọc một mặt phẳng hai chiều, tức là một mặt phẳng chết, một thế giới chết. Một cái xác, có thể đúng là cái xác của sinh vật từng sống (là cuốn tiểu thuyết nguyên bản) đó, nhưng chỉ còn là cái xác vô hồn của nó thôi.
Theo tôi, người dịch tiểu thuyết trước hết phải tự mình khám phá ra, “cảm” cho ra được cái thuật dựng nên thế giới đa chiều riêng của từng tác giả, từng tác phẩm, cái thuật riêng làm nên chính nhà văn đó chứ không phải nhà văn khác, tác phẩm đó chứ không phải tác phẩm khác. Ðấy là Céline chứ không phải Quenaud, Faulkner chứ không phải Hemingway, Ionesco chứ không phải Yourcenar, Houllebecq chứ không phải Marcel Aymé... Ai cũng biết điều quan trọng nhất đối với một nhà văn không phải là ông ta viết cái gì, chuyện gì, mà là là ông ta viết như thế nào. Chính cách viết như thế nào đó bộc lộ cách nhìn thế giới của ông ta. Ông ta bày tỏ cái cách nhìn thế giới đó bằng cái thuật riêng của ông ta trong việc dựng lên trong tiểu thuyết của mình một thế giới đơn nhất nhiều chiều. Và cái thuật đó là do toàn bộ cuộc đời của ông ta, những trải nghiệm sâu xa nhất của ông ta định nên (rất nhiều khi ngoài cả ý muốn của ông ta).
Công việc của người dịch tiểu thuyết chính là phải dịch lại chính cái thuật riêng đó của từng nhà văn, từng tác phẩm bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của anh (trong trường hợp dịch từ tiếng nước người sang tiếng mẹ đẻ). Ðó là một trò chơi vừa cực kỳ lý thú mà cũng cực kỳ khó khăn. Một nghệ thuật.
Vì vậy, điều kiện thiết yếu của người dịch tiểu thuyết là phải giỏi tiếng mẹ đẻ, là một người nghệ sĩ thật sự trong cuộc chơi khó khăn mà kỳ thú với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Anh ta phải thạo đến điêu luyện, tinh xảo tất cả các thứ mẹo phức tạp, lắt léo mà hay ho của ngôn ngữ mẹ đẻ để cũng lại chơi được đúng cái thuật dựng nên một thế giới đa chiều hoàn toàn tương đương với nguyên bản bằng các phương tiện hai chiều của ngôn ngữ mẹ đẻ.
Người ta thường bảo dịch thì phải đạt cho được “tín”. Tôi quan niệm tín là như vậy, tín đúng cái thần riêng của mỗi tác giả, mỗi tác phẩm.
Có lẽ cũng chính vì vậy mà không phải bất cứ ai giỏi ngoại ngữ thì cứ đương nhiên dịch được tiểu thuyết (nhắc lại: tất nhiên là dịch hay). Và ta thường thấy có những nhà văn chỉ chuyên dịch một hay một kiểu, một loại tác giả nước ngoài nào đó mà họ ưa thích, đúng hơn là hợp với họ, có cùng một kiểu thuật dựng thế giới đa chiều gần giống với họ, “đồng điệu” với họ. Baudelaire chỉ dịch Edgar Poe, và dịch rất hay Poe. Ở Việt Nam cũng từng có một ông nhà văn Nguyễn Tuân, không hề biết một chữ tiếng Nga nhất một nào mà lại là người dịch Tchékov hay hơn tất cả các nhà dịch thuật làu làu tiếng Nga.
Tình hình dịch tiểu thuyết ở Việt Nam hiện nay là gần như bất cứ ai biết ngoại ngữ thì đều dũng cảm xông vào dịch cả. Cho nên nhan nhản trên các quầy sách bây giờ là xác của các tác phẩm tiểu thuyết nước ngoài. Hãy tưởng tượng một thị trường sách dịch đầy những cái xác như vậy đem được cái gì đến cho người đọc, và làm hại họ như thế nào, kể cả đối với giới sáng tác. Xin nói thật: nhìn sách dịch đang chen chúc trên các quầy khắp nơi bây giờ, tôi sợ nhiều hơn là mừng.

Còn chuyện dịch sách lý luận thì lại có những nhiêu khê khác. Tôi có cố gắng dịch một cuốn sách của một nhà lý luận nghe nói nổi tiếng là giỏi nhưng cũng nổi tiếng là khó: Roland Barthes. Thấy cần quá cho tình hình lý luận văn học ở ta nên ra sức dịch. Dịch xong, tôi đưa cho một anh bạn tôi là một người rất uyên bác xem. Anh ấy khen hai điều: một là tôi đã chọn được đúng một tác giả và một tác phẩm rất đáng để dịch; hai là tôi đã cố gắng dịch rất sát, rất đúng một cuốn sách rất khó. Khen xong, anh ấy cười, bảo: “Nhưng cho tôi nói thật điều này nhé, đọc Barthes trong nguyên bản tiếng Pháp dễ hiểu hơn đọc bản dịch của anh nhiều!”.
Vậy đó, quả việc dịch sách lý luận (cả lý luận văn học và các thứ lý luận khoa học xã hội khác) ở ta đang có một thực tế như vậy. Chính tôi cũng biết rằng đọc Barthes trong bản dịch tiếng Việt của tôi thì thật rất khó hiểu, thậm chí có những chỗ lần mãi không ra, phải đem đối chiếu lại với nguyên bản tiếng Pháp, mới hiểu: À ra là vậy! Mà khi đem đối chiếu thì thấy người dịch đã dịch không hề sai, và cũng đã cố gắng dịch cho thoát, đã cố gắng Việt hóa đi rồi.
Vì sao mà có tình trạng đó?
Theo tôi đó trước hết là vì sự tụt hậu của tình hình lý luận vặn học và khoa học xã hội nói chung ở nước ta. Có rất nhiều vấn đề, rất nhiều khái niệm đối với thế giới đã là “chuyện thường ngày ở huyện” thì ở nước ta còn hoàn toàn xa lạ, thậm chí đôi khi cả trong giới học thuật. Và do đó quả thật trong tiếng Việt còn thiếu rất nhiều thuật ngữ, và không chỉ thuật ngữ mà cả những cách diễn đạt nữa, để diễn đạt những vấn đề, những khái niệm đó. Trong trường hợp ấy, người dịch thường phải dùng một trong hai cách: hoặc tìm một thuật ngữ tương đương nhưng do quá ít được dùng đến nên trở thành rất khó hiểu đối với người đọc; hoặc tự mình sáng chế ra một từ, một thuật ngữ mới (thông thường là bằng cách ghép hai hay ba từ Hán Việt) để diễn đạt cái mình hiểu và muốn chuyển đạt lại. Chính vì thế mà có cái tình trạng người đọc phải đối chiếu lại nguyên bản để xem cái điều anh muốn dịch đích thực ra là cái gì đây!
Ðúng ra cũng còn một cách thứ ba: không dịch ngay trực tiếp thuật ngữ, ngay khái niệm trong nguyên bản, mà diễn giải lại nó bằng cả một đoạn văn dài, tức là làm cái việc mà người ta gọi là “phổ thông hóa” (vulgariser), đúng hơn là “tầm thường hóa”, “dung tục hóa”, “bình dân hóa” nó đi (chính chữ vulgaire chẳng phải có nghĩa là tầm thường, dung tục là gì?). Và ta hẳn biết một khái niệm khoa học khi đã bị vulgariser thì mất đi biết bao nhiêu là giá trị thực của nó. Riêng tôi, tôi không muốn đi theo con đường này.
Thực ra thì tình hình trên cũng là dễ hiểu đối với tất cả các nước chậm phát triển. Hồi đầu, rồi đến giữa thế kỷ trước, chính ở nước ta cũng đã trải qua một tình hình như vậy rồi, không chỉ trong chuyện dịch khoa học xã hội mà cả khoa học tự nhiên. Và các thế hệ các nhà dịch thuật trước chúng ta đã giải quyết bằng cách nào? Theo tôi, họ đã giải quyết bằng cách cứ thế mà làm, cứ tung ra những thuật ngữ, những khái niệm mới lạ, chưa ai quen, kể cả những cách nói chưa quen nữa, để rồi tập cho xã hội làm quen dần với chúng đi. Dịch thuật là một trong những con đường quan trọng để làm giàu và hiện đại hóa tiếng Việt. Bây giờ chắc cũng vậy thôi.
Nói theo một cách nào đó, đây cũng là một mặt của cái công cuộc khó khăn, lâu dài mà ta gọi là khai hóa. Còn phải tiếp tục khai hóa chứ, biết làm sao khác!