trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
20.9.2004
Hà Nhân Văn L.L.H.
Cái tâm có lãi bằng ba cái tài
 1   2   3   4   5   6 
 
1. Vụ khủng bố bí hiểm

Mấy hôm nay cả nước xôn xao về một hiện tượng chưa từng có. Hàng chục ngàn người cùng một lúc phải đi cấp cứu vì một sự cố bí ẩn. Các nạn nhân, phần lớn là văn nghệ sĩ, trí thức, có vẻ như bị chấn thương tinh thần rất nặng.

Tin dữ lan nhanh ra toàn thế giới. Nước Mỹ lập tức được đặt trong tình trạng báo động. Theo FBI, nhiều khả năng đây là một vụ khủng bố dùng vi khuẩn cúm gà điên H5N2 gây chấn thương thần kinh hàng hoạt. Rất may là loại vũ khí này có kèm theo thuốc giải độc, có giá trị trong vòng 4 tháng kể từ ngày bị trúng thương. Ðiều này đem lại hy vọng cho nhiều nạn nhân đang phải nằm liệt giường và đứng trước nguy cơ tàn tật vĩnh viễn vì chấn thương quá nặng.

Ðiều khó hiểu là tại sao lại là Việt Nam, một nơi hầu như chẳng liên quan gì tới thế giới? Có giả thiết là Bin Laden thử vũ khí mới. Nhưng chính Bin Laden lại tỏ ra mê mẩn thứ vũ khí này khi tuyên bố trên internet là sẵn sàng móc hầu bao 100 triệu USD để mua bí quyết công nghệ.

Ðã hơn 3 tháng trôi đi đầy căng thẳng. Bao nhiêu cảnh sát, chuyên gia đã vào cuộc, nhưng vẫn chưa tìm được một tung tích nào. Chỉ còn hai tuần nữa, nếu không có thuốc giải độc là các nạn nhân sẽ vĩnh viễn bị tàn phế. Các gia đình nạn nhân đã hết lời nài nỉ van xin trên internet, hứa trả những khoản tiền lớn để mua thuốc giải độc. Nhưng vẫn chỉ là “sự im lặng đáng sợ.”

Ðúng vào lúc đã gần như tuyệt vọng thì bỗng xảy ra một hiện tượng hết sức kỳ lạ: các nạn nhân đang nằm liệt giường tự nhiên ngồi dậy rồi đi lại bình thường, lại còn có vẻ khỏe mạnh hơn trước. Họ trông đều phấn chấn hớn hở như vừa trúng số đề hay bán được mảnh đất. Nhưng kỳ lạ hơn nữa là có khoảng chục vị thuộc bậc cây đa cây đề trong giới văn nghệ xưa nay chưa bao giờ thèm nhìn mặt nhau, nay bỗng thấy ngồi nhậu với nhau say sưa, thân thiết như bạn chí cốt, bá vai bá cổ như người tình. Cơn hoạn nạn đã khiến họ xích lại gần nhau chăng?

Tờ An ninh văn hóa lập tức cử phóng viên tới phỏng vấn hai vị nổi bật nhất: Trần Tiến Lên và Vĩ Văn Ðại. Họ gặp nhau tại một nhà hàng.

Phóng viên (PV): Chào các vị. Vui vẻ quá nhỉ.

Trần Tiến Lên (TTL): Ồ, xin chào người đẹp. Thật là quý hóa. Cô làm ly vang đỏ nhé, hay cocktail? Một ngày đẹp trời thế này mà lại đi trì hoãn cái sung sướng lại thì thật là uổng phí. (hát khẽ) Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay... chưa có khi nào lòng ta mê say...

PV: Hôm nay có gì mà các vị vui vậy?

Vĩ Văn Ðại (VVÐ): Chúng tôi đang bàn một kế hoạch đặc biệt. Không. Phải gọi là một sứ mạng, một...

TTL: Thôi, thôi, xin ông. Trời thì đẹp, phong cảnh thì hữu tình thế này, người đẹp ngồi ngay bên cạnh mà ông lại lôi công việc ra bàn thì thật là hết sức có tội (cười). Không những có tội mà, nói xin lỗi, còn suy đồi đạo đức nữa đấy (cười).

VVÐ: Yes, Sir. Công nhận mấy hôm nay trông Sir hơi bị phong độ đấy. Nào, xin chúc sức khỏe và chào mừng tin tốt lành nhất trong đời. Dzô....

PV: Xin chúc mừng các vị đã hồi phục sức khoẻ. Mà có tin gì đặc biệt vậy?

VVÐ: Cô chưa biết gì thật à? Ti-vi sáng nay vừa đưa tin là Hội đồng Giải thưởng Pulitzer năm nay đã...

TTL: Khoan, khoan. Ông nói chuyện chán chết. Chẳng có đầu đuôi gì cả. Ðể tôi kể từ đầu cho cô nghe. Chỉ trong vòng 4 tháng qua, chúng tôi đã trải qua biết bao cảm xúc trái ngược, có lúc tưởng như đã chạm đáy địa ngục, nhưng nay thì đang trên đường tới thiên đường.

PV: Vậy là tha hồ có cảm xúc để viết rồi. Mọi chuyện có vẻ bắt đầu từ nhà văn Phi Trang Ðiểm?

TTL: Ðúng vậy. Tôi và lão học cùng lớp từ phổ thông cho đến tận đại học. Trong khi tôi lận đận ở cuối lớp thì lão luôn đứng đầu. Trong khi con gái không bao giờ thèm để ý đến tôi thì lão gạt ra không hết. Trong khi tôi chưa bao giờ được đi đâu ra ngoài biên giới thì lão đi nước ngoài như đi chợ, tất nhiên là bằng tiền túi. Tôi thử kinh doanh mấy thứ nhưng đều hỏng. Còn lão thì động tới cái gì là cái ấy biến thành tiền.

PV: Ðúng là không thể chấp nhận được.

TTL: Vốn là người bao dung, độ lượng, nên tất cả những thứ đó tôi vẫn bỏ qua cho lão. Nhưng sức chịu đựng của con người là có hạn. Con giun xéo mãi cũng quằn. Lão được thể càng lấn tới.

PV: Ông ấy làm gì vậy ?

TTL: Cô biết đấy. Khoảng hơn chục năm gần đây tôi tập trung vào viết văn. Tôi lao động cật lực vô cùng, ra khoảng hơn chục cuốn tiểu thuyết, vài chục tập thơ và đã giành hơn chục giải thưởng, chủ yếu là giải nhất và giải đặc biệt. Vậy mà hôm nọ mấy tay phê bình trả lời phỏng vấn dám nói không nhớ tôi là ai, cũng không nhớ tên cuốn nào trong số mấy chục cuốn tôi đã đoạt giải. Trong khi đó, lão mới viết có chục truyện ngắn, chẳng có giải thưởng nào cả mà lại được cả làng văn trong và ngoài nước xúm lại bàn tán. Lại còn được mấy tờ báo lá cải của Tây trao giải thưởng nữa chứ. Thật không hiểu là cái thể loại gì nữa.

PV: Sống với những người như vậy khó chịu thật.

TTL: Chơi kiểu đó nói thẳng là không đàng hoàng. Từ đó tôi bị mất ngủ, hết đau dạ dày rồi lại tiểu đường, trầm cảm mấy năm liền. Tôi đã bàn với anh em đồng nghiệp tìm cách xử lý lão, chứ chẳng nhẽ khoanh tay ngồi nhìn lão lộng hành. Nhưng bằng linh cảm nghề nghiệp, tôi đã lờ mờ cảm thấy sắp có chuyện chẳng lành. Tôi đã đi một loạt đền, chùa cầu Trời khấn Phật, xin cả Thánh Mẫu và Ðức Ông, rồi xin ông bà phù hộ độ trì cho tai qua nạn khỏi. Vậy mà y như rằng, cái ngày định mệnh ấy đã không tránh được. Ðó là ngày 13, thứ sáu. Số 13 đen thật. Mà lúc ấy bác Vĩ Văn Ðại đang làm gì nhỉ?

VVÐ: Cái ngày thứ sáu đen tối ấy, tôi đang trên đường đi công tác thì nhận được tin sét đánh, phải vào cấp cứu tại bệnh viện huyện.

TTL: Còn tôi cũng nhận được tin dữ khi đang trên đường đi nghỉ mát Ðồ Sơn. Thế là huyết áp tăng đột ngột, suýt nhồi máu cơ tim. Tưởng là đi luôn rồi cơ. May mà Trời vẫn còn thương.

PV: Trời, tin dữ gì mà ghê gớm vậy?

TTL: Bây giờ tất cả đã qua. Nhưng hôm ấy, lão Phi Trang Ðiểm, cái tay lưu manh giả danh nhà văn ấy, cô có tưởng tượng được không, không hiểu lão chạy chọt thế nào mà... Ủy ban Giải thưởng Pulitzer đã công bố trao giải năm 2003 cho lão ta.

PV: Thật vậy ư?

VVÐ: Khi nhận được tin sét đánh ấy, không chỉ anh em chúng tôi mà cả giới văn nghệ sĩ đều chết điếng, nhất là những người cầm bút chân chính. Các phòng cấp cứu nghẹt nạn nhân. Hơn chục nghìn người bị chấn thương. Một bầu không khí tang tóc bao trùm. Ác quá.

PV: Khiếp thật. Còn tàn bạo hơn cả khủng bố. Rồi sao nữa?

VVÐ: Ðó mới chỉ là đòn phủ đầu. Những ngày sau đó mới thật sự là tra tấn. Những đau đớn thể xác do chấn thương không thấm gì so với nỗi đau phải chứng kiến cảnh lão ta trâng tráo trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Rồi lại còn một loạt bộ phim tài liệu và phóng sự về thời thơ ấu của lão nữa chứ. Nhiều người không chịu nổi, ngất lên ngất xuống bao nhiêu lần. Người nhà phải tắt ti-vi, đốt báo. Có ông bạn tôi nóng tính còn đập luôn cả ti-vi.

PV: Kinh khủng thật. Nhưng rồi sao các vị lại phục hồi hoàn toàn? Có phải đã kiếm được thuốc chữa?

TTL: Còn hơn cả thuốc ý chứ. Ngay trong những ngày đen tối nhất tôi vẫn bảo với bạn bè rằng phải giữ vững niềm tin. Mất tiền còn kiếm lại được chứ mất niềm tin là mất tất cả. Tôi luôn luôn tin vào và sự công minh sáng suốt và con mắt xanh của Ban giám khảo Giải Pulitzer. Và cuối cùng họ đã không phụ niềm tin của tôi.

PV: Ừ, mà ông là người đoạt nhiều giải trong nước nhất mà. Uỷ ban Giải Pulitzer trao thêm cho ông một giải nữa à?

TTL: Cô cứ từ từ. Hôm nay họ vừa đưa ra những đánh giá đầu tiên, nhưng rất tích cực và đầy triển vọng. Ðể họ đưa ra quyết định cuối cùng, trong tháng tới, chúng tôi phải hết sức cố gắng. Chỉ mới nghe những đánh giá ban đầu mà tất cả chúng tôi đã khỏe hẳn lại, không cần thuốc gì cả. Thật đúng là kỳ diệu. Phải nói là chưa bao giờ chúng tôi đoàn kết như bây giờ. Tôi và bác Vĩ Văn Ðại trước đây có thể nói là không đội trời chung. Vậy mà bây giờ, còn thân hơn ruột thịt. Marx với Engels ngày xưa cũng chỉ đến thế là cùng.

PV: Thật cảm động. Chẳng khác nào Trần Nhật Duật khi xưa đã dẹp bỏ thù riêng vì nghĩa lớn. Ðoàn kết quả là sức mạnh vô địch. Vậy các vị còn phải làm gì?

TTL: Chúng tôi đang đi thu thập chữ ký của các hội viên hội nhà văn, hội phê bình, hội nhà thơ. Ðủ 1000 chữ ký là đạt yêu cầu để Uỷ ban giải thưởng ra quyết định cuối cùng. Hôm nay đã đạt 900 chữ ký rồi mà còn tận những một tháng nữa cơ mà. Bọn tôi quyết định nghỉ xả hơi sau 5 ngày làm việc cật lực. Tuy vất vả nhưng vui kinh khủng, ai cũng thấy khoẻ ra. Ông Vĩ Văn Ðại đây còn bỏ cả chuyến du lịch Thái Lan trúng thưởng khuyến mại bia Tiger, tình nguyện vác cái ngà voi to tướng với chúng tôi.

VVÐ: Thì ông cũng đâu có thua tôi. Ông còn bỏ cả vụ Giải thưởng Hồ Chí Minh cơ mà, còn to bằng mấy cái chuyến du lịch Thái Lan của tôi ý chứ.

TTL: Tôi nhớ ngay năm ngoái thôi, chỉ có đi thu thập 500 chữ ký để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam mà bọn tôi mất mấy tháng vẫn chưa xong. Bây giờ chưa đầy một tuần đã được gần một nghìn chữ ký. Thế mới biết là một khi đã vì nghĩa lớn, người ta có thể làm được tất cả. Ðoàn kết quả là một sức mạnh kỳ diệu.

PV: Có điều này tôi hơi thắc mắc. Các vị nói là ông Phi Trang Ðiểm đoạt giải Pulitzer, nhưng tôi mới nghe BBC tuần trước nói người ta đã phát hiện ra ông ta đạo văn nên Ủy ban trao giải đã hủy bỏ giải thưởng rồi.

TTL: Không phải đâu. Nếu vậy thì bọn tôi đâu phải đi thu thập chữ ký làm gì? Ðó mới là đánh giá ban đầu thôi. Phải có đủ 1000 chữ ký của hội viên xác nhận là cuốn tiểu thuyết đoạt giải của Phi Trang Ðiểm có tới hơn 50% ý tưởng lấy từ các cuốn Truyện Kiều, Tuyên ngôn độc lập, Kinh Thánh, Don Quichotte, Chiến tranh và Hòa bìnhTrăm năm cô đơn thì họ mới chính thức... hủy bỏ giải thưởng.



2. Xấu đều hơn tốt lỏi

Nữ phóng viên Francoise De Mulde của báo Pháp Le Monde [1] , quá thích thú với những điều mới lạ ở Việt Nam nên đã ở lại thêm một tháng nữa. Cô đang say sưa buôn chuyện với một nhóm các nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu văn hóa và quan chức cùng với một gã đeo kính không rõ làm nghề gì.

Francoise De Mulde (FDM): Có nghe câu chuyện vừa rồi tôi mới biết là có những thứ vũ khí khủng bố ghê gớm thật. May mà nó chưa lọt vào tay Al Qaeda và Bin Laden.

Quan chức 2 (QC2): Ðây chính là một loại tội phạm cần bổ sung vào luật hình sự: tội hơn người gây thương tích. Tội này còn nguy hiểm hơn là tội đánh người gây thương tích. Ðánh người là loại bạo lực chỉ gây ra thương tích thân thể tạm thời, chốc lát, có thể chữa lành. Còn làm cho mình hơn người khác (giàu hơn, nổi tiếng hơn, đẹp hơn, giỏi hơn) là một loại bạo lực tinh thần, dùng ưu thế bản thân để gây ra cho người khác những chấn thương tinh thần nghiêm trọng và kéo dài, rất khó chữa trị. Vì muốn chữa trị phải tiêu diệt tận gốc là cái ưu thế cá nhân. Mà không ai chịu từ bỏ ưu thế của mình cả. Vì vậy, tốt nhất là phải phòng ngừa tình trạng hơn người hay tốt lỏi. Ðó là một trong các lý do để ra đời cái Tâm, một phương tiện giáo dục để ngăn ngừa tội phạm và chống khủng bố.

FDM: Tốt lỏi là sao?

Nhà văn hóa (NVH): Người Việt có câu “xấu đều hơn tốt lỏi,” nghĩa là thà tất cả cùng xấu còn hơn có một kẻ tốt nổi trội. Cái thói tự biến mình thành kẻ giàu hơn người, nổi tiếng hơn, đẹp hơn hoặc tài giỏi hơn người khác, cố tình gây đau khổ cho họ, là không thể chấp nhận được. Trong khi hàng xóm chỉ có xe máy mà một mình mình lại chơi trội đi xe hơi là không đàng hoàng. Hơn người khác là thiếu tình người, thiếu cái Tâm, thiếu khiêm tốn.

FDM: Còn người khiêm tốn thì thế nào?

NVH: Người thực sự khiêm tốn không bao giờ có cái thói hơn người khác cả. Người như vậy luôn luôn được chào đón ở bất cứ nơi nào họ đặt chân đến, trong bất cứ lĩnh vực nào, vì người Việt chúng tôi đặc biệt có thiện cảm với những người thua kém mình.

FDM: Thảo nào. Thế thì đúng rồi, tôi có một anh bạn người Việt Nam mặt mũi lúc nào cũng khó đăm đăm, khinh người như rác, chẳng thấy giúp ai việc gì bao giờ; vậy mà đi đâu cũng được mọi người quý mến, giúp đỡ rất nhiệt tình, niềm nở. Tôi cứ thắc mắc mãi. Hóa ra anh ấy là nhà thơ, viết cả truyện ngắn. Thảo nào. Thế thì đúng rồi.

NVH: Có được những người khiêm tốn được mọi người quý mến như vậy không đơn giản đâu. Chúng tôi phải đầu tư rất nhiều cho việc giáo dục cái Tâm. Có như vậy mới loại trừ được cái thói hơn người, một kiểu cái ác cực kỳ tinh vi. Con người bây giờ giỏi thì giỏi thật nhưng cũng tàn ác vô cùng. Thực ra các nạn nhân vụ khủng bố WTC ngày 11 tháng 9 vẫn còn may mắn vì chết là hết, không biết gì nữa. Còn những nạn nhân bị kẻ khác hơn mình thì lúc nào cũng bị hành hạ, tra tấn và giam cầm trong ý nghĩ về thành công của kẻ đó, không sao thoát ra được.

FDM: Có thể đó là do ảnh hưởng của cái thú tự tạo ra đau khổ cho mình, hay thú đau thương [2] : tìm lạc thú bằng cách tự tra tấn mình, một kiểu “tự khổ dâm” (self-sadism). Ở Phương Tây rất ít người biết thưởng thức cái thú đau thương này. Họ chỉ biết tìm lạc thú trực tiếp bằng cách ngưỡng mộ thành công của người khác, không thông qua đau khổ. Phải công nhận đây là thiên đường của kẻ yếu. À, mà tôi thấy có một số vị có biệt tài tự hào và nhiều vị ở Hà Nội rất hay thể hiện cái hơn người của mình mà người ta gọi là “tinh vi.” Vậy họ có thiếu khiêm tốn không?

Gã đeo kính (GÐK) (bây giờ mới lên tiếng): Ồ không. Chết, đừng nghĩ xấu về họ như vậy mà tội nghiệp. Trông vậy thôi, nhưng thật ra họ dễ thương lắm. Họ mới chính là những người khiêm tốn thật sự. Họ biết cái tài thật của mình đến đâu chứ. Phải nhìn trước nhìn sau xem có ai không đã. Nếu không có hoặc loại vớ vẩn thì thể hiện làm gì cho phí công.

FDM: Ra là vậy. Chẳng bù cho ở chỗ chúng tôi. Người ta ích kỷ lắm, hầu như không quan tâm xem ai nghĩ gì về mình. Họ chỉ quan tâm xem họ cảm thấy ra sao thôi. À, tôi còn thấy cả nhiều vị khác nhìn ai cũng phát hiện ra chất “quê” mà họ rất dị ứng. Họ có phải là người thiếu khiêm tốn không?

GÐK: Cô nói làm tôi nhớ đến một anh bạn tên Thịnh mở dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ. Tiệm của Thịnh tuy nhỏ nhưng lại đông khách một cách khó hiểu, hút hết khách của các tiệm lớn xung quanh. Mãi về sau, người ta mới phát hiện ra bí quyết thành công là ở khẩu hiệu quảng cáo. Trong khi các tiệm khác đua nhau đưa ra những câu hoa mỹ không thua gì lời thoại trong phim Việt Nam như: “Nơi gặp gỡ của thẩm mỹ và thời trang”, ”Một cuộc đời mới đang chờ bạn”, ”Giấc mơ giữa ban ngày”... thì Thịnh chơi một câu khác hẳn. Khi dân viết lời quảng cáo (copywriter) nhất trí tôn anh ta làm sư phụ, Thịnh chỉ mỉm cười nói nhỏ với tôi: có gì đâu, tôi đã từng là một khách hàng của dịch vụ này, tôi biết là khách hàng chỉ muốn duy nhất một điều, nên tôi phải thể hiện cái điều ấy trong khẩu hiệu thế này: “Chỉ một lần qua đây, không ai nhận ra bạn được nữa”. Ðó, không ai nhận ra mình nữa chính là mơ ước của đa số người Việt chúng ta. Và khách hàng của Thịnh chính là những vị có biệt tài phát hiện ra chất quê như cô nói. Họ đặc biệt nhạy cảm với những gì giống mình vì họ cũng xuất thân từ đồng quê. Cái chất quê ấy can tội bám theo họ suốt bao nhiêu năm tới nhẵn mặt, ám ảnh họ triền miên, làm cho niềm mơ ước không ai nhận ra mình nữa càng trở nên cháy bỏng và quyết liệt: nó phải bị xóa sổ. Khẩu hiệu của Thịnh đã đánh trúng mơ ước ấy.

FDM: Nếu vậy thì có lẽ anh ta đã bỏ quên một đối tượng khách hàng khác còn tiềm năng hơn. Người dị ứng với người Việt Nam tới mức không thể chịu nổi lại không phải là dân Tây bọn tôi mà chính là các đồng chí Việt kiều (yêu nước), nhất là những đồng chí mới.

GÐK: Ðúng rồi, chuyện này cũng làm cho các đồng chí ấy khá đau đầu đấy, vì vấn đề là làm sao phải dị ứng thật phong độ và thuyết phục. Không đơn giản đâu. Ngoài một cái tên như David, Jimmy hay Tony và một giọng lơ lớ do không quen dùng tiếng Việt, phải có khả năng rùng mình hoặc ngất bất kỳ lúc nào (đối với nữ) nhất là mỗi khi một con vật nuôi như gián, chuột... xuất hiện và vẫy đuôi mừng người quen cũ. Ðể làm được như vậy, phải có một ngoại hình Việt kiều không thể chối cãi, không liên quan gì đến cái loại người không thể tiêu hóa được ở trong nước. Khẩu hiệu quảng cáo của anh bạn tôi đúng là nhắm vào họ rồi.

FDM: (lẩm bẩm một mình: thế thì Hitler đúng là người Do Thái thật rồi. Hẳn nào mà hắn không thể nào chịu nổi người Do Thái. Không hiểu hắn có đi giải phẫu thẩm mỹ không nhỉ?). À, mà tôi thấy còn có một nhà thơ nổi tiếng thần đồng theo trường phái đồng quê mà chất quê cũng nổi tiếng không thua gì thơ. Vậy anh ta là người khiêm tốn hay thiếu khiêm tốn?

GÐK: Ðó là một trong những nhà thơ sáng suốt nhất của Việt Nam. Trong khi mọi người dại dột giấu cái chất quê của mình đi thì chỉ có mình anh là nhận ra giá trị của cái hồn Việt cao quý ấy. Qua bàn tay chế biến tinh xảo của anh, chất quê Việt đã trở nên hồn nhiên và quê hơn bội phần. Nó liên tục được anh đem triển lãm một cách tưng bừng, tự hào và đầy sáng tạo. Như vậy một mình anh là cả một phong cách riêng nổi bật, đại diện cho cả dân tộc Việt. Ngoài ra, chất quê ấy còn thể hiện được một cái Tâm đau đáu với việc gìn giữ một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Ðây chính là bản lĩnh của một người cầm bút chân chính. Sự lựa chọn cực kỳ sáng suốt ấy cho thấy anh chính là một chuyên gia xuất sắc về định vị và xây dựng nhãn hiệu (positioning & branding) thuộc ngành tiếp thị truyền thông. Ðáng chú ý là gần đây, anh đã chính thức phát biểu ý kiến về một tác giả nổi tiếng và kết quả là đã chứng minh được một điều khá gây ngạc nhiên.

FDM: À, nhà thơ đã chứng minh rằng các tác phẩm của tác giả đó chỉ là hiện thân của một tâm thức bất ổn và là một nhược điểm không thể cứu vãn phải không?

GÐK: Thế thì có gì đặc biệt, mà là chứng minh rằng anh chính là một nạn nhân của tay tác giả đó.

FDM: Ủa. Ghê quá nhỉ. Nghe nói tay tác giả đó nổi tiếng là lưu manh. Lão ta khủng bố dọa giết anh ấy bằng tin nhắn điện thoại di động à?

GÐK: Còn hơn cả khủng bố ý chứ. Tay đó đã giở thói bạo lực tinh thần gây thương tích cho nhà thơ. Hành vi cố tình nổi tiếng hơn người của lão đã gây thương tích hàng loạt cho bao nhiêu người, nhưng là từ lâu rồi. Trong khi nhiều người đã hết chấn thương thì không ngờ nhà thơ vẫn chưa khỏi, có lẽ vì quá nhạy cảm. Làm nhà thơ là khổ như thế đấy.

FDM: Vậy là để chữa lành thương tích cho mình và cho cả cộng đồng văn nghệ sĩ, nhà thơ đã dũng cảm đứng ra chiến đấu diệt trừ cái ác bằng cách chứng minh rằng lão ta không có tài cán gì hơn người đáng để người khác phải đau khổ đến mức bị chấn thương, phải không?

GÐK: Tiếc là anh đã không thành công. Lại nhớ hồi nhỏ, có lần tôi cầm gạch ném chim trên cây, nhưng ném không trúng chim mà lại bị chính hòn gạch đó rơi trúng đầu, sưng vù. Nhà thơ của chúng ta đã vận hết công lực để tung ra một đòn quyết định. Nhưng anh lại đánh trượt nên mất đà rồi ngã. Thế là bao nhiêu nỗi niềm sâu kín mất công cất giữ trong lòng nay rơi ra tung tóe hết cả. Anh không những không hạ được lão mà lại bị lộ ra là một trong những nạn nhân chính của lão, trong khi bao nhiêu người khác thương tích đầy ra mà có ai biết đâu. Tội thật. Với lại cũng tại anh lo xa quá. Cần gì phải đánh. Lão ta bây giờ đâu còn nguy hiểm như xưa. Chỉ cần để thêm vài năm nữa là lão sẽ tự động chết thôi mà. Thôi, không thành công thì cũng thành nhân. Dù sao thì anh cũng là nạn nhân nổi tiếng nhất.

FDM: Có điều khó hiểu là nhà thơ của chúng ta xưa nay vẫn nổi tiếng là nội công thâm hậu, đánh đâu trúng đấy cơ mà.

GÐK: Có lẽ tại chấn thương nặng quá nên đầu óc anh không được tỉnh táo như lúc chọn phong cách viết. Thế mới biết là cái loại tội phạm hơn người gây thương tích nguy hiểm thật. Nó có thể khiến cho một nhà thơ vốn rất tự tin và sáng suốt trở nên khiêm tốn và thi sĩ một cách không ngờ.

FDM: Mỗi chuyện khiêm tốn mà cũng phức tạp nhỉ. Chứng tỏ người Việt có một cuộc sống nội tâm đặc biệt phong phú trong lĩnh vực này.

GÐK: Nói chung, chỉ có những ai thật sự khiêm tốn, chưa bao giờ tin vào bản thân mình, chưa bao giờ tự coi trọng mình, mới có nhu cầu làm sao để được trông giống như người khác, không ai nhận ra mình nữa. Những kẻ thừa mứa tự tin làm sao hiểu được những khát vọng cháy bỏng ấy. Họ thật tội nghiệp. Thương lắm.

NVH (mắt lim dim): Ôi, những con người khiêm tốn, hiền lành, nhỏ bé. Họ thật dễ thương. Lúc nào cũng rụt rè, co ro, sợ sệt, mắt không dám nhìn thẳng vào ai. Cứ nghĩ tới họ là tôi lại thấy ấm lòng, bao nhiêu buồn phiền tiêu tan hết. (Ngừng lại một lúc rồi lẩm bẩm: Mà dạo này họ đi đâu hết cả rồi nhỉ?)

FDM: Chà. Không ngờ là người thua kém mình lại có thể đem lại nhiều hạnh phúc, hân hoan như vậy cho các bạn và được đón chào, hoan nghênh nhiệt liệt như vậy. Vậy là, để được mọi người yêu quí, dành cho những tình cảm thân thương nhất, chỉ cần ta thua kém họ, không cần phải lao động cực nhọc, phải lao tâm khổ tứ, phải đớn đau để tranh đấu hay sáng tạo làm gì. Ðây quả thực là một tính ưu việt nổi trội mà dân Tây có nằm mơ cũng không bao giờ có được. Ở Phương Tây, để dành được một chút cảm tình của mọi người, ít ra anh phải có một cái gì đó để cho mọi người thưởng thức, chiêm ngưỡng. Nếu không có phát minh khoa học, viết được tiểu thuyết hay sáng tác nhạc hay thì anh cũng phải đóng góp một cái gì đó như diễn tấu hài, nhảy múa, làm ảo thuật, nhào lộn, chẳng hạn. Nghĩa là phải đổ mồ hôi mới được yêu quý. Sự thua kém người khác, một thành quả của việc giáo dục cái Tâm, đã làm cho con người yêu thương nhau hơn, gần nhau hơn. Quả là một điều hết sức kỳ diệu. Cái Tâm rất có thể sẽ là một niềm hy vọng mới cho loài người.

GÐK: Tinh thần sẵn sàng thua kém người khác hay tính khiêm tốn, là một phẩm chất đem lại rất nhiều ích lợi cho con người. Nó vừa làm vui lòng những người xung quanh, vừa giáo dục cho chính người khiêm tốn một tinh thần hy sinh cao độ.

NVH: Hy sinh gì vậy?

GÐK: Hy sinh sự tự tin và cơ hội thành công của chính mình. Khiêm tốn là tin rằng mình là người bé nhỏ, ít khả năng. Một niềm tin mạnh mẽ, sâu sắc sẽ tạo nên tác động tự kỷ ám thị (self-suggestion): anh tin rằng anh là người thế nào thì anh sẽ trở thành người như vậy cả về thể chất và tinh thần. (You are what you believe you are). Qua tác động tự kỷ ám thị, niềm tin khiêm tốn ấy sẽ khiến cho anh ta trở nên bé nhỏ và yếu đuối thật, đúng như anh ta tin. Với khả năng bé nhỏ có được đó, anh ta sẽ đạt được một kết quả cũng nhỏ bé tươngxứng, nghĩa là hy sinh cơ hội thành công của mình. Phong cách 10 chữ N (Nhạt-Nông-Nhàm-Nhái-...-Nhầm) của sản phẩm Việt, một biểu hiện của sự hy sinh đó, chính là kết quả của tinh thần khiêm tốn. Nhưng sự hy sinh của người khiêm tốn không hề vô ích. Phần thưởng cho sự hy sinh ấy chính là thiện cảm của mọi người dành cho anh ta cùng uy tín đạo đức.

FDM: Chả bù cho dân Tây, chả bao giờ biết hy sinh thành công của mình để làm vừa lòng người khác cả. Họ cần phải học đạo cái Tâm của người Việt.

GÐK: Vậy cô có biết nhờ đâu mà người Việt có được đức tính khiêm tốn không?

FDM: Chắc là nhờ được giáo dục ở trường?

GÐK: Ðó là nhờ chúng tôi có một phương pháp giáo dục đặc biệt. Lần sau cô sẽ chúng ta sẽ nói chuyện tiếp nhé.


© 2004 talawas


[1]Xem “Tại sao người Việt chọn lý tưởng làm quan”, kỳ 1, talawas 14.7.2004
[2]Xem “Tại sao thơ rác”, kỳ 2, mục 5, “Nhà đau khổ vĩ đại”, talawas 28.4.2004