trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
22.9.2004
Hà Nhân Văn L.L.H.
Cái tâm có lãi bằng ba cái tài
 1   2   3   4   5   6 
 
6. Chất lượng mang gương mặt con người

FDM: Xin hỏi, ông chuyên nghiên cứu về lĩnh vực gì vậy?

NVH: Tôi chuyên về phê bình - lý luận văn chương, báo chí, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, hội họa, kịch câm, nhiếp ảnh, khoa học xã hội - nhân văn và trình diễn thời trang.

FDM: Ồ, thật là đa năng. Ở Châu Âu, một nhà phê bình chỉ làm một lĩnh vực như văn chương thôi là đã đủ bở hơi tai rồi. Vậy ông có bí quyết gì vậy?

NVH: Cái chính là phải có cái Tâm.

FDM: Thú vị đây. Vậy trong số các tác phẩm mà ông đã nghiên cứu, ông “TÂM” đắc nhất với những tác phẩm nào nhất?

NVH: Về văn học thì có Trần Tiến Lên. Thằng cha chơi hơi bị được. Cực thoáng. Rất đàn ông. Tửu lượng thì dân nhậu phải gọi bằng cụ. Chơi cả ghi-ta lẫn piano. Hát hơi bị choáng. Ði đến đâu là đàn bà lăn đùng ngã ngửa đến đấy. Ðá bóng cực máu, có cái chân trái như Hagi. Phải nói cha đó là một niềm tự hào của cả làng văn chúng tôi.

FDM: Nghe đã thấy mê rồi. Hôm nào anh giới thiệu tôi nhé. À, anh đọc cuốn sử học mới ra của Ðặng Quốc Túy chưa ?

NVH: Tay đó không thể tiêu hóa được. Bậy hết sức. Nghiên cứu gì mà ngang nhiên sỉ vả, dè bỉu chính cái dân tộc đã sinh ra hắn.

FDM: Thế thì quá đáng nhỉ. Lẽ ra chỉ được dè bỉu các dân tộc khác thôi chứ. Hắn làm gì vậy?

NVH: Hắn vu cáo trong sách rằng dân tộc Việt chỉ có 2000 năm lịch sử thôi.

FDM: Lẽ ra phải là 4000 năm chứ?

NVH: Ðương nhiên là như vậy rồi. Thà hắn chỉ xuyên tạc bằng lời thôi thì may ra còn có thể xem xét tha tội. Ðằng này, hắn còn dùng cả những thủ đoạn hết sức hèn hạ.

FDM: Trời ơi. Hắn làm gì vậy?

NVH: Cô có tưởng tượng được không, hắn táng tận lương tâm tới mức cố tình công bố cái gọi là di vật khảo cổ để chứng minh luận điệu vu khống đó. Thật là mất hết tính người.

GÐK: Ðúng là mất hết tính người... Việt. Người thực sự có Tâm nếu phát hiện tài liệu phản động như vậy thì lẽ ra phải tiêu hủy ngay đi chứ.

NVH: Cái loại trưởng giả mới này thì làm sao biết cái Tâm là cái gì. Ngay như Pascal cũng phải nói: “Nhà khoa học có Tổ quốc của mình.” Không hiểu tại sao một kẻ như hắn lại vẫn được phép hành nghề nhỉ. Các cơ quan chức năng đi đâu hết rồi mà để hắn ngang nhiên lộng hành như vậy. Chúng tôi đang đề nghị truy tố hắn về tội lợi dụng nghiên cứu khoa học để phỉ báng dân tộc và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

GÐK: Tội “cố ý tiết lộ bí mật quốc gia” chứ. Hắn biết rất rõ di vật đó là thật (vì đã đem đi giám định ở nước ngoài), và sẽ dẫn đến hậu quả là chứng minh rằng lịch sử Việt Nam chỉ có 2000 năm, nghĩa là sẽ xúc phạm và phỉ báng cả lịch sử 4000 năm hào hùng của dân tộc ta. Vì vậy, di vật đó là hoàn toàn phản khoa học. Vậy mà hắn còn cố tình công bố để xuyên tạc lịch sử. Ai đã sinh ra hắn, cho hắn ăn học để rồi bị hắn xỉ vả như vậy? Tội này phải nghiêm trị để làm gương cho kẻ khác và giáo dục cái Tâm.

FDM: Nếu ngày xưa Galileo Galilei [1] được giáo dục cái Tâm từ sớm, có lẽ ngay sau khi phát hiện là trái đất quay, ông đã hủy ngay kết quả đó khi biết nó xúc phạm những người thầy, dân tộc mình và phỉ báng Khoa học. Và nếu vậy, hẳn trái đất đã đứng yên, thế giới đã ổn định, không lộn xộn như bây giờ.

NVH: Hóa ra cái thói trưởng giả này có từ lâu rồi. Tôi cứ tưởng nó mới xuất hiện ở nước tôi.

GÐK: Theo tôi, nguyên nhân sâu xa của thói trưởng giả đó [2] là thái độ vô trách nhiệm với bí mật quốc gia. Muốn loại bỏ thái độ đó, phải nghiêm trị mọi hành vi tiết lộ bí mật quốc gia. Nếu không, nó sẽ không dừng lại ở sử học đâu. Như cái gã phê bình Nguyễn Thanh Sơn đấy. Thà gã phê phán, chê bai, thậm chí dè bỉu văn hóa dân tộc thì cũng có thể hiểu được là do nhận thức còn non kém. Ðằng này, sau khi phát hiện ra bí mật về bản sắc văn hóa ấy, gã lại đi hô toáng lên. [3] Ðểu giả hết sức. Gã thừa hiểu rằng không phải vô cớ mà người Việt chúng ta lại biểu dương lòng tự hào về bản sắc dân tộc rầm rộ như vậy. Người Ðức, người Anh đâu có biểu dương như vậy mà họ đâu có nghèo bản sắc. Gã quá hiểu điều đó nên không thể nói là do sơ ý được. Hành động cố tình tiết lộ bí mật quốc gia của gã không những đã giết chết trí tưởng tượng và tước đoạt lòng tự hào của mọi người Việt, mà còn nhục mạ chính cái dân tộc đã sinh ra mình. Lẽ ra khi phát hiện ra bí mật quốc gia ấy, gã phải hiểu là vận mệnh của cả dân tộc đang ở trong tay mình: Việt Nam có tiếp tục là đỉnh cao trí tuệ và lương tri của thời đại được hay không? Nhân loại tiến bộ có tiếp tục mơ sáng mai thức dậy thành người Việt nam được hay không? Ðó chính là nhờ ở công sức giữ gìn bí mật quốc gia của những người như gã.

FDM: Quả là một trách nhiệm lịch sử hết sức lớn lao đối với các nhà khoa học Việt Nam.

GÐK: Nếu là một nhà nghiên cứu thực sự có tâm, lẽ ra gã phải lấy hết tài năng và sức lực để giữ gìn bí mật quốc gia ấy như giữ con ngươi của mắt mình. Ðâu phải chỉ có chi tiêu ngân sách mới cần giữ bí mật. Với lại, nghệ thuật với học thuật là cái đinh gì, bí mật quốc gia mới là quan trọng chứ. Bảo vệ bí mật quốc gia là nghĩa vụ mà cái Tâm đòi hỏi ở mỗi người Việt, nhất là những người cầm bút. Rõ ràng là hành động của tay Nguyễn Thanh Sơn đó còn đểu hơn là bảo hoàng đế cởi truồng.

NVH: Chưa nói đến chuyện tiết lộ bí mật, chỉ riêng cái chuyện dám nghĩ hoàng đế cởi truồng đã là xấc xược rồi.

GÐK: Mà nếu có nhìn thấy hoàng đế cởi truồng thì phải tự động hiểu là mắt mình đã bị xuống cấp đạo đức và phải đi nâng cấp ngay, chứ đã là hoàng đế làm sao cởi truồng được. Ðúng là thị giác gã đó rất thiếu giáo dục. Phải giáo dục cái Tâm từ nhỏ, sao cho nó ngấm vào từng tế bào trong cả tâm hồn lẫn thể xác. Có thế mới ngăn chặn được mọi ý nghĩ sai lầm từ trong trứng.

FDM: Có nghe các vị nói chuyện tôi mới thấy là trước đây mình dại thật. Hồi ấy tôi luôn luôn nghĩ là mọi người không ai hiểu mình, vì bề ngoài và tính cách bên trong của tôi rất khác khau. Tôi luôn mơ ước tìm được một người đàn ông thực sự hiểu mình nên tìm mọi cơ hội để thể hiện con người mình. Ðến khi có bạn trai thì tôi lại rất hay bực vì bạn trai nhiều lúc không hiểu mình. Bây giờ mới thấy thế là quá may. Nếu hiểu chắc là anh ta chạy mất dép từ lâu rồi.

Quan chức 3 (rất bức xúc, không thua gì nhà đạo đức Trần Mạnh Hảo): Tôi thấy các vị toàn nói những chuyện đâu đâu ý. Bây giờ phải hành động thôi. Không thể nói suông mãi được. Bản sắc dân tộc là thứ thiêng liêng, cao quý, cực kỳ cao siêu. Không phải ai cũng có thể giương con mắt trần tục ra mà nhìn chòng chọc vào được. Ngày xưa vua Gia Long đi đến đâu là dân chúng phải cụp mắt xuống. Kẻ nào dám nhìn trộm vua là bị khoét mắt ngay, đâu có lộn xộn như bây giờ. Bản sắc dân tộc còn được bảo vệ kỹ lưỡng hơn cả mặt rồng. Trong số hơn 80 triệu người Việt, đã ai biết đó là cái gì đâu. Ðược như vậy đâu phải là đương nhiên. Bao nhiêu thế hệ đã phải đổ xương máu để gìn giữ bản sắc dân tộc, bảo mật kỹ lưỡng mới được như thế chứ. Không thể để một gã phê bình ất ơ làm hỏng tất cả. Bây giờ ta phải soạn ngay công văn gửi Bộ Công an đề nghị khởi tố vụ án “tiết lộ bí mật quốc gia về Bản sắc dân tộc” và thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn và khắc phục hậu quả.

NVH: Khắc phục hậu quả thế nào?

QC3: Trước hết phải điều tra xem gã Nguyễn Thanh Sơn đó đã tiết lộ bí mật đó cho những ai. Sau đó, liên hệ với các nhà sách để xem những ai đã mua và đọc cuốn sách của gã. Sau khi biết tổng cộng có bao nhiêu người đã biết bí mật đó thì phải bắt họ ký cam kết là không được tiết lộ cho người khác. Ngoài ra, đối với tội danh tiết lộ bí mật quốc gia trong luật hình sự, phải tăng mức hình phạt và mở rộng phạm vi áp dụng ra cả các lĩnh vực khác như sáng tác và phê bình văn học, sân khấu, điện ảnh... Nếu làm được như thế thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm mà tự hào tiếp.

FDM: Chà, tôi đã từng được tiếp xúc với nhiều nhà tư vấn và chuyên gia thuộc đủ loại ngành nghề khác nhau, nhưng chưa ai đưa ra được giải pháp xử lý khủng hoảng nào sáng tạo và triệt để như ông. Nixon ngày xưa mà vớ được ông thì có đến mười vụ Water Gate cũng chả là cái gì.

NVH: Thôi, không nói vụ đó nữa. Lại nói tiếp chuyện lúc nãy, về báo chí thì có Vĩ Văn Ðại, biệt danh là “Ðại ma xó.” Lão sờ vào đâu là ở đấy có thành tích. Lão mà đánh bài thì thôi rồi, ù quả nào chết quả đấy. Mà sao lão ngửi đề siêu thế, hôm trước chỉ cần ngửi vài phút, hôm sau trúng liền con đề gần 2 tỷ. Thế mới xây được cái biệt thự to vật ở ngoại ô chứ.

FDM: Còn sân khấu?

NVH: Sân khấu thì có “Hùng bê-đê,” một chuyên gia bậc 9 về đồ cổ. Ðiện ảnh thì có “Tuấn nổ,” ca cải lương cực nẫu, về kịch câm thì...

FDM: OK, OK. Cám ơn. Thôi được rồi. Xin lỗi, tôi hơi mệt. Cho xin ít nước. Rồi. Xin hỏi anh cái này. Theo tôi hiểu thì văn chương - nghệ thuật là địa hạt của cái đẹp. Học thuật - khoa học là nơi người ta đi tìm chân lý khoa học. Nghề nghiệp là nơi mà sự tinh thông nghề nghiệp được tôn vinh. Công nghiệp là nơi mà chất lượng sản phẩm chính là đạo đức cao nhất. Luật pháp là nơi mà sự công bằng chính là chất lượng và được đặt lên hàng đầu. Còn ở Việt Nam thì trong nghề nghiệp, học thuật, nghệ thuật, luật pháp,... chất lượng có vai trò gì? Cái gì là quan trọng nhất?

GÐK: Vậy chắc cô đã biết vì sao mà một nhà phê bình - nghiên cứu cùng một lúc có thể chuyên về cả văn chương, kịch nghệ, điện ảnh, hội họa, âm nhạc, kịch câm... và một bộ trưởng có thể đứng đầu bất cứ bộ nào rồi chứ?

FDM: Tôi biết, làm được như vậy là nhờ họ có cái Tâm.

GÐK: Ðó. Cô thấy chưa, chỉ để tinh thông một thứ chẳng hạn như văn chương hay y khoa thôi là phải học cả đời mà còn chưa đâu vào đâu. Vậy mà, chỉ cần một cái Tâm đã bằng cả tất cả các môn kia cộng lại. Vậy thì cô hiểu trong nghề nghiệp, học thuật, nghệ thuật, luật pháp... cái gì là quan trọng nhất rồi chứ.

FDM: À, tôi hiểu rồi, cái Tâm. Ðúng rồi. Cái Tâm có lãi bằng ba cái Tài. Cụ Nguyễn Du thánh thật. Cái Tâm là quan trọng nhất.

7. Một thánh ta bằng ba thánh tây

GÐK: Cái Tâm chính là chất lượng. Khi anh làm việc, kinh doanh (trong công ty nhà nước), nghiên cứu khoa học, viết văn hay chơi bóng đá, việc anh làm giỏi hay kém, kinh doanh lãi hay lỗ, công trình nghiên cứu có giá trị thế nào, viết truyện hay hay dở, chơi bóng có hay không, tất cả những chuyện đó không quan trọng. Cái chính là anh thể hiện thái độ cư xử thế nào với mọi người: khiêm tốn đúng mực hay ngạo mạn, thông cảm hay phê phán, đem lại lạc quan hay gây lo lắng, tức là thể hiện cái Tâm như thế nào. Một tác phẩm có Tâm bao giờ cũng dễ giành giải thưởng hơn là một tác phẩm có chất lượng nghệ thuật. Trong thể thao cũng vậy, những đội bóng có Tâm, luôn biết cư xử có tình khi đối phương đang cần điểm, dễ vô địch hơn những đội chơi hay nhưng thiếu cái Tâm, không biết giúp đỡ bạn bè lúc khó khăn. Các đội nổi tiếng có tâm, biết cư xử như Sông Lam - Nghệ An hay Nam Ðịnh chẳng hạn, luôn luôn là ứng viên vô địch. Còn loại thiếu cái Tâm như Gạch Ðồng Tâm - Long An thì đừng có mơ, không xuống hạng là may. Ðội này đã bao nhiêu lần bị đánh hội đồng rồi mà vẫn chưa chừa cái thói cậy tài, chỉ biết hùng hục đá bóng, không hiểu lễ nghĩa gì cả.

FDM: Chắc là vì huấn luyện viên đội này, ông Calisto, là người nước ngoài nên không biết “Chữ Tài liền với chữ Tai một vần.” Gặp phải những đội như vậy thì mệt nhỉ.

GÐK: Trong những trường hợp như vậy thì người có tâm nhất, quyết định trận đấu chính là... trọng tài. Nhưng trọng tài không đơn độc. Liên đoàn Bóng đá luôn luôn sát cánh cùng trọng tài để bảo vệ những đội có Tâm.

FDM: Thảo nào mà đội tuyển Hàn Quốc đánh bại cả Italia và Tây-ban-nha giành hạng tư thế giới. Ðúng là nhờ cái Tâm của trọng tài có khác. Nhưng chắc là Liên đoàn Bóng đá Hàn Qquốc phải thể hiện cái Tâm với trọng tài đã, rồi trọng tài mới thể hiện cái Tâm với đội bóng của họ. Ðúng là trong những trường hợp đặc biệt khó thì giải pháp duy nhất chính là cái Tâm.

GÐK: Nhờ có cái Tâm mà ở nước tôi, nghề nghiệp không cần phải là địa hạt của sự giỏi nghề, học thuật không cần coi trọng chân lý khoa học, nghệ thuật cũng không cần phải là địa hạt của cái đẹp hay chân lý thẩm mỹ..., bản thân các công việc đó không có giá trị gì mấy. Giá trị và ý nghĩa chính của chúng là ở chỗ chúng chính là một cách đối nhân xử thế, là nơi thể hiện cái Tâm.

FDM: Nếu vậy chắc là cái Tâm phải đem lại cho người lao động rất nhiều điều tốt đẹp, tới mức họ có thể từ bỏ sự giỏi nghề để đi theo cái Tâm?

GÐK: Còn hơn cả tốt đẹp ý chứ. Nhờ có cái Tâm mà người lao động Việt Nam không bị buộc phải lao động vất vả để giỏi nghề, để làm ra sản phẩm chất lượng. Một khi đã thể hiện được cái Tâm, người thợ mộc không còn phải lo làm sao để tạo ra đồ gỗ chất lượng tốt, người bác sĩ không nhất thiết phải chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, người thầy giáo không cần phải chú ý đến chất lượng của học sinh, nhà báo thì đương nhiên không cần phải nói lên sự thật rồi. Chỉ cần họ có cái tâm trong sáng là đủ. Cái Tâm còn giải phóng nhà nghiên cứu khỏi trách nhiệm phải khám phá ra những chân lý khoa học mới (nhất là những chân lý thiếu cái tâm), giải phóng giám đốc doanh nghiệp nhà nước khỏi nghĩa vụ phải kinh doanh có lãi, giải phóng người cảnh sát khỏi nghĩa vụ giữ gìn an ninh, giải phóng quan tòa khỏi trách nhiệm phải đảm bảo công lý, giải phóng chính khách khỏi nhiệm vụ phải góp phần vào tự do và phồn vinh của dân chúng.

FDM: Cái Tâm đúng là một đấng giải phóng của con người. Karl Marx mà được đọc Truyện Kiều, biết được đạo “cái Tâm bằng ba cái Tài” thì chắc phải sung sướng cảm động phát khóc lên mất. Ông ấy mới chỉ biết cách giải phóng con người khỏi bóc lột, mà cũng chỉ mới về lý thuyết thôi. Còn Nguyễn Du triệt để hơn hẳn: Cái tâm đã giải phóng người Việt khỏi lao động.

GÐK: Mà là giải phóng trên thực tế chứ không phải chỉ trên lý thuyết như Marx. Từ khi có cái Tâm làm nền tảng đạo lý, người Việt chỉ lo làm sao thể hiện được cái Tâm thật trong sáng, thật nhân ái, không cần phải lo làm việc nữa.

FDM: Không chỉ Karl Marx mà cả Abraham Lincoln ngày xưa nếu được học đạo “Tâm bằng ba Tài” của Nguyễn Du thì cũng xúc động không kém, khỏi phải mất công đấu tranh cực nhọc để giải phóng nô lệ làm gì. Người Việt chỉ cần được trang bị kỹ năng yêu nước chuyên nghiệp (phiên bản đầu tiên của cái Tâm), là từ thân phận dân đen đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” bước lên địa vị quan chức. Rồi sau khi nâng cấp kỹ năng yêu nước thành cái Tâm, họ đã chính thức trở thành những người lãnh đạo. Nếu Lincoln biết đem cái Tâm để trang bị cho những người nô lệ, họ sẽ trở nên ngoan ngoãn vâng lời, chỉ tập trung vào thể hiện cái Tâm trung thành với giai cấp chủ nô, sẽ không còn xung đột, không còn nội chiến. Và như vậy biết đâu Lincoln đã không bị ám sát và lịch sử thế giới đã đổi thay.

GÐK: Nếu thế, Nguyễn Du lại phải đi sứ sang Mỹ. Chỉ sợ sau thời gian sống ở Mỹ, về nước, cụ lại bắt chước Lê Lựu viết thêm một cuốn kiểu Một thời lầm lỗi, chuyển sang đạo cái Tài: “cái Tài kia mới bằng mười cái Tâm,” thì hỏng nặng.

FDM: Nếu vậy, Việt Nam lại thành tư bản trước cả Nhật thì chết.

NVH: Ðúng đấy. Nguy hiểm lắm. Cái Tài mà lên ngôi thì văn nghệ sĩ, trí thức hết đất sống, quan chức cũng đi ăn mày hết. Thôi, thôi, ông đừng nói nữa. Nghe mà ghê cả người. Khiếp thật, mới chỉ suy nghĩ ra ngoài luồng một chút mà đã thấy kinh khủng rồi. Nếu phải làm thật thì chắc là chết hẳn. Thôi, cứ quay về cái Tâm ở ao nhà cho chắc ăn.

GÐK: Ừ. Nhưng còn một khả năng nữa, nếu Lincoln theo đạo cái Tâm thì người Mỹ sẽ bỏ làm việc để thể hiện cái Tâm. Chắc chắn là nước Mỹ sẽ khác hẳn bây giờ. Nhất định là không thể đủ sức để đánh nhau với Việt Nam. Biết đâu Việt Nam đã thống nhất từ trước cả năm 1975.

FDM: Tôi thấy không chỉ có Marx hay Lincoln đâu, mà ngay cả Ðức Phật Thích-Ca cũng phải cám ơn cụ Nguyễn Du. Ðạo Phật chủ trương là con người phải từ bỏ mọi ham muốn mới thoát khỏi đau khổ. Mà còn làm việc, lao động là còn ham muốn tạo ra sản phẩm chất lượng cao, còn ham muốn sáng tạo, còn ham muốn được thành công. Nay chuyển từ làm việc sang thể hiện cái Tâm là sẽ giảm hẳn đi cái ham muốn lệch lạc đó. Như vậy, Ðạo cái Tâm, sau khi giải phóng con người khỏi lao động, cũng giải phóng luôn khỏi ham muốn thành công. Vì vậy, đạo cái Tâm có lẽ là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất tới cõi Niết-bàn, giải thoát.

GÐK: Cô thấy đấy, Marx muốn giải phóng con người về mặt lao động. Lincoln muốn giải phóng con người về mặt xã hội. Phật Thích-Ca muốn giải phóng về tâm hồn. Cả ba vị này đều chủ trương dùng nỗ lực và công sức của con người, thuộc cái Tài, làm phương tiện giải phóng. Marx và Lincoln muốn dùng công sức về trí tuệ và can đảm để làm cách mạng xã hội. Phật Thích-Ca muốn dùng công sức tinh thần, tức là ý chí và nghị lực để xoá bỏ ham muốn. Riêng Nguyễn Du không bắt con người phải đổ một giọt mồ hôi nào mà chỉ cần thể hiện một thái độ ứng xử hay một tấm lòng, tức là cái Tâm. Xét về hiệu quả và chi phí, rõ ràng việc thể hiện một thái độ, một tấm lòng, tức là cái Tâm, ít tốn kém hơn hẳn so với việc phải đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để giải phóng con người như ba vị kia.

FDM: Ồ, thật là kỳ diệu. Nguyễn Du quả là một nhà cách mạng hết sức nhân từ.

GÐK: Chưa hết. Xét về thước đo giá trị, cả ba vị đó đều ít nhiều chủ trương rằng giá trị của mọi thứ đều do công sức lao động của con người tạo ra, gồm lao động về thể chất, tinh thần, trí tuệ và cảm xúc. Karl Marx còn nêu rõ rằng giá trị của một sản phẩm được đo bằng lượng lao động kết tinh trong sản phẩm đó. [4] Trước Nguyễn Du, đa số các hệ giá trị đều lấy lao động làm chuẩn.

FDM: Người Phương Tây cho rằng lao động tạo ra mọi của cải, cả vật chất và tinh thần. Lao động là nền tảng của mọi giá trị. Lao động tạo nên tài năng là nền tảng của cái Tài.

GÐK: Nhưng quan điểm Tâm bằng ba Tài của Nguyễn Du, sau này được các nhà yêu nước chuyên nghiệp Việt phát triển đầy đủ, lại hoàn toàn khác: giá trị của một con người hay một sản phẩm của anh ta là ở cái Tâm mà người đó thể hiện. Nếu cái Tài lấy lao động làm thước đo giá trị, thì cái Tâm lại lấy thái độ ứng xử làm thước đo. Như vậy, một thái độ ứng xử vốn chỉ cần một lượng công sức lao động nhỏ và có hạn, có thể có giá trị tương đương, thậm chí hơn, so với một khối lượng lao động vô hạn. Và một tấm lòng giá trị hơn cả triệu giọt mồ hôi, một thái độ khiêm tốn, yêu thương hoặc đau đáu với dân tộc còn giá trị hơn cả hàng chục năm lao động.

FDM: Vậy nếu đem áp dụng cái Tâm vào ngoại thương thì kinh tế Việt Nam đảm bảo thắng lớn, vì các sản phẩm hàng hóa Việt Nam chỉ mất ít công lao động và công nghệ đơn giản để sản xuất nhưng thể hiện một tấm lòng to lớn sẽ có giá trị tương đương với những sản phẩm nước ngoài mất nhiều công lao động và công nghệ hiện đại để sản xuất. Và người Việt cũng không cần đổ mồ hôi mà chỉ cần thể hiện thật nhiều tấm lòng là đảm bảo xây dựng Việt Nam thành một nước phát triển. Cũng vậy, bằng những tấm lòng, các bạn có thể tạo ra những kiệt tác văn chương - nghệ thuật đầy ắp cái Tâm để cứu rỗi thế giới này.

GÐK: Với học thuyết Tâm bằng ba Tài, không những người lao động được giải phóng khỏi lao động, mà không ai có thể bóc lột giá trị thặng dư từ anh ta, vì ngay cả mức giá trị tối thiểu cần thiết để cho một sản phẩm tồn tại, anh ta cũng không có, lấy đâu ra thặng dư. Thái độ ứng xử là thứ không thể bóc lột được. Ðây thực sự là một cuộc cách mạng triệt để về giá trị.

FDM: Nguyễn Du quả là một Albert Einstein về văn hóa. Học thuyết “Tâm bằng ba Tài” của cụ, với tính phi lao động đặc sắc, đã làm đảo lộn mọi quan niệm truyền thống về giá trị vốn không thoát khỏi bản vị lao động (Labor Standard), lấy lao động làm thước đo. Nếu Albert Einstein mới chỉ đưa ra được một thuyết tương đối rộng, nhưng có hạn thì Nguyễn Du đã đưa ra một thuyết tương đối mở vô tận, mở ra một không gian bốn chiều kiểu mới, trong đó một hành khách trên Trái đất có thể đi tới một hành tinh cách vài triệu năm ánh sáng trong tích tắc bằng cái Tâm, chiều thứ tư của không gian đó, giống như một con kiến có thể đi từ một đầu của một tờ giấy khổng lồ sang đầu kia chỉ trong tích tắc bằng cách gập hai đầu tờ giấy lại. Học thuyết của Nguyễn Du giúp biến cái không thể thành cái có thể.

GÐK: Sở dĩ Nguyễn Du viết được học thuyết Tâm bằng ba Tài, có lẽ là vì cụ đã xuất phát từ phong cách NHỊN LÀM VIỆC của người Việt. Và học thuyết của cụ, đến lượt mình lại tăng cường phong cách đó và làm chỗ dựa tinh thần để các hậu duệ của cụ phát triển đến chỗ giải phóng hoàn toàn người Việt khỏi gánh nặng lao động. FDM: Nguyễn Du đúng là một luật sư thiên tài khi đã bào chữa thành công cho cả một dân tộc. Đúng hơn là nhờ học thuyết của cụ, các nhà trình diễn cái Tâm chuyên nghiệp (Tâm performer) đã biện hộ thành công cho những thứ khó biện hộ nhất. Trước khi có học thuyết của cụ, nhịn làm việc đồng nghĩa với lười biếng, nhàn cư vi bất thiện, nguồn gốc của mọi tệ nạn, tóm lại là một tội lỗi. Nhưng với học thuyết “Tâm bằng ba Tài”, NHỊN LÀM VIỆC, cách tốt nhất để tránh sai phạm và tránh gây thay đổi để làm vui lòng mọi người, lại chính là đang thể hiện cái Tâm. Còn LÀM VIỆC chỉ thể hiện được cái Tài thôi. Nhịn làm việc mà có Tâm thì giá trị bằng ba lần làm việc. Như vậy, cụ đã biến nhịn làm việc từ một tội lỗi thành một đức hạnh, một phẩm chất của con người, chuyển bại thành thắng chỉ bằng một câu thơ 8 từ.

GĐK: Với đa số người Việt chúng tôi, thà yên ổn, thoải mái trong cái nghèo thanh bạch thân quen còn hơn phải bươn chải phiêu lưu, căng thẳng đầu óc, lao tâm khổ tứ để làm giàu. Vì vậy, được giải phóng khỏi lao động còn giá trị hơn cả được giải phóng khỏi đói nghèo.

Như vậy, một mình Nguyễn Du đã làm được những gì mà cả ba vị Marx, Lincoln và Phật Thích-Ca cùng mơ ước: giải phóng con người (mà chỉ có mỗi Lincoln là đã thực hiện thành công), với một chi phí gần như bằng không. Vậy là, một đạo ta bằng ba đạo tây, lịch sử tư tưởng loài người là một minh chứng hùng hồn cho học thuyết “cái Tâm bằng ba cái Tài.” Rõ ràng là chẳng có lý do gì để người Việt không nên tự hào.

8. Ðấng cứu tinh của nghệ thuật

FDM: Còn đối với trí thức, văn nghệ sĩ thì cái Tâm đem lại điều gì?

GÐK: Riêng với văn nghệ sĩ trí thức thì cái Tâm còn hơn cả vị cứu tinh. Trong khi một vị dược sĩ chẳng hạn, dù đã thể hiện được tấm lòng thiết tha với nền y học đất nước và việc nâng cao sức khoẻ người dân, nhưng nếu pha chế ra thuốc làm chết bệnh nhân cũng vẫn bị ảnh hưởng, thì với văn nghệ sĩ trí thức lại khác. Mấu chốt của một tác phẩm là tác giả phải thể hiện được cái Tâm, [5] ví dụ như một cái Tâm yêu thương con người, luôn nhạy cảm với mọi nỗi đau (đau tưởng tượng cũng được), hoặc một thái độ bức xúc đầy trách nhiệm trước mọi biểu hiện xuống cấp đạo đức, hoặc nếu muốn ăn chắc, chơi hẳn một tấm lòng đau đáu với việc gìn giữ một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; còn nếu chịu chơi thì làm hẳn một chầu vật vã đớn đau trong hành trình kiếm tìm cái đẹp. Khi đã thể hiện được một cái Tâm cỡ đó rồi thì nhà văn/nhà thơ hoàn toàn có thể yên tâm mà không cần phải áy náy khi cuốn sách vừa đoạt giải của mình đem tặng bạn bè được họ chuyển ngay cho các bà đồng nát sau khi lật qua vài trang đầu. Cũng vậy, một khi đã thể hiện được cái Tâm với đạo lý dân tộc, người đạo diễn cũng không cần phải cắn rứt lương tâm khi tiêu mất hàng chục tỷ đồng tiền đóng thuế của dân vào một bộ phim mà rất ít người đủ sức khoẻ để xem hết. Và một khi đã thể hiện được bản lĩnh chính trị trong việc giữ nguyên trạng ổn định và một cách cư xử có tình, ngoài ra thỉnh thoảng cho ra vài công trình nghiên cứu khẳng định lại các chân lý khoa học vĩnh cửu, một trí thức hoàn toàn có thể thư giãn và nhấm nháp sự thông thái của mình trong các vấn đề như kinh doanh bằng cấp, thất thoát ngân sách, nghèo đói, ô nhiễm hay kẹt xe tại... bàn nhậu.

FDM: Tôi hiểu rồi, như vụ thần đồng thơ đồng quê chống tay khủng bố hơn người gây thương tích là một ví dụ về cái Tâm. Về mặt chuyên môn phê bình văn học, tuy nhà thơ chưa chứng minh được rằng văn chương của tay đó, đại diện cho một “tâm thức bất yên” là “một nhược điểm không thể cứu vãn,” [6] nhưng rõ ràng là anh đã thể hiện được bản lĩnh chính trị của người cầm bút và một tấm lòng thiết tha với việc bảo vệ nền văn học tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trước nguy cơ bị tha hóa.

GÐK: Có một số người phàn nàn rằng họ thất vọng khi anh chưa thuyết phục được họ và các nạn nhân khác thôi đau đớn vì cái hơn người của tay khủng bố kia. Ðánh giá như vậy là thiếu công bằng, vì mục đích chính của bài viết là thể hiện cái Tâm, đâu phải để trình bày phát hiện mới hay chân lý thẩm mỹ-học thuật? Cần gì phải mang theo khí giới chuyên môn? Chỉ cần bản lĩnh của người cầm bút và một tấm lòng là đủ. (hát: “Sống trong đời sống, chỉ cần có một tấm lòng. Ðể làm gì, em biết không? Ðể có cái Tâm.” [7] ). Ở anh, cái tâm phê phán đã nhường chỗ cho sự phê phán bằng cái Tâm. Anh đã hy sinh danh dự bản thân của một nhà phê bình, quẳng hết các loại lập luận phù phiếm đi, tung ngay ra một kết luận đanh thép đầy tinh thần yêu nước, thể hiện phong cách đích thực của một nhà thơ Việt. Trong khi các nạn nhân khác chỉ biết than vãn, thì anh đã biết biến đau thương thành sức mạnh, thành can đảm để đi đến một hành động thiết thực. Chính tấm lòng của anh, chứ không phải lập luận nào cả, đã chinh phục những độc giả chân chính. Ðó là một tấm gương sáng chói về cái Tâm của người cầm bút. Và anh hoàn toàn xứng đáng được trao một giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn.

FDM: Ngoài những cái Tâm chính thống như trên, có còn loại tâm nào khác không, ví dụ như cái Tâm dissident (bất đồng ý kiến, phản kháng) chẳng hạn?

GÐK: Mốt đời chót của người ta đấy. Cái Tâm chính thống là chỉ dành cho các nhà văn lớn hoặc dân chém to kho mặn kiếm miếng ăn qua ngày thôi. Còn đã là dân chơi, phải chọn món dissident mới là avant-garde. Món này hay ở chỗ nó thường là của độc, là đồ quý hiếm, không bị đụng hàng.

FDM: Quý hiếm như thế nào?

GÐK: Dân dissident thứ thiệt thì trước hết phải tráng miệng bằng vài năm bóc lịch trong trại B14 ở ngoại thành Hà Nội đã. [8]

FDM: Trại B14 có hay bằng trại viết Ðồ Sơn không?

GÐK: Hay hơn nhiều. Có bảo vệ suốt 24/24 giờ, không sợ khủng bố. Lại hoàn toàn cách ly với loài người, không ồn ào, tránh được ánh sáng mặt trời. Thường xuyên được xem bi kịch sống, mà chính mình cũng có lúc được đóng vai chính, thường xuyên được Thần Chết đến mời chào, tiếp thị. Tha hồ có cảm giác mạnh để sáng tác.

FDM: Thế thì còn bằng mấy lần đi du lịch mạo hiểm ở Li-băng hay Israel ý chứ. Cảm giác thật hoàn toàn, không cần tưởng tượng gì cả. Ðã thật. Nghe đã thấy thèm rồi.

GÐK: Nhưng cái hay nhất của dân dissident là ở chỗ, một khi đã là trại viên của trại B14, đương nhiên được tiêu chuẩn trở thành một đại diện cho lương tâm của dân tộc, chả cần mất công lập thuyết như Trần Cao Vân hay viết tiểu luận như Hà Sĩ Phu.

FDM: Ồ, tôi thấy khá nhiều vị văn nghệ sĩ, dù đã rất cố gắng nhưng vẫn không thành danh vì đường làm quan của họ không có triển vọng. Sao họ không thử làm một dissident để đổi đời nhỉ? Làm đại diện cho lương tâm của dân tộc thì quá sang, rõ ràng là “huy hoàng” hơn hẳn cái món “buồn leo lét suốt trăm năm” trong bóng tối chứ.

GÐK: Cô lãng mạn thật đấy. Những kiểu du lịch mạo hiểm như vậy chưa bao giờ là món khoái khẩu của người Việt chúng tôi cả. Ðến ngay như môn leo núi được trang bị bảo hộ an toàn tận răng, dù có giảm giá tới 50% thì tôi cá với cô là cũng chẳng có người Việt nào tham gia, nói gì đến vào trại làm dissident. Người Việt mới sinh ra là đã được giáo dục cái Tâm chính thống rồi, tinh thần sợ hãi luôn tràn trề, làm sao vào Trại B14 được. Vì vậy, trong khi dân theo đạo cái Tâm chính thống cạnh tranh nhau quyết liệt trong việc thể hiện lòng yêu thương con người, thậm chí tố cáo nhau là đạo đức giả, thì dân chơi cái Tâm dissident hầu như không có cạnh tranh và không bị đụng hàng. Nhưng dân dissident thứ thiệt ít lắm, sắp tuyệt chủng rồi. Bây giờ chủ yếu là dissident tự tạo.

FDM: Dissident tự tạo là sao?

GÐK: Một dissident tự tạo là phải biết thể hiện cái Tâm một cách hợp lý. Nhẹ quá thì không đủ đô. Mà mạnh quá thì đi luôn. Cái này đòi hỏi khả năng tự kiểm duyệt và kiểm soát cảm xúc rất cao. Khi nào cảm thấy sắp tới trại B14 thì phải dừng lại ngay hoặc giảm cường độ.

FDM: Chắc họ cũng phải là sư phụ về nghệ thuật yêu đương. Anh nhớ giới thiệu cho tôi đấy.

GÐK: Về lý thuyết thì như vậy. Thực tế thì còn tùy. Nếu xét về hiệu quả cảm xúc thì phải nói là dissident tự tạo là loại cái Tâm hiệu quả nhất. Nó tạo ra ấn tượng khá mạnh mà cũng chẳng tốn kém lắm.

FDM: Nghe hấp dẫn đấy. Vậy cụ thể dân dissident thể hiện cái Tâm thế nào?

GÐK: Một dissident muốn được cấp số má văn chương phải thể hiện được một thái độ cực kỳ phẫn nộ trước nạn tham nhũng, độc tài, hay một thái độ khinh bỉ, chế giễu trước thói tầm thường, đạo đức giả, ví dụ như trình diễn các động tác phim chăn nuôi loại bạo nhất mà đến Hồ Xuân Hương xem cũng phải choáng, xong xức thêm một loạt chất thải bài tiết loại dậy mùi nhất, đủ khả năng khủng bố cả chuột cống nữa, là ngon lành. Nếu lại bỏ công lồng thêm một chút giai điệu nhạc rap kiểu Chí Phèo diễn thuyết, song ca với bà già mất trộm gà stereo nữa thì hơi bị hoành tráng, chả kém gì các thi nhân Mở miệng. Một khi thể hiện được một cái Tâm tầm cỡ như vậy, nhà văn hoàn toàn có thể yên tâm được rồi. Ðộc giả có đổ bệnh cũng không cần phải áy náy gì cả. Sau khi đỏ mắt lục tìm trong đống chất thải họ đã kiên nhẫn ngửi mà vẫn không phát hiện ra một vết tích nào của sự thật văn chương hay thẩm mỹ, thì họ phải tự hiểu rằng trình độ cảm thụ cái Tâm của họ còn rất yếu.

FDM: Các vị sướng thật. Tội vạ đâu đã có cái Tâm chịu. Tôi mà kể lại chuyện này thì văn nghệ sĩ trí thức Tây chết vì thèm. Nhưng có một điều là căn cứ vào cái gì để xác định là một tác phẩm có Tâm hay không, hoặc trong đó cái Tâm chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm, còn lại bao nhiêu phần trăm chỉ là nghệ thuật thôi?

GÐK: Hội đồng Thẩm định Chất lượng Văn nghệ Quốc gia của chúng tôi đang xây dựng một ba-rem thẩm định, kèm theo một danh mục những chủng loại tấm lòng, thái độ, tâm trạng và cảm xúc đã được cấp chứng chỉ công nhận là cái Tâm. Một tác phẩm có tỷ lệ cái Tâm trên 50% là đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO- 9001. Nếu đạt 70%-80% thì được giải thưởng Hội Nhà Văn. Nếu đạt trên 90% và tác giả thuộc diện có tiêu chuẩn thì có thể được Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc được xét trao giải ASEAN.

FDM: Vậy tỷ lệ tác phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cái Tâm hiện nay là bao nhiêu phần trăm? còn bao nhiêu phần trăm chỉ đạt về nghệ thuật thôi?

GÐK: Tôi không nhớ chính xác, nhưng nhìn chung là rất cao, vì văn học Việt Nam về cơ bản là thành tựu mà, chắc cũng phải xấp xỉ 99%.

FDM: À, như vậy chỉ có 1% là không đạt, chỉ đạt về nghệ thuật thôi. Tôi rất muốn tìm hiểu xem vì sao mà số 1% này lại thất bại. Vậy anh có thể tìm hộ tôi một vài người trong số này không?

GÐK: Cũng khó đấy. Họ viết ít lắm. Chắc do thất bại nên họ nản chí gác bút hết cả. Hình như họ sắp tuyệt chủng rồi thì phải.

FDM: Vậy là sau chuyến này về Pháp, nhất định tôi sẽ đề nghị các Ủy ban Giải thưởng văn chương Pháp như Goncourt, Medicis, Féminat, cũng xây dựng những ba-rem cái Tâm như các bạn. Ðảm bảo văn học Pháp sẽ tha hồ ngẩng cao đầu. Lúc ấy mấy anh chàng Anglo-Saxon như Booker, Pulitzer hay Nobel mới hết tinh vi.

GÐK: Rồi trong văn học sử và lý luận văn học sẽ xuất hiện một thuật ngữ mới: "Tâmism” hay chủ nghĩa cái Tâm. Văn chương-nghệ thuật thế giới vốn đang bế tắc, nay đã xuất hiện những tia sáng cuối đường hầm. Việt Nam sẽ mở ra một trường phái mới “văn là Tâm,” hay "nghệ thuật mang gương mặt con người.” Các nghệ sĩ, thay vì loay hoay vô vọng trong rừng rậm cố tìm lối ra tới cái đẹp, nay đã có “đường cái Tâm thênh thang ta bước,” tha hồ thể hiện các loại tấm lòng. Khi ấy, nghệ thuật sẽ không còn là độc quyền của một thiểu số tinh hoa nữa. Cái Tâm sẽ mang nghệ thuật đến với đại chúng. Ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ lớn nếu có cái Tâm.

FDM: Vậy là nhân loại lại được chứng kiến một chủ nghĩa xã hội về nghệ thuật. Marx chắc là còn phải xúc động nữa khi chủ nghĩa xã hội sau khi được nâng cấp thành cái Tâm-kiểu-Việt, không những trở nên triệt để hơn, có thể giải phóng con người khỏi lao động, mà còn giải phóng con người cả về nghệ thuật. Nói chính xác hơn, cái Tâm đã giải phóng người Việt khỏi nghệ thuật. Còn gì nhân văn hơn thế?

GÐK: Cô thấy đấy, chỉ cần thể hiện được cái Tâm là người Việt thoát khỏi gánh nặng lao động, cả lao động nghề nghiệp lẫn lao động nghệ thuật. Cái Tâm đã chắp cánh cho chúng tôi bay tới một bầu trời mới, nơi mà công việc duy nhất chính là tình yêu. Ở đó, con người chỉ lo làm vừa lòng nhau và trau dồi cái phẩm chất căn bản nhất mà loài người đang dần đánh mất: tính người.

FDM: (nghĩ thầm: được giải phóng có khác. Thảo nào họ tạo ra đến 10 chữ N cho sản phẩm: Nhạt-Nông-Nhàm-Nhái-Nhỏ-Nghèo-Nhẹ-Nhát-Nhược-Nhầm). À tôi hiểu rồi. Vậy là mọi ngành nghề, khoa học, nghệ thuật, luật pháp... chỉ là những hòn đất sét. Chính cái Tâm-kiểu-Việt đã tạo cho chúng một gương mặt, một hình dáng và thổi cho chúng một linh hồn. Tôi hiểu rồi, Chúa chính là người gốc Việt.

GÐK: Phải nói chính xác là người Việt có Tâm, xin cô nhớ cho.

FDM: Vâng. Nhưng có điều này tôi chưa hiểu rõ. Người lao động không cần giỏi nghề, chỉ cần có Tâm là đủ. Vậy thì có Tâm cụ thể là gì nhỉ? Tôi mới chỉ biết có Tâm nghĩa là vâng lời, trung thành với lãnh đạo và giữ nguyên hiện trạng thôi.

GÐK: Ðúng là như vậy, nhưng chưa đủ. Ðó mới chỉ là cái Tâm của quan chức thôi. Còn những giới khác nữa. Cái Tâm là cách đối nhân xử thế trong công việc. Vậy theo cô thì trong đối nhân xử thế, cái gì là quan trọng nhất?

FDM: À, tôi nghĩ ra rồi. Lần sau tôi sẽ nói. Có lẽ cái Tâm chính là phiên bản mới nhất của công nghệ đạo đức nhân tạo. Hay lắm, sau đợt này, về Pháp, tôi sẽ có một lô cái Tâm dằn túi, chẳng sợ đứa nào cả. Cảm ơn các vị. Tạm biệt.

© 2004 talawas


[1]Galileo Galilei (1564-1642) là nhà vật lý- thiên văn Ý, đã từng tuyên bố là Trái đất quay xung quanh mặt trời, do đó suýt bị tử hình vì trái với quan điểm chính thống thời bấy giờ.
[2]Xem bài “Lớp trưởng giả mới và những tín điều văn chương” – Nguyễn Hoàng Sơn, cuốn Văn đàn, thời sự và bình luận, NXB Văn học, 2003, trang 11-25.
[3]Xem bài “Di sản và đổi mới văn chương Việt nam” cuốn Phê bình Văn học của tôi, Nguyễn Thanh Sơn, trang 32-36, NXB Trẻ 2002.
[4]Xem Capital Volume One - Karl Marx (Section 2 - The Two-fold Character of the Labour Embodied in Commodities. Source: First English edition of 1887; 4th German edition changes included as indicated). Publisher: Progress Publishers, Moscow, USSR First Published: 1887; Translated: Samuel Moore and Edward Aveling — edited by Frederick Engels. Online Version: Marx/Engels Internet Archive (marxists.org) 1995, 1999; Transcribed: Zodiac, Hinrich Kuhls, Allan Thurrott, Bill McDorman, Bert Schultz and Martha Gimenez (1995-1996); HTML Markup: Stephen Baird and Brian Basgen (1999)
http://www.marxists.org/archive/marx/works/1867-c1/index.htm
[5]Ví dụ, giáo sư Nguyễn Ðăng Mạnh viết: “Ở những nhà văn chân chính xưa nay, tâm bao giờ cũng là cái gốc. Tài và trí chỉ là cành, là ngọn.” Trích “Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng,” Nguyễn Ðăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, (Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 1994), tr. 148.
[6]Xem bài “Bàn về Nguyễn Huy Thiệp”- Trần Ðăng Khoa-Nguyễn Văn Thọ, “Ngẫu hứng qua mây gió,” Văn Nghệ Quân Ðội, số 596, tháng 4/2004
[7]Phỏng theo lời một bài hát Trịnh Công Sơn.
[8]B14 là Trại giam của Bộ Công an, thường dành cho tù chính trị và những bị can có liên quan tới nước ngoài.