trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
23.9.2004
Lê Hồng Lâm
Trò chuyện với Đới Tư Kiệt ở Hà Nội: "Sự huyền diệu của văn chương luôn dẫn dắt con người"
 
Đới Tư Kiệt (Dai Sijie) - nhà văn, đạo diễn người Trung Quốc nổi tiếng thế giới với tác phẩm văn học và bộ phim cùng tên Balzac và Cô bé thợ may Trung Hoa. Ông sinh năm 1954 tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, sang Pháp học đạo diễn từ năm 1984. Đới Tư Kiệt khởi nghiệp bằng bộ phim China, My Sorrow (Trung Quốc, Nỗi muộn phiền của tôi) - 1989 và đoạt một số giải thưởng điện ảnh quốc tế. Tuy nhiên, mãi đến năm 2000, khi cuốn tiểu thuyết đầu tay Balzac và Cô bé thợ may Trung Hoa được xuất bản thì ông mới thực sự nổi tiếng. Tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp và được các nhà phê bình bản địa khen ngợi về khả năng sử dụng ngôn ngữ trong sáng, tinh tế và lịch lãm cùng với một câu chuyện cảm động mà tươi sáng, buồn mà dí dỏm. Cuốn sách nói về sự quyến rũ của văn chương cổ điển phương Tây đối với những tri thức trẻ Trung Quốc thời Cách mạng văn hoá (1971 - 1974) mà bản thân Đới Tư Kiệt là một người trong cuộc. Cuốn sách này đã trở thành best-seller ở Pháp năm 2000, đoạt 5 giải thưởng Văn học, được dịch và xuất bản trên 25 nước, trong đó có Việt Nam với bản dịch của Lê Hồng Sâm (NXB Văn học 2003). Bộ phim cùng tên do chính ông biên kịch (cùng với biên kịch Pháp Nadine Perront) và đạo diễn, được chọn giới thiệu trong chương trình Un Certain Regard (tập hợp những bộ phim mang tính chất thể nghiệm nghệ thuật hay những đề tài mang màu sắc văn hoá, nghệ thuật) tại LHP Quốc tế Cannes 2002 và được đề cử giải phim nước ngoài hay nhất tại giải Quả cầu vàng 2003, giải thưởng điện ảnh lớn và uy tín thứ hai của Mỹ, sau Oscar. Đây là bộ phim điện ảnh thứ 4 do Đới Tư Kiệt đạo diễn sau các phim Trung Quốc - Nỗi muộn phiền của tôi, Người ăn mặt trăng, Người thừa.

Cuối năm 2003 vừa qua, Đới Tư Kiệt cho xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông, có tên Complex from Di (Phức cảm của Di) và cũng trở thành một hiện tượng văn học trong giới phê bình Pháp, được trao giải tiểu thuyết Fémina- giải thưởng văn học lớn thứ hai của nước này.

Được biết Đới Tư Kiệt đang ở Việt Nam để tìm bối cảnh cho một bộ phim mới của ông dự định quay ở nước ta (bộ phim thứ ba của Đới Tư Kiệt - Người thừa cũng từng được quay ở Việt Nam năm 1998), chúng tôi đã tìm cách liên lạc với ông. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra rất thân mật tại Hà Nội vào một chiều đầu thu với sự có mặt của một số văn nghệ sĩ Việt Nam rất yêu quý tác phẩm của ông như dịch giả Dương Tường, nhà văn Châu Diên, nhà văn Hồ Anh Thái... Cũng từ cuộc gặp gỡ này, nhà văn - đạo diễn Đới Tư Kiệt đã đồng ý trả lời phỏng vấn báo Sinh Viên Việt Nam. [1]


Một câu chuyện trong veo giữa dâu bể cuộc đời

Cuốn tiểu thuyết đầu tay Balzac và Cô bé thợ may Trung Hoa được ông viết trong năm 2000, tức là lúc ông đã 46 tuổi. Tại sao ông khởi nghiệp văn chương muộn đến thế? Ông có nghĩ nếu cuốn tiểu thuyết này được viết sớm hơn, ngay sau thời Cách mạng văn hoá Trung Hoa chẳng hạn, thì tác phẩm này sẽ có tiếng vang và tạo được hiệu ứng lớn hơn ở Trung Quốc?

Tôi sinh ra và lớn lên tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. Thời trẻ phải trải qua một cuộc tự cải tạo trong thời Cách mạng văn hoá. Năm 1984 tôi sang Pháp học đạo diễn và phải mất nhiều năm cho việc học bộ môn nghệ thuật mà tôi yêu thích này. Sau đó thì theo đuổi nó để làm phim. Việc viết văn thì tôi cũng đã từng viết lúc ở Trung Quốc nhưng lúc đó ở đây vẫn còn kiểm duyệt ghê gớm và nhà văn phải tôn trọng đường lối chính trị đương thời. Nhân vật của tôi lại không dính líu đến chính trị, hoặc không phải là những người quá dấn thân nhiều đến chính trị nên sau đó tôi quyết định dừng lại.

Một lý do khác là trong gần 20 năm ở Pháp, đa số bạn bè tôi nhập quốc tịch Pháp nhưng tôi vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc nên cũng phải... tính toán để còn đường về nước. Hơn nữa, với một anh kỹ sư hay một người lao động bình thường thì quốc tịch không ảnh hưởng nhiều lắm đến công việc của họ. Với một người nghệ sĩ thì khác. Quốc tịch không chỉ là một tờ giấy vô hồn mà nó còn dính đến vấn đề bản sắc văn hoá của con người mà anh ta đề cập trong tác phẩm của mình.

Ông vẫn chưa nói đến tại sao ông lại viết Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa muộn đến thế?

À, việc tôi viết câu chuyện này khá tình cờ và không hề có ý định từ trước. Và tôi cũng không nghĩ câu chuyện tôi viết ra hơi mang tính riêng tư lại được bạn đọc đón nhận thú vị như vậy. Thực ra thì câu chuyện này tôi gần như thuộc lòng và nó nằm đâu đó sẵn trong đầu mình, chỉ có dịp là tôi viết ra thôi!

Tác phẩm này, dù ông không cố ý nhưng có lẽ là một trong ít cuốn tiểu thuyết tiếp thị tốt nhất giá trị và sự quyến rũ của văn chương giữa thời buổi văn hoá đọc đang bị lấn át bởi văn hoá nghe nhìn. Michael Dirda, cây bút phê bình văn học của tờ Thời báo Washington đã gọi tác phẩm này là "một khúc ca lãng mạn, một tiểu thuyết về sức mạnh của nghệ thuật trong việc mở rộng cánh cửa của trí tưởng tượng, dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa..." Và đấy có phải là lý do khi tác phẩm này nhận được nhiều sự đồng cảm của bạn đọc đến như vậy?

Đúng là như thế! Khi bạn đọc đương đại đang tràn ngập trong không khí văn chương nghệ thuật hiện đại thì việc xuất hiện một tác phẩm văn học trong trẻo, tươi mát đề cập đến những con người trẻ tuổi với niềm đam mê văn chương trong một bối cảnh vùng núi xa xôi đem đến cho bạn đọc nhiều sự mới lạ và hấp dẫn.

Một lý do nữa khiến tác phẩm này thu hút được bạn đọc là nó đưa ra được sự đối lập giữa hai kiểu văn hoá, đồng thời tạo ra sự va chạm giữa chúng để đưa đến sự thay đổi trong tình cảm và lý trí của những nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết này.

Đấy liệu có phải là sự đối lập và va chạm giữa văn hoá phương Tây với phương Đông?

Không hẳn thế. Với sự tiếp cận những giá trị văn hoá phương Tây, thông qua các tác phẩm văn học cổ điển hay âm nhạc đã giúp các nhân vật chính của truyện thấy rõ hơn sự ấu trĩ và man rợ của cái gọi là Cách mạng văn hoá mà họ đang phải gánh chịu. Đấy không phải là văn hoá phương Đông, nhưng nó xảy ra ở phương Đông.


Văn hoá luôn dẫn dắt con người

Sự va chạm văn hoá đó tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của mỗi nhân vật, đặc biệt là Cô bé thợ may - người trước đó mù chữ và sống với thứ bản năng hoang dã của mình. Sau khi được Lạc và Mã, hai chàng thanh niên sống ở thành phố bị đưa về vùng núi heo hút nơi cô ở để cải tạo giúp cô khám phá ra vẻ đẹp và sự huyền diệu của văn chương, Cô bé thợ may đã thay đổi không chỉ hình thức mà cả tâm hồn của mình. Chi tiết cuối truyện, Cô bé thợ may đã rời bỏ vùng núi quê hương cô để tìm đến thành phố để tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Khi Lạc hỏi cô tại sao cô lại ra đi, cô trả lời rằng "Balzac đã làm cô hiểu ra một điều: Sắc đẹp của người đàn bà là một kho tàng vô giá"

Khi tôi chia sẻ những cảm nhận này với Đới Tư Kiệt và hỏi rằng liệu ông có hơi quá "lấy lòng" bạn đọc phương Tây, ông nói thêm: Cô bé thợ may ra đi sau những thay đổi do sự quyến rũ của văn hoá phương Tây mang lại nhưng đó là một cuộc ra đi bột phát, mơ hồ và không hề đoán định được tương lai. Cô bé thợ may có thể hạnh phúc, có thể không nhưng cái cô có lúc đó là có được một chút tự do.

Sự tiếp nhận của giới phê bình và bạn đọc ở Trung Quốc và bên ngoài có khác nhau nhiều không - thưa ông?

Nói chung là không nhiều lắm. Tuy nhiên, đến năm 2003 thì tác phẩm văn học của tôi mới được dịch ở trong nước, còn phim thì vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Tiểu thuyết nói chung là được khen nhiều nhưng bộ phim thì tạo ra nhiều tranh luận hơn - có khen, có chê. Nhiều nhà phê bình trong nước cũng nói rằng không thể có một cô bé nông dân chưa hề được học hành lại có thể tiếp nhận được những giá trị của văn hoá phương Tây nhanh như thế. Nông dân vẫn chỉ là nông dân mà thôi!

Tiểu thuyết và phim của ông đề cập đến đề tài Cách mạng văn hoá Trung Hoa. Một đề tài lớn mà nhiều nhà văn và đạo diễn ở Trung Quốc cũng bỏ ra nhiều công thức để sáng tạo và làm nên tên tuổi của họ như đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca... các nhà văn Giả Bình Ao, Mạc Ngôn, Trương Hiền Lượng... hay các nhà văn sống lưu vong ở nước ngoài như Amy Tan (tác giả của Phúc Lạc Hội, Con gái thày Lang), Anchee Min (Đỗ quyên đỏ)? [2] Thế nhưng dường như ông có một cách tiếp cận khác họ?

Trong tác phẩm của tôi, Cách mạng văn hoá chỉ là một cái nền và trên cái nền ấy con người hành xử như thế nào mà thôi. Đối với các văn nghệ sĩ khác, họ nghiên cứu nó nghiêm túc hơn. Đa số họ phân tích cuộc Cách mạng văn hoá ấy và những tác động của nó đến thân phận con người Trung Quốc. Nói chung, họ thích đi sâu vào đề tài chính trị, xã hội hơn tôi. Tôi nhìn thấy và đề cập sự phi lý trong bối cảnh đấy, còn những văn nghệ sĩ trong nước thì đề cập đến sự khổ đau và tàn bạo do Cách mạng văn hoá gây ra cho con người.

Cuốn tiểu thuyết thứ hai - Phức cảm của Di hình như vẫn tiếp tục đến đề tài này? Tôi đọc được từ một nguồn thông tin cho biết ông viết tác phẩm này với một kiến thức sâu sắc về phân tâm học xứng đáng là "môn đệ của Freud"?

Chính trị và Cách mạng văn hoá vẫn chỉ là một cái nền. Câu chuyện kể về một nhà phân tâm học người Trung Quốc sang Pháp học và sau đó trở về nước và đối mặt với cuộc sống hiện tại ở đây. Balzac và Cô bé thợ may Trung Hoa trong sáng, giản dị và gần với đời thường hơn còn Phức cảm của Di phức tạp hơn và nói đến những vấn đề bao trùm hơn mà tác phẩm trước chưa nói được. [3]


Tôi cũng có thể viết và in sách ở trong nước

Ông nói rằng ông vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc? Ông có định viết và xuất bản tác phẩm trong nước không?

Đúng vậy. Tôi về nước luôn và bố mẹ tôi vẫn đang sống ở Tứ Xuyên. Tôi cũng có thể viết và in được ở trong nước. Ở Trung Quốc bây giờ, điều mà tôi thấy rõ nhất là sự thay đổi và sự phát triển sôi động về mọi mặt.

Ông sang Việt Nam đợt này khá dài ngày? Có phải ông đang chuẩn bị cho một bộ phim về đề tài Việt Nam?

Đây là một dự án làm phim mới của tôi do Pháp và Canada tài trợ. Nội dung câu chuyện đề cập đến con người hiện đại Trung Quốc và sự mâu thuẫn giữa các thế hệ trong một gia đình làm nghề thuốc. Tôi chọn bối cảnh Việt Nam để quay phim này như đã từng làm với phim Người thừa vì cảnh vật ở nước bạn rất đẹp, phù hợp với bối cảnh của chuyện phim hơn. Hơn nữa, giá thành ở đây cũng rẻ hơn nhiều so với Trung Quốc. Rất có thể nữ diễn viên Châu Tấn [4] sẽ vào vai chính trong phim này, một nhà nữ thực vật học Trung Quốc - đây cũng là tiêu đề của bộ phim.

Ở Pháp, ông có xem một số bộ phim nổi tiếng của một vài đạo diễn Việt Nam chúng tôi, như Trần Anh Hùng, Đặng Nhật Minh?

Tôi có xem 3 phim của Trần Anh Hùng và một vài phim của Đặng Nhật Minh, trong đó có Thương nhớ đồng quê. Phim của Trần Anh Hùng không phải là loại phim tôi thích nhưng tôi kính trọng tài năng của ông ấy. Phim của Đặng Nhật Minh, tôi có cảm nhận được một vài góc độ nhạy cảm nhưng tôi không hiểu lắm!



[1]Bài phỏng vấn này được thực hiện bằng tiếng Pháp với sự phiên dịch của dịch giả, nhà văn Châu Diên.
[2]Hai nữ nhà văn Trung Quốc hiện đang sống tại Mỹ. Tác phẩm của họ đã được dịch và in tại Việt Nam.
[3]Trong cuộc gặp gỡ thân mật tại Hà Nội, Đới Tư Kiệt có ý định tặng dịch giả Dương Tường tác phẩm Phức cảm của Di và ông Dương Tường cũng cho biết nếu có thể thu xếp được về vấn đề bản quyền, ông sẽ dịch tác phẩm này.
[4]Châu Tấn (Zhou Xun) - nữ diễn viên trẻ nổi tiếng Trung Quốc, quen thuộc với khán giả Việt Nam qua các phim truyền hình Mùa quýt chín, Anh hùng xạ điêu và đóng vai Cô bé thợ may trong bộ phim của Đới Tư Kiệt.

Nguồn: Sinh Viên Việt Nam số 38 (22.9.2004)