trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
23.9.2004
Hà Nhân Văn L.L.H.
Cái tâm có lãi bằng ba cái tài
 1   2   3   4   5   6 
 
9. Loại gương kỳ lạ

Suốt năm vừa qua tại Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố lớn Việt Nam đã diễn ra một chuyện hết sức kỳ lạ. Mọi người ai nấy đều hân hoan, mặt mày rạng rỡ như vừa được cấp sổ đỏ hoặc trúng số đề.

Ðó là nhờ một phát minh khoa học mới: một loại gương thông minh, sử dụng công nghệ số, có thể điều chỉnh hình ảnh trong gương theo ý muốn. Ví dụ có thể cho mình béo lên, gầy đi, hồng hào lên, trắng ra, mắt long lanh hơn. Những kiểu gương mới nhất còn có thể cho hình ảnh có thêm cả nốt ruồi, má lúm đồng tiền và tóc cho người hói, hoặc làm cho răng tự động lui vào và xếp hàng trật tự.

Ðiểm kỳ lạ là mọi người không ngắm nhau mà chỉ soi gương. Mỗi khi có sinh nhật, đám cưới, hay hội nghị là đều có gương lớn cho mọi người soi tập thể. Ngay cả các hiệu ảnh cũng để tấm gương thật lớn, rồi chụp hình trong gương chứ không chụp người. Các đôi uyên ương đi đâu cũng phải kè kè mang theo gương vì họ không nhìn nhau mà chỉ nhìn vào hình của nhau trong gương, cả đến lúc hôn nhau cũng phải nhìn vào trong gương mới hôn được.

Có điều khá lạ là loại gương này chỉ bán được ở Việt Nam và một ít ở vài nước Châu Á.

Các chuyên gia nghiên cứu thị trường nhận thấy tỷ lệ phụ nữ tại Việt Nam cao một cách kỳ lạ, gần gấp đôi so với các nước xung quanh, vì loại gương này chỉ có tác dụng đối với phụ nữ, còn đàn ông soi vào chỉ thấy chính mình thôi.

Một nhà nhân chủng học người Mỹ đã phát hiện ra là cả đàn ông Việt Nam cũng mua gương thông minh nhiều không kém gì phụ nữ.

Francoise De Mulde ngay lập tức đến gặp nhà nhân chủng học, có cả gã đeo kính và nhà nghiên cứu văn hóa bữa trước đi cùng.

FDM: Chào Ngài, được biết rằng người Việt tiêu thụ gương thông minh nhiều nhất thế giới. Cả đàn ông cũng dùng. Vậy phải chăng ở Việt Nam có rất nhiều đàn ông giàu nữ tính?

Nhà nhân chủng học (NNCH): Không phải vậy đâu. Không phải là đàn ông giàu nữ tính đâu.

FDM: Sao lại thế nhỉ. Chính tôi đã gặp rất nhiều người mà phải mất ít nhất 30 phút mới xác định được giới tính. Bề ngoài họ là đàn ông nhưng lại tràn trề nữ tính.

NNCH: Ðấy là tại cô chưa đi sâu tìm hiểu thôi. Nói tới người Việt là nói tới phụ nữ Việt Nam. Có ai nói đàn ông Việt Nam đâu, vì đơn giản là làm gì có. Những người cô nói hoàn toàn không phải là ái nam ái nữ mà là phụ nữ hẳn hoi. Cái độc đáo của người Việt là một nửa số dân tuy mang ngoại hình của đàn ông, nhưng không vì thế mà mất đi nữ tính của mình. Chính cái nữ tính bất hủ ấy đã làm nên văn hóa Việt.

FDM: Thảo nào mà Việt Nam có nhiều thứ độc đáo như vậy.

NNCH: À, nói chuyện gương thông minh lại nhớ chuyện của một chị bạn người Việt. Một hôm, chị có bà mẹ chồng quý hóa đến thăm. Bà mới mua một bộ áo lông thú hiệu Versace của Italia nên tự nhiên thấy nhớ bạn bè, bèn làm một tua đi thăm bạn cũ từ thời học phổ thông. Tua trình diễn thời trang kết thúc ở chỗ cô con dâu. Trong lúc chị đang vào nhà trong pha nước ngọt thì thấy giọng bà mẹ chồng gắt: “Sao con kiếm đâu ra cái mannequin (người nộm làm mẫu) mặc áo lông thú trông gớm ghiếc thế? Nhìn ghê quá, mất hết cả hứng.” Chị chưa kịp trả lời, bỗng nghe “choang” một tiếng. Chị chạy ra thì bà mẹ chồng đã bỏ về. Chiếc gương lớn mới mua để ở cửa ra vào đã bị vỡ tan tành. Chắc bà ấy vừa soi gương ngắm áo mới. Không hiểu tại sao cái gương hiệu Sony cho hình ảnh 3 chiều mua hơn 10 triệu đồng mà lại dễ vỡ như vậy. Ðến lúc mang mảnh vỡ ra khiếu nại bộ phận bảo hành gương mới biết là mua phải gương rởm của Tàu, mới dùng được một tuần đã hỏng bộ phận điều chỉnh, nhìn vào chỉ thấy hình ảnh thật mọi khi. Chắc khi bà ấy đến chơi bạn bè, nhà ai cũng có gương thông minh xịn, soi vào là thấy ngay một quý bà sang trọng trong trang phục áo lông thú hiệu Versace của Italia. Mỗi mình cô con dâu mua phải gương rởm. Làm gì mà bà mẹ chồng chẳng nhìn nhầm thành cái mannequin gớm ghiếc. Khi phát hiện ra đấy là cái gương thì đương nhiên là không thể tha thứ cho cái tội vu khống đó được. Bà mẹ chồng xưa nay vốn là người hiền lành, nhưng vì cơn giận dữ chính đáng bùng lên quá nhanh đã thành bạo lực đập tan chiếc gương láo xược, khiến bà không kịp ngăn lại.

GÐK: Ham của rẻ là nguy hiểm thế đấy. Nếu trót mua phải loại gương rởm đó, chỉ nên để ở xó bếp thôi. Thỉnh thoảng, lúc không có ai thì soi trộm một cái để khỏi quên cái mặt của mình thôi.

NNCH: Vấn đề là bà mẹ chồng đã gần như quên hẳn cái hình ảnh của mình rồi thì lại bị dội một gáo nước lạnh, từ chín tầng mây rơi bộp xuống đất, làm sao mà chịu nổi. Vụ đó khiến chị bạn tôi vô cùng áy náy, không biết làm thế nào để xin lỗi bà mẹ chồng. Cái gương thì vỡ rồi. Chẳng nhẽ băm nó ra làm trăm mảnh để trừng phạt. Sau vụ đó, chị không dám để gương ở cửa nữa. Nhỡ nó lại bị trục trặc không điều chỉnh được hình ảnh, lại vu khống, xúc phạm thêm ai nữa thì chết.

FDM: À, nghe chuyện này, tôi lại nhớ có loại tội gì đó của người Việt, hình như là tội lợi dụng thông tin để vu khống, xúc phạm người khác. Vậy chị bạn tôi có phạm tội đó không?

GÐK: Thực ra chị đó chỉ vô tình xúc phạm bà mẹ chồng thôi. Nhưng nếu có bằng chứng là đã biết mua phải gương rởm và mẹ chồng sẽ đến chơi với chiếc áo lông thú mới mà vẫn để gương ở đó thì chị ấy đã phạm tội rồi đó, tuy mới ở mức độ gián tiếp vu khống và xúc phạm. Loại tội kinh điển thứ hai này có tên đầy đủ là tội lợi dụng thông tin để vu khống, xúc phạm người khác và xuyên tạc đạo lý.

FDM: Nếu thông tin sai thực tế thì có mắc tội vu khống không?

GÐK: Thông tin khác với thực tế thì quá bình thường, làm sao thành trọng tội được. Vấn đề còn tuỳ thuộc cái Tâm có trong sáng không. Phải tường thuật trắng trợn thực tế thì tâm mới không trong sáng, mới xúc phạm và vu khống người khác chứ.


10. Kẻ khủng bố hung hãn nhất

FDM: À, tôi thấy rất nhiều nhà văn luôn miệng thề sống thề chết là họ chỉ viết sự thật thôi. Vậy họ có phạm tội lợi dụng thông tin để xúc phạm và vu khống người khác không?

GÐK: Cô đừng nghĩ oan cho họ. Thực ra họ chỉ viết về hiện thực thôi. Tác phẩm của đa số nhà văn, nhà báo chúng tôi tuy đều có rất nhiều người thật việc thật, nhưng chỉ có một tí sự thật thôi. Sự thật là ý nghĩa thật sự của hiện thực, của những việc thật. Nói rất nhiều việc thật nhưng vẫn giữ kín ý nghĩa của nó thì thực ra là chưa nói gì cả, làm sao mà xúc phạm, vu khống người khác được?

FDM: Sao anh không dùng từ “chân lý,” tức ý nghĩa của sự thật để phân biệt với “sự thật” theo nghĩa là việc thật? Tiếng Việt có hai từ khác nhau mà.

GÐK: Ðó lại là một câu chuyện khác, rất dài và lý thú. Tôi sẽ nói vào dịp khác. Nói tiếp, những kẻ phạm tội lợi dụng thông tin để xúc phạm không phải là kẻ bám chặt vào thực tế, mà trái lại, chính là kẻ mắc bệnh tư duy trừu tượng, gồm tật tưởng tượng quá xa, rồi lại đi khái quát mọi thứ, để rồi cuối cùng rơi vào cái bẫy của sự thật và thế là phạm tội.

FDM: Tôi thấy người Việt các bạn khi làm việc lúc nào cũng như đang lơ lửng trên mây. Vậy họ có mắc tật tưởng tượng quá xa và có nguy cơ phạm tội xúc phạm không?

GÐK: Ồ không, khi làm việc chúng tôi mơ mộng và thi sĩ bao nhiêu thì ngược lại, khi sáng tác văn chương, chúng tôi lại tỉnh táo, sáng suốt và thực tế bấy nhiêu, không bao giờ buông chân khỏi mặt đất người thật, việc thật cả. Tuy nhiên, không tránh khỏi ngoại lệ là có một vài kẻ nhiều khi có vẻ như thoát ly khỏi hiện thực, như Phạm Thị Hoài hay Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn. Nhưng vẫn xúc phạm, vu khống người khác và xuyên tạc đạo lý, vì đã thả cả một đàn sự thật gớm ghiếc và hung hãn, không một mảnh đạo đức che thân, xô đổ cả các thành quách đền đài luân lý, lao xồng xộc cả vào những nơi tôn nghiêm, làm thần thánh vãi cả linh hồn, bỏ chạy hết. Thật là hết sức đồi trụy và xấc xược.

FDM: Cervantes, Goethe, Marquez hay Bồ Tùng Linh cũng nhân danh những Don Quichotte, Mephisto, Hồ ly tinh và những thứ phi thực khác để tung ra sự thật. Những tội lỗi nguy hiểm thường giống nhau. Với người đàn bà giàu nữ tính bậc nhất thế giới có tên là Việt Nam, sự thật không những thiếu tiện nghi mà còn tước đoạt tiện nghi của nạn nhân.

NVH: Bọn này có lẽ chỉ nghiện cái ác là chính. Chúng chỉ thích nói về cái ác, bệnh hoạn tới mức thích nói cả cái ác của chính mình, như loài cá mập thèm thịt tươi tới mức ăn cả thịt chính nó.

FDM: Thế thì bệnh hoạn thật. Người khỏe mạnh chỉ đi nói thật về người khác thôi chứ. Chắc là họ muốn chuyên môn hóa về cái xấu. Người khác phụ trách phần làm. Còn họ phụ trách phần còn lại là trình bày kết quả.


10A. Tật nói ngược

NVH: Có một điều khó hiểu là chúng lại được bọn Tây trao giải thưởng văn chương, chẳng hạn như cái giải LiBeraturpreis của Ðức cho cuốn Thiên Sứ và giải của tờ báo Anh The Guardian cho Nguyễn Huy Thiệp. Thực ra chúng có tài cán gì đâu, chỉ có mỗi cái võ nói ngược thôi.

FDM: Có gì khó hiểu đâu. Bọn nhà văn nước ngoài như Balzac, Lỗ Tấn, Mark Twain, Dickens, Gogol hay như ông bạn người Thổ Aziz Nesin cũng chủ yếu có món nói ngược đó thôi. Chẳng hạn, TIỀN là một phát minh vĩ đại của loài người, ngang tầm với phát minh ra lửa. Nhờ có nó mà dân châu Á , Phi, mới có xe lửa, điện, điện thoại, truyền hình, xe máy, ô-tô, máy bay v.v..., và dân Âu-Mỹ mới có tơ lụa, dầu mỏ, nông hải sản... để dùng. Nhờ có tiền mà con người ham muốn làm việc, tranh đấu và sáng tạo nhiều hơn. Tiền là thứ giấy chứng nhận và thước đo thuyết phục nhất của LAO ÐỘNG, TÀI NĂNG, CAN ÐẢM và TRÁCH NHIỆM, là một đại diện cho sức mạnh, phẩm giá và cái đẹp. Tóm lại, tiền là một giá trị căn bản của con người. Ấy thế mà cái gã Balzac lại đi bẻ ngược lại rằng tiền là nguồn gốc mọi tội lỗi. Rồi Trung Hoa là một nền văn minh lớn, lớn ngay từ cái tên Trung Quốc, (nước trung tâm thế giới) với một nền văn hóa tiên tiến đậm đà màu sắc chính trị và truyền thống đấu tranh vì quyền lực. Vậy mà cái lão Lỗ Tấn lại bảo đấy là truyền thống ăn thịt người. Mạc Ngôn còn phụ họa theo rằng thứ tiên tiến và sáng tạo nhất của người Tàu là phương pháp hành hình. Còn ông bạn người Thổ Aziz Nesin thì cứ như là sinh ra và lớn lên ở Việt Nam và chỉ làm mỗi việc là lộn ngược văn chương và báo chí ta thành âm bản. Những thói tật nguy hiểm nhất thường gặp nhau: nói ngược là căn bệnh chung của bọn nghiện sự thật.

NVH: Nhưng nói ngược lại những gì người khác nói thì chỉ việc đổi tốt thành xấu, cao cả thành đê tiện, tự hào thành mặc cảm... là xong thôi mà.

GÐK: À, đấy là họ đạo văn của các nhà văn lớn của chúng ta đấy.

NVH: Thật không? Ồ, nếu vậy thì tuyệt quá. Anh đưa ngay chứng cứ cho tôi đi.

GÐK: Nói ngược có hai khâu. Khâu thứ nhất là nghĩ ra một cái gì thật đó thật Nhạt, thật Nông và thật Nhàm, vừa Nhái, vừa Nhỏ lại vừa Nghèo, đã thế lại phải vừa Nhẹ, vừa Nhát, vừa Nhược rồi lại hoàn toàn Nhầm nữa. Khi đã có đủ 10 chữ N rồi là xong khâu thứ nhất. Ðến khâu thứ hai chỉ việc nói ngược lại là xong thôi mà.

FDM: À, tôi hiểu rồi. NHẠT nói ngược lại sẽ thành đậm đà, ý vị, hấp dẫn; NÔNG sẽ thành sâu sắc, ám ảnh; NHÀM sẽ thành mới lạ, cách tân, avant-garde; NHÁI sẽ thành của riêng mình, không lẫn vào đâu được; NHỎ sẽ thành lớn lao, kỳ vĩ; rồi NGHÈO nói ngược lại sẽ thành phong phú, giàu có cả về ý tưởng, cảm xúc và phong cách; NHẸ sẽ thành có sức nặng gây chấn động; NHÁT sẽ thành cấp tiến, dấn thân, phản kháng, đầy tính chiến đấu vì Tự do và Chân-Thiện-Mỹ; NHƯỢC sẽ thành mạnh mẽ, quyết liệt và triệt để; và cuối cùng, NHẦM nói ngược lại sẽ thành đúng đắn, chí lý, đầy ắp chân lý, cả thẩm mỹ lẫn khoa học.

GÐK: Nhưng nghĩ ra được một cái gì đó có đủ cả 10 phẩm chất chữ N là một việc rất khó. Ðược cái nọ thường mất cái kia. Chỉ có các các nhà văn lớn của chúng ta, nhờ dồn hết tài năng và sức lực vào việc thể hiện cái Tâm và trình diễn các kiệt-tác-bằng-xương-thịt nên mới đạt đủ cả 10 chữ N trong văn chương của mình. Bản thân Phạm Thị Hoài và Nguyễn Huy Thiệp không đủ sức làm nên khi thấy đã có sẵn 10 chữ N ấy trong tay các nhà văn lớn, họ bèn đạo luôn. Có 10 chữ N rồi thì việc nói ngược lại là chuyện nhỏ như con thỏ.

FDM: Nếu vậy, lẽ ra họ phải chia một nửa, thậm chí hai phần ba giải thưởng cho các nhà văn lớn mới phải, vì công đầu thuộc về các vị này. Họ chỉ ăn theo thôi. Tạo ra đến tận 10 chữ N như vậy phải nói là cũng cầu kỳ công phu lắm đấy chứ, đâu phải dân tộc nào cũng làm được. Xét rộng hơn, nếu không có một nền văn hóa 10 chữ N thường trực như vậy, làm gì có họ như bây giờ?

NVH: Có lẽ vì thế mà tụi đó chưa bao giờ đoạt giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn cả. Phải công nhận Hội Nhà văn đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao trong việc đấu tranh chống tệ nói ngược.

FDM: Phải làm như vậy mới giữ vững kỷ luật phát ngôn của hội viên, mới giáo dục cái Tâm được.

NVH: Cái đó thì đương nhiên rồi. Nhưng cái chính là để ngăn chặn việc tự tiện suy nghĩ ra ngoài luồng, thiếu ý thức tổ chức.

GÐK: Ðể đấu tranh hiệu quả chống tật nói ngược, cần phân tích nó ở góc độ khoa học. Theo thuật ngữ chuyên môn, cái đó gọi là tính phê phán, một biểu hiện của lý tính, trong giáo dục gọi là dấu hiệu của trí tuệ, trong nghệ thuật gọi là sáng tạo, trong nghề báo kiểu như ở đây gọi là trung thực và can đảm, trong lịch sử gọi là cách mạng và trong triết học gọi là phát triển. Còn trong sinh học, nó gọi là thay thế cái cũ bằng cái mới, dấu hiệu của sự sống. Tất cả những thứ đó đều là những mối nguy hiểm tiềm tàng cho cái Tâm.

NVH: Nói gì thì nói, nhiệm vụ của cái Tâm là phải bài trừ tật nói ngược vì nó phản dân tộc.

GÐK: Theo tôi, cái nguy hiểm của tật nói ngược chưa phải là ở chỗ phản dân tộc, mà ở chỗ nó truyền bá thứ văn hóa đồi trụy và phản động nhất: SỰ THẬT. Vì vậy, nhiệm vụ của cái Tâm chưa phải là bài trừ tật nói ngược mà là bài trừ tận gốc cái tật cố ý truyền bá sự thật, bất kể nói ngược hay nói xuôi. Sự thật mới là kẻ thù nguy hiểm nhất của cái Tâm.

NVH: Nguy hiểm thế nào?

GÐK: Nếu mọi người đều biết rõ cái Tâm thực ra là gì thì làm sao nó giữ được lợi thế cạnh tranh với cái Tài trong nghề nghiệp, với cái Ðẹp trong nghệ thuật, với Chân lý trong khoa học và với Công lý trong luật pháp? Sự thật không những tước đoạt tiện nghi của nạn nhân mà còn đe doạ phá hủy những lâu đài được xây bằng vật liệu cách-sự-thật.

FDM: Ðúng là vừa xúc phạm, vừa đe doạ khủng bố. Kinh thật

GÐK: Cũng may cho cái Tâm là kẻ kể việc thật thì nhiều, chứ kẻ nói sự thật chưa tới 5 đầu ngón tay. Chính vì vậy, trừ báo chí ra, còn trong văn chương, càng khuyến khích nói việc thật càng tốt vì công chúng cứ tưởng đấy là sự thật. Kể việc thật trong văn chương chính là cách tốt nhất để đẩy độc giả ra xa sự thật. Thậm chí có thể khuyến khích nói ngược, vì có phải ai nói ngược cũng ra sự thật đâu, phần lớn chỉ ra việc thật thôi.

NVH: Ngoài ra cũng phải bài trừ loại văn hóa phẩm khiêu dâm nữa chứ.

GÐK: Không cần. Ngay cả những cuốn sách đầy những ngực, mông, đùi, vú, khỏa thân, hay những trang web sex cũng vẫn tốt, vì rất may là những thứ đó chỉ nói tới phần “con” không đáng sợ, không đả động gì đến cái phần “người” của bản năng, mới là cái phần nguy hiểm nhất mà nếu được giải phóng, nó sẽ bùng nổ như năng lượng nguyên tử, thiêu cháy rụi cả công nghệ đạo đức, nghề yêu nước và cái Tâm, còn nguy hiểm hơn cả con sư tử Trung Hoa khi thức giấc ý chứ. Thà để cho thanh niên xem các trang web khiêu dâm còn hơn là để họ tiếp xúc với những thứ nguy hiểm như talawas. Ðộc giả cứ tưởng thỏa mãn tình dục là giải phóng con người, là trở về với tự nhiên, và hoàn toàn yên chí là đã tóm được sự thật rồi. Rất may là chúng ta có cả một đội ngũ nghi binh hùng hậu gồm những phóng sự còn tươi nguyên chất liệu đời sống, xúng xính trong những bộ trang phục tiểu thuyết, truyện ngắn hàng hiệu mới coong, hồn nhiên trình diễn những pha nổi loạn nóng bỏng trên giường với đầy đủ những mông, ngực, đùi, vú,... cùng các trang web sex. Ðảm bảo đội ngũ nghi binh ấy sẽ là những Lê Lai cứu chúa tuyệt vời, đánh lạc hướng độc giả để bảo vệ sự thật.

FDM: Nhưng sự thật là kẻ khủng bố mà vẫn cần bảo vệ?

GÐK: Nếu sự thật được giữ kín không ai trông thấy thì vô hại. Nó chỉ trở thành kẻ khủng bố khi bị lộ mặt. Không những thế, kẻ khủng bố ấy còn có thứ rất giá trị, cũng như nọc độc rắn có giá trị chữa bệnh. Chúng ta vẫn thường lấy tên của nó chế biến thành những món sang nhất trong báo chí và văn chương-nghệ thuật. Rồi ta còn lấy tên nó đặt cho các đồ chơi của mình như Chân-Thiện-Mỹ hay như “Nhà xuất bản Sự thật” chẳng hạn. Các nhà yêu nước chuyên nghiệp Liên-Xô ngày trước cũng lấy tên nó đặt cho báo “Sự thật” đấy chứ.

FDM: Thảo nào, trong tiếng Việt, nếu như “mày thật là to gan” phải hiểu là “ngươi đang làm điều gì sai trái,” thì những câu như “nó trắng trợn tuyên bố,” “chúng sống với nhau công khai, không giấu giếm,”” “nó thích đàn ông một cách không che giấu,” cũng có nghĩa là họ đang làm một việc xấu. Vậy là, việc để lộ con người thật, suy nghĩ thật hay hành động thật của mình là một việc làm xấu xa không kém gì tật can đảm (thiếu tinh thần biết sợ).

GÐK: Cũng làm việc đó, nhưng không được để ai biết cả mới là người đạo đức. Thế mới là người có Tâm.

FDM: À, như vậy, tiêu chuẩn để được coi là chân lý là phải mang tên của chính kẻ khủng bố hung hãn nhất, nhưng phải bịt kín mặt của nó lại. Ðúng là chủ nghĩa duy danh (nominalism) có khác.

GÐK: Chừng nào sự thật vẫn được giữ kín trong văn chương, nghệ thuật và trong đời thực thì cái Tâm vẫn an toàn. Ở đây, cái Tâm đã học được từ chính kẻ thù của mình tính năng duy danh: một khi được đặt tên là cái Tâm và không để ai biết mặt, thì đến lượt mình, cái Tâm sẽ không những tiếp tục giải phóng người Việt khỏi gánh nặng của lao động và tài năng trong nghề nghiệp và nghệ thuật, mà còn bảo vệ người Việt trước nguy cơ khủng bố của sự thật. Có thể nói, CÁI TÂM ÐÃ CỨU NGƯỜI VIỆT THOÁT KHỎI LAO ÐỘNG, NGHỆ THUẬT & SỰ THẬT.


10B. Bệnh nghiện sự thật

GÐK: Tội lợi dụng thông tin vu khống xúc phạm, thường xuất phát từ một nguyên nhân mang tính bệnh lý. Ðó là bệnh nghiện sự thật. Bệnh này có tên khoa học là Hội chứng Suy giảm Nhu cầu Tiện nghi Mắc phải, một loại AIDS. Ðây là một loại bệnh lây nhiễm, có nguồn gốc từ phương Tây. Bệnh này ai mắc vào thì có khen cả ngày cũng không động lòng. Nhìn cái gì cũng chỉ chăm chăm đi tìm xem sự thật nằm ở đâu, có bao nhiêu sự thật chưa được khám phá, cái nào quá đát phải bỏ đi. Ðánh đau mấy cũng không chừa. Những con bệnh kinh điển là Galilei, Giordano Bruno, Copernicus, Albert Einstein, Sakharov, Lỗ Tấn...

FDM: Khiếp quá nhỉ. Người ta đã tìm ra loại vi khuẩn bệnh này chưa?

GÐK: Tìm ra rồi. Rất may là vi khuẩn bệnh này không sống được ở Việt Nam lâu. Trước đây vi khuẩn bệnh SARS hồi mới vào Việt Nam cũng tưởng làm vương làm tướng. Chưa được mấy nả đã lăn ra chết hết, vì có gì đâu, nó sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, đã quen với điều kiện sinh hoạt và khí hậu ở đó rồi, vào Việt Nam làm sao chịu được, có khác gì quân Nguyên ngày xưa đâu? Loại vi khuẩn mới này mà không được chén thông tin xịn là lăn ra ốm rồi chết ngay. Với lại, chúng rất sợ tiện nghi và tất cả những gì liên quan tới tiện nghi. Một tình yêu tiện nghi nồng nàn trong máu người Việt sẽ tạo ra một loại kháng thể rất mạnh. Chúng gặp phải thì chỉ có khóc.

FDM: Bệnh nghiện sự thật có những tác hại gì?

GÐK: Rất nhiều tác hại. Nó làm cho nạn nhân trở nên vô cảm trước những lời khen, mất khả năng tự hào tưởng tượng. Nó làm cho nạn nhân trở nên xấc xược, độc ác và phản động, dẫn tới phá hoại truyền thống đạo lý dân tộc. Bệnh này còn dẫn tới ngụy biện, phản khoa học như cho rằng có nhiều sự thật/chân lý khác nhau, thậm chí đối lập nhau cùng tồn tại hòa bình. Ví dụ cái tay Nguyễn Huy Thiệp, một con nghiện nặng, lại cho rằng nhầm lẫn cũng là một chân lý, nghĩa là cả sai lầm lẫn chân lý đều là chân lý cả. Quan niệm chân chính là chân lý chỉ có một mà thôi. Một khi ăn ngọt là chân lý thì ăn mặn, ăn cay, ăn chát..., đều là phản chân lý. Ta là chân lý thì những kẻ khác ta là phản chân lý, tức là địch, cần phải tiêu diệt. Một điều hết sức nguy hiểm nữa là bệnh này cổ vũ cho đối thoại, vì càng đối thoại thì sự thật càng có nguy cơ bị lộ và trở thành kẻ khủng bố. Rất may là, người Việt rất ít người bị bệnh này.

FDM: Còn trong văn chương nghệ thuật thì bệnh này có tác hại gì?

GÐK: Trong văn chương nghệ thuật, bệnh nghiện sự thật này nguy hiểm vô cùng. Nó khiến cho con nghiện lao vào cuộc sống như con thiêu thân, tự đốt cháy mình, tìm mọi con đường, chấp nhận trả mọi giá để thấu hiểu con nguời. Khi tới đó, chúng sẽ được nếm những đau đớn trong câm lặng và cả những khoái lạc trong tan nát. Nhưng bọn này không có khả năng trình diễn như các nhà thơ chuyên nghiệp nên đa số mọi người chỉ nghe thấy những tiếng gầm gừ rất thiếu nên thơ. Ðôi khi chúng hộc lên một tiếng như con thú bị tử thương. Không có nước mắt.

“Khi Trương Chi văng tiếng “CỨT,”
tiếng nói của những linh hồn bị chà đạp và tước đoạt,
Không ai nghe thấy những mơ ước lặng thầm đang cất lên tiếng hát,
và lửa yêu thương không tắt được trong tim.
Gã lắng nghe trong lòng một giai điệu câm,
giai điệu của sự thật.
Chỉ có Beethoven không còn tai đang lắng nghe,
nghe nhịp đập tim trong giai điệu của âm thanh lặng lẽ,
giai điệu của sự thật.
Chẳng có gì ngoài SỰ THẬT,
Vì đó là THI CA."

(trích “Thi ca của Trương Chi,” HNV L.L.H., kính tặng nhà thơ Nguyễn Huy Thiệp)


10C. Kẻ nghiện sự thật

FDM: Một kẻ nghiện sự thật có chân dung thế nào?

GÐK: Ðể tôi tả chân dung một gã nghiện như thế này:

Dân nhậu nghiện rượu bia,
Quan chức nghiện quyền lực.
Thanh niên nghiện cờ bạc ma-túy với đàn bà,
Tất cả cùng nghiện đô-la,

Gã cũng thích rượu bia quyền lực đô-la
Ðặc biệt rất thích đàn bà,
Nhưng lại nghiện đúng cái mà đàn bà căm ghét nhất,
Gã nghiện sự thật.

Gã chăm chăm kiếm tìm xem nó nấp ở đâu.
Không bỏ qua một vết tích nhỏ nào của nó.
Gã sướng điên lên khi tìm thấy vài mảnh vụn của nó.

Gã đánh nhau.
Bị ăn đòn, hộc máu, xuống ruộng lên bờ.
Vì có kẻ dám giấu nó đi.

Gã lại đánh nhau.
Bị ăn đòn, hộc máu, ra tội vào tù.
Vì có kẻ dám làm giả nó.

Gã lại đánh nhau.
Lại ăn đòn, tiệm sập, ma dại thân tàn.
Cuối cùng tìm được một mảnh của nó, giơ lên cao như cúp vàng rồi hôn đắm đuối.

FDM: Như vậy, hai loại tội kinh điển cần chống bằng cách giáo dục cái Tâm là: 1) tội hơn người gây thương tích; 2) lợi dụng thông tin để vu khống, xúc phạm người khác và xuyên tạc đạo lý. Thế còn tội kinh điển thứ ba của người Việt là gì?

GÐK: Là tội mưu toan thay đổi hiện trạng để khủng bố người khác. Tội này là biến mối đe dọa của sự thật thành hiện thực. Ðây là tội nặng nhất. Người Việt có truyền thống bảo tồn, ổn định, ghét thay đổi. Từ bốn ngàn năm nay vẫn thế. Nghề yêu nước lại càng cần ổn định, không thay đổi. Sự thay đổi không những đòi hỏi phải làm việc nhiều hơn, đi ngược lại đạo Nhàn, bứng ta ra khỏi những gì quen thuộc, đầy tiện nghi, êm ái mà còn chứa đựng nhiều rủi ro, gây nhiều bất an.

FDM: Nhưng nếu chỉ có vậy thì cũng chưa thể khủng bố người khác?

GÐK: Ðúng vậy. Ðiều không thể tha thứ được là đổi thay đe dọa phá hỏng những tòa lâu đài xây bằng trí-khôn-kiểu-Việt, làm hỏng quyền được hưởng theo nhu cầu, làm hỏng đường tắt tới thành công, triệt tiêu con đường sống của những nhà yêu nước chuyên nghiệp, gây ra sợ hãi và lo âu cho nhiều người.

FDM: Nhưng điều gì dẫn tới mưu toan thay đổi hiện trạng?

GÐK: Có nhiều, nhưng khởi đầu của mọi mưu toan gây thay đổi là sự thật bị lộ diện. Chỉ cần khóa chặt, bịt kín sự thật lại thì mọi âm mưu như rắn mất đầu, bị dập tắt ngay từ trong trứng. Mấu chốt vẫn là sự thật.

FDM: Tôi thấy cả ba loại tội mà cái Tâm đang chống (tội cố ý hơn người gây thương tích, tội lợi dụng thông tin vu khống, xúc phạm người khác và tội mưu toan thay đổi hiện trạng gây khủng bố) cùng có chung một cái gì đó mà tôi chưa lý giải được. Anh có thể nói rõ đó là gì không ?

GĐK: Cô thật là nhạy cảm, sắp thành người Việt rồi đó. Đó là chính là điều mà chúng ta sẽ bàn vào lần tới. Xin chào.

(còn nữa)

© 2004 talawas