trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
25.9.2004
Hà Nhân Văn L.L.H.
Cái tâm có lãi bằng ba cái tài
 1   2   3   4   5   6 
 
13. Phong cách xa-lông

FDM: Lúc nãy khi nghe câu chuyện về xứ sở Nomansia không đàn ông, tôi đã lờ mờ hiểu vì sao người Việt luôn trung thành với truyền thống mùi mẫn than thở nỉ non trong văn học nghệ thuật. Có phải đó là nhờ tình yêu nồng nàn của người Việt với Tiện nghi Tức thì không?

GĐK: Nói chính xác thì đó là nhờ phong cách quý tộc hay phong cách xa-lông trong tâm hồn và trí óc người Việt: tư duy xa-lông và cảm xúc xa-lông.

FDM: Phong cách xa-lông là chỉ cần ngồi nhà viết phóng sự bằng điện thoại?

GĐK: Không phải. Đó mới chỉ là xa-lông về thân thể. Chất quý tộc xa-lông của người Việt ngấm vào tận tâm hồn và trí óc cơ.

Con người có rất nhiều cách nhìn, đọc, cảm và lý giải cuộc sống. Nhưng người Việt chỉ chọn một cách nhìn và cách cảm nào đem lại cho mình nhiều tiện nghi tức thì nhất. Và, như một người đàn bà chung thủy một khi đã chọn người đàn ông nào là chỉ đi theo người đó thôi, người Việt suốt đời trung thành với cách nhìn và cách cảm đã lựa chọn. Chính sự chung thủy ấy đã tạo nên phong cách quý tộc xa-lông của họ.

FDM: Thật là đáng quý vô cùng, không thay lòng đổi dạ như dân Tây.

GĐK: Nhờ Thánh Inco (Instant Comfort), tư duy và cảm xúc của nguời Việt chỉ cần ngồi nhà cũng nhìn thấy và cảm nhận được cuộc sống. Tư duy-cảm xúc ấy không bao giờ phải rời xa ngôi nhà thân quen của mình, nơi duy nhất đem lại cảm giác yên ấm và tiện nghi. Nếu không có bản năng bảo vệ, tư duy-cảm xúc ấy rất dễ bị lý trí lôi kéo sang nhà người khác, ở vị trí của người khác để nhìn, đọc và cảm cuộc sống ở góc độ khác, theo cách khác. Các cụ nói sểnh nhà ra thất nghiệp mà. Nhà người khác tuy có thể rộng hơn, cao hơn, nhưng làm sao thân quen bằng nhà mình được, không tiện nghi bằng nhà mình. Nhờ TNTT, người Việt không bị lý trí rủ rê để đặt mình vào vị trí của kẻ khác. Vì ở vị trí mới này, ở ngôi nhà mới này, rất có nguy cơ là họ sẽ phải đối mặt với những sự thật xa lạ chứa đựng nguy cơ gây thương tích hoặc mầm mống khủng bố, đối mặt với những cảm xúc và tâm trạng xa lạ thiếu tiện nghi.

FDM: Nếu có ai liều mạng lôi tâm trí ra khỏi ngôi nhà yên ấm của mình thì sẽ xảy ra chuyện gì?

GĐK: Nếu rời trí óc và tâm hồn ra khỏi tổ ấm tiện nghi quen thuộc sẽ rất nguy hiểm vì người ta sẽ phải thấy một thế giới khác, sống một cuộc sống khác. Bước chân vào thế giới mới đó, người Việt có thể sẽ bị choáng ngợp trước những tầm nhìn, cảm xúc và tâm trạng, những lạc thú và đớn đau chưa bao giờ biết tới. Khi ấy, họ rất dễ quên thuở hàn vi khi mà cả kho cảm xúc của họ chỉ có một tý mơ mộng và lèo tèo vài nỗi buồn lặt vặt còm cõi vô cớ mà vẫn đủ để say sưa rầu rĩ hàng chục năm trời. Một khi đã thừa mứa cảm xúc, họ rất dễ xao nhãng công việc sáng tạo nỗi đau mọi khi. Với lại, ở những tầm nhìn mới này người ta sẽ thấy chẳng còn lý do gì để tưởng tượng thêm đau khổ như vậy cả.

FDM: Chả bù cho dân Tây có mới nới cũ.

GĐK: Khi ấy, tư tưởng Việt sẽ có nguy cơ mất đi kiểu truyền thống duy nhất là tự ngợi ca, khoa học Việt sẽ mất đi thói quen khẳng định lại và minh hoạ những chân lý vĩnh cửu hay “tiên tri lạc quan”, văn chương và nghệ thuật Việt sẽ hoang mang, không còn kiên định một vị duy nhất là ngòn ngọt đèm đẹp hay một giọng mùi mẫn than thở nỉ non. Nếu tạm cất cái cảm giác tiện nghi đi, người Việt có nguy cơ gặp phải nhân loại.
FDM: Nhưng làm thế nào để rời trí óc và tâm hồn ra khỏi tổ ấm tiện nghi quen thuộc?

GĐK: Đó lại là một câu chuyện khác, khá dài. Ta sẽ bàn sau. Nói chung là có nhiều cách. Nhưng hình như rất ít người làm. Ngay như cách dễ nhất là đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ cũng rất ít người làm.

FDM: Có lẽ nếu thử làm thì có thể ít nhất sẽ mất đi chữ Nhàm trong 10 chữ N: Nhạt-Nông-Nhàm-Nhái-…-Nhầm.

14. Chế độ toàn trị trong tâm hồn (Totalitarian Mind)

GĐK: Phong cách xa-lông, giống như một con tàu biển thả neo vĩnh viễn tại một bến cảng, đã tạo nên một ngôi nhà hoàn toàn cố định trong tư duy và cảm xúc của người Việt, tạo điều kiện cho Thánh Inco, đại diện cho Tiện nghi Tức thì, trở thành lãnh tụ độc nhất và toàn trị trong trí óc và tâm hồn người Việt.

Chẳng hạn, đối với những gì xảy ra trong truyện Thanh Tâm Tài Nhân, có rất nhiều cách để nhìn, đọc, cảm và lý giải cuộc sống. Nhưng Nguyễn Du đã chọn cách lý giải “Tâm bằng ba Tài” là cách nhìn đem lại nhiều tiện nghi cho cụ nhất, thay vì những cách nhìn khác có thể chứa đựng chân lý thẩm mỹ. Chính vì vậy mà Nguyễn Du luôn là luật sư ưa thích nhất của mọi sản phẩm “made in Vietnam”.

FDM: Nhưng nhà thơ Nguyễn Du chưa to bằng Phó thủ tướng Tố Hữu?

GĐK: Có lẽ vì vậy mà ở Tố Hữu, Thánh Inco lãnh đạo tâm trí ông còn tuyệt đối hơn cả ngai vàng của Kim Nhật thành hay Mao Trạch đông. Dưới sự lãnh đạo ấy, trí óc ông luôn được bảo vệ kỹ lưỡng ở một góc nhìn cố định, không bao giờ bị xô lệch đến những góc nhìn khác không có người bảo vệ, nơi không có gì đảm bảo là không có những gã sự thật lạ hoắc và đầu gấu rình rập chỉ chực trấn lột mất niềm tin duy nhất của ông. Vị trí lãnh tụ tối cao của Thánh Inco giúp cho tâm hồn ông suốt đời được ngự trong một căn biệt thự đầy tiện nghi để sau khi tắm ánh mặt trời chân lý chói qua tim trong khu vườn đầy hoa lá và rộn tiếng chim, sẽ được ngắm pháo hoa chiến thắng nở tưng bừng trên bầu trời rực sáng và rạo rực phấn chấn trong giai điệu hùng tráng du dương của bản anh hùng ca cách mạng. Nhờ Thánh Inco, cảm xúc chưa bao giờ phải rời xa căn biệt thự tiện nghi ấy để đến một nơi xa lạ trong tâm hồn ông, nơi chỉ có những túp lều ổ chuột lụp xụp thiếu ánh sáng và điện nước, những tiếng nói lạc điệu rất phô, những cơn giận dữ rất vô lễ, những nỗi thất vọng hết sức phản cảm hoặc những tâm trạng tiểu tư sản, hữu khuynh, thậm chí….nhân văn đầy nguy hiểm. Nhờ sự lãnh đạo tuyệt đối của Thánh Inco trong trí óc và tâm hồn ông, sự thật hầu không có một cơ hội nào để gây án, đảm bảo cho bữa đại tiệc của cả dân tộc và giấc mơ làm người Việt của nhân loại tiến bộ được trọn vẹn.

FDM: Chà, người Đức mà được đọc thơ Tố Hữu chắc phải chết vì thèm và tủi thân. Đúng là kẻ ăn không hết người lần không ra. Đã quá lâu rồi họ không được biết đến hương vị của niềm tự hào. Nay, sau một loạt những việc làm thiện chí chuộc lại lỗi lầm về hai cuộc chiến tranh thế giới, nhất là việc phản đối Mỹ trong chiến tranh I-rắc, có lẽ đã đến lúc họ cần học người Việt cách tự ngưỡng mộ mình để tự thưởng một chút cho hành động đạo đức ấy.

GĐK: Đến Nguyễn Khải thì tình hình đã hơi khác. Do thời thơ ấu của tác giả không thật êm ái, cuộc lên ngôi của Thánh Inco không hoàn toàn dễ dàng. Ở vài thời điểm, đã có những tiếng nói yếu ớt khác ngập ngừng cất lên trong ông. Nhưng, như gừng càng già càng cay hay đồ cổ càng già càng có giá, nhu cầu TNTT càng ngày càng lớn mạnh theo tuổi tác của chủ nhân của nó. Và cuối cùng, ở vòng chung kết “Thượng đế thì cười”, khi bị “vua” TNTT trừng mắt, mấy cô nàng lắm chuyện kia chỉ biết thở dài im lặng và ngao ngán nhìn mẫu hậu Sử thi thuộc thế hệ U70 tiếp tục cuộc độc diễn từ mấy chục năm trước trong trang phục áo tắm và đoạt danh hiệu Hoa hậu Văn chương.

FDM: Đó là cái Tâm chính thống. Còn những cái Tâm khác thì sao?

GĐK: Nếu ở Tố Hữu và Nguyễn Khải, do hoàn cảnh riêng của tác giả, TNTT nằm ở cực dương, ở nhiều tác giả khác, chẳng hạn như Nguyễn Việt Hà (“Cơ hội của chúa”) hay Lại Văn Long (”Kẻ sát nhân lương thiện”), nó lại thống trị ở cực âm. Sinh ra từ nỗi thất vọng và cay đắng của người cảm thấy bị gạt khỏi cái bánh của phát triển kinh tế, TNTT chỉ cho phép tác giả cảm nhận vị đắng của miếng bánh và một màn đêm đen trong bầu trời kinh tế thị trường. Nó thẳng tay đàn áp bất kỳ ý nghĩ hay cảm xúc nào mưu toan nhìn, đọc và cảm cuộc sống theo cách khác, chẳng hạn như cảm thấy cả vị bùi của miếng bánh hoặc nhìn thấy trên bầu trời ấy ngoài đêm tối còn có cả những vì sao.

FDM: Thánh Inco (Instant Comfort) quả là vô cùng ý tứ. Ngài thấy Nguyễn Việt Hà đang say sưa cay đắng nên đã kịp che các ngôi sao đi, không nỡ để ánh sao vô tình ấy làm hỏng nỗi buồn cao quý của anh. Đó là ở trong nước. Còn ở hải ngoại thì sao?

GĐK: Ở hải ngoại cũng không khác mấy. Người Việt dù ở bất kỳ chân trời nào, mang bất kỳ quốc tịch nào cũng không quên mang theo cái Tâm và nhu cầu TNTT trong máu. Thánh Inco theo họ khắp nơi. Thánh Inco đảm bảo cho các nhà yêu nước dù ở Westminster, San Jose, Houston, Melbourne, Sydney, Toronto hay Berlin,…cũng không bao giờ bắt trí óc và tâm hồn mình rời xa tổ ấm tiện nghi. Nếu Thánh Inco luôn đảm bảo trong đầu họ chỉ có một ý nghĩ rằng những diễn đàn như Hợp Lưu, Đối Thoại trước đây hay Talawas sau này là tiếp tay cho cộng sản, thì ở vụ kiện William Joiner Center về Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi, thánh Inco luôn giúp ông Nguyễn Hữu Luyện cùng các chiến hữu không cho phép một ý nghĩ nào khác tồn tại trong đầu ngoài ý nghĩ rằng đó là âm mưu bôi nhọ cộng đồng người Việt hải ngoại. Đáng tiếc là hai ông H.H.Hiến và N.H. Chi lại chưa chịu làm đúng như ông N. H. Luyện tuyên truyền.

FDM: Lẽ ra ông Luyện nên thương lượng với hai ông “Việt cộng” kia, ứng trước một phần trong số 3 triệu USD để thuyết phục họ làm đúng như vậy thì có phải là vụ kiện thành công rồi không.

GĐK: Riêng về vụ bắt cóc con tin ở Beslan thì TNTT lại thống trị ở những cực khác nhau. Nếu đa số người Việt trong nước chỉ cảm thấy tiện nghi khi nghĩ rằng đó là cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Nga chống bọn khủng bố mất hết tính người, thì những người tiêu dùng tin tức người Việt hải ngoại lại chỉ thấy thoải mái với kiểu ý nghĩ rằng ông Putin lẽ ra phải thông báo chi tiết diễn biến vụ bắt cóc cho công luận và phải đàm phán đến cùng. Cả hai đều không thoải mái với kiểu ý nghĩ như của chính người trong cuộc, ông Pu-tin rằng cái chết không thể tránh khỏi của mấy trăm trẻ em đó là một trong những cái giá phải trả bắt buộc đầu tiên của cuộc đấu tranh lâu dài nhằm đem lại một cuộc sống tốt hơn cho người dân Nga.

FDM: Theo tôi hiểu thì chế độ toàn trị đối lập với tự do. Nhưng người trí thức dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn giữ cho mình tự do trong suy nghĩ. Vậy chế độ toàn trị có sống được trong đầu óc và tâm hồn trí thức Việt không?

GĐK: Về lý thuyết thì không. Nhưng thực tế thì có. Ở đa số trí thức Việt, nhu cầu Tiện nghi Tức thì mang sức mạnh nguyên thủy của BẢN NĂNG nên thường lấn át LÝ TRÍ. TNTT nhanh chóng đoạt hết quyền bính rồi lên ngôi hoàng đế hay Lãnh tụ Tối cao và lý trí chỉ còn cách an phận ngủ yên (nếu không muốn bóc lịch trong trại B14). Khi ấy, trí tuệ chỉ làm một việc là minh họa và biện hộ cho các ý muốn của Lãnh tụ TNTT, thay vì đi tìm chân lý, cụ thể là giải pháp cho những vấn đề đang đặt ra. Dưới sự dẫn dắt của TNTT, toàn bộ trí lực và tâm huyết của hầu hết các nhà nghiên cứu Việt được hướng tới việc biến những nhược điểm của dân tộc mình hoặc của chủng tộc mình thành ưu điểm (Cao Xuân Huy, [1] Trần Đình Hượu, Trần Thanh Đạm, Cao Xuân Hạo…). Vì vậy mà chúng ta đã có những công trình nghiên cứu làm nức lòng dân tộc không thua gì “Bình Ngô Đại cáo” hay “Ba mươi năm đời ta có Đảng”.

FDM: So với chế độ toàn trị về xã hội, như ở Bắc Triều Tiên hay Cu-ba chẳng hạn, thì chế độ toàn trị trong tâm hồn thế nào?

GĐK: Chế độ toàn trị (CĐTT) trong tâm hồn luôn luôn vững chắc hơn. Ngai vàng của Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), Mao Trạch Đông đã không còn. Ngôi báu của Kim Jong Ill và Fidel Castro có lẽ cũng sẽ như vậy. Nhưng nếu người Tàu, người Hàn, hay người Cuba học tập người Việt duy trì tư duy toàn trị và cảm xúc toàn trị, nhiều khả năng họ sẽ lại có những Kim Jong Ill mới, Mao mới và Fidel mới, những lãnh tụ toàn trị mới mang đầu óc toàn trị.

FDM: Vậy phải chăng chế độ toàn trị về xã hội xuất phát từ chế độ toàn trị trong tâm hồn?

GĐK: Xét một cách sâu sa thì là như vậy. Nhưng chuyện này dài lắm. Ta sẽ bàn sau.

14a. Cách mạng trong tâm hồn, tại sao không?

FDM: Vậy thì phải chăng một cuộc cách mạng ở bình diện xã hội trước hết phải xuất phát từ cách mạng trong đầu óc và tâm hồn? Và trong đầu óc thì bắt đầu bằng gì?

GĐK: Nếu có ai muốn thay đổi một điều gì, chẳng hạn muốn ra khỏi quỹ đạo của phong cách Việt truyền thống là tự ngợi ca và mùi mẫn nỉ non, trước hết phải cố rời trí óc và cảm xúc ra khỏi tổ ấm mọi khi để đến những nơi khác, góc nhìn khác để nhìn và cảm cuộc sống. Đây là một câu chuyện dài. Tuy nhiên, cách có thể làm được ngay là thử đặt mình vào vị trí của người khác để nhìn mọi thứ, để hình dung xem họ suy nghĩ như thế nào, họ mong muốn gì, sợ hãi gì, tìm kiếm gì, tự hào về cái gì, mặc cảm về cái gì, quan điểm của họ về tốt xấu, đúng sai, hạnh phúc, bất hạnh như thế nào. Chẳng hạn, nhà văn công chức ăn lương thử đặt mình vào vị trí của người sống ngoài biên chế, người làm quản lý Nhà nước vào vị trí của nhà doanh nghiệp, người được cuộc đời, thời thế hoặc chế độ ưu đãi vào vị trí của kẻ thua thiệt hoặc bị tước đoạt, người trong nước và ở nước ngoài, … và ngược lại.

FDM: Ở đây có vấn đề thay đổi cách nhận thức sự thật/chân lý?

GĐK: Đúng vậy. Chân lý không phải chỉ có một. Có nhiều chân lý khác nhau, cho nhiều người khác nhau. Muốn biết được những chân lý của người khác, phải đặt mình vào vị trí của họ. Việc này tất nhiên là không tiện nghi bằng đứng nguyên trong căn nhà mình. Nó đòi hỏi một sự hy sinh nhất định, dù chỉ là trong ý nghĩ.

15. Thương vụ vĩ đại nhất

FDM: Như vậy, rốt cuộc thì chủ nghĩa “Tâm bằng ba tài” của cụ Nguyễn Du đã tác động thế nào đến cuộc sống của người Việt?

GĐK: Trong lịch sử Việt nam, nếu có ai gây ảnh hưởng thực chất, bao trùm, lâu dài lên tư tưởng và hành động của người Việt, thì người đó chính là cụ Nguyễn Du. Nguyễn Du còn hơn Marx, Lincoln và Phật Thích-ca ở chỗ nếu ba vị kia chỉ tìm cách giải phóng con người khi họ đang đã bị xiềng xích và áp bức, đạo cái Tâm đã giải phóng người Việt khỏi lao động ngay từ khi họ chưa rơi vào ách áp bức của nó, nghĩa là giải phóng khỏi nguy cơ lao động, nói cách khác là phòng ngừa bệnh nghiện làm việc. Mà phòng bệnh bao giờ cũng hơn là chữa bệnh.

Trong số những thế giới mà người Việt chưa bao giờ biết tới và sa chân vào, có một thế giới mà hầu hết các dân tộc đang sống trong đó. Đó là THẾ GIỚI LÀM VIỆC. Người Việt sống trong thế giới của cảm xúc, cảm giác, chơi, quan hệ, ứng xử, đối nhân xử thế, tóm lại là thế giới của cái TÂM. Thế giới của người Việt là THẾ GIỚI CÁI TÂM.

FDM: Bây giờ tôi mới hiểu vì sao mà phong cách nhịn làm việc hoàn toàn vắng bóng trong các công trình nghiên cứu của các nhà Việt Nam học. Họ chưa bao giờ nhìn thấy thế giới làm việc cả thì làm sao biết được mình đang nhịn làm việc.

GĐK: Tất nhiên, cũng có vài nhà Việt Nam học nước ngoài đã trải qua thế giới đó. Nhưng họ cũng phải nhập gia tùy tục chứ. Đặc sản của Việt Nam là cái Tâm, đến Việt Nam dự Hội thảo về Việt Nam học mà lại không nếm cái Tâm thì đến làm quái gì? Vì vậy, trong các tham luận của mình, họ cũng thể hiện một cái Tâm trong sáng không kém gì chủ nhà, làm như chưa nhìn thấy thế giới làm việc bao giờ. Khi xài cái-Tâm-kiểu-Việt, họ sẽ tư duy y như người Việt và không bị bối rối khi đưa ra những nhận xét như: Việt nam là một dân tộc cần cù và sáng tạo, coi như hoàng đế người Việt vẫn đang mặc bộ quần áo tưởng tượng của một người làm việc.

FDM: Ồ, vậy là sản phẩm của người nước ngoài nhưng sản xuất tại Việt Nam vẫn có thể có tâm như thường. thật là kỳ diệu.

GĐK: Tất nhiên là loại sản phẩm ngoại “made in Vietnam” đó tuy có chút Tâm nhưng vẫn do lao động tạo ra, không thể có đủ cả 10 đặc tính chữ N như sản phẩm Việt được. Sản phẩm Việt là sản phẩm của cái Tâm, không sinh ra từ lao động, không phải là sản phẩm của thế giới làm việc. Do sinh ra từ sự dễ dàng-êm ái, tức tiện nghi tức thì, cốt lõi của cái Tâm, nên sản phẩm Việt hoàn toàn khác với một sản phẩm thông thường của con người do lao động tạo ra.

Như một người phụ nữ kỳ lạ luôn coi tình dục đồng nghĩa với cưỡng dâm, người Việt luôn coi lao động là một gánh nặng. Nhờ có cái Tâm giải phóng khỏi lao động mà trải qua hàng thế kỷ, Việt Nam vẫn là một thiếu nữ trinh trắng. Thiếu nữ ấy, nhờ chưa bao giờ bước vào thế giới làm việc đầy rẫy đàn ông, đã tránh được chung đụng với họ nên không bị lây nhiễm bệnh nghiện làm việc của họ và cũng không bị mang thai, tránh được đau đớn của sinh nở để cho ra đời những sản phẩm của căn bệnh làm việc, những sản phẩm chỉ có chất lượng mà thiếu cái Tâm.

FDM: Tôi hiểu rồi, sản phẩm Việt sinh ra từ phương pháp sinh sản vô tính, tức là thể hiện một thái độ ứng xử, một tấm lòng trong sáng đem lại cảm giác dễ chịu tức TNTT. Xét về mặt vật lý, sinh sản vô tính hầu như không tạo ra năng lượng (ca-lo), không sinh ra công (Watt), cũng không tiêu tốn ca-lo, chất xám hay nơ-ron thần kinh, nhưng lại đem lại cảm giác dễ chịu hay TNTT, thước đo cái Tâm. Vì vậy sản phẩm Việt đầy ắp cái Tâm, thay cho chất lượng.

GĐK: Như vậy, sản phẩm Việt, nhờ ra đời từ cái Tâm, theo phương pháp sinh sản vô tính bằng TNTT, không qua sinh nở lưỡng tính đầy khó nhọc, thường in đậm dấu ấn của cái Tâm là 10 đặc tính chữ N (Nhạt-Nông-Nhàm-Nhái-Nhỏ-Nghèo-Nhẹ-Nhát-Nhược-Nhầm). Còn sản phẩm thông thường được tạo ra khác chứ?

FDM: Sản phẩm thông thường được tạo ra bằng sinh sản lưỡng tính, nghĩa là phải kết hợp hai loại nhân tố. Thứ nhất là LAO ĐỘNG, tính bằng ca-lo và chất xám hay nơ-ron thần kinh. Thứ hai là cái TÀI gồm bốn nhân tố:

  1. Khát vọng (Desire to Be)
  2. Tự tin (Faith to Believe)
  3. Kiến thức (Vision to See)
  4. Can đảm (Courage to Action)

Hai loại nhân tố đó được trộn lại với nhau rồi đem ủ và nung nấu trong một quá trình suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo và tranh đấu cật lực, thiếu TNTT (không có ngay tiện nghi) để cuối cùng cho ra sản phẩm có chất lượng, không phải sản phẩm có Tâm.

GĐK: Khiếp, mới nghe mà đã ù cả tai. Nếu phải bắt tay vào làm chắc chết luôn. Thế này thì người Việt chúng tôi không ai theo cái Tài là đúng rồi. Có thế cụ Nguyễn Du mới được phong thánh chứ.

FDM: Có điều này tôi chưa hiểu lắm. Ở phương Tây, người ta chỉ chấp nhận những sản phẩm có chất lượng, không chấp nhận sản phẩm chỉ có Tâm không thôi. Nhưng sản phẩm chỉ có Tâm không lại được chính thức đánh giá cao ở Việt nam. Vậy có bí quyết gì chăng?

GĐK: Được như vậy là nhờ tính quan chức của cái Tâm mà chỉ riêng Việt Nam mới có. Quan chức Việt Nam về danh nghĩa là làm cho Nhà nước, nhưng toàn bộ sức lực tâm trí lại dành cho những việc riêng khác, ví dụ để có những khoản thu nhập ngoài lương. Cũng vậy, cái Tâm về danh nghĩa là đại diện cho lương tâm, đạo đức xã hội, lòng nhân ái, tình người. Nhưng trên thực tế nó lại làm việc cho Tiện nghi tức thì, do TNTT trả lương. Những tấm lòng / thái độ ứng xử được cấp chứng chỉ công nhận là cái Tâm không hề nhằm bảo vệ lương tâm, đạo đức xã hội hay cổ vũ cho lòng nhân ái, tình người, mà chủ yếu nhằm làm vừa lòng, đem lại cảm giác dễ chịu (TNTT) cho những người liên quan (sếp, đồng nghiệp, công chúng,...). Nói cách khác, cái Tâm cho TNTT thuê giấy phép kinh doanh (hoặc giấy phép xuất bản) trong lĩnh vực đạo đức với giá rẻ như cho. Theo hợp đồng “Tâm bằng ba Tài” do cụ Nguyễn Du thảo ra, TNTT (do các nhà yêu nước chuyên nghiệp đại diện), được phép sử dụng gần như miễn phí thương hiệu cái Tâm trong các giao dịch đạo đức. Người thắng lớn trong vụ này là các nhà yêu nước chuyên nghiệp và các nhà trình diễn cái Tâm (Tâm performer). Với thương hiệu cái Tâm trong tay (mà phiên bản đầu tiên là lòng yêu nước), họ không những “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” thoát khỏi thân phận dân đen mà còn giành được những chức vụ vĩ đại đem lại cho họ một thế giới vật chất mà ở các nước khác người ta phải làm việc nhiều đời mới có được. Các nhà văn lớn cũng nhờ thương hiệu cái Tâm mà sở hữu vô số những giải thưởng văn chương. Tất nhiên sẽ có kẻ chịu thiệt. Kẻ đầu tiên chính là khái niệm “cái Tâm”, sau đó là tiếng Việt, tiếp theo là danh dự của những người không làm nghề yêu nước và nghề trình diễn cái Tâm.

FDM: Nhưng đó là những cái Tâm chuyên nghiệp. có loại Tâm nghiệp dư không?

GĐK: Tâm nghiệp dư là loại Tâm 4 không: không chứng chỉ, không môn bài, không thương hiệu, không tiện nghi. Đây là loại thái độ chỉ làm chuyên môn, chỉ nhắm tới chất lượng sản phẩm, không biết gì đến trong sáng hay đau đáu cả. Loại tâm này không được ai công nhận, không dùng để thăng quan tiến chức hay đoạt giải được, lại gây mất lòng người khác (thiếu TNTT) vì hay gây thay đổi. Nói chung, loại tâm nghiệp dư này kém lắm, thiếu khả năng tự trình diễn, cứ âm thầm làm việc như cu-li thôi.

FDM: Nếu người có Tâm cũng phải là người có Tài, phải làm tốt công việc của mình để tạo ra sản phẩm có chất lượng, tức là cái Tâm phải bao gồm cả ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP hay ĐẠO ĐỨC LAO ĐỘNG thì sao?

Quan chức: Không được. Thế thì còn gì là cái Tâm nữa. Bao nhiêu công sức của cụ Nguyễn Du đổ xuông sông hết à ? Làm thế là hạ nhục, phỉ báng cụ. Cô định đuổi các quan chức, các nhà văn lớn, nhà thơ và tất cả những người yêu nước chuyên nghiệp ra hè đường à? Làm thế là phá hoại tinh thần ĐOÀN KẾT vốn là sức mạnh truyền thống của dân tộc ta. Làm thế là diễn biến hòa bình, là mắc mưu các thế lực thù địch. Làm thế là phá hoại một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà nhân dân Việt Nam đã dày công vun đắp qua bốn nghìn năm lịch sử.

FDM: Quả là chủ nghĩa cái Tâm đã thành một nền tảng vững chắc của tư tưởng Việt, đã thành máu thịt của người Việt. Đúng là không một thế lực nào có thể lay chuyển nổi. Thật là hết sức đáng nể.

GĐK: Như vậy, có thể nói: “Tâm bằng ba Tài” có lẽ là thương vụ chuyên nghiệp nhất và thành công nhất trong lịch sử kinh doanh Việt Nam.

*

FDM: Qua câu chuyện hôm nay, có một câu hỏi đặt ra: điều gì đã khiến cho người Việt chọn TNTT mà không chọn giải quyết vấn đề, không chọn Sự thật-Tự do-Khai sáng-sự Tuyệt hảo-cái Ðẹp?

GÐK: Ðó cũng chính là câu hỏi mà những kẻ nghiện sự thật đang tìm cách trả lời. Chúng ta sẽ bàn trong những lần tới. Trước mắt, có thể thấy là để có tiện nghi tức thì, phải hy sinh tiện nghi lâu dài và bền vững, nghĩa là hy sinh thành công. Người ta không thể có được tất cả mọi thứ. Muốn có cái này phải mất cái kia. Muốn được ngủ nướng dậy thật muộn để có ngay cảm giác sướng tức thì, phải biết hy sinh việc dạy sớm tập thể dục, hy sinh một thân thể khoẻ mạnh và đẹp đẽ. Muốn được có được cảm giác mạnh tức thì dễ dàng trong trò may rủi như đánh tá lả, xóc đĩa, số đề, thì có thể cần phải hy sinh cả tương lai.

FDM: Vậy là chủ nghĩa cái Tâm, mà nòng cốt là Tiện nghi tức thì, một thành tựu trí tuệ đầy sáng tạo của riêng người Việt, có lẽ là điểm khác biệt chính giữa văn hóa Việt, đại diện cho Phương Ðông, và văn hóa Phương Tây.

GÐK: Ðúng vậy. Chủ nghĩa cái Tâm không những đã giải phóng người Việt khỏi lao động, nghệ thuật, và sự thật, mà còn nâng người Việt lên hẳn một tầm cao mới so với đồng loại, khiến cho người Việt trở nên người hơn. Cái Tâm đã đưa ra một định nghĩa mới về tính người, ý nghĩa cuộc sống và hạnh phúc.

FDM: Trời. Anh làm tôi xúc động quá. Từ hàng nghìn năm nay, đã có biết bao nhà khoa học và tư tưởng bỏ cả đời đi tìm lời đáp cho câu hỏi: con người là gì? Hạnh phúc là gì? Có lẽ tôi sẽ là người đầu tiên được biết câu trả lời. Quả là bõ công sang Việt Nam. Tiếc thật, đã hết giờ rồi. Lại phải chờ đến lần sau mới biết. Chào tất cả các vị và hẹn sớm gặp lại.

© 2004 talawas



[1]Xem Tư tưởng Phương Đông- Gợi những điểm nhìn tham chiếu – Cao Xuân Huy, NXB Văn hóa Thông tin-1995.