trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
1.10.2004
Ngô Văn Tao
Hình ảnh một triết gia: Jacques Derrida, giải cấu và tồn tại
(De la deconstruction et de la survivance)
 
“Một người, ông hay bà nào tôi chẳng biết, hay chính là tôi, hiển hiện tiến lại gần và nói: Xin cho tôi học thật thế nào là sống!”
Jacques Derrida, triết gia của ý niệm “giải cấu”, viết lại câu chuyện trên như đề tựa để đi vào triết luận thư bản: “Những bóng ma của Marx”(Spectres de Marx, Galilée 1993). Mười một năm sau, cũng câu chuyện đó được nhắc lại để khởi đầu cho cuộc đàm thoại -phỏng vấn của nhà báo Jean Birnbaum (nhật báo Le Monde, Paris ngày 9.8.2004). J. Derrida năm nay vừa đúng 74 tuổi, ông sinh ngày 15.7.1930, đang ốm nặng, tự thấy “gần đất và xa trời“ nhưng vẫn bình thản suy luận trên câu hỏi mà ông mang nặng trên hành lộ tư tưởng của đời mình: “Phải sống thế nào cho có lý nghĩa?”

Sống và Mộng

“Xin cho tôi học thật thế nào là sống!” Theo tôi nghĩ, phải là tiếng vang đến tự tiềm thức. Có lẽ đúng hơn, J. Derrida đã mộng thấy câu chuyện này hay ít ra nữa ông phải như thấy như nghe nó trong một trưa hè nắng quái cả vũ trụ chìm vào giữa cơn mê và tỉnh. J. Derrida không nói ra, nhưng tôi thầm hiểu theo ông, tìm nhận thức ý nghĩa của sự sống cũng là đi tìm ý nghĩa của những câu mà ta nghe thấy trong mộng.

Trước đây hai năm, năm 2002, trong bài diễn văn để nhận giải thưởng Adorno của một đại học Đức (bài diễn văn đã được đăng nguyên văn tiếng Pháp trên talawas ngày 21.11.2002), J. Derrida đã đặt ngay vấn đề của một giấc mộng: Giấc mộng của Walter Benjamin; Walter Benjamin (?-1940) và Theodor Adorno (1903-1969) là hai triết gia đồng hành luận thuyết trên sự mật thiết tương quan của nghệ thuật với triết học.

Ngày 12.10.1939, từ trại “cô lập lao động”, trại tập trung Do Thái của phát xít Đức ở tỉnh Nièvre (Pháp), W. Benjamin đã viết một bức thư gửi đến Gretel Adorno, bà vợ của T. Adorno. Bức thư, viết chưa đầy một năm trước khi W. Benjamin tự tử, kể lại một giấc mộng, triết gia mộng thấy:

“…Chính ông nói: Vấn đề là biến một bài thơ ra thành chiếc khăn xô khoác vai hay phủ đầu (Il s’agissait de changer en fichu, un poème)… Có một phụ nữ rất đẹp, nàng nằm trên giường, nghe thấy vội trở mình mở chiếc chăn đắp nhưng không để cho tôi thấy thân hình nàng mà để cho tôi nhìn thấy chữ “d”, in trên khăn vải trải giường, chữ “d” mà tôi đã viết theo thư pháp, nó dài và mỏng manh như triển vọng của chúng ta vươn tới tâm linh tri tuệ (spiritualité)…”

W. Benjamin đã viết cho Gretel Adorno về giấc mộng của mình. Hơn sáu mươi năm sau, một triết gia khác, J. Derrida còn nhắc đến. Phải chăng vì nó mang nhiều ẩn dụ? Một bài thơ hay là cuộc đời, hay là cái gì cao sang nhất của tâm hồn? Còn chiếc khăn xô ngụ ý một bát cháo nóng, một bàn tay dịu hiền, hay nữa hình ảnh một phụ nữ khoác khăn đi trên con đường của ký ức? J. Derrida đúng theo tư duy của “giải cấu”, không đưa ra một giả thuyết mà chỉ gián tiếp gợi lên những câu hỏi!

Từ Platon đến Husserl, theo nhận xét của J. Derrida, biết bao nhiêu triết gia Âu Tây đã phủ nhận khả năng của triết học tìm hiểu và giải thích những giấc mộng. Giải thích giấc mộng mà không phản bội người tỉnh! Chỉ riêng có lẽ nghệ sĩ và thi nhân mới biết cảm nhận những giấc mơ, hay đúng hơn nhận ra cái ranh giới huyền ảo mông lung giữa sự thật mà ta tưởng thấy khi tỉnh với sự thật mà ta nghĩ thấy trong mộng


Học sống và học chết

Một điều chắc chắn là trong mộng W. Benjamin đã hẹn hò cùng“cái chết sắp tới” của mình; trong mộng, W. Benjamin cũng đã tự nghe nói:

“…Thôi mà “d”, mảnh rẻ rách! Thế là hết đời rồi..” (nguyên văn tiếng Pháp: “…moi “d”, je suis dorénavant ce qui s’appelle fichu” - Benjamin nhiều khi ký hay tự gọi mình bằng Detlef, chứ không bằng Walter).

J. Derrida nhắc nhở đến giấc mộng của W.Benjamin, cũng là để nhắc nhở đến cái chết của triết gia, người đi trước mà ông chia sẻ những ước vọng, gần gũi và thân thiết trong tư tưởng.

Triết lý biện luận là “học sống và học chết”, truyền thống triết học từ thuở Platon (với: Trần thuyết cho Socrate - Apologie de Socrate)… Nhưng chúng ta tất cả, chúng ta đến cõi nhân sinh là“đến cõi tạm”, chúng ta đều mang trên đầu cái vành tang nguyên thuỷ (le deuil originaire – trong ngôn ngữ của J. Derrida), cái vành tang tuyệt đối ở ngoài thực trạng trần gian của “sự chết”; giữa chúng ta tất cả có được những ai biết nhìn thẳng vào cái chết của chính mình. Nói đến giấc mộng của W. Benjamin, cũng là cơ hội để J. Derrida tự hỏi như W. Benjamin đã tự quyên sinh, triết gia đã đạt hay không đạt thấu “minh triết trong sự chết; riêng phần ông mặc dù hành trang triết học mà ông có, J. Derrida tự thú đã không từng biết “học sống và học chết”. Chắc chắn rồi đây khi bước qua ngưỡng cửa để đi vào thế giới bên kia, ông vẫn không thấu đạt “minh triết ngay trong cái chết của chính mình”...

Nhưng nếu J. Derrida không tìm xuyên thấu “minh triết trong sự chết”, không phải rằng ông quên thân phận con người “sống là ở tạm”. Vấn đề của J. Derrida là ông luôn luôn “giải cấu và phản tỉnh” trước cuộc đời. Cuộc sống đáng lẽ phải có ý nghĩa cho toàn thể nhân loại trên vị hành tinh này, với những giây phút tuyệt vời đẹp đẽ, với những năm tháng hồn nhiên tươi trẻ. Nhưng vấn nạn gây cấn và cấp bách cho chúng ta tất cả, theo J. Derrida, lại là “phải tranh đấu để tồn tại”, có khi lại còn “bị buộc phải giết nhau để tồn tại”. Tồn tại trong cái tao loạn của thời đại. Tồn tại trong cái thân phận tha hương của con người, của chính mình và của những bạn đồng hành.


Giải cấu và tồn tại

J.Derrida là triết gia người Pháp, gốc Do Thái. Ông sinh ra ở Bắc Phi - Algérie. Gia đình ông cũng như hầu hết cộng đồng Do Thái ở Algérie đã di tản sang Pháp vào thập niên 1950, trong cuộc chiến giải phóng Algérie ra khỏi sự thống trị của người Pháp. Nhưng J. Derrida còn giữ ký ức một cộng đồng Do Thái 150 năm trước đã sống an bình hoà hợp sao với người Hồi giáo và chủng tộc khác trên mảnh đất này. Chỉ từ khi thực dân Pháp đến chiếm đóng Algérie, tách rời cộng đồng Do Thái ra khỏi khối dân bản xứ để sát nhập họ vào tập đoàn thực dân thống trị, gia đình ông, từ thuở ông cha đó, mới bắt đầu sống ly khai xã hội thường dân hồi giáo xung quanh.

Từ ký ức “cố quận” xa xôi đó, J. Derrida luôn luôn có cảm nhận là “người mất cội nguồn”. Nhiều khi ông tự hỏi ông là “người Pháp” hay chỉ là “người Do Thái cuối cùng” (le dernier des juifs).

Người Do Thái cuối cùng?” Một câu hỏi hay là - theo chính lời ông - một tâm niệm phản ảnh một thực thể hư ảo, mang nặng hiện sinh nghi vấn. Chắc chắn là ông chấp nhận - với tất cả suy tư của người trí thức - bản thân mình là người Do Thái. Nhưng ông tôn quý nhất cái trách nhiệm của mình làm một triết gia; vì sự tồn tại tinh thần của mình, ông không ngần ngại“đơn độc giải cấu và phản tỉnh” để nhận rõ mặt thật và mặt trái của những sự kiện lịch sử mà ông sống trong thế giới này.

Thế giới bây giờ đang“toàn cầu hoá” dưới danh nghĩa nhân bản và tự do của con người, trong sự phồn vinh vật chất kinh tế khoa học và kỹ thuật. Nhưng chính sự phồn vinh đó -theo J. Derrida - lại mang sẵn hiểm hoạ làm con người mất nhân bản, mất khả năng tồn tại như cá thể biết suy tư. Thế giới bây giờ lại còn mang bao nhiêu điều bất công, một phần tư nhân loại vẫn sống bần cùng, thiếu điều kiện tối thiểu để có thể sống theo ý nghĩa sơ bộ của con người. Và thế giới bây giờ vẫn là nơi diễn biến của bao nhiêu tội ác, mà chính Auschwitz phải mãi mãi là biểu tượng, không riêng gì cho người Do Thái mà cho toàn thể loài người, biểu tượng của tội ác người độc hại người, khủng bố dị chủng theo quốc sách, khủng bố tàn bạo vô nhân đạo đến từ đế quốc tài phiệt hay quân phiệt, đến từ lòng hận thù, hay oan khiên phẫn uất…

J. Derrida đặt ngay vấn nan trọng tâm lịch sử của thời đại, tự đặt những câu hỏi về sự chính đáng “trở về đất hứa Israel” của người Do Thái. Trở về để thành lập một quốc gia bằng sức mạnh bạo lực cơ giới. Lập lại lịch sử, lịch sử của buổi đầu công nguyên với chiến tranh tôn giáo, với đấu tranh diệt chủng… Xây dựng một quốc gia độc tôn chủng tộc, một ốc đảo phồn vinh Do Thái giữa biển đau của dân tộc khác. Một ốc đảo phồn vinh giữa bốn bức hào – bốn bức tường xi măng cốt sắt của Abu Ghraib, của Guatanamo? Như tôi bạo lời muốn hỏi, thích ứng với thời sự nhưng cũng để gián tiếp nhắc đến một ý niệm của J. Derrida về khả năng của triết luận “giải cấu ngoại cảnh để ngụ ý thực chất bên trong” và “giải cấu nguyên nhân tức là nói đến những hậu quả đang tới ”(la métonymie, trong ngôn ngữ của J. Derrida).

Một điều chúng ta phải biết, theo J. Derrida, là chúng ta đang sống một cơn xoáy lốc hận thù, bạo động và tội ác. Thảm hoạ ngày 11.9.2001 ở New York chỉ là một trong bao nhiêu thảm hoạ của cơn xoáy lốc. Nếu chúng ta thành tâm thương xót hơn 3.000 nạn nhân vô tội của ngày 11.9.2001, chúng ta cũng không nên quên bao nhiêu nạn nhân vô tội khác, còn nhiều hơn bao nhiêu nữa. Những nạn nhân trước và sau ngày 11.9.2001. Những nạn nhân của cơn xoáy lốc. Những nạn nhân của cuộc “viễn chinh trừng phạt tận cùng”, dưới lá cờ “công lý vô biên” (infinite justice, theo Wolfowitz, Cheney, Rumsfeld…) [1] . Những bạo động, những tội ác trả đáp vẫn tới từ đâu? Dưới lá cờ “công lý vô biên”, có những ai tự hỏi chính họ đã mang phần tội lỗi, chính trị mù quáng, cuồng điệu quân phiệt mang đầy hiểm hoạ, rồi cũng phải trả giá,“dù cái giá quá nặng, quá khốc liệt ngoài sự chờ đợi trong một giây phút sáng suốt của chính họ”

Trong triết luận thư bản: “Những bóng ma của Marx” (Spectres de Marx –Galilee 1993), theo như tôi hiểu, năm 1993 J. Derrida đã thấy sự cần thiết phải có “một công lý toàn hoàn vũ” cho ngày mai. Trước hết, theo J. Derrida, là cần tái lập lại Liên Hiệp Quốc. Một Liên Hiệp Quốc chính đáng khác, xa lánh New York, thoát ly sự uy hiếp của đế quốc Mỹ, một đế quốc có ý đồ bá chủ hoàn cầu. Một Liên Hiệp Quốc của chính nghĩa, có những quyết nghị công lý và cũng có sức mạnh để thi hành ngay cả đối với Israel hay đế quốc Mỹ bây giờ… Chỉ như thế thôi, “giải cấu và phản tỉnh” nhìn thẳng vào thực trạng của thế giới, J. Derrida tự nói, nhân loại mới có thể tồn tại, thoát ly khỏi đợt sóng bất tận của tội ác.


Một siêu hình học cho con người hoàn vũ ngày mai

J. Derrida “giải cấu và phản tỉnh”, theo chính lời ông nói, là để tự bảo tồn. Luôn luôn nhìn thẳng và suy luận, ông mới thật là sống. Một sự hằng hằng căng thẳng suy tư, tranh luận ngay cả với chính mình, đem sự sống - suy tư đương đầu cái chết gần kề. J. Derrida triền miên trong một siêu hình học mới, không lý thuyết chủ nghĩa, không giáo điều, không cố chấp bản ngã, một siêu hình học “vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã” cho con người hoàn vũ ngày mai.

Ông giải cấu để có cái nhìn mọi sự dưới khía cạnh “siêu nghiệm”. Ông đặt lại mọi vấn đề về thế giới và lịch sử, xã hội văn hoá và chính trị… Như trên chúng ta đã thấy J. Derrida khởi tố mặt thật và mặt trái của cơn xoáy lốc bạo động đang tràn lan khắp thế giới. Ông cũng không ngần ngại triết luận trên những thời sự cập nhật khác, như sự kết tụ Âu Châu Hiệp Chủng Quốc, như sự hợp pháp hôn nhân đồng tình luyến ái...

Về Âu Châu Hợp Chủng Quốc, J. Derrida sẵn sàng tự nhận mình là công dân của một đại cường quốc đang hình thành. Nhưng ông tự hỏi có phải người ta chỉ có ý đồ biến Âu Châu lục địa thành một sức mạnh “bá vương” kinh tế và quân sự. Nhưng khi mục đích của chúng ta tất cả phải là để duy trì nền văn hoá tiền phong ngàn năm của Âu Châu lục địa và cũng để cho chúng ta tất cả có một bàn đạp thực hiện đời sống công lý và văn hoá cho toàn thể con người. Theo J. Derrida, một Âu Châu Hợp Chủng Quốc chỉ có ý nghĩa khi nó là cường quốc của “công lý thực hành toàn hoàn vũ”, có sức mạnh để bảo vệ sự bình đẳng và hạnh phúc của tất cả mọi người trên vị hành tinh này. Có sức mạnh để chống đối - J. Derrida nhấn mạnh lại ở đây nữa - nguy cơ chính trị mù quáng mang đầy hiểm hoạ của một quốc gia như Israel, hay ý đồ quân phiệt bá chủ hoàn cầu của một cường quốc như đế quốc Mỹ hiện tại.

Còn về hợp pháp hôn nhân đồng tình luyến ái, J. Derrida nhận đây là xã hội đang đặt lại vấn đề ý nghĩa của “gia đình hôn nhân vợ chồng”. Có lẽ là đã đến lúc xã hội phải “giải cấu và phản tỉnh” nhìn lại tất cả những quy ước xã hội và những tập quán cố hủ. Cái gì mà chúng ta chỉ nên tôn trọng từ đây là sự đảm nhận trách nhiệm của mỗi người đối với cuộc đời mình, trách nhiệm của chính mình đối tự do của mình và làm sao tôn trọng cái tự do của người khác xung quanh, như chúng ta tất cả cùng đi tìm lẽ sống…

Có thể nói “giải cấu và phản tỉnh” là biện chứng luận, theo cái nghĩa của Immanuel Kant, của Friedrich Hegel để lý tính thực hành tìm đến công lý và đạo đức toàn hoàn vũ. Tuy nhiên J. Derrida không có ảo tưởng gì về khả năng thực dụng truyền đạt của triết học. Chính ông tự hỏi rồi đây sẽ còn không một dấu vết gì, một dư âm hư ảnh gì (trace et résonnance spectrale) của ông, một triết gia đã đến và đã ở lại một thời gian trên thế gian này, hay duy chỉ còn một số sách lưu trữ trong thư viện quốc gia, mà ngay hiện bây giờ chỉ độ mươi người thật lòng tìm đọc và tìm hiểu. Tuy nhiên J. Derrida tự nhủ phải gìn giữ niềm tin ở nhân loại như một đại đồng toàn khối có tiềm năng sức mạnh chính trị với những lá phiếu nhỏ nhoi, với những buổi cùng nhau thức tỉnh “bất bạo động phản kháng” (the civil desobedience), để mà rồi cùng nhau tiến tới công lý, thực hiện cái quyền cho tất mọi người đều có điều kiện để sống đúng ý nghĩa làm người.

Tự nhủ như vậy cũng vì ông, J. Derrida rất bi quan như ta đã biết trước xu hướng đại chúng hoá nghệ thuật và văn học trong cao trào chính trị và kinh tế “toàn cầu hoá”. Càng ngày quần chúng càng bị rập khuôn (formaté, theo ngôn ngữ của J. Derrida), rập khuôn theo ý đồ vụ lợi của những tập đoàn kinh doanh tài chính, rập khuôn theo ý đồ “dẫn đạo con chiên” của bè đảng chính khách, những thế lực tự suy tôn và tự mãn với quyền lực tài chính và chính trị nắm được trong tay, cùng với sự bá chủ phuơng tiện truyền thông đại chúng. Rập khuôn theo khuôn phép của một guồng máy đen tối, vô danh vô diện mạo, chi phối và chỉ đạo tư tưởng con người.

Người trí thức hoàn vũ! Hãy cố gắng lên.” Theo tôi nghĩ, có thể nói đây là khẩu hiệu mà J.Derrida đã tung lên để chúng ta cùng tranh đấu (nhan đề một thư bản của J.Derrida: Cosmopolites de tous les pays, encore un effort - Galillee 1997). Thật vậy, chúng ta bắt buộc phải nhận định với J.Derrida rằng chưa bao giờ con người trí thức (les émigrés intellectuels) lại lạc lõng “tha hương” như trong thế giới khoa học kỹ thuật ngày nay. Riêng như ở việt Nam, “kẻ sĩ” đều là những kẻ “mất quê hương”. Hôi nhập quốc tế, xã hội xung quanh chỉ toàn là vọng ngoại. Ngôn luận mạ vàng mạ bạc chính danh chính nghĩa. “Kẻ sĩ” chỉ còn biết sống với chính mình, không có ai dám tự khẳng định, không còn ai thấy phải nói rõ tâm tư, hay có thời gian và điều kiện để công khai suy tư, đi đến tận cùng nhận thức của mình…


Sự nghiệp của J. Derrida cũng là chữ nghĩa (l’écriture)

Mất quê hương” không phải là không có một mái nhà. “Kẻ sĩ” là người mang trong tâm hồn một trà thất, ở đó chúng ta không tiêu cực cô đơn mà ôm giữ lòng chung thuỷ đối những ước vọng của tiền nhân, và âm thầm chia sẻ gian truân tư tưởng hành lộ cùng môt vài người bạn xa xôi dù không quen biết. J. Derrida nói rằng cuộc đời ông là nằm trong chữ nghĩa không ngừng tìm hiểu, hội đàm với Platon, Kant, Hegel, Marx, Freud, Heidegger…, với những triết gia đương thời vẫn còn nơi đây hay đã về nơi xa khác như Barthes, Foucault, Deleuze… Đó không phải vọng theo thần tượng mà là hội đàm “tranh luận giải cấu”, đặt những câu hỏi về mọi vấn đề và cũng là duy trì trong hành trang “lạc lõng tha hương” những điều mà chúng ta đã biết thu nhận qua những chặng đường vô định. Một cuộc hội đàm phi thời gian, không còn chuyện sống hay chết, thế hệ con người không cố định trong một khúc đoạn nào của thời gian nữa.

Chữ nghĩa,“những giòng chữ viết”, trước hết cũng là ngôn ngữ. Như Martin Heidegger đã từng nói: “ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể”, ngôn ngữ tiếng Pháp là nơi J. Derrida – đã là triết gia tức cũng phải là nhà văn - chọn làm nơi cư trú. Ngôn ngữ, J.Derrida nhắc lại, không phải là nơi như nhiều nhà văn khác đã tưởng, chúng ta có thể làm lệch lạc văn phạm và làm méo mó từ ngữ. Ngôn ngữ là ký hiệu (les signes, theo Roland Barthes), ký hiệu của tất cả những gì đang có và đang là trong vũ trụ mà ở đó chúng ta thử tại (die Lebenswelt). Nếu triết lý “giải cấu và phản tỉnh” là đời, hỉ nộ và phẫn uất, mặt trái và mặt phải của sự việc, công lý và đạo đức của xã hội… Ngôn ngữ là sống, Sống viết bằng chữ lớn. Ngôn ngữ là ký hiệu, những viên đá vàng (Bùi Giáng) của Sống. Như thường tình người ta không nhìn ra những gì ở ngay trước mắt, triết gia và thi nhân là những người có diễm phúc nhận ra những viên đá vàng. Những viên đá mà J.Derrida suốt cả đời đi tìm để tu bổ hay đúng hơn để nhận ra cấu trúc, cùng những cánh cưả mở rộng chân trời, ngôi nhà mà ông cư trú.

Sau cùng hết, nếu chúng ta vẫn hỏi lại J. Derrida: “Sống có lý nghĩa gì?” chắc triết gia sẽ trả lời như ông đã trả lời nhà báo Jean Birnbaum, tôi phỏng dịch lại đây như một câu hát của Trịnh Công Sơn: “Tôi là ai? Tôi là ai mà yêu quá đời này.” Và còn học sống và học chết? J. Derrida thổ lộ rằng ông được trời ban cho cái duyên hạnh biết trìu thương, có thể nói, hầu hết những nỗi đau, những nỗi buồn cùng những mất mát phải có trong đời. Tuy nhiên không phải là ông quên những chuyện đẹp, những giờ hạnh phúc, nhưng nó đi qua quá mau, đi về đâu chẳng biết chỉ để ông ngậm ngùi nghĩ đến sự chết.

Tháng 8 và tháng 9.2004

© 2004 talawas


[1]La date du 11.9.2001 nous rappellerait plutôt qu’elle ne l’annoncait à New York ou à Washington: jamais les responsabilités à cet égard n’ont été plus singulières, plus aigues,plus nécessaires… Elle engage une critique desconstructive dégrisée , éveillée, vigilante, attentive à ce qui… soude le politique au métaphysique, aux spéculations capitalistiques, aux perversions de l’affect religieux ou nationaliste, au phantasme souverainiste… Je ne crois à l’innocence politique de personne dans ce crime…(J. Derrida - extrait de la conférence pour le prix Adorno) = Ngày 11.9.2001 nhắc nhở chúng ta, dù có lẽ không nói gì cho New York hay Washington, rằng: con người phải đảm nhận trách nhiệm của chính mình riêng tư chân thành và tuyệt đối… Thảm hoạ ngày đó cũng là đưa chúng ta nhớ phải giải cấu, phản tỉnh và phê phán, quên đi những giờ đắm đuối truy hoan, những ngày mê muội, để biết thức tỉnh nhận rõ bọn chính khách chìm đắm sao trong một siêu hình học tư bản đầu tư vụ lợi, suy đồi tha hoá dưới tấm cà sa tín đồ tôn giáo, quốc gia chủ nghĩa, cộng với ảo tưởng độc tôn bá vương… Tôi không tin rằng có một ai trong bọn họ có thể tự thấy mình trong trắng vô tội trong tội ác này ( NvT. phỏng dịch lời của J.Derrida, trích như trên từ bài diễn văn cho giải thưởng Adorno)