trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
12.10.2004
Nguyễn Văn Ninh
Phim tài liệu truyền hình chỉ để cho những người làm phim xem
 
Ðùa chăng? Ðó là sự thật. Khán giả có quá nhiều thứ để xem, phim Trung Quốc, phim Hàn Quốc... và các chương trình vui chơi có thưởng. Phim tài liệu như phiên chợ chiều vãn khách, eo xèo.


Xem phim cũng được mà nghe phim cũng hiểu

Một khán giả ưa thích phim tài liệu cho biết: “Vừa qua, tôi xem hai phim tài liệu. Một làm về mỏ than Mạo Khê, một làm về mỏ than Vàng Danh. Nội dung phim y hệt nhau, cũng nhà trẻ mẫu giáo, cũng văn hoá thể thao. Rồi vào ca, rồi xuống lò, phát biểu ý kiến, cứ tưởng hai phim ấy do một người viết kịch bản... Tôi gọi điện thoại mới biết, hai phim do hai người biên kịch hoàn toàn khác nhau”.

Phim tài liệu truyền hình càng ngày càng thiếu thực tế. Một đạo diễn phim tài liệu cho biết: Một tuần làm hai phim tài liệu. Ðạo diễn khai thác đề tài thông qua một bài báo rồi viết đề cương, trình duyệt. Rồi từ đề cương viết thành kịch bản chính, kịch bản phân cảnh. Hai phim này đều làm về người Mông. Một phim làm về người Mông ở Tén Tần và một phim làm về người Mông ở Ðoàn Kết thuộc huyện Quan Sơn và Quan Hoá, Thanh Hoá. Trước khi đi, tác giả phim gửi công văn, giấy tờ vào trong ấy, được sự đồng ý của huyện uỷ và của đồn biên phòng. Mất hai ngày đi, hai ngày về chỉ còn ba ngày quay phim nên chẳng chọn được cảnh nào cho ra “cảnh”. Thôi thì cứ quay trạm xá xã, uỷ ban xã và quay phỏng vấn vài ba người, quay thêm cảnh đàn bò, đàn lợn, cảnh núi rừng, thêm vào đấy là các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, văn hoá là xem “ti vi”. Thế là xong.

Phim làm từ bài báo nhiều lúc thành diễn đàn các “ý kiến”, phim làm từ báo cáo lại càng thảm hại hơn. Phim chỉ là minh hoạ, thiếu hẳn ý tưởng kịch bản, sự khám phá riêng. Góc quay đơn điệu, công thức chung như: an ninh quốc phòng, điện, đường, trường, trạm... mỗi lĩnh vực “quẹt” một tí cho đầy 30 phút mỗi phim. Phỏng vấn và phát biểu trong phim thiếu hẳn “cái tôi”. Lại có một công thức khác, kịch bản luôn viết theo kiểu từ nghèo khó đi lên, từ trì trệ chuyển thành năng động sáng tạo, không đi sâu vào mổ xẻ, phân tích lý do từ đâu và vì sao lại có được những thành công như vậy. Người được phỏng vấn trong phim nói về sự thành công đầy hoa mỹ, nói như những “tuyên ngôn”. Từ kịch bản, đạo diễn, quay phim đến lời bình đều làm chóng vánh, làm cho xong để có phim phát sóng. Có phim cảnh quay là chị nông dân ra đồng, lời bình: “chị vẫn ra đồng”; phim quay anh thương binh cụt chân - lời bình: “anh cụt cả hai chân”. Nhiều đoạn bình luận nực cười, hình ảnh con bò kéo cày – lời bình: «con bò kéo cày”. Hình ảnh và lời bình, không hiểu nên xem hay nên nghe. Cho nên, nói không ngoa, phim tài liệu không cần xem mà chỉ cần nghe thôi cũng hiểu.

Vô tình hay cố ý, phim tài liệu “rơi” vào một công thức chung sáo mòn cũ rích… Phim của nhiều tác giả mà cứ lặp đi lặp lại nhang nhác giống nhau như chị em một nhà. Kịch bản, hình ảnh, lời bình trong phim không có điểm nhấn. Phim kết cấu theo đường thẳng, xem đoạn trước biết đoạn sau, xem giới thiệu biết ngay kết thúc phim. Phim chỉ dành cho người làm phim và nơi được làm phim xem. Người làm phim tài liệu thiếu tôn trọng người xem nên mất dần khán giả.


Những nhà làm phim nói về phim

Ông Nguyễn Thước, đạo diễn phim Những công dân a còng (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) cho hay: Những phim trên truyền hình không phải là phim tài liệu. Bởi đã là phim tài liệu, hình ảnh phải đắt giá, vừa hiện tại, vừa quá khứ, có khả năng nắm bắt và khái quát cuộc sống, “hình tượng hoá cuộc sống” mang chiều sâu tư tưởng và nhân văn sâu sắc...

Cũng nói về phim tài liệu, đạo diễn Vi Hoà, Ban chuyên đề - Ðài Truyền hình Việt Nam cho biết: Mỗi năm, Ban sản xuất được 60 phim tài liệu. Trong đó, 20 phim dành cho đề tài văn hoá, còn lại các thể loại khác. Ngoài ra còn tuyển thêm phim từ đài truyền hình các tỉnh và nguồn phim cộng tác viên gửi về. Do tính chất truyền thông, do khối lượng công việc khá nhiều và thời gian yêu cầu đặt ra để phát sóng, nên phim không thể đầu tư nhiều “công sức” như những phim bên Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương. Chính vì thế, phim cũng không được “nắn nót”, chau chuốt như bên ấy.

Nhìn nhận về vấn đề này, nhà biên kịch trẻ Vũ Thị Kim Chi cho hay: Làm phim tài liệu để phát sóng cho khán giả cả nước xem, đáp ứng nhu cầu thời lượng phát sóng của đài. Không phải phim nào cũng đạt chất lượng cao, nhưng có một số phim sau khi được phát sóng, chúng tôi nhận được nhiều thư khen ngợi của khán giả trong cả nước. Ðiều đó khiến chúng tôi tự tin hơn...

“Sư bảo sư phải, vãi bảo vãi hay”, khán giả “thì” cứ chờ đợi, hy vọng nhiều phim “dở” sẽ có một phim hay. Người làm phim có “quyền” của người làm phim và người xem có quyền chờ đợi. Sự yêu nghề, hết lòng với một thể loại như phim tài liệu tuỳ thuộc vào những nhà làm phim. Người xem không thể thay thế vị trí người làm phim, còn người làm phim cần phải có tài năng và lương tâm nghề nghiệp, chứ không phải làm phim chỉ để phát sóng.


Ði tìm khán giả cho phim tài liệu...

Không thể đem “con mắt” điện ảnh để nhìn nhận phim tài liệu truyền hình. Phim tài liệu có những thành công riêng. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội với Truyền hình Việt Nam mới đây, do Tạp chí Truyền hình thực hiện, khán giả đã bình chọn 10 chương trình thích xem nhất trên VTV1 gồm: Thời sự; Ca nhạc; Phim cuối tuần; Phim Việt Nam; Chào buổi sáng; Sự kiện – bình luận; Chống buôn lậu; An toàn giao thông; Phim tài liệu; Những ước mơ xanh.

Phim tài liệu được khán giả để ý, quan tâm theo dõi và bình chọn quả là tín hiệu đáng mừng. Không riêng gì đối với phim tài liệu, trong mặt bằng chung về thị hiếu, người xem hiện nay đang chững lại vì có quá nhiều thứ để xem. Phim hay chỉ có thể dựa trên kịch bản hay. Các phim làm về đề tài văn hoá, lịch sử như: Ði tìm câu hát ông cha, Chợ tình Khau Vai, Từ Pác Pó đến Tân Trào – Hành trình thắng lợi... phát sóng gần đây đã để lại dấu ấn trong lòng người xem. Nhưng khán giả xem phim tài liệu phần đông tuổi đã trên 40. Tuổi dưới 40 rất ít, đặc biệt là thanh, thiếu niên không mấy người xem. Tại sao có nghịch lý như vậy, vì những người làm phim chỉ muốn làm phim cho những người lớn xem mà chưa quan tâm đến lứa tuổi thiếu nhi. Nên chăng, các nhà làm phim tài liệu cần quan tâm và làm phim cho thiếu nhi, nuôi dưỡng một thế hệ khán giả cho mai sau.

Nếu không chấn chỉnh lại cách làm phim tài liệu xứng đáng là thể loại phim giàu chất văn học, thì phim tài liệu sẽ dành cho ai xem, hay chỉ để cho những người làm phim?

© 2004 talawas