trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
13.10.2004
Jürgen Habermas
Một lời chào cuối
Tác động giải tỏ của Derrida
Bùi Thị Trạc Tuyền dịch và chú thích
 
[1]

J. Derrida trong phim „Derrida“ (2002) do Kirby Dick và Amy Zierung thực hiện


Jacques Derrida, giống như chỉ còn có mỗi Michel Foucault [2] thôi, đã khởi động Tinh thần của cả một thế hệ. Mãi đến tận ngày hôm nay, ông vẫn không ngừng cuốn thế hệ này theo ông. Dù cũng là một nhà tư tưởng chính trị giống như Foucault, nhưng, khác với Foucault, ông đã hướng những động lực của môn sinh ông vào các nẻo đường của một công cuộc “làm bài tập ở nhà” (Exerzitium). Với ông, công việc hàng đầu không phải là nội dung của một học thuyết, càng không hề là việc rèn tập một thứ từ vựng [hòng] khai phá một cái nhìn mới về thế giới. Chuyện ấy cũng có đấy. Nhưng, việc rèn tập vào một lối đọc vi-lô gíc (mikrologisch) và tìm cho ra những dấu vết trong các văn bản đứng vững được trước thời gian mới là mục đích tự thân [3] . Giống như “phép Biện chứng phủ định” (Negative Dialektik) [4] của Adorno, “Giải cấu trúc” [5] của Derrida, về bản chất, là một sự thực hành (eine Praxis).

Nhiều người đã được biết về cơn bệnh nặng mà Derrida đã đón nhận một cách vững vàng. Cái chết của ông đã không đến bất ngờ. Song giờ đây, cái chết ấy lại đến với chúng ta như một sự biến đột ngột, một sự biến đến sao quá vội –; nó kéo bật ta ra khỏi nhịp sống quen thuộc và sự hờ hững của đời thường. Nhà tư tưởng - đã dốc hết toàn bộ tinh lực trí tuệ vào việc đọc sâu (inständig) những văn bản lớn và là người đã xưng tụng vị thế ưu tiên của văn bản Viết vốn có năng lực lưu truyền so với sự hiện tiền của Lời được nói ra - chắc hẳn sẽ còn tiếp tục sống trong chính các văn bản [được viết ra] của ông [6] . Thế nhưng, giờ đây, ta biết rằng mình sẽ mãi mất đi Giọng nói của Derrida và sự Có mặt hiện tiền của Derrida.

Derrida đến với những người đọc của ông như một tác giả luôn đọc “ngược” bất kỳ văn bản nào cho tới khi nó chịu buông ra một ý nghĩa phá hủy, lật đổ. Dưới ánh mắt không khoan nhượng của ông, bất kỳ sự nối kết nào cũng vỡ ra thành những mảnh vụn. Bất kỳ nền móng tưởng rằng vững chắc nào cũng bị chao đảo, lộ ra một nền móng song trùng. Những thứ bậc, trật tự và những sự đối lập vốn quen thuộc đều khai mở cho ra cho ta một ý nghĩa nghịch hành. Thế giới, trong đó ta tưởng như mình đang được sống ngay trong nhà của mình, là không thể cư lưu được nữa. Không còn được sống trong thế giới này, chúng ta mãi là những kẻ xa lạ giữa những người xa lạ. Rút cục, cả sứ điệp tôn giáo cũng không còn được mang ẩn ngữ [7] nào mấy nữa.

Đối với những độc giả vô danh, hiếm có những văn bản nào [hay: những công trình chữ nghĩa nào] lại tỏ ra phát lộ được diện mạo của tác giả rõ ràng đến như thế. Nhưng quả thật, Derrida thuộc về số những tác giả mà người đọc không khỏi ngỡ ngàng khi được gặp gỡ trực tiếp lần đầu. Ông khác với những gì người ta đã chờ đợi: một con người hết sức đáng yêu, gần như phong nhã, có đôi chút nhạy cảm và dễ bị tổn thương, nhưng trải đời và, khi ông đã có được sự tin cậy, ông là một con người cởi mở đầy nhiệt tình, thân thiện và sẵn sàng kết bạn. Tôi vui vì Derrida đã lại có được sự tin cậy khi chúng tôi gặp lại nhau sáu năm về trước, ở đây, gần Chicago, tại Evanston, nơi tôi gửi đến ông lời chào vĩnh biệt này.

Derrida đã không từng được gặp Adorno. Nhưng nhân dịp trao giải thưởng Adorno, ông đã đọc một diễn từ tại nhà thờ Paulkirche [Frankfurt/M, Đức] mà từ trong phong cách suy tư cho đến những nếp gấp ẩn mật của động cơ mơ mộng lãng mạn, khó có thể nào gần gũi quyến thuộc với chính tinh thần của Adorno hơn được nữa. Các cội nguồn Do Thái là chất keo kết nối tư tưởng của hai người. Gershom Scholem [8] vẫn mãi là một thách thức đối với Adorno. Còn Emmanuel Levinas [9] , đối với Derrida, đã trở nên một bậc thầy. Đó cũng là lý do khiến sự nghiệp của Derrida có thể phát huy được một Tác động giải tỏ ở nước Đức, bởi lẽ sự nghiệp ấy tiếp thu Heidegger hậu kỳ [10] mà không phản lại theo kiểu tân-phi Do Thái (neuheidnisch) những khởi đầu mang tính Do Thái (mosaische Anfänge) [11] [trong tư tưởng Heidegger].


Jürgen Habermas là Giáo sư triết học tại đại học Frankfurt/M (Đức) đã nghỉ hưu và hiện đang dạy triết học tại Northwestern University ở Evanston, Chicago.
© 2004 talawas



[1]“klärende Wirkung”: nghĩa đen: sự làm sáng tỏ, tinh ròng. Xin dịch gượng là “Tác động giải tỏ” để tiếp ứng với câu thơ Bùi Giáng: “Giòng nước rộng vô ngần khôn giải tỏ; Bờ xanh Em tư lự suối thông đèo”!
[2]Michel Foucault: (sinh 15.10.1926 ở Poitiers, mất 25.6.1984 ở Paris); bạn lâu năm của Gilles Deleuze và cùng với J. Derrida trong trào lưu “suy tưởng kiểu khác”, tiêu biểu của triết học Pháp hiện đại. Các tác phẩm nổi tiếng: “Les mots et les choses. Une archéologie des sciences humaines” (1966) (Bản tiếng Đức: Die Ordnung der Dinge. Eine Archäologie der Wissens). Lời “tự thuật” về hoạt động triết học của mình: “Triết học là sự dịch chuyển và chuyển hóa các khuôn khổ suy tư, là sự biến thái những giá trị đã xác lập và tất cả công việc đã làm để nghĩ khác, làm khác và trở thành con người khác với con người hiện tồn”.
[3]“Lối đọc vi-lô gíc” (mikrologisches Lesen) và tìm ra các dấu vết”...: Giống như Heidegger muốn suy tư về cái “Bất-suy tư” (das Ungedachte) của truyền thống siêu hình học (Tây phương) tức về cơ sở từ đó truyền thống ấy đã suy tưởng, Derrida muốn “viết” ở ngoài lề các văn bản truyền thống và ở khoảng trống giữa những dòng chữ viết. Có thể gọi đó là sự chú giải đa tầng, thay đổi liên tục viễn tượng, hay như ông bảo: muốn nhìn vào “vệt đen” trong mắt của tác giả, tức vào điểm từ đó tác giả nhìn ra bên ngoài nhưng lại không thể tự nhìn thấy chính mình. (Xem: “J. Derrida, Die Stimme und das Phänomen, Frankfurt/M, 1979, trang 128 và tiếp; 164 và tiếp).
[4]“Vị thế ưu tiên của văn bản Viết (Schrift/écriture) so với sự hiện tiền của Lời được nói ra (das gesprochene Wort/parole): v/đ gây tranh cãi lớn về việc Derrida cho rằng việc đánh giá quá cao Lời nói (parole) là thuộc về tư duy siêu hình từ Platon đến Hegel, Husserl, dẫn đến thuyết “Lời trung tâm” [hay “Lô gíc trung tâm”] (Logozentrismus); thuyết “âm trung tâm” (Phonozentrismus) và thuyết “tộc người trung tâm” (Ethnozentrismus). (Xem: J. Habermas: Der philosophische Diskurs der Moderne, FF/M, 1985, tr. 197-211; J. Derrida: Die Stimme und das Phänomen, Frankfurt, 1979; Grammatologie...)
[5]“Phép biện chứng phủ định”: tên tác phẩm của T. W. Adorno (11.9.1903-6.8.1969). Ông gọi đó là “phản hệ thống” (Antisystem). Nó là “phủ định” vì nó cũng phát hiện và nắm vững những mâu thuẫn nhưng lại không “hòa giải”, “tổng hợp” chúng theo kiểu tư biện của Hegel; nó là “biện chứng” vì thâm nhập vào sự phát triển xã hội-lịch sử và vào tính trung giới mang hình thức khái niệm của các mặt đối lập, nhưng không “vật hóa” và đưa chúng vào các mối quan hệ thần bí của “Hữu thể” như Heidegger. (Xem: Adorno: Negative Dialektik (1966).
[6]“Giải cấu trúc” (Dekonstruktion): Khái niệm và nội dung chủ yếu của J. Derrida, khó “tóm tắt” trong một lời chú thích! Chỗ đặc sắc của ông là không xem việc “phá” (Destruktion) và “xây” (Konstruktion) là việc làm đồng thời (như Kant và Heidegger với Siêu hình học cổ truyền) mà luôn thay đổi “viễn tượng”, “gần với kiểu “đảo lộn mọi giá trị” (Umwertung aller Werte) của Nietzsche. Nhưng, cũng khác với Nietzsche, “giải cấu trúc” của Derrida không nhắm vào việc phê phán, bác bỏ di sản quá khứ mà nhắm đến hiện tại và tương lai, đánh thức con người, không cho họ ngủ yên, làm cho họ luôn bị ám ảnh bởi cái “hiện tại đã qua” (présence passé) (ông gọi là “Ám ảnh học”/Hanthologie) từ “những bóng ma” của quá khứ (ông gọi là “Hồn ma học”/Spektrologie) để chống lại mọi âm mưu “trừ tà” của những thế lực tự mãn, hãnh tiến. Chính theo nghĩa này mà Habermas ở trên đã gọi ông là nhà “tư tưởng chính trị” như Foucault”. (Xem: H.G. Gadamer: Destruktion und Dekonstruktion, trong Wahrheit und Methode II. Tübingen, 1986, tr. 361-372; J. Derrida: Die Schrift und die Differenz, FF/M 1972; Glas, Paris 1974; Grammatologie, FF/M, 1979...).
[7]“Chiffriert”: mã hóa các tượng số mang ý nghĩa tôn giáo. Tạm dịch là “mang ẩn ngữ” cho dễ cảm nhận.
[8]Gershom Scholem (5.12.1897 ở Berlin; 21.2.1982 ở Jesusalem): triết gia Do Thái, chủ tịch “Israel Academy of Sciences and Humanities” (1968). Tác phẩm nổi tiếng: “Major Trends in Jewish Mysticism” (bản tiếng Đức: Die jüdische Mystik in ihren Hauptströmungen, 1957). Hợp tác và tranh luận với Adorno và Hannah Arendt trong việc lý giải tư tưởng của Walter Benjamin (1982-1940) nhân xuất bản “Tập hợp tác phẩm” của W.B. Ông muốn tránh cách lý giải “tân-mác xít” của Adorno về W.Benjamin.
[9]Emmanuel Levinas (12.1.1912-25.12.1995 ở Paris), triết gia gốc Do Thái, sống tại Pháp, học trò của Husserl và Heidegger. Ông viết nhiều, chia làm hai loại: loại triết học, tiêu biểu là: “La théorie de l’intuition dans la phénoménologie de Husserl” (1930); De l’existence à l’existant (1947, 1967); Le temps at l’autre (1948; bản tiếng Đức: Die Zeit und der Andere); Totalité et infini (1961)...; loại viết và chú giải về đạo Do Thái: “Difficile liberté. Essai sur le judaisme (1963, 1976),...Trọng tâm của ông là “suy tưởng về ý nghĩa của người khác”. Việc gặp gỡ “người khác” là một “sự cố” và cần suy nghĩ về kinh nghiệm này. Kinh nghiệm về cái “khác”, “người khác” ảnh hưởng lớn đến Derrida (xem: Derrida: Gewalt und Metaphysik. Essay über das Denken Emmanuel Lévinas”, trong Die Schrift und die Differenz, Frankfurt, 1976).
[10]“Heidegger hậu kỳ” (später Heidegger): chỉ các tác phẩm ngắn của Heidegger giai đoạn từ 1930, sau tác phẩm “Sein und Zeit” (1927) như: “Der Feldweg (1953); Holzwege (1950) và Wegmarken (1967). Ngay các nhan đề đã cho thấy rằng ông thử nghiệm dè dặt và ngập ngừng để tìm lối đi mới, có thể dẫn tới một hướng nào đó, cũng có thể lạc vào rú rậm.
[11]“mosaisch”: bắt nguồn từ Moses, Do Thái. Mosaismus: toàn bộ tín điều và cuộc sống của Do Thái = Judentum. - “neuheidnisch”: “Heide” chỉ những gì không thuộc về tín ngưỡng độc thần của đạo Do Thái; “neuheidnisch” là cách nói (không chính xác) để chỉ tất cả những gì không (còn) thuộc về tín ngưỡng Do Thái, độc thần luận. Nhận định của Habermas về “những khởi đầu” (Anfänge) mang tính Do Thái (của tư tưởng Heidegger?) và về thái độ “tiếp thu” (sich aneignen) của Derrida sau này là cả một đề tài rất khó và rất... cần tìm hiểu, tranh luận.