trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
22.4.2002
Hoặc Ngữ
Vài suy nghĩ về bản dịch bộ Mĩ học-Hegel của Phan Ngọc
 
Phan Ngọc dịch bộ Mĩ học của Hegel theo một kiểu... "phi thường". Cách đây mấy năm, một anh bạn về Việt Nam thăm nhà và mua tặng tôi bản dịch của Phan Ngọc (nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1999). Tôi lấy làm mừng vì thấy nước ta đã có người quan tâm đến mỹ học và bỏ công dịch bộ sách đồ sộ ấy. Tuy nhiên, khi giở ra đọc, tôi... giật mình. Chẳng hạn, ngay câu đầu tiên của bộ Ästhetik, Hegel viết:

Diese Vorlesungen sind der Ästhetik gewidmet; ihr Gegenstand ist das weite Reich des Schönen, und näher ist die Kunst, und zwar die schöne Kunst ihr Gebiet.

Phan Ngọc dịch thành:

Những bài giảng này bàn đến mỹ học. Ðối tượng của nó là vương quốc cái đẹp rộng lớn, đúng hơn, lĩnh vực nghệ thuật, hay đúng hơn nữa, lĩnh vực sáng tác nghệ thuật.

Mặc dù vốn tiếng Ðức của tôi thuộc hạng tối sơ cấp, tôi đỏ mặt khi thấy Phan Ngọc dịch schöne Kunst thành sáng tác nghệ thuật. Mà dường như suốt cả bộ sách, cứ chỗ nào thấy schöne Kunst, Phan Ngọc dịch ngay thành sáng tác nghệ thuật. Than ôi!

Ðó là chưa nói đến lối hành văn của Phan Ngọc, chẳng hạn: "vương quốc cái đẹp rộng lớn", sao không là vương quốc rộng lớn của cái đẹp? (das weite Reich des Schönen). Những chữ "lĩnh vực" dùng ở đây lại thừa thãi... Và cách nói "đúng hơn... đúng hơn nữa" lại không đi sát với lối hành văn của Hegel.

Tôi đã bỏ một vài giờ đọc bản dịch của Phan Ngọc và thử so với nguyên tác của Hegel, và tôi quyết định xếp bản dịch ấy vào một góc, chẳng bao giờ dùng đến nữa, vì bản dịch khác quá nhiều so với nguyên tác. Oan thay cho Hegel! Những ai chưa đọc nguyên tác của Hegel, lại vớ trúng bản dịch của Phan Ngọc, chắc phải đánh giá Hegel sai lầm vô cùng.

Phan Ngọc dịch Hegel như thế đã là liều lĩnh, mà Phan Ngọc viết cái "tóm tắt nội dung" về bộ sách của Hegel lại càng liều lĩnh hơn. Có thể nói Phan Ngọc đã ám sát Hegel hết sức dễ dàng qua lối "tóm tắt" đầy sai lầm và xuyên tạc. Chẳng hạn, Phan Ngọc đem một câu văn dịch lủng củng và tối tăm ra gán cho nó là định nghĩa của Hegel về cái Ðẹp. Phan Ngọc viết:

1.0   Nếu cần thu gọn toàn bộ mỹ học của Hêghen vào một câu thì có thể đó là Luận điểm 1 của ông về định nghĩa cái đẹp.
      * Luận điểm 1: Ðịnh nghĩa cái đẹp.
      "Cái đẹp (nghệ thuật – PN) là ý niệm được quan niệm như là thể thống nhất trực tiếp của khái niệm với hiện thực của nó trong chừng mực thể thống nhất này xuất hiện trong cái hiện thực và cảm quan".
      Câu này cho ta biết đối tượng, nội dung và các đặc trưng của mỹ học.


Rõ ràng Phan Ngọc không phân biệt được sự khác nhau giữa các khái niệm "cái đẹp", "cái đẹp nghệ thuật" và "mỹ học". Ở ngay trang đầu tiên mà đã thế đấy!

Vân vân và vân vân...

Thật ra, Phan Ngọc có cách làm việc rất lạ lùng. Theo ông, ông đã dịch theo bản tiếng Nga của Xtolpner và Popov (Moskva, 1968), có đối chiếu với nguyên bản tiếng Ðức (Berlin, 1955), và tham khảo các bản dịch của Xtolpner (Moskva, 1938), bản tiếng Pháp của Jankelevich (Paris, 1944), và bản tiếng Trung của Chu Quang Tiềm (Bắc Kinh, 1958). Tôi tự hỏi tại sao ông không dịch thẳng từ nguyên bản tiếng Ðức, mà lại chỉ dùng nó để đối chiếu.

Nếu các bạn chủ trì Talawas, vốn là những cây bút được đào tạo ở Ðức, chịu nhảy vào làm công tác giám định bản dịch của Phan Ngọc thì thật là một việc hết sức đáng ca ngợi. Tất nhiên việc giám định bản dịch dày gần 2000 trang là hết sức nhọc nhằn. Tôi trộm nghĩ thà các bạn ra tay dịch lại cả bộ sách, chắc còn nhẹ nhàng thoải mái hơn nhiều. Nhưng, tôi lại nghĩ, nếu các bạn không đứng ra làm giám định viên trung thực thì biết đâu thiên hạ vẫn cứ mê tín vào giá trị bản dịch của Phan Ngọc, các nhà văn trong nước cứ đua nhau trích dẫn, các giáo sư và sinh viên cứ đua nhau đem bộ đó ra mà bình luận về Hegel, thì oan thay cho Hegel!