trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
1.11.2004
The Economist
Cáo phó: Jacques Derrida
talawas dịch
 
Cáo phó cho Jacques Derrida của tờ The Economist đến muộn hơn hầu hết các báo phương Tây quan trọng khác. Mãi đến ngà y 21.10.2004, hai tuần sau khi triết gia nà y qua đời, The Economist mới ra một cáo phó có lẽ ít “phải đạo” nhất đối với người vừa khuất. Xuất phát từ niềm tin rằng độc giả có quyền được thông tin về mọi quan điểm, nhất là khi quan điểm ấy được đại diện bởi một cơ quan ngôn luận nhiều ảnh hưởng như The Economist, chúng tôi xin giới thiệu cáo phó nà y. Quả thật Derrida là một triết gia gây nhiều tranh cãi, lúc sinh thời cũng như khi đã nhắm mắt. Với những ai bất bình, đã có trang web Remembering Jacques Derrida (http://www.humanities.uci.edu/remembering_jd/index.php) để tỏ thái độ của mình.
talawas


Jacques Derrida, học giả người Pháp, mất ngày 8 tháng 10, thọ 74 tuổi

"Nơi ông, nước Pháp đã đem lại cho thế giới một gương mặt lớn của đời sống trí thức ở thời đại chúng ta,” Jacques Chirac, Tổng thống Pháp đã tuyên bố như vậy một ngày sau khi Jacques Derrida qua đời. Derrida không đồng ý hầu như về mọi điều mà người khác nói về mình, nhưng ông có lẽ sẽ không phản đối lời tán dương này. Người sáng tạo ra thuyết “giải cấu trúc” – một tiến trình mù mờ của việc tháo dỡ các văn bản bằng cách phát hiện những giả định và những mâu thuẫn của chúng – thật sự, và thật không may, là một trong những học giả hiện đại được trích dẫn nhiều nhất trong ngành nhân văn.

Ông cũng là người gây tranh cãi nhiều nhất. Năm 1992, đề nghị trao cho ông bằng tiến sỹ danh dự tại trường Ðại học Cambridge đã gây nên sự phản đối ầm ĩ, đến nỗi trường này buộc phải đưa vấn đề ra bỏ phiếu – lần đầu tiên điều này diễn ra trong ba mươi năm qua. Giữa những cáo buộc rằng tác phẩm của Derrida là lố bịch, nhạt nhẽo và nguy hại, học vị này rốt cuộc cũng được trao tặng với số phiếu của hai bên là 336 và 204.

Giới trí thức hàn lâm thường chia rẽ, nhưng đây lại là một chuyện khác. Không phải quan điểm của Derrida, hoặc lập luận của ông, gây ra những bất đồng hiếm thấy. Chẳng có lập luận gì, và thực ra cũng chẳng có quan điểm gì. Ông hẳn sẽ là người đầu tiên thừa nhận điều này. Ông không chỉ mâu thuẫn với chính mình, hết lần này đến lần khác, mà còn chống đối kịch liệt bất kỳ cố gắng nào nhằm làm rõ những ý tưởng của ông. “Phê bình những gì tôi làm,” ông nói, “là điều thật sự không thể.”

Bao giờ cũng có thị trường cho chính sách ngu dân. Socrates đã xỉ vả các môn đồ của Heraclitus ở Ephesus cùng vì những lý do mà những người phê bình Derrida nhiếc móc những tông đồ bất hạnh của ông:

Nếu anh hỏi một trong đám bọn họ một câu hỏi, họ sẽ lôi ra từ bao đựng những mũi tên diễn đạt be bé khó hiểu của họ, và phóng ra một mũi; và nếu anh cố hiểu xem điều người đó nói có nghĩa gì, thì anh sẽ phát khiếp trước một chuỗi ẩn dụ mới. Anh không bao giờ đi đến đâu với bất gì ai trong số họ.

Trước sự chơi chữ kém cỏi (“logical phallusies” [1] là một ví dụ nổi tiếng), phép hùng biện khoa trương và những luận đề lan man phi logic, thậm chí một người đọc không định kiến cũng có thể nghi ngờ về ngón bịp của Derrida. Nhưng như vậy là đi quá xa. Chân thành và uyên bác, dù rối trí, ông là người đã đem lại cho một số học giả và sinh viên đúng cái mà họ đang tìm.

Cha của Derrida là một nhà buôn thuộc dòng Do Thái Sephardic. Sinh ra ở ngoại ô Algiers, Jacques bị đuổi khỏi trường vào năm mười hai tuổi, do luật phân biệt chủng tộc của chính quyền Vichy. Tuy có gặp khó khăn, năm 1952 ông đã thi vào trường Ecole Normale Supérieure danh giá ở Paris thành công và dự các bài giảng của Michel Foucault. Ông bắt đầu giảng tại Ecole Normale vào năm 1964. Hai năm sau, tại một hội nghị ở trường Ðại học Johns Hopkins, Baltimore, ông đặt nền tảng cho danh tiếng của mình ở Hoa Kỳ bằng một cách tiếp cận mới, táo bạo, các văn bản văn chương và bóc trần những tiền giả định ý thức hệ của chúng. Ba cuốn sách ra đời tiếp sau trong năm 1967, bao gồm cả “Of Grammatology” và “Writing and Difference.” Một vì sao cấp tiến đã mọc.

Phong cách giải cấu trúc của Derrida đặc biệt nở rộ ở các khoa văn chương so sánh tại Hoa Kỳ, nơi nó được đan kết với chủ nghĩa Marx, thuyết nữ quyền và chống thực dân. Dù vào đầu những năm 1980, các học giả Pháp đã rất mệt mỏi trong việc cố gắng lý giải ông, thì các giáo viên văn chương người Mỹ ngày càng tăng sự trung thành đối với Derrida. Được vũ trang bằng kho từ vựng mới không thể xâm nhập nổi, và không cần phải nắm vững bất kỳ tư tưởng nghiêm nhặt nào, họ có thể trá hình thành những nhà phê bình xã hội, chính trị và triết học. Derrida luôn chối bỏ mọi trách nhiệm trước thứ chủ nghĩa hư vô bất khuôn phép của những người bắt chước ông, những người đã đem lại ấn tượng mạnh mẽ rằng giải cấu trúc, bằng cách nào đó, đã thành công trong việc làm xói mòn, hay thậm chí bác bỏ, quan niệm về sự thật khách quan. Nhưng tác phẩm của ông không dễ diễn dịch theo cách nào khác hơn thế.


Mây mù từ ngữ

Khủng hoảng đến vào năm 1987. Tờ New York Times phanh phui sự việc Paul de Man, một người bạn của Derrida, và là một trong những nhà giải cấu trúc hàng đầu ở Mỹ, đã có những bài viết bài Do Thái cho một tờ báo thân Đức quốc xã ở Bỉ vào những năm 1940-1942. Ngẫu nhiên, cũng năm 1987, xuất hiện những bằng chứng về quá khứ phát xít được che đậy của triết gia Đức Martin Heidegger, người đã có ảnh hưởng lớn đến Derrida. Phản ứng của Derrida thật tai hại. Ông sử dụng kỹ thuật giải cấu trúc để bảo vệ hai người này, tung ra một màn mây mù tu từ khó hiểu, với một nỗ lực thảm bại nhằm giải tội cho họ. Nỗ lực thảm bại này rơi thẳng vào tay những người phê phán ông, những người luôn biện luận rằng sự lảng tránh khôi hài của thuyết giải cấu trúc che đậy sự phá sản về đạo đức và học thuật của nó. Tạp chí New York Review of Books châm biến rằng giải cấu trúc có nghĩa là không bao giờ phải nói lời xin lỗi của mình.

Derrida cũng theo đuổi những đại nghĩa đáng trân trọng hơn rất nhiều. Ông đấu tranh cho quyền lợi của những di dân Algiers tại Pháp, chống chủ nghĩa apartheid ở Nam Phi, và đấu tranh cho những người bất đồng chính kiến tại Czech. Vào lúc ảnh hưởng của ông suy tàn thì tiếng tăm của ông lại tăng lên. Từ bỏ tính trầm lặng trước đó, ông chịu cho phỏng vấn và chụp ảnh. Ông thú nhận không thích bộ phim hài “Giải cấu trúc Harry” của Woody Allen. Sách tiếp tục tuôn chảy (tất cả là 80 quyển), khi quan tâm của ông chuyển từ các văn bản văn chương và triết học sang các chủ đề đạo đức và chính trị, nhưng chúng cũng không dễ hiểu gì hơn. Trong những năm cuối đời, ông ngày càng quan tâm đến tôn giáo, và một số nhà thần học bắt đầu tỏ ra quan tâm đến tác phẩm của ông. Chúa giúp họ.


© 2004 talawas



[1]Tạm dịch: “dương hình logic” (dương hình: hình ảnh hay tượng dương vật, thể hiện sức mạnh của đàn ông, đặc biệt trong việc truyền giống).