trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
4.11.2004
Thái Kim Lan
Hai buổi hội thảo chuyên đề giới thiệu tác phẩm „Phê phán lý tính thuần túy“ của triết gia Ðức I. Kant tại Hà Nội và Huế
 
Tác phẩm „Phê phán lý tính thuần túy“ của triết gia Ðức Immanuel Kant do Bùi Văn Nam Sơn dịch, Văn Học xuất bản 5/2004 tại thành phố HCM, đã được sự hỗ trợ của Viện Goethe tại Hà Nội và cơ quan Goethe-InterNationes tại Bonn về công tác dịch thuật trong chương trình tuyển tập văn học Ðức Việt do một nhóm giáo sư Ðức và tôi chủ biên.

Nói điều ấy để chỉ nêu lý do tại sao có hai buổi „hội thảo chuyên đề“ trong chương trình sinh hoạt văn hóa tam cá nguyệt của viện này tại Việt Nam và đã được thực hiện tại Huế và Hà Nội: Tại Huế trong hợp tác với Học Viện Phật Học VN, tại Hà Nội do chính Viện Goethe tổ chức.

Ý định giới thiệu tác phẩm dịch Việt này thật ra đã có từ ngay khi quyển sách được xuất bản. Ông Giám đốc Viện Goethe đã đề nghị với tôi từ tháng năm, nhưng lần lữa lịch trình, cho nên mãi đến tháng 9 năm nay ngày giờ mới có thể xác định. Theo dự tính, Viện Goethe muốn giới thiệu tác phẩm này cũng như triết học của Kant với tính cách nghiên cứu sâu hơn, cho nên chúng tôi đồng ý chia làm hai phần:

  • phần giới thiệu tác phẩm Việt dịch có dẫn luận triết học của I. Kant vào tháng chín năm nay với độc giả Việt Nam, không có tham gia của chuyên gia Ðức
  • phần nghiên cứu triết học Kant với chuyên đề đạo đức học và những đề tài so sánh vào đầu năm 2005 sẽ có tham gia của các giáo sư Ðức và Việt nam.

Ði Việt Nam lần này như thế với nhiệm vụ gấp đôi: một nhiệm vụ thường xuyên: giảng dạy triết học Tây phương tại Học Viện Phật Học Huế như mọi năm khai giảng đầu tháng chín và một nhiệm vụ đặc biệt: giới thiệu tác phẩm đồ sộ dịch thuật của Bùi Văn Nam Sơn (xem Ngô Văn Tạo, talawas, 27.10.2004).

Ðến Sài Gòn không ngờ lại thêm một nhiệm vụ nữa: anh Bùi Văn Nam Sơn (cũng như anh Lê Nguyên Ðại của nhà sách Trẻ, người „liều lĩnh“- như anh tự phê - đảm nhận in tác phẩm này) không thể ra Huế và Hà Nội để giới thiệu công trình của anh, mà gởi gắm cái quyển sách dày cộm nặng trình trịch ấy cho tôi với một lời chào nhắn xin lỗi mọi người và với một con mắt ái ngại khi thấy cả bàn tay mỏng manh của tôi cũng chưa đủ để nắm trọn cuốn sách đem đi.

Hành trang ra Huế và Hà Nội lần này hóa ra lỉnh kỉnh với sách là sách, mà quyển mô quyển nấy nặng gần 2 ký. Chúng tôi phải đem sách ra Huế và ra Hà Nội, nhất là ra Huế, nghe nói ngoài ấy chưa ai biết đến mặt mũi quyển sách của ông Kant, ngoại trừ một số thức giả được dịch giả gửi tặng. Chẳng biết ông Kant có thấu rõ nỗi đoạn trường lễ mễ sách vở này không? May sao tôi có một người đồng hành ngọt ngào (đối với tôi) và tươi trẻ là Mai Lan, con gái của tôi cũng theo về và sẽ đi thực tập tại Vviện Goethe ở Hà Nội trong dịp này. Chuyến đi do đấy nặng mà nhẹ như mây bay thoáng qua khung cửa phi cơ từ Sai gòn đến Huế.


1. Hội thảo chuyên đề tại Huế ngày 18. 09. 2004


Trong dịp khai giảng niên học mới của Học Viện Phật Học, buổi hội thảo về tác phẩm dịch Việt „Phê phán lý tính thuần túy“ hình như là một dấu ấn hoa mai ghi lại một sinh hoạt trí thức rộng (giao lưu) và sâu (chuyên đề) trong chương trình giảng huấn của Học Viện (như lời của Ban giảng huấn Học Viện) và cho những người đến tham dự (mà tôi đã nghe bình luận sau buổi họp), cho nên được tổ chức rất trang trọng và mặn nồng.

Chúng tôi, Thầy Hải Ấn, phó Viện trưởng và tôi, đón ông Augustin Giám đốc Viện Goethe đi cùng với Mai Lan (đã ra Hà Nội thực tập) và cô Marem Witte (thực tập sinh tại Viện Goethe như Mai Lan) lúc 8 giờ sáng ngày 18. 09. 2004 tại nhà ga Huế.

Ông Augustin chỉ có thể ở Huế trong vòng 10 tiếng đồng hồ và phải trở lại ngay ngày hôm ấy, do công việc tràn ngập chuẩn bị ngày khai trương Viện Goethe về địa chỉ mới và đón Thủ tướng Ðức Schröder sang tham dự Hội nghị Asean liên kết với Âu châu tại Hà Nội vào đầu tháng mười.

Trông bận bịu đến ngạt thở là mấy khuôn mặt của „phái đoàn Hà Nội“ xuất hiện ở nhà ga Huế. Thế nhưng trong không khí êm lắng của chùa Từ Ðàm vào buổi xế mai, buổi điểm tâm chay tịnh hiền lành nhưng không kém thịnh soạn trong con mắt của người Ðức đã làm nở những nụ cười thỏa dạ. Sau buổi điểm tâm, thì giờ chỉ còn đủ kịp để người Giám đốc qua quán cúp tóc „local“ của anh Bé bên cạnh nhà „làm tốt“ (tiếng Huế để chỉ sửa soạn tươm tất) (gồm có cắt tóc gội đầu và váy tai!!!) và những người khác rũ áo bụi đường và thay áo.

12 giờ rưỡi dùng cơm trưa ở chùa Từ Ðàm với Viện trưởng Viện Phật Học và Ban Giám học để duyệt lại chương trình hội thảo lúc 15 giờ tại Học Viện Hồng Ðức.

15 giờ bắt đầu cuộc hội thảo.

Chương trình: Lời chào mừng của Thầy Viện trưởng Thích Chơn Thiện. Giám đốc Viện Goethe đáp từ và giới thiệu sơ lược sự xuất hiện của tác phẩm PPLTTT do Bùi Văn Nam Sơn dịch, tiếp theo Thái Mai Lan giới thiệu tiểu sử của Kant bằng tiếng Ðức, Thái Kim Lan dịch tại chỗ, cuối cùng phần Dẫn luận triết học của Kant trong cuốn PPLTTT do Thái Kim Lan đảm nhận.

Hôm ấy người đến tham dự đông đảo. Khoảng 200 ghế của Giảng Ðường Hồng Ðức hầu hết đều được chiếm, một số người không vào được đã tham dự qua phóng thanh trong hành lang tầng dưới. Ngoài quí thầy trong ban tổ chức và tăng ni sinh của Viện, thấy có mặt khoảng 80 học giả, trí thức Huế như dịch giả và giáo sư tiếng Pháp Bửu Ý, nhà nghiên cứu Huế Học Phan Thuận An, các giáo sư Tôn Thất Qụy, Cao Huy Hoá (Đại học dân lập Phú Xuân), Lê Văn Lợi, Tống Viết Mẫn (vừa là nhà thơ), Mai Châu (hoạ sĩ), Nguyễn Văn Dũng (nhà văn), bác sĩ Phạm Xuân Quế, dược sĩ Ðỗ Thị Thuận, bác sĩ Dương Ðình Châu, một số đông đảo cựu giáo sư Quốc học Ðồng Khánh v.v.

Ông Augustin đáp lời chào mừng của Thầy Viện trưởng với lời nhận xét xúc động là từ trước ông chưa bao giờ đứng trước một cử tọa đông đảo như thế. Ông vui mừng giới thiệu một tác phẩm triết học quan trọng nhất của truyền thống tư tưởng nước Ðức đã được chuyển sang tiếng Việt. Ông trân trọng cám ơn ông Bùi Văn Nam Sơn đã dày công chuyển dịch một tác phẩm mà đối với người Ðức không phải là dễ dàng để đọc và hiểu. Ông không ngại ngùng thú nhận rằng chính ông cũng chưa đọc hết tác phẩm ấy nhưng tầm quan trọng của nó trong lịch sử triết học Ðức thật là lớn lao và tính thời sự của nó ngày hôm nay không thể bỏ qua, nhất là tinh thần phê phán, quan điểm tri thức luận và quan điểm đạo đức học của Kant. Ông mong muốn trong tương lai những buổi hội thảo giao lưu sẽ được tổ chức tiếp theo và cho biết khoảng tháng giêng năm 2005 sẽ có một hội thảo chuyên đề về đạo đức học của Kant với sự hiện diện của các giáo sư chuyên môn Ðức Việt, tại Huế, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tại Huế ông mong sẽ được gặp lại cử tọa trong khung cảnh của Học Viện Huế như ngày hôm nay và kết thúc với lời cám ơn sự hiếu khách của Học Viện và sự đóng góp của Thái Kim Lan.

Thái Mai Lan, sinh viên triết học tại Ðại học văn khoa München, đã trình bày khoảng 20 phút tiểu sử của Immanuel Kant bằng tiếng Ðức được tuần tự dịch Việt. Bài viết đã được soạn tại Hà Nội, bột phát theo lời yêu cầu của ông Augustin. Ngoài những dữ kiện lịch sử, bài viết của em nêu rõ những đặc điểm tư duy của chính CON NGƯỜI I.Kant: phương pháp giáo khoa (didaktisch) của ông nhằm giúp sinh viên của ông phát triển khả năng tư duy, có nghĩa là khả năng lý luận và phán đoán khách quan độc lập, bỏ thói quen „học gạo, học tủ“ hay dựa vào kinh điển. Tinh thần phê bình của ông nhằm để khai phá chân lý và bảo vệ chân lý từ sự tự chủ của con người, có nghĩa là dựa vào sức mạnh của lý trí và không để một tha lực quyền uy hay một danh nhân nào khuynh loát dù đó là Newton hay Leibniz.

Phần Dẫn Luận của Thái Kim Lan (xin xem talawas, Khuông Việt) đã được HVPH in ra, đóng thành tập nhỏ để phát cho những người tham dự dễ theo dõi. Những điểm chính của Dẫn Luận đã được đề ra sơ lược. Trong giới hạn thời gian của buổi hội thảo, tác giả Dẫn Luận gây sự chú ý đến tác phẩm bằng cách giải thích chính tựa đề của tác phẩm. Từ giải thích tựa đề „Phê phán lý tính thuần túy“ ta có thể tìm thấy được chủ ý tư tưởng trong công trình triết học của Kant mà Mai Lan cũng đã nêu dẫn trong bài của em: một cuộc phê phán như là tiến trình phân biệt, biện biệt của lý trí thuần túyđối tượngchính „lý tính thuần túy“ bằng phương pháp khảo sát và luận giải siêu nghiệm (transzendentale Erörterung). Khảo sát siêu nghiệm truy tầm khả năng nhận thức của lý tính trong điều kiện khả thể của nó: trả lời về những điều kiện khả thể của tri thức tổng hợp tiên thiên“ (Bedingungen der Möglichkeit der Erkenntnis a priori) mở ra khả thể chẩn định giá trị khách quan thực tại của các phạm trù tiên thiên đồng thời nêu lên được giới hạn của khả năng nhận thức trên lãnh vực siêu hình. Khảo sát siêu nghiệm đi từ một câu hỏi của lý tính về điều kiện tính của khả năng nhận thức cho thấy lý tính có thể tự tin vào khả năng truy nguyên chân lý mà không cần viện dẫn đến một cơ sở ngoại tại siêu việt (Fundament). Với sức mạnh của khả năng phê phán siêu nghiệm Kant đã trả lại chủ thể vai trò chủ đạo của nó trong nhận thức sự vật, không phải đối tượng nhận thức mà chính chủ thể là người viết qui luật cho đối tượng. Với tư cách là chủ thể, lý tính con người bao hàm toàn thể khả năng trả lời những câu hỏi mà con người đặt ra cho chính mình: „Tôi có thể biết gì? Tôi nên làm gì ? Tôi được phép hi vọng điều gì“ và „con người là gì?“. Minh triết về những câu hỏi ấy sẽ đưa con người từ là một cá nhân riêng lẻ đầy mâu thuẫn trở thành một công dân tự do trong toàn hoàn vũ (freier Weltbürger) mà lý tính là nền tảng đại đồng của nhân loại. Diễn giả từ đó nêu lên những điểm tương đồng giữa tư tưởng của Kant trong PPLTTT và triết lý Phật học, trong đó khả năng giải phóng luân hồi nằm trong tri thức chân thật của con người và ý niệm Phật tính đã có sẵn trong mỗi người tương đương với khả năng nhận thức bản lai chủ thể là những điểm tương đồng nỗi bật. Những điểm này sẽ được đào sâu trong các buổi giảng về triết học của Kant tại học viện.

Thay mặt Học Viện PH, thầy Giác Quang cám ơn ông Augustin và tất cả mọi người đã đến tham dự. Ðúc kết nội dung Thầy đưa ra hai điểm tâm đắc rút từ hai bài thuyết trình: lòng yêu chân lý của Kant và sự vô úy vượt trên mọi thế lực ngoại tại và tính nhân bản trong triết thuyết của ông. Thầy nhận định: „Kẻ nào yêu chân lý kẻ đó gần với Phật và học thuyết nào nhân danh con người và vì sự lợi ích của chúng sinh, học thuyết ấy không xa đạo Phật.“ Hy vọng trong tương lai, gần nhất vào tháng giêng 2005, Học Viện sẽ có những buổi trao đổi học thuật lý thú như ngày hôm nay, Thầy kết luận.
Tiếc thay buổi hội thảo phải chấm dứt sớm không có thảo luận vì ông Augustin phải ra phi trường. Trên xe, ông Giám đốc Viện Goethe không quên bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về sự tổ chức chu đáo có nề nếp của Học Viện và sự quan tâm về triết học của người tham dự. Ông bảo, ở Hà Nội có lẽ con số người tham dự sẽ khiêm tốn hơn, một phần vì phòng ốc không đủ rộng.

Hình như đã có một niềm „hỉ lạc tri thức“ nào đó dấy lên từ những khuôn mặt của người đến tham dự. Anh Phan Thuận An cho rằng lâu lắm mới có một buổi hội thảo cởi mở với một đề tài triết học như thế tại Huế. Nhiều người cho rằng, những điểm tương đồng với Phật giáo có thể là ngõ vào để tìm hiểu thêm tư tưởng của Kant, mà một thời rất lâu tư tưởng này đã xuất hiện như một bí ẩn do chướng ngại ngôn ngữ. Tác phẩm dịch Việt của Kant quả thật là một tin vui như nhà thơ Tống Viết Mẫn nhận xét

Anh Bửu Ý,- ngoài cảm tưởng sảng khoái được sống lại không khí „đại học“ (chữ của anh Ý) trong một không gian hòa nhã, trí tuệ và hoan hỉ tại Học Viện (anh nói xúc cảm hơn là sự tóm tắt của tôi)- đặt vấn đề liên hệ đến thuật ngữ dịch thuật, tôi cho là một câu hỏi quan trọng nhất trong buổi giới thiệu sách dịch Việt của Bùi Văn Nam Sơn ngày hôm ấy. Thắc mắc này chính tôi cũng đã đưa ra khi đọc bản dịch sơ khởi của BVNS và có lẽ là thắc mắc chung của đa số trí thức miền Nam và một số anh chị em trí thức miền Bắc thuộc thế hệ 50: Phê bình hay phê phán? Lý tính hay lý trí? - để đơn cử một ví dụ. Khổ thay ngay cả thuật ngữ „Vernunft“ (Lý trí, lý tính) mà Kant dùng lại rất đa nghĩa: nếu nó chỉ khả năng hay chức vụ (Funktion) thì nó nên hiểu là Lý trí, nhưng trên bình diện thể tính (Ontologie) nó chỉ thể cách (Ontologie) của lý: có nghĩa là Lý tính. Heidegger đã nghiên về lý giải sau. Nhưng chưa chắc những người thuộc trường phái Kant đồng ý… Cũng thế thuật ngữ „Kritik“ nếu hiểu theo thuật ngữ Hy Lạp là phân biệt biện biệt thì „phê bình“ đúng hơn „phê phán“. Nhưng trong tác phẩm của Kant ông lại ưa thích lấy tỉ dụ vai trò của quan toà, toà án trong cuộc phân xử tri thức siêu hình học của „Vernunft“ –Lý tính (xem BVNS, PPLTTT). Tiêu chuẩn khách quan nào ấn định sự chọn lựa hay đã có sẵn một qui định thuật ngữ?

Ðiểm này và một số câu hỏi trong buổi hội thảo tại Hà Nội sẽ trở nên một cụm đề tài lý thú và không kém phần quan trọng về vấn đề thống nhất thuật ngữ dịch thuật trong tiếng Việt, nhất là thuật ngữ triết học (talawas đã đặt vấn đề này trong nhiều cuộc thảo luận). Tôi rất mong sẽ có những buổi hội thảo trong và ngoài nước về những đề tài này, khởi sự với tác phẩm PPLTTT với sự hiện diện của dịch giả.


2. Ngày 25. 09. 04 lúc 15 giờ, hội thảo chuyên đề tại Viện Goethe Hà Nội

Chương trình và nội dung hội thảo không thay đổi, nhưng người tham dự được ngồi trong một phòng họp được trang bị hiện đại hơn ở Huế với máy nghe chuyển ngữ cá nhân có chuyên viên phiên dịch là anh Hoài. Số người tham dự gần đúng với số ghế trong phòng, trên dưới 50 người.

Có các anh: Nguyễn Trọng Chuẩn, Viện trưởng Viện triết học Hà nội, Nguyễn Huệ Chi Viện Hán học, Nguyên Ngọc, Vũ Kim Bảng Viện ngôn ngữ, Ngô Quang Phục (dịch giả Faust, Goethe), Hoàng Ngọc Hiến, Dương Tường (dịch giả, „Blechtrommel“ của G. Gras), Hoàng Ngọc Bích, Hoàng Chương (viện bảo tồn văn hóa), chị Lê Thị Nga (Ðại học sư phạm Ðức ngữ), các chị Phương Quỳnh, Hoàng Thị Châu (du học Ðông Ðức thập niên 50, 60) và sinh viên các trường đến tham dự.

Buổi hội thảo tại Hà Nội linh động vì có thảo luận.

Mai Lan kết luận bài tiểu sử I. Kant với một câu hỏi về ý nghĩa câu nói cuối cùng của Kant trước khi lìa đời: „Tốt rồi“, ông muốn nói cái gì là tốt? Cuộc đời ông? sự nghiệp ông? triết học của ông? Hay giây phút lìa đời?

Tôi hướng câu hỏi của Mai Lan về các bậc thức giả để mở đầu buổi hội thảo, bởi vì đây là cơ hội để em được các bậc thức giả có kinh nghiệm chỉ giáo và học hỏi thêm. Không khí hội thảo trở nên thân thiện và nhân ái với nhận định sự vô úy đạt được của một nhà hiền triết bình thản trước cái chết. Không sợ chết phải chăng là mục đích của sự cố gắng chế ngự cái chết cần đạt được trong kiếp người? Mà triết học là con đường tri thức đem đến sự vô úy?

Ông Augustin tham dự cuộc thảo luận tiếng Việt với máy nghe phiên dịch và đã can thiệp vào các câu hỏi có tính lịch sử địa lý như Königsberg bây giờ thuộc về nước Nga, triết học của Kant như vậy thuộc về nước nào. Trước sau Kant vẫn là một triết gia Ðức, phản ảnh và tác tạo trong truyền thống tư tưởng người Ðức, điều ấy được chấp nhận như một hiển nhiên lịch sử.

Hai phát biểu nổi bật mà tôi có thể đem về làm quà cho Bùi Văn Nam Sơn là phát biểu của anh Hoàng Ngọc Hiến và của anh Nguyễn Trọng Chẩn. Anh HNH cho rằng công trình dịch thuật của BVNS đáng được tán thán ca ngợi là một công trình vĩ đại. Với PPLTTT Việt dịch, ta có thể tin tưởng vào ngôn ngữ tiếng Việt đa dạng và phong phú. BVNS đáng được giải thưởng về dịch thuật. Không những bản dịch của BVNS chính xác so với bản tiếng Nga, những chú giải trong bản dịch chứng tỏ công trình nghiên cứu tỉ mỉ và công phu của người dịch. Anh Nguyễn Trọng Chuẩn cũng xác nhận tính trung thực của bản dịch khi đối chiếu với bản dịch tiếng Nga, nhưng anh cho biết ở một vài chỗ trong sách dịch, đoạn văn ở phần trên lại khác với cùng một đoạn văn được đưa ra trong chú thích ở dưới. Ðây là những nhắc nhở rất quí báu bổ ích, vì kinh nghiệm cho thấy những lỗi này thường phạm phải như bị „ma xó thu dấu“ đến vô cực trong lúc duyệt sửa bản thảo hơn 1200 trang. Anh Nguyễn Huệ Chi nhận xét với tiếng cười hài hòa rằng, „thật vui khi nghe ngay cả ông Giám đốc Viện Goethe thú nhận cũng chưa đọc hết tác phẩm của Kant, mình cũng chưa đọc nó và phần đông người tham dự cũng chưa đọc, nhưng buổi nói chuyện gây hứng thú thúc giục tìm kiếm tác phẩm ấy để đọc… một lần“. Anh Vũ Kim Bảng cũng nêu lên thắc mắc dịch thuật tương tự như ý kiến của anh Bửu Ý. Một tham dự viên trẻ thắc mắc về lới hành văn khổ độc của Kant so với Marx, một nữ sinh viên triết học (em Phương Mai, con gái giáo sư Nguyễn Trọng Chẩn) muốn tìm hiểu thêm về nhân chủng học của Kant mà tôi hứa sẽ cung cấp tài liệu. Buổi hội thảo đã có thể còn tiếp tục trong không khí cởi mở và hứng thú nếu ông Augustin không lên tiếng mời mọi người ra sân dùng trà và thúc ăn nhẹ cũng như kết thúc buổi hội thảo với lời cám ơn tham dự. Trước khi rời phòng họp, chị Phương Quỳnh và Hoàng Thị Châu đã bày tỏ niềm vui được nghe „Kant“, tuy còn trừu tượng xa lạ nhưng đã thấy „gần“ qua ngôn ngữ Việt Nam. Thật là một lời nhắn „đẹp“ cho dịch giả BVNS.

Với hai buổi hội thảo chuyên đề này, tôi nghĩ mục đích khiêm tốn nhằm giới thiệu tác phẩm triết học của I. Kant do Bùi Văn Nam Sơn dịch đã đạt được kết quả khởi đầu. Nói khởi đầu vì tôi hi vọng trong tương lai sẽ có những buổi hội thảo sâu rộng về tác phẩm này trên hai phương diện ngữ học và triết học với sự quan tâm góp ý của các độc giả và thức giả Việt Nam trong và ngoài nước. Theo tôi nghĩ đó cũng là sự mong ước của anh Bùi Văn Nam Sơn.

Cuối cùng, bên cạnh niềm hỉ lạc tri thức mà tôi được chia sẻ với mọi người trong những buổi hội thảo chuyên đề vừa qua, có một niềm vui như con lạch nhỏ chảy nhẹ qua mà tôi xin một lần riêng tư để nhắc đến, đó là được ngồi với Mai Lan nơi bàn hội thảo cùng nhìn về một hướng. Từ đó cảm nghe đưọc sự gần gũi trong đôi mắt và sự chăm chú của những người tham dự trẻ, mà mỗi tra vấn học hỏi của họ cho thấy sự quyết tâm tìm hiểu, tính ham học, ham trau dồi tri thức của tuổi trẻ, đối với tôi như một ân huệ ban thưởng gửi đến không cho riêng mình mà cho dịch giả, cho những bậc tiền bối và mọi bạn đọc xa gần chung cuộc.

München 1.11.2004

© 2004 talawas