trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
8.11.2004
Dan Diner
Bush chỉ là chất xúc tác
(Phỏng vấn của SPIEGEL ONLINE với nhà sử học Diner về quan hệ Âu - Mỹ)
Trương Hồng Quang dịch
Claus Christian Malzahn thực hiện
 
Nhà sử học Dan Diner cho rằng châu Âu và Hoa Kỳ đang ở trong một quá trình phân hoá sâu sắc. Trong bài phỏng vấn với SPIEGEL ONLINE ông giải thích vì sao cả John Kerry cũng không thể ngăn chặn sự ly gián trên phương diện văn hoá giữa hai lục địa – và vì sao vào thời điểm hiện tại rất khó có thể đưa ra một đánh giá có ý nghĩa lâu bền về George W. Bush. Dan Diner sinh 1946 tại Israel. Ông trưởng thành ở Đức và hiện dạy tại Học viện Simon-Dubnow về lịch sử và văn hoá Do Thái thuộc Trường đại học Leipzig và tại Trường đại học Hebrew ở Jerusalem. Diner là tác giả của những cuốn sách nay đã được đánh giá là những tác phẩm mẫu mực như Hiểu thế kỷ. Một đánh giá lịch sử phổ quát về lịch sử thế kỷ 20 và Hình mẫu kẻ thù Hoa Kỳ: Về sự dai dẳng của một định kiến. Hiện tại Diner đang dạy tại Trường đại học Princeton ở Hoa Kỳ và theo dõi đợt bầu cử vừa qua từ đó.

SPIEGEL ONLINE: Thưa ông Diner, hiếm có một Tổng thống Mỹ nào mà lại dành được nhiều số phiếu của cử tri như George W. Bush. Uy tín rõ mười mươi của Bush ở Mỹ hoàn toàn tương phản với hình ảnh mà người ta có về ông ta ở châu Âu. Ông giải thích mâu thuẫn này như thế nào?

Diner: Giữa châu Âu và Mỹ từ lâu đã tồn tại một hố sâu về văn hoá và chính trị. Chỉ từ một vài năm trở lại đây chúng ta mới cảm nhận rõ ràng hơn điều này. Những khác biệt không xuất hiện mới ngày hôm nay hay trong thời gian cuối, mà đã có một lịch sử lâu dài. Vào nửa cuối của thế kỷ 20 hố sâu đó đã được lấp kín do tồn tại của khối liên minh xuyên Đại Tây Dương trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Và bây giờ hố sâu này đã bị bục vỡ trở lại.
SPIEGEL ONLINE: Đường nứt rạn nằm ở đâu?

Diner: Mỹ và châu Âu không chỉ là những nền văn hoá khác nhau, mà thậm chí là những nền văn hoá đối lập với nhau. Chúng ta không được phép quên Mỹ từng là cái gì đó như là câu trả lời cho những vấn đề mà châu Âu có trong quá khứ. Lịch sử Mỹ có thể nói được hợp thành từ những vòng tính tuổi trên thân cây lịch sử châu Âu ở các thời kỳ khủng hoảng của nó. Lúc đầu người châu Âu rời khỏi lục địa của mình trốn sang hướng Tây vì lý do xung đột tôn giáo, sau đó vì nạn đói, và rốt cuộc vì những lý do chính trị và kinh tế. Như vậy Hoa Kỳ là công trình sáng tạo của những kẻ bị xua đuổi qua Đại Tây Dương từ châu Âu.

SPIEGEL-ONLINE: Có nghĩa là ông không quy trách nhiệm về sự phân hoá giữa „châu Âu xưa“ và Hoa Kỳ cho George W. Bush và cuộc chiến tranh IraqIraq của ông ta?

Diner: Đây là một sự phát triển mang tính nguyên tắc. Bush với sự xuất hiện khôi hài không có chủ định, cộng thêm vào đó là thái độ tư tưởng hệ nghiêm trọng quá thái của ông ta chỉ là chất xúc tác tương xứng để làm nổi bật sự phân hoá này. Nếu chẳng hạn John Kerry thắng cử thì có thể sẽ có một giai đoạn mà trong đó châu Âu và Hoa Kỳ có thể xích lại gần nhau trong một, hai hay ba năm gì đấy. Song quá trình ly gián sẽ không thể nào chặn đứng, mà chỉ bị trì hoãn lại thôi.

SPIEGEL ONLINE: Đâu là những bất đồng lớn nhất trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương theo đánh giá của ông?

Diner: Hãy cho phép tôi được trả lời bằng một thí dụ lịch sử. Sự kiện sáng lập Vương quốc Đức đã đi đôi việc xây dựng một nhà nước phúc lợi thông qua Bismarck. [1] Nhà nước dân tộc và nhà nước xã hội song hành tay trong tay với nhau. Cả hai đều mang những dấu ấn tập thể. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là đất nước của tinh thần cá nhân tuyệt đối. Mà cũng chẳng thể nào khác được. Chúng ta vẫn cứ thường xuyên quên rằng Hoa Kỳ thuần tuý là một xã hội nhập cư.

Không phải Hoa Kỳ là quốc gia có những người nhập cư, toàn thể đất nước này chỉ bao gồm những người nhập cư và hậu duệ của họ, có nghĩa là những người mà vào một thời điểm nào đó đã đưa ra quyết định rời khỏi quê hương bản quán và đến định cư ở một nơi khác. Đây là một khác biệt ghê gớm so với các xã hội truyền thống – không chỉ ở châu Âu thôi. Hoa Kỳ là thể kết hợp của những dòng chảy không ngừng. Ngay cả tiếng Anh cũng không còn là nó nữa.

SPIEGEL ONLINE: Bất đồng lớn nhất giữa Mỹ và những nước châu Âu như Đức và Pháp liên quan đến chủ đề chiến tranh và hoà bình. Liệu John Kerry khả dĩ có thể hàn gắn được vết nứt rạn này?

Diner: Tôi không tin là như vậy. Nhiều chính khách châu Âu đã thở phào khi Bush trúng cử. Với Kerry thì hẳn họ sẽ phải nhượng bộ, chẳng hạn liên quan đến việc chiếm đóng Iraq, còn với Bush thì không.

SPIEGEL ONLINE: Cho đến hiện tại Bush chủ yếu xuất hiện như là một kẻ phân cực. Liệu Kerry có thể trở thành một nhân vật đồng thuận đối với châu Âu hay không?

Diner: Trước mắt thì ông ta có thể làm giảm bớt căng thẳng với châu Âu trong các chủ đề gây tranh chấp. Nhưng về lâu dài thì không. Chúng ta cần xác định rằng trong tương lai sẽ thường xuyên phải cân bằng giữa các quan điểm của châu Âu và Hoa Kỳ. Chúng ta không thể xuất phát từ những quan điểm chung một cách hiển nhiên nữa. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dưới chiếc ô bảo hộ hạt nhân, Tây Âu không thể có khả năng đưa ra quan điểm bất đồng. Chỉ có Pháp thì vào lúc nọ lúc kia đã tỏ ra bướng bỉnh chút đỉnh. Còn từ khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 tình thế đã thay đổi một cách triệt để. Mặc dù vậy trên phương diện văn hoá và tinh thần chúng ta vẫn cứ kéo dài thời gian Chiến tranh Lạnh. Thế nhưng thời đại này đã vĩnh viễn trôi vào quá khứ.

SPIEGEL ONLINE: Vậy thì điều gì sẽ đến?

Diner: Tôi tin rằng các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay cả Liên hợp quốc sẽ đóng vai trò quan trọng hơn. Chúng là những thông số quan trọng trong bối cảnh mới thật khó bao quát hiện nay. Chúng ta sẽ xem xét liệu những cơ chế hoà nhập đó có ý nghĩa lâu bền hay không. Hãy đừng quên là chúng ta đang sống với một kho tàng của những định chế đã thành hình trong và sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 và đã được khẳng định trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chúng ta phải bảo vệ chúng như chính con ngươi của mắt mình vậy. Tuy nhiên tôi tin rằng George W. Bush là người nhìn nhận ra vấn đề này và sẽ xuất hiện như là một nhân vật có vai trò hoà hợp lớn. Bởi vì Hoa Kỳ cũng như châu Âu không thể có quyền lợi gì trong việc đào sâu thêm hố ngăn cách. Thế nhưng như tôi đã nói: Phương Tây đang bị chia rẽ. Không phải các điểm tương đồng, mà những căng thẳng mang tính thường trực mới là điều hiển nhiên.

SPIEGEL ONLINE: Trước đây 20 năm Ronald Reagan cũng là một nhà chính trị đã gây nên nhiều đánh giá bất đồng tương tự như George W. Bush. Ngày nay Reagan được nhìn nhận là nhà chính khách đã đưa ra yêu cầu phải phá bức tường Berlin, việc mà bản thân người Đức cũng không còn tin là có thể làm được. Tên tuổi của Reagan gắn liền với sự sụp đổ của Đế chế Xô Viết. Liệu ông có thể hình dung được 20 năm sau người ta sẽ nói gì về Bush?

Diner: Tôi không biết liệu 20 năm có đủ không. Chiến tranh Lạnh từng có những kịch bản xung đột kéo dài một ngày hay một tuần. Tất cả các cuộc khủng hoảng có nguy cơ dẫn tới thảm hoạ hạt nhân như cuộc khủng hoảng Berlin hay Cuba đều có một khung thời gian rất hạn chế và đã được khắc phục trong vòng một vài ngày, thậm chí trong một vài tiếng đồng hồ. Khung thời gian cho tư duy chính trị được quy định bởi quan hệ đối kháng hạt nhân. Các xung đột mà chúng ta trải qua hiện tại là những đám cháy âm ỉ với một mô thức thời gian dài hạn. Chúng có thể có độ dài một vài năm hay một vài thập kỷ. Chính vì vậy không thể giải quyết vấn đề trong phạm vi của một nhiệm kỳ chính phủ.

Chúng ta không biết những gì sẽ xảy ra ở khu vực Cận Đông trong vòng 10, 20 hay 50 năm tới. Chúng ta chỉ biết rằng bằng cách nọ hay cách kia điều này sẽ gây ảnh hưởng đến châu Âu. Chúng ta sẽ không thể đi đến một nhận xét chóng vánh về Bush, bởi cơ cấu của thời gian chính trị ngày nay khác với cách đây 20, 30, 40 năm. Liệu đã có thể đánh giá được gì về Bush sau một năm ở Iraq? Hay phải sau 50 năm của quá trình thể nghiệm dân chủ hoá ở vùng Cận Đông, với kết quả thành công, thất bại hay thế nào đi nữa? Thật khó để nói được điều này. Chúng ta đã bị tuột khỏi tay mọi thứ chuẩn mực, ít nhất là những chuẩn mực từng được áp dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

SPIEGEL ONLINE: Chiến tranh Iraq hẳn là nguyên nhân chính dẫn đến thái độ bác bỏ Bush ở châu Âu. Ở Hoa Kỳ nó lại không đóng vai trò quyết định trong quyết định của cử tri. Vì sao?

Diner: Kể cả ở vấn đề này ta cũng thấy châu Âu và Mỹ là những thế giới đảo ngược và trái khoáy. Chiến tranh Iraq chỉ đứng ở vị trí thứ ba trong thang quyết định ưu tiên của cử tri – còn ở châu Âu đây là chủ đề số một. Quan trọng hơn nữa ở Hoa Kỳ là chủ đề kinh tế. Thế nhưng đứng ở vị trí thứ nhất chính là cái gọi là các giá trị đạo đức. Bush được bỏ phiếu không phải vì những gì mà ông ta để lại sau bốn năm. Ông ta được bầu vì những giá trị mà ông ta đại diện và thường xuyên tụng niệm trong lúc tranh cử: Là người đàn ông có tính cách, là người biết phân biệt đúng sai, có khả năng nói có hoặc không, là người đáng tin cậy. Ở Đức thì người ta sẽ nói là Bush đã được bầu vì những phẩm chất mang tính phụ trợ, chứ không phải vì những chương trình hành động chính trị ngắn hạn, cụ thể. Với châu Âu, nhất là ở Đức, đây là điều không thể nào hình dung nổi. Qua đó chúng ta lại có thể thấy các xã hội này giữa chừng đã khác biệt nhau đến mức nào.

SPIEGEL ONLINE: Liệu ở Hoa Kỳ người ta có còn coi trọng vai trò châu Âu nữa hay không?

Diner: Mới đây tôi có dịp trao đổi với một số nhân vật trong giới kinh tế. Cái nhìn của họ hướng về phương Tây, có nghĩa là vượt qua biển Thái Bình Dương hướng về châu Á. Đối với những người này, giữa chừng châu Âu đã trở thành một cái gì đó mà người ta có thể làm ngơ, thậm chí có người còn cho rằng nên ngoảnh mặt đi là tốt hơn cả.

SPIEGEL ONLINE: Ở châu Âu việc Bush thắng cử được mô tả trước hết như là kết quả áp đảo của khuynh hướng bảo thủ. Ông có chia sẻ sự phân tích này không?

Diner: Ở đây cũng có những ngộ nhận. Vào đầu thế kỷ 20 Chủ tịch Đảng Xã hội Dân chủ Đức lúc đó là August Bebel [2] khi đáp lại lời than vãn của một người đồng chí về chủ nghĩa bảo thủ chính trị thậm tệ ở Hoa Kỳ đã nói rằng: Người Mỹ có một Hiến pháp tuyệt vời, họ bảo thủ là đúng. Những gì ở Mỹ là bảo thủ thì không nhất thiết phải coi là bảo thủ ở châu Âu. Tuy nhiên trong khi tranh cử thì các vấn đề như phá thai và hôn nhân của người đồng tính quả thực đã đóng một vai trò lớn.



Phần lớn những người nhập cư hiện tại đến từ phương Nam. Họ lội bùn từ sông Rio Grande lên, trèo tường từ Mexiko qua. Họ muốn tìm việc làm và một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái. Đó là những con người đầy năng động, các con chiên Công giáo toàn tòng và rất bảo thủ xét về mặt giá trị đạo đức. Thế nhưng đây là một thứ chủ nghĩa bảo thủ khác với ở châu Âu. Chủ nghĩa bảo thủ ở châu Âu không chỉ tìm cách bảo tồn các giá trị, mà còn muốn giữ nguyên cả các hoàn cảnh sống nữa. Trong một xã hội nhập cư điều này không thể nào làm được. Điều này có nghĩa rằng so sánh chủ nghĩa bảo thủ ở Mỹ với chủ nghĩa bào thủ ở châu Âu chẳng khác gì đem lê so với táo. Ở đây có một sự khác biệt về chất mà chúng ta phải hiểu được. Và hiểu được điều khác biệt là cơ sở cho việc có thể đưa ra những quan điểm bất đồng.


© 2004 talawas


[1]Vương quốc Đức được thành lập vào năm 1871 với vai trò quyết định của Otto von Bismark (1815-1898), Thủ tướng đầu tiên với nhiệm kỳ từ 1871 đến 1890. Dưới thời cầm quyền của Bismark, Đức đã ban hành các đạo luật xã hội tiến bộ nhất vào thời gian này, trong đó bao gồm các chế độ bảo hiểm y tế, tai nạn, hưu trí và mất sức (Người dịch).
[2]August Bebel (1840-1913), lãnh tụ phong trào công nhân Đức, một trong những đối thủ chính trị quan trọng nhất của Thủ tướng Đức đầu tiên Otto von Bismark, người đồng sáng lập và Chủ tịch lâu năm của Đảng Xã hội – Dân chủ Đức (SPD), hiện là Đảng cầm quyền tại CHLB Đức trong Liên minh Chính phủ của Thủ tướng Gerhard Schröder (Người dịch).

Nguồn: SPIEGEL ONLINE, 05. November 2004,
URL: http://www.spiegel.de/politik/debatte/0,1518,326459,00.html