trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
13.11.2004
Bùi Văn Phú
Nhặt ra đôi điều khi xem phim "Mùa ổi" chiếu ở Mỹ
 
1. Nội dung phim

Từ truyện ngắn Ngôi nhà xưa đạo diễn Ðặng Nhật Minh đã dựng thành phim Mùa ổi, là câu chuyện về một ngôi biệt thự ở Hà Nội và những người đã sống trong đó.

Người chủ đầu tiên của ngôi nhà là luật sư Nguyễn Bách. "Nhà đó chính ba mẹ vẽ kiểu, xây cất từ 30 năm trước." Hòa, con trai thứ của ông Bách, mang bệnh lãng trí - nhưng tính tình hiền lành, hiếu thảo, tử tế, thương người và thành thật trong một xã hội đầy nghi ngờ, thiếu đạo đức - còn nhớ được.

Trong ngôi nhà đó, luật sư Bách và gia đình có một cuộc sống trí thức tiểu tư sản, thể hiện trong nếp sinh hoạt, qua trang phục của Thủy và Hòa ở tuổi hoa niên: con gái mặc áo đầm, áo len, tóc bím; con trai với áo sơ mi, quần tây, đi giầy ba-ta. Những người con của ông Bách biết đàn dương cầm, trong gia đình giữa bố mẹ và con cái có sự hài hòa, tinh thần gia trưởng không khắt khe.

Vườn nhà có một cây ổi, đó cũng là niềm vui tuổi thơ và ký ức đẹp duy nhất mà Hòa còn giữ mãi, dù trí nhớ của Hòa không còn sau một lần trèo cây hái ổi, té và bị chấn thương nơi đầu: "Cây ổi đó ba trồng. Tôi xách nước tưới khi còn nhỏ." Hòa kể lể với Thủy khi cô em muốn ông anh quên đi quá khứ.

Nửa thế kỷ trước, kháng chiến thành công, thủ đô Hà Nội được giải phóng thì gia đình luật sư Bách bắt đầu trải qua một cuộc đổi đời với chính sách cải tạo nhà cửa. Ai làm chủ căn hộ rộng hơn 120 mét vuông đều phải đi cải tạo, sau đó thì ký giấy tình nguyện giao nhà cho nhà nước quản lý. Ông Bách không còn phép được hành nghề luật sư, căn biệt thự của ông dần dần bị nhà nước chiếm đoạt, từ tầng dưới, rồi đến hết cả nhà nên gia đình ông phải dọn ra. Từ đó ông Bách chỉ còn dành thời giờ vào việc viết lách.

Nhưng Hòa không bao giờ quên nơi mình đã từng sống, sau do một cán bộ cấp cao làm chủ nhưng hay xa nhà vì công việc. Ông chủ mới để nhà cho cô con gái, tên Loan, sắp tốt nghiệp đại học, trông coi. Lần đầu thấy bác Hòa trèo vào hái trộm ổi, cô gọi người nhà kêu công an đến bắt.

Sau Loan được nghe Thủy kể, biết ra ngọn nguồn nguyên do bác Hòa vẫn còn quyến luyến với cây ổi, nhất là trong mùa kết trái, nên cho bác vào nhà để nhìn lại quá khứ, một quá khứ mà Loan không hiểu nổi.

Sau Loan cho bác Hòa vào ở luôn.

Bất chợt bố của cô về, bắt gặp Hòa đang ở đó, lúc có cô Huệ vừa ghé thăm. Huệ là một thiếu nữ quê lên thành phố buôn gánh bán bưng và là bạn cùng làm người mẫu trong một xưởng vẽ với Hòa. Ông chủ nhà thấy thế kêu người đến bắt Hòa đem vào nhà thương điên, nơi Hòa rất sợ phải vào sống. Ở đó Hòa bị tiêm thuốc và khi về nhà thì không còn nhớ gì, kể cả khi Thủy đem mấy trái ổi chín thơm đến trước mặt.

Loan bị bố la mắng, tát tai nhưng vẫn quyết biện minh cho việc mình làm. Loan tìm đến Thủy để xin lỗi về việc làm của bố mình đã khiến Hòa quên hết.

Ngôi nhà đó giờ lại đổi chủ, cho công ty nước ngoài thuê. Thủy được nghe kể rằng có lần cô Loan về làm ầm ĩ khi họ chặt cây ổi, nhưng cô cũng chẳng cản được.

Tiếng cưa máy xiết thân cây ổi. Ðiệu nhạc ai oán trỗi lên.

Ngôi chợ dưới chân cầu Long Biên vẫn họp và đoàn tàu sắt vẫn tiếp tục chạy ngang.

Cuộc đời vẫn trôi chảy.

Còn lại là bản thảo quyển bách khoa từ điển luật ông Bách để lại trước khi qua đời không biết có ai muốn gìn giữ nó.

Còn lại là lời nói của Loan, cô thiếu nữ Việt Nam của thời đại: "Cháu sống trong căn nhà này mà cháu chẳng có quyền gì cả. Cháu chẳng được làm những gì cháu muốn."


2. Trao đổi với đạo diễn


Đạo diễn Đặng Nhật Minh trong buổi chiếu phim Mùa ổi tại Đại học Berkeley, 18.10.2004


Thường trong những sinh hoạt văn học nghệ thuật tại Ðại Học Berkeley đều có phần thảo luận. Hôm chiếu phim Mùa ổi cũng thế, đạo diễn Ðặng Nhật Minh đã có mặt và trao đổi ý kiến, nhận xét với khán giả. Chị Nguyễn Nguyệt Cầm giúp phần chuyển ngữ.

Khán giả (Hỏi): Trong phim có hai câu chuyện tương đối mới. Trước tiên, phim đề cập đến thành phần tiểu tư sản là nạn nhân trong thời cách mạng và sau cách mạng, điều ít được nói đến trong văn học Việt Nam; hai là sự khai thác những người dân quê hiền lành, chất phác hiện nay, như thời thập niên 1920, 1930.

Ðặng Nhật Minh (ÐNM): Khi làm phim tôi không biết đây là một hay hai câu chuyện, nhưng chỉ muốn đưa ra một thực tế của Hà Nội bây giờ là Hà Nội gồm những người của thập niên 1950, 1960 và của những người Hà Nội mới từ nông thôn ra để kiếm sống.

H: Chính sách kiểm duyệt nghệ thuật gắt gao của nhà nước, như đạo diễn đã kể trong hồi ức là phim Bao giờ cho đến tháng Mười làm 20 năm trước đây bị kiểm duyệt đến 13 lần, phải lên đến cả Bộ Chính Trị, phim này có bị kiểm duyệt không?

ÐNM: Phim này chỉ duyệt một lần và không có yêu cầu cắt bỏ gì hết.

H: Trái ổi có ý nghĩa gì đặc biệt trong văn hóa Việt Nam mà ông dùng nó làm chủ đề cho phim này?

ÐNM: Hiện nay có một bài hát phổ theo một bài thơ "Quê hương là chùm khế ngọt." Có người chọn quê hương là "chùm khế ngọt" còn tôi sống ở Hà Nội, ở đó có nhiều quả ổi rất ngon nên quê hương của tôi là "quả ổi ngọt." (nhiều tiếng cười)

H: Tôi về Hà Nội nhiều lần, ở đó ngày nay không còn tính thanh lịch như xưa.

ÐNM: Có câu ca dao mà các bạn người Việt có lẽ biết: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, chẳng thể thanh lịch cũng người Tràng An." Tràng An tức là Hà Nội. Tôi tin mùi thơm hoa nhài vẫn còn trong người Hà Nội. Ðầu năm 2002, một nhà báo Pháp sau khi xem phim nhận xét rằng phim này nói về nhân phẩm con người. Tôi cám ơn nhà báo ấy đã nói đúng điều suy nghĩ của tôi.

H: Tôi có biết tác phẩm Ði tìm thời gian đã mất của Proust. Phim này ý giống như thế.

ÐNM: Báo Le Canard Enchainé ở Pháp ví đây là quả ổi của Proust. Ðúng vậy, phim này có nét giống tác phẩm của Proust.

H: Cách đối xử với con cái của ông luật sư trong phim không giống như cách đối xử của nhiều cha mẹ Việt Nam.

ÐNM: Người cha đó là hình ảnh của cha tôi, một bác sĩ, không phong kiến. Sự du nhập của văn hóa Pháp vào khiến cách cư xử không còn khắc nghiệt như trước. Còn cha của cháu thế nào? Có hiền như thế không? (nhiều tiếng cười)

H: Sao ông hay quay cận ảnh những bước chân?

ÐNM: Những bà mẹ Việt Nam hay dạy con cái dáng đi vì đời khổ hay sướng tùy thuộc vào dáng đi. Ðối với người Việt Nam vị trí của cái chân rất quan trọng.

H: Âm thanh trong phim rất xuất sắc, nhưng không nhiều, không có nhiều tiếng nhạc.

ÐNM: Nhận xét của ông đúng. Nhờ sự tài trợ của chính phủ Pháp, phần âm thanh của phim được làm ở Paris vì ở Việt Nam không thể làm âm thanh xoay vòng đuợc... Lời thoại của nhân vật cũng được ghép sau. Âm nhạc không có nhiều vì cái gì hình ảnh nói được thì không cần âm nhạc. Âm nhạc chỉ tiếp theo những gì nói không được.

H: Ông chú trọng đến tuổi thiếu niên trong phim.

ÐNM: Tuổi 13. Tôi muốn nói đến tầm quan trọng của tuổi thơ vì ở tuổi đó những biến cố có tác động đến tương lai rất nhiều. Chúng ta dù đã lớn nhưng nhân cách của chúng ta được định đoạt bởi tuổi thiếu niên mà chúng ta không biết.

H: Phần kết của phim, cây ổi bị chặt và gia đình tìm ra cuốn bách khoa tự điển về luật của người cha để lại. Sự liên hệ giữa hai sự việc đó như thế nào?

ÐNM: Trong buổi chiếu phim hôm qua ở nam California, một bạn có nhận xét là bộ sách luật đó soạn cách đây 30 năm còn giá trị không, hay lạc hậu rồi. Tôi không quan tâm đến điều đó. "Nơi nào cần, cháu biếu để hương hồn ba cháu được vui." Lời nói ấy của cô Thủy mang một ý nghĩa rất Việt Nam. Ngày nay Việt Nam đang đô thị hóa làm mất đi giá trị tinh thần. Việc chặt cây ổi nói lên một lời cảnh giác.


3. Mùa ổi được đón nhận ở Mỹ ra sao?

Một cách tinh tế, Mùa ổi phản ánh những biến đổi trên đất nước Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, tốt đẹp hơn hay xấu đi thì tùy cảm nhận và tư duy của người xem phim.

Hai năm trước Mùa ổi được trình chiếu tại nhiều rạp ở kinh đô ánh sáng Ba Lê và đã có đến 17 vạn người đi xem trong hai tuần lễ đầu tiên, còn chiếu ở Sài Gòn thì vắng tanh. Ðó là theo lời kể của đạo diễn Ðặng Nhật Minh trong một bài viết của ông.

Nhưng hai buổi chiếu Mùa ổi đầu tiên tại Hoa Kỳ, vào trung tuần tháng Mười 2004 vừa qua, số khán giả cũng không đông, tổng cộng độ chừng 250 người, dù là chiếu phim miễn phí và được sự bảo trợ của nhiều cơ quan, tổ chức giáo dục, chính yếu là Trung Tâm Nghiên Cứu Ðông Nam Châu Á (Center for Southest Asia Studies) của Ðại Học Berkeley, và sự đồng bảo trợ của Tổ Chức Ðông Tây Hội Ngộ (East Meets West Foundation), Hàng Không Việt Nam, NAATA và chương trình Pacific Time của đài phát thanh KQED.

Cũng tại thành phố đại học, nơi Mùa ổi đến với khán giả, những năm trước đây đã chiếu Bao giờ cho đến tháng Mười, Tướng về hưu, Giải hạn, Chuyện tử tế (phim này chiếu miễn phí) thì rất đông người mua vé đi xem.

Trong khi mối quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam nay đang đằm thắm hơn, không còn như mười mấy, hai mươi năm về trước, khi bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười, cũng do Ðặng Nhật Minh đạo diễn, được chiếu ở Honolulu thì có kẻ gọi vào hăm doạ đặt bom. Thời kỳ đó Ðặng Nhật Minh gọi là: "những ngày căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ-Việt." Không phải chỉ ở Hawaii, cùng khoảng thời gian đó vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Ðại Học California ở Davis.

Ngày nay quan hệ hai nước đã bình thường, giao thương tăng trưởng, trao đổi văn hóa, giáo dục phát triển, thế nhưng một phim Việt Nam (Xưởng phim Thanh Niên sản xuất với sự hợp tác của một xưởng phim Pháp) của một đạo diễn danh tiếng, đoạt nhiều giải điện ảnh, có trình độ nghệ thuật cao, có nội dung hay - tuy hư cấu nhưng nghiệm ra những điều rất thật của xã hội Việt Nam trong nửa thế kỷ qua - thì lại không được chú ý nhiều. Tại sao thế?



Bạn đọc có thể đọc thêm trên mạng talawas những bài của Ðặng Nhật Minh:

Mùa ổi ở Paris và ở Việt Nam
Một thời phim ảnh
...

© 2004 talawas