trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
Loạt bài: TÆ° liệu văn học
 1   2   3   4   5   6   7   8 
27.11.2004
Mao Trạch Đông
Bàn về văn học nghệ thuật
Nam Mộc dịch
 1   2 
 
III. Vấn đề quan hệ giữa công tác và sáng tác và vấn đề Mặt trận thống nhất của giới văn nghệ [1]

Văn nghệ chúng ta đã vì đại chúng nhân dân như vậy, bây giờ chúng ta thảo luận sang hai vấn đề: vấn đề những quan hệ trong Đảng giữa công tác văn nghệ của Đảng với công tác chung của Đảng, và vấn đề những quan hệ ngoài Đảng giữa công tác văn nghệ của Đảng với công tác văn nghệ phi Đảng, - tức là vấn đề Mặt trận thống nhất của giới văn nghệ.

Trước hết, ta hãy nói đến vấn đề thứ nhất. Hết thảy các thứ văn hóa và văn nghệ trên thế giới ngày nay đều là của một giai cấp nhất định, một chính đảng nhất định, nghĩa là của một đường lối chính trị nhất định. Nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật trên đảng phải và trên giai cấp, nghệ thuật ngang hàng hoặc độc lập với chính trị, thật ra đều không có. Trong xã hội có giai cấp và đảng phái, nghệ thuật đã phải phục tùng yêu cầu của chính trị của giai cấp và đảng phái, thì tất nhiên phải phục tùng yêu cầu chính trị của giai cấp và đảng phái, phục tùng nhiệm vụ cách mạng của một thời ký cách mạng nhất định. Nếu chúng ta đi trái với nhận định đó thì tức là đi trái với nhu cầu căn bản của quần chúng. Văn học và nghệ thuật của giai cấp vô sản là một bộ phận trong sự nghiệp cách mạng chung của giai cấp vô sản. Như Lê-nin đã nói, nó là “ cái đinh ốc trong bộ máy”. Do đó, công tác văn nghệ của Đảng đã có vị trí rõ ràng trong toàn bộ công tác cách mạng của Đảng. Chúng ta phải nhớ rõ như vậy, nếu không sẽ dẫm chân vào nhị nguyên luận hay đa nguyên luận như Tờ-rốt-ki, người đã chủ trương liều rằng: “Về chính trị theo chủ nghĩa Mác, về nghệ thuật theo giai cấp tư sản”. Chúng ta không tán thành việc nhấn mạnh quá đáng vào tính chất quan trọng của văn nghệ, nhưng cũng không tán thành thái độ coi thường tinh thần quan trọng đó. Văn nghệ phụ thuộc vào chính trị. Văn nghệ cách mạng là một cái đinh ốc, một bộ phận của sự nghiệp cách mạng chung; so với các bộ phận khác, cố nhiên có sự phân biệt nặng nhẹ, cần kíp hay không cần kíp, chủ yếu hay thứ yếu; nhưng dầu sao nó vẫn là cái đinh ốc mà bộ máy không sao thiếu được, nó vẫn là một bộ phận không có không được của toàn thể sự nghiệp cách mạng. Nếu ngay đến một nền văn nghệ rất rộng nghĩa, rất phổ thông mà chúng ta cũng không có, thì cách mạng sẽ không tiến hành được, không thắng lợi được. Ta không nhận rõ chỗ đó là ta sai. Còn một điều nữa là khi ta nói rằng: văn nghệ phục tùng chính trị, tức là ta nói đến chính trị của giai cấp, chính trị của quần chúng, chứ không phải là chính trị của một số ít người làm chính trị. Bất luận là chính trị cách mạng hay phản cách mạng cũng đều là sự đấu tranh giai cấp chống giai cấp, chứ không phải là hành vi của một vài cá nhân. Chiến tranh tư tưởng và chiến tranh nghệ thuật, nhất là chiến tranh tư tưởng cách mạng và chiến tranh nghệ thuật cách mạng, phải phục tùng chiến tranh chính trị, vì rằng chỉ có đi qua chính trị, nhu cầu của quần chúng và của giai cấp mới biểu hiện được một cách tập trung. Các nhà chính trị cách mạng, các nhà chuyên môn chính trị hiểu rõ khoa học chính trị cách mạng hay nghệ thuật chính trị, chỉ là những nhà lãnh tụ của hàng ngàn, hàng vạn nhà chính trị quần chúng, nhiệm vụ của họ là tập trung những ý kiến của các nhà chính trị quần chúng; gọt rũa lại rồi đưa trả lại quần chúng để quần chúng hấp thụ và thực hành. Chứ họ không phải là những “chính trị gia” quý tộc, khép cửa đóng xe, tự cho mình là giỏi, không cần đến ai, không cần hỏi ai - Đó là chỗ khác nhau về nguyên tắc giữa một nhà chính trị của giai cấp vô sản và một nhà chính trị của giai cấp hữu sản. Và đó cũng là chỗ khác nhau về nguyên tắc chính trị của giai cấp vô sản và chính trị của giai cấp hữu sản.

Bây giờ chúng ta nói đến vấn đề thứ hai, tức là vấn đề Mặt trận thống nhất của giới văn nghệ. Ta đã biết văn nghệ phục tùng chính trị. Vấn đề chính trị căn bản thứ nhất của Trung-quốc ngày nay là kháng Nhật. Vì vậy các người công tác văn nghệ của Đảng trước hết phải đứng ở lập trường kháng Nhật để đoàn kết với hết thảy các nhà văn học nghệ thuật ngoài Đảng (từ các phần tử cảm tình của Đảng, các nhà văn nghệ tiểu tư sản đến các nhà văn nghệ của giai cấp tư sản và giai cấp địa chủ). Hai nữa, phải đoàn kết trên nguyên tắc dân chủ. Chính vì phải đoàn kết trên nguyên tắc dân chủ, nên có một số các nhà văn nghệ ngoài Đảng không tán thành; do đó phạm vi đoàn kết không tránh khỏi bị thu hẹp lại. Ba là phải đoàn kết về vấn đề đặc biệt của giới văn nghệ, về tác phong nghệ thuật. Chúng ta chủ trương chủ nghĩa hiện thực của giai cấp vô sản. Cho nên lại có một số các nhà văn nghệ nữa không tán thành; do đó phạm vi đoàn kết càng thu hẹp thêm. Đối với họ, có vấn đề ta đoàn kết được, mà cũng có vấn đề ta phải đấu tranh, phải phê bình. Những vấn đề đó tuy riêng biệt nhau, nhưng cũng lại dính líu với nhau. Mà vì thế mới nẩy ra vấn đề đoàn kết. Ví dụ về vấn đề kháng Nhật, cũng có chỗ ta đoàn kết được, đồng thời có chỗ ta phải đấu tranh và phê bình. Trong một mặt trận thống nhất, nếu chỉ có đoàn kết mà không có đấu tranh, hay nếu chỉ có đấu tranh mà không có đoàn kết, như một số đồng chí trước đây đã thực hành thì đều sai lầm cả. Chỉ có đoàn kết mà không có đấu tranh, tức là theo chủ nghĩa đầu hàng hữu khuynh, là mắc bệnh theo đuôi; chỉ có đấu tranh mà không có đoàn kết là theo chủ nghĩa bài ngoại “tả” khuynh, là mắc bệnh bè phái, mà Lê-nin đã gọi là “chính sách khập khiễng”. Về chính trị như thế, về nghệ thuật cũng như thế.

Trong các lực lượng của Mặt trận thống nhất văn nghệ, các nhà văn nghệ giai cấp tiểu tư sản là một lực lượng quan trọng ở Trung-quốc. Tuy tư tưởng và tác phẩm của họ còn rất nhiều khuyết điểm, nhưng họ tương đối khuynh hướng về cách mạng hơn, tương đối gần công, nông, binh hơn. Cho nên chúng ta có nhiệm vụ phải giúp đỡ họ khắc phục khuyết điểm, tranh thủ họ, đưa họ vào mặt trận phục vụ đại chúng công, nông, binh.


VI. Vấn đề phê bình, vấn đề quan hệ giữa chính trị và nghệ thuật, quan hệ giữa nội dung và hình thức v.v. [2]

Một trong những phương pháp đấu tranh chính của giới văn nghệ là phương pháp phê bình văn nghệ. Phê bình văn nghệ cần phải phát triển. Trước đây, công tác đó làm chưa đủ. Các đồng chí đã nêu điểm đó lên, như thế rất đúng. Phê bình văn nghệ là một vấn đề rất phiền phức, cần phải nghiên cứu rất nhiều về chuyên môn. Ở đây, tôi chỉ nói đến một vấn đề căn bản, là vấn đề tiêu chuẩn phê bình.

Ngoài ra tôi cũng nói qua ý kiến của tôi về một vài vấn đề linh tinh mà một số đồng chí nêu ra, hoặc về một vài quan điểm sai lầm của một số đồng chí khác.

Phê bình văn nghệ có hai tiêu chuẩn: Một là tiêu chuẩn chính trị, hai là tiêu chuẩn nghệ thuật.
Về tiêu chuẩn chính trị, hết thảy cái gì có lợi cho đoàn kết kháng chiến, cổ động nhân dân một lòng một dạ, phản đối thoái lui, thúc đẩy tiến bộ, đều tốt hoặc tương đối tốt. Trái lại tất cả những cái gì có hại cho đoàn kết, kháng chiến, không cổ động nhân dân một lòng một dạ, lôi kéo người ta thoái lui, phản đối tiến bộ, đều xấu hoặc tương đối xấu. Khi phân biệt tốt xấu, chúng ta phải chú ý tới động cơ (nguyện vọng chủ quan) hay chúng ta phải chú ý tới hiệu quả (thực tiễn xã hội)? Những nhà duy tâm chỉ chú ý đến động cơ mà không chú ý đến hiệu quả. Những nhà duy vật máy móc lại chú ý đến hiệu quả mà không để ý đến động cơ. Chúng ta thì khác, chúng ta là những người duy vật biện chứng thống nhất động cơ và hiệu quả. Động cơ vì đại chúng và hiệu quả được đại chúng hoan nghênh, hai cái đó không thể tách rời nhau được, mà cần thống nhất với nhau. Động cơ vì một cá nhân và động cơ vì một nhóm người hẹp hòi đều không tốt cả. Động cơ vì đại chúng nhưng hiệu quả không được đại chúng hoan nghênh và không ích lợi cho đại chúng, cũng không tốt. Xét nguyện vọng chủ quan của một nhà văn nghệ, nghĩa là muốn biết động cơ của nhà văn nghệ đúng hay sai, tốt hay không tốt, ta không nên căn cứ vào tuyên ngôn của họ, mà phải căn cứ vào hành vi (tác phẩm) của họ đã có hiệu quả gì trong đại chúng xã hội. Thực tiễn xã hội là tiêu chuẩn để kiểm điểm động cơ. Chúng ta phê bình văn nghệ không nên biệt phái. Dưới nguyên tắc lớn đoàn kết kháng chiến, chúng ta phải giữ vững lập trường, nguyên tắc của ta trong khi phê bình. Đối với hết thảy những tác phẩm văn nghệ có quan điểm phản dân tộc, phản khoa học, phản đại chúng, chống cộng, chúng ta phải phê bình rất nghiêm khắc, vì rằng động cơ và hiệu quả những tác phẩm văn nghệ đó đều có hại cho đoàn kết kháng chiến.

Về tiêu chuẩn nghệ thuật, những tác phẩm có tính chất nghệ thuật càng cao thì càng tốt hoặc tương đối tốt, càng thấp thì càng kém hoặc tương đối kém. Sự phân biệt cao nhiều cao ít, thấp nhiều thấp ít, cố nhiên cũng phải căn cứ vào hiệu quả xã hội. Hầu hết các nhà văn nghệ đều cho tác phẩm của mình là hay, nên khi ta phê bình, cũng nên khéo dung nạp sự tự do cạnh tranh của văn nghệ. Nhưng chúng ta cũng cần đứng trên tiêu chuẩn của khoa học nghệ thuật để phê bình cho xác đáng, làm cho những tác phẩm nghệ thuật thấp tiến lên cao, làm cho những tác phẩm không hợp với nhu cầu đấu tranh của đại quần chúng (dù nghệ thuật cao mặc dầu) phải được sửa đổi thành tác phẩm hợp với nhu cầu đấu tranh của đại quần chúng. Đó cũng là điều hoàn toàn cần thiết.

Tiêu chuẩn chính trị và tiêu chuẩn nghệ thuật quan hệ với nhau như thế nào? Chính trị không phải chỉ là nghệ thuật, cũng như thế giới quan không chỉ là phương pháp luận của sáng tác nghệ thuật. Chẳng những chúng ta không nhận tiêu chuẩn chính trị trừu tượng và tuyệt đối không thay đổi, mà chúng ta cũng không nhận tiêu chuẩn nghệ thuật trừu tượng và tuyệt đối không thay đổi. Các xã hội có giai cấp và các giai cấp khác nhau trong xã hội có giai cấp đều có những tiêu chuẩn chính trị và tiêu chuẩn nghệ thuật khác nhau. Nhưng bất cứ xã hội có giai cấp nào, bất cứ một giai cấp nào trong xã hội có giai cấp cũng đều lấy tiêu chuẩn chính trị làm đầu, tiêu chuẩn nghệ thuật chỉ là phụ. Giai cấp tư sản bao giờ cũng công kích văn học nghệ thuật của giai cấp vô sản, mặc dầu trình độ của nghệ thuật ấy cao mấy đi nữa. Giai cấp vô sản cũng công kích tính chất chính trị phản động của văn học nghệ thuật của giai cấp tư sản, nhưng đồng thời vừa phê bình, vừa thu lượm lấy “nghệ thuật tính” của văn nghệ ấy. Có nhiều tác phẩm văn nghệ căn bản phản động về chính trị nhưng vẫn có ít nhiều nghệ thuật tính của nó, như văn nghệ phát xít chẳng hạn. Thường thường những tác phẩm càng phản động bao nhiêu, thì lại càng có hại cho nhân dân bấy nhiêu, nên ta lại càng phải công kích kịch liệt. Đặc điểm chung của văn nghệ của giai cấp bóc lột trong thời kỳ suy tàn là nội dung chính trị phản động của nó mâu thuẫn với hình thức nghệ thuật trau truốt của nó. Chúng ta bao giờ cũng cần có sự thống nhất giữa chính trị và nghệ thuật, thống nhất giữa nội dung và hình thức, thống nhất giữa nội dung chính trị cách mạng và hình thức nghệ thuật cao. Những tác phẩm nghệ thuật đã thiếu nghệ thuật tính, thì dù về nội dung chính trị có tiến bộ cũng chẳng có sức mạnh gì. Vì vậy nên chẳng những ta phản đối những tác phẩm nghệ thuật nội dung có hại, mà chúng ta còn phản đối khuynh hướng sáng tác chỉ chú ý đến nội dung mà không chú ý đến hình thức gọi là khuynh hướng “kiểu biểu ngữ, khẩu hiệu’. Chúng ta phải đấu tranh cả trên hai mặt trận trong vấn đề văn nghệ.

Hai khuynh hướng kể trên vẫn còn trong nhiều đồng chí của chúng ta. Vẫn còn có nhiều đồng chí có khuynh hướng xem thường nghệ thuật. Như thế là sai, các đồng chí ấy phải chú ý nâng cao nghệ thuật của mình lên. Nhưng hiện nay vấn đề quan trọng hơn vẫn là về mặt chính trị. Có đồng chí vì thiếu thường thức chính trị căn bản, nên lắm khi có những quan niệm hồ đồ. Tôi xin lầy một vài thí dụ ở Diên-an:

Có đồng chi nói đến “nhân tính luận”. Có nhân tính không? Nhân tính cố nhiên có, nhưng chỉ có nhân tính cụ thể. Trong xã hội phân chia giai cấp, nhân tính phải có tính chất giai cấp, không có nhân tính trừu tượng nào đứng ngoài giai cấp. Chúng ta chủ tương nhân tính của giai cấp vô sản; còn giai cấp tư sản và giai cấp tiểu tư sản, thì chủ trương nhân tính của giai cấp tư sản và giai cấp tiểu tư sản. Chẳng qua ngoài miệng họ vẫn không dám nói thẳng như thế, mà chỉ nói đến một thứ “nhân tính duy nhất”, vì đối với họ, nhân tính của giai cấp vô sản là không hợp với nhân tính. Hiện nay ở Diên-an, có một số người cũng chủ trương thứ “nhân tính luận” ấy, đem làm cơ sở lý luận cho văn nghệ. Như thế là hoàn toàn sai lầm.

Có đồng chí nói rằng: “Xuất phát từ điểm cơ bản của văn nghệ là tình yêu, là tình yêu nhân loại. Tình yêu đó có thể là xuất phát điểm, nhưng còn có một thứ xuất phát điểm cơ bản nữa. Tình yêu là một thứ quan niệm, là sản phẩm của thực tiễn khách quan. Về căn bản, chúng ta không bao giờ bắt đầu từ quan niệm, mà bắt đầu từ thực tiễn khách quan. Những người công tác văn nghệ xuất thân từ những phần tử trí thức chúng ta yêu giai cấp vô sản, là vì xã hội đã làm cho chúng ta cùng một vận mệnh với giai cấp vô sản, và vì sự sinh hoạt của chúng ta và của giai cấp vô sản đã kết thành một khối. Chúng ta căm thù đế quốc Nhật là vì đế quốc Nhật đè nén chúng ta. Ở đời không bao giờ người ta yêu vô nguyên cớ, ghét nguyên cớ hết. Còn nói đến “tình yêu nhân loại”, thì từ sau khi loài người phân chia thành giai cấp, tình yêu thống nhất đó không còn nữa. Giai cấp thống trị đề xướng ra “tình yêu nhân loại”. Khổng-Tử đề xướng ra “tình yêu nhân loại”, Tôn-stôi cũng đề xướng ra “tình yêu nhân loại”. Nhưng chẳng người nào thực hành được cho chân chính, vì trong xã hội giai cấp, tình yêu đó không thể thực hiện được. Tình yêu nhân loại chân chính có thể có, nhưng chỉ khi toàn thế giới đã tiêu diệt hết giai cấp mới có được. Giai cấp làm cho xã hội chia rẽ. Sau khi giai cấp bị tiêu diệt, xã hội sẽ được thống nhất và bấy giờ sẽ có tình yêu toàn thể nhân loại. Hiện nay, tình yêu đó không sao có được. Chúng ta không thể nào yêu bọn phát xít, không thể nào yêu quân thù, không thể nào yêu những cái xấu xa của xã hội. Mục đích của chúng ta là tiêu diệt những cái xấu xa đó. Ai ai cũng biết như vậy. Có lẽ nào những người công tác văn nghệ chúng ta lại không hiểu như vậy sao?

Có đồng chí nói: “Xưa nay các tác phẩm văn nghệ vừa tả những điều hắc ám, vừa tả những cái quang minh, nửa nọ nửa kia”. Nói như thế tức là có bao hàm nhiều quan niệm hồ đồ. Các tác phẩm văn nghệ xưa nay có phải đều như thế đâu. Có nhiều nhà văn nghệ của giai cấp tiểu tư sản chưa từng tìm thấy những cái quang minh, tác phẩm của họ chỉ chuyên bộc lộ những điều hắc ám; người ta thường đặt cho thứ văn nghệ đó cái tên là “văn học bộc lộ”. Lại có nhiều tác phẩm chuyên môn tuyên truyền thuyết bi quan, yếm thế. Trái lại văn học của Liên-xô trong thời kỳ kiến thiết chủ nghĩa xã hội, lại lấy những cái quang minh làm cốt. Tuy có cũng có tả những khuyết điểm trong công tác, song những khuyết điểm ấy chỉ có thể là một phần phụ trong những cái quang minh, chứ không phải là “nửa nọ nửa kia”. Bọn văn nghệ của giai cấp tư sản trong thời kỳ phản động, thường tả quần chúng cách mạng là bọn phiến loạn, và tự tả họ là thần thánh, làm đảo lộn những cái quang minh và hắc ám. Chỉ có những nhà văn nghệ cách mạng chân chính mới có thể giải quyết đúng mực vấn đề ca tụng và bộc lộ. Hết thảy những thế lực hắc ám nguy hại cho quần chúng nhân dân, cần phải bộc lộ, hết thảy những sự đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, cần phải ca tụng; đó là nhiệm vụ cơ bản của những nhà văn nghệ cách mạng.

Có đồng chí nói: “Xưa nay nhiệm vụ của văn nghệ là bộc lộ những chỗ xấu xa”. Lời nói này cũng chẳng khác gì so với lời nói trên, cũng thiếu hiểu biết về khoa học lịch sử, về duy vật lịch sử. Trên kia tôi đã nói nhiệm vụ của văn nghệ xưa nay không phải chỉ là bộc lộ những chỗ xấu xa. Đối với những nhà văn nghệ cách mạng, đối tượng của sự bộc lộ chỉ có thể là bọn đi xâm lược, bọn đi bóc lột, áp bức, chứ nhất định không phải là đại chúng nhân dân. Nhân dân tuy cũng có khuyết điểm, nhưng đó là kết quả do bọn xâm lược, bọn bóc lột, áp bức gây ra. Những nhà văn nghệ cách mạng chúng ta phải biết đó là tội ác của bọn này, để bộc lộ chúng, chứ không được “bộc lộ nhân dân”. Đối với nhân dân, chúng ta chỉ có một vấn đề, là giáo dục và nâng cao họ. Chỉ có bọn văn nghệ phản cách mạng mới miêu tả nhân dân như “loài ngu xuẩn trời sinh ra”, miêu tả quần chúng cách mạng là bọn “phiến loạn, chuyên chế”.

Có đồng chí nói: “Còn là thời đại tạp văn, thì còn phải dùng đến bút pháp của Lỗ-Tấn”. Cho rằng tạp văn và bút pháp của Lỗ-Tấn chỉ là trào phúng, ý kiến đó cũng chỉ mới đúng đối với kẻ thù của nhân dân mà thôi. Lỗ-Tấn sở dĩ phải dùng lối tạp văn trào phúng là vì Lỗ-Tấn ở dưới sự thống trị của thế lực hắc ám, không được tự do ngôn luận. Lỗ-Tấn phải dùng hình thức tạp văn trào phúng để tác chiến với kẻ thù. Lỗ-Tấn làm như thế là rất đúng. Chúng ta cũng cần phải sắc bén chế riễu chủ nghĩa phát xít và phe phản động Trung-quốc. Nhưng vì ở các biên khu Thiểm Tây, Cam-Túc, Ninh-hạ và ở các căn cứ địa kháng Nhật tại địch hậu, chúng ta để các nhà văn nghệ cách mạng được hưởng tự do dân chủ thôi, cho nên hình thức tạp văn không nên theo lối trào phúng của Lỗ-Tấn nữa, mà phải lớn tiếng kêu gào, không cần nói bóng nói gió, để quần chúng dễ hiểu hơn. Nếu không phải là đối với kẻ thù của nhân dân, mà là đối với nhân dân, thì ngay Lỗ-Tấn dưới “thời đại tạp văn” cũng chưa bao giờ từng chế riễu và công kích nhân dân cách mạng và chính đảng cách mạng. Trên kia tôi đã nói rằng chúng ta phải phê bình những khuyết điểm của nhân dân, nhưng phải chân chính đứng trên lập trường nhân dân, phải sôi nổi nồng nhiệt bảo hộ nhân dân, giáo dục nhân dân. Nếu lại dùng thủ đoạn cay độc đối phó với đồng chí thì thật tự mình đứng về phe quân địch mất rồi! Chúng ta có chủ trương bỏ hẳn lối văn trào phúng không? Có ba thái độ trào phúng: trào phúng kẻ thù, trào phúng bạn bè và trào phúng hàng ngũ của mình. Ba thái độ trào phúng đó khác hẳn nhau. Chúng ta không chủ trương bỏ hẳn lối trào phúng, nhưng chủ trương bỏ hẳn lối trào phúng bừa bãi.

Có đồng chí nói: “Tôi không ca tụng công đức, những tác phẩm ca tụng những cái quang minh vị tất đã là tác phẩm vĩ đại, những tác phẩm miêu tả những điều hắc ám vị tất đã là tác phẩm không ra gì?”. Nếu đồng chí là một nhà văn nghệ của giai cấp tư sản thì đồng chí ca tụng giai cấp tư sản, chứ không bao giờ ca tụng giai cấp vô sản. Trong hai cái phải chọn lấy một. Tác phẩm ca tụng những cái quang minh của giai cấp tư sản vị tất đã là tác phẩn vĩ đại; tác phẩm miêu tả những điều hắc ám của giai cấp tư sản vị tất đã là tác phẩm không ra gì. Tác phẩm ca tụng những cái quang minh của giai cấp vô sản vị tất đã là tác phẩm không vĩ đại; tác phẩm miêu tả những điều gọi là “hắc ám” của giai cấp vô sản nhất định là những tác phẩm không ra gì. Những điều đó chẳng phải là những sự thật của lịch sử văn nghệ sao? Đối với nhân dân là những người sáng tạo ra thế giới và lịch sử, tại sao lại không ca tụng? Đối với giai cấp vô sản, Đảng cộng sản, chủ nghĩa dân chủ mới, chủ nghĩa xã hội, tại sao lại không ca tụng? Lại còn một hạng người không bao giờ nhiệt tâm với sự nghiệp của nhân dân, luôn luôn tỏ vẻ lạnh lùng với thắng lợi và đấu tranh của nhân dân và đội tiền phong của nhân dân. Họ chỉ say mê ca tụng họ, ca tụng người yêu của họ và một vài nhân vật trong cá nhóm người mà họ lập ra. Bọn thờ chủ nghĩa cá nhân của giai cấp tiểu tư sản này cố nhiên không bao giờ muốn ca tụng công đức của nhân dân cách mạng, cổ võ chí khí đấu tranh anh dũng và lòng tin tưởng thắng lợi của nhân dân cách mạng. Hạng người này chẳng qua chỉ là những con sâu có hại cho hàng ngũ cách mạng; nhân dân cách mạng không cần đến “bọn ca tụng” đó.

Có đồng chí nói “không phải là vấn đề lập trường, vì lập trường tuy đúng tâm tụy tốt, ý nghĩa tuy dễ hiểu, nhưng chỉ vì phô diễn không khéo, thành ra có hại”. Trên kia, chúng ta đã nói đến quan điểm duy vật biện chứng về động cơ và hiệu quả. Bây giờ thử nói: vấn đề hiệu quả có phải là vấn đề lập trường không? Một người làm việc mà chỉ căn cứ vào động cơ, không kể đến hiệu quả thì cũng chẳng khác gì một ông thầy thuốc chỉ biết kê đơn thuốc còn đối với bệnh nhân thì sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi; chẳng khác gì một đảng nọ chỉ biết ra tuyên ngôn, còn thực hành hay không thực hành thì mặc kệ, thử hỏi lập trường như thế cũng là lập trường đúng hay sao, tâm địa như thế cũng tốt hay sao? Lắm khi bắt tay vào một việc, đã nghĩ đến hiệu quả việc đó ra sao, mà cũng còn có lúc khuyết điểm, huống chi đã có sự thật chứng minh là hiệu quả không hay mà cứ làm thì cái tâm địa như thế còn tốt được không? Khi chúng ta phán đoán một chính đảng nào, một thầy thuốc nào, phải xem thực tiễn, xem hiệu quả. Phán đoán một nhà văn nghệ cũng phải như thế. Một tấm lòng tốt chân chính, phải có sự tự phê bình hoàn toàn thành thật đối với những sai lầm khuyết điểm của mình, phải quyết tâm sửa đổi những sai lầm khuyết điểm đó. Phương pháp tự phê bình của người cộng sản là như thế. Chỉ có lập trường đó mới là lập trường đúng. Đồng thời chỉ trong quá trình thực tiễn có phụ trách và nghiêm khắc đó, mới có thể dần dần hiểu được thế nào là lập trường đúng, mới có thể dần dần nắm được lập trường đúng. Trái lại, nếu trong thực tiễn không hướng về mặt đó để tiến tới, chỉ tự mình cho là mình phải, thì dầu có nói là “hiểu”, thật ra cũng chẳng hiểu gì.

Có đồng chí nói: “Học tập chủ nghĩa Mác-Lê-nin tức là lặp đi lặp lại những sai lầm của phương pháp sáng tác duy vật biện chứng và sẽ phương hại đến tâm lý sáng tác”. Học tập chủ nghĩa Mác-Lê-nin chỉ là để cho ta đúng quan điểm duy vật lịch sử, duy vật biện chứng mà quan sát thế giới, quan sát xã hội, quan sát văn học nghệ thuật, chứ có phải để cho chúng ta giảng triết học trong các tác phẩm văn nghệ của ta đâu. Chủ nghĩa Mác-Lê-nin chỉ bao quát chứ không thể thay thế cho chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác văn nghệ, cũng như nó chỉ bao quát chứ không thể thay thế cho nguyên tử luận, điện tử luận trong vật lý học. Những công thức giáo điều rỗng tuếch khô khan chẳng những phá hoại tâm lý sáng tác, mà trước hết nó còn phá hoại cả chủ nghĩa Mác-Lê-nin nữa. Chủ nghĩa Mác-Lê-nin giáo điều không phải là chủ nghĩa Mác-Lê-nin, mà chính là trái với chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Nói như thế thì hình như cho rằng chủ nghĩa Mác-Lê-nin không phá hoại một thứ tâm lý sáng tác nào hay sao? Có, nó nhất định phá hoại bằng được tâm lý sáng tác phong kiến, tư sản, tiểu tư sản, tự do chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa, hư vô chủ nghĩa, nghệ thuật vị nghệ thuật, quý tộc, trụy lạc, bi quan, và hết thảy những tâm lý sáng tác không hợp với đại chúng nhân dân và giai cấp vô sản. Những tâm lý sáng tác văn nghệ như thế, các nhà văn nghệ của giai cấp vô sản có nên phá hoại không? Tôi cho rằng rất nên, rất nên phá hoại đến cùng, và trong lúc phá hoại có thể xây dựng những cái mới.


V. Vấn đề cải tạo tư tưởng [3]

Trong giới văn nghệ chúng ta ở Diên-an ngày nay, có những vấn đề nói trên. Những vấn đề đó đã chứng tỏ gì? Chứng tỏ một sự thật là trong giới văn nghệ chúng ta có ba tác phong sai lầm rất nguy hiểm. Trong các đồng chí, còn có rất nhiều khuyết điểm duy tâm, giáo điều ngoài, [4] không tưởng, nói suông, coi thường thực tiễn, thoát ly quần chúng v.v… Chúng ta phải mở một cuộc vận động chỉnh phong thiết thực, nghiêm khắc để tránh những sự sai lầm đó.

Còn có rất nhiều đồng chí chưa hiểu rõ sự phân biệt giữa giai cấp vô sản và giai cấp tiểu tư sản. Còn có rất nhiều đảng viên tuy về tổ chức thì đã vào Đảng rồi, nhưng về tư tưởng thì chưa hoàn toàn vào Đảng. Đầu óc những người về tư tưởng hoàn toàn chưa vào Đảng ấy thường chứa chấp rất nhiều sự xấu xa của giai cấp bóc lột, không hiểu tư tưởng giai cấp vô sản là gì. Họ tưởng rằng hiểu được tư tưởng giai cấp vô sản là một điều dễ dàng, họ không có tư cách một đảng viên mà chỉ càng ngày càng xa Đảng. Còn có một hạng người về tổ chức thì gia nhập đảng Nhật, đảng Uông-tinh-Vệ, đảng đặc vụ của giai cấp tư sản và địa chủ, nhưng lại chui vào Đảng cộng sản và các tổ chức do Đảng cộng sản lãnh đạo để đeo chiêu bài “đảng viên” hay “cách mạng”. Cho nên trong Đảng ta, trong hàng ngũ ta, tuy tối đại đa số là những phần tử trong sạch, nhưng vì phải lãnh đạo cho cuộc vận động cách mạng càng ngày càng phát triển, mau hoàn thành, nên nội bộ phải có một cuộc chỉnh đốn hoàn toàn về tư tưởng và tổ chức. Mà muốn chỉnh đốn về tổ chức, thì trước hết phải chỉnh đốn về tư tưởng của giai cấp vô sản chống các giai cấp phi vô sản. Hiện nay giới văn nghệ ở Diên an đã mở cuộc đấu tranh về tư tưởng, đó là một việc cần phải làm. Những người xuất thân ở giai cấp tiểu tư sản thường dùng rất nhiều phương pháp, kể cả phương pháp văn học nghệ thuật, để ngoan cố biểu hiện họ, tuyên truyền chủ trương của họ, yêu cầu mọi người cải tạo Đảng, cải tạo thế giới theo bộ mặt của những phần tử trí thức tiểu tư sản. Đối lại những chủ trương tiểu tư sản đó, chúng ta phải quát to lên rằng: Các “đồng chí” làm như thế không được đâu, nhân dân và giai cấp vô sản không thể làm theo cách anh được, vì nếu theo các anh thì tức là theo giai cấp đại tư sản và đại địa chủ thì sẽ có nguy cơ bị mất Đảng, mất nước và mất đầu ngay! Chúng ta chỉ có thể dựa vào ai? Chỉ có thể dựa theo bộ mặt của giai cấp vô sản và đội tiền phong của nó để cải tạo Đảng và cải tạo thế giới. Chúng ta mong rằng các đồng chí trong giới văn nghệ nhận thức tính chất nghiêm trọng của cuộc luận chiến này để tích cực tham gia cuộc đấu tranh đó với kẻ thù, với bạn bè, với đồng chí, với bản thân mình, để làm cho mỗi đồng chí đều trở nên kiện toàn, làm cho toàn thể hàng ngũ của ta được chân chính thống nhất và củng cố về mặt tư tưởng tổ chức.

Vì có nhiều vấn đề về tư tưởng, nên có nhiều đồng chí chúng ta cũng không thể chân chính phân biệt những nơi căn cứ địa với những nơi không phải căn cứ địa; do đó mắc phải nhiều sai lầm. Có nhiều đồng chí ở Thượng-hải đến. Từ Thượng-hải đến căn cứ địa thì chẳng những là từ nơi nọ đến nơi kia, mà còn là từ thời đại lịch sử này đến thời đại lịch sử khác. Một bên là xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến do giai cấp đại tư sản, đại địa chủ thống trị; một bên là xã hội tân dân chủ cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo. Đến căn cứ địa tức là đến triều đại công, nông, binh và quảng đại nhân dân cầm quyền, triều đại chưa từng có trong mấy nghìn năm lịch sử của Trung-quốc. Ở đây, những nhân vật chung quanh ta, những đối tượng tuyên truyền của ta đều khác hẳn nơi khác. Thời đại quá khứ đã trôi đi không trở lại nữa. Do đó ta phải kết hợp với quần chúng mới, không được trù trừ gì cả. Nếu các đồng chí ở trong đám quần chúng mới này mà vẫn còn “không thông thuộc, không hiểu thấu”, vẫn còn “anh hùng không có đất dụng võ” như tôi đã nói ở trên kia, thì chẳng những khi về thôn quê gặp nhiều khó khăn, mà ở ngay Diên-an cũng gặp nhiều khó khăn.

Có đồng chí nói: Tôi vẫn sáng tác cho các độc giả ở hậu phương, vì tôi vừa thông thuộc và tác phẩm của tôi vừa có “ý nghĩa toàn quốc” Nói như thế là hoàn toàn sai. Hậu phương cũng thay đổi rồi, độc giả ở hậu phương không cần nghe các tác giả căn cứ địa lặp lại những chuyện cũ rích trước kia họ nghe đã chán tai. Họ đương mong các nhà văn nghệ ở căn cứ địa trình bày với họ những nhân vật mới, những điều hay lẽ phải của thế giới mới. Nên một tác phẩm nào càng có ý làm cho quần chúng ở căn cứ địa hấp thụ thì càng có ý nghĩa toàn quốc. Cuốn “Hủy diệt” của Pha-đê-ép chỉ tả một đội du kích nhỏ, khi viết ông không hề nghĩ tới viết cho hợp với sở thích của độc giả thế giới cũ, thế mà quyển sách của ông lại có ảnh hưởng khắp thế giới. Trung-quốc ngày nay tiến chứ không lùi. Lãnh đạo Trung-quốc tiến tới, là các căn cứ địa cách mạng, chứ không phải một nơi lạc hậu thoái hóa nào khác; nên trong phong trào chỉnh phong trước hết các đồng chí phải nhận rõ vấn đề căn bản đó.

Các nhà văn nghệ đã cần phải kết hợp với thời đại của quần chúng mới, còn cần phải triệt để giải quyết vấn đề quan hệ giữa cá nhân mình và quần chúng. Lỗ-Tấn có hai câu thơ mà chúng ta cần phải lấy làm châm ngôn:

“Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ,
Phủ thủ cam vi nhụ tử ngưu”.

“Thiên phu” là kẻ địch, đối với bất cư kẻ địch tàn ác nào, chúng ta cũng không chịu khuất phục “Nhụ tử” là giai cấp vô sản là đại chúng nhân dân. Hết thảy các đảng viên cộng sản, hết thảy những nhà cách mạng đều nên noi gương Lỗ-Tấn, làm “ngưu” (con trâu) của giai cấp vô sản và đại chúng nhân dân, cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi. Anh em trí thức phải kết hợp với quần chúng, phải phục vụ quần chúng. Quá trình đó có thể và nhất định sinh ra nhiều gian khổ, nhưng nếu mọi người quyết tâm thì có thể đạt được.

Những điều tôi nói hôm nay, chỉ là mấy vấn đề phương hướng căn bản trong cuộc vận động văn nghệ của chúng ta mà thôi. Ngoài ra, còn có rất nhiều vấn đề cụ thể sau này cần phải tiếp tục nghiên cứu. Tôi tin rằng các đồng chí quyết tâm theo phương hướng đó. Tôi tin rằng trong quá trình chỉnh phong, trong việc học tập và công tác lâu dài từ đây trở đi, các đồng chí nhất định có thể cải tạo được mình và tác phẩm của mình; nhất định có thể sáng tạo ra nhiều tác phẩm tốt đẹp được công, nông, binh và đại chúng nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh nhất định có thể thúc đẩy công cuộc vận động văn nghệ ở các nơi căn cứ và ở toàn quốc tiến tới một giai đoạn mới
quang vinh.




[1]Người dịch thêm.
[2]Bóc trần những cái xấu xa đen tối.
[3]Người dịch thêm.
[4]Nguyên văn chữ Trung-quốc là Dương giáo điều (N.D)
Nguồn: Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hà Ná»™i, 1955