trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
9.12.2004
Ngô Văn Tao
Giải cấu và Phản tỉnh
 
Thời đại của chúng ta là thời đại phá sản của mọi chủ nghĩa xã hội, của mọi ý thức hệ nhân văn triết học. Chính sự phát triển ghê gớm của khoa học kỹ thuật lại làm cho con người tự thấy nhỏ bé, vô vọng bất lực trước vũ khí khoa học cơ giới, trước đầu óc máy móc điện tử. Tất cả đều đưa chúng ta đến chỗ phải đặt lại toàn diện các vấn đề xã hội, tôn giáo, nhân đạo… Một sự thức tỉnh, có thể nói dưới một bầu trời u ám, đối chiếu hư vô chủ nghĩa, từ bỏ những giáo điều quen thuộc truyền thống…

Đại quần chúng chỉ còn biết hoang mang, bám giữ những tập quán cổ hủ, những thành kiến lạc hậu, những tín ngưỡng tiền sử… nên chúng ta không ngạc nhiên gì khi thấy những đầu óc gian tà, những chính khách vô nhân đạo đã có đấy một bàn đạp để đoạt được chính quyền, cái quyền giết hại cả một dân tộc, phá bỏ một quốc gia,… rồi đến lúc say mê mù quáng hủy diệt cả chính họ cùng toàn thể nhân loại. Tất cả đấy là mầm mống của cơn xoáy lốc bạo động trên thế giới bây giờ, cơn xoáy lốc của quân phiệt và tài phiệt, quốc sách khủng bố, người giết hại người vì chủng tộc tôn giáo, vì hận thù…

Nhưng những nhận định trên vô cùng ảm đạm bi quan lại hàm chứa một niềm tin bất tận ở sự phấn đấu tinh thần của con người. Cái niềm tin ẩn dụ trong đoạn văn ngắn của Hegel mà tôi phiên dịch theo đây (xem phần Phụ lục).

Hegel nhắc nhở đến cái “tiềm năng đặc ân tuyệt đối” của tinh thần biết “giải cấu và phản tỉnh”. “Giải cấu” theo Hegel cũng chính là ý niệm mà J. Derrida luôn luôn nói tới ở cuối thế kỷ thứ 20, là biết nhìn sự vật gỡ bỏ những thiết bị giả tạo, mạ vàng mạ bạc bên ngoài, để nhận ra cái chân nguyên thủy; là biết nhìn sau những mặt nạ gian tà, giả nhân giả nghĩa nhân bản tự do, cái đầu lâu của thần chết; là biết đẩy những lâu đài tư tưởng nghịch lý cho sụp đổ vào hố thẳm hư vô. Và sau hết, phản tỉnh biết nhìn thẳng vào đổ vỡ, vào sự Chết, ngay cả cái Chết của chính mình, để tái tạo một xã hội mới, một thế giới mới với những con người mới. Đó là niềm tin ở những bông hoa nở rộ trên bãi tro tàn của rừng cháy. Đó cũng là lòng ước vọng tái sinh trong sáng, đảm nhận phận làm người trong chân lý hòa bình và nhân đạo:

…Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời
Để khi nào trời đất yên vui
Xin cho tôi, xin lại cuộc đời


(Trịnh Công Sơn)

Tháng 11.2004



Phụ lục

Tôi dịch ra tiếng Việt, không câu nệ từng câu và từng chữ cốt để người đọc tiếng Việt hiểu những ý của nguyên tác giả, hiểu theo những gì tôi đã chân thành cảm nhận được. Cho tiện việc tham khảo, tôi cũng kèm theo đây một đoạn trong bản dịch Hiện tượng học tinh thần (F. Hegel, Phänomenologie des Geistes), công trình dịch thuật sắp hoàn tất của học giả Bùi Văn Nam Sơn.


Friedrich Hegel
Dẫn luận cho
Tinh thần hiện tượng học

(đoạn 32)

Phân tích mọi hiện trình trước hết là quên cái thực trạng tầm thường quen biết. Giải thích nó là tìm đến căn nguyên, đến cái giây phút nguyên thủy khi nó chưa là gì mà chỉ là một sự đột phá hiện hữu.

Tuy rằng khi chúng ta phân tích một việc gì, chúng ta thường phải trở về với những ý niệm sẵn có, quen thuộc và cố hủ. Nhưng giải cấuhư tái tạo là tìm lại cái thời chân nguyên của sự việc. Chính vì tự phân tán, tự phá bỏ thực thể, hiện hữu mới là thực trạng sinh động. Giải cấu là sức mạnh, là nỗ lực tri thức, một tiềm năng đặc ân tuyệt đối.

Một vòng bánh xe an nhiên tự mãn, một thực thể hoàn tất với tất cả những thời của nó đều là hiện trình, nhưng đối chúng ta có đấy cũng như là không. Một biến sự chợt đến ở ngoài thế giới thông thường, một hiện tượng liên đới - chỉ có thực thể trong tương quan với những đối tượng - bỗng tự tại một cách độc lập và tự biến dạng một cách riêng rẽ, đó chính là sức mạnh phủ quyết, tiềm lực trí tuệ, cái Tôi thuần túy.

Một cái gì đã mất thực thể, một cái gì đã Chết, đối với tất cả là một cái gì ghê gớm đáng sợ. Ôm giữ sự Chết đòi hỏi một nội lực vô song. Nhưng Mỹ tính không sức mạnh chiều sâu sợ phân tích tìm hiểu vì nó làm sao đáp ứng được những đòi hỏi tri thức. Sự sống tinh thần là sống không hoảng sợ nhảy lùi trước cái Chết, không chạy trốn tha hóa điêu tàn. Tinh thần tự tồn và sinh động ngay trong cái Chết. Nó chỉ tìm ra sự thật - sự thật của chính nó - trong tan nát tuyệt vọng.

Tinh thần không phải là sức mạnh tích cực chỉ biết phủ nhận hư cấu, như người ta thường nói: thế không là gì hết, thế là sai… bỏ đi… nói chuyện khác… Tinh thần tự tồn trong hư cấu và nhìn thẳng vào những hư cấu. Đó là sức mạnh huyền diệu biến mọi hư cấu thành thực thể; một Chủ thể có sức mạnh cho mọi sự một ý nghĩa đột phá ngoài vòng hư ảo trừu tượng, hiện thể nhưng không phải là chỉ riêng cho tự nó. Và như thế, tinh thần chính đã là thực chất thuần túy, chính đã là sự đột phá mở rộng ra mọi phương trời.

(Bản dịch của Ngô Văn Tao)


*


Việc phân tích (Analysieren) một biểu tượng – như vẫn thường được thực hiện – vốn không gì khác hơn là vượt bỏ (Aufheben) hình thức “đã quen thuộc” này đi của biểu tượng. Tháo rời (auseinanderlegen) một biểu tượng thành những yếu tố căn nguyên của nó có nghĩa là đi trở ngược lại đến với những yếu tố ít ra không [còn] mang hình thức của biểu tượng có sẵn đó mà là những yếu tố tạo nên sở hữu trực tiếp của Tự ngã. Tất nhiên, sự phân tích này chỉ dẫn đến những tư tưởng mà bản thân chúng cũng là những sự quy định quen thuộc, cố định và tĩnh tại. Nhưng, một yếu tố cơ bản [ở đây] chính là bản thân cái gì đã được tách rời, cái không [còn là] hiện thực ấy, bởi lẽ chỉ khi cái Cụ thể tự-tách rời (sich scheidet), [tự phân biệt] và tự trở thành cái không-hiện thực mới chính là cái Cụ thể tự-vận động. Hành động tách rời các yếu tố là sức mạnh và công việc của Giác tính (Verstand), của quyền lực kỳ diệu nhất, vĩ đại nhất trong mọi quyền lực, hay đúng hơn, của quyền lực tuyệt đối. Cái vòng tròn tự khép kín và đứng im, và, với tư cách là Bản thể, giữ vững những yếu tố của nó, là tình trạng trực tiếp, nên không có gì là kỳ diệu cả. Thế nhưng, một cái “tùy thể”, xét như “tùy thể”, được tách rời khỏi cái toàn cảnh bao chứa nó, tức cái gì vốn bị cột chặt và chỉ là hiện thực trong mối liên kết với những cái khác mà lại có được sự hiện hữu riêng và sự tự do độc lập cho riêng mình, đó chính là quyền lực khổng lồ của cái Phủ định, là năng lực (Energie) của Tư duy, của cái Tôi thuần túy. Cái Chết – nếu ta muốn gọi tính không-hiện thực ấy như thế – là cái đáng sợ nhất; và việc giữ vững cái chết đòi hỏi một sức mạnh lớn hơn tất cả. Còn cái Ðẹp yếu ớt, bất lực lại thù ghét Giác tính, bởi Giác tính buộc nó phải làm những gì nó không thể nào làm được. Nhưng, không phải sự sống vốn e sợ cái chết và cố giữ mình thoát khỏi sự hủy hoại, trái lại, sự sống chịu đựng được cái chết và tự bảo tồn chính mình ở bên trong cái chết mới thực là sự sống của Tinh thần. Tinh thần chỉ giành được chân lý của mình, khi nó tìm thấy chính mình ở ngay bên trong sự đổ vỡ giằng xé tuyệt đối (absolute Zerrissenheit). Tinh thần là quyền lực này, không phải với tư cách là cái Khẳng định phớt lờ cái Phủ định, giống như khi ta bảo điều gì đấy là không có, hay là sai và xem thế là đã giải quyết xong, rồi chuyển sang một điều khác; trái lại, Tinh thần là quyền lực này chỉ khi nó nhìn thẳng vào mặt cái Phủ định và “lưu trú” (verweilt) trong đó. Việc “lưu trú” này là sức mạnh thần diệu để đảo hóa (umkehren) cái Phủ định thành cái tồn tại. Quyền lực ấy chính là điều ta đã gọi trên đây là Chủ thể, tức là cái khi mang lại cho tính quy định (Bestimmheit) sự hiện hữu (Dasein) ở bên trong môi trường của mình thì thủ tiêu tính trực tiếp trừu tượng đi, tức, thủ tiêu tính trực tiếp chỉ đơn thuần “có đó”; và nhờ thế, mới là Bản thể chân thực: sự tồn tại hay tính trực tiếp ấy không còn để sự trung giới ở bên ngoài mình, mà là bản thân sự trung giới này.

(bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn)

© 2004 talawas