trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
22.12.2004
Phạm Xuân Đài
Đi Tầu
 1   2 
 
Người mình ngày xưa để chỉ việc đi ra thế giới, thường chỉ nói gọn ghẽ: “đi Tây đi Tàu.” Thì ra cái rộng lớn của thế giới trong con mắt của người Việt Nam trước đây đơn giản thật. Chỉ cần hai nước Trung Hoa và Pháp, không Tàu thì Tây, là đủ. Ở Việt Nam mà đi Tây thì đương nhiên phải đi về hướng Tây, còn đi Tàu thì lên hướng Bắc. Nhưng nếu đã định cư ở Mỹ thì mọi chuyện phương hướng lại lộn tùng phèo. Muốn đi Tây thì bay về hướng Ðông, qua Ðại Tây Dương, còn đi Tàu, xứ sở lớn nhất ở phương Ðông thì lại phải bay về phía Tây xuyên qua Thái Bình Dương.

Tuân theo truyền thống đi ra thế giới ấy của người Việt Nam, tôi đã đi Tây cách đây mấy năm, và bây giờ thì đi Tàu. Dĩ nhiên là đi theo tour du lịch, chứ xứ đó mình làm gì có bà con bạn bè, làm sao dám tự đi du lịch một mình. Xứ sở thì rộng lớn, lại chẳng biết tiếng Tàu, làm sao xoay xở.

Nước Tàu suốt ba thập niên đóng cửa làm cách mạng, nhìn thế giới với con mắt gờm gờm. Chuyện đi du lịch Tàu mới có rầm rộ khoảng một hai thập kỷ lại đây sau thời nước này mở cửa, chứ trước kia ai mà nghĩ đến chuyện này. Người Việt Nam lại càng không nghĩ đến, vì cảm thấy mình biết về Tàu nhiều quá rồi: chỗ nào trên đất nước Việt Nam mà chẳng có mấy chú ba Tàu đẩy xe mì tới, chỗ nào lại chẳng có chùa Tàu, người lớn trẻ con ai mà chẳng biết truyện Tam Quốc, Tây Du, Thuyết Ðường, Thủy Hử... Truyện Tàu, kinh sách Tàu xây dựng tâm hồn và nhân cách, thi phú Tàu nuôi dưỡng đời sống tình cảm cho biết bao thế hệ người Việt từ xưa đến nay. Mình biết Tàu từ những thứ trừu tượng như triết học, văn chương đến cái cụ thể như thuốc men, thức ăn thức uống và cả ngôn ngữ nói và viết, biết nhiều đến độ khi nghĩ đến chuyện du lịch thế giới thì tự nhiên đưa đầu óc đến những nước Âu Mỹ vì ở đó mới nhiều cái lạ và văn minh tiến bộ mà mình chưa biết. Chưa biết mới đáng đi đến cho biết, chứ biết rồi thì đến làm gì?

Nhưng khi du lịch Trung Quốc được khai thác một cách quy mô thì thế giới bắt đầu chú ý đến cái tài nguyên vô cùng dồi dào phong phú của ngành này tại đây: một nền văn minh vào hạng cổ nhất thế giới. Ðiều đặc biệt là cái cổ ở đây không phải là cái đã hoàn toàn chết kiểu Kim Tự Tháp ở Ai Cập, trái lại dân tộc tạo ra nền văn minh ấy vẫn còn đang sống và tiếp tục tạo dựng nền văn hóa trên những gì tổ tiên của họ đã để lại từ ngàn xưa. Và người Việt Nam cũng khám phá ra rằng cái nước Tàu quen thuộc và có vẻ cổ lổ sĩ ấy thực ra là một kho tàng vô cùng giàu có để đến xem, và xem một cách thú vị, vì khác với người Tây phương, người mình có sẵn rất nhiều kiến thức về nước Tàu. Ngày xưa có lần nói chuyện với một ông thầy dạy nhạc, tôi nói nhạc lý thì chỉ cần cho người muốn thành nhạc sĩ, chứ đối với người chỉ nghe nhạc thôi thì chẳng cần học cũng vẫn thưởng thức được cái hay của nhạc như thường. Ông thầy cười, nói rằng vì anh chưa hiểu nhạc lý thì nói vậy, chứ hiểu rồi thì sự thưởng thức của anh sẽ được nâng lên một trình độ khác hẳn. Tôi ậm ừ, lòng không tin lắm lời nói đó, vì không hiểu nhạc lý tôi nghĩ là tôi vẫn thưởng thức một cách rất trọn vẹn tiếng hát Thái Thanh trong bài Tình hoài hương, Tiếng sáo Thiên Thai, hay giàn giao hưởng Tây phương hòa tấu bài Le beau Danube bleu, có sao đâu! Ăn thua mình cảm nhận cái hay là được, cần gì phải “hiểu,” có khi hiểu nhiều quá lại làm giảm cái hay đi là đàng khác. Mãi lâu về sau, do những cơ duyên run rủi để hiểu biết nhiều hơn, tôi nhận là ông thầy nhạc nói đúng. Và khi đi đến Trung Quốc với một đám du khách người Mỹ thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau, tôi thấy cách thưởng thức mọi cái ở đây của tôi thuận lợi hơn những người Mỹ trắng và người gốc Ấn Ðộ rất nhiều nhờ ở sự hiểu biết từ trước của tôi về văn hóa xứ này. Chưa đến chùa Hàn San ở Tô Châu mà tôi có cảm tưởng đã quen với nó, thậm chí đã nhiều lần nghe tiếng chuông nửa đêm của nó, bây giờ tôi như sắp tái ngộ một người bạn cố tri, trong khi đối với những người bạn Mỹ thì đó cũng chỉ là một ngôi chùa hầu như vô danh trong vô số ngôi chùa khác trên đất Trung Hoa này thôi.


Chuyến bay

Bay từ Los Angeles lên San Francisco để đổi sang chuyến bay khác tới Trung Hoa, người ta đã gặp “nước Tàu” ngay khi làm thủ tục ở Air China. Cả đời mình đã gặp không biết bao nhiêu là người Tàu, hồi nhỏ tôi ở ngay với người Tàu trong các phố của Hội An, có rất nhiều đứa bạn học người Tàu, lớn lên vào ra Chợ Lớn biết bao nhiêu lần, nhưng mình vẫn thấy họ là một phần Việt Nam. Bây giờ đứng trước quầy vé của Air China mà tôi biết là hãng máy bay của Trung Hoa lục địa, tự nhiên thái độ của tôi đổi khác: tôi đang tiếp xúc trực tiếp với Trung Cộng, tôi thấy hình như trong người mình đang trỗi lên một thứ phản ứng đối phó. Ðây là Tàu thiệt, không phải Tàu Chợ Lớn, đại diện cho cái nước lớn phía Bắc đã bao đời xâm lăng và muốn đồng hóa Việt Nam, tệ hơn nữa, đây lại là cộng sản, một trong những thứ cộng sản tệ hại nhất trên thế giới đã làm bao nhiêu trò kỳ quặc trên nước họ và lại dạy dỗ cho thằng đàn em là cộng sản Việt Nam cái trò đấu tố dã man cùng vô số các “bài học” khác. Hình như tôi nhìn các cô tiếp viên mặc áo đỏ không thiện cảm lắm, có thể với một con mắt gờm gờm, nhưng các cô vẫn không thấy gì, vẫn tiếp tôi một cách vui vẻ như bao người khác, và làm thủ tục một cách nhanh chóng. Hình như sau đó tôi thấy ngượng với chính mình, thấy hơi hố khi đưa tình cảm của mình tới một chỗ quá đáng, mọi chuyện trên thế giới đã thay đổi quá nhiều rồi trong khi mình cứ ngồi nhà và ôm mãi những định kiến cũ. Tuy nhiên tôi cũng nhủ thầm: đấy chỉ mới là các cô tiếp viên thôi, các cô được huấn luyện để cư xử theo nếp văn minh, chứ chính nước Tàu thì vẫn chưa biết thế nào.

Khi vào ngồi trên chiếc Boeing 747 của Air China, thì chỉ vì chiếc báy bay này là máy bay Mỹ, chứ nếu do Tàu chế tạo thì tôi đã có cảm tưởng đã vào nước Tàu rồi. Quanh tôi toàn người Tàu, phi hành đoàn, nam nữ tiếp viên, tất cả các dòng chữ trên chiếc Boeing đều viết bằng hai thứ tiếng, Anh và Hán tự. Các nước cộng sản trong quá khứ khi ra với thế giới thì thường dốc sức biểu diễn những cái hay đẹp nhất của họ để tuyên truyền sự “ưu việt” của chế độ. Ở trong nước dân tình càng đói khổ thì các lãnh tụ càng có nhu cầu lấp liếm đi bằng những cái hào nhoáng giả dối đối với thế giới bên ngoài. Ngày xưa nước cộng sản nào cũng cùng một sách như vậy, vì thế tôi tưởng tượng chuyến bay Air China này cũng là một dịp quá tốt để tuyên truyền, nó phải mang trong nó tất cả sự chu đáo, hay ho, ngon lành có thể có được để trình bày lòng hãnh diện về một nước Tàu cộng sản. Nhưng không, không có một cái gì tương tự, nó chỉ là một chuyến bay bình thường với một sự cố gắng theo kịp tiêu chuẩn quốc tế về hàng không dân sự nhưng còn có vẻ hụt hơi. Tôi nghĩ thời còn khối cộng sản khép kín, lâu lâu biểu diễn một lần thì còn sức mà tạo ra một vài sự hào nhoáng giả tạo, chứ làm ăn thường xuyên với thế giới văn minh rồi thì mọi cái đều phải hiện hình rõ bản chất của mình thôi. Một nước ngập chìm trong sự cai trị độc đoán và lạc hậu, với một não trạng coi thiên hạ chỉ có ta là nhất còn lại toàn những thứ “cọp giấy”; loay hoay mấy mươi năm với một dân số ngày càng tăng khủng khiếp, với những lý thuyết công nghiệp hóa đất nước nhanh, mạnh bằng các phương pháp hoang tưởng nhà quê; đi chưa vững đã đòi nhảy, đòi vọt; đưa trí tuệ thụt lùi về thời thượng và trung cổ bằng các câu thần chú đọc từ các quyển sách đỏ; luôn luôn xáo trộn với âm mưu này đối phó âm mưu kia; người dân cả đời chỉ thụ động “nhờ ơn đảng”... một đất nước như thế mà tổ chức cho ra hồn một hãng máy bay hành khách theo tiêu chuẩn văn minh không phải là chuyện dễ dàng. Phải học, dĩ nhiên, nhưng gột rửa những thói quen giao tiếp theo lối cán bộ – dân chúng để biến thành người bán và khách hàng một cách cao cấp thì không thể một sớm một chiều mà xong được. Quyết tâm chuyển hóa thì cũng vài thế hệ.

Nhớ hồi mới từ trại cải tạo trở về, lần đầu tiên sử dụng máy bay Hàng Không Việt Nam từ Sài Gòn đi Hà Nội năm 1989, tôi không khỏi khó chịu vì cung cách tiếp đãi của mấy chị tiếp viên hãng này. Nó phảng phất cung cách của nhân viên bán hàng trong mậu dịch quốc doanh, nó hơi vênh váo cửa quyền, mấy chị đó tự coi mình là người đang ban phát một cái gì chứ không phải đang làm một công việc có tính cách phục vụ người khác. Quốc doanh thì thế thôi, quen rồi, người khác phải quỵ lụy mình chứ mình việc gì phải chìu chuộng người khác. Có thể vào thời điểm ấy người ta còn thấy đường đường là nhân viên nhà nước mà phải ăn nói nhỏ nhẹ, lễ độ với người dân thì ngượng lắm, nhục lắm. Khách hàng là cái gì mà phải chìu, nhà nước tạo phương tiện cho họ hưởng là may mắn cho họ rồi, dù là dân phải trả tiền. Bao nhiêu năm trên đất Bắc có bao giờ có món máy bay dân dụng như thế này đâu, bây giờ được bay bổng nhanh chóng, không cám ơn đảng và nhà nước thì thôi, nhân viên nhà nước sao lại phải đi săn sóc, chìu chuộng? Tôi nghĩ não trạng của đám Hàng Không Việt Nam năm đó đúng là như vậy, từ người làm ở phòng bán vé cho đến tiếp viên trên máy bay, luôn luôn mang thái độ thi thố ân huệ cho dân chúng. Họ là sản phẩm của chế độ, tự nhiên thôi.

Cho nên chờ đợi một một chuyến bay tuyệt vời của Air China là sai. Chuyện làm ăn lâu dài không thể là những dịp biểu diễn được, biểu diễn hoài kham sao nổi! Phải hiện nguyên hình chân thật của mình thôi, và phải học hỏi và thay đổi liên tục. Thái độ của tiếp viên rất tốt, các cô hầu hết xinh đẹp, lễ độ và làm vui lòng khách, nhưng rõ ràng là không “pro” trong công việc như người Tây phương. Tiếp viên các hãng hàng không Mỹ chẳng hạn, ý thức trách nhiệm của mình đối với khách một cách rõ rệt, và làm rất tận tụy tất cả những gì mình có thể, không cần điệu bộ kiểu cách gì cả. Trong khi những cô Trung Hoa yêu kiều cũng làm đầy đủ nhiệm vụ tiếp viên (không đến nỗi mặt lạnh tanh “làm đầy đủ nhiệm vụ trên giao phó” như một cán bộ đảng) nhưng hình như không hoặc chưa sống thật trong vai trò của mình, không tạo được cảm tưởng tin cậy nơi khách. Hình như vào thế giới văn minh họ chỉ mới học được cái kỹ thuật của công việc mà chưa thấm nhuần được tinh thần và lương tâm của những nghề nghiệp mới trước kia không có trong xã hội của họ. Các cô gái này không bao giờ khinh khỉnh với khách như những cô Hàng Không Việt Nam thời điểm 1989 – họ đã qua thời kỳ đó lâu rồi, nhưng họ hành nghề ít nhiều như đóng một vở kịch, trong thâm tâm chưa có sự yêu mến thật sự công việc của mình. Một thời gian dài rất khốc liệt, đất nước họ cấm đoán tất cả những yêu mến như thế, để chỉ yêu và ghét theo chỉ thị của đảng, bây giờ tạo lại chất men thật của đời sống thì không chỉ một thời gian ngắn mà chất men có thể dậy được. Vả lại, bây giờ cái đảng vẫn còn nguyên đó, nó chỉ mới nới lỏng dây trói thôi chứ đã mở trói hẳn cho người dân đâu. Và Air China là một hãng quốc doanh!

Người Á châu phải học rất nhiều cách tổ chức theo khoa học của người Tây phương. Cứ nhìn một chuyến bay điều hành hoàn toàn bởi người Trung Hoa thì thấy sự khác biệt giữa Ðông và Tây. Nếu nghệ thuật uống trà một cách tinh tế hoặc phương pháp tập tành dưỡng sinh sao cho khỏe mạnh sống lâu là những đặc điểm của nền văn hóa Trung Hoa thì việc tổ chức một hãng máy bay với những chuyến bay xuyên lục địa là sản phẩm hoàn toàn Tây phương, và khi người Ðông phương muốn làm việc ấy thì phải học, và một khi học một cái gì không thuộc truyền thống của mình thì lâu thuộc bài lắm. Việc đẩy xe thức ăn đi mời khách dùng bữa vẫn còn những luộm thuộm, không quan trọng lắm, nhưng tinh ý một chút thì thấy ngay; vào nhà vệ sinh sau khi đóng cửa cài then thì thông thường một cái đèn sáng hơn phải tự động bật lên, đằng này phòng vẫn chỉ một ánh đèn mờ mờ; màn ảnh lớn của 747 mà suốt chuyến bay 11 tiếng đồng hồ chiếu bao nhiêu là phim của Tàu, của Mỹ mà trước sau chỉ một màu đen trắng... Những cái không vừa ý lặt vặt như vậy đối với một hãng Tây phương thì không có quyền xảy ra, nhưng đối với Air China thì vẫn xảy ra. Vẫn biết là họ sẽ sửa chữa cái đèn, cái màn ảnh, nhưng vấn đề là họ cứ để đấy, không biết lúc nào thì bắt tay làm, và họ thấy những khiếm khuyết như thế trên một hay nhiều chuyến bay cũng không quan trọng gì. Ðó là do thói quen ban phát cái gì thì dân được hưởng cái đó của đảng cộng sản; cũng có thể đó là cung cách luộm thuộm, đại khái, thiếu chính xác như là một bệnh di truyền nhiều đời trong máu của người Trung Hoa. Có lẽ cả hai. Sự toàn trị của đảng cộng sản trên đất Trung Hoa cho tới nay chưa dài lắm, nhưng vì tính chất khốc liệt của nó, một số thuộc tính cộng sản cũng có thể đã nhiễm thành một bản tính thứ hai của con người Trung Hoa rồi. Những người đã bay với China Airlines của Ðài Loan và với Air China của Trung Cộng thì thấy rất rõ sự khác biệt của hai mẫu người Trung Hoa, một bên như là những người ở tỉnh thành đã lâu đời với một bên là những người nhà quê mới tập nhiễm thói quen của đô thị.


Bắc Kinh

Tôi luôn luôn cảm động khi mình bước chân đến một đất mới trước giờ chưa hề biết. Máy bay đáp xuống Bắc Kinh vào buổi chiều giữa tháng Tư nắng ráo, tôi nhìn đất, nhìn cây bồi hồi tưởng nhớ đến bao trang sử đã qua của xứ này có liên quan đến Việt Nam, hoặc như tôi biết qua các “truyện Tàu”. Quang cảnh phi trường không gây ấn tượng gì đặc biệt, ngoài việc máy bay đậu ở giữa sân, hành khách phải lên xe buýt chở vào phi cảng. Tôi hơi ngạc nhiên: đây có thể là một trong những toán du khách quan trọng đối với Trung Quốc ngày nay – đến từ Mỹ, một nước đang đưa nước Tàu đến chỗ giàu mạnh, trong đó lượng đô-la của chính du khách Mỹ đến thăm xứ sở này hẳn phải chiếm một phần đáng kể, thế mà họ được đón tiếp khá luộm thuộm, không có được một “ống” tiếp nhận riêng để đi thẳng vào phi cảng cho thuận tiện hơn. Chiếc xe bus chạy quanh co giữa sân nắng chang chang và bỏ khách xuống ở một cái cửa ngách nào đó, từ đó khách lếnh thếch kéo nhau đi vào không một người chỉ dẫn, chỉ dựa vào những tấm biển chỉ đường mà đến dần khu lấy hành lý. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là: phi cảng tồi quá. Sự đón tiếp này không xứng đáng với một nước có ngành du lịch đang nổi tiếng và số lượng du khách đang phát triển lớn lao. Con rồng Trung Quốc quá kềnh càng, không trở mình và cất cánh dễ dàng như những con rồng nhỏ khác ở Á châu. Kềnh càng nhất có lẽ vẫn là di sản của mấy mươi năm cộng sản bây giờ thật khó mà gột rửa hết được một cách nhanh chóng. Phi cảng xây từ lâu rõ ràng không thể đáp ứng với nhu cầu to lớn của ngày hôm nay, chưa nói đến khía cạnh mỹ thuật hầu như không có gì. Tuy nhiên cách tổ chức và điều hành thì khá tốt: lấy hành lý nhanh chóng, qua thủ tục công an và hải quan lẹ làng, nhân viên hãng du lịch đón tiếp đầy đủ và thân tình. Một điều đáng để ý: nhân viên làm việc, từ trên máy bay đến phi trường – công an, hải quan, du lịch - đều thuộc thành phần rất trẻ. Ðây là một sự cố tình rất khéo: giới trẻ hầu như không mang nặng những căn bệnh của quá khứ cộng sản là vừa ngu dốt vừa cửa quyền, lại được đào tạo theo nếp văn minh mới, thạo tiếng Anh, chính họ thấy không xa lạ với những người đến từ phương Tây.

Bắt đầu từ khi được nhân viên hãng du lịch mời lên xe bus để về khách sạn, chúng tôi không phải lo gì về những hành lý nặng của mình nữa. Các va ly lớn của cả nhóm được tập trung chở bằng một xe riêng, sẽ được đưa tận phòng cho từng người khách. Trong tương lai khi di chuyển đến những địa phương khác, khách cũng chỉ việc để các va ly ấy ngoài cửa phòng mình trước khi đi, sẽ có người lo lấy đi gửi máy bay hoặc xếp vào thùng xe bus, và sẽ giao ngay tại cửa phòng khách sạn sắp đến của mình. Sự chu đáo này là một ưu điểm rất lớn của tour du lịch, giúp khách đi chơi thoải mái, thích nhất là không bao giờ phải lo gửi hành lý tại các phi trường.

Xe vào thành phố Bắc Kinh trong ánh chiều tà sau gần một giờ chạy trên những xa lộ hai bên cây lá xanh tươi đầu xuân. Giống một số các thành phố thủ đô trên thế giới, Bắc Kinh không mang vẻ gì sinh động, xuất sắc. Một thế giới của công chức, của quan quyền. Cái khệnh khạng quan liêu của quyền lực giết chết sự tươi trẻ của một cuộc sống hồn nhiên. Dĩ nhiên những dấu vết quyền lực của quá khứ còn tồn tại cho đến ngày nay tại đây là điểm chính thu hút du lịch của thế giới. Trung Hoa là một nước lớn, có nền văn minh rất sớm, tổ chức triều đình phong kiến tại đây là một mẫu mực hoàn chỉnh nhất thế giới.

Ngày đầu tiên trên đất Tàu tôi thức dậy từ 5 giờ sáng, sau một đêm ngủ mê mệt vì chuyến bay dài, mặc dù có lúc thức giấc vì thay đổi giờ. Qua cửa sổ nhìn xuống phố thấy còn vắng tanh, bên kia đường có một bảng hiệu đề chữ Carefour to tướng, tôi ngờ ngợ, mãi một lúc sau mới nhớ đã nhìn thấy cái này ở Paris. Ðó là tên một hệ thống siêu thị lớn của Pháp, không ngờ họ cũng qua đến xứ này mở hiệu làm ăn. Nhưng rồi lại nhận ra một hình ảnh quá quen thuộc khác ngay cạnh, đó là hiệu gà chiên KFC của Mỹ. Hiện tượng toàn cầu hóa đang bày ra ngay trước mắt. Nhưng tôi đến đây để xem nước Tàu chứ không cần các thương hiệu của thế giới, nên vội tập thể dục và tắm rửa để còn đi ăn sáng, trước khi bắt đầu chương trình thăm viếng ngày hôm nay.

Nhóm du lịch của tour chúng tôi ăn sáng miễn phí tại tất cả các khách sạn mà mình sẽ ở. Phòng ăn sáng của New Century Hotel ở Bắc Kinh rất rộng rãi và lịch sự, ăn theo lối buffet – nói nôm na là ăn bao bụng – thức ăn khá đa dạng, từ các món Tây phương như trứng chiên, các loại thịt hun khói, cereal, sữa và nước trái cây tươi v.v... đến các món Tàu như cơm chiên, mì xào, bánh bao, cháo trắng ăn với củ cải hay hột vịt muối... Ðối với du khách người Mỹ gốc Việt hay gốc Hoa, thức ăn đông tây hỗn hợp như thế này rất tiện, vì thứ nào cũng là “gu” của mình cả. Ngồi trong phòng ăn này mới thấy nước Tàu dư thừa người, đội ngũ các cô “phục vụ” đông vô số kể, hầu như mỗi bàn một người, các cô chăm lo cho khách từng li từng tí, một cái đĩa vừa ăn xong là vội dọn đi, tách cà phê vừa vơi một chút là vội châm thêm. Hình như các cô không trông chờ tiền “tip” lắm, nhưng nhận được một đô la tiền tip của khách, các cô rất mừng rỡ và cảm động.

Thiên An Môn là một địa điểm có lẽ là nhạy cảm nhất nước Tàu bây giờ. Từ sau vụ thảm sát năm 1989, đó không những nổi tiếng vì là quảng trường lớn nhất thế giới – chỉ riêng khoảng sân ngay trước cổng Tử Cấm Thành đã có thể chứa một triệu người thong thả – mà còn là một thiên anh hùng ca về ước vọng tự do của thanh niên Trung Hoa. Từ thượng cổ, các hoàng đế nước Tàu – hoàng đế đây là chỉ chung tầng lớp cai trị – luôn luôn coi con dân như kiến cỏ, cho đến độ ông Mạnh Tử có gào lên: “Dân là quý lắm!” (Dân vi quý) nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Không vừa lòng cấp lãnh đạo là bị trừng phạt vô cùng thảm khốc, chế độ nào trên đất nước Trung Hoa cũng như vậy, có lẽ chỉ trừ chế độ Ðài Loan vì ra một đảo nhỏ nên dễ bề dân chủ hóa hơn. Chúng tôi đi dọc theo con đường song song với chiều dài của Thiên An Môn để đến Tử Cấm Thành, thấy công an đứng dài dài, anh nào anh nấy đứng nghiêm, quay lưng vào quảng trường, mắt nhìn thẳng, nhưng chắc mỗi người phụ trách một đoạn có gì lộn xộn là can thiệp ngay. Tôi đi sát cô tour guide, định hỏi về địa điểm chính xác của cuộc thảm sát năm 1989, nhưng mới nghe tới mấy tiếng students với demonstration là cô đã xanh mặt, xua tay lia lịa: “Xin ông đừng hỏi những cái ấy, và cũng đừng nói chuyện riêng với tôi ở đây, nguy hiểm lắm!” Cảm tưởng thoải mái tôi có từ khi đến nước Tàu chiều hôm qua đến nay bỗng ngưng lại. Bề mặt cuộc sống ở đây hiện nay là một tấn kịch chăng? Những mở cửa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, tự do làm ăn kinh doanh... của xứ này phải chăng chỉ là những lớp sóng trôi nổi trên mặt một đại dương vẫn giữ nguyên tính cách độc ác của sự toàn trị, khối nước bên dưới những làn sóng có vẻ lả lướt tươi đẹp phải chăng vẫn giữ một màu đen kịt như... mực tàu? Một du khách nước ngoài mà lại không có quyền hỏi người hướng dẫn du lịch về một sự kiện lịch sử của đất nước mình đến thăm thì thật là quá quắt, tình hình ấy cho thấy về một phương diện nào đó sự áp bức của chế độ lên người dân quả còn rất nặng nề. Người hướng dẫn du lịch tha hồ nói về các triều đại Trung Hoa ngày trước, về các di tích, các thổ sản, tha hồ pha trò cho khách cười..., nhưng có một ranh giới cấm kỵ mà ngay cả trong câu chuyện riêng tư cũng không được vượt qua. Hiện nay trên thế giới có lẽ tình trạng đó chỉ còn tại bốn nước Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba, là những nước theo chế độ cộng sản còn sót lại trên hành tinh này. Cung cách chính quyền các nước này đối với người dân lộ rõ tính cách phản động của họ đối với xu hướng tiến chung của cả thế giới. “Phản động”, cái từ họ ưa dùng nhất từ khi xây dựng cách mạng vô sản để chỉ những thành phần mà họ không ưa, một vũ khí để tiêu diệt bất cứ ai không đồng ý với họ, bây giờ lại rơi vào chính họ, và chưa bao giờ nghĩa của hai chữ này lại đúng đến như thế. Một anh bạn tôi ở San Diego trước Tết 2004 vừa rồi có cùng gia đình về Việt Nam chơi, thuê riêng một tour đi từ Sài Gòn ra tận Hà Nội, Hạ Long. Chương trình ở Hà Nội có mục đi “thăm lăng Bác”. Nhưng anh bạn của tôi, vốn đi cải tạo mười năm sau 1975, không muốn gặp Bác tí nào, bèn thoái thác cái mục ấy, thì bị người hướng dẫn du lịch kỳ kèo một cách khác thường. Anh ta cứ năn nỉ ỉ ôi, chèo kéo mãi, làm như không thuyết phục được toán du khách Việt kiều vào lăng nhìn xác ông Hồ (chẳng biết là giả hay thật) sẽ là một thất bại chính trị lớn của Ðảng mà anh ta là đại diện vậy. Thiệt là kỳ cục. Các hướng dẫn viên du lịch rõ ràng đã nhận được lệnh của chính quyền khuyến dụ càng đông người Việt từ nước ngoài về vào thăm lăng Hồ Chí Minh càng tốt. Ðể làm gì? Người ta hy vọng khi nhìn thấy cái xác của ông Hồ nằm đó thì người Việt kiều sẽ cảm động và sẽ có thiện cảm với Đảng Cộng sản Việt Nam hơn chăng? Hay là người ta sẽ tổng kết con số người vào thăm để phao truyền cho một ý đồ chính trị? Ðó là một cái “mánh” trong muôn ngàn mánh lới mà cộng sản Việt Nam luôn luôn áp dụng từ xưa đến nay trong các mục tiêu xảo trá của họ. Có người hướng dẫn du lịch ở một nước nào mà lại năn nỉ, níu kéo cho bằng được du khách viếng thăm một nơi mà người ta không thích, dù là người ta đã trả tiền cho cả tour du lịch đó rồi? Trả tiền rồi mà không đi thăm thì mất tiền, người ta chịu lỗ, có gì mà phải níu kéo làm phiền khách như thế? Có một cái gì như là bị bó buộc, khó xử, trong thái độ của người tour guide bình thường rất là hoạt bát dễ mến ấy. Anh bạn tôi nhìn anh ta một cách thương hại, nhưng vẫn không thể chìu theo ý anh ta được. Giữa cô hướng dẫn du lịch của tôi ở Thiên An Môn với anh chàng đồng nghiệp ấy ở Hà Nội tuy xa cách và không quen biết nhau nhưng vẫn có một mẫu số chung, là khiếp sợ cái cường quyền đang ngự trị trên đầu họ. Họ không thể ứng xử một cách tự nhiên với chức năng nghề nghiệp giống như bao đồng nghiệp khác trên thế giới: họ đang sống trong chế độ cộng sản.

Vụ thảm sát Thiên An Môn xảy ra vào ngày 4 tháng Sáu 1989, cách đây cũng đã 15 năm, thế mà hiện nay nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn có những biện pháp rất là phát-xít đối với những ai dính líu tới vụ ấy. Trong tháng Năm năm nay (2004), Trung Cộng vẫn tích cực ngăn chặn bất cứ dấu hiệu nào muốn kỷ niệm biến cố ấy, vây nhà những người tranh đấu cho dân chủ, điện thoại của họ bị cắt hoặc nghe lén, Internet thì không dùng được, một số người được lệnh phải rời khỏi Bắc Kinh. Thậm chí nhà của thân nhân những người bị thảm sát cũng bị rình rập và đe dọa. Vừa rồi, bà Ding Zilin, một giáo sư về hưu 67 tuổi, có con trai bị giết trong vụ đàn áp, đã nói: “Với tư cách một người Trung Quốc, tôi cảm thấy rất đáng buồn. Ðây là một chính phủ sợ sệt. Họ đã làm bậy, chẳng những họ không xin lỗi mà còn tiếp tục thi hành những điều sai quấy”. Bà là người phát ngôn của nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn”, cho biết từ trung tuần tháng Năm năm nay, công an đã canh gác bên ngoài căn chung cư của gia đình bà, và bà chỉ được đi ra ngoài để mua thực phẩm hoặc tới bệnh viện.

Tôi để ý thái độ của du khách đến Thiên An Môn, những toán người Tàu cũng như người các nước khác, đa số không còn vẻ vô tư của những kẻ đi chơi: họ mang một chút e dè, một chút trầm mặc, dường như oan hồn uổng tử của cả ngàn người trong cuộc “tứ lục vận động” mười lăm năm trước chưa tiêu tan khỏi nơi đây, khiến khách du không thể cười vui thoải mái được.


Cấm Thành

Ngày đầu tiên ở Bắc Kinh chúng tôi được hướng dẫn đi thăm Cấm Thành và Cung điện Mùa hè. Vì Thiên An Môn nằm ngay trước Cấm Thành nên nó có trong danh sách viếng thăm, tôi nghĩ nếu nó nằm ở một nơi biệt lập, chắc người ta đã “lờ” đi. Gọi là Cấm Thành vì từ nhiều thế kỷ trước, dân chúng không được vô thành này. Cũng có tên là Tử Cấm Thành, tôi đoán vì thành được sơn màu đỏ tía (chữ Tử ở đây có nghĩa là đỏ tía). Nằm ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, thành này mới được xây dựng từ năm 1406 đời nhà Minh, và trải qua hai triều Minh và Thanh đã có 24 vị Hoàng đế Trung Hoa trị vì ở đây. Cung điện cất trong khuôn viên thành, trên một diện tích 720.000 mét vuông, gồm 8707 phòng ốc, được xem là một kiến trúc xưa bằng gỗ lớn nhất, được giữ gìn hoàn hảo nhất còn tồn tại trên trái đất cho đến ngày nay.
Ðến gần cổng nhìn lên bức tường thành đồ sộ màu đỏ mặt tiền của Cấm Thành mới thấy cái lớn lao của thành quách cung điện Trung Hoa. Tự nhiên lúc đó hai chữ “Thiên Triều” hiện ra trong óc tôi, như là chỉ hai chữ đó mới diễn tả được những gì mình đang thấy trước mắt. Tại sao lại hai chữ đó? Có lẽ tôi còn mang tâm tư của tổ tiên của tôi, hàng ngàn năm thần phục nền văn minh Trung Hoa, tuy đã ý thức rằng “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư” và giữ gìn nó một cách hữu hiệu, nhưng Trung Hoa vẫn là nước lớn làm mẫu mực về mọi mặt cho một “An Nam” bé tí teo nằm cheo leo ở biên giới phía nam. Nền văn minh cổ của Trung Hoa quá rực rỡ khiến những nước nhỏ láng giềng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam không thể không nhìn vào để tìm thấy nơi đó là chỗ dựa tinh thần cho mình, và gọi chính quyền của nó là Thiên Triều với tất cả ý nghĩa của sự ngưỡng phục. Ðứng trước Cấm Thành, nhớ lại thành Huế của mình, hay ngay cả hình ảnh hoàng cung của Nhật tại Tokyo, thấy nhỏ xíu như đồ chơi.

Bước vào bên trong, qua hết cung điện nọ đến cung điện kia, “qua những sân cung rộng hải hồ” lòng càng lúc càng khiếp sợ cái lớn lao của nước Tàu. Nước Tàu lớn, cơ quan đầu não của nó cũng phải lớn, đã đành, nhưng khi đi gần những chi tiết xây dựng cao, to, cầu kỳ thì thấy ngợp, cái cảm giác tiểu quốc, phiên bang trong người mình lại nổi dậy. Mỗi cung điện có tên, một công dụng và ý nghĩa riêng, dựa trên triết học Trung Hoa về Trời, Ðất và Con Người, được xây dựng trên một đường thẳng từ ngoài vào, uy nghi, kính cẩn, đúng với vai trò của “con trời” xuống trị vì thiên hạ. Từ ngoài vào trong tôi nhớ đã gặp Thái Hòa điện, nơi đặt ngai vua và tổ chức các đại lễ, Trung Hòa điện ngay sau điện Thái Hòa là nơi vua làm việc, rồi đến Bảo Hòa điện là nơi vua thết tiệc. Ðó là khu chính, dành cho việc triều đình và lễ nghi, gọi là khu ngoài. Khu trong (nội khu) nằm về phía bên trái của đường thẳng các điện chính, dành cho tư thất của nhà vua, hoàng hậu và phi tần.

Nhưng khu tư thất của nhà vua thì lại không lớn lao tương xứng với những nơi thiết triều hay làm các loại nghi lễ. Dĩ nhiên nơi ở thì phải thân mật, ấm cúng hơn, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng nó tủn mủn, lặt vặt và bề bộn như các tư thất khác của người Tàu. Ðồ quý giá thì dĩ nhiên nhiều, rất nhiều, nhưng thư phòng, rồi phòng ngủ của hoàng đế nước Tàu tôi thấy chẳng “vua chúa” chút nào: chật hẹp, thậm chí cả tối tăm và cái giường ngủ thì đặt tại một góc mà tôi cho là thiếu không khí để thở. Dĩ nhiên cái không gian sống của mỗi một người chỉ có ý nghĩa khi người ấy đang sống ở đó, nó thích hợp với phong cách cá nhân và truyền thống của họ, và chỉ như thế họ mới cảm thấy hạnh phúc. Tù trưởng một bộ lạc trong rừng núi thì phải nằm trên một cái nhà sàn, bên cạnh một bếp lửa đầy cả tro than, có thể trang bị thêm mấy cái ống vố hút thuốc và một hũ rượu cần. Hoàng đế nước Pháp trong điện Versailles thì phải sống trong khung cảnh cao rộng vàng son lộng lẫy. Và hoàng đế Trung Hoa thì ở đây, trong khu vực riêng thuộc Tử Cấm Thành, phải đi qua một cái cổng cong cong, một khoảnh sân be bé để vào nhiều dãy nhà hơi thấp, hơi tối đầy nhóc đồ đạc quý giá. Có vẻ sự chặt chẽ trong kiến trúc tại đây là nhằm vào vấn đề an ninh cho ông vua. Chỗ ở của vua không được nằm trong một không gian “loãng”, trong đó sự bảo vệ buộc phải trải rộng ra, mà nên được tổ chức thật chặt trong một cấu trúc nhà cửa càng thu gọn càng tốt.
Vườn thượng uyển là một nơi lứa tuổi thiếu nhi thuộc nhiều thế hệ thả trí tưởng tượng của mình đi lang thang nhiều nhất. Vì chỉ nghe tả trong sách nên mỗi người tưởng tượng ra vườn thượng uyển một cách, nhưng cách nào thì đó cũng là nơi vô cùng đẹp đẽ, đầy cả “kỳ hoa dị thảo”. Và dĩ nhiên trong đó luôn luôn có những nàng công chúa rất đẹp, rất tươi dạo chơi. Vườn thượng uyển của cung cấm Tàu mà tôi đi qua thì không giống như tôi đã tưởng tượng trong tuổi thơ: nó hẹp quá, và màu sắc nó u ám quá, khác với cảnh một khu vườn rộng mênh mông muôn hồng ngàn tía với nhiều ngóc ngách bí ẩn từng nằm trong trí tưởng của tôi. Ở đây, trong một diện tích hạn chế của thành quách và cung cấm, thượng uyển chỉ là một khoảnh đất rộng vừa phải, trên đó đặt nhiều tượng cùng các vật trang trí, nhiều hòn giả sơn mà ngày tháng đã mặc cho chúng một bộ áo màu sắc rất buồn bã, và một số cây cối kỳ dị. Ðây không phải một chỗ đầy thơ mộng và lộng lẫy như mình tưởng khi còn nhỏ, đây chỉ là nơi triển lãm những kỳ công về tài khéo – của con người và của thiên nhiên. Những hòn giả sơn mang đến chốn cung cấm một chút núi non sông nước ở ngoài xa kia, nhưng đó chỉ là những cảnh giả tạo mà con hổ nhớ rừng của Thế Lữ đã lắc đầu chê bai kịch liệt, và chắc hẳn không thiếu những nàng cung nữ thời xưa cũng chán ngán những cảnh này khi nhớ đến quê nhà trời cao sông rộng của một thời thơ ấu. Những cây cối kỳ dị là sản phẩm đặc biệt của thiên nhiên mà con người tìm thấy, rồi mang về đây, giá trị ở chỗ lạ và cầu kỳ hơn là mỹ thuật. Những nét vặn vẹo kỳ quái của thân của cành chỉ để “làm trò lạ mắt thứ đồ chơi”, thỏa mãn cái tinh thần sở hữu rộng lớn của Thiên triều, bao nhiêu cống vật quý hiếm của thiên hạ đã đổ về để tô điểm cho cái thị hiếu đã nhàm chán mọi thứ của những người cái gì cũng đã có. Tội nghiệp cái thằng bé con là tôi năm sáu chục năm về trước nâng niu trong trí tưởng tượng một vườn thượng uyển thơ mộng đẹp đẽ là thế, nay vỡ mộng. Tôi đã không hiểu rằng trong nhóm chữ “kỳ hoa dị thảo” đã chứa hai chữ kỳdị rồi, ở đó đâu có chỗ cho cái đẹp đơn sơ và trong sáng của một đứa bé con! Nhưng nghĩ cho cùng, bây giờ, đây chỉ là một khu vườn chết, nó chỉ là khu trưng bày chứ không phải nơi thưởng ngoạn của những người từng sống với nó, hàng ngày nhìn ngắm thưởng thức vẻ đẹp đổi thay của nó. Hai điều đó khác nhau nhiều lắm. Bây giờ cả khu vườn chỉ là một bức tranh tĩnh vật. Trong thời của nó, nó là một thực thể sống, được tiếp nhận, ve vuốt, mến yêu bởi biết bao nhiêu con người quý phái, tự nó phải bộc lộ cả hương sắc của mình ra. Tôi đến đây chỉ để xem những gì còn sót lại của lịch sử, những cái xác đã khô cứng không còn sắc hương. Các cảm nhận của tôi với các di tích này cũng chỉ là các cảm giác rơi rớt của một người đời sau, muộn màng và thô kệch, bởi linh hồn của sự sống thật nơi đây đã không còn nữa. Tôi không có nổi những cảm xúc của Xuân Diệu

Tiếng đàn thầm dịu dẫn tôi đi
Qua những sân cung rộng hải hồ,
Có phải A Phòng hay Cô Tô
Lá liễu dài như một nét mi...

(trích từ bài Nhị Hồ, Xuân Diệu)

có khả năng làm sống lại tình cảm cung cấm của đời xưa – chỉ các thi nhân có được sức mạnh ấy. Khi đứng giữa vườn thượng uyển của hoàng đế Trung Hoa, lòng tôi vẫn không có được trạng thái “tương tư nâng hồn lên chơi vơi” chỉ vì cái khô cứng của chung quanh, và có lẽ của cả tâm hồn tôi.

Nguồn: Tạp chí Thế ká»· 21 tháng 8, 10 và 11.2004