trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
15.1.2005
Bùi Việt Bắc
Từ vi tính có nhân thân mờ ám
 
Ngay sau khi talawas đăng bài “Từ vi tính có nhân thân mờ ám”, tác giả Bùi Việt Bắc đã gửi thư đến toà soạn cáo lỗi vì bài viết này có những ngôn từ chưa chỉnh và đề nghị thay bằng một bản đã sửa lại với tiêu đề “Mập mờ từ vi tính”. Sau đây là bản đã sửa lại này, nhưng vì tiêu đề cũ “Từ vi tính có nhân thân mờ ám” đã được một số tác giả khác trích dẫn hoặc nhắc đến trong cuộc thảo luận nên chúng tôi không thể thay bằng tiêu đề mới “Mập mờ từ vi tính” nữa. Cũng như vậy, hai đoạn cuối cùng của bản cũ tuy không còn trong bản mới nhưng đã được trích dẫn hoặc nhắc đến trong bài của các tác giả khác nên chúng tôi không thể cho thay thế. Mong được độc giả lưu ý khi đọc bài viết này.
talawas


Cám ơn các anh Anh Nguyễn, Ðoàn Tiểu Long, Lâm Vũ, Nguyễn Quang A, Trần Trọng Hoàng Bách, Hà Sơn Tây đã đọc và góp ý bài của tôi. Về ý kiến của hai anh Quang A và Hoàng Bách, tôi cũng thừa nhận nguyên tắc “từ nào được đa số người sử dụng thì ta cho là đúng mà không cần căn cứ vào lôgic”. Nhưng sự thừa nhận của tôi là có giới hạn: Ða số nào? Mức độ vô lý đến bao nhiêu? Ðã trải qua thời gian thử thách bao nhiêu? Về điểm này, có thể tạm cho là tất cả chúng ta cùng một quan điểm.

Cám ơn hai anh đã cung cấp nhiều kiến thức về ngôn ngữ học. Tuy nhiên tâm điểm tranh luận có lẽ không khớp với ý trong bài của tôi. Hai anh đều tập trung vào ý là tôi cho rằng “Từ Hán-Việt phải đi với từ Hán-Việt”. Tôi không nói thế! Hãy xem lại bài của tôi. “Trong các kết hợp Hán-Việt, Hán chỉ đi với Hán và tính từ đi trước danh từ đi sau”. Nhớ là kết hợp Hán-Việt. Vì không muốn câu này phải nhắc lại trong bài nên tôi viết “tính đâu phải là âm Hán Việt để mà kết hợp với vi theo kiểu này” (Kiểu này: là kiểu tính từ đi trước danh từ cũng tức là kiểu kết hợp Hán-Việt). Xin đọc kỹ, những ý thế này tôi không dám viết liều đâu!

Ðiểm khác biệt nhất, đặc trưng nhất giữa hai thứ tiếng là: Tính từ đi trước danh từ trong tiếng Hán và ngược lại trong tiếng Việt. Trong các ví dụ anh Quang A và anh Hoàng Bách nêu không có cái nào là tính từ đi trước danh từ cả. Tức là không có kết hợp Hán-Việt nào cả. Ý cụ Hoàng Phê anh nêu thì đúng nhưng không phải dành cho tôi. Ai cũng biết yếu điểm là một kết hợp Hán-Việt còn điểm yếu là một kết hợp Việt, từ điểm sau được xem là một từ Việt mặc dù nó là một từ Hán-Việt. Nó được Việt hoá. Cũng như anh X quê Hải Dương, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên nói là người Hải Dương cũng đúng mà bảo là người Hà Nội cũng chẳng sai. Một số người dùng nhầm từ yếu điểm, khi được nhắc nhở chưa thấy ai cãi. Thăm quan đúng là một kết hợp Hán-Việt mà lại lẫn một từ Việt vào nên không ai chấp nhận nó, trừ những người không hiểu quy tắc này! Hoàn toàn như vậy, vi tính là một kết hợp Hán-Việt mà tính lại không phải là Hán-Việt nên ít nhất đây cũng là một kết hợp bất quy tắc. Như vậy vi tính không giống như hàng ngàn từ kết hợp mà anh nêu.

Ðương nhiên quy tắc ngôn ngữ nào cũng có ngoại lệ. Ðó là bản chất của ngôn ngữ. Và ngoại lệ không phá huỷ quy tắc.

Còn về việc từ vi tính được tạo ra hay được sáng tạo ra hay hậu quả của dịch sai thì đối với tôi rõ như ban ngày. Microcomputer sinh ra cùng với cái tên của nó ở nước ngoài, phải mất một số năm cái máy này mới vào được Việt Nam. Ðội ngũ đông đảo chuyên gia máy tính điện tử (ở miền Nam gọi là máy điện toán) của ta lúc đó chắc chắn đã đọc về chúng qua báo chí nước ngoài và chắc chắn là trong số họ có người nói, viết sách, báo về chúng. Cái tên gọi máy vi tính có nhiều khả năng xuất hiện vào thời kỳ này. Trong trường hợp này ta không thể xem là ai đó đã tạo ra nó mà chỉ có thể xem là dịch nó từ báo chí nước ngoài thôi chứ!

Thêm nữa, khi những microcomputer đầu tiên vào nước ta chắc chắn phải kèm theo hồ sơ cùng với tên tuổi rõ ràng. Cái tên máy vi tính giống cái tên microcomputer từng bộ phận, không lý do gì để gọi là tạo ra càng không thể gọi là sáng tạo ra.

Có hai kiểu dịch. Kiểu thứ nhất dịch chữ và hiểu thứ hai dịch nghĩa. Nếu anh Anh Nguyễn nói micro computer dịch thành máy vi tínhmicro computing dịch thành vi tính là ổn (thư 8.1.05) còn anh Ðoàn Tiểu Long viết: “Dịch thuật theo tôi nghĩ đó là dùng các thuật ngữ, khái niệm có sẵn trong ngôn ngữ này để chuyển tải ý nghĩa của một từ, một khái niệm trong ngôn ngữ khác” (thư 13.1.05) thì tôi cho đó là kiểu dịch thứ nhất.

Microcomputer dịch ra máy vi tính là một dẫn chứng sinh động cho kiểu dịch chữ vì nó đủ từng chữ. Thấy micro thì nghĩ đến chữ vi và phải lèn cho được chữ vi vào chữ máy tính chứ không quan tâm đến nghĩa thực của từ này. Thực ra, nghĩa của từ microcomputer chỉ đơn giản là máy tính kích thước nhỏ mà thôi. Câu này cũng dành cho anh Hà Sơn Tây. Mời các anh mở bất cứ quyển từ đến Anh-Anh nào ra, tất cả các từ có tiếp đầu tố micro chỉ để nói lên cái đó cực nhỏ mà thôi.

Dịch kiểu này ở ta không thiếu. Bây giờ trên truyền hình rất thịnh hành lối nói “Việt Hùng đến từ Hà Nội” trong khi anh này đang đứng giữa trường quay của chính Hà Nội. Câu “He comes from Germany” kiểu thứ nhất dịch là “Hắn đến từ Ðức”. Kiểu thứ hai dịch là “Hắn ta người Ðức”. Riêng tôi chỉ ủng hộ kiểu dịch thứ hai.

Tuy nhiên, tôi cho rằng ba anh tự suy ra vi tínhmicrocomputing là để tranh luận bởi vì từ microcomputing thậm chí không có trong từ điển. Từ vi tính chắc chắn sinh ra từ từ máy vi tính.

Khi so sánh từ vi tính với từ vi sóng, quan điểm của anh Ðoàn Tiểu Long ngược lại với của tôi. Khi lần đầu tiên đưa đến báo Văn Nghệ ngày 22.8.04, bài “Dịch sai ...” còn dài hơn ở đây. Trong đó tôi có so sánh từ vi sóngvi tính, tôi cho rằng vi sóng dễ chấp nhận hơn vì nếu gọi là lỗi thì chỉ là một kết hợp Hán-Việt lẫn từ Việt vào. Lò vi sóng là một đồ dùng trong bếp nên dễ chấp nhận ở dạng khấu ngữ hơn. Còn vi tính là một từ có tầm quan trọng, và nó còn chưa ổn về nghĩa chữ vi.

Thưa anh Hà Sơn Tây, thực ra nguyên tắc hoạt động của microcomputer và máy tính thế hệ trước khác nhau xa nhưng tên gọi microcomputer không hàm ý nội dung, tính chất như một số người nghĩ. Tên gọi một vật không thể bao quát được hết mọi tính chất của nó mà thường chỉ thể hiện tính chất nổi bật nhất, trực giác nhất. Từ microprocessing cũng không có trong từ điển như từ microcomputing nên anh không thể nói có vi xử lý rồi mới có bộ vi xử lý cũng như có microcomputing rồi mới có microcomputer. Tôi ngạc nhiên là anh đã dịch từ microprocessor ra là bộ xử lý cực nhỏ, còn đúng hơn cả từ điển máy tính mà vẫn biện hộ cho từ máy vi tính! Trong bài... tôi nêu 3 cái sai của từ máy vi tính thì từ bộ vi xử lý chỉ mắc cái sai thứ nhất mà thôi. Tôi không phản đối từ bộ vi xử lý vì sự thuận tai và vì microprocessor là một từ đang thông dụng còn microcomputer bị quên dần kể từ năm 1981 khi hãng IBM đưa ra cái tên PC (personal computer).

Sở dĩ từ vi tính sống đến tận ngày nay là vì đa số người Việt Nam tưởng vi tính là tính cái tinh vi, nghe có vẻ oai, và để phân biệt với cái máy tính bấm số học. (Tôi đã hỏi rất nhiều người xung quanh, những người có học vấn, họ đều trả lời như vậy). Như vậy các anh đã quá lạc quan khi cho rằng dân ta hiểu đúng máy vi tính là microcomputer và vi tính là microcomputing (!). Trước khi đưa bài báo, tôi thử hỏi hai dịch giả nổi tiếng, trong đó một người lại chuyên dịch sách khoa học, họ đều trả lời vi tính là dịch từ PC! Thì ngay trong trong bài tôi đã lập luận: “Thứ ba là khi tất cả các máy tính đều nhỏ thì còn gọi nhỏ làm gì nữa...” Cho nên hai đồng nghiệp đàn anh mà tôi rất kính trọng này không biết có từ microcomputer không hề làm tôi ngạc nhiên và điều đó không quan trọng, microcomputer là cách gọi ban đầu của PC và PC chính là loại phổ biến nhất của microcomputer.

Không ai trong số chúng ta có quyền đề nghị dùng từ này hay loại bỏ từ kia. Chúng ta chỉ phân tích đúng sai, hay dở để rồi ai thích thì dùng, ai không thích thì tránh. Tôi nghĩ những từ hợp lý, tiện dụng, không gây hiểu lầm sẽ vượt qua thử thách đứng vững được với thời gian.

Từ vi tính theo tôi không phải như thế. Nó là kết quả của dịch sai nghĩa, kết cấu cũng sai quy tắc, nó được hầu hết những người sử dụng hiểu sai bản chất và ngay cả những người giỏi tiếng Anh bậc nhất nước ta cũng không rõ nguồn gốc tiếng Anh của nó là gì. Một nhân thân mờ ám như thế có đáng để chúng ta tôn thờ, ngưỡng mộ, chăm sóc chiều chuộng đến vậy không!

Tôi tin là từ này sẽ dần dần bị thất sủng trong vòng năm năm tới và và chẳng phải đợi đến 10 năm nữa để nó hoàn toàn rời sàn diễn.

© 2005 talawas