trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữDịch thuật
20.1.2005
DÅ©ng VÅ©
Những ví dụ về dịch thuật: Vi tính, phần cứng, phần mềm,...
 
"Vi tính" [1] là một sản phẩm ngôn ngữ thiếu đúng đắn và đã được sử dụng rộng rãi trong xã hội bấy lâu nay. Bây giờ đã có người nhận ra vấn đề và phê phán. Tất nhiên các tác giả như Bùi Việt Bắc, Đoàn Tiểu Long,... đều có lý. Rõ ràng cách tạo từ tiếng Việt như thế là không đúng.

Không cần phải là một nhà ngôn ngữ học, mỗi người Việt (biết tiếng Việt) bình thường đều có thể nhìn thấy những điểm sau đây:

Lối tạo từ ghép đôi có bổ ngữ trong tiếng Việt bao giờ cũng theo hệ thống: bổ ngữ nằm bên phải từ được bổ nghĩa. Nói nôm na là "chính trước, phụ sau", tức từ chính đi trước, từ phụ (bổ ngữ) đi sau. Tiếng Hoa ngược lại: bổ ngữ nằm bên trái. Người Việt nói "tiếng Việt" chứ không nói "Việt tiếng" ("Việt" là bổ ngữ, bổ nghĩa cho "tiếng" và nằm bên phải từ này). Người Hoa nói ngược lại:"Việt ngữ", và đương nhiên chỉ toàn từ Hán.

Cần lưu ý: Ví dụ trên khác với ví dụ "vô cớ" ("vô": Hán,"cớ" : Việt) của tác giả Hoàng Bách. "Vô" ở đây không bổ nghĩa cho"cớ"; từ "vô cớ" không theo hệ thống trên.

Nói ngắn gọn, hai hệ thống tạo từ ghép đôi có bổ ngữ Việt / Hoa khác nhau, không nhầm lẫn được. Nói thế không có nghĩa là người Việt không được tạo từ theo kiểu người Hoa. Được! Người Việt có hai lựa chọn, hoặc theo hệ thống Việt, hoặc theo hệ thống Hoa, nhưng phải dùng đúng cách.

Tính hệ thống là một nét đặc trưng của ngôn ngữ và cần được bảo vệ. Hành vi làm tổn thương hệ thống ngôn ngữ hoàn toàn không mang lại cho ngôn ngữ ấy một lợi ích gì ngoài những tai hại khôn lường. Nó còn tự biểu lộ sức yếu kém về kiến thức tổng quát.

Về mặt cú pháp là vậy. Dĩ nhiên một từ không thể thiếu ngữ nghĩa. Về mặt này, người Việt cũng hay gặp vấn đề, nhất là trong dịch thuật.

Khác với dịch văn chương, công việc dịch thuật ngữ khoa học đòi hỏi sự cẩn thận một cách đặc biệt. Tốt nhất, nên dịch 1-1. Phải dè dặt tối đa bằng cách ấy, vì ta không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra, nếu ngày mai lại xuất hiện một từ mới, cũng chứa một từ gốc giống như đã gặp. Dịch "hardware" thành "phần cứng", "software" thành "phần mềm" là một ví dụ điển hình. Dịch "hard" thành "cứng", "soft" thành "mềm" còn chấp nhận được, rất sát nghĩa, nhưng dịch "ware" thành "phần" là điều cần xem xét lại. Ban đầu chỉ có các từ "software", "hardware", dịch như thế, ta chưa gặp vấn đề, song theo thời gian, cũng với từ gốc "ware", ngành tin học đã cho ra đời hàng loạt thuật ngữ mới: "firmware", "freeware", "shareware", v.v. và v.v. Cách dịch "ware" thành "phần" đã trở nên lấn cấn vì không sát nghĩa. Chẳng lẽ dịch "freeware" thành "phần miễn phí"?

Bị hố, người ta bèn dịch "freeware" thành "phần mềm miễn phí" mặc dù trong thuật ngữ nguyên gốc không có từ nào chứa ý nghĩa "mềm" cả. Đây là một giải pháp đầy tính tùy cơ ứng biến. Làm sao một giải pháp dã chiến như thế có thể giải quyết tận gốc vấn đề? Thử nhìn cho xa, nếu mai sau có loại hardware nào đó cũng được biếu không như software, cũng được xem là freeware, thì phải dịch freeware thế nào đây?"Phần cứng miễn phí"?

Anh Nguyễn Quang A viết:

„Gs. Hoàng Phê thấy khoảng 30% số từ mà chúng ta tưởng là từ Hán-Việt lại không hề có từ tương ứng trong tiếng Hán, dẫu cho mấy trăm năm trước chúng vẫn được ghi bằng Hán tự hay chữ Nôm“.

Theo tôi, tính chất của thực tế trên hoàn toàn khác với tính thực dụng dã chiến vừa kể. Cùng một khái niệm, người Hoa đặt tên như thế này, người Nhật đặt tên như thế nọ là vấn đề của họ. Người Việt cũng có quyền sáng tác một tên gọi cho cái khái niệm đó, cho riêng mình, không nhất thiết phải giống từ Hoa, Nhật, miễn là diễn tả đúng ý và theo đúng quy tắc cú pháp tạo từ tiếng Việt.

Ðối với dịch thuật cũng thế, ví dụ - như anh Đoàn Tiểu Long đã đưa ra - người Hoa dịch "computer" "điện não" để phân biệt với "nhân não", đó là chuyện của họ. Người Việt dịch là "điện toán", đó là chuyện của người Việt. Tất cả từ đều có gốc Hán, nhưng điểm quyết định vẫn nằm ở chỗ là ý nghĩa của từ dịch có chính xác như của từ nguyên gốc hay không, hay sẽ gặp rắc rối như trường hợp dịch "ware" thành "phần" mà ta đã thấy.

Có lẽ anh Nguyễn Quang A và Gs. Hoàng Phê đồng ý với tôi rằng, nếu có hai cách giải quyết vấn đề khả thi, một là giải quyết cho đến nên đến chốn, có bài bản, cơ sở khoa học hẳn hòi, hai là giải quyết một cách tạm bợ, dã chiến, thì chọn cách thứ nhất vẫn tối ưu hơn chứ? Tại sao lại để sản sinh ra một sản phẩm khiếm khuyết và chấp nhận sử dụng nó, mặc dù có thể làm tốt hơn?

Cho nên vấn đề cần được giải quyết một cách chuyên nghiệp. Việc dịch thuật cũng thế, không đơn giản, nên để cho giới chuyên môn làm, bất kể thuật ngữ của lĩnh vực gì. Xin đưa ra vài đề nghị cụ thể như sau:

  • Việt Nam nên thành lập một ban chuyên về dịch thuật. Giới chuyên ngành và giới ngôn ngữ học nên làm việc chung với nhau. Nhiệm vụ của giới chuyên ngành là giải thích cho giới ngôn ngữ học hiểu chính xác ý nghĩa của khái niệm. Giới ngôn ngữ học lo phần dịch.

  • Một sản phẩm dịch thuật phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định đây là một thuật ngữ chuẩn.

  • Lập một bộ tự điển cho thuật ngữ chuẩn. Cập nhật theo định kỳ khi cần bổ sung thuật ngữ mới hoặc cần điều chỉnh thuật ngữ cũ. Tuy vậy nên tâm niệm rằng, đã làm cái gì thì ráng làm cho hoàn hảo để khỏi mất công làm lại từ đầu. Từ điển thuật ngữ có thể được nhiều nhà xuất bản phát hành, nhưng cú pháp và ngữ nghĩa thuật ngữ phải thống nhất. Mỗi khi có sự thay đổi, tất cả nhà xuất bản đều phải cập nhật cùng lúc.

  • Mọi văn bản chỉ được sử dụng thuật ngữ chuẩn (luận án khoa học, bản tin của báo chí, đài phát thanh/truyền hình,...).

  • Đừng để phổ biến những sản phẩm dịch thuật chưa được thông qua. Tránh để người thường tự dịch một cách tùy tiện. Nếu gặp một thuật ngữ mới, hoặc không đồng ý với cách dịch, người sử dụng nên liên lạc với ban dịch thuật. Ban dịch thuật phải giải quyết vấn đề này thật nhanh chóng.

Vài ý kiến phụ khác:

  • Nên theo hệ thống cú pháp tạo từ Hán-Hán. Từ ghép được bổ nghĩa bên trái có lợi điểm là cô lập, cấu trúc của nó không bị lẫn lộn với cấu trúc Chủ ngữ - Vị Ngữ (Subject - Predicate).

  • Nên học hỏi kinh nghiệm dịch thuật ngữ khoa học của các nước tiên tiến ở Á châu có ngôn ngữ gần tiếng Việt, v.d. Nhật Bản. Nhật Bản là một nước mạnh về kỹ thuật, chắc chắn họ hiểu rõ ý nghĩa của những khái niệm có liên quan đến kỹ thuật. Tiếng Nhật cũng chịu nhiều ảnh hưởng Hán như tiếng Việt.

  • Nên hội ý với giới khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Có thể họ không biết dịch một thuật ngữ khoa học tiếng Anh, Đức, Pháp,... sang tiếng Việt, nhưng nhờ giỏi ngoại ngữ, họ dễ hiểu rõ ý nghĩa của thuật ngữ ấy hơn là người không thông thạo ngoại ngữ.


Stuttgart, 18.01.2005

© 2005 talawas



[1]Trước 1975, computer đã được sử dụng ở miền Nam Việt Nam. "Computer" được dịch thành "máy điện toán" để phân biệt với "máy tính" (calculator). "Computer science" thì gọi là "khoa học điện toán". "Software" thì gọi là "nhu liệu", "hardware" "cương liệu". Những tên gọi này rất quen thuộc ở miền Nam hồi đó. Riêng tại Đức, thuở còn đi học, sinh viên tin học như chúng tôi hoàn toàn không biết từ "vi tính". Khoảng 75-82, đại học Stuttgart chỉ dùng mainframe (VAX, IBM,...) , chúng tôi vẫn gọi là máy điện toán. Về sau có thêm máy CRAY I, thì gọi là máy siêu điện toán (tiếng Ðức gọi là Supercomputer). Lúc máy nhỏ như PC, Home Computer,... ra đời, cũng chẳng thấy ai dịch thành "máy vi tính". Từ microcomputer có thật, nhưng không thông dụng. Trên thực tế, người ta gọi ngắn gọn là computer. Người Việt cũng không dịch, họ dùng tiếng Anh và cũng gọi ngắn gọn thế.
Việt Nam không phải là cha đẻ của microcomputer, nên xác suất tự sáng tạo ra từ này không cao. "Máy vi tính" chắc chắn phải được dịch từ "microcomputer", đại để thấy chữ "micro", người ta dịch thành "vi", thấy chữ "computer" thì dịch thành máy tính, sau đó ghép lại thành "máy vi tính". Dùng quen rồi, hễ cứ thấy gì dính đến computer, thì cho là dính tới vi tính. Dần dần "vi tính" được dùng như một tính từ.
Ðiều này chấp nhận được, chỉ đáng tiếc là cách tạo từ sai. "Vi tính" chỉ có thể xuất phát từ cách dịch tùy tiện, thiếu kiến thức về Hán học cũng như ngôn ngữ học.