trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữDịch thuật
31.1.2005
Hà Minh
Chân lý mầu gì…?
 
Nửa trái táo là nửa trái táo, còn nửa sự thật là gì?


Kính gửi anh Bùi Việt Bắc,

Tôi đồng ý với anh rằng hiện có nhiều bất ổn trong dịch thuật và sáng tạo từ mới trong Tiếng Việt. Mảnh vườn ngôn ngữ của chúng ta thấp thoáng nhiều cỏ dại, việc các anh hăng hái tham gia “thảo phạt” đám cỏ dại nhằm trả lại vẻ đẹp của khu vườn là việc làm mang đầy thiện chí, rất đáng khuyến khích, tuy nhiên khi “làm cỏ” xin các anh lưu ý chớ nên “hăng hái” quá mà nhổ lây sang cả những thứ hoa lá không thuộc họ cỏ dại. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: Ném chuột nhưng đừng để vỡ lọ quý.

Anh có thắc mắc như sau:

Thư trước tôi đã khẳng định ủng hộ ý kiến trưng cầu dân ý của anh về từ vi tính (tôi hiểu, không phải có đúng không, là cả nước), nay thấy anh hạ xuống cấp talawas tôi cũng không phản đối, hơi tiếc là ở trong nước không phải ai cũng biết cách mở talawas cả.

Ðây lại nẩy ra một khác biệt giữa anh với tôi là anh nói anh sẽ chấp nhận thua nếu anh thuộc thiểu số. Còn tôi thì không, tôi bảo vệ chân lý đến cùng kể cả khi không có ai ủng hộ tôi cả!


Xin được trả lời anh về hai điểm trên như sau:


1.

Thư trước tôi có đề cập đến việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về từ “vi tính”, thực ra đây hoàn toàn là một gợi ý mang tính khôi hài: ai cũng biết trưng cầu dân ý (TCDY) là việc “quốc gia đại sự” đâu phải lúc nào các “diễn giả” của các diễn đàn “ảo” hứng chí lên là “làm tới” được ngay. Tôi xin đơn cử một ví dụ: để thực hiện cuộc trưng cầu dân ý về việc tiến tới thể chế Cộng hòa (Republic) hay giữ nguyên thể chế Quân chủ lập hiến (Constitutional Monarchy) năm 1999, nước Úc đã mất rất nhiều tiền của, thời gian để chuẩn bị và thông qua. Trước đó, 1995, Canada cũng có cuộc trưng cầu dân ý về việc tỉnh Quebéc đòi “ly khai”. Đây là những ví dụ điển hình. Hiển nhiên là để thực hiện những cuộc TCDY quy mô như vậy, các quốc gia kể trên phải có nền lập pháp và hành pháp hoạt động hết sức hữu hiệu. Trình độ nhận thức về dân chủ ở đó rất cao. Và họ phải có đủ nhân tài vật lực để thực hiện. Sáng kiến TCDY của anh Phương Nam cũng đang còn nằm trong danh mục những tài liệu đang “ngâm cứu” của quốc hội, vì nó cũng là việc “quốc gia đại sự”.

Tuy nhiên, việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để thăm dò dư luận là việc rất nên làm. Trước đây, khi mạng internet còn chưa phổ biến, các cuộc thăm dò dư luận luôn được thực hiện qua phone: việc này khá tốn kém, đôi khi ít hiệu quả, sau này khi mạng internet trở nên phổ biến, các cuộc thăm dò dân ý (newspoll) thực sự bùng phát cùng lúc với thăm dò bằng điện thoại di động và nhắn tin SMS. Đây là việc “nhất cử tam tứ tiện”: Nhà chính trị biết được “ý kiến” của dân, nhà kinh doanh (internet, mobile service provider) thu được tiền cước phí, người dân được “phát biểu ý kiến”…, các nhà quảng cáo ăn theo nhờ việc nhiều người truy cập một địa chỉ, các vận động viên nhận được tài trợ trích ra từ các lợi nhuận kể trên. Ta biết những lợi nhuận khổng lồ mà ngành bưu chính viễn thông Việt Nam thu được qua việc tổ chức thi dự báo kết quả bóng đá bằng SMS, ngành truyền hình Mỹ thu được qua việc bỏ phiếu bằng SMS bầu chọn “American Idol”. Đến đây chắc anh hiểu vì sao tôi đề nghị “hạ cấp” từ TCDY xuống thành thăm dò dư luận talawas poll về từ “vi tính”, việc làm của tôi: không ít thì nhiều cũng có hai mục đích: Một là giới thiệu “khéo” (kiểu “lợn cưới áo mới”) tới bạn đọc về “sáng kiến” trưng cầu dân ý của anh Phương Nam về việc nên hay không nên có đa đảng ở nước ta. Hai là: tham khảo ý kiến đông đảo bạn đọc về tính hợp lý của thuật ngữ “vi tính”, nên dùng hay nên bỏ với mục đích làm trong sạch và phong phú thêm Tiếng Việt của chúng ta.

Nói rộng ra, nếu các cơ quan chức năng ở nước ta quan tâm đến dân ý thì rất nên mở các cuộc thăm dò dư luận đại loại như:

Bộ Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông nên hỏi dân:
Có nên bắt buộc đội mũ bảo hiểm hay không?
Có nên cấm đăng ký xe máy hay không?

Bộ Văn hóa nên hỏi dân:
Có nên cấm sinh hoạt hát Karaoke hay không?
Có nên có quy định về trang phục khi biểu diễn hay không?

Bộ Y tế nên hỏi dân:
Có nên cấm hút thuốc lá nơi công cộng hay không?
Và còn nhiều, nhiều nữa…


2.

Anh tuyên bố anh sẵn sàng bảo vệ chân lý đến cùng, tôi xin hoan hô tinh thần “uy vũ bất năng khuất” của anh. Tuy nhiên: cái mà anh định “tuẫn đạo” vì nó phải là một chân lý đã được khẳng định. Nếu không ý nghĩa của việc bảo vệ nó sẽ bị quy đồng thành “bảo thủ”. Tiếc thay, rất nhiều điều trên đời này không phải lúc nào cũng mang hai sắc độ: hoặc đen hoặc trắng rõ ràng, phần lớn chúng đều “nhờ nhờ” màu “xam xám”. Đó chính là nguyên cớ cho những tranh luận bất tận, kể cả tính hợp lý của từ “vi tính” mà anh tranh luận cũng thuộc dòng “chân lý sọc dưa” kể trên. Tôi xin đơn cử thêm vài ví dụ:

Về tôn giáo, nhiều người tin có tạo hóa, nhiều người lại nghi ngờ nó và tin vào thuyết tiến hóa, vậy là tranh cãi bất tận. Đạo Phật tin thuyết luân hồi, Đạo Hồi tin là có ngày phán xét cuối cùng? Có rất nhiều dị biệt về đức tin và sẽ không có chân lý tuyệt đối ở đây. Một khi đức tin đi quá giới hạn cần thiết của nó sẽ kéo theo hậu quả khôn lường.

Về chính trị ta thấy có rất nhiều xu hướng: cánh tả, cánh hữu, phe diều hâu, phe ôn hòa, phe bảo hoàng, phe cộng hòa, chủ trương đa đảng hay độc đảng. Tổng thống Bush tái đắc cử cũng chỉ với 51% “chân lý”. Nghị sĩ John Kerry tuy thất cử nhưng không có nghĩa là ông sẽ quay ra chống Bush, ông ta vẫn giữ nguyên lập trường của mình về các chính sách đối nội, đối ngoại, tuy nhiên ông ta đã chấp nhận thua cuộc (concede defeated) và kêu gọi dân Mỹ ủng hộ ông Bush trong nhiệm kỳ tới. Biết chấp nhận ý kiến của người khác là một nghệ thuật.

Về đạo đức cũng có những dị biệt quan điểm về nhiều vấn đề như ủng hộ quyền phá thai hay không phá thai, tự chọn cái chết hay không tự chết (nan y tử quyền) (euthanasia). Đồng tính luyến ái: được phép kết hôn hay không được phép kết hôn, v.v.

Ngạn ngữ phương Tây: Anh có thể dắt một con ngựa ra đến bờ suối, nhưng anh không thể bắt nó uống nước.

Đôi khi chân lý thuộc về kẻ mạnh. Ngụ ngôn La Fontaine có chuyện con sói và con cừu. Một con sói hung ác bắt gặp một chú cừu non đang uống nước suối. Nó gào lên: Này con cừu kia, sao mày dám làm bẩn nguồn nước uống của tao?

Cừu trả lời: Thưa ông, tôi uống nước dưới này mà suối thì chảy xuôi vậy làm sao mà tôi lại làm bẩn nguồn nước của ông được?
Sói đuối lý, tuy nhiên cố vớt vát: Vậy thì chính mày là đứa dám nói xấu ta năm ngoái!

Cừu lại thưa: Thưa ông năm ngoái, tôi còn chưa ra đời thì làm sao tôi nói xấu ông được?

Sói lại gào lên: Thế thì chắc chắn phải là anh em, họ hàng nhà mày đã nói xấu tao.

Dứt lời sói vồ lấy cừu non và ăn thịt nó.

Hỡi những chú “cừu non” đang đánh cá ở trong vịnh Bắc bộ (nơi được quy định là vùng “Hợp tác nghề cá” của láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện), các chú có biết được rằng các chú đang làm bẩn “suối nước” Vịnh Bắc Bộ của sói Bắc Kinh hay không?

Chỉ khi nào mất đi mạng sống thì các chú mới biết được thế nào là chân lý của kẻ mạnh mà thôi.

Xuân 2005

© 2005 talawas