trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữDịch thuật
1.2.2005
Phạm Đỉnh
Bàn góp về chuyện từ ngữ nhân trường hợp “định chế tài chính”
 
Xin có đôi ba ý kiến về từ “định chế tài chính”, nhân đọc bài của ông Trần Kiên trên talawas hôm 29.12005.

Trước tiên là ông Trần Kiên đã trích dẫn sai một định nghĩa về từ “định chế”. Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (tập I) thì: “định chế” là “chế độ đã nhất định từ trước” (Nxb. Trường Thi, 1957, tr. 283). Từ này đúng là có ý nghĩa tương đương với từ “institution” trong tiếng Anh và Pháp. Không hiểu ông Trần dùng bản in nào mà viết rằng: “trong tiếng Hán, nghĩa gốc của từ ‘định chế’ (cũng gần tương đương với từ ‘thể chế’) lại chỉ có nghĩa là ‘các quy định đã có sẵn’ (theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh)”?

“Định chế” bao hàm nghĩa rộng hơn là một tổ chức, một cơ quan, và chỉ một thể chế do xã hội quy định sẵn để thực hiện những công việc chuyên trách. Như thế những định chế tài chính chuyên lo dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, cho vay,... Một định chế tài chính lo về bảo hiểm có thể có nhiều công ti, tổ chức công hay tư có thể nay còn mai mất đi, nhưng định chế tài chính lo việc bảo hiểm thì vẫn còn đó để phục vụ quần chúng.

Theo nghĩa như thế thì dịch từ “Financial Institution” là “định chế tài chính” hoàn toàn chính xác. Dịch lại như cách ông Trần Kiên chủ trương mới là hiểu sai lệch ý nghĩa một khái niệm chuyên ngành.

Khi bàn chuyện chữ nghĩa ông Trần có ý cho rằng ở miền Nam trước kia chuyển ngữ như thế có vẻ hay ho nhưng không chính xác. Theo tôi không nên bị thành kiến Nam Bắc ở đây làm gì! Bây giờ chúng ta cần chỉnh đốn cho chính xác các từ ngữ và thuật ngữ, đừng nên hãnh tiến với Bắc với Nam làm gì! Đáng lí ông Trần nên soát lại một lối giải nghĩa sai của Từ điển tiếng Việt về từ “định chế” để Trung tâm Từ điển làm tốt thêm việc làm của họ thì mới phải.

Từ “định chế” được Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ giải nghĩa là “quy định có tính cách pháp lí đối với một vấn đề nhất định” (bản in năm 2000, tr. 325). Sau định nghĩa trên, là một vài thí dụ: Ra một số định chế cho các nhà đầu tư. Định chế tài chính. Theo thiển ý thì giải nghĩa như trên là làm rắc rối từ ngữ một cách không cần thiết. Quy định pháp lí luôn luôn là một quy định rõ ràng, nhất định là rành mạch để không có thể tranh tụng về quy định đó. Dùng một từ Hán Việt để nói về quy định như thế thì ta nói: “Pháp quy”; nếu muốn dùng cấu trúc từ Việt Nam thì nói “quy định pháp lí”, hoặc đơn giản hơn: “quy định”. Không cần phải dùng đến từ “chế” trong trường hợp này, vì chẳng dính dáng gì mà lại gây lẫn lộn với nghĩa khác. Hiển nhiên là khi đưa vào thí dụ thứ nhì (“định chế tài chính”), Từ điển tiếng Việt đã nhầm lẫn tai hại giữa “quy định” và “định chế”. Có lẽ đấy mới là nguyên do của sự hiểu sai lạc ý nghĩa và dẫn luôn đến lời phê phán của ông Trần chăng?

Trên trang talawas trước đây đã có vị nêu nghi vấn là có tâm lí hãnh tiến nên một số từ ngữ và thuật ngữ do các nhà nghiên cứu ở Sài Gòn biên soạn đã bị bỏ rơi. Trường hợp bàn cãi chung quanh hai từ “vi tính” và “điện toán” là một điển hình. Cả về nghĩa lí và về mặt cấu tạo từ đều cho thấy từ “điện toán” xác đáng hơn. Nay ông Trần Kiên lại dũng cảm đưa ra trường hợp “định chế tài chính”. Tôi băn khoăn không hiểu là có phải đằng sau những chuyện “chữ nghĩa” này có bóng ma của tâm lí kì thị địa phương, niềm hãnh tiến của người thắng trận, nghĩa là người chính thống? Thế thì nhảm thật.

© 2005 talawas