trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữDịch thuật
1.2.2005
Nhỏ Thanh
Linh tinh về việc gọi tên nọ tên kia
Viết (múa rìu qua mắt thợ), nhân đọc một số tác giả trên talawas đang bàn về hai chữ „vi tính“
 
Phàm đã là đồ vật hoặc con vật... thì cái gì, con gì... cũng phải có ít nhất là một cái tên. Tất nhiên là thế rồi. Thế nhưng, trừ một số rất ít, còn với hầu hết mọi vật, người ta chẳng hiểu tại sao chúng lại có tên như vẫn quen gọi. Và chính vì thế mà nảy sinh ra lắm giả thuyết.

Theo truyền thuyết của một số dân tộc, trong đó có cả dân tộc ta, thì từ thuở khai thiên lập địa, tất cả các giống thực vật cũng như động vật trên thế gian này đều chẳng giống nào có tên để mà gọi cả. Ai cũng thấy là chuyện này gây khó khăn cho con người ta rất nhiều. Gì chứ chuyện nhầm lẫn lung tung là cái chắc. Làm một mình thì có thể còn không sao nhưng khi có việc gì cần phải kết hợp từ hai người trở lên thì nhất định là phát sinh vấn đề, bảo cái này cầm cái kia, nói cái này nghĩ cái khác, không hiểu nhau... là chuyện tất nhiên. Chính vì thế mà người ta phải nghĩ ra một cách là đưa tất cả lên trời một chuyến nhờ Ngọc Hoàng phán xử, và chỉ sau khi ông này đặt cho mỗi cây, mỗi con một cái tên thì mọi chuyện mới ổn thỏa.

Còn theo quan điểm của Ky Tô giáo thì Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo và vạn vật trên thế gian này đều là sản phẩm của sự sáng tạo của Ngài. Sau khi tạo ra cây cỏ vào ngày thứ hai, các loại cá cũng như các động vật dưới nước và trên đất vào ngày thứ ba và con người (đặt tên là A-đam) vào ngày thứ sáu, Kinh thánh cựu ước chép trong Sáng Thế Ký rằng: Giê Hô Va Đức Chúa Trời lấy đất nắn lên các loài thú đồng, các loài chim trời, rồi dẫn đến trước mặt A - đam đặng thử xem người đặt tên chúng ra làm sao, hầu cho tên nào A đam đặt cho mỗi vật sống đều thành tên riêng cho nó. A đam đặt tên các loài súc vật, các loài chim trời và các loài thú đồng... [1]

Ngọc Hoàng thì xin kính nhi viễn chi rồi, nhưng chỉ qua một việc là đặt tên cho vạn vật trên thế gian này, đã có thể nói A-đam quả xứng đáng là một thiên tài. Hàng nghìn năm đã trôi qua, dù đôi khi rất muốn, nhưng con người, thật là khó khăn hay thậm chí là không thể thay đổi được một cái tên nào mà tổ tiên mình đã đặt ra. Người viết những dòng linh tinh này nhớ lại, có thời người Việt Nam mình cứ muốn gán cho lợn, một con vật ăn bèo ăn cám cùng cơm thừa canh cặn và cho khá nhiều thịt rất ngon, chỉ phải tội ở hơi bẩn, hơi hôi hám và hơi ngu si, một cái tên khác... nhưng đâu có được. Đã là lợn thì phải gọi là lợn thôi, muốn phong nó lên ông bé ông lớn hay muốn hạ nó xuống, người ta đều không chấp nhận.

A-đam cũng rất xứng danh là một nhà thơ lớn. Tuy có khó khăn hơn, không một đập ăn ngay như bậc tiền bối, nhưng đến những đời sau này, các thế hệ hậu duệ của ông trên khắp thế giới vẫn tiếp tục truyền thống của tổ tiên mình là đặt tiên cho các con vật, đồ vật... trước mặt mình mà mình chưa biết gọi là gì. Rất có thể một trong số những con vật đó là chim chích chòe. Theo ý kiến của nhà thơ Dương Tường thì, người đặt tên cho chích chòe là chích chòe hẳn là một nhà thơ, và trên một số của tạp chí thơ, do nhà thơ Khế Iêm chủ biên, xuất bản ở Califonia, ông lý giải chuyện này như sau: Thi sỹ, tôi quan niệm, là kẻ đầu tiên kéo thế giới ra khỏi vùng khuyết danh. Mà khuyết danh có nghĩa là không tồn tại. Ai đầu tiên gọi chích chòe, khi nó còn khuyết danh, là chích chòe, người ấy đích thị là một nhà thơ. Loài chim ấy ắt đã có từ rất lâu trước đó, người ta hẳn đã nhiều lần thử đặt cho nó một cái tên nhưng không đậu và chỉ đến khi ai đó, trong một lóe chớp thần hứng, bật thốt ra hai âm tiết chích chòe trúng pắp, không gì thay thế nổi thì nó mới thực sự tồn tại, thêm cho đất trời một cái gì không chỉ đơn thuần là một loài chim. [2]

Không chỉ đơn thuần là một loài chim. Cũng không chỉ đơn thuần là một cái ấy. Với những vật gần gũi thân thiết với mình, ngoài một cái tên chính thức của nó, hậu duệ A-đam còn nghĩ ra nhiều cái tên khác nghe sinh động, gợi cảm lạ thường. Thí dụ như, tùy nơi, tùy chốn, tùy lúc, tùy người... mà người ta có thể gọi nó là con chim, là quả ớt, quả dưa chuột, cái gậy, cái đèn pin, khẩu súng lục, khẩu trung liên, khẩu đại bác, cái ống lổng, cái dương vật..., trong khi tên chính thức của nó là cái buồi của người đàn ông như ai cũng biết. Và tất nhiên, với bộ phận sinh dục của giống cái cũng vậy, ngoài một cái tên chính thức (lồn) ra, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh (cụ thể hay mơ hồ) mà người ta có thể gọi nó là cái hĩm, cái hến, là con bướm, là cái hình tam giác, cái lá đa, lá vông, cái số ta, và thậm chí là cả cái bỏ mẹ, cái sự đời... Mà, một khi đã là cái sự đời [3] rồi, thì rõ ràng là cái ấy đã trở thành một cái gì đó không đơn thuần chỉ là cái ấy.

Cũng là tên, nhưng có nhiều cái tên, nếu được suy xét cặn kẽ thì nghe như có vẻ không được chính xác lắm. Cách đây hơn ba chục năm, vào thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, rất có thể trong một lúc vội vàng gấp gáp quá, rất có thể là trong một lúc rất háo hức mà một bác công nhân, một cậu sinh viên, hay nói chung là một người bất kỳ nào đó đã gọi cái máy thu hình là cái vô tuyến, để rồi từ đấy về sau cứ hỏi nhau một cách rất vô tư rằng: Nhà ông bà đã có vô tuyến chưa? Mấy hôm nay, ngoài cửa hàng có đợt vô tuyến mới về, trông đẹp lắm... Cũng một thể ấy, với cái radio để nghe tin tức, nghe ca nhạc, dân ca và chèo (được phát đi từ đài phát thanh, tất nhiên), rất có thể trong một lúc vội vàng nào đó, khi chưa tìm được một từ Việt hoặc Hán - Việt tương đương (như máy thu thanh chẳng hạn), các cụ nhà ta cứ gọi đại nó đi là cái đài để rồi cứ thế nó trở thành cái đài cho đến tận bây giờ.

Cũng theo nhà thơ Dương Tường, với cái tên lá diêu bông, nhà thơ Hoàng Cầm đã bịa ra một loài cây cho ai kia bỏ một đời đi tìm lá, dẫu biết chẳng bao giờ thấy được. Hư ảnh đã ngự vào đời thực, trở thành một thực thể trường tồn chí ít cũng dài lâu hơn đời nhà thơ. [4]

Vậy thì, có nhất thiết cứ phải tìm cách giải thích thật rõ ràng tại sao người ta lại gọi cái máy vi tính từ lúc còn khuyết danh là cái máy vi tính không? Có nhất thiết cứ phải dựa vào tự điển nọ, tự điển kia, có nhất thiết cứ phải dựa theo ý kiến của ông nọ bà kia...

Tại sao không nghĩ vi tính là một sự sáng tạo trong một khoảnh khắc xuất thần của một nhà thơ, một em bé, một người yêu đời...

Vi tính... Hay thật! Mấy thằng bạn tôi bây giờ cũng bày đặt chơi vi tính. Cô em vợ thằng bạn tôi, vì cứ muốn xin vào làm văn phòng ở một công ty ngoại quốc nên đang cố phấn đấu kiếm bằng được cái bằng C Anh văn và cái bằng C vi tính. Còn mấy thằng chọi hàng xóm nhà tôi chẳng biết học được ở đâu mà lúc nào cũng ra cái vẻ ta đây, lên mặt vi tính trông dễ ghét thế không biết...

© 2005 talawas


[1]Sáng thế ký, chương 2, câu 19, 20
[2]Dương Tường - Ai đầu tiên gọi chích chòe là chích chòe? Trang 104 - 105, Tạp chí Thơ số mùa Thu 2001
[3]
Sáng trăng em tưởng tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời
(ca dao)
[4]Dương Tường (sách đã dẫn)