trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
3.2.2005
Trần Kiên
Gửi ông Phạm Đỉnh
 
Nhân đọc bài của ông Phạm Đỉnh góp ý bài viết về thuật ngữ “định chế tài chính” của tôi, tôi xin có vài ý lại như sau.

Đầu tiên xin cảm ơn ông đã góp ý về việc tôi có lầm lẫn khi dẫn lại không chính xác từ điển của cụ Đào Duy Anh, nhưng nếu không quá khắt khe thì nghĩa của câu “chế độ đã nhất định từ trước” và “các qui định đã có sẵn” không khác nhau lắm và không ảnh hưởng tới nội dung chính của bài viết nên tạm xin gác lại ở đây.
Thứ hai, chuyên môn của tôi là nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tài chính và người làm khoa học trong lĩnh vực chuyên môn cũng ít có cái gọi là tâm lý kỳ thị địa phương hay niềm hãnh tiến của người thắng trận gì đó, trong trường hợp cụ thể của tôi ở bài viết này lại càng không. Nếu bài viết của tôi làm cho ông hiểu lầm thì cũng xin nói lại để ông rõ. Tôi có lấy ví dụ như thế là do từ này thường được các nhà nghiên cứu ở Miền Nam trước năm 1975 ở dùng, chẳng hạn TS. Nguyễn Văn Ngôn có viết quyển Các định chế tài chính [1] . Trong khoa học, vấn đề quan trọng là cái đó chính xác hay không chính xác chứ không phải ở chỗ cái đó do tác giả có nổi tiếng hay không, quê quán ở đâu… viết.

Thứ ba, như ông đã sửa lại giúp tôi, theo Từ điển Hán-Việt của cụ Đào Duy Anh, “định chế” là “chế độ đã nhất định từ trước” và cũng theo Từ điển này “chế độ” là “phép tắc định lập rõ ràng”. Còn theo Đại từ điển tiếng Việt - Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa-Thông tin, 1998 - thì “tổ chức” (dt) là: tập hợp người được tổ chức theo cơ cấu nhất định để hoạt động vì lợi ích chung. Như vậy theo tôi, nghĩa hai từ này không giống nhau và từ “định chế” không dùng để chỉ và cũng không bao hàm nghĩa rộng hơn của từ “tổ chức” (dt) như ông có viết [2] . Do đó, “các định chế tài chính” (các qui định, phép tắc, chế độ trong lĩnh vực tài chính) không tương đương và không bao hàm nghĩa của “các tổ chức tài chính” (các tổ chức hoạt động và làm nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính). Như trong bài viết trước của tôi đã dẫn chứng, thuật ngữ “financial institutions” trong tiếng Anh chuyên ngành tài chính được dùng để chỉ các “tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng” nên tôi vẫn cho rằng không thể dùng “các định chế tài chính” để dịch “financial institutions” vì nghĩa hai cụm từ này không tương đương.

Vài lời nói lại cùng ông và cuối cùng vẫn xin nói thêm là những điều tôi đã viết về thuật ngữ “định chế tài chính” hoàn toàn chỉ đứng trên khía cạnh khoa học chứ không có ý kỳ thị hay phân biệt Nam-Bắc gì cả, mong ông không hiểu lầm và hy vọng nhận được những ý kiến của ông trong lĩnh vực chuyên môn.

© 2005 talawas



[1]Hiện nay, Trường Đại học ngân hàng TP. Hồ Chí Minh có một khoa tên là “Khoa Quản trị các định chế tài chính” (Faculty of Financial Institutions Management).
[2]Theo thiển ý của tôi, sự liên quan giữa “định chế” và “tổ chức” có thể hiểu là từ các “định chế” (phép tắc, qui định, chế độ) nào đó người ta thiết lập nên các “tổ chức” nhất định và các “tổ chức” này hoạt động theo các “định chế” đó. Ở đây cũng xin nói thêm là tôi không thuộc chuyên ngành ngôn ngữ học nên nếu đúng là “định chế” bao hàm nghĩa rộng hơn một “tổ chức, cơ quan” như ông Phạm Đỉnh đã viết thì xin bạn đọc nào biết chỉ dẫn giúp tôi