trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
26.12.2003
Trần Doãn Nho
“National Book Award” 2003:
đụng độ văn chương bình dân - văn chương cao cấp
 
  • Shirley Hazzard, giải tiểu thuyết với truyện dài "The Great Fire", một chuyện tình Úc - Nhật diễn ra trong khung cảnh tàn phá của thời kỳ sau thế chiến thứ hai ở Nhật. "The Great Fire" được viết trong hơn 10 năm và là tác phẩm đầu tiên của bà sau 20 dài vắng bóng trên văn đàn.
  • Carlos Eire, người Mỹ gốc Cuba, giải phi hư cấu (non-fiction) với tác phẩm: "Waiting for Snow in Havana: Confessions of a Cuban Boy".
  • C.K. Williams, giải thơ với tác phẩm "The Singing", một tuyển tập thơ đề cập đến tuổi già và ký ức.
  • Polly Horvath, giải thưởng văn chương dành cho giới trẻ, với tác phẩm "The Canning Season", kể chuyện một cô gái sống với hai bà cô già sinh đôi.

Ngoài ra, ban tổ chức còn trao huân chương vinh danh thành tích trọn đời (lifetime achievement) cho Stephen King, nhà văn viết truyện bình dân hàng đầu của Hoa Kỳ, vì "đóng góp xuất sắc" của ông vào nền văn chương xứ sở này. Ðây là lần đầu tiên giải thưởng này được dành cho một tác giả nổi tiếng về loại sách phổ thông như truyện kinh dị, khoa học giả tưởng và truyện ly kỳ. Theo đánh giá của nhiều người, rất ít tác phẩm của King có giá trị văn chương.

Thế là King được sắp xếp ngồi cùng chiếu với những nhà văn đương đại Hoa Kỳ "thứ thiệt": John Updike, Arthur Miller, Philip Roth và Toni Morrison - những nhà văn đã từng được trao tặng huân chương vì "đóng góp xuất sắc" của họ nhiều năm trước đó. Lễ trao tặng huân chương sẽ được chính thức tổ chức vào ngày 19 tháng 11 tại New York.

Qua một số các cuộc phỏng vấn khác nhau với những thành viên ban điều hành và giám đốc của Quỹ sau khi loan báo người được giải vào hôm 15/9, người ta được biết trong số những lý do đưa đến quyết định chọn King, chỉ có một lý do dính líu đến văn chương: King có một kỹ năng kể chuyện xuất sắc. Các lý do khác hoàn toàn liên quan đến những chuyện phi văn chương: nhiệt tình khuyến khích những nhà văn chưa thành danh tiếp tục viết; tặng nhiều quà cho các thư viện và trường học; số lượng ấn bản khổng lồ các tác phẩm của King đã được in ra và phổ biến tới nhiều giới khác nhau; ảnh hưởng văn hóa gây ra do việc nhiều tác phẩm của King được đóng thành phim và truyền hình. Và còn có một lý do khác không ai nói ra: đó là các nhà xuất bản - những kẻ tài trợ chính cho giải - gây áp lực với quỹ nhằm khuấy động dư luận trong mục đích lôi kéo sự chú ý của dư luận đến giải thưởng và đọc sách nói chung và tất nhiên do đó, sẽ tăng gia lợi nhuận. Như ta biết, giải National Book Award chỉ chiếm một vị trí khiêm nhường so với các giải khác văn chương quốc gia và quốc tế khác như Pulitzer (Mỹ) hoặc Booker (Anh) và tất nhiên Nobel.

Nhiều thành viên ban điều hành cho biết họ tin rằng đây là thời điểm thích hợp để giải thưởng bắt đầu định nghĩa "văn chương Hoa Kỳ" trên một phạm vi rộng lớn hơn chỉ là một loại văn chương hư cấu chỉ dành cho tầng lớp ưu tú. "Giải thưởng phải nắm lấy nhiều cơ hội hơn và thăm dò những lãnh vực khác nhau của sáng tác", Isisara Bey, một tân thành viên của Ban điều hành giải cho biết.

King phản ứng thế nào trước tin này? Ông cho biết ông không hề sửa soạn cho một vinh dự loại này. "Khi tôi còn trẻ, tôi thường nghĩ là sẽ rất dễ dàng để kết hợp loại tiểu thuyết bình dân với tiểu thuyết văn chương. Những thời gian trôi qua và khi tôi già đi, tôi bắt đầu nhận ra rằng thực sự là quá khó. Tôi bắt đầu hiểu ra lý do tại sao có nhiều người đã chống đối lại điều đó", King thành thật cho biết. Ông nhớ lại ông đã từng nghe các học sinh cho biết thầy giáo của họ đã gọi ông là một thứ "nhà văn kinh khủng viết thuê" (hack terrible writer). Ông tiếp: "Sau 25 năm, nhận được vinh dự này quả là quá sức thích thú. Khi nghe tin được giải, tôi nổi da gà (vì sửng sốt)! Ðây có lẽ là điều thú vị nhất xảy đến cho tôi với tư cách là một nhà văn chuyên nghiệp kể từ khi tôi in cuốn đầu tiên". King cho biết là ông sẽ tặng trở lại giải thưởng trị giá 10 ngàn đô la cho Quỹ để hỗ trợ cho các chương trình giao tiếp văn chương dành cho trẻ em và thanh thiếu niên khắp xứ sở.

Stephen King, năm nay 55 tuổi, in cuốn tiểu thuyết đầu tiên vào năm 1974: "Carrie" Từ đó đến nay, có hàng chục cuốn khác ra đời với số lượng ấn bản bán ra khoảng 300 triệu và hầu hết đều được đóng thành phim truyện và phim truyền hình. Có đến 70 phim được sản xuất dựa trên các tác phẩm của King, một kỷ lục thế giới được ghi vào sách Guinness.

Còn phản ứng của văn giới Hoa Kỳ thì như thế nào?
Tuy không bằng lòng, nhưng nói chung, văn giới tỏ vẻ thận trọng, không có phản ứng đồng loạt. "Cái từ "đóng góp xuất sắc" nghe có gì không ổn, nhưng phải nhận rằng ông ta là một nhà văn viết truyện bình dân giỏi. Chẳng biết đó có phải là ý định mới lạ của giải hay không, nhưng ai mà biết về cái gì gọi là mới lạ?", một nhà văn phát biểu. Cựu giám đốc nhà xuất bản "Simon & Schuster", Richard Snyder, nói: ''Ông ta bán nhiều sách thật đấy. Nhưng đó có phải là văn chương không? Theo tôi là không!"'

Phản ứng quyết liệt nhất có lẽ là từ Harold Bloom qua bài viết "For the World of Letters, It's Horror" (Thật là một điều khủng khiếp đối với văn giới) trên tờ "Los Angeles Times" ngày 19/9/2003. Bài này được tờ Boston Globe in lại hôm 24/9/03 với một tựa đề khác: "Dumbing down American readers". Xin dịch nguyên văn sau đây:

"Quyết định trao giải thường niên National Book Award cho Stephen King do có "đóng góp xuất sắc" là rất khác thường, một mức hạ thấp khác trong tiến trình tệ hại phá sập nền văn hóa của chúng ta. Trước đây, tôi đã diễn tả King như là một nhà văn viết truyện khủng khiếp thuộc loại ba xu (penny dreadfuls), nhưng như thế có lẽ cũng đã quá tử tế. Ông ta chẳng có chút tương đồng nào với Edgar Allan Poe. Ông ta đúng là một thứ nhà văn vô cùng bất toàn trên căn bản từng câu, từng đoạn và từng cuốn.

Kỹ nghệ xuất bản đã hạ thấp giá trị của mình khi trao tặng cho King giải thưởng trọn đời, loại giải thưởng vốn trước đây đã trao cho các nhà văn Saul Bellow, Philip Roth và kịch tác gia Arthur Miller. Trao giải thưởng đó cho King, họ chẳng thừa nhận cái gì ngoài giá trị thương mại của những cuốn sách của ông ta, loại sách bán hàng triệu ấn bản nhưng chẳng có chút gì nhân bản ngoài việc giúp cho giới xuất bản khỏi bị phá sản. Nếu điều này là tiêu chuẩn chọn lựa trong tương lai, thì có lẽ giải thưởng của nó năm tới dành cho sự đóng góp xuất sắc sẽ trao cho Danielle Steel, và chắc chắn giải Nobel văn chương sẽ trao cho J.K. Rowling.

Cái đang diễn ra thuộc về một hiện tượng mà tôi đề cập đến khoảng hai năm trước đây khi có người muốn biết ý kiến của tôi về Rowling. Tôi đến tiệm sách của Yale, mua cuốn "Harry Potter and the Sorcerer's Stone" để đọc thử. Thật là đau khổ khi đọc nó. Lối viết quá kinh khủng; tác phẩm thì khiếp đảm. Khi đọc, tôi để ý mỗi lần mà nhân vật ra ngoài đi dạo, tác giả lại viết nhân vật "thư dãn đôi chân" (the character "stretched his legs"). Tôi bắt đầu đánh dấu vào phía sau của một chiếc phong bì mỗi khi mà câu đó lập lại. Tôi chỉ ngừng lại khi chiếc phong bì được đánh dấu đến hàng chục lần. Tôi không còn nghi hoặc gì nữa. Ðầu óc của Rowling đã ngập đầy những lời sáo rỗng và những ẩn dụ xơ cứng đến nỗi bà ta chẳng còn có lối viết nào khác.

Nhưng khi những điều này xuất hiện trên báo thì người ta nhao nhao phản đối. Người ta bảo rằng trẻ con bây giờ chỉ có thể đọc Rowling và rằng sau rốt, thà có đọc chẳng tốt hơn là không đọc gì cả hay sao? Nếu Rowling là cái khiến cho trẻ em phải cầm cuốn sách mà đọc, đó chẳng là điều tốt hay sao?
Không. "Harry Potter" sẽ không hướng dẫn trẻ em đến chỗ đọc "Just So Stories" hoặc "Jungle Book" của Kiplings. Nó sẽ không dẫn trẻ em đến chỗ đọc "Thirteen Clocks" của Thurber hay "Wind in the Willows" của Kenneth Grahame hoặc "Alice" của Lewis Carroll.

Sau này tôi có dịp đọc được một bài điểm sách Harry Potter đầy thiện cảm và rộng lượng do chính ông Stephen King viết. Ông ta viết đại khái như thế này: "Nếu những đứa bé này đã đọc Harry Potter lúc 11 hay 12 tuổi, thì khi lớn lên chúng sẽ tiếp tục đọc Stephen King". Ông ta hoàn toàn có lý. Ông ta không tự trào đâu. Khi người ta đọc "Harry Potter" thì tất là người ta được huấn luyện để đọc Stephen King.

Xã hội chúng ta, nền văn chương và văn hóa của chúng ta đang bị phá sập mà nguyên nhân thì rất phức tạp. Tôi đã 73 tuổi rồi. Trong suốt một đời dạy Anh Văn, tôi đã nhìn thấy nghành nghiên cứu văn chương xuống cấp. Có rất ít nghiên cứu khoa học nhân văn tồn tại. Hai năm trước đây, có lần, người phụ tá nghiên cứu của tôi kể rằng bà ấy tham dự một buổi hội thảo trong đó có một nhà giáo dành cả hai tiếng đồng hồ để tố cáo Walt Whitman là một tay kỳ thị chủng tộc. Cái đó không chỉ là hoàn toàn vô nghĩa thôi đâu. Mà là không thể chịu đựng nổi.

Lúc mới đi dạy, tôi là một học giả nghiên cứu về các nhà thơ lãng mạn. Vào những năm thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, ai cũng thừa nhận rằng những nhà thơ lãng mạn vĩ đại của nước Anh là Percy Bysshe Shelley, William Wordsworth, Lord Byron, John Keats, William Blake, Samuel Taylor Coleridge. Nhưng ngày nay đó lại là Felicia Hemans, Charlotte Smith, Mary Tighe, Laetitia Landon và của những kẻ ngay cả chẳng viết được gì. Một kịch tác gia hạng bét như Aphra Behn lại được dạy thay vì là Shakespeare trong nhiều chương trình khắp xứ sở.

Mới đây, trong tang lễ của người bạn cũ của tôi là Thomas Green ở đại học Yale, có lẽ là học giả nổi tiếng nhất nghiên cứu về văn chương Phục Hưng thuộc thế hệ của ông, tôi nói "Tôi sợ rằng một cái gì quý giá đã mất đi vĩnh viễn".

Ngày nay, có bốn nhà văn Hoa Kỳ còn sống mà tôi biết họ vẫn còn sáng tác và xứng đáng được chúng ta ca ngợi. Thomas Pynchon vẫn còn viết. Bạn tôi, Philip Roth, người đã từng đoạt giải thưởng "đóng góp xuất sắc" như King, là một hài kịch gia vĩ đại và chắc chắn là sẽ còn tìm ra nhiều điều khôi hài để bàn luận. Còn có Cormac McCathy, mà truyện dài "Blood Meridian" đáng xem là một loại "Moby-Dick" của Herman Melville và Don DeLillo mà "Underworld" là một tác phẩm vĩ đại.

Ấy thế mà, giải thưởng năm nay lại rơi vào tay King. Thật là một lầm lẫn kinh khủng".

Trong lúc đó, trong một bài báo đăng trên tờ USA Today ngày 9/10/03, Samuel Freedman, giáo sư báo chí tại đại học Colombia và cũng là nhân viên biên tập của tờ báo, lên tiếng bênh vực King. Sau khi than phiền về những lời bêu riếu và sỉ nhục King của một số người được phổ biến trên báo chí, Freedman viết:

"Có lẽ những người này (ý chỉ Bloom và những người đồng quan điểm với ông) cư ngụ ở một vũ trụ độc giả và nhà văn khác hơn vũ trụ của tôi. Là tác giả của bốn cuốn sách và là giáo sư chuyên dạy về các tác phẩm không-hư cấu (non-fiction), tôi biết rất rõ về sự tranh đấu không những để tạo ra một tác phẩm mà cũng còn tìm cho nó một số lượng độc giả nhỏ nhoi nào đó. Tôi không muốn nói đủ độc giả để làm giàu hoặc được nằm trên danh sách bestseller. Tôi muốn nói đủ độc giả để thuyết phục nhà xuất bản dành cho tôi hợp đồng kế tiếp.

Sự kiện 40 tác phẩm của King đã lôi cuốn hàng triệu người bước vào việc đọc sách là một lý do quá sức chính đáng để vinh danh ông ấy. Nếu các tác phẩm của ông thuyết phục được người ta tắt truyền hình, tắt máy vi tính, tắt máy nghe nhạc và khám phá những thế giới tưởng tượng được gợi nên từ các con chữ, rồi ông duy trì được những điều cần thiết và những điều mà, đối với nhiều người thực hành nó, thường cảm thấy mỏng manh và dễ thương tổn".

Freedman kết luận: "Lịch sử sẽ đưa ra bản phán quyết cuối cùng về thành tích văn chương của King".

Ðâu phải chỉ có nước Việt Nam chậm tiến của chúng ta mới loay hoay với những câu hỏi tưởng như đã được giải quyết từ đời nảo đời nào: thế nào là văn chương?

*


Buổi lễ trao giải thưởng cho các tác giải đoạt giải "National Book Award" năm 2003 đã được tổ chức vào tối ngày 19/11/2003 tại khách sạn Manhattan, New York với sự hiện diện của khoảng 900 quan khách gồm có nhiều nhà văn nhà thơ và nhà biên khảo cùng những người hâm mộ văn chương. Buổi lễ được tổ chức rất rình rang, vừa để đánh bóng cho ngành xuất bản vừa là một buổi quyên tiền dành cho quỹ giáo dục của giải. Giá chỗ ngồi của một tham dự viên là 1000 đô la. Riêng Stephen King đã "order" trước 5 bàn, mỗi bàn giá 12.000 đô la dành riêng cho thân nhân và bạn bè của ông đến dự.

Ðáng chú ý nhất trong buổi lễ là hai bài diễn văn, một của King và một của bà Shirley Hazzard.

Mặc dầu đang bị bệnh, chân vẫn còn đi cà nhắc kể từ khi bị tai nạn xe hơi cách bốn năm, và bác sĩ khuyên không nên rời bệnh viện, nhưng King vẫn cố gắng tham dự buổi lễ. Nhà văn viết truyện bình dân này đuợc khán giả hiện diện nồng nhiệt chào đón khi ông lên khán đài đọc bài diễn văn nhận giải. Bài diễn văn của King khá dài, hài hước, dí dỏm, tình cảm đồng thời cũng hàm chứa một thách thức gửi đến những người bài bác việc trao giải thưởng cho ông. King thừa nhận một số người cho rằng ông không xứng đáng nhận giải thưởng văn chương trọn đời vì những "đóng góp xuất sắc" cho nền văn học Hoa Kỳ, giải mà những nhà văn như Philip Roth và Arthur Miller đã từng nhận trước đây. Nhưng ông chẳng xem là quan trọng khi "có những kẻ lấy làm kiêu hãnh khi khoe rằng họ chẳng hề thèm đọc những tác phẩm do John Grisham, hay Tom Clancy hay Mary Higgins Clark hay bất cứ nhà văn bình dân nào, kể cả ông, viết ra".(...) Các quý vị ấy nghĩ rằng họ có thể lấy điểm hàn lâm được là nhờ ở chỗ không thèm quan tâm đến nền văn hóa riêng của các quý vị!". King thúc giục ban điều hành giải hãy tiếp tục cố gắng bắt một nhịp cầu giữa cái gọi là truyện hư cấu bình dân (the so-called popular fiction) và cái gọi là truyện hư cấu văn chương (the so-called literary fiction). Theo ông, đừng lập lại cách làm cũ, nghĩa là đừng có trao giải cho ông một cách tượng trưng, một loại tôn vinh cá biệt chỉ thuần dành cho những ai viết lách với mục đích thương mại. Ông còn kêu gọi mọi người hãy đọc loại truyện bình dân như truyện của ông tiến tới xóa bỏ ranh giới giữa hai loại tiểu thuyết. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với ..., King chống lại sự phân chia độc đoán tồn tại từ lâu giữa những tác phẩm best seller (như của ông) và những tác phẩm được đề cử tham gia giải "National Book Award", giải mà King chưa hề được đề cử. Ông thừa nhận rằng, không phải tất cả trong hơn 40 tác phẩm của ông - hầu hết đều là best seller - là văn chương. "Một số là để giải trí, nhưng có một số là văn chương. Nhưng không nên bắt tôi phải định nghĩa văn chương là gì", ông nói.

Tiếp theo King, trong một bài phát biểu ngắn gọn và khiêm tốn, Hazzard, 72 tuổi, người Úc, cho biết là bà không đồng ý với King về lời kêu gọi mọi người nên dành nhiều thời gian hơn để đọc những tác phẩm như tác phẩm của ông. "Tôi không cho rằng mang cho chúng tôi danh sách của những tác giả và tác phẩm được đọc nhiều nhất hiện nay là điều hay", bà nói. Bà cho biết bà chẳng có thì giờ để gắng đọc bất cứ thứ tác phẩm nào như thế. Bà thích đọc Shakespeare và Joseph Conrad. "Tôi không xem văn chương như một cuộc thi đấu".

Sự tương phản giữa King và Hazzard tại buổi lễ, lại một lần nữa, dấy lên sự tranh cãi trong văn giới Hoa Kỳ về "văn chương là gì?". Lên tiếng binh vực King lần này có mặt của nhiều giáo sư đại học và một số nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng khác. Chẳng hạn như Jim Farrelly và hàng chục sinh viên trong nhóm nghiên cứu về loại văn chương gọi là "văn chương ma thuật" (occult-literature) tại đại học Dayton ở Ohio. Họ không ngần ngại gọi King là một sứ giả văn hóa đích thực (cultural emissary). Có người còn so sánh King với những nhà văn cao cấp như Edgar Alan Poe, Shakespeare, Charles Dickens, Faulkner, Mark Twain. Một số khác thì có quan điểm trung dung. Họ cho rằng King là kẻ đứng giạng chân giữa hai thế giới văn chương: cao cấp và bình dân. Trong các tác phẩm của King cũng chứa đựng những đề tài nhân bản mà các tác phẩm văn chương cao cấp đề cập như thiên đàng đã mất, những đau khổ nhân sinh, thân phận con người, sự cám dỗ, lừa dối, thiên thần sa đọa, vân vân.

Alan Cheuse, nhà bình luận sách thuộc cơ sở phát thanh toàn quốc Hoa Kỳ "National Public Radio" (NPR) trong chương trình "All Things Considered", nhận xét rằng việc các tác phẩm của King được quần chúng ưa chuộng "là một di sản chỉ dành cho chính nó". Theo ông, không nên xem việc trao giải cho King là một cách xếp ông ta nằm trong hàng ngũ của những Toni Morrison hay Arthur Miller hay ai khác cùng loại. "Ðiều đó chỉ muốn chỉ ra rằng ông ta là một động lực chính lôi cuốn người ta đọc tiểu thuyết...Người ta dùng ông như một loại dê tế thần (Judas goat) để hướng dẫn độc giả tìm đọc những gì có vẻ nghiêm túc hơn".

À, ra thế! Rốt cuộc, phải chăng việc tranh cãi về "văn chương là gì" chỉ là một thủ thuật quảng cáo mà kỹ nghệ xuất bản ở xứ này tìm cách đẻ ra qua việc trao giải cho King.

Vậy thì Stephen King, hay chính "National Book Award" mới là một "Judas goat"?
Nguồn: Tin Văn, tạp chí Văn Học, California, tháng 11.2003 + tháng 12.2003 & tháng 1.2004