trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
7.2.2005
Phạm Đỉnh
Lại bàn chuyện chữ nghĩa chung quanh cụm từ “định chế tài chính”
 
Xin đáp lễ ông Trần Kiên một lần nữa để bàn thêm về cụm từ “định chế tài chính”.

Đúng như ông Trần nhận định, đây là một chuyện chữ nghĩa. Thái độ khoa học yêu cầu là một khái niệm nào đó cần được nhìn nhận cho đúng để chuyển đạt ra ngôn từ cho được chuẩn xác.

Nói về cụm từ “định chế tài chính” thì theo từng tầng bậc cấu tạo từ, có hai từ ghép Hán Việt ghép với nhau theo quan hệ chính phụ: định chế + tài chính. Trong hai từ ghép này, từ mấu chốt là “định chế”; từ ghép này lại gồm có hai từ “định” và “chế”. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng từ này là “chế độ đã nhất định từ trước”. Giảng như thế thì quả là ngắn gọn, nhưng chưa hẳn là gãy gọn. Chế độ ở đây chỉ cái gì? Tôi hiểu nghĩa từ “chế độ” = “những phép tắc định lập rõ ràng” trong bối cảnh học thuật những năm 1930, chưa có ý nghĩa nặng tính cách pháp lí, hành chính như thời sau này. Những phép tắc định lập như thế có thể là những “luật”, nhưng cũng có thể là những “lệ”, những “lề thói”.

Khi chúng ta nói đến những “quy định”, những “phép tắc”, những “chế độ” trong bối cảnh thời nay thì cách hiểu có nghiêng về mặt pháp lí, hành chính, và “định chế” được nhìn ở khía cạnh những nguyên tắc pháp lí của một tổ chức chuyên môn.

Khi chuyển dịch từ “institution” sang tiếng Việt, những nhà chuyên môn trước đây đã dựa vào khái niệm mà các từ điển phương Tây giảng nghĩa khá thống nhất. Xin lấy vài thí dụ từ những từ điển mới nhất để cho thấy là cách hiểu của nhà chuyên môn Việt Nam trước đây và trong từ điển đều khá thống nhất:

Từ điển Oxford’s Advanced Learner’s Dictionary (bản kì 5, 1995) giảng nghĩa như sau: “Institution: 1. (a) an organisation established for social, educational, religious, etc. purposes, eg. a university: a financial /political institution. (b) an organisation for helping people with special needs, eg. a home for old people: a mental institution o living in an institution. 2. an established custom, practice or group of people, eg. a society: the institution of marriage o Sunday lunch is a time-honoured institution in our family o the Institution of Environmental Health Officers. 3. a person who is a very familiar figure to some activity or place: When I joined the company ten years ago Mr Harris was already an institution. 4. the action or process of establishing or starting sth: the institution of new safety procedures.” Các nghĩa 1, 2 và 4 có ý chỉ những lề thói, những tổ chức thiết lập ra để lo dịch vụ công chúng; không có ý nói gì đến những quy định có tính cách pháp lí hay hành chính.

Từ điển Collins Cobuild English Language Dictionary (1st edition, 1992) giảng như sau: “Institution: 1. An institution is 1.1 something such as a custom or a system that is considered an important or typical feature of a particular society or group, usually because it has existed for a long time. eg. She has no objections to the institution of marriage, as such... They adopted western culture, institutions, and even clothing. 1.2 a large important organisation of a particular type mentioned, for example a university, bank, or church. eg. These universities accept lower grades than the more prestigious institutions... financial institutions.... institutions (typically trade unions) which control the supply of labour. 1.3 a building where certain people are kept or looked after, for example, people who are mentally ill or children who have no parents. eg. He may end up in a mental institution... This has given children in institutions in a better chance of being adopted. 2. The institution of a new system is the act of starting it or bringing it in. eg. The institution of life peerages has quickened proceedings in the House of Lords considerably.” Nghĩa 1.1 (những tập tục đã thiết lập lâu đời), 1.2 (một tổ chức lớn thuộc từng môn loại đặc biệt), và nghĩa 2 (việc đặt ra những quy lệ để mọi người theo) như thế cũng không khác gì bộ từ điển trên.

Cả hai định nghĩa trong hai bộ từ điển trên đều không nói đến những quy định pháp lí hay những luật lệ liên quan đến việc điều hành hoạt động các tổ chức, mà chỉ nói đến những thiết định xã hội có thể do truyền thống tập tục mà định hình hoặc do pháp lệnh nhà nước mà có. Theo nghĩa đó, những thiết chế xã hội như thế đều mang tính khái quát chứ không nói về một tổ chức cơ quan cụ thể nào. Khi nói định chế giáo dục ở xứ mình chẳng hạn, thì chúng ta muốn nói đến các định chế về trường học, về các trung tâm hướng nghiệp, các trung tâm khảo thí, đào tạo... chứ không muốn nói về cụ thể trường Chu Văn An, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chẳng hạn. Cũng thế, định chế tài chính không nói riêng về một tổ chức một cơ quan tài chính nào, mà nội dung của khái niệm “định chế” bao gồm các tổ chức chuyên khoa về tài chính, như quỹ tín dụng, các loại ngân hàng, quỹ bảo hiểm,...

Hiểu như thế cũng khá phù hợp với định nghĩa sau đây về “financial institution” trong một Bảng tra thuật ngữ kinh tài của Bộ Tài chính Canada:

financial institution (institution financière): Institution such as a commercial or investment bank, trust company, brokerage house, insurance company, credit union or caisse populaire that participates in financial transactions involving cash or financial products, normally in the role of intermediary. The primary role of these institutions is to facilitate the financing of investments, from home mortgages to the raising of funds via the issue of debt or equity for financing mega-projects. They also provide insurance, take on fiduciary responsibilities, store cash and securities for safekeeping, etc. [một định chế như là ngân hàng thương mại và đầu tư, công ti tín dụng, chứng khoán, công ti bảo hiểm, liên hiệp tín dụng hay quỹ phổ thông, có can dự vào chuyển khoản tiền bạc và các dạng chuyển khoản tài chính, thường là ở vai trò trung chuyển. Vai trò chủ yếu của những định chế này là tạo điều kiện để tìm quỹ đầu tư, từ dạng tiền thế chấp nhà cửa đến gây quỹ từ việc cho vay nợ hay tiền lại từ các kế hoạch tài chính lớn. Các định chế này cũng cung ứng bảo hiểm, giữ trách nhiệm kí thác, lưu trữ và giữ an ninh cho các khoản tiền mặt kí gửi, vân vân.] Hoàn toàn không chú trọng đến mặt quy định pháp lí, nguyên tắc điều hành của các tổ chức kinh tài được nêu ra làm minh hoạ cho định nghĩa.

Trong khi đó, định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học chẳng hạn, xem ra lại chú ý đến mặt “quy định pháp lí đối với một vấn đề nhất định”, như thế là hiểu lệch nội dung khái niệm “định chế” mà các nhà nghiên cứu đi trước đã chọn để dịch khái niệm “institution” của phương Tây. Ông Trần cũng chọn cách hiểu “định chế” là “các quy định, phép tắc, chế độ”, nghĩa là những lề luật, nguyên tắc điều hành và sinh hoạt của các tổ chức. Vấn đề là: đâu là nội dung đúng của khái niệm “định chế”? Có thể nào trộn lẫn một định chế xã hội với những quy định phép tắc của các định chế đó không?

Chúng tôi nghĩ là các nhà chuyên môn cần theo nguyên tắc mà Hoàng Xuân Hãn đề nghị khi tìm chọn một định nghĩa cho một khái niệm khoa học và tìm một từ thích hợp để chuyên chở nội dung chính xác của khái niệm đó. Đây là vấn đề đặt ra cho không những các nhà khoa học các ngành liên quan mà còn cho cả nhà làm từ điển nữa. Vì trong khoa học, mỗi danh từ mỗi thuật ngữ cần diễn tả đúng một ý, một khái niệm liên quan; và một thuật ngữ cần phải thích hợp cho các ngành khoa học khác nhau: “định chế” trong cụm từ “định chế giáo dục” phải có cùng khái niệm và nội dung như trong “định chế tài chính” thì mới xác đáng. Và vì thế tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm mà ông Trần Kiên vừa nói rất rõ trong bài viết hôm 3.2.05, nghĩa là không để việc làm khoa học bị vướng mắc vào những định kiến ngoài khoa học.

© 2005 talawas