trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
28.2.2005
Henning Hoff
Al Jazeera, truyền hình Ả Rập đã tấn công thế giới ra sao
T.L. dịch
 
Đài truyền hình Al Jazeera chắc sắp cần tiêu đề quảng cáo mới! Đến nay, kênh vệ tinh từ Qatar, Ả Rập này vẫn đưa ra câu hỏi tinh nghịch: Nhà nhà đều xem CNN. Còn CNN thì xem đài nào? và cung cấp luôn câu trả lời: Thì CNN xem Al Jazeera! Bắt đầu từ mùa thu năm nay, tình hình sẽ xoay chuyển, và mọi nhà sẽ đều xem Al Jazeera.

Đài Al Jazeera International dự định sẽ phát hình đi khắp thế giới trước tháng mười một. Với một chương trình Anh ngữ thường trực hai mươi bốn tiếng, họ muốn chiếm lĩnh thế giới phương Tây, sau khi đã nắm trọn vùng Ả Rập.

Thế là các đài CNNBBC World hay FoxSkyNews sẽ có đối thủ cạnh tranh ngay ở sân nhà, chứ không phải chỉ từ Marocco đến Mã Lai, nơi mà Al Jazeera đã chiếm thế thượng phong với con số từ 35 đến 50 triệu khán giả.


Một bí mật được giữ kín

Chi tiết dàn dựng chương trình Anh ngữ này đến nay vẫn là một bí mật được giữ kín. Văn phòng Luân Đôn với hai chuyên gia truyền hình phương Tây, được giao nhiệm vụ khởi công từ mùa thu năm ngoái, đến nay vẫn im ỉm kín tiếng. Một là Paul Gibbs, trước kia là tổng biên tập phần tin tức thời sự của đài BBC, người kia là Steve Clark, cựu giám đốc của Middle East Broadcasting Centre, chính là cơ sở truyền hình đã biến thành Al Arabiya, đối thủ chính của Al Jazeera, vào năm 2003. Ngay cả Nigel Parsons, một cựu giám đốc của phân nhánh truyền hình thông tấn xã AP, hiện đóng bản doanh tại Doha và là người chịu trách nhiệm toàn bộ công trình, cũng chưa lên tiếng bình luận gì.

Thật ra dự định phát triển thêm chương trình Anh ngữ cũng không phải là điều gì mới mẻ. Năm 1998, hai năm sau khi thành lập Al Jazeera (nghĩa là Hòn đảo hay Bán đảo Ả Rập), đã có những lời đồn đại đầu tiên về dự định này, nhưng những bước thực hiện thì cứ bị trì hoãn. Bước đầu tiên của cái đài truyền hình chẳng khác gì một hộp diêm, theo miêu tả của vài người khách từng ghé thăm trụ sở chính của đài ở Qatar, là phát triển thành một kênh truyền hình 24/24 tiếng đồng hồ một ngày, rồi mở một trang web năm 2001, tiếp theo là kênh thể thao và dịch vụ nhắn tin. Đúng vào thời điểm chiến tranh Iraq bùng nổ 2003, Al Jazeera đã hiện diện qua trang tin tức internet bằng Anh ngữ. Một chương trình cho thiếu nhi và một kênh phim tài liệu hiện đang ở giai đoạn dự thảo.

Theo Hugh Miles, ký giả độc lập đồng thời là tác giả quyển Al Jazeera, truyền hình Ả Rập đã tấn công thế giới ra sao (Abacus) mới xuất bản, trong đó đã diễn tả chi tiết về lịch sử đáng ngạc nhiên của đài truyền hình này, thì: „Al Jazeera đang muốn chuyển mình từ một enfant terrible của giới truyền thông thành một thực thể được quốc tế công nhận. Kênh phát bằng tiếng Anh của nó sẽ được trình bày với một hình thức nhắm vào công chúng phương Tây và có thể sẽ rất khác với đài mẹ mà theo cái nhìn của thế giới bên này thì còn hơi có phần cổ lỗ và khá đơn giản.“

Trước hết, kênh Anh ngữ của Al Jazeera sẽ nhắm vào các khán giả tại Hoa Kỳ và Anh Quốc. Tại đó cũng như ở các nước châu Âu khác, Al Jazeera đã đạt được số khán giả hâm mộ đáng kể trong số những người nhập cư sử dụng ngôn ngữ Ả Rập. Với số cộng tác viên sẽ lên đến khoảng 200, Al Jazeera International có thể dựa vào cơ sở sẵn có là 23 văn phòng trên khắp thế giới. Các bản doanh chính sẽ được đặt tại Doha, Luân Đôn, Hoa Thịnh Đốn và Kuala Lumpur.

Sự chấp nhận rộng rãi trên khắp thế giới sẽ là một thành công rực rỡ của đài truyền hình vốn gây nhiều tranh cãi hơn bất cứ đài quốc tế nào khác này. Từ khi thành lập năm 1996, dưới sự tài trợ của ông hoàng Hamad bin Khalifa Al-Thani, Tiểu vương Qatar, người đã cho các ký giả được hoàn toàn tự do hoạt động, Al Jazeera luôn gây mâu thuẫn. Quan điểm cực đoan về tự do ngôn luận và tự do tư tưởng của đài lúc đầu đã khiến các nhân vật quyền lực của toàn khu vực chống đối. Sau biến cố 11.9.2001, chính quyền Hoa Kỳ lại nhẩy vào chỉ trích kịch liệt rằng đường lối tường thuật của đài chứa nhiều dụng ý, tuyên truyền và dối trá.

Qua những chiến cuộc mới đây, các văn phòng của đài tại Kabul và Baghdad đều bị phá tan tành, tuy đài đã luôn thông báo với Ngũ Giác Đài về vị trí hoạt động của các phóng viên của mình. Hiện nay, Al Jazeera vẫn không được chính thức tường thuật từ Iraq. Mùa hè vừa qua, chính phủ lâm thời của Iyad Allawi đã hạ lệnh đóng cửa văn phòng đại diện của đài. Gần đây nhất, tổ chức Phóng viên không biên giới đã lên tiếng chỉ trích nặng nề các biện pháp ngày càng gây cản trở cho hoạt động cho đài.

Một mặt, chương trình tin tức của đài này được xem là chính xác và chuyên nghiệp. Mặt khác, trong các chương trình tranh luận, nó lại cho phép mọi khuynh hướng cực đoan, kể cả chủ nghĩa bài Do Thái trắng trợn, được quyền hiện diện. Hugh Miles nhận định: „Thí dụ, rõ ràng là cách tường thuật của Al Jazeera đã gây thêm khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp cho xung đột Do Thái và Palestina, và một số khách mời của chương trình đã phát biểu những lời quá sức ghê tởm. Nhưng tổng kết lại thì cán cân cho Al Jazeera vẫn nghiêng về ưu điểm.“ Ngay cả những người chỉ trích cũng phải công nhận rằng Al Jazeera là cơ sở đầu tiên đã mang lại cho toàn vùng một phương thức hoạt động truyền hình và báo chí tân tiến, qua đó đã thay đổi trong chớp mắt toàn cảnh của môi trường thông tin Ả Rập. Sự xuất hiện của các đài khác, chạy theo mô hình này, như Al Arabiya hay Al Hurra cũng chứng tỏ thành công đó.

Thật khó tiên đoán Al Jazeera International có đạt được thành công tương tự như đài mẹ hay không. Những bất ổn đầu tiên bắt nguồn từ tình hình tài chính của đài mẹ. Nếu không có tài trợ của Tiểu vương Qatar, Al Jazeera sẽ không thể sống nổi. Người ta đã liên hệ tin vào cuối tháng giêng, rằng ít nhất một phần của Al Jazeera sẽ bị bán cho các nhà đầu tư tư nhân, với áp lực chính trị đang đè nặng lên vùng đất nhỏ bé này. Trong tình hình đó, kênh Anh ngữ sẽ phải góp phần để có thể đem lại lợi nhuận khá hơn. Thị trường quảng cáo Ả Rập đã nhỏ, lại thêm thực tế đài đang khốn đốn vì sự tẩy chay của một loạt quốc gia như Ả Rập Saudi chẳng hạn. Nếu khởi sự thành công, Al Jazeera International có thể sẽ giành được một phần của chiếc bánh toàn cầu về quảng cáo qua truyền hình.

Al Jazeera được coi là một thương hiệu có sức mạnh trên trường quốc tế. Và kênh Anh ngữ sẽ có thể hưởng lợi từ vị trí độc tôn trong việc tiếp cận các nguồn thông tin và các mối quan hệ trong khu vực Ả Rập, thí dụ như các tường thuật dành riêng cho đài này về các nhóm khủng bố Al Qaeda hay Hamas của Palestina. Cả những tường thuật chiến tranh với nhiều minh họa cũng sẽ nâng cao uy tín của đài. Sự thành công trên cơ sở đường lối dân túy và thiên hữu của đài Fox XNN đã kéo theo một bước xích về phiá cánh hữu nói chung, nên tại Hoa Kỳ, với sự sát nhập sắp diễn ra trong giới truyền hình thời sự, và trong cả phạm vi thế giới, có thể sẽ xuất hiện một chỗ đứng thị trường cho một kênh tin tức với tầm nhìn „khác“, như Al Jazeera.

Tuy vậy vẫn còn lởn vởn nhiều dấu hỏi về việc cấp giấy phép phát hình tại Bắc Mỹ. Những người hoài nghi còn dẫn ra rằng, ngay cả đài BBC cũng chưa thoát được cảnh hiện hữu dật dờ tại Hoa Kỳ. Ngoài ra trong nội bộ Al Jazeera vẫn chưa đạt được sự thống nhất. Tổng biên tập Samir Khadar, mới nhậm chức từ đầu năm nay, đã tuyên bố bi quan với tờ báo Anh ngữ Indepedent: Trong thế giới Ả Rập, Al Jazeera thắng lợi vì nó không ngán cấm kỵ nào, nhưng đối với phương Tây thì điều đó chẳng có gì là mới mẻ. Thêm vào đó, phần lớn phóng viên là người Anh thì khó mà truyền đạt khía cạnh Ả Rập cho khán giả.

Nhưng tầm quan trọng của Al Jazeera đối với môi trường truyền thông của thế giới cũng sẽ còn nguyên, ngay cả khi kênh Anh ngữ của nó có thất bại chăng nữa. Hugh Miles cho rằng: „Thành công to lớn nhất của Al Jazeera là đã đảo ngược được chiều thông tin, tức là lần đầu tiên sau một thời gian dài dằng dặc, không còn từ Tây sang Đông nữa mà nay từ Đông sang Tây!“


© 2005 talawas
Nguồn: Frankfurter Rundschau online 2005, 16.02.2005
http://www.fr-aktuell.de/ressorts/kultur_und_medien/medien/?cnt=632285