trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
5.4.2005
Đoàn Tiểu Long
Báo chí, đạo đức và tự do cá nhân
 
Xung quanh chuyện phim ảnh khỏa thân của một số người mẫu, diễn viên bị tung lên mạng mà các báo ở Việt Nam đang đua nhau khai thác, một tờ báo chuyên về pháp luật [1] có bài “Chuyện phim, ảnh khoả thân, sex: Đạo đức và pháp luật”. Bài viết phân tích khía cạnh đạo đức và pháp luật rồi kết luận: hành vi này, nếu không nhằm phổ biến, thì không thể bị chế tài, nhưng phải bị phê phán vì không phù hợp đạo đức, vì lối sống buông thả, đồi trụy. Một tờ báo khác [2] viết: “Dù là nạn nhân, Yến Vy vẫn có lỗi, vì cô là diễn viên, là người của công chúng, nên cô phải biết và phải cẩn trọng trong các mối quan hệ của mình…”. Đa số báo chí và cả dư luận cũng có quan điểm tương tự.

Chỉ cần có một chút kiến thức luật pháp, ta có thể hoàn toàn tán thành với vế đầu của kết luận, đó là không thể chế tài vì hai lý do: thứ nhất, chẳng có điều luật nào cấm chụp hình khoả thân, quay phim chuyện riêng tư không nhằm phổ biến; thứ hai, kể cả để phổ biến đi chăng nữa, như chụp ảnh khoả thân nghệ thuật, hoặc các cảnh nóng bỏng trong phim, vẫn chưa bị coi là phạm luật. Luật pháp không cấm phim, ảnh khoả thân, mà chỉ cấm phim ảnh có tính chất khiêu dâm, đồi trụy. Đây là khía cạnh khá quan trọng nhưng báo chí dường như đều bỏ qua, cứ thấy “khỏa thân, quan hệ nam nữ” là gán cho chữ “sex”, quy là đồi trụy, bệnh hoạn… Như trong vụ ảnh khoả thân của một cô người mẫu bị tung lên mạng, các báo lập tức vồ lấy, gán ngay cho những tấm ảnh khá đẹp và không chút khiêu dâm đó chữ sex!

Tuy nhiên với vế thứ hai, “hành vi đó phải bị phê phán vì không phù hợp đạo đức, vì lối sống buông thả, đồi trụy”, hay ý kiến “vì cô là diễn viên, là người của công chúng, nên cô phải biết và phải cẩn trọng trong các mối quan hệ của mình…” có lẽ nên bàn lại một chút.

Thứ nhất, diễn viên, ca sĩ, người mẫu là một nghề, chứ không phải một danh hiệu, vì thế không phải cứ là diễn viên, ca sĩ, người mẫu tức là người của công chúng. Chỉ có những người nổi tiếng mới được liệt vào loại này. Chẳng hạn, cô Yến Vy còn lâu mới được gọi là “minh tinh”, e rằng trước khi vụ này nổ ra rất ít người biết đến cô, vì những bộ phim cô đóng quá mờ nhạt.

Thứ hai, trong cả mấy vụ các tấm ảnh, cuộn băng đều được làm ra cách đây khá lâu, khi những cô gái đó chưa hề nổi tiếng, và dĩ nhiên, chưa thể là người của công chúng. Xét nét, bắt lỗi mấy cô gái đó về chuyện quá khứ rõ ràng là quá vô lý.

Thứ ba, ngay cả với những “người của công chúng”, họ phải cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, hành vi trước hết là ở những nơi công cộng, trước mắt công chúng, chứ không phải ở nhà riêng, trong buồng tắm, phòng ngủ. Không lẽ lên giường, đi tắm vẫn phải mặc nguyên quần áo, chỉ vì lo sợ kẻ nào đó nhòm trộm, ảnh hưởng đến thanh danh “người của công chúng”? Thực ra, xem những hình ảnh riêng tư của người khác là hành vi rất thiếu văn hoá, khác nào nhòm trộm vào buồng tắm, phòng ngủ, đọc trộm nhật ký người khác, làm sao còn tư cách mà lên giọng phán xét này nọ!

Thứ tư, thế nào là chuẩn mực đạo đức truyền thống? Nhiều người, sau khi cố công tìm xem cho bằng được những tấm hình riêng tư của người khác, bèn lên giọng: “Khiếp, sao mà đồi trụy, bệnh hoạn thế! Lại còn quay phim, chụp ảnh nữa chứ, sa đoạ đến thế là cùng!”. E rằng nhiều người đã hiểu sai truyền thống. Truyền thống Việt Nam bảo rằng những “chuyện ấy” thì cần kín đáo, đừng để người ngoài nhìn thấy. Nghĩa là không nên ôm hôn, âu yếm, ăn mặc hở hang… nơi công cộng. Về điểm này thì đúng là truyền thống Việt Nam khác với châu Âu. Còn trong phòng tắm, phòng ngủ thì muốn làm gì cứ làm; trong chuyện này chưa chắc châu nào đã thoáng hơn châu nào. Việc lấy truyền thống châu Á ra để lên án mấy cô gái đó thực sự là vừa lầm lẫn, vừa bất công, nếu như ta biết rằng trên đời này có những cuốn sách như Tố nữ kinhKamasutra - sản phẩm của châu Á chứ không phải châu Âu đâu nhé.

Cố bác sĩ Trần Bồng Sơn, nhà tư vấn rất nổi tiếng về các vấn đề giới tính cho nhiều tờ báo ở Việt Nam, sinh thời vẫn nhắc đi nhắc lại rằng mọi quy phạm đạo đức đều dừng lại trước cửa phòng ngủ; ta hãy làm bất cứ gì ta thích nếu điều đó được cả hai bên chấp nhận, và sẽ rất tuyệt nếu điều đó mang lại sự hứng thú, hạnh phúc cho hai người. Không ai được quyền nói rằng trong “chuyện đó” thì làm thế này là đạo đức, còn làm thế kia là đồi trụy. Đây chẳng phải ý kiến riêng của bác sĩ Trần Bồng Sơn, mà là ý kiến chung của các chuyên gia tình dục học lẫn tâm lý, và ta có thể thấy lời khuyên đó trong mọi cuốn sách dạy “làm thế nào để cuộc sống lứa đôi được hạnh phúc”. Tuy nhiên trong vụ này lời khuyên của bác sĩ đã bị người ta cố tình lờ đi.


*


Đạo đức là phạm trù hết sức tương đối, và tranh luận về đạo đức luôn luôn khó khăn. Phim Việt Nam hôn nhau thoải mái, nhưng ở Bollywood mà hôn môi là chết liền. Dẫu vậy vẫn có một tiêu chí chung để xét đoán mức độ đạo đức hay phi đạo đức của mỗi hành vi, đó là ảnh hưởng của nó đến người khác. Gây ảnh hưởng tốt là đạo đức, trái lại là vô đạo đức (mặc dù tốt, xấu ở đây cũng khá tương đối). Nếu một hành vi không ảnh hưởng đến ai thì hành vi đó chẳng tốt cũng chẳng xấu. Thiếu cà vạt tại một buổi lễ trang trọng chắc hẳn sẽ bị dè bỉu ghê gớm, nhưng Robinson Cruso có chạy tồng ngồng cả ngày trên đảo hoang thì chẳng hề là vô đạo đức.

Cần có quan điểm xã hội như vậy trong việc xét đoán vấn đề. Rõ ràng việc ai đó quan hệ yêu đương trong phòng kín hay trong quán cà phê “chuồng” tối thui khuất mắt người khác, yêu nhau theo kiểu gì đi chăng nữa, có chụp ảnh, quay phim hay không, không thể ảnh hưởng đến ai, trừ phi những tấm hình, thước phim đó bị lọt ra ngoài, bị phát tán. Vì thế, hành vi của họ không thể bị coi là phi đạo đức. Hành vi đáng bị lên án, bị xử lý là hành vi phát tán, chứ không phải bản thân phim ảnh, lại càng không phải những người trong phim, ảnh (lưu ý: đây không phải phim ảnh sex, khiêu dâm, dù trong đó có cảnh này cảnh nọ rất “nóng”. Cũng phải thôi, yêu nhau mà “nguội lạnh” thì chán chết. Còn phim ảnh khiêu dâm bao giờ cũng nhằm mục đích phổ biến). Việc gì phải điều tra xem nạn nhân chủ động đóng phim, tự quay phim, nhờ người khác quay hay bị quay lén? Chụp ảnh nghệ thuật, đóng phim cho hàng triệu người xem còn được, tại sao cho riêng mình xem lại không được?

Một số người không to mồm phê phán, mà có ý kiến: dù sao chăng nữa, những người trong phim ảnh đã phải trả giá cho sự buông thả, thiếu cẩn trọng của mình. Ý của họ là: làm “chuyện đó” mà còn quay phim, chụp ảnh thì bây giờ có bị phát tán cũng đáng đời, còn kêu ca nỗi gì! Cẩn trọng, theo ý họ, là đừng có chụp ảnh, ghi hình gì hết, dù là để ghi lại thời xuân sắc, hay những phút giây “cao trào” khi yêu.

Nghe họ nói, thấy chẳng khác nào một người bị mất xe máy hay bị tai nạn không những không được an ủi, chia sẻ, mà còn bị mắng nhiếc: “Đã biết mua xe máy là có nguy cơ bị mất xe, bị tai nạn, sao còn mua? Cho đáng đời!”


*


Trong vụ này báo chí phải chịu trách nhiệm rất lớn trong việc phát tán những phim ảnh đó. Nếu chỉ truyền tai nhau, thì chắc chắn đến bây giờ vẫn chỉ có một số ít người biết được sự hiện diện của những tấm hình, đoạn băng đó. Nhưng báo chí đã nhảy vào, thông báo tới hàng chục triệu độc giả rằng "hiện nay đang có hình nude người mẫu này, phim sex diễn viên nọ đấy". Vậy là toàn dân biết, cả nước sôi sục hết cả lên, đi đâu cũng thấy người hỏi "có cái ấy chưa, cho xem với". Yến Vy, Hồng Nhung, Bảo Hoà có thể kiện báo chí về tội vu khống, làm nhục các cô khi gọi những tấm hình, đoạn băng ghi chuyện riêng tư của các cô là “phim, ảnh sex”, gọi các cô là “diễn viên phim sex” kèm theo hàng lô hàng lốc những lời sỉ nhục, thoá mạ.

Xem ra, dân ta vẫn chưa có thói quen tôn trọng tự do, riêng tư của người khác. Suy cho cùng, tôn trọng người khác chính là biểu hiện rõ nhất, nếu không nói là chủ yếu nhất, của khái niệm “sống có văn hóa”. Chuyện phát tán các hình ảnh riêng tư chắc chắn sẽ không dừng ở đây, vì thế rất cần một cách nhìn nhận tỉnh táo để có cách hành xử hợp tình, hợp lý. Cần ý thức thật rõ ràng: chúng ta ngăn chặn hành vi phát tán các hình ảnh đó không phải vì tính đồi trụy, mà vì tính riêng tư của chúng.

Và trước hết, chính báo chí phải ý thức rõ điều này, để hướng dẫn dư luận theo hướng tôn trọng quyền tự do cá nhân của mỗi người, chứ không phải rình rập xem trộm rồi quay ra nhân danh đạo đức mà bêu riếu, sỉ nhục người khác.

© 2005 talawas



[1]Báo Pháp luật TPHCM số ra ngày 7 và 9/3/2005
[2]Báo Người Lao động số ra ngày 22/3/2005