trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáoDịch thuật
12.4.2005
Nguyễn Văn Tú
Góp bàn về những thuật ngữ chuyển dịch trong tôn giáo nhân đọc một số bài trên talawas nhân Giáo hoàng John Paul II tạ thế
 
Trong ba bài “Khủng hoảng trong Giáo hội Công giáo - Những mâu thuẫn của Giáo hoàng” của Hans Küng do Lê Trần Huy Phú chuyển dịch và “Chín điều mâu thuẫn của Giáo hoàng Gioan Phaolô II” cũng của Hans Küng do Nguyễn Tiến-Văn chuyển dịch và bài “John Paul II, nhà lãnh đạo tâm linh” của St. Petersburg Times do Huy Vũ chuyển dịch, tôi thấy cần có ý kiến về các thuật ngữ chuyển dịch, như một đóng góp chung với talawas đã bỏ công bàn về cách chuyển dịch tiếng nước ngoài ra tiếng ta.

Tôi sẽ không đi quá sâu vào hai bản dịch của cùng tác giả Hans Küng để xem bản nào hay hơn, chính xác hơn với nguyên bản tiếng Anh và tiếng Đức, mà muốn bàn chung đến các thuật ngữ tôn giáo ở hai bản này, và bản sau do Huy Vũ dịch. Tôi nhận thấy rằng ở bản dịch của Nguyễn Tiến-Văn, ông là một người hoặc có gốc/đang là Công giáo hoặc là một người am hiểu các thuật ngữ của Công giáo. Tôi cũng tránh bàn luận thái độ phê phán Giáo hoàng vừa tạ thế và qua đó mà phê phán Giáo hội Công giáo Roma mà tác giả Hans Küng đã thực hiện. Thuần túy là chỉ bàn đến thuật ngữ mà thôi.

Có mấy thuật ngữ tôi lọc ra từ trong ba bản chuyển dịch này:
  1. Thiên chúa giáo
  2. Cơ đốc giáo
  3. Kitô giáo
  4. Công giáo
  5. Giáo đình (Roman Curia)
  6. Hồi giáo

Trước hết là Hồi giáo (có nhiều khi được viết là đạo Hồi): Rất tiếc là bao lâu nay, chúng ta đã dùng tên này để chỉ một tôn giáo lớn trên thế giới là Islam (ique/ic). Hồi (phiên âm tiếng Latin của tiếng Trung là Hui), là gọi tắt của Hồi Hột, cách đọc âm Hán-Việt của tên tộc người Uighur thuộc Tân Cương, Trung Quốc hiện nay. Hồi giáo trong trường hợp này có thể hiểu là tôn giáo của người Hồi Hột. Mà tôn giáo của người Hồi Hột lại là Islam. Gọi lâu dần thành quen ở nước ta, cả trong học thuật mà không được chính xác hóa. Theo tôi, bất luận trong trường hợp nào, cũng nên phục nguyên thuật ngữ Islam để gọi và viết.

Với Thiên chúa giáo: Thuật ngữ này có một lịch sử khá phức tạp trong việc chuyển dịch và sử dụng trong tôn giáo, ngôn ngữ hành chính, báo chí, học thuật qua các thời từ khi các linh mục Dòng Tên thuộc Hội thừa sai Paris tăng cường truyền giáo ở Việt Nam và Nam Trung Quốc. Ban đọc ở ngoại quốc có thể tìm đọc tại các văn khố của Pháp, Hà Lan, Bỉ, Anh… để hiểu thêm lịch sử truyền giáo của Giáo hội Roma ở khu vực này. Nhân tiện, xin mách rằng Giáo sư Trần Văn Toàn, một người chuyên nghiên cứu lịch sử truyền giáo Công giáo hiện sống tại Bỉ có thể giúp thêm vào việc này. Ông đã có một bài viết về các tên gọi trên tờ Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (Revue de Recherches Religieuses) của Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Hà Nội. Gác qua chuyện dài dòng đó, tôi chỉ xin lưu ý là nhiều thuật ngữ của Công giáo phải mượn cách diễn đạt qua tiếng Hán cho trọn nghĩa, nhất là những từ trừu tượng, chứ nhất quyết không phải từ và ngữ tiếng Việt mà các cha truyền giáo đã dày công tập hợp trong mấy bộ tự điển xưa kia, không xuất hiện trong hệ thống thuật ngữ của Công giáo (nhân đây, cũng phải nhắc ta hãy tránh như ông Huệ Thiên, cái gì cũng quy về gốc Hán, làm như ông ta là người “biết tuốt” tiếng nói của dân ta từ xửa xưa. Dấu vết ngôn ngữ theo tôi chỉ là một chỉ báo của lịch sử, dù rất quan trọng, trong nghiên cứu mà thôi).

Không biết tôi đọc ở đâu đó nói rằng khi dùng thuật ngữ Thiên chúa giáo để chuyển ngữ Christianisme trong tiếng Pháp, ta đã chỉ dựa vào vỏ ngôn ngữ mà không phải là dựa vào nội dung tôn giáo. Thiên chúa có thể là một từ đặc tả để chuyển nghĩa Chúa Ba ngôi của người Kitô hữu, nhưng những tôn giáo lấy một vị Thiên chúa (đồng nghĩa với Thượng đế, Toàn năng, Siêu việt, Độc nhất) làm đối tượng sùng kính và thờ phượng và được mệnh danh là các tôn giáo nhất thần (không phải độc thần, khi ta chuyển ngữ Monotheisme), thì rất nhiều trong lịch sử: Joudaïsme, Islam, Christianisme, Brhamanisme (qua ba vị thần tối thượng là Brhama, Shiva và Vishnou), và trong trường hợp Trung Quốc thì có thể gộp thêm loại tôn giáo mà như H. Maspero đã gọi là Tôn giáo Chính thức (Religion Officielle) dành cho hoàng đế và triều đình, đặc biệt thông qua lễ Tế Nam Giao, Hậu Thổ, và trong chừng mực rộng hơn nữa là tôn thờ “vị” chúa tể vũ trụ thông qua hình ảnh ba Đế thì còn có thể kể vào đây cả Đạo giáo (Taoïsme). Ba tôn giáo lớn là Joudaïsme, Christianisme và Islam còn được mệnh danh là “ba tôn giáo có Thánh kinh” (Les Trois Religions du Livre).

Riêng Christianisme thì lại chia thành ba ngành lớn là:
  • Catholique
  • Orthodoxe
  • Protestant

Về việc chuyển ngữ của những thuật ngữ trên cũng là một câu chuyện dài mà ta không thể bằng một vài đoạn tóm lược. Nhưng nếu có thể lướt nhanh và theo chỗ tôi nhận thấy, thì giờ đây chính người Kitô hữu (Christian, Chrétien) Việt Nam, dù theo Catholique hay Protestant, lại có cách chuyển ngữ riêng:

(Lưu ý là học giả nghiên cứu tôn giáo Trung Quốc lại có cách dùng như sau: Catholique thì họ chuyển thành Thiên chúa giáo, Orthodoxe chuyển thành Chính giáo, còn Protestant thì chuyển thành Tân giáo)

* Catholique: được chuyển thành Công giáo (không phải là “giáo hội công cộng” như có người đã giải thích mà nghĩa của thuật ngữ này là Giáo hội mang tính phổ quát, toàn cầu). Chính thuật ngữ này trước đây thường bị dùng chung với “Thiên chúa giáo”, “Cơ đốc giáo”, “Kitô giáo” ở nước ta (chưa kể là ở nước ta trong sử còn gọi là đạo Hoa Lang, Tây Dương, và cũng trong ngôn ngữ nói và viết thì bỏ chữ giáo mà dùng chữ đạo như “đạo Khổng”, “đạo Nho”, “đạo Chúa”, “đạo Phật” và sư ông Nhất Hạnh còn gọi “đạo Bụt”… thay cho Khổng giáo, Nho giáo…). Kết quả là sự lẫn lộn đã diễn ra. Ví dụ khi gọi Cơ đốc giáo (để chỉ Công giáo) sẽ khiến người ngoài dễ nhầm với các phái thuộc về các giáo hội “cải cách” như Cơ đốc Phục lâm, Hội Liên hữu Cơ đốc… chủ yếu tồn tại ở phía Nam Việt Nam. Đó là chưa kể nếu người ta đọc vào các ấn phẩm trong và ngoài tôn giáo thì trời hỡi, còn loạn xà ngầu nữa.

Theo chỗ tôi biết, người Công giáo Việt Nam có sự phân biệt nhất định các thuật ngữ theo truyền thống riêng. Ví như họ phân biệt linh mục “triều” (và cũng còn từ “Giáo triều La Mã”) với linh mục “dòng” mà tôi tin trong tiếng Tây không có. Họ phân biệt như vậy để chỉ các linh mục được bổ nhiệm chăn chiên và linh mục tu hẹp hoặc tu kín, không trông coi con chiên. Giáo dân gọi linh mục chăn chiên là “cha xứ” v.v… Do vậy, khi chuyển dịch từ tiếng Âu-Mỹ sang tiếng ta, rất cần người dịch có một sự thông hiểu thuật ngữ đối với lĩnh vực mà mình quan tâm. Cố nhiên không ai lại có thể biết tất cả, nhưng cố gắng thì vẫn được.

* Protestant: được chuyển thành Tin lành (tin mừng của Thiên chúa, ân sủng tốt lành…). Cách chuyển ngữ này do các giáo sĩ truyền đạo của CMA (Mỹ) và rồi là các mục sư Việt lựa chọn để cốt ý phân biệt với Catholique. Trong một số ấn phẩm trước 1975 ở miền Nam, tôi thấy có người chuyển thành Phản thệ giáo, Tôn giáo cải cách, Tôn giáo phản đối, song cũng biết là chúng không được thịnh hành.

* Orthodoxe: được chuyển thành Chính thống giáo, một mặt giữ nguyên nghĩa trong tiếng Tây, mặt khác là đề cập đến nội dung mà ngành này tuyên xưng là giữ được tính chân chính của Kinh thánh từ Chúa Jesus.

Trong tiếng nước ngoài gốc Âu-Mỹ, ta thường thấy có vĩ tố isme, ism gắn vào tiền tố của một danh từ để chỉ một “tôn giáo”. Câu chuyện tại sao lại có từ tôn giáo trong vốn từ nước ta thì cũng lại là một câu chuyện rất dài nữa. Nhưng đã xảy ra cách chuyển dịch mà tôi nghĩ cũng có thể thảo luận chẳng hạn như Bouddhisme (Buddhism), Animisme (Animism), Confucianisme (Confucianism), Taoïsme (Taoism)… rất là thú vị. Ví như Animisme chẳng hạn, trước đây được chuyển thành “thuyết vạn vật hữu linh”, và bản thân tôi cũng tin và dùng theo. Nhưng rồi dần dà, khi đi sâu hơn vào nghiên cứu, thấy rằng dùng như thế không ổn vì trong thực tế cái mà ta thường gọi là “thuyết” đó lại không có “kinh văn”, hay không phải là tôn giáo thành văn (écrite) mà là tôn giáo truyền khẩu (orale), nhưng được tuân thủ nghiêm ngặt thành một quy trình tuần tự rất chặt chẽ. Thứ tôn giáo này ở người Việt và các tộc người xưa ở nước ta (chưa nói đến các tài liệu nhân học, tộc người học thế giới ghi lại ở các tộc người khác trên thế giới) rất được ưa chuộng và có đặc trưng là tồn tại rất lâu dài, xuyên qua thời gian, đến nỗi trong tiến hóa luận tôn giáo, người ta đã xếp nó thành một chặng trong chuỗi tiến hóa. Tôi căn cứ vào gốc từ tiếng Latin để chuyển thành Hồn linh giáo dầu biết khái niệm hồn là rất khác nhau ở các tôn giáo khác nhau, trừ Phật giáo mà thôi. Tuy nhiên, dù có khác nhau thì khái niệm “hồn” vẫn là trung tâm của “cái tôn giáo”, của “tính tôn giáo”, của “tôn giáo” dù cho giáo lý có giải thích hay không, có thừa nhận hay phản bác, có kinh văn hay truyền khẩu.

Do vậy, riêng tôi, và tôi nhận thấy giới nghiên cứu tôn giáo trong nước đang có xu hướng phân biệt các thuật ngữ sao cho chính xác dần với một là vỏ của ngữ và hai là với nội dung ngữ nghĩa, và quan trọng hơn nữa là chính xác với chủ nhân sở hữu các hiện tượng thuộc về văn hóa của họ. Chuyện này là không thể xem thường trong quá trình toàn cầu hóa. Nếu chưa chính xác thì cố gắng đến mức tối đa để qua ngôn ngữ mà hiểu thêm con người bốn biển.

(Một bạn đọc thân thiết trong nước)

© 2005 talawas