trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
28.4.2005
Nam Dao
Việt Nam, con người từ những bóng ma
 1   2   3 
 
Xã hội mới?

Hai mươi năm trước tôi có ghé quán cơm này, khi quán về đêm thắp bằng đèn măng-xông, bàn kê xiêu vẹo, ghế đẩu chông chênh, ông chủ quán hò vợ rồi ra tiếp khách, mặt lạnh lẽo, chỉ gật, không nói, cứ như một bóng ma hiện về. Và từ quán trên lưng đồi nhìn xuống, chỉ có đêm, đêm mịt mùng. Nhưng nay, có khác, tôi thực sự không nhận ra, và không chắc đó là quán cơm Âm Phủ. Bây giờ quán mắc điện, ghế cao có chỗ tựa, bàn phủ ni-lông sặc sỡ kẻ những ô đỏ xen kẽ những ô trắng, hai cô tiếp đãi xinh như Huế thơ mộng, mắt kẻ đen, miệng chào khách khiến chẳng một đấng trượng phu nào có cái gan dạ bỏ đi. Và nhìn ra tít tắp là cầu Tràng Tiền chiếu đèn mầu, cứ dăm phút mầu đổi từ xanh ra vàng, vàng ra đỏ, đỏ ra trắng. Tôi kể, lòng bỗng ngậm ngùi nhớ những bóng ma xưa, nhưng Bình Minh tươi tắn, đùa với giọng Huế:

“Ðấy, chừ anh thấy, răng là tiến bộ chứ hỉ!”

Tôi cười, gọi cơm hến, món nhà nghèo dân dã, mong tìm lại hương vị ngày trước. Vừa ăn vừa suỵt xoạt vì cay, tôi nghe Bình Minh hỏi:

“Nẫy anh nói gì về cái xã hội dân sự và xã hội- trại lính vậy?”

“Cải Cách Ruộng Ðất có thể là một trong những lý do giải thích có đến gần một triệu người di cư từ Bắc vào Nam, sau miền Nam lấy đó như một chiêu bài để đề ra ‘quốc sách’ chống Cộng. Mặt khác, vào năm 56, vẫn có người hy vọng sẽ có Tổng Tuyển Cử thống nhất đất nước. Trước tình hình phải nhận sai lầm và sửa sai trong Cải Cách Ruộng Ðất, Ðảng có nới tay một chút. Nguyễn Mạnh Tường đề nghị nhận định lại Quan điểm Lãnh Ðạo trong một báo cáo đọc tại Mặt Trận Tổ Quốc, nêu sự quan trọng của một nền pháp lú có tính chuyên môn và không chỉ là dụng cụ để thể hiện lãnh đạo chính trị. Phan Khôi viết ‘Phê bình lãnh đạo văn nghệ’ đăng trên Giai Phẩm mùa Xuân số 1, ra và bị tịch hồi. Cũng năm đó, Ðại Hội 20 của Ðảng Cộng Sản Liên Xô công bố Bản Báo Cáo của Krút-Sốp, trong đó cái xã hội-nhà tù kiểu Stalin bị vạch trần với những trại Tập Trung Cải Tạo và con số 20 triệu nạn nhân. Bản Báo Cáo đó có tác động nổ một quả bom trong thế giới những nước XHCN. Biến động ở Ba Lan. Rồi Hung Ga Ri. Bên Trung Quốc, Mao nhẩy một bước lùi, phát động phong trào Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ta theo sau, và những người không chấp nhận mọi điều trên cõi đời này cứ phải có ‘đảng lãnh đạo’ nhân dịp đó cất lời. Tờ báo tư nhân Nhân Văn xuất hiện, với Nguyễn Hữu Ðang, Lê Ðạt, Hoàng Cầm, Phan Khôi... Có sự cộng tác của nhiều nhân sĩ và trí thức uy tín như Trần Ðức Thảo, Ðào Duy Anh, Trương Tửu..., báo gầy nên một phong trào: Giai Phẩm mùa Xuân tái bản, rồi Giai Phẩm mùa Thu, mùa Ðông. Phía lớp trẻ, tờ Ðất Mới của sinh viên Ðại Học Hà Nội ra đời. Nói chung, phong trào chỉ xin với Ðảng là cứ theo cho đúng Hiến Pháp năm 46, xây dựng một xã hội pháp chế chứ không rập theo mô hình chuyên chính Stalin, trả lại cái quyền việc ai nấy làm, chẳng hạn như người làm văn nghệ trách nhiệm và lãnh đạo văn nghệ chứ thôi đừng để ông chính ủy mang ‘chính trị’ thống soái ra chỉ trỏ sai trái...”

“Chỉ xin thế thôi sao...”

“Ừ, chỉ thế mà các vị đó đều bị ghép đủ thứ tội. Sáu tháng sau, Mao lùi một nhưng tiến ba bước, từ hữu sang tả, và Việt Nam ta nhẩy theo trong điệu múa đôi môi hở răng lạnh. Tháng 12 năm 1956, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh về chế độ báo chí. Ủy ban hành chính Hà Nội sau đó ra thông báo Nhân Văn, Giai Phẩm bị cấm. Cuối tháng 2-1957, Trường Chinh kêu gọi đấu tranh đập nát luận điệu phản động Nhân Văn Giai Phẩm với 500 đại biểu trong Ðại hội Văn Nghệ toàn quốc lần 2. Ðảng cho thành lập Hội Nhà Văn, cho ra báo Văn, nhưng cái đám trí thức tiểu tư sản đã ‘bị nhiễm độc’, Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng dám quan điểm khác với Học Tập là tờ báo lý luận của Ðảng, rồi cho đăng những ‘Lời Mẹ dặn’ của Phùng Quán, ‘Hãy đi mãi’’của Trần Dần hay ‘Ông Năm Chuột’ của Phan Khôi... Lại đóng cửa báo Văn! Và đấu tranh tư tưởng với 272 văn nghệ sĩ đảng viên, rồi 304 cán bộ văn hóa văn nghệ ở Thái Hà. Một số được tập thể ‘chiếu cố giúp cải tạo’ trong những buổi học tập mà kỹ thuật đấu địa chủ lại lôi ra áp dụng. Những kẻ hạ sinh Nhân Văn và Giai Phẩm và những người cộng tác tất tật thành phản động, phản cách mạng, Trốt-kít, gián điệp... Nhiều người bị rút Ðảng tịch, Hội tịch [1] ... Nguyễn Hữu Ðang, người trách nhiệm tổ chức cho ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Ðộc Lập ở Ba Ðình, bị 18 năm tù, có xét xử. Phùng Cung, 12 năm, không xét xử. Lê Ðạt, Trần Dần, Hoàng Cầm... không đi tù, chỉ đi ‘lao động cải tạo’, nhưng bị rút hội tịch, treo bút 30 năm, cuối cùng chỉ được ‘hồi tịch’ thời kỳ hậu Ðổi Mới, nghĩa là khi đầu bạc răng long. Trí thức như vậy đeo xiềng khóa miệng ngay sau khi Ðảng biết không có Tổng Tuyển Cử: truyền thông là khâu Nhà Nước quản lý, và dĩ nhiên Ðảng lãnh đạo! Thế có nghĩa là Ðảng quyết cái gì nhân dân cần và phải biết, cái gì không, cái gì cho, và cái gì cấm nói, cấm bàn bạc, cấm có ý kiến riêng tư không có tính ‘tập thể’. Oái oăm thay, cái giá trị ‘tập thể’ này lại do một thiểu số dăm ba người trong Tuyên Huấn Tuyên Giáo quyết định. Và nhân danh nó như thứ quyền năng của Thượng Ðế mà đại diện là những ông Trời con bắt sống bắt chết này, người ta gây mê cho cả một đất nước...”

“Tại sao lại thế?”

Tôi chưa đáp thì Bình Minh tiếp:

“Nhưng vẫn chưa nghe anh nói về cái anh gọi là xã hội-trại lính?”

“Năm 58, cuộc cải tạo công thương nghiệp ở những thành phố được tiến hành. Khi ấy, những xí nghiệp công nghiêp của tư sản thật ra đã chuyển hết khỏi miền Bắc, còn lại chỉ có tiểu thương, tiểu công nghệ là chủ yếu. Cải tạo là đưa đến hợp tác, bắt đầu là năm, bẩy gia đình, từng bước đi vào qui mô lớn dần lên, đến cấp phường, quận, thành phố rồi quốc doanh. Tóm lại, cả công, thương và nông nghiệp, phải vào ‘’hợp tác’’, tức là sản xuất trao đổi hàng hóa ở mức tập thể, thủ tiêu kinh tế tư nhân. Chẳng khác gì trong nông nghiệp, cải tạo đưa đến tình trạng cha chung không ai khóc, thiếu động cơ kích thích kinh tế, đưa đến trì trệ trong sản xuất, phẩm lẫn lượng có chiều hướng đi xuống, hàng hóa sản vật khan hiếm dần. Chỉ một, hai năm sau khi Ðảng tuyên bố ‘hợp tác’ cơ bản đã hoàn thành thì dân bắt đầu ăn độn, nghèo đi trông thấy, và tệ nạn lạm quyền cầu lợi của đảng viên sớm hiện hình. Nhưng buồn cười, và cười ra nước mắt, là tháng 4-1960, Hồ Chí Minh viết [2] : ‘Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và việc chúng ta là thành viên của đại gia đình xã hội chủ nghĩa thế giới là sự thực hiện Luận cương của Lê-nin về khả năng một nước thuộc địa lạc hậu có thể đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa’.

Trong guồng quyền lực, Lê Duẩn, Xứ ủy Nam bộ trước tập kết, nay là Bí thư thứ nhất của Trung Ương Ðảng, hợp với Lê Ðức Thọ đã thay thế Lê Văn Lương trong vai trò Trưởng ban Tổ Chức, chưa hoàn toàn nắm quyền lực như ý muốn vì còn phải chia sẻ với những nhân vật dẫu phạm sai lầm trong Cải Cách Ruộng Ðất nhưng vẫn bám chốt như Chinh, Lương, Việt... Thế là có cái nghị quyết 15 của Trung Ương Ðảng Lao Ðộng Việt Nam, cho phép giải phóng miền Nam bằng đấu tranh vũ trang song song với đấu tranh chính trị [3] , trong khi đó Ngô Ðình Diệm ban hành luật 10/59 kéo máy chém đi khắp nơi diệt Cộng. Nghị quyết 15 này củng cố quyền lực Duẩn-Thọ, và Ban Tổ Chức từng bước trở thành cái nôi của quyền lực, từ đó cho mãi đến tận ngày nay. Có tiếng đồn là cả Hồ Chí Minh lẫn Võ Nguyên Giáp đều không đồng tình, nhưng nếu thế, rõ ràng họ cũng đã không có thực quyền trong thời gian người ta khai đường 559, sau thành đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Năm năm sau ÐBP, bóng dáng ma quái của chiến tranh lại lẩn quất, vì hai đìểm cơ bản: 1- Mâu thuẫn và tranh đoạt quyền lực nội bộ ở những cấp cao nhất trong Ðảng; và 2- Khó khăn, lúng túng, và sai lầm trong việc xây dựng xã hội XHCN. Cộng thêm vào là mặt khác, những người miền Nam tập kết mất kiên nhẫn, nóng lòng muốn quay trở về quê hương gốc gác. Thế là Ðồng Khởi ở Bến Tre năm 60. Khẩu hiệu mới gồm 2 khâu: vừa giải phóng miền Nam vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Khâu Giải Phóng lọt, vì khi đó những mâu thuẫn giữa hai nước ‘anh em’ đã có, Trung Quốc của Mao không ‘xét lại’ và chịu chung sống hòa bình với Ðế quốc Mỹ theo đường lối Liên Xô dưới thời Krút-sốp. Việt Nam ta muốn giải phóng miền Nam với một nền kinh tế non trẻ thiếu cả ăn lẫn mặc thì làm thế nào đây? Vừa xin vũ khí, vừa xin viện trợ lương thực, tất cả là vì nghĩa vụ quốc tế. Nói cho hình tượng là ta bán máu lấy ăn, máu đổ vì mục đích cao cả Giải Phóng và Thống Nhất đất nước, đối đầu với Ðế Quốc trong cuộc Cách Mạng Thế Giới. Mao vui lòng cho ít khí giới qui ước và tiếp tế gạo, đường, mắm muối. Nhưng còn Krút-Sốp? Khí giới hiện đại chống Mỹ cứu nước thì Liên Xô sản suất, thế mới gay go. Ông Chí Phèo cào mặt chống Bá Kiến ở Washington không thiếu mẹo kiểu Trạng Quỳnh, linh động phát ra năm 63 cái Nghị Quyết 9 lươn lẹo đầy những mảng vừa trắng vừa đen [4] trong cái bước chông chênh ‘giữa hai đường lối’, một đỉnh cao trong nghệ thuật nước đôi trên trường quốc tế...”

“Vừa Chí Phèo, lại vừa Trạng...”, Bình Minh nhăn mặt.

Thấy thái độ của Bình Minh, tôi sợ em không hiểu, nhắc Chí Phèo là nhân vật trong truyện của nhà văn Nam Cao, và Trạng Quỳnh là nhân vật rất “truyền thống’’ trong những truyền thuyết dân gian. Ðể kết luận, tôi tóm tắt:

“Thế là sau chiến thắng ÐBP, ta không thống nhất được đất nước, không thực sự độc lập nên bị ép buộc đặt bút ký vào cái HÐ Genève chia cắt Tổ Quốc ở vĩ tuyến 17. Ở miền Bắc, Ðảng và Nhà Nước bóp chết nền kinh tế tư nhân nhưng lại mù lòa giáo điều trong những bước xây dựng xã hội XHCN, khoá miệng trí thức sau phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, và ngay năm 61 ban hành Nghị quyết 49/NQ/TVQH do Trường Chinh ký [5] , hợp pháp hóa việc có thể bắt nhốt bất cứ ai vào những Trại Tập Trung Cải Tạo mà không cần xét xử. Như thế, Ðảng vuốt mắt xã hội dân sự, đắp mặt liệm bằng vải đỏ, và đóng áo quan rồi đào sâu chôn chặt!”

Bình Minh chép miệng:

“Thế thì em hiểu cái bước đầu dẫn đến xã hội-trại lính...”

“Bây giờ, lại chiến tranh. Bắt đầu là cuộc nội chiến đã khai mào từ 46. Năm 63, trận Ấp Bắc. Chiến tranh đặc biệt kết thúc với trận Bình Giả năm 65. Mỹ leo thang, đưa quân vào, tất cà là 3 triệu lượt người, số cao nhất lên đến hơn nửa triệu trong Chiến tranh cục bộ. Với 24 tiểu đoàn thiết giáp (2750 tăng), 83 tiểu đoàn pháo binh (1412 khẩu pháo), 5 tuần dương hạm, 5 tầu có sân bay, 65 tầu chiến cộng thêm 700.000 lính ‘ngụy’ và đồng minh Nam Hàn, Thái..., Mỹ phong tỏa Hải Phòng, ném bom trên 3 nước Ðông Dương, sử dụng trong toàn cuộc chiến gần 8 triệu tấn bom đạn, tức 3,8 lần số sử dụng trong Thế Chiến 2, và 12 lần số sử dụng trong chiến tranh Triều Tiên. Riêng miền Nam, Mỹ rải 45,260 tấn chất độc hóa học, và 33,800 tấn bom lửa Napan (10 lần hơn chiến tranh Triều Tiên, 25 lần hơn Thế Chiến 2). Nhưng bất ngờ, cuộc Tổng công kích và nổi dậy Mậu Thân năm 68 khiến Mỹ chựng lại, phong trào phản chiến ở Mỹ lan như lửa cháy, và thế giới lên án, khiến Mỹ phải chấp nhận hòa đàm ở Paris [6] .

Nhưng chiến tranh tạo ra cái xã hội thời chiến ở miền Bắc. An ninh là quan trọng, nên phải xiết cho chặt mọi kiểm soát với chính sách hộ khẩu. Lương thực được viện trợ phải phân, phải phát với tem, phiếu... Dân xả xú-páp: Gì cũng quản, gì cũng phân, đến phân cũng quản! Con người bị nô lệ đầu tiên bởi cái dạ dầy. Nó cần 13 kilô gạo, chút đường, chút dầu, chút mỡ. Nó được ăn, nhưng phải cung cấp cho thần chiến tranh những đứa con cứ ‘Bác bảo đi là đi, đánh là đánh’ với ‘Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng’. Nó không được mắc chứng lập trường dao động, miệng nói ra là phải phục vụ cho chiến thắng để Giải Phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Mỹ cút Ngụy nhào. Và nó nói, tất cả, đồng điệu. Nói mãi, nó nghĩ, cũng đúng một khuôn, tức là nghĩ những điều ‘trên cho nghĩ’ vì trên đã nghĩ hộ, đã nghĩ hết cho rồi. Trong cái xã hội khẩu phần với bộ đồng phục của đói nghèo từ ăn mặc đến suy tư, xã hội thời chiến chỗ nào thì cũng là một trại lính trong đó con người muốn tồn tại thì phải tin vào một cái gì đó có tính thần thánh. Ðấy, một cuộc chiến thần thánh với cứu cánh ‘Giải Phóng Dân tộc’ để cho hơn bốn triệu người hy sinh là vậy...”

Nói đến đây, tôi nghẹn lời. Tôi buồn bã, xin Bình Minh chở tôi về khách sạn. Trên con đường từ quán Âm Phủ quay lên Huế dương gian chập choạng sống dưới ánh điện về đêm, tôi không nói thêm được một lời. Hình ảnh những kẻ chết trận. Rồi nỗi niềm của những người sống sót. Tất cả chụp xuống tôi như chiếc lưới quăng ra mắc tôi vào, mặc cho vùng vẫy, mặc cho van nài, để tra tấn, hành hạ với một câu tra vấn. Chỉ một câu, này, thế trách nhiệm cùa tôi còn sống hôm nay là gì? Có phải chỉ để kể lể cái quá khứ đầy bất hạnh kia không? Tại sao lại kể với Bình Minh? Không đáp được. Khi chia tay, Bình Minh nói khẽ trước khi rồ ga xe:

“Ðêm nay chắc em mất ngủ!”


Tâm sự của kẻ bên lề

Ðứng bên lề đường, tôi nhìn theo Bình Minh cho đến khi xe rẽ ở cuối đường. Mưa lại rơi. Vuốt nước mưa trên mặt, tôi tự hỏi, lên phòng khách sạn hay đi một vòng quanh quanh đây? Tôi biết tôi cũng sẽ mất ngủ, thôi thì đi, dọc Lê Lợi về phía Ðập Ðá, men cái công viên nay ngổn ngang những bức tượng hiện đại được thành phố cho trưng để Huế ngày nay hết là Huế cổ kính của một thời quá vãng. Xích lô ngừng, xe không anh? Ði vào công viên, bên những gốc cây được bóng tối đồng lõa che đậy, đò không anh? Không, xin cám ơn. Tôi cần được cô đơn. Vì chưa đáp câu hỏi, tôi gợi lại những bóng ma quá khứ để làm gì?

Tôi nhớ đến một người quen, sinh và lớn lên ở Huế đây, hiện cũng lưu lạc như tôi, mỗi năm cứ đến mùa tuyết lại kêu, chừ sao mà lạnh. Ông ta nay đâu trên 70, trước khi đến định cư nơi tôi ở thì là sĩ quan cấp tá Sư đoàn 1 bộ binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ở cùng chung cư, một tòa building có cả trăm hộ, ông khoái chí khi biết tôi là người đồng hương, lân la thăm hỏi, và năm sau ông gọi tôi là tri kỷ. Ông có một thói quen rất lạ. Sáng nào ông cũng dậy sớm, tắm rửa sạch sẽ, rồi ốp vào người bộ quân phục, đeo lon, đội mũ, để cát-sét nghe quốc ca, hãnh diện đưa tay ngang mũ chào quốc kỳ cờ vàng ba sọc đỏ choán hết một bức tường nơi ông dùng để tiếp khách. Chào cờ xong, ông thay đồ xi-vin, rồi đi làm. Việc của ông là đỡ đần bệnh nhân già yếu và khênh xác trong một nhà thương. Ông từng chiến trận, không sợ máu me và xác người, lại lực lưỡng nên công việc ổn định. Hai năm sau, ông thay lon. Tôi hỏi, ông đáp “Tri kỷ hè, tui lên Trung Tá là đúng, thời gian công vụ zậy mà chưa chết trận, thằng nào cũng rứa, lên lon cả’’. Ba năm sau, ông tự cho mình lên lon Ðại Tá. Không may, đó là năm ông phải khênh xác bà qua đời vì bạo bệnh. Hai đứa con ông ở xa, nay ông một mình thui thủi, nhưng cứ sáng nào cũng chào cờ, và năm năm sau ông vào Salvation Army, nơi bán đồ phế thãi của quân đội, mua lon Thiếu Tướng. Ngày hôm đó, ông thết cơm, ngập ngừng “...tri kỷ hà, tui lên tới mức này là hết cỡ tui rồi. Muốn lên cao hơn thì khó lắm, tui ra Thủ Ðức, chớ không được huấn luyện chính qui như ở trường võ bị Ðà Lạt!’’. Ðấy, ông sống như vậy. Quá khứ lôi ông về phía sau, lúc đó ông chào cờ, mang lon, yêu và ghét, nhưng ông sống thật. Còn ở nhà thương, ông đã chết ở thì hiện tại, là một bóng ma trên nhân gian, thản nhiên làm công việc vô hồn như nó chẳng hề dính dáng gì đến ông, con người chỉ hãnh diện vào đúng 7 giờ mỗi buổi sáng, với mũ áo cấp bậc, ảo với đời nhưng lại thật với chính ông. Cái quá khứ kéo cho đời sống ngược về thời gian trước cả quá khứ sao nó chua chát đau đớn đến vậy?

Tôi nào muốn đánh thức những bóng ma để cướp đi sự sống ở hôm nay, và nhất là sự sống cho một tương lai. Liệu tôi phải nói ra sao để Bình Minh hiểu như thế? A, chiến tranh! Nói về chiến tranh nhưng là để biết cái trân quí của hòa bình. Hiểu chiến tranh, mới ý thức được hòa bình là gì, cần gì, và phải cưu mang như thế nào để đừng bao giờ rơi trở lại vào vực bờ chiến tranh. Tôi ngẫm lại những lời đã nói ra. Chúng có là ngoa ngôn không? Không, tôi chỉ nói những sự kiện của Lịch Sử tôi cố gắng gạn lọc một cách trung thực để hiểu ra những gút thắt dân tộc tôi vào một loạt oan khiên. Sự kiện cần, nhưng chưa đủ. Vì tôi chưa nói đến Lịch Sử như một đỉnh cao và đồng thời là một vực thẳm. Trên đỉnh cao, tức cạnh là vực bờ. Càng cao thì nhìn xuống càng thấy đáy sâu, càng chẳng thể nghe tiếng rên của những thương tích không lành, càng chẳng hiểu ra thân phận cũa những kẻ bị cơn lốc lịch sử dập vùi. Tôi chưa nói đến những người làm lịch sử. Họ là những người cô đơn trong tiếng hát chiến thắng, hát càng hùng dũng thì nỗi tuyệt vọng càng đớn đau. Chỉ người làm ra lịch sử mới là người thấu hiểu cái tang thương của lịch sử. Ðổi đời, là tạo điều kiện toan tính cho những hạnh phúc về sau. Nhưng hạnh phúc là một cái gì không thể toan tính như một bài toán máy móc. Vì thế cuộc đổi đời càng lớn thì đằng sau càng ẩn dấu những nỗi tuyệt vọng kinh hoàng. Và tôi chưa có một lời về những kẻ đi giải phóng. Họ là những người có cái đam mê lấp biển vá trời. Họ đèo trong người nghị lực siêu nhân, xếp xã hội vào những ô cửa họ tưởng tượng ra, và sắp đặt thế nào cho hiện thực chui vào nằm yên như một tĩnh vật. Nhưng hiện thực của con người trong cõi vô thường làm sao như thế được. Và kìm kẹp có thế nào chăng nữa thì chẳng qua đều là tác động của niềm tuyệt vọng. ý thức càng vót nhọn hòng bắn rơi những niềm tuyệt vọng xung quanh thì chính niềm tuyệt vọng càng bị đào xuống ngày một sâu, cuối cùng hun hút không còn thấy đáy. Bởi hỡi ơi, niềm tuyệt vọng đã dấu mình trong đường bay của ý thức, để trái tim con người còn chút sự sống tru lên thảm thiết tiếng tru cuối của con sói nằm trên mộ địa đồng loại. Mọi cánh cửa lịch sử mở ra đều đèo bồng giấc mơ vấy máu những con người. Tôi xin một câu cuối gửi những người đi giải phóng cho những kẻ bị kìm kẹp, rằng vinh quang càng huy hoàng thì trách nhiệm càng ghê gớm. Và ghê gớm hơn cả là câu hỏi chính mình có tạo ra hay không những kìm kẹp mới cho những kẻ vừa được giải phóng.

Mưa mỗi lúc một nặng hột. Về khuya, đèn xanh đỏ tráng lệ chiếu cầu Tràng Tiền đã tắt, trả Huế về với ánh đêm tự nhiên yên dịu. Tôi quay bước, đến đường Lê Lợi thì, lạ chưa, mắt tôi thấy rõ ràng một ông lão đạp xích lô chở một chiếc quan tài trên có cắm ba cây nhang cháy đỏ. Ði sau, một bà lão vừa bước vừa vỗ tay cười, hét toang lên, con ơi, mi dại dột sao để miểng đạn pháo kích nó cắt ngang đầu, hả mi! Ông lão lầm lũi co chân tiếp tục đạp, ngoái lại nói, mụ chi mà dị rứa, chừ thời bình rồi mụ, đừng la để cho người ta ngủ chớ! Tất cả thoáng hiện, rồi thoáng biến, nhưng tiếng vỗ tay thì cứ văng vẳng, và tiếng cười, sao mà thê thiết tới vậy. Thời bình rồi mụ! Lời ông lão xoáy vào như nhắc nhở tôi, rằng chiến tranh đã qua. Ngày mai, gặp Bình Minh, tôi sẽ nói chuyện với em về hoà bình, vì em không cần chiến tranh mang sự chết ra để biện minh cho cuộc sống. Bây giờ, xin Huế hãy ngủ ngon. Cả tôi nữa, một kẻ bên lề trong quê hương mình, tôi hãy ngủ qua đêm, ngủ cho ngon. Trời sẽ sáng, tất nhiên là phải vậy.


Hoà bình rồi, anh em ta ơi!

...là tiếng thét tướng lên vào 22 giờ 11 phút, giờ Montreal, ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong hội quán của Hội Việt Kiều Yêu Nước tại Canada. Mấy hôm trước, tối tối là hai ba chục người, toàn sinh viên du học tuổi trên đôi mươi, tụ tập nhìn lên chiếc bản đồ Việt Nam treo trên tường, chăm chú nghe một anh tay cầm cái thước chỉ “địch’’ triệt thoái bỏ Ban Mê Thuột, quân “ta’’ đã đi đến đây, qua Nha Trang nhưng không chiếm, tiến thẳng tới Bình Long. Một chị người miền Nam, xưa ruộng nhà, như chị khoe, thẳng cánh cò bay, la “đả’’ quá phải không cà? Dương Văn Minh đầu hàng rồi, vặn BBC nghe coi... Rồi, ta đã vào dinh Ðộc Lập. Sướng quá! Hoà bình rồi anh em ta ơi!

Khi “Việt Nam hóa” chiến tranh, Ðế quốc Mỹ rắp tâm đổi mầu da trên xác chết chứ chưa hẳn có ý đồ bỏ Việt Nam. Peace with Honor - hoà bình trong danh dự - chỉ là một cách nhập nhằng ngôn từ, và Kissinger nói với Nixon rằng chỉ 3 tháng sau khi được tái cử Tổng Thống, sẽ chẳng còn ai quan tâm đến Việt Nam nữa [7] , Mỹ muốn làm gì cứ việc làm, bất chấp HÐ Paris ký năm 73. Nhưng đùng một cái vụ Watergate nổ ra, chuyện hạ bệ Nixon thành thời sự, và những người Mỹ chống chiến tranh nhân thời cơ làm áp lực cắt viện trợ cho chính quyền miền Nam Nguyễn Văn Thiệu. Ðòi đâu 7 trăm triệu đôla để “tiếp tục chiến đấu”, Thiệu cũng Chí Phèo chẳng kém ai, và cái lệnh triệt thoái khỏi Ban Mê Thuột ngày 14-03-75 để dẫn đến thất thủ trên toàn miền Nam trong một chớp mắt phải chăng là tác động theo phương thức cào mặt trước một Bá Kiến bên kia Thái Bình Dương đang lúng túng không biết xoay trở ra sao? Hai tuần sau, Quảng Trị, An Lộc rồi Huế thất thủ. Ngày 30-03, Ðà Nẵng rụng như một trái sâu ruỗng, cho phép miền Bắc mở ra chiến dịch Hồ Chí Minh tốc chiến tốc thắng, thời cơ rơi từ trên trời xuống cho miền Bắc. Trừ một số nhỏ như tướng Trưởng, Phú, Ðảo, Nam... phần đông lớp tướng tá lãnh đạo miền Nam khi ấy thật ra không có ý thức chính trị và đã mất hết ý chí tranh đấu, chỉ lăm le bỏ cho đầy túi rồi tháo chạy. Vì vậy, mặc dầu với một quân lực có đầy đủ trang bị và đã chứng tỏ khả năng cũng như sự anh dũng mới 2 năm trước với những trận chiến ác liệt ở Quảng Trị, An Lộc, Ðông Hà..., chính đám tướng lãnh này đã phản bội, hành xử một cách vô trách nhiệm với dân và quân miền Nam, để một nửa đất nước rơi xuống như trái sung rụng cuối cái mùa đôla hết còn xanh tươi tùm lum che mầu máu đỏ. Về giới chính trị, họ bị chính sách Mỹ vô hiệu hóa ngay sau thời ông Diệm, đảng phái gọi là có nhưng thiếu ảnh hưởng quần chúng, chỉ tụ lại trong giới trí thức salon, để mặc đám dễ sai bảo làm bù nhìn cho Toà Ðại Sứ Mỹ mà không chống lại được. Mặt khác, chính sách Mặt Trận trong miền Nam chứng tỏ cũng hữu hiệu như ở miền Bắc thời 45-46, kết hợp được những người thuộc Lực lượng thứ ba và thành phần tiến bộ trong Công giáo cũng như Phật giáo. Nói cho cùng, miền Nam thất thủ trước tiên là một thất bại chính trị của những người không cộng sản trong tình huống phải chung sống với cái Ðế Quốc Mỹ quá tin vào một giải pháp thuần quân sự kiểu lấy thịt đè người. Nhưng xin đừng quay lại chê trách những người lính Việt Nam Cộng Hoà. Họ đã chiến đấu dũng cảm, và như lời nhà thơ Cao Tần, cho cả hai bên, thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng, trong một cuộc chiến đã áp đặt lên và không tùy thuộc ở họ. Nhân đây, tôi xin phép ghi lại một bài thơ mà kẻ gọi tôi là tri kỷ chép trên con đường triệt thoái của quân lực Cộng Hoà từ Ban Mê Thuột tháng 3 năm 75:

Dựa M-16, ta ngồi, bên em mười sáu
Bốt-đờ-sô đỏ bùn đất cao nguyên
Ngày triệt thoái lẫn vào đêm. Quằn quại.
Pháo tầm xa khạc nhổ những lời nguyền
Tính thí mạng cùi, hề, còn chục băng đạn cuối
Súng trên tay. Sao bỗng nặng? Hỡi người
nơi đạn bay, ai thương em mười sáu
tuổi trăng, hề, đành hạ súng. Em ơi!

Thơ của ai vậy, tôi hỏi. Một người lính vô danh, tri kỷ ạ!

Hoà bình rồi. Tướng Trần Văn Trà tiếp quản Sài Gòn tuyên bố, người Việt Nam không có ai thắng hay bại, chỉ có quân xâm lược Mỹ bại mà thôi. Mỹ để lại Việt Nam sau 1973 hơn 1 triệu vũ khí nặng lẫn nhẹ, 46,000 xe bọc thép và tăng, hơn 1000 máy bay và trực thăng. Quân đội miền Nam hạ súng không vì lý do nào khác hơn là tuyệt đại đa số mong muốn hòa bình, bởi máu nào không đỏ, da nào không vàng. Quân Mỹ tử trận 57,000 người, bị thương 150,000, mắc bệnh ghiền ma túy 100000 người, vứt lại 50000 con lai, nhưng mang theo trí nhớ cuộc bại trận đầu tiên trong lịch sử của họ.

Hòa bình rồi, và những vấn đề của hòa bình ló mặt. Chỉ dăm tháng sau ngày 30-04-75, mọi lực lượng được thu về một mối, và điều này đưa đến con đường xóa sạch những cái gì gọi là lực lượng thứ ba. Sự chuyển tiếp vội vã được biện minh bằng cái ước mơ thống nhất không phải người dân miền Nam coi như là một tất yếu, ít là trên mặt tâm lý. Ðất nước thống nhất chỉ một năm sau ngày giải phóng, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chỉ là thống nhất một thể chế và quyền lực chính trị áp đặt trên toàn lãnh thổ. Thống nhất đất nước, lẽ ra phải là, thống nhất được lòng người đồng thuận với nhau về một tương lai. Và tôi làm thơ, có câu“đời hôm nay tự nhiên thành đường mật, chỉ chạm khẽ đầu răng đã ngọt lịm môi hồng...’’ thì anh phụ trách báo Hội đòi... nói ra cho rõ ý mới đăng được! Bệnh tuyên huấn lây rất nhanh.

Khi gặp Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoàng Lương năm 76, tôi ngây thơ phát biểu rằng Việt Nam ta nên xin đặt quan hệ ngoại giao với Mỹ, ông Lương đáp, chúng ta chiến thắng, không “xin’’ ai, nhưng có ai “xin’’ đặt quan hệ với ta thì ta sẽ “xét’’, với điều kiện tiên quyết là phải thanh toán cái khoản 4 tỉ đôla hứa hẹn bồi thường chiến tranh trong HÐ Paris. Bệnh kiêu binh cũng lây, cũng rất nhanh. Kết cuộc, ta mất cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ ngay năm 1977 dưới thời Tổng Thống Mỹ Carter. Chẳng những trên bình diện ngoại giao mà ngay cả trong phương sách tìm một thế đứng độc lập về chính trị và kinh tế, ta không thể bảo rằng ta không mất đi một thời cơ đáng tiếc [8] . Khi được vị tướng tài ba lừng danh ÐBP tiếp tại Hà Nội năm 77, tôi ngỡ ngàng trước câu hỏi, liệu 15, 20 năm ta có bắt kịp Tây Phương không, bụng nghĩ, chết cha, lãnh đạo ta lấy căn cứ gì mà có thể tưởng tượng đến cái vận tốc phát triển siêu âm ấy. Và vài năm sau, khi ông Thứ Trưởng Ngoại Giao của Ðảng là Võ Ðông Giang vỗ vai, bảo chú biết không, so trữ lượng dầu hỏa Trung Ðông với trữ lượng Việt Nam ta có ven biển, thì là lấy cái tem dán lên đít con voi, thì tôi, chuyên gia kinh tế về Tài Nguyên, chỉ còn biết cười, cười ra nước mắt. Bệnh nói như Trạng truyền nhiễm chẳng kém gì thổ tả, dịch hạch.

“Hoà bình rồi! Về thôi, về để xây dựng! Tôi nhắc lời ước mơ xưa của những kẻ như tôi với Bình Minh đã đến khách sạn đón tôi từ sớm.”

“Thế sao anh không về? Bình Minh ngạc nhiên, anh ở trong phong trào những người Việt yêu nước mà...”

“Không dễ... Ðại sứ quán phán, tùy trường hợp! Và cũng có người về. Một cặp qui cố hương với hai đứa con, công tác ở Ðại Học trong TP Hồ Chí Minh, về vì được một người bà con có chức có quyền ‘bảo đảm’. Hai năm sau, họ vượt biên...”

“Tại sao? Ai bắt đi?”

“Ðáp câu hỏi tại sao, chúng có thể nói đến một số biến cố bề mặt gọi gọn là hiện tượng. Chuyện này để nói sau vì dễ thôi, nhưng cái cần đề cập ngay là ‘bản chất’ xã hội cũa những hiện tượng cá biệt. Quyền lực mới trong xã hội sau 75 đã không biết phân biệt thời chiến - thời bình, cái gì là ta - cái gì là địch, quá khứ - tương lai... Chiến tranh là một cơn cuồng nộ, kẻ thù ta nhận ra, nhìn thấy, và rất dễ xác định ta - địch, thế nào là thua, thế nào là thắng. Hoà bình khác, nhưng lại có thể học rất nhiều từ chiến tranh. Ðịch xưa nay cứ là bọn xâm lăng đế quốc và bè lũ tay sai bây giờ không còn. Chỉ có ta. Và những kẻ đã hạ súng. Ta thì có người tử tế, có kẻ giá áo túi cơm. Và những giấc mơ thời chiến từng bước đụng mặt với hiện thực, mái nhà không cứ lúc nào cũng ấm êm như từng tưởng tượng, vợ trẻ con thơ ăn gì uống gì, mẹ già nay ốm mai đau thuốc thang làm sao, còn đàn em dại nay ngu ngơ công ăn việc làm chẳng có... Chỉ còn ta với ta. Sống thế nào với nhau đây, khi nước ta còn nghèo, thậm chí thời bình còn nghèo hơn thời chiến vì viện trợ từ hai nước ‘anh em’ giảm theo độ xuống thang của nghĩa vụ quốc tế với chiều hướng chung sống hòa bình cùng Ðế Quốc Mỹ?»

Bình Minh thở dài:

«Em không biết, khó cực kỳ... Chúng ta không có kinh nghiệm!»

«Nhưng chúng ta lại lắm mẹo Trạng để đối phó với tình thế mới! Xin nhắc, khi tiếp quản Sài Gòn, ai cũng nghe tuyên bố, chỉ có đế quốc Mỹ bại trận, tất cả mọi người Việt Nam đều thắng trận. Ðầu tháng 5-75, Ủy ban quân quản ra thông cáo kêu gọi trình diện: 1- binh sĩ và hạ sĩ quan cấp thấp đi học tập chính trị 3 ngày; 2- sĩ quan và viên chức cấp trung học tập 10 ngày; 3- sĩ quan và viên chức cao cấp cũng như lãnh đạo những đảng phái chính trị học tập 30 ngày. Tin vào sự khoan hồng và chỉ mong quay về một cuộc sống an bình khi hết chiến tranh, “ngụy” ra trình diện, nhưng học 10 ngày thì hóa ra 2, 3 năm. Còn 30 ngày, thành 5, 6 cho đến 12, 13 năm. Vợ chờ chồng, con chờ cha, và nay ai nấy đều hiểu không chỉ có Mỹ là kẻ chiến bại, nói vậy mà không phải vậy. Cách Mạng ta hô, không có tắm máu. Ðúng thế. Cách Mạng ta bảo không có chuyện ngục tù mà chỉ học tập cải tạo. Thì cứ cho là đúng đi, nhưng không học không được! Ðó là cái mẹo đầu, nhân danh an ninh khi vãn hồi hoà bình.

Và cái lo trước mắt là khôi phục kinh tế. Kẹt là ngoài một 16 tấn vàng tiếp thu được từ chính quyền “ngụy”, ta chẳng biết phải làm gì. Kinh nghiệm xây dựng ở miền Bắc không có bao nhiêu trong thời chiến, và nếu có, cũng không thể gọi là những thành công. Thế thì thắng nhưng trắng tay ư? So với những người đã tự nguyện bỏ súng bỏ đạn - đám ngụy quân ngụy quyền và bọn liên quan ăn bơ thừa sữa cặn đế quốc - chẳng nhẽ cứ để chúng ăn trên ngồi trốc à? Mẹo thứ nhì, không có thì ăn cướp. Thế là ngay ba năm sau Giải Phóng, đổi tiền rồi cải tạo tư sản ở miền Nam [9] . Sau, phát động chính sách đi kinh tế mới, cửa nhà bỏ lại... Dân sợ. Tương lai ra sao đây? Chính sách lý lịch-thành phần lại tung tăng giấy tờ, con cái ‘Ngụy’ thì học hành thế nào? Ngụy cha, ngụy anh đi học tập. Ba tháng. Rồi ba năm, vẫn mút mùa. Ngụy học chăm đến độ không ngờ, học thêm có kẻ 5, 7, 11, 12 năm [10] . Cán bộ quản giáo vui và mừng chia quả thực thăm nuôi. Vợ con ngụy cứ rút lần rút mòn chút của để dành ra ăn, người còn thanh xuân đi bước nữa, kẻ có vàng thì chạy ngược chạy xuôi tìm một chuyến vượt biên. Ban đầu, 12 lạng một đầu người, mua tầu 2, 3 lốc, mua bến, mua bãi. Số 12 lạng cào sạch, giá từ từ xuống 10, rồi 8, 6... Người bán bến bán bãi đút vàng vào túi nhưng trên đài trên báo ra rả kết tội kẻ thí mạng ra đi là tham bơ thừa sữa cặn của Mỹ mà vượt biên...»

«Ai lấy vàng?” Bình Minh ngỡ ngàng.

“Thì dân gian đã bảo con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc cướp ngày là quan chứ còn ai vào đấy nữa! Cái thúc đẩy thêm cho chuyện vượt biên là gì Bình Minh có biết không?”

Thấy Bình Minh ngước nhìn chờ đợi, tôi tiếp:

“... là cái việc làm nghĩa vụ quốc tế đi ‘giải phóng’ nước anh em Campuchia đang bị họa diệt chủng gây ra bởi những Pol Pot, những Ieng Sary, đám hình nộm đỏ nặn từ hồng thư của người cầm lái vĩ đại Mao Trạch Ðông... Thế là đi nghĩa vụ quân sự, sau ba năm tưởng đã có hòa bình! Ðảng bách chiến bách thắng chạy trốn về phía trước bằng cách lao vào chiến tranh. Thêm một lần, không biết làm sao tổ chức một xã hội thời bình nên những người nắm quyền lực nhắm mắt làm theo đúng cái quán tính độc nhất họ biết là chiến tranh. Lần này, Ðảng là tác nhân, có viện trợ Liên Xô, ý đồ là làm vướng chân anh Trung Quốc lúc ấy đã ve vãn được con ‘hổ giấy’ sau chuyến đi thăm Bắc Kinh của Nixon năm 1972. Cuộc viễn chinh của một dân tộc có cái tiếng tốt là xưa nay chống xâm lăng khiến thế giới lên tiếng phản đối, và người ‘anh em’ chơi trò răng cắn môi, xua quân qua biên giới, dạy Việt Nam ‘một bài học’! Thuở đó Võ Ðông Giang hỏi, Pol Pot chúng nó diệt chủng, ta đánh qua, thế giới có ủng hộ ta không? Tôi đáp, không. Ta đánh qua, nhưng 3 tuần sau rút, thế giới có ủng hộ ta không? Tôi đáp, không. Thì 3 ngày sau ta rút, khả năng là có với số trực thăng lấy được của Mỹ-Ngụy! Vậy cứ làm, rút ngay, không tuyên bố gì. Tôi lại đáp, cũng không! Bởi rồi, ai cũng biết, Lê Ðức Thọ thời đó vẫn mơ màng cái Liên Bang Ðông Dương thực dân Pháp đề ra từ tháng 3 năm 45, nhưng lần này với Việt Nam anh hùng có ý đồ làm tiểu bá trong khu vực. Nhưng thôi, những chuyện đã chót làm, nhắc lại làm gì. Chuyện đáng để nhớ là chuyện con người...”

“Trong một cuộc đổi đời, chắc là lắm cơn chấn thương...”, Bình Minh ngậm ngùi, tay đưa lên bóp trán, đầu cúi nhìn xuống đất.


Chuyện người vượt biên, người học tập

Ðúng thế, cuộc biển dâu len vào mọi mặt của đời sống. Ði học tập, bao giờ về? Ðược về, là đối mặt với tan vỡ, gia đình tứ tán, kẻ đi kinh tế mới, người lỡ bước sang ngang thêm một lần. Và về, thì vẫn cứ phải trình diện, sống trong cảnh phân biệt đối xử, công ăn việc làm không có, cái án thành phần “ngụy’’sẽ truyền đời cho đến con, đến cháu. Thế là về rồi để cố mà đi. Chuyến này ra biển, chết sóng chết gió mai mốt khác gì với chết dần chết mòn trên cạn với mảnh đất không còn cưu mang mình. Dân vẫn đùa, nói với nhau chua chát, cột điện biết đi thì cũng vượt biên cơ mà!

Tôi kể thảm cảnh của người đi học tập và vượt biên, ngạc nhiên khi thấy Bình Minh không biết chi nhiều về một cuộc tang thương khủng khiếp nhiều người đã phải gồng mình lên gánh cách đây chẳng lâu. Chúng tôi im lặng. Bình Minh có vẻ bối rối ngượng ngùng. Lát sau, Bình Minh chép miệng:

„Vậy mà khi em học cấp một, cô giáo cứ nói những người vượt biên là những kẻ phản quốc đó anh!“

„Từ khi chiến tranh Campuchia nổ ra, số người vượt biên tăng, phần lớn đi đường biển. Theo một ước lượng, số bỏ mạng trên biển cả có thể lên đến 400.000 người. Những gia đình tan vỡ vì học tập cải tạo thì không tính được là bao nhiêu. Khi Trung Quốc đánh vào Cao Bằng - Lạng Sơn trong chiến tranh biên giới, chính quyền lại ‘mời’ người Việt gốc Hoa hồi hương, dĩ nhiên phải để nhà cửa của cải lại. Có những người ở Việt Nam đến ba đời, vẫn phải lên đường dù một chữ Hoa bẻ đôi cũng không biết. Lại thêm một dịp hôi của, ta bắt ngay thời cơ! Thế là ba bốn năm sau Giải Phóng, lại chiến tranh. Xã hội-trại lính tiếp tục, vẫn tem phiếu, hộ khẩu, sổ gạo, sổ vải... và đầy kẻ thù, trên là bọn Bành Trướng, dưới là Khmer-đỏ Pol Pot diệt chủng. Và nhất là vô số những oan hồn!“

„Có khác thế được không anh?“, Bình Minh hỏi, mắt e dè.

„Có thể được chứ! Hai lần có thể khác được, nhưng lần nào ta cũng lao vào cái lối đoạn trường như có ma đưa lối quỉ dẫn đường... Lần đầu, nếu không có cái nghị quyết 9 và con đường 559, thì không có chiến tranh. Miền Nam khi đó cũng như Nam Hàn thời 1955, đã có chút công nghiệp, và với những con người không thua kém ai, biết đâu ta cũng có khả năng làm ra xe hơi như Huyndai, TV như Samsung. Còn miền Bắc, có thể chí ít thì cũng có bom nguyên tử như Bắc Hàn tuyên bố, dẫu chuyện đó chẳng phải là điều làm cho dân hạnh phúc. Nói thế, mục đích để nhấn mạnh rằng không giải phóng miền Nam bằng võ trang thì nhân lực hai miền dồn vào việc xây dựng, và chắc chắn là xã hội Việt Nam hôm nay không thể trì trệ ở cái mức là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Lần thứ hai, là ngay sau 75. Nếu ta bình thường được quan hệ ngoại giao với Mỹ và những nước Tây Âu năm 77, Mỹ giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, và không có chuyện cấm vận. Trong khi đó, nếu ta thực sự thi hành chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc thì làm gì có những trại tập trung học tập cải tạo, có vượt biên hàng mấy trăm nghìn người, và thậm chí cái chiến tranh với Campuchia và Trung Quốc cũng có thể tránh được. Thời gian năm 75, miền Nam có thua gì Thái Lan. Trong điều kiện hòa bình, chí ít thì ta cũng phát triển như Thái, mà bây giờ ta cần 15, 20 năm mới đuổi kịp cái mức Thái ngày hôm nay... Nhưng em biết rồi, Ðảng lại đưa quân sang Campuchia ‘giải phóng’, đẩy đất nước vào chiến tranh biên giới, rồi bị cấm vận và cô lập, không biết làm gì khác hơn năm 59 là lại lập lại mô hình xã hội-trại lính...»

«Thế là phí mất 15, 20 năm. Và bao nhiêu oan trái đau khổ vô ích!», Bình Minh thở ra sóng sượt, buồn so, mặt cứ cúi gầm xuống.

Tôi quàng vai Bình Minh, nói với giọng cố làm vui:

«Vài ba mươi năm có hề chi, lịch sử là con đường dài trước mặt!»

Tôi nói để an ủi Bình Minh, nhưng thật cũng là để an ủi mình. Con đường dài đi làm sao khi những oan khiên mới hôm trước vẫn không thôi thúc được những tấm lòng người ngày hôm nay sống cho tử tế hơn ngay cả với những kẻ đã khuất. Bên cạnh những tượng đài Liệt Sĩ, có bao giờ những người có trách nhiệm lịch sử nghĩ đến dựng những tượng đài cho những kẻ chết oan như một cách xin họ tha cho những lỗi lầm phải trả giá bằng hàng triệu sinh mạng qua đổi dời, từ Cải Cách Ruộng Ðất đến di cư, từ Giải Phóng đến di tản, từ Chiến tranh Biên giới và Cải tạo Tư Sản đến vuợt biên. Có lẽ đã đến lúc những người có trách nhiệm cao nhất trong guồng quyền lực có thể nghĩ đến một cuộc đại lễ giải oan cho toàn dân tộc. Tất cả chúng ta sẽ thành khẩn cầu cho những kẻ chết oan, chết dại, chết vô ích, chết trên rừng, trong địa đạo, chiến hào, dưới biển thẳm... siêu thoát. Nếu không hòa hợp hoà giải được với những người đã xuôi tay nằm xuống thì ai tin gì vào lời tuyên bố người Việt sống dù ở đâu cũng là da là thịt của Tổ Quốc.

Thân thích của những kẻ chết oan ấy lưu lạc năm châu bốn biển. Nay họ không còn bị gọi là những kẻ phản quốc như cô giáo năm xưa não bộ bị guồng máy tuyên truyền nhào nặn nữa. Bây giờ, mới có nghị quyết 36 năm 2004, điệp khúc đầy yêu thương lập lại cho cái khúc ruột ngàn dậm của Tổ Quốc đó, bởi nó ăn nhịn để dành gửi về cho người thân trong nước độ 3 tỉ rưỡi đôla mỗi năm, và về du lịch, ăn tiêu quà cáp, tính vào thì tất cả có thể lên đến 6 tỉ [11] tức là 15% cho đến 20% tổng sản lượng nội địa. Ðó là viện trợ không hoàn trả, từ những tấm lòng Việt Nam hải ngoại, rơi từ trời xuống và giúp cho Ðảng quyền bính cũng dễ thở hơn, chứ không như tài trợ quốc tế, có lợi nhuận và điều kiện. Xin mở một cái ngoặc dài để nêu ra một nghịch lý oái oăm: Năm vừa qua, BBC đưa tin về Hội Nghị của nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam [12] đã kết thúc ngày 2-12-2004 tại Hà Nội. Các nhà tài trợ quốc tế cam kết sẽ cung cấp 3.4 tỉ đôla viện trợ phát triển cho Việt Nam, tăng so với 2.8 tỉ năm ngoái. Nhật là nước tài trợ quan trọng nhất, với 902 triệu đôla. Sau đến Pháp, với 444 triệu, rồi Anh, với 177 triệu Euro. Trong số tiền tài trợ, 30% là viện trợ không hoàn trả, 70% là tiền cho vay với tỉ số lợi nhuận đặc biệt. Và họ khuyến cáo là phải tăng cạnh tranh, chống tham nhũng trước khi hội nhập vào WTO. Ông Deepak Khanna, đại diện của Tổ chức tài chính quốc tế IFC ở Việt Nam, phát biểu: "Một loạt các cuộc điều tra đã khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư. Chuyển đổi những mong ước này thàh hiện thực đòi hỏi có sự cộng tác chặt chẽ hơn nữa giữa chính phủ và doanh nghiệp. Còn rất nhiều việc cần làm để tinh giản thủ tục, kiềm chế tham nhũng, cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo ra sân chơi bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhà nước." Ðại sứ Ðan Mạch, Lysholt Hansen, nhấn mạnh: "Cần ưu tiên cải thiện tính minh bạch trong quản lý tài chính công, phân bổ nguồn lực, mua sắm, kiểm toán, và thanh tra, quản lý khu vực công, vấn đề thu phí cho các dịch vụ công, cũng như vai trò thiết yếu của việc tự do báo chí trong đấu tranh chống tham nhũng."

Nghịch lý bây giờ rõ mồn một: Việt Kiều tài trợ (không hoàn lại) gấp 3, 4 lần các nhà tài trợ quốc tế nói trên, nhưng lại chẳng có lời ăn tiếng nói gì trong khi đất nước vẫn là đất nước mình, còn gia đình thân thích, còn con còn cháu, nhưng trơ mắt bó tay nhìn những đảo điên, không tập hợp nổi số «vốn’’ bằng 15-20% sản lượng nội địa mỗi năm gửi về tạo thế đòn bẩy, và chí ít thì cũng nói được dăm lời nói có trọng lượng của lương tâm và trí tuệ. Nhưng không, những chuyên gia tài chánh và trí thức Việt Kiều ngậm tăm, chăm chỉ làm công cho các công ty tư bản Tây-Mỹ, mũ ni che tai, tập trung sức lực tìm thăng tiến cho riêng mình. Những «chính khách’’ hải ngoại lập chính phủ lưu vong, phát ngôn «suông’’ kêu gào chống này chống nọ trên internet, lời nhẹ còn hơn gió bay vèo đi trên mạng, tăm hơi nằm trong Recycle Bin đợi bấm nút Delete! Khốn khổ thay cho trí tuệ Việt Nam! Ðau đớn thay cho con người Việt Nam lưu lạc, cái khúc ruột ngàn dậm, cái khúc ruột thừa, đáng ra phải có được một chức năng xứng đáng hơn trong sinh thể của Tổ Quốc?


Ðường cùng

Sa lầy vào chiến tranh trên đất Chùa Tháp, mất hậu thuẫn quốc tế, phải đối phó với nguy cơ phương Bắc, bị cô lập và cấm vận kinh tế trong khi đó cải tạo xã hội ở miền Nam theo mô hình XHCN khó khăn trầm trọng: hợp tác xã nông nghiệp kiểu «đánh kẻng’’ để nông dân đi làm như với miền Bắc đầu những năm 60 lại lập lại thêm một lần sự thất bại không thể phủ nhận được cuối thập niên 70. Sau Giải Phóng, sản lượng nông nghiệp trong Nam xuống trầm trọng, cái cảnh ăn độn bo-bo bắt đầu đập vào mắt, rõ ràng động cơ kinh tế là củ cà rốt chứ không thể tạo ra bằng cái gậy giơ cao đánh xuống (với ý chí điên rồ đem bỏ toàn bộ nhân dân vào một cái nhà tù khổ sai «vĩ đại’’ chấn chỉnh bằng roi vọt). Ðầu những năm 80, Ðảng đành chấp nhận 5 thành phần kinh tế và cho khoán sản phẩm, một kinh nghiệm làm chui ở Vĩnh Phúc năm 66 khi cải cách nông nghiệp trên miền Bắc thất bại. Trước, sự thất bại ta đổ tội cho chiến tranh. Nay, cũng vậy.

“Tại sao Ðảng lại lập lại trong miền Nam những thất bại cải cách kinh tế ở miền Bắc?” Bình Minh ngạc nhiên.

Tôi không biết làm thế nào để trả lời Bình Minh cho thật ngắn gọn. Hình ảnh đất nước lại chập chờn khơi lại chuyến tôi về Hà Nội 25 năm về trước. Thuở đó, Hà Nội xơ xác, điện lắm hôm bị cúp ngày 2,3 lần, khi có điện thì cái máy suyệc-vôn-tơ kêu sè sè. Tối tối, tôi thả bộ dọc đường Trần Hưng Ðạo, xót xa nhìn những ngọn đèn dầu lạc le lói chiếu những cái hòm gỗ con con để dăm bao thuốc lá bán lẻ cho khách qua đưòng. Ðầu ngõ, những cái bảng nguệch ngoạc “Nhận đan len, nuôi thỏ’’ hay “Qui-Gai-Xốp’’, ba chữ có âm điệu Liên Xô mãi sau chúng tôi mới hiểu ra là bánh bít-qui, bánh gai... Dân Hà Nội nghèo. Nhưng điều khiến tôi ngỡ ngàng là cái thói nói chuyện đất nước mà cứ thì thào vào tai, mắt nhìn ra sau như sợ có người nghe. Lắc đầu, tôi ban đầu cho rằng đó là do cái thói quen bảo mật trong thời chiến, nhưng sau tôi hiểu, nó đến từ một sự sợ hãi lơ lửng đe dọa những phát ngôn lỡ ra không đúng lập trường, sai đường lối chính sách, và lung tung vô tổ chức. Nhưng khi tập thể bóp chết tư duy mọi cá nhân thì cái tập thể đó phải chăng đang mê muội lên đồng, tự thắt họng, trong cuộc hiến tế dâng xác mình cho thần chuyên chế?

Thời đó là thời Ðại Hội V. Nghe đâu ông Võ Nguyên Giáp có thể sẽ thành Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng thay ông Phạm Văn Ðồng. Nhưng ông Giáp đòi làm cho rõ ràng hai chuyện chồng chéo là Ðảng lãnh đạo và Nhà Nuớc quản lý, tức yêu cầu có một hình thức phân quyền nào đó mặc dầu lãnh đạo hay quản lý thì nhất định cứ phải là đảng viên trước đã. Hai ông Duẩn-Thọ điều ngay ông Giáp từ Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật, một trong ba dòng thác cách mạng, sang phụ trách Sinh đẻ có Kế Hoạch.

Thôi thì, cứ từ từ. Thuở đó, tôi giao tiếp với ông Phan Ðình Diệu và ông Nguyễn Khắc Viện. Hai vị này “điều trần’’, và phần tôi, tôi được (hay bị) ông Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Cơ Thạch và (về sau) ông Võ Văn Kiệt khuyến khích đề đạt những góp ý về vấn đề xây dựng kinh tế. Viết gửi Hội Ðồng Bộ Trưởng thời đó, tôi đề xuất quan điểm xã hội như một hệ thống “mở’, trong đó thông tin luân chuyển và có tính phản hồi, tức một hệ thống sinh động chứ không bó vào quán tính ù lì. Trên phương diện kinh tế, tôi xin đẩy mạnh “khoán’’ đến việc sử dụng cơ cấu giá thị trường như đòn bẩy kích thích, và giới hạn sự tham gia của Nhà Nước vào những chính sách vĩ mô liên quan đến y tế, giáo dục, quân sự, và những ngành công nghiệp cần tập trung... Về mặt vi mô, tôi cho rằng Nhà Nước phải giới hạn nền kinh tế quốc doanh vào nhiều lắm là 60% từng ngành, mở rộng tham gia cho nhiều thành phần kinh tế, và làm sao để các xí nghiệp quốc doanh cạnh tranh một cách công bằng trên cơ sở qui luật thị trường chứ không dùng ưu tiên chính trị để chèn ép những xí nghiệp thuộc những thành phần kinh tế (tư nhân) khác [13] ... Ðấy là cái tội trời chưa sáng đã gáy của tôi đầu thập niên 80! Từ 82, tôi phải đợi 6 năm sau mới có giấy phép nhập cảnh Việt Nam, đơn của một người như tôi xin về đóng góp xây đựng quê hương mình phải có chữ ký chấp thuận của đến ba vị lãnh đạo là các ông Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt và Nguyễn Cơ Thạch!

Bình Minh ngắt, giọng nghiêm trang, quay lại vấn đề:

“Nhưng anh chưa đáp câu hỏi, tại sao lại lập lại những thất bại...”

“Tại cái câu của Lê-nin, là cướp chính quyền dễ, nhưng giữ được chính quyền mới khó! Dưới thời thực dân phong kiến, bộ máy quản lý nông thôn ở mức xã có xã trưởng, hương tuần... cộng lại đến 10, 20 người là nhiều. Nhưng với giải phóng, rất nhiều chức tước, mọc ra nhan nhản với nào là Ủy Ban nhân dân, Xã đội, công an... và thường là phình ra gấp 5, 7, thậm chí 10 lần bộ máy ngày trước. Giữ chính quyền đồng nghĩa là nuôi được và cho cái bộ máy mới này những đặc lợi. Người cầy thực ra không có ruộng, đất là sở hữu tập thể, và nông dân bán sức lao động. Ðất đai có hạn, người ngày một đông, thu nhập thấp rồi sưu cao thuế nặng. Trên giấy tờ, thuế nông nghiệp Trung Ương chỉ 15-20%. Nhưng còn tỉnh, còn huyện, còn các thứ quĩ đảm phụ nào là y tế, trường học, phụ lão... cho nên khi đến tay người cầy chỉ còn độ 20-25%. Một lần tôi đi tham quan và có dịp hỏi riêng một vị tiên chỉ ở một cái xã ngoại thành Hà Nội, nếu Nhà Nước ở các cấp chỉ thu độ 40% thuế các loại, nông dân ta có làm hăng hơn không? Cụ tiên chỉ sụp xuống, kêu nếu ông lo được thế thì làng tôi xin vái ông làm Thành Hoàng. Tôi vội đỡ cụ dậy, ngậm ngùi nói “...Cụ ơi, cháu cũng là dân như cụ thôi, làm gì được!’’. Trong khi đó, nông nghiệp là khâu các nước tiên tiến phải có chính sách bù lỗ mới giữ được nông dân canh tác thì ở nước ta thuế má như vậy, tôi kêu lên những người lãnh đạo. Kêu thôi, nhưng chính trị thống soái, và Ðảng vẫn giữ bộ máy cồng kềnh của chính quyền để đảm bảo cho sự tồn tại của mình! Ở trung tâm xã hội kiểu XHCN thời đó, quyền lực tập trung vào bộ máy giữ chính quyền, kinh tế chỉ là chóp băng bề mặt, sâu dưới đáy là văn hóa bị kềm giữ bằng cách bóp chết thông tin khiến trí tuệ không oxy chết ngạt... Và rêu rao kẻ thù bên ngoài với khả năng chiến tranh là cái gậy thần đưa toàn dân vào cái thế cúi đầu ngậm miệng trước giặc trong! Ðó là thời mà một ông bạn tôi, con nhà nòi Cách mạng thuộc thế hệ có đào tạo và có thể là lớp kế thừa, khi thấy người ta giữ chính quyền mà bỏ cho dân đói, đã để lại vợ và hai con đi vượt biên! Và từ lúc có lao động thế nào đi nữa thì ăn cũng chẳng đủ no, chỉ sau hai năm khoán hộ, miền Nam thoát khỏi cảnh ăn độn bobo, đã có khả năng chi viện lương thực cho miền Bắc xưa nay vốn hiếm không tự túc được.

“Thì bây giờ cũng đầy giặc trong, giặc chỉ chuyển từ nông nghiệp qua những dự án xây dựng hạ tầng cơ sở và khâu gia công trong công nghiệp nhẹ, phải không anh?” Bình Minh thở dài, quay mặt như tránh câu trả lời.

“Bây giờ có khác, nhưng cái gì thì cùng cũng tắc biến...”


Ðổi Mới hay là chết!

Cùng tắc biến, nếu không mang tính hiện thực thì cũng là một câu mở cửa về phía tương lai. Nhưng biến tắc thông trong Kinh Dịch thì chẳng chắc. Ðại hội VI, với các vị lãnh đạo tối thượng nay trở thành cố vấn, để ông Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí Thư Ðảng. Chiến tranh Campuchia là chuyện quá khứ. Quan hệ với Trung Quốc đỡ căng. Về phía Liên Xô, glasnostPerestroiska với Gorbachev báo hiệu một cách nhìn mới trên phương diện tổ chức chính trị. Việt Nam tung khẩu hiệu đổi mới tư duy, bước đầu là cởi trói cho văn nghệ sĩ, điều tướng Trần Ðộ ấp ủ từ Ðại hội V, nhưng sau bị Trưởng ban Tổ Chức Lê Ðức Thọ gạt đi [14] . Thật ra, cái nhu cầu cởi trói đã có từ năm 1979, gần như lập lại nhu cầu thời Nhân Văn-Giai Phẩm 25 năm về trước. Ðể tuyên xưng lòng can đảm và tình yêu sự trung thực cũng như trí tuệ của những người dám nhắc nhở những điều bức thiết, không có gì hơn là trích lại Ðề Cương Ðề Dẫn thảo luận ở Hội Nghị Ðảng Viên bàn về Sáng tác Văn học 1979 [15] :

“...Bước lên vũ đài lịch sử, một trong nhiệm vụ to lớn và đẹp đẽ nhất của chủ nghĩa xã hội, về mặt con người, là nó phải - và chỉ có nó mới làm được công việc này - chấm dứt cuộc xung đột lâu dài giữa con người và xã hội đó, trả con người trở lại với toàn xã hội, với tập thể, đưa con người thống nhất trở lại với tập thể. Nhưng đây là một sự thống nhất có chất lượng hoàn toàn mới mẻ, một sự thống nhất không xoá nhoà cá nhân, một sự thống nhất trong đó mỗi cá nhân không phải là một đơn vị vô danh, mù mờ, không màu sắc; trái lại mỗi cá nhân đều long lanh những sắc màu riêng độc đáo nhất, được tự do phát triển và do đó năng lực sáng tạo to lớn của mỗi cá nhân đều đạt đến chỗ cao nhất. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thật sự là chủ nghĩa xã hội chân chính nếu nó đảm bảo sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi cá nhân. Và mỗi một con người chỉ thật sự là con người xã hội chủ nghĩa khi được phát triển đến cao nhất bản sắc của riêng nó, nó lại hoà hợp với toàn xã hội ở mức độ rất cao... Xã hội, có thể nói, lần đầu tiên thực sự là xã hội loài người. Ðó là một bài toán cực kỳ khó khăn, cũng cực kỳ lý thú, đẹp đẽ mà chủ nghĩa xã hội phải trả lời. Nhìn từ góc độ ấy chúng ta dễ nhận rõ cuộc đấu tranh xây dựng con người trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa về cơ bản là cuộc đấu tranh xây dựng mối quan hệ mới về chất giữa cá nhân và xã hội, giữa từng con người và tập thể.”

Những lời đẹp đẽ vừa kể phải chăng chỉ là tô vẽ về một xã hội huyễn vọng lý tưởng? Nhưng có xã hội nào không còn huyễn tưởng mà đáng để cho những con người sống là mong vượt lên trên giới hạn của cá nhân mình để cùng đồng loại tiến đến một cái gì tốt đẹp hơn? Sau Ðại hội, cuộc cởi trói cắt rốn đã khai sinh một số những tác phẩm văn học có chất [16] với những tên tuổi như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Nhật Tuấn... Ðùng một cái, biến cố Thiên An Môn ở Trung Quốc, rồi sự sụp đổ như những lá bài Tây xếp lá này dựa vào lá kia làm bức thành XHCN của Liên Xô và những nước Ðông Âu cứ lả tả ngả xuống. Thế là co lại [17] . Thế là quay ngoắt sang «chiến lược’’ dựa vào Trung Quốc để chống âm mưu «diễn biến hòa bình’’ của Ðế quốc Mỹ, hoảng sợ đẩy nhanh cuộc thương lượng bình thường hoá quan hệ Việt-Trung qua cách đem bán đứng Campuchia trong cuộc hội nghị cấp cao ở Thành Ðô và bị đánh lừa một cách bi hài [18] ! Than ơi, lại mẹo Trạng, nhưng lần này thì Trạng hết thiêng, cái láu lỉnh ứng biến vô nguyên tắc không thể thay được một cách nhìn có bề sâu và có chiều dài. Nhân dân lẩy Kiều, Trăm năm trong cõi người ta. Co vào rồi lại bung ra, mấy hồi!

«Nhưng có thể nào không theo Trung Quốc được không?»

«Trung Quốc từ 1976 của Ðặng Tiểu Bình bắt chuột, mèo đen hay mèo trắng đều được. Nhưng ngoài chuyện kinh tế bắt chuột thì Ðặng xua xe tăng vào Thiên An Môn bắt sinh viên Bắc Kinh biểu tình đòi nới ra cái không gian chính trị ngột ngạt của một chế độ toàn trị. Việt Nam co lại theo con đường đó, tức tốc giải tán 2 đảng Xã Hội và Dân Chủ, mặc dầu thật ra 2 đảng này cũng chỉ là loại sản phẩm phụ của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Về mặt tư tưởng, người ta khuyên nhau, ai ơi chớ có huyên thuyên, đa thê thì đặng đa nguyên thì đừng. Ông Trần Xuân Bách là Ủy viên ban Bí thư chỉ tương đối cởi mở chứ chưa kịp đa nguyên đã bị hất ngay ra khỏi vòng quyền bính. Còn tôi, phận mỏng, vừa về đến Nội Bài hè năm 90 thì được mời ra khỏi phi trường ngay, có hai vị đại tá công an xách hộ vali đưa đến tận cửa máy bay Air Thai chờ tôi nên không được cất cánh, mặc dầu tôi có visa và cả giấy mời về ‘đóng góp’ với Ủy Ban Vật Giá. Ơ hay, tôi có đa nguyên hoặc định diễn biến hòa bình hay không? Ðúng là năm 89 tôi có phát biểu với một cấp lãnh đạo nghe đâu sắp với đến chức Tổng Bí Thư Ðảng rằng chẳng nên giải tán 2 cái đảng vệ tinh nói trên. Chắc Ðảng cho là tôi có cú đá hậu của Ngựa bộc tệch trong truyện Lục Súc tranh công chăng? Và trâu bò húc nhau, thôi thì để cứ để cái thằng tôi ruồi muỗi hóa ra đệm bông đấu đá (proxy fight), nhân tiện thành ‘điển hình’ làm gương răn đe cho bọn trí thức lắm điều!»

Còn câu Bình Minh hỏi có thể không theo đường lối Trung Quốc thì tôi nghĩ là có khả năng lắm chứ. Quan hệ Mỹ-Trung khi đó căng, Việt Nam thì vào cuộc đổi mới trễ, vẫn đang kiệt quệ, còn bị cấm vận và khá cô lập. Thời cơ lúc ấy là cởi mở với phương Tây, hòa nhập về kinh tế, nới không gian chính trị, để thế giới thấy Việt Nam không cứng ngắc giáo điều và nhắm mắt làm chư hầu một Trung Quốc đang tìm cách bành trướng bá quyền. Chỉ 6 năm sau, Việt Nam làm thế thật, tức là co vào rồi lại bung ra, nhưng không còn cái thế tạo ra một thứ Nam Tư ở Á châu, quá muộn và mất hậu thuẫn của nhiều nước, kể cả nước láng giềng mình bội ước. Dĩ nhiên nói thế không có nghĩa là giải pháp vừa kể không có vấn đề, và cái chính là vấn đề nội bộ các vị lãnh đạo. Ða số họ không nắm vững tình hình địa dư chính trị vùng cũng như xu hướng của thế giới, vừa đa nghi vừa bảo thủ, co lại bảo vệ những điều đã đạt được, tức là quyền lực của họ. Trí nhớ họ khi đó chắc kém: họ quên Chu Ân Lai ép cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 17 năm 54, Mao Trạch Ðông đầu thập niên 60 thúc họ đánh Mỹ, sau khi gặp Tổng Thống Mỹ Nixon năm 72 lại khuyên họ là thôi, con hổ giấy có móng có vuốt, đánh nhau với nó làm gì!

Ðổi mới hay là chết? Người Việt tiếu với nhau, không chết, vẫn ngắc ngoải như cũ, rồi cười. Quái thật, cái gì cũng cười được, người mình có cái thói lạ!



[1]Xem Lê Ðạt, «Nói về Nhân Văn Giai Phẩm», phỏng vấn do Thụy Khuê thực hiện, Hợp Lưu, 81, 2005, và Trần Dần (sđd, 2001).
[2]Hồ Chí Minh Toàn Tập, NXB Sự Thật, 1976.
[3]Trần Văn Trà, Hòa bình hay chiến tranh, NXB QÐND, Hà Nội, 2003.
[4]Vũ Thư Hiên, Ðêm giữa ban ngày, Văn Nghệ, California, 1977.
[5]Nguyễn Minh Cần (sđd, 2003)
[6]Mann, R. (sđd)
[7]Tham khảo Mann, R. (sđd), Kissinger, H., Years of Upheaval, Boston: Little, Brown, 1982, và Nixon, R., No more Vietnam, NewYork: Abor House, 1985.
[8]Trần Quang Cơ, Quan hệ Việt-Mĩ: 1977, thời cơ bỏ lỡ, Diễn Ðàn, 136, 2004.
[9]Ðoàn Thêm, Những ngày muốn quên 1975-1983, THXB Miền Ðông, 1992
[10]Tạ Chí Ðại Trường, Một khoảng Việt Nam Cộng Hòa nối dài, Thanh Văn, 1993
[11]Ngô Nhân Dụng, “Tại sao nhiều người Việt giàu thế”, talawas 22.3.2004
[12]BBC, 2-12-2004, Lê Quỳnh, Ban Việt Ngữ.
[13]Nguyễn Mạnh Hùng, Vấn đề ổn định, Hợp lý hóa và Phát Triển Kinh Tế nước ta (Ðề trình gửi Ông Phạm Văn Ðồng, Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng), 1982 (tài liệu riêng).
[14]Trần Ðộ, Hồi Ký (1955-1996), talawas 27.11.2004. Tập 2, chương 3, đề cập đến Nghị Quyết 5 (1987) cởi trói: Tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa, văn nghệ, để phát triển tài năng. Trong lịch sử Ðảng đã lãnh đạo toàn dân tộc giành được độc lập, tự do và đã mang lại quyền tự do sáng tác chân chính cho văn nghệ sĩ. Bản chất quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ nằm trong sự nghiệp cách mạng do Ðảng lãnh đạo và được quy định bởi trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội... Tác phẩm văn nghệ không vi phạm pháp luật, không phản động (chống lại dân tộc, chống lại chủ nghĩa xã hội, phá hoại hòa bình), và không đồi trụy (truyền bá tội ác, sự sa đọa, phá hoại nhân phẩm) đều có quyền được lưu hành và đặt dưới sự đánh giá, phán xét của công luận và sự phê bình. Ðảng và Nhà nước khuyến khích thảo luận, tranh luận công khai để tìm ra chân lý. Cần tạo một không khí hồ hởi trong sáng tác, khêu gợi nhiều cảm hứng sáng tạo cao đẹp trong các văn nghệ sĩ... Nhưng dây mới nới nửa vòng thì hai năm sau vắt lên cổ văn nghệ sĩ! Và sau đó họ tự kiểm duyệt đến độ còn gay gắt hơn thời trước!!!
[15]Ðề Cương Ðề Dẫn thảo luận ở Hội Nghị Ðảng Viên bàn về Sáng tác Văn học 1979, talawas, 05.11.2004.
[16]Nam Dao, Trách nhiệm nhà văn giữa lối đi lầy vết, Phỏng vấn do Mai Ninh thực hiện, Hợp Lưu, 80, 2004
[17]Thành quả về văn học, trừ thời kháng chiến chống Pháp, không được như mong mỏi (xem ghi chú 30 và 35 ở dưới), lý do chính là lập trường thắt họng văn chương và quan điểm sáng tác theo hiện thực XHCN. Xin tham khảo Phan Huy Ðường, Vẫy gọi nhau làm người: Gặp gỡ cuối năm, khi lập trường thắt họng văn chương, http://amvc.free.fr. Xem thêm cước chú 34 ở dưới.
[18]Trần Quang Cơ, Hồi ký (trích Hồi Ức và Suy Nghĩ), Diễn Ðàn, 2003.