trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
16.6.2005
Christian Delacampagne
Paul Ricoeur, nhà triết học của tất cả các cuộc đối thoại
Kim Hiền dịch
 

Paul Ricoeur
Là người trí thức với những hiểu biết rộng lớn, ông hiện thân cho những giằng xé của tư tưởng nhân văn chủ nghĩa thế kỷ XX.

Nhà triết học Paul Ricoeur, 92 tuổi, tác giả của bộ Thời gian và chuyện kể (Temps et récit), đã qua đời ngày thứ sáu, 20 tháng 5, tại Châtenay-Malabry (Hauts-de-Seine).

Ra đời tại Valence (Drôme) ngày 27 tháng 2 năm 1913 trong một gia đình có truyền thống Tin lành, Paul Ricoeur mất cha mẹ ngay từ khi ông còn nhỏ. Được nhà nước bảo trợ, ông lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng của ông bà mình. Ông đã thừa hưởng được tình yêu triết học ở người thầy dạy triết năm cuối cấp 3, Roland Dalbiez (một trong những người đầu tiên ở Pháp viết về Freud). Đến lượt mình ông cũng trở thành thầy giáo, sau luận văn về "Vấn đề của Chúa theo Lachelier và Lagneau". Năm 1939, sau khi nhận được bằng thạc sĩ triết học, ông được động viên vào quân đội. Bị bắt vào tháng năm 1940, ông đã sống qua suốt thời gian chiến tranh trong một trại tù binh sĩ quan tại Poméranie. Sau Giải phóng, ông đã được bổ nhiệm về trường Đại học Strasbourg và giảng dạy ở đó từ 1948 đến 1957, mười năm đó, theo lời tự thuật của ông trong cuốn Suy tư được thực hiện (NXB Seuil 1995), là "hạnh phúc nhất trong đời đại học của ông".

Năm 1957, ông đảm nhiệm cương vị giảng dạy triết học đại cương tại Sorbonne, rồi từ năm 1965, chuyển tới Khoa nghiên cứu văn chương của trường Đại học Nanterre vừa mới thành lập và trở thành người phụ trách khoa vào năm 1969. Mặc dù kiên cường đối mặt với các chức trách hành chính, vốn đã bị chấn thương bởi biến cố tháng Năm 1968 [1] , Ricoeur khó sống với những sự kiện cuả những tháng đầu năm 70 tại khu đại học Nanterre, lúc đó chìm trong những náo loạn gây nên bởi đủ loại băng nhóm bạo lực. Là nạn nhân của những vụ tấn công bất công và thậm chí bị hành hạ về thể xác, thất vọng bởi sự không hiểu biết của chính phủ cũng như sự bất lực trong việc hiện đại hoá cơ cấu giảng dạy đại học Pháp, ông đã quyết định từ nhiệm chức trưởng khoa (1970). Và thế là ông đã đi ở lánh ba năm tại trường Đại học Công giáo Louvain, trước khi quay trở về Nanterre để tiếp tục giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu (1981).

Việc về hưu đã cho phép ông hiến mình một cách toàn tâm ý cho nửa sau của cuộc đời nghề nghiệp tại Hoa Kỳ, đặc biệt là tại trường Đại học Chicago, nơi ông đã từng được mời giảng dạy vào các mùa đông hàng năm kể từ 1970. Cho đến cuối đời mình, ông đã tiếp tục hiến một phần quan trọng cho Tạp chí Siêu hình học và Đạo đức (Revue de métaphysique et de morale) mà ông là người chủ trương cũng như cho Viện nghiên cứu Triết học quốc tế, và nhận nhiều lời mời hàng năm của các cơ sở Đại học trên khắp thế giới (ngoài ra ông còn nhận được hơn 30 bằng tiến sĩ danh dự).

Là một nhà nhân văn có những hiểu biết rộng lớn, chú trọng đến văn chương cũng như các khoa học về con người, nhà du hành cởi mở vào khối văn hoá anglo-saxon cũng như với truyền thống Đức, Paul Ricoeur khó lòng tự khép mình trong một trường phái hoặc một trào lưu nào. Đạo Thiên chúa, hiện tượng luận, ngành luận giải văn bản và tín hiệu, phân tâm học, ngôn ngữ học và sử học, ở các mức độ khác nhau đều đã tham gia vào việc hình thành nên tư tưởng của ông. Nếu như tư tưởng của ông thuộc về làn sóng hiện sinh Thiên chúa và của nhân cách luận [2] (personnalisme), thì vẫn thật khó mà qui nó vào bất cứ hệ thống nào.

Những ảnh hưởng đầu tiên đối với Ricoeur đến từ Emmanuel Mounier (1905-1950) và Gabriel Marcel (1889-1973). Từ khi tạp chí Esprit [3] , được Mounier sáng lập, ông đã là một độc giả chuyên cần, để rồi sau chiến tranh trở thành người cộng tác viên thường xuyên. Nhưng chính là ở Marcel, mà Ricoeur đã phát hiện thấy mô hình của một lối tư duy triết học đặt cho câu hỏi có tính tôn giáo một vị trí trung tâm, mà không hề bỏ qua sự nghiêm ngặt về khái niệm. Cũng nhờ ở Marcel mà ông đã nhập môn vào hiện tượng luận, từ năm 1934, cụ thể là vào tác phẩm của Edmund Husserl, mà ông đã tiến hành dịch cuốn đầu trong bộ Các ý tưởng dẫn dắt một môn hiện tượng luận thuần khiết (NXB Gallimard, 1990) và tác phẩm của Karl Jaspers (1883-1969), mà Ricoeur đã dành cuốn sách đầu tiên của mình Karl Jaspers và triết học của sự tồn tại (Seuil, 1947) với sự cộng tác của Mikel Dufrenne.

Để lấy được học vị tiến sĩ và đồng thời tìm cách đem lại cho những ưu tư của một người theo Thiên chúa với chủ đề ám ảnh của tội lỗi, một lời giải tương xứng với những đòi hỏi của phưong pháp hiện tượng luận, Ricoeur đã tiến hành một nghiên cứu rộng lớn về Triết học của Ý chí mà tập đầu tiên của nó được xuất bản vào năm 1949 (Cái có ý chí và cái không có ý chí), và hai tập tiếp theo (Con người có thể có sai lầmHệ biểu trưng của cái ác) được nhóm vào trong một cái tên duy nhất Sự hữu hạn và mặc cảm có tội (Aubier, 1960).

Theo dòng ba tác phẩm này, những câu hỏi cố điển mà Ricoeur bắt đầu đặt cho mình từ đó (làm thế nào mà người ta lại muốn điều ác? Niềm tin không đúng đắn là như thế nào? Một hành động không có ý chí là như thế nào?) đã dẫn ông từng tí từng tí một khai thác, bên dưới cái bề mặt ý thức, những chiều sâu của vô thức cá nhân, cũng như những chiều sâu của vũ trụ biểu trưng vào cái thời mà những tôn giáo lớn đã từng cố sức tìm hiểu về vấn đề cái ác. Và như vậy là ở đấy ông đã đồng thời bắt gặp cả phân tâm học và môn luận giải tín hiệu văn bản.

Vào thời đó, hai bộ môn có nguồn gốc giéc-manh này còn rất ít được biết đến ở Pháp. Từ Friedrich Schleiermacher (1768-1834) cho đến Hans-Georg Gadamer (1900-2002) và ở khoảng giữa họ là rất nhiều nhà thần học Tin lành, ngành luận giải tín hiệu và văn bản đã cố gắng ứng dụng các công cụ của bộ môn giải mã Kinh thánh (exégèse biblique) vào các nội dung của triết học đạo lý. Phân tâm học, bằng những con đường khác, đã đặt vấn đề nghi ngờ cái chủ nghĩa ái kỷ của cái Tôi tư duy cổ điển (cogito classique) [4] . Từ cả hai môn này, cũng như trong các tác phẩm của Mircea Eliade, bạn ông, Ricoeur đã giữ lại ý tưởng rằng hiện thực con người trước hết được cấu tạo nên bởi các biểu tượng mà sự giải mã của nó về nguyên tắc là không cùng. Và chính ông đã phát triển cái trực giác này trong hai cuốn sách tiếp theo - các tác phẩm mà lúc đó đã không được nhận thức đúng mức: Sự giải thích, tiểu luận về Freud (Seuil, 1965) và Sự xung đột giữa các giải thích - các tiểu luận luận giải tín hiệu và văn bản (Seuil, 1970).

Với vấn đề hệ biểu trưng, Ricoeur - không phải là không biết đến nội dung giảng dạy của Lacan, nhưng ông giữ một khoảng cách xa với những mối quan tâm phản nhân văn chủ nghĩa của học thuyết cấu trúc luận - đã chạm đến vấn đề ngôn ngữ. Tuy nhiên, chính một sự giải ảo chính trị, gắn với các cản trở gặp phải trong việc thực thi chức trách trưởng khoa, mới cho phép nhà triết học di cư một phần sang Mỹ, để tiến hành đầu tư triệt để cho việc nghiên cứu ngôn ngữ học.

Lần lượt được thực hiện vào những năm 1970, "bước ngoặt" này đã cho phép ông là một trong những người Pháp đầu tiên tiến hành đối thoại với triết học phân tích lúc đó đang toàn thịnh trong thế giới anglo-saxong (đặc biệt là với "triết học của lời nói hàng ngày" được mở màn bởi John L. Austin và tiếp nối bởi John R. Searle). Công việc của ông đã được đúc kết trong hai cuốn sách quan trọng Ẩn dụ sống (Seuil, 1975) và Thời gian và chuyện kể (ba tập, Seuil, 1983-1985). Nếu như cuốn đầu tiên trong hai bộ tác phẩm này nhìn nhận ẩn dụ dưới góc độ sáng tạo nghĩa và việc làm giàu văn bản văn chương xuất phát từ đó, Thời gian và chuyện kể, ngược lại, đã đi xa khỏi việc phân tích ngôn ngữ học. Bên ngoài việc tư duy trên hành động viết về quá khứ - đã được ông tiến hành - là một câu hỏi về sự nhận thức lịch sử, về vị trí của nhận thức ấy và phần đóng góp và hình thức đóng góp cụ thể của nhận thức lịch sử đối với việc tìm kiếm chân lý.

Chắc chắn, một cuốn sách lịch sử thường xuyên xuất phát từ phạm trù chuyện kể, ngay cả khi tác giả của nó có ý định - như Fernand Braudel - chặt đứt lịch sử các sự kiện, để thay thế vào đó là lịch sử của một "khoảng thời gian dài". Tuy nhiên, chuyện kể không phải là một hình thức trần thuật giống như những cái khác. Bên kia việc "đặt thành biến cố" mà nhà sử học thực hành để làm sống lại quá khứ, chính là cái hiện thực chúng ta sống đang nói với chúng ta. Cái quá khứ, thực chất, chỉ thuộc về chúng ta, theo mức độ chúng ta thuộc về nó, theo mức độ mà hành động trong hiện tại của chúng ta được ghi vào trong tính liên tục của một ký ức. Tóm lại, trong chừng mực mà, đối với các cá nhân cũng như với các cộng đồng xã hội, bản sắc không phải là một dữ kiện mà là một quá trình xây dựng trải ra đến vô tận, thì chỉ duy nhất thời gian có thể là vật trung gian.

Một vài năm sau, Ricoeur tiếp tục dấn mình vào một cuốn sách khó, Bản thân mình như một ai khác (Soi-même comme un autre, Seuil, 1990), trong một nỗ lực anh hùng để cứu lấy ý tưởng rằng một nền triết học phổ quát có thể ôm chứa được tất cả các phương diện của hành động con người. Sự phân tích - ngữ nghĩa học và ngữ dụng học (pragmatique) - về khái niệm "chủ thể" và phác họa của một bản thể luận về "con người" (hay của một "luận giải tín hiệu và văn bản học về bản thân"), mà tác phẩm này đề xuất, trên thực tế gắn với nhau để phục vụ cho một đạo lý học mà tinh thần của nó, theo Ricoeur, là xuất phát từ một yêu cầu của lý trí thực tiễn (raison pratique). Yêu cầu này, nhà triết học phải cố gắng để thoả mãn nó mà không từ bỏ sự độc lập của bản thân mình đối với chính đức tin của mình cũng như đối với với mọi hệ ý thức tư tưởng thần học và chính trị. Nhiệm vụ thật nặng nề, mà những khó khăn đã được nêu rõ trong những nghiên cứu cuối cùng mà Ricoeur dành để viết về John Rawls (1921-2002) và Hannah Arendt (1906-1975), được tập hợp dưới cái tên Cái công bằng (Le juste, NXB Esprit, 1995).

Như vậy, nghiên cứu về ngôn ngữ, không phải là một việc tự thân, đối với tác giả của Thời gian và chuyện kể, mà đó luôn luôn chỉ là một phương thức khác để đặt ra các vấn đề ám ảnh ông từ lâu: vấn đề của bản chất tồn tại và hành động. Hoài niệm về một bản thể luận mà Nietzsche dường như đã hạ thấp, khát vọng tìm thấy trong trí tuệ của đạo lý những qui tắc sống "tốt", là con người ưu tư về thời đại của mình, ngay cả khi ông thường xuyên thận trọng với mọi sự dấn thân, Paul Ricoeur có thể được coi như là một hiện thân cho những giằng xé của tư tưởng nhân văn chủ nghĩa từ đầu thế kỷ XX.

Sự chân thực bi kịch, toả sáng từ đầu đến cuối hành trình trí thức dài của ông, đã làm tác phẩm của ông trở thành một vật chứng điển hình cho "sự khủng hoảng" của tính hiện đại của chúng ta. Và không nghi ngờ gì, chính cái giá trị "làm chứng" ấy giải thích được vì sao sự nghiệp của ông, sau một thời gian ít được biết đến trong giới trí thức Pháp (giống như người bạn của ông, Emmanuel Levinas), đã gợi nên một sự quan tâm đặc biệt sống động ở Pháp, kể từ giữa những năm 1980, và còn nhiều hơn nữa, ở những nơi khác.

Nguồn: Báo Le Monde, ngày 22-05-2005
http://abonnes.lemonde.fr/web/article/0,1-0@2-3230,36-652552@51-652432,0.html

© 2005 talawas



[1]"Biến cố 1968" được biết đến với các phong trào phản kháng của sinh viên ở Mỹ, Đức, Pháp và một số nước phương Tây khác. Riêng ở Pháp, phong trào phản kháng sinh viên, được tiếp nối bằng phong trào bãi công trên qui mô lớn, đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị, có thể nói là nghiêm trọng nhất ở Pháp kể từ chiến tranh thế giới thứ 2. Tổng thống De Gaulle đã buộc phải tuyên bố giải tán quốc hội và giải thích sự kiện này như là biểu hiện cho "sự khủng hoảng của nền văn minh". Nằm trong một giai đoạn phức tạp, "biến cố 1968" được những người đương thời, cũng như những người nghiên cứu sau này đánh giá rất khác nhau. Khu cư xá sinh viên Nanterre - khu đại học trẻ mới được thành lập, nơi Paul Ricoeur làm việc, là địa điểm đầu tiên nổ ra sự phản kháng của sinh viên (ND).
[2]Tôi mượn lại cách dịch này của nhà nghiên cứu Phan Ngọc trong một cuốn sách dịch của ông từ tiếng Pháp, có tựa đề Cá nhân luận (ND).
[3]Esprit ra đời vào năm 1932, chủ trương phát triển một hướng đi "phi chính thống" trong một xã hội tư bản chủ nghĩa và tự do chủ nghĩa đang đi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Mối quan tâm chính của nó là chống lại một thế giới hiện đại đã để cho một học thuyết duy vật cá nhân chủ nghĩa thống trị, do đó tạp chí có cái tên gọi Esprit (tinh thần hay linh hồn), mặt khác sự phản kháng này nằm trong định hướng của một cuộc cách mạng, một phương thức để huy động cả cái chính trị và cái tâm linh. Một chủ trương cơ bản của tạp chí là "hãy tách biệt cái tâm linh khỏi cái phản cách mạng", theo http://www.esprit.presse.fr/histoire/historique.cfm (ND).
[4]Việc đặt cái tôi duy lý trở thành nguyên tắc duy nhất của mọi nhận thức chân thực là tư tưởng được phát triển bởi René Descartes, nhà triết học Pháp (1596-1650), thường được biết đến với câu châm ngôn nổi tiếng "Cogito ergo sum" (Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại) (ND).