trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
16.6.2005
Jacques Derrida
Lời nói. Đem cho, định danh, gọi tên
Kim Hiền dịch
 
Không nói thẳng rằng mình bất lực, tôi tin rằng không bao giờ sức tôi có thể, bằng một nghiên cứu hay một tranh luận triết học, đủ để đề cập đến toàn bộ khối tác phẩm đồ sộ của Paul Ricoeur.

Làm thế nào mà tự giới hạn ở một đoạn đường, một điểm đỗ trong một cuộc hành trình vừa hết sức dài và vừa hết sức phong phú, đi qua bao nhiêu vùng đất, chủ đề hay các vấn đề: từ đạo lý học đến phân tâm học, từ hiện tượng luận đến ngành luận giải văn bản và tín hiệu (herméneutique), thậm chí đến cả thần học, lịch sử và những trách nhiệm mà cuộc hành trình đó đòi hỏi ở chúng ta từng ngày, từ cả hàng chục năm nay, từ Aristote hay Augustin đến Kant, từ Jaspers và từ Husserl đến Heidegger hay Lévinas, không kể đến Freud, không kể đến các nhà triết học anglo-saxong mà Ricoeur đã có lòng dũng cảm và sự sáng suốt, vô cùng hiếm có ở Pháp, để đọc, để giúp cho người khác đọc và để dùng trong lao động hết sức cách tân của ông? Điều này hết sức khó khăn đối với tôi, thậm chí không thể thực hiện được, trong một vài trang giấy, nếu như không có ý định phản lại sự thống nhất của một phong cách, của một ý đồ, của một tư tưởng và cũng là của một khát vọng và của một đức tin, một đức tin được tư duy và đang tư duy, của một sự dấn thân, mà ngay từ thuở đầu tiên đã không bao giờ chịu đánh mất đi một phần nhỏ của sự trung thành. Với bản thân mình cũng như với những người khác.

Trong khi đọc lại những điều tôi vừa viết ra một cách hoàn toàn tự nhiên này ("khó, thậm chí không thể xảy ra"), tôi chợt mỉm cười. Tôi nhớ lại ngay lập tức, hai tháng trước, chính hai từ này đã có mặt ở trung tâm của cuộc tranh luận giữa Paul Ricoeur và tôi, về vấn đề cái Ác và sự tha thứ (…). Trả lời cho quan điểm có vẻ hoài nghi của tôi, theo đó sự tha thứ, vốn mang một ý nghĩa phi-âm tính ("non-négatif"), cái không-thể xảy ra ("im-possible") (có nghĩa là người ta chỉ có thể tha thứ cho cái không thể tha thứ được; tha thứ cho cái đã có thể được tha thứ, và như vậy đó không phải là tha thứ; điều đó có nghĩa là không có chuyện tha thứ, mà chuyện này để làm được, cần phải, như người ta thường nói, làm cái chuyện không thể: tha thứ cho cái không thể tha thứ được), Ricoeur đã nhắc lại ít nhất một lần: "Sự tha thứ không phải là không thể xảy ra, nhưng làm được điều đó là khó".

Khoảng cách nào tồn tại và cái gì diễn ra, giữa cái "không-thể được" (phi-âm tính) và cái "khó", cái rất-khó, cái khó có thể nhất, sự khó khăn, thậm chí sự bất lực? Khoảng cách nào tồn tại giữa cái vô cùng khó khăn và cái gần như không-thể được? Vấn đề có thể được qui về, để nói một cách vắn tắt, cái khả thể tự tính [1] ("ipséité") của cái "tôi có thể". Cái từ mới này đã được từ nguyên học khẳng định. "Ipse" là cái có thể hay cái có khả năng xảy ra của một cái "tôi" (tôi có thể, tôi muốn, tôi quyết định). Cái không-thể xảy ra mà tôi nói đến có ý nghĩa rằng tôi không thể và cũng không buộc phải có ý định rằng tôi có thể nói một cách nghiêm túc, và có trách nhiệm rằng "tôi tha thứ" (hay "tôi muốn" hay "tôi quyết định"). Phải có một cái khác, cái tôi nhưng với tư cách của một người khác, ở trong tôi, có thể quyết định hay tha thứ, trong khi hoàn toàn không miễn trừ cho tôi bất cứ trách nhiệm nào về chuyện này. (…)

Để làm chứng cho sự hằng ngưỡng mộ của tôi đối với Paul Ricoeur và cho một tình cảm bạn hữu, tôi dám nói đến một xúc cảm không ngừng tăng lên trong tôi, tôi tự cho phép mình quay trở lại với điều thân thiết nhất về ông trong ký ức tôi. Một vài thời điểm, luôn luôn in đậm trong tôi, trong khoảng năm mươi năm vừa qua, tôi đã thấy, đã nghe, hay đã gặp ông, mà sự may mắn ông đã dành cho tôi được nói chuyện với ông. Và mỗi lần như vậy đối với tôi là một biến cố lớn. Bởi triết học đã chưa bao giờ vắng mặt trong những lời nói sống động ấy, tôi hy vọng, nó sẽ luôn luôn thoáng tự hiện ra qua câu chuyện khiêm nhường về những thời khắc hoan hỉ này. Đó là những thời khắc nói, bởi vì theo tất cả các nghĩa khác nhau của từ này, Ricoeur là người nói. Ông là con ngưòi của lời nói (…)

Lần đầu tiên tôi đã thấy và đã nghe Paul Ricoeur nói, chắc là vào khoảng năm 1953. Lúc đó tôi là sinh viên trường Sư phạm, và một trong những người bạn thân nhất của tôi đã đề nghị tôi tham gia cùng với ông trong một buổi tranh luận được tổ chức bởi tạp chí Esprit ở Châtenay-Malabry, tôi nhớ là như vậy. Marrou đã ở đó, và như vậy tôi được nghe ông nói lần đầu tiên. Diễn ngôn của Ricoeur làm tôi vô cùng ấn tượng: sự trong sáng, thanh nhã, sức mạnh biểu đạt, quyền uy mà không có uy quyền, sự dấn thân của tư tưởng. Đó là về vấn đề lịch sử và chân lý, về cả những vấn đề đạo lý-chính trị đương thời. Mùa hè tiếp theo, quyết định dành Khoá luận nghiên cứu cao học cho vấn đề sự sinh thành của Husserl, tôi trở về nhà tôi, ở El-Biar, dành mấy tuần để đọc Ideen L. Cuốn sách, như chúng ta đã biết, được dịch, được giới thiệu, được chú giải, được bình luận bởi Ricoeur với một bộ công cụ ghi chú rất phong phú làm tôi bừng sáng lên trong khi đọc. Điều đó vẫn luôn luôn đúng là như vậy, kể cả cho đến giờ, những khi tôi trở lại đó. Như vậy chính người độc giả lớn của Husserl, nghiêm cẩn hơn cả Sartre, và thậm chí cả Merleau-Ponty, đã dạy tôi đọc "hiện tượng luận", và bắt đầu từ thời điểm đó, ông đã trở thành người dẫn đường cho tôi, xét trên một phương diện nhất định. Tôi nhớ lại cả những bài báo của ông về Kant và Hursserl, về cuốn Krisis [2] , v.v., về sau đã trở thành những nguồn tham khảo chủ yếu cho phần dẫn nhập của tôi vào tác phẩm Nguồn gốc hình học của Husserl.

Bắt đầu từ năm 1960, là trợ giảng của môn triết học đại cương tại Sorbonne, tôi sẽ gặp lại Paul Ricoer lần đầu tiên vào lúc ông được phong chức (chậm hơn, tôi nhớ vậy). Vào thời điểm đó, các trợ giảng có một vị trí đặc biệt, mà ngày nay ta khó hình dung ra. Tôi là trợ giảng duy nhất về môn "triết học đại cương và lô-gíc học", được tự do tổ chức việc giảng dạy của mình và những buổi sê-mi-ne của tôi chỉ phụ thuộc rất ít vào các giáo sư mà về nguyên tắc tôi là trợ lý của họ. Suzanne Bachelard, Canguilhem, Poirier, Polin, Ricoeur và Wahl. Hiếm khi tôi gặp họ ngoài những kỳ thi, trừ Suzanne Bachelard vào thời điểm cuối và Canguilhem, đã trở nên một người bạn vong niên đáng kính của tôi. Một hôm, có thể là vào năm 1962, tôi đến thăm Ricoeur, ở nhà ông, tại Châtenay-Malabry. Trong khi đi dạo trong vườn, ông đã nói với tôi một cách rất nhiệt huyết về Tổng thể và vô tận (Totalité et infini). Đó là luận án mà Levinas sẽ bảo vệ mấy ngày sau đó. Cuốn sách vẫn còn chưa được xuất bản. Ricoeur, người sẽ có mặt trong hội đồng, vừa mới đọc nó xong. Một cuốn sách rất lớn, ông nói với tôi, một sự kiện. Lúc đó tôi chỉ mới biết về Levinas qua một số bài viết của ông về Husserl. Và một lần nữa, được dẫn dắt bởi những lời nói của Ricoeur, mùa hè sau đó, tôi đã đọc Tổng thể và vô tận và đã viết Bạo lực và siêu hình học, cuốn đầu tiên trong một loạt nghiên cứu mà tôi đã dành cho việc nghiên cứu Levinas trong vòng ba mươi năm sau đó. Tôi mắc nợ Ricoeur, xét trên một nghĩa nào đó, cái tình cảm thân thiết ngưỡng mộ, mà từ đó, gắn tôi với con người và tác phẩm của Emmanuel Levinas - và đó cũng là một dịp may trong cuộc đời tôi.

Những năm ở Sorbonne, nhưng kể cả những năm tiếp theo khi tôi đã chuyển về trường Đại học Sư phạm (ENS) còn in dấu những cuộc gặp gỡ trong các buổi sê-mi-ne nơi Ricoeur, lúc đó là giám đốc kho tư liệu Husserl (những bản microphim thì nằm ở Paris), đã tiếp đón, các sinh viên, những nhà nghiên cứu, các đồng nghiệp, chủ yếu để tạo điều kiện cho họ được nói. Tôi nhớ là mình đã trình bày một lần ở đó, và đã gặp gỡ, ngoài Levinas, nhiều người quan tâm đến Husserl ở Paris, vào những năm đó. Nhờ ở Ricoeur, tinh thần ngự trị trong buổi sê-mi-ne đó là mẫu mực: sự thanh thản, tự do, thân hữu trong các cuộc tranh luận, sự nghiêm túc và những tìm tòi của một nghiên cứu thực thụ.



© 2005 talawas



[1]Trong tiếng Pháp, thông thường để chỉ bản sắc đã có một từ thông dụng là "identité" (bắt nguồn từ idem gốc latinh), ngoài ra còn có hai từ khác là "mêmeté" và "ipséité", từ hai từ này tham gia vào hai hệ thuật ngữ khác nhau. Ipséité xuất phát ipse (gốc latinh), có nghĩa là "chính người đó", "cùng là một người". Ipséité có thể được dịch sang một số các tiếng khác như sau: selfhood, selbstheit, camocть... (theo từ điển Từ vựng châu Âu về triết học (NXB Seuil/Robert, 2004, Barbara Cassin chủ biên, trang 581) Ipséité thiên về chỉ quá trình biến đổi (hành động) của một chủ thể trong tính thống nhất với bản thân, trong khi đó, mêmeté nhấn mạnh đến cái bất biến. Nói đến bản sắc, không thể không nhắc đến vai trò của nhà triết học Anh, John Lock (1632-1704), trong việc tạo ra khái niệm "the self" (tạm dịch là "cái mình"). Trong cuốn Khảo luận về khả năng nhận thức của con người [An Essai Concerning Human Understanding (1690) (quyển II, mục 27, Về bản sắc và sự đa dạng], Lock đã phát triển khái niệm này. Dịch giả Pierre Coste, khi chuyển thuật ngữ này sang tiếng Pháp (năm 1700) đã phải tạo ra từ "le soi" (vốn trước đó chưa hề được sử dụng như một danh từ trong tiếng Pháp). Những tác động của cách tân này còn ảnh hưởng đến tận ngày hôm nay (cũng theo sách trên, trang 650) (ND).
[2]Krisis, sáng tạo lớn cuối cùng và được coi là di chúc của Husserl, được viết vào những năm 1935-1936, sau đó được xuất bản dưới tên gọi Cuộc khủng hoảng của các khoa học châu Âu và hiện tượng luận siêu việt (ND).

Nguồn: Đây là trích Ä‘oạn chính lấy từ má»™t bài viết của Derrida (1930-2004) trong tập sách của "Les Cahiers de l'Herne" dành riêng về Paul Ricoeur xuất bản năm 2004, được in lại trong Le Monde ngày 22-05-2005. http://www.lemonde.fr/web/imprimer_element/ 0,40-0@2-3232,50-652561,0.html