trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
2.7.2005
Juan Linz, Alfred Stepan
Chế độ hậu toàn trị-so sánh với toàn trị và độc tài
2 kì
Đông Phong dịch
 1   2 
 
[1]

Chuyển đổi và củng cố dân chủ bao gồm sự dịch chuyển từ một chế độ phi dân chủ sang chế độ dân chủ. Tuy nhiên, mỗi nền chính trị có thể lại rất khác biệt về các lộ trình sẵn có cho chuyển đổi, cũng như các nhiệm vụ dang dở mà nền dân chủ phải đối mặt, trước khi nó được củng cố. Nỗ lực trung tâm của chúng tôi trong hai chương kế tiếp, là chứng minh bằng cách nào và tại sao hầu hết -dù dĩ nhiên không phải là tất cả- những biến tướng như thế đều có thể được giải thích bằng loại thể chế trước đó.

Trong hơn một phần tư thế kỉ, cấu trúc khái niệm phổ biến của các nhà phân tích quan tâm đến cách phân loại các hệ thống chính trị trên thế giới vẫn là sự phân biệt bộ ba: dân chủ, độc tài và toàn trị. Các paradigm (khung tư duy) mới ra đời, vì chúng giúp các nhà phân tích nhìn thấy những điểm tương đồng và những hàm ý trước đây bị bỏ qua. Khi Juan Linz viết bài báo “Một chế độ độc tài: Tây Ban Nha” vào năm 1964, ông muốn kêu gọi sự chú ý đến thực tiễn là: giữa cái mà thời đó coi là hai cực chính thể ổn định chủ yếu -cực dân chủ và cực toàn trị-, còn có một dạng chính thể có logic nội tại và bền vững. Mặc dù dạng chính thể này là phi dân chủ, nhưng Linz lập luận rằng nó khác về chất so với chế độ toàn trị ở bốn chiều kích cơ bản -tính đa nguyên, ý thức hệ, quyền lãnh đạo, và sự vận động quần chúng. Đương nhiên, đây là cái mà ông gọi là chế độ độc tài. Ông định nghĩa chúng như là: “các hệ thống chính trị với đa nguyên chính trị hạn chế và vô trách nhiệm; thiếu vắng một ý thức hệ được minh định và mang tính dẫn đường, nhưng có lối nghĩ riêng; không có vận động quần chúng sâu hay rộng, trừ một vài thời điểm trong quá trình phát triển của nó; và trong đó một lãnh tụ -đôi khi là một nhóm nhỏ-, thực thi quyền lực trong các giới hạn không được minh định, nhưng thực tế lại khá dễ nhận biết”. [2]

Trong những năm 60, khi các nhà phân tích cố gắng xây dựng cách phân loại để so sánh và đối chiếu tất cả các hệ thống trên thế giới, khái niệm độc tài đã chứng tỏ rất hữu dụng. Khi paradigm mới chiếm lĩnh các nhà phân tích, hai kết luận khá bất ngờ nổi lên. Một là, ngày càng rõ là có nhiều chế độ mang tính “độc tài” hơn cả số “toàn trị” hay "dân chủ” cộng lại [3] . Các chế độ độc tài, do đó, là một phân loại tiêu biểu của loại hình chế độ trong thế giới hiện đại. Hai là, các chế độ độc tài không nhất thiết phải đang trong quá trình chuyển đổi đến các loại hình chế độ khác. Như các nghiên cứu của Linz về Tây Ban Nha trong những năm 50 và 60 đã chứng tỏ, bốn chiều cạnh rõ ràng của một chế độ độc tài -đa nguyên hạn chế, lối nghĩ, quyền lãnh đạo bị giới hạn ở mức độ nào đó, và vận động quần chúng yếu- có thể gắn bó trong một thời kì dài như một hệ thống hợp nhất, [các bộ phận của nó] hỗ tương cho nhau và tương đối ổn định [4] .

Phân loại học phát triển hay suy tàn tùy thuộc vào tính hữu ích của chúng cho các nhà nghiên cứu trong phân tích. Theo đánh giá của chúng tôi, phân loại thể chế theo kiểu bộ ba chẳng những tỏ ra kém hữu dụng cho các nhà lý thuyết và thực hành dân chủ so với trước [những thập niên 60, 70], mà còn trở thành một vật cản. Một lý do để thay đổi cách phân loại này là từ những hệ quả của thế giới thực nghiệm mà chúng ta cần phân tích. Một cách sơ lược, nếu chúng ta nhìn vào thế giới trong những năm giữa thập kỉ 80, bao nhiêu nước có thể được gọi là “các nền dân chủ" có tuổi thọ 10 năm? Và bao nhiêu nước rất gần với cực toàn trị trong giai đoạn đó? Câu trả lời, hiển nhiên, phải bao gồm các chiều kích chủ quan, đặc biệt là những yếu tố liên quan đến việc đánh giá các bằng chứng được áp dụng để phân nhóm các nước, theo các tiêu chuẩn khác nhau trong cách phân loại đó. Tuy nhiên, may mắn là có hai nghiên cứu -được tổ chức độc lập nhau- đã cố gắng đo lường hầu hết các nước trên thế giới theo các quyền chính trị và quyền tự do dân sự của chúng [5] . Tiêu chuẩn áp dụng trong các nghiên cứu đó là rõ ràng, và mức độ đồng thuận giữa các kết quả đó rất cao. Nếu chúng ta sử dụng những nghiên cứu này và sự phân biệt loại hình chế độ kiểu bộ ba, thì kết quả là có tới hơn 90% các chế độ phi dân chủ hiện đại sẽ cùng nằm trong một loại hình -“độc tài” [6] . Rõ ràng là, với quá nhiều quốc gia khác nhau cùng chia sẻ một “vị trí siêu sao” về loại hình, cách phân loại chế độ này không thể nói được nhiều điều về mức độ khác biệt trong các con đường chuyển đổi khả thể, và các nhiệm vụ củng cố [dân chủ] -vốn đặc biệt có ý nghĩa- mà chúng ta tin rằng [sự khác biệt ấy] thực sự tồn tại. Nhiệm vụ của chúng tôi, trong phần còn lại của chương này, là tái công thức hóa paradigm bộ ba về kiểu chế độ, nhằm làm cho nó hữu ích hơn trong phân tích về các con đường chuyển đổicác nhiệm vụ củng cố [nền dân chủ].


Dân chủ

Để bắt đầu với loại hình chế độ dân chủ, hiển nhiên là có những biến thể quan trọng ngay trong [các nền] dân chủ. Tất nhiên, chúng tôi tin rằng, những phân loại quan trọng như “dân chủ cộng tác” (consociational democracy) và “dân chủ đa số” (majoritarian democracy) là các tiểu loại của dân chủ, và không phải là các loại hình chế độ khác nhau [7] . Theo chúng tôi, dân chủ với tư cách là một loại hình chế độ có vẻ như đủ giá trị để tiếp tục, và không cần các diễn giải thêm ở thời điểm này trong cuốn sách.


Toàn trị

Chúng tôi cũng tin rằng khái niệm về chế độ toàn trị là một loại hình lý tưởng, với một số [ví dụ] gần đạt tới hình mẫu lý tưởng trong lịch sử, có giá trị lâu dài. Nếu một chế độ đã xóa bỏ hầu như toàn bộ sự đa nguyên về xã hội, kinh tế, chính trị đã tồn tại trước đó, có một ý thức hệ utopia có tính dẫn đường, được minh định và thống nhất, có vận động quần chúng sâu rộng, và có quyền lãnh đạo, thường là dựa vào sức hấp dẫn [của cá nhân lãnh tụ], không giới hạn và khó lường cho cả giới tinh hoa cũng như không tinh hoa, thì đó, theo chúng tôi, nó vẫn còn có ý nghĩa về nhận thức, cũng như lịch sử, để gọi chế độ đó là có xu hướng toàn trị mạnh mẽ.

Nếu chúng ta thừa nhận rằng cách phân loại chế độ dân chủ và toàn trị vẫn còn có ích, thì lĩnh vực cần phải có sự xét lại về loại hình là các chế độ rõ ràng không phải là dân chủ hay toàn trị. Cho đến đầu thập kỉ 80, số lượng các nước rõ ràng là toàn trị, hay cố gắng tạo ra chế độ toàn trị, trên thực tế đã giảm xuống trong một thời gian. Trước khi các chế độ theo kiểu Xô Viết bắt đầu thay đổi sau cái chết của Stalin năm 1953, chúng không còn khớp với mô hình toàn trị nữa, như các nghiên cứu đã chỉ ra. Thay đổi này tạo ra sự lúng túng về khái niệm. Một số học giả lý luận rằng bản thân [việc đặt ra] loại hình toàn trị là sai. Một số khác muốn coi các chế độ hậu Stalin là độc tài. Về mặt thực chứng, hiển nhiên là phần lớn các hệ thống kiểu Xô Viết trong những năm 80 không còn là toàn trị. Tuy nhiên, người ta sẽ không thể hiểu được sự khác biệt của các chế độ “kiểu Xô Viết”, với ngoại lệ Ba Lan, khi gộp chúng vào nhóm các chế độ độc tài.

Lý thuyết về các chế độ kiểu Xô Viết đã hướng sự chú ý -một cách đúng đắn- tới các đặc tính về chế độ -vốn đã không còn mang tính toàn trị- và mở ra các nghiên cứu mới đầy hứa hẹn về chính sách. Một trong những quan điểm này là “đa nguyên thể chế” [8] . Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, nếu coi những nền chính trị hậu Stalin là đa nguyên, thì sẽ bỏ sót nhiều đặc điểm vô cùng quan trọng của nó -những đặc điểm khó có thể coi là đa nguyên. Lý thuyết dân chủ đa nguyên, đặc biệt là phiên bản “lý thuyết nhóm,” được các tác giả như Arthur Bentley và David Truman khai phá, bắt đầu với cá nhân trong xã hội dân sự, những người tham gia vô số các nhóm lợi ích được thành lập một cách tự do, tương đối đối lập, và thường đan chéo nhau. Nhiều nhóm trong xã hội dân sự cố gắng tích hợp lợi ích của họ, và cạnh tranh với nhau trong xã hội chính trị, để ảnh hưởng các chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, “đa nguyên thể chế” mà một số tác giả nhận ra ở Liên bang Xô Viết khác cơ bản, hầu hết các xung đột mang tính đa nguyên chỉ diễn ra trong các tổ chức nằm trong nhà nước-đảng do chế độ nặn ra. Do đó, về mặt khái niệm, hình thức cạnh tranh và xung đột này, trên thực tế, lại gần với cái mà các nhà lý thuyết chính trị gọi là chính trị quan liêu hơn là chính trị đa nguyên. [9]

Thay vì ép các chế độ kiểu Xô Viết này vào loại hình đã tồn tại -toàn trị, độc tài hay dân chủ-, chúng tôi tin rằng ta phải mở rộng cách phân loại, bằng cách phát triển một loại hình chế độ mới, mà chúng tôi sẽ gọi là hậu toàn trị. [10] Về mặt phương pháp luận, chúng tôi tin rằng loại hình này có thể biện minh được. Bởi vì, trong từng chiều cạnh của loại hình thể chế -đa nguyên, ý thức hệ, quyền lãnh đạo, và vận động quần chúng-, có thể tồn tại một mẫu hậu toàn trị lý tưởng, khác biệt mẫu lý tưởng của chế độ toàn trị, độc tài hay dân chủ [11] . […]

Để nhấn mạnh lập luận của chúng tôi một lần nữa, đầu tiên chúng tôi sẽ trình bày một giản đồ về sự khác biệt của năm mẫu hình chế độ lý tưởng -dân chủ, toàn trị, hậu toàn trị, và sultanic [12] -, trên bốn đặc điểm cấu thành của kiểu chế độ. (bảng 3.1). Trong chương tiếp theo, chúng tôi sẽ nói rõ, cái chúng tôi tin là những ẩn dụ của mỗi loại hình cho các con đường chuyển đổi dân chủ, và các nhiệm vụ của củng cố nền dân chủ.


Hậu toàn trị

Nhiệm vụ của chúng ta ở đây là khám phá sự khác biệt của chế độ hậu toàn trị với chế độ toàn trị và với độc tài, theo bốn chiều cạnh của loại hình chính thể [13] . Khi thích hợp, chúng tôi cũng lưu ý độc giả về những đặc điểm chưa được lí thuyết hóa của cả chính thể toàn trị và hậu toàn trị, những cái tạo ra sức ép động cho các thay đổi thoát loại (out-of-type change). Chúng tôi không theo quan điểm coi các loại hình chính thể là bất biến.

Đặc điểm Dân chủ Độc tài Toàn trị Hậu toàn trị Sultanism
Đa nguyên
Đa nguyên chính trị có trách nhiệm, được tái củng cố bởi các lĩnh vực rộng khắp của tự trị đa nguyên trong nền kinh tế, xã hội, và đời sống bên trong của các tổ chức. Đa nguyên được pháp luật bảo vệ, phù hợp với “chủ nghĩa hợp tác xã hội" nhưng không phải với “chủ nghĩa hợp tác nhà nước”
Hệ thống chính trị với đa nguyên hạn chế và thiếu trách nhiệm. Thường có đa nguyên kinh tế và xã hội rộng rãi. Trong các chế độ độc tài, phần lớn đa nguyên đã có nguồn gốc trong xã hội từ trước khi chế độ [độc tài ấy] được thiết lập. Thường có một không gian nào đó cho nửa-đối lập. Không tồn tại đa nguyên chính trị, xã hội hay kinh tế đáng kể nào. Đảng hợp pháp có quyền lực theo luật (de jure) và trên thực tế (de factor). Đảng đã xóa bỏ phần lớn đa nguyên đã từng tồn tại trước thời kì toàn trị. Không có không gian cho nền kinh tế thứ hai hay xã hội song song.
Đa nguyên giới hạn, nhưng thiếu trách nhiệm, về thể chế, xã hội và kinh tế. Hầu như không có đa nguyên chính trị, bởi vì về mặt hình thức, đảng vẫn còn độc quyền về quyền lực. Phần lớn các biểu hiện của đa nguyên trong “nền chính trị cào bằng” trỗi dậy từ cấu trúc nhà nước được khoan nhượng, hoặc do các nhóm bất đồng chính kiến được hình thành một cách có ý thức để chống lại nhà nước toàn trị. Trong hậu toàn trị chín muồi, đối lập thường tạo ra “văn hóa thứ hai” hay “xã hội song song”. Đa nguyên kinh tế và xã hội không mất hẳn, nhưng chịu sự can thiệp tùy tiện và chuyên quyền. Không có bất kì cá nhân hay nhóm nào trong xã hội dân sự, xã hội chính trị hay nhà nước thoát khỏi quyền lực chính quyền của Sultan. Không có pháp trị. Mức độ thể chế hóa thấp. Mức độ lẫn lộn giữa tư nhân và công cộng cao.
Ý thức hệ Về mặt lý luận, cam kết ở mức độ cao về chế độ công dân và các nguyên tắc về thủ tục tranh luận. Không mang tính cứu cánh luận. Tôn trọng quyền của thiểu số, nhà nước pháp quyền, và giá trị của chủ nghĩa cá nhân
Hệ thống chính trị không có một ý thức hệ được
minh biện và có tính dẫn đường, nhưng có những lối suy nghĩ đặc thù.
Có một ý thức hệ được minh biện và có tính dẫn đường, phân tích rõ utopia [14] khả thể. Phần lớn cảm nhận về sứ mệnh, tính chính đáng, và cả chính sách cụ thể của các lãnh tụ, cá nhân và các nhóm được rút ra từ sự cam kết của họ với quan niệm mang tính thần thánh về nhân văn và xã hội. Ý thức hệ dẫn đường vẫn tồn tại một cách chính thức và là một phần của hiện thực xã hội. Cam kết với utopia và lòng tin vào nó bị suy yếu. Chuyển trung tâm từ ý thức hệ sang đồng thuận lập trình sẵn -được giả định là dựa trên việc thảo luận hạn chế và ra quyết định một cách duy lý, mà không viện dẫn ý thức hệ quá nhiều. Lạm dụng quá đáng các biểu tượng. Đánh bóng lãnh tụ quá mức. Không có ý thức hệ mang tính dẫn đường hay minh biện. Thậm chí không có cả lối suy nghĩ đặc thù nào ngoài chủ nghĩa cá nhân chuyên chế. Không có cố gắng dựa trên ý thức hệ để bào chữa cho các thay đổi lớn. Viên chức, người bị trị và thế giới bên ngoài không tin vào ý thức hệ giả cầy.
Vận động quần chúng Tham gia qua các tổ chức của xã hội dân sự và xã hội chính trị tự hình thành, được đảm bảo bởi hệ thống pháp luật. Coi tham gia của công dân là quan trọng, trong khi vận động quần chúng của chế độ là không quan trọng. Nỗ lực mang tính phân tán của chế độ nhằm thúc đẩy chế độ công dân và chủ nghĩa yêu nước tích cực. Hệ thống chính trị không có những cuộc vận động chính trị rộng lớn hay mạnh mẽ, trừ một vài thời điểm trong quá trình phát triển. Vận động quần chúng rộng khắp vào một quang phổ rất rộng các tổ chức bắt buộc do chế độ tạo ra. Tập trung vào sự năng động của cán bộ và chiến sĩ. Nỗ lực nhằm vào vận động lòng nhiệt tình [của quần chúng]. Đời sống riêng tư bị công kích. Những người tham gia vào tổ chức vận động quần chúng, dù là lãnh tụ hay không, đều mất dần quan tâm. Việc vận động quần chúng mang tính thủ tục trong các tổ chức được nhà nước tài trợ nhằm đạt được mức độ tuân phục tối thiểu. Nhiều “cán bộ” và “chiến sĩ” chỉ đơn thuần là những kẻ cơ hội hay tham vọng. Sự chán chường, rút lui, và cuối cùng là riêng tư hóa các giá trị của dân chúng trở thành thực tế được chấp nhận. Vận động quần chúng (mang tính lòe bịp) thường ở mức độ thấp, nhưng thỉnh thoảng được thực hiện qua các hình thức lễ nghi, bằng các phương pháp cưỡng bức hay mua chuộc. Không có tổ chức bền vững [để vận động quần chúng]. Có sự huy động định kì các nhóm gắn bó với nhà nước, những người sẽ dùng bạo lực để chống lại các nhóm bị Sultan nhắm.
Quyền lãnh đạo Quyền lãnh đạo tối cao được tạo ra qua bầu cử tự do, và phải được thực thi trong khuôn khổ hợp pháp và nhà nước pháp quyền. Một lãnh tụ hoặc một nhóm nhỏ thực thi quyền lực trong khuôn khổ các thông lệ, tuy không được minh định nhưng thực tế lại khá dễ tiên liệu. Có cố gắng nhằm thu hút các nhóm tinh hoa cũ. Có mức độ đối lập nhất định trong các vị trí trong nhà nước và trong quân đội.


Quyền lãnh đạo toàn trị không có giới hạn, tính bất trắc lớn với cả thành viên [của chế độ] lẫn dân chúng. Thường dựa vào sức hướng dẫn của lãnh tụ. Việc tuyển lựa vào cấp lãnh đạo tối cao phụ thuộc nặng nề vào sự trung thành trong tổ chức đảng. Giới tinh hoa chính trị của chế độ toàn trị dần dần chú trọng vào an toàn cá nhân. Có sự giám sát quyền lãnh đạo tối cao, thông qua cấu trúc đảng, các thủ tục, và “dân chủ nội bộ”. Các lãnh tụ tối cao ít khi hấp dẫn quần chúng. Tuyển mộ vào cấp lãnh đạo tối cao giới hạn trong đảng, nhưng ít phụ thuộc hơn vào việc tiến thân trong tổ chức của đảng. Các lãnh tụ tối cao có thể đến từ các nhà kĩ trị của đảng, đang làm việc trong bộ máy nhà nước. Quyền lãnh đạo mang tính cá nhân và tùy tiện rất cao. Không có các giới hạn về pháp lý-duy lý. Có khuynh hướng triều đại. Không có sự độc lập trong việc tiến thân trong nhà nước. Các lãnh tụ không bị vướng bận bởi ý thức hệ. Sự tuân phục lãnh tụ dựa trên việc mua chuộc cá nhân hay đe dọa. Nhân viên của nhà lãnh đạo được tuyển lựa từ thành viên trong gia đình, bạn bè, mối làm ăn, hoặc những người liên quan trực tiếp trong việc dùng bạo lực để duy trì chế độ. Địa vị của họ hoàn toàn phụ thuộc vào sự quy phục cá nhân của họ với nhà thống trị.

Hậu toàn trị, theo bảng 3.1, có thể gồm một dải liên tục từ “hậu toàn trị sớm”, qua "hậu toàn trị đóng băng,” đến “hậu toàn trị chín muồi”. Hậu toàn trị sớm rất gần với loại hình lí tưởng của toàn trị, nhưng khác ít nhất ở một chiều cạnh căn bản: thường là có các ràng buộc áp đặt lên người lãnh đạo. Có thể tồn tại hậu toàn trị đóng băng mà trong đó, mặc dù có sự khoan thứ kéo dài với một số chỉ trích chế độ từ phía xã hội dân sự, hầu như toàn bộ các cơ chế kiểm soát khác của nhà nước-đảng vẫn tại vị trong một thời gian dài và không tiến hóa (ví dụ như Czechoslovakia từ 1977 đến 1989). Hoặc có thể có hậu toàn trị chín muồi, trong đó tồn tại những biến đổi đáng kể trên tất cả các chiều cạnh của chính thể hậu toàn trị, ngoại trừ việc vai trò lãnh đạo của đảng vẫn là bất khả xâm phạm về mặt chính trị (ví dụ như Hungary từ 1982 đến 1988, mà cuối cùng tiến hóa rất gần đến một thay-đổi-thoát-loại [out-of-type change] vào cuối 1988).




[1]Juan Linz là Giáo sư Danh dự tại Đại học Yale, chuyên ngành Chính trị và Xã hội học. Ông nguyên là Chủ tịch Ủy ban Xã hội học Chính trị của Hiệp hội Xã hội học Quốc tế, và Hiệp hội Chính trị học Quốc tế. Xem giới thiệu về Linz tại http://www.yale.edu/socdept/faculty/linz.html.
Alfred Stepan là Giáo sư tại Đại học Columbia, chuyên ngành Nhà nước. Xem giới thiệu về Stepan tại http://www.columbia.edu/cu/sipa/RESEARCH/bios/as48.html
[2]Juan J. Linz “An Authoritarian Regime: the Case of Spain”, in Erick Allardt and Yrjo Littunen, eds., Cleavages, Ideologies and Party Systems (Helsinki: Transactions of the Westermarck Society, 1964), 291-342. Reprinted in Erik Allardt and Stein Rokkan, eds., Mass Politics: Studies in Political Sociology (New York: Free Press, 1970), 251-83, 374-81. Các trang được trích dẫn là trong tập 1970. Định nghĩa ở trang 255.
[3]Ví dụ, xem số liệu trong các chú thích 5 và 6 của chương này.
[4]Xem Juan J. Linz, "From Falange to Movimiento-Organización: The Spanish Single Party and the Franco Regime, 1936-1968”, in Samuel P. Huntington and Clement H. Moore, eds., Authoritarian Politics in Modern Society: The Dynamics of Established One-Party Systems (New York: Basic Books, 1970), 128-203. Xem thêm Linz, “Opposition in and under an Authoritarian Regime: the Case of Spain", in Robert A. Dahl, ed., Regimes and Oppositions (New Haven: Yale University Press, 1973), 171-259.
[5]Một nỗ lực là của Michael Coppedge và Wolfgang Reinicke, những người đã cố gắng vận dụng tám "đảm bảo thể chế” mà Robert Dahl lập luận là nhất thiết phải có, với một nền đa nguyên trị (polyarchy). Họ gán các giá trị cho 137 nước theo thang điểm đa nguyên trị, dựa trên đánh giá của họ về các điều kiện chính trị tại thời điểm giữa năm 1985. Kết quả của nghiên cứu này xuất hiện trong “A measure of Polyarchy”, bài báo chuẩn bị cho Conference on Measuring Democracy, Hoover Institution, Stanford University, May 27-28, 1988; và “A Scale of Polyarchy” in Raymond D. Gastil, ed., Freedom in the World: Political Rights and Civil Liberties, 1987-1988 (New York: Freedom House, 1990), 101-28. Phần thảo luận kinh điển của Robert Dahl về “các đảm bảo thể chế” cần thiết cho một nền đa nguyên có thể tìm thấy trong Dahl, Polyarchy: Participation and Opposition (New Haven: Yale University Press, 1971), 1-16.
Nỗ lực quan trọng khác để ứng dụng một thước đo về dân chủ là đánh giá hàng năm của Freedom House về hầu như tất cả các nước trên thế giới. Ban tư vấn trong những năm gần đây bao gồm các học giả như Seymour Martin Lipset, Giovanni Sartori, và Lucian W. Pye. Các giá trị trong thang điểm cho từng năm từ 1978-1987 có thể tìm thấy trong Gastil, Freedom in the World, 54-65.
[6]Chúng tôi đi tới kết luận này theo cách sau. Các điều tra hàng năm do Raymond D. Gastil điều phối đã áp dụng thang 7 điểm cho các chiều về các quyền chính trị và tự do dân sự của nền dân chủ. Với sự giúp đỡ của một ban các học giả, Gastil, từ 1978 đến 1987, hàng năm phân loại 167 nước theo thang điểm này. Trong phạm vi quan tâm của chúng tôi, nếu chúng ta gọi tất cả các nền dân chủ là các nước mà từ 1978 đến 1987 không bao giờ nhận điểm thấp hơn 2 theo thang điểm của Gastil về các quyền chính trị, và không dưới 3 cho tự do dân sự, chúng ta sẽ thấy có 42 nước (đạt tiêu chuẩn đó). Con số này rất gần với con số các nước mà Coppedge và Reinicke phân loại là “nền đa nguyên đầy đủ” trong nghiên cứu độc lập của họ vào năm 1985. Vì chúng tôi quan tâm đến việc các nước đã trở nên dân chủ như thế nào, chúng tôi sẽ bỏ 42 nước đó ra khỏi phạm vi xem xét. Do vậy, chúng ta còn lại 125 nước để xem xét.
Nếu chúng ta quyết định gọi các chế độ “toàn trị” lâu dài là các chế độ đã nhận điểm thấp nhất về quyền chính trị và tự do dân sự theo thang điểm Gastil trong tất cả các năm từ 1978-1987, chúng ta sẽ có tổng cộng 9 quốc gia rơi vào nhóm toàn trị. Do đó, nếu dùng cách phân loại truyền thống, thang điểm Gastil sẽ chỉ ra rằng, có 116 trên tổng số 125 nước, hay 92,8 % các nước thuộc phạm vi nghiên cứu của chúng ta, phải được đặt vào cùng một nhóm. Xem Gastil, Freedom in the World, 54-65.
[7]Để đọc các cuộc thảo luận về những biến thể trong nền dân chủ, xem Arendt Lijphat, Democracies: Patterns of Majoritarian and Consensus Government in Twenty-one Countries (New Haven: Yahle University Press, 1984), nhất là từ 1-36; Philippe C. Schmitter và Terry Lynn Karl, “What Democracy Is.. and Is Not”, Journal of Democracy 2, no. 2 (Summer 1991): 75-88; và Juan J. Linz, “Change and Continuity in the Nature of Contemporary Democracies”, in Garry Marks and Larry Diamond, eds., Reexamnining Democracy (Newbury Park, N.J,: Sage Publications, 1992), 182-207.
[8]Người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho quan điểm đa nguyên thể chế trong phân tích chính trị Xô Viết là Jerry F. Hough, đặc biệt là trong tác phẩm The Soviet Union and Social Science Theory (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1977).
[9]Phê phán tiên phong về cách tiếp cận đa nguyên thể chế với chính trị Xô Viết là Archie Brown, “Pluralism, Power and The Soviet Political System: A Comparative Perspective”, in Susan Gross Solomon, ed., Pluralism in the Soviet Union (London: Macmillan, 1983), 61-107. Một tổng kết lý thuyết hữu ích, có chú ý đến các tác giả như Gordon Skilling, Archie Brown, và Jerry Hough, có thể tìm thấy trong Gabriel Almond (with Laura Roselle), “Model-Fitting in Communism Studies”, trong cuốn A Discipline Divided: Schools and Sects in Political Science (Newbury Park, Calif.: Sage Publications, 1990), 157-72.
[10]Juan Linz, trong “Totalitarian and Authoritarian Regimes”, in Fred I. Greenstein and Nelson W. Polsby, eds., Handbook of Political Science (Reading, Mass.: Addison-Wesley Publishing Co. 1975), 3:175-411, đã phân tích cái mà ông gọi là “các chế độ độc tài hậu toàn trị”, xem 336-50. Ở đây, vì chúng ta tập trung vào phân tích các con đường khả thể cho chuyển đổi dân chủ, và các nhiệm vụ củng cố nền dân chủ, với cả hai chúng tôi, sẽ hữu ích hơn nếu coi các chế độ hậu toàn trị không phải là một tiểu loại của chế độ độc tài, mà là một loại chuẩn riêng.
[11]Để xem lý luận đầu tiên của Juan Linz về sultanism, xem trang 259-63 sách đã dẫn. Để tìm một thảo luận đầy đủ hơn về sultanism, xem H. E. Chehabi và Juan Linz, “Sultanistic Regimes”, bài báo chuẩn bị cho cuộc hội thảo về các chế độ sultan ở Đại học Harvard vào tháng 11/1990. Các kết quả của cuộc hội thảo, sẽ bao gồm các bài nghiên cứu về các nước như Iran, Philippines, Cộng hòa Dominica, Romania, sẽ được xuất bản trong một tuyển tập do H. E. Chehabi và Juan Linz chủ biên.
[12]Sultan: Thuật ngữ sultanism được nhà xã hội học Max Weber đề xuất, mô tả hình thức cực đoan của nhà nước, trong đó sự cai trị truyền thống tuy có phát triển bộ máy hành pháp và quân đội hiện đại, nhưng lại sử dụng chúng một cách hoàn toàn tùy tiện, chỉ phụ thuộc vào ý thích người đứng đầu. Linz và Stepan dùng thuật ngữ này để mô tả một nhóm các nước có các đặc điểm được mô tả ở bảng 3.1, như Iran dưới ách cai trị của Shah, Phlippine thời Marcos, Bắc Triều Tiên dưới chế độ Kim Nhật Thành. [Chú thích của người dịch].
[13]Chúng tôi tin rằng người đọc có thể tự hiểu rằng một chế độ hậu toàn trị không phải là chế độ dân chủ, vì thế chúng tôi sẽ không thảo luận điểm này riêng ra. Chúng tôi muốn làm rõ rằng để phục vụ mục đích của chúng tôi, trong cuốn sách này, khái niệm hậu toàn trị được hiểu là một dạng chính thể phi dân chủ trước quá trình chuyển đổi sang dân chủ. Trong chương này, quan tâm chính của chúng tôi là về các loại hình lý tưởng. Ðương nhiên, trong chương 15, “Các tiền sử hậu toàn trị”, chúng tôi sẽ đưa ra các bằng chứng thực nghiệm về ý nghĩa của di sản toàn trị hay hậu toàn trị (trong thế đối lập với độc tài) với một trong năm lĩnh vực cần cho một nền dân chủ vững chắc, mà chúng tôi đã phân tích trong bảng 1 của cuốn sách này.
[14]Utopia: xứ không tưởng [chú thích của người dịch].