trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
11.7.2005
Franklin Cudjoe
Châu Phi khổ vì bài giảng kinh tế của các ngôi sao nhạc rock
Hồ Phạm Huy Đôn dịch
 
Tony Blair và ngài bộ trưởng tài chính đầy năng lực của ông ta đã tuyên bố cách đây không lâu rằng châu Phi là „vết sẹo trong lương tâm thế giới“ và „giờ đây không còn thời gian để mà e ngại nữa“. Giữa các nước giàu và các nước nghèo phải có một thỏa ước mới.

Đồng thời các ngôi sao ca nhạc như Bob Geldof cũng tìm cách làm rõ qui mô cái thảm họa ở châu Phi. Theo quan điểm khá liều lĩnh của họ thì nghèo đói không bao lâu nữa sẽ thuộc về quá khứ: “Make Poverty History“ là khẩu hiệu chính thức của Live 8. Để đạt được mục tiêu này chỉ cần xóa nợ cho các nước nghèo, tăng viện trợ tài chính lên gấp đôi và tạo dựng công bằng trong thương mại thế giới. Tuy nhiên quá khứ - và cả ngành kinh tế học vững vàng – đã dạy chúng ta rằng chính viện trợ lại có hại nhiều hơn là có lợi cho các nền kinh tế quốc dân.

Chúng ta cũng biết rằng 42 nước đang phát triển đã thi hành các dự án cải cách của Ngân hàng Thế giới và Quĩ Tiền tệ Quốc tế đều lâm vào cảnh xôi hỏng bỏng không. Từ năm 1980 đến nay thu nhập bình quân đầu người ở những nước này đã giảm xuống, chỉ còn không đầy 1 Dollar /1 ngày. Ngoài ra, những „cải cách“ này còn mở rộng cửa cho các nhà lãnh đạo châu Phi có cơ hội làm những phi vụ mờ ám, biến hóa các đơn đặt hàng quốc tế để làm giầu cho phe cánh của giới cầm quyền.


Chiều chuộng các chính quyền tham nhũng

Phê phán đương nhiên là rất cần thiết, nhưng nhiều chuyên gia quên rằng sự can thiệp của Ngân hàng Thế giới và Quĩ Tiền tệ Quốc tế là nhằm để ổn định các nền kinh tế quốc dân đang ở trong trạng thái rơi tự do. Ít ra thì dự định ấy cũng đạt được một mức thành công nhất định. Các khoản thu nhập lẽ ra được phân cho các nước liên đới tự quản lý. Nhưng khốn nỗi, các chính khách của chúng tôi lại lao vào mua sắm. Tại Ghana, nước tôi, chính phủ đã dùng những khoản thu nhập có được qua các biện pháp chấn chỉnh cơ cấu để chi cho một guồng máy mua phiếu cử tri đầy gian lận trong hai lần bầu cử năm 1992 và 1994, cho đến lúc nạn lạm phát gần bóp chết nền kinh tế.

Số lượng tiền thì tăng vọt, nhưng lại không hề có một nền công nghiệp chủ động và năng suất cao. Sau 15 năm cải cách, nền kinh tế nước tôi chẳng ổn định hơn tí nào. Cả việc đa dạng hóa rất cần thiết cũng không được tiến hành. Giá cacao giảm đi 15% là một cú sốc cho nền kinh tế. Không lâu sau đó, Ghana lại lâm vào cảnh nợ nần.

Hiện nay 80% số nợ lên đến 5,2 tỉ Dollar của Ghana đã được xóa. Câu hỏi đặt ra là số tiền dư ra vì không phải dùng để trả nợ sẽ được sử dụng như thế nào? Theo bàn tán của một số chính khách thân chính phủ thì phe họ chắc sẽ thua trong cuộc bầu cử sắp tới, chi bằng đem cái „chiến lợi phẩm“ ấy ra chia ngay là thượng sách. Có lẽ đó là một phác hoạ quá sơ lược về tình hình châu Phi, nhưng qua đó vẫn có thể nghiệm ra rằng kém phát triển không chỉ là hậu quả của thiếu vốn hay bất công trong quan hệ thương mại. Nguồn gốc của kém phát triển trước hết nằm ở các bộ máy chính quyền thối nát, vênh váo, đầy tự phụ vẫn đang được nuông chiều ở châu Phi.


Tiền rót vào những cái thùng không đáy

Bob Geldorf và bè bạn tất nhiên cũng có lý khi họ đòi xóa nợ cho các nước nghèo, vì đó là những khoản nợ mà các nhà cầm quyết khét tiếng đã chồng chất lên trong quá khứ. Ngay cả Kinh thánh cũng truy trách nhiệm cá nhân, nên sách tiên tri Êdêkien đã xét lại câu tục ngữ „Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng.“ [1]

Do đó chúng ta phải hỏi rằng số tiền gần 400 tỉ Dollar rót vào Ghana trong hơn bốn thập kỷ qua đã được sử dụng cho những mục đích gì. Theo những nguồn đáng tin cậy thì số tiền này tương đương với qui mô của 6 Chương trình Marshall từ năm 1947 nhằm tái thiết châu Âu bị chiến tranh tàn phá. Châu Âu thì trở nên thịnh vượng, nhưng quan hệ giữa viện trợ phát triển và tăng trưởng kinh tế thì dường như ngược lại. Vì thế người châu Phi chúng tôi muốn hỏi các vị nguyên thủ phương Tây rằng vì sao họ cứ tiếp tục rót mãi tiền vào những cái thùng không đáy. Đó là mặc cảm tội lỗi vì chủ nghĩa thuộc địa trước kia, nay mong chuộc lại không đúng chỗ? Hay đơn giản là phung phí tiền đóng thuế của dân chúng phương Tây?


Chính sách tham nhũng

Tổng thống Nigeria mới đây đã ta thán rằng mỗi năm nạn tham những ở châu Phi ngốn đến 140 tỉ Dollar. Duy trì một bộ máy quan liêu tham nhũng là việc cực kỳ tốn kém.

Những biện pháp thông thường của các chính phủ châu Phi để duy trì cái hệ thống này rất thiên hình vạn trạng: tăng thuế; lãi suất tín dụng được quy định chung là 36%; mượn danh nghĩa chống lạm phát để trả lương thấp và niêm phong 40% tiền mặt của các ngân hàng tư nhân tại kho bạc ngân hàng trung ương; tăng mức nợ của nhà nước để kìm hãm khu vực tư nhân; xiết chặt luật lao động; cản trở việc thành lập doanh nghiệp bằng các luật lệ phức tạp và rắc rối; tống giam những người bán rong và bán giặm mặc dù họ đã bị tước hết mọi quyền lợi vì không có sở hữu bất động sản; xử bắn những thành phần đối lập dám nghi ngờ tính hợp pháp của các cuộc bầu cử; dọa dẫm báo chí, khiến báo chí buộc phải đưa tin theo tinh thần thân chính phủ; và cuối cùng là đàn áp mọi phong trào đổi mới và sáng kiến cá nhân để chính phủ hiển hiện là thế lực duy nhất có khả năng chu cấp cơm ăn, áo mặc và nhà ở cho dân chúng.


Dollar viện trợ luôn sẵn trong tay

Nhưng những chính phủ như thế vẫn không hề phải lo lắng nếu thu nhập nội địa giảm xuống, vì lúc nào Dollar viện trợ cũng sẵn trong tay. Tuy nhiên, dù có viện trợ, một núi nợ không thể nào giải quyết vẫn sinh ra. Có thể cho rằng nếu mở rộng quan hệ thương mại thì ít ra cũng giảm bớt khó khăn. Thế nhưng theo những tổ chức cứu trợ như Christian Aid thì nhập khẩu tại các nước đang phát triển tăng trưởng nhanh hơn xuất khẩu. Vì thế cần phải bảo vệ các thị trường đang hình thành ở châu Phi bằng hàng rào thuế quan cao hơn.

Nhưng nếu cản trở việc nhập khẩu gạo và cà chua bằng biện pháp đó thì người châu Phi lấy gì mà ăn? Đối với Ghana, gạo là lương thực quan trọng nhất, nhưng sản lượng gạo trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Chris Martin, ca sĩ của nhóm Coldplay, cũng yêu cầu phải bảo vệ các chủ trại lúa, cà chua và gia cầm ở Ghana trước những sản phẩm nhập khẩu giá rẻ. Nhưng thực ra những vướng mắc chính của các nhà sản xuất nội địa là cái thể chế thuế má chỉ có mỗi một chức năng là khiến người ta chán không muốn làm việc nữa, là phí tổn tín dụng quá cao, đó là chưa kể đến tình trạng hỗn độn ở nông thôn, nơi quan hệ tài sản không rõ ràng dẫn đến việc sản xuất ngưng trệ.


Châu Phi không cần chế độ bảo hộ mậu dịch

Trợ cấp cho các nhà sản xuất nội địa cũng có nghĩa là người tiêu dùng sẽ có ít khả năng lưạ chọn hơn. Người dân thường ở Ghana luôn khổ sở vì hàng hóa kém chất lượng do những ngành công nghiệp nội địa được bảo hộ, không phải sợ cạnh tranh, sản xuất ra. Ai trách được người tiêu thụ đi mua hàng ngoại chất lượng tốt hơn mà giá lại mềm hơn? Việc bảo hộ các nhà sản xuất nội địa cũng đưa dến kết quả là thương mại giữa các nước châu Phi với nhau rất kém phát triển. Năm 2001, 51% giao dịch thương mại của châu Phi là với đối tác phương Tây, chỉ có 7,8% đối tác là với chính châu Phi.

Một trong những yêu sách của cuộc vận động hiện nay của Live 8 là chấm dứt những khoản trợ giá nông nghiệp khổng lồ ở các nước phương Tây. Đó quả thật là một mục tiêu hợp lý, vì qua đó các nhà sản xuất nông phẩm trên toàn thế giới có thể có được cơ hội như nhau trên thị trường. Tuy nhiên lập luận này không được thống nhất, khi mặt khác lại đòi hỏi những biện pháp độc đoán để bảo vệ các nhà sản xuất nông phẩm tại các nước đang phát triển.


Lúc nào cũng có những lời bào chữa mới

Vậy giải pháp cho những vấn đề của châu Phi chúng tôi không phải là tăng viện trợ, xóa nợ hay „công bằng thương mại“. Các cải cách theo hướng mở cứa ở châu Phi phải biết dựa vào đầu óc kinh doanh của châu Phi và tạo điều kiện để người châu Phi giao dịch thương mại với nhau và với thế giới. Quyền tư hữu ở châu Phi phải được củng cố; phải xây dựng một hệ thống pháp lý hữu hiệu, rành mạch và có nghĩa vụ giải trình.

Tuy tuyên bố mới nhất của tổng thống George Bush về viện trợ của Hoa kỳ cho châu Phi có lẽ sẽ không đạt những kết quả như mong muốn, nhưng ít ra Hoa Kỳ đã yêu cầu nước nhận viện trợ phải có nghĩa vụ giải trình. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố: “Chúng ta biết rằng tăng tiền viện trợ không thôi không những không giải quyết được gì mà thậm chí còn có thể gây hiệu ứng ngược. Đặc biệt đối với các quốc gia không có một chính phủ làm việc có nề nếp hoặc thiếu năng lực sử dụng viện trợ một cách hiệu quả.”

Khi nền kinh tế quốc dân của chúng tôi lớn mạnh lên thì người châu Phi sẽ có được công nghệ cao hơn, nước sạch hơn, hệ thống năng lượng tốt hơn, hệ thống y tế tốt hơn và cả hệ thống bảo hiểm nữa. Tiếc thay những ý tưởng như vậy hiếm khi được phát ra từ các ngôi sao ca nhạc hảo tâm hay các tổ chức nhân đạo thiện nguyện. Khi đổ trách nhiệm lên đầu các chính phủ phương Tây, những phong trào vận động như Live 8 đã cung cấp cho các nhà lãnh đạo châu Phi những lý do bào chữa mới. Không có bài giảng kinh tế của các ngôi sao nhạc rock thì có lẽ người châu Phi khốn khó chúng tôi đỡ khổ hơn.

Tác giả Franklin Cudjoe, cộng tác viên của nhiều cơ quan truyền thông quốc tế, hiện phụ trách tổ chức Thinktank Imani tại Ghana.


© 2005 talawas



[1]Kinh Cựu ước, Êdêkien, 18: 1-4 (ND)