trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
16.8.2005
Hoàng Khởi Phong
Cát bụi chân ai: Cuộc phiêu lưu cuối cùng của “con dế mèn”
 
1.

Vài năm trước đây, khi nhà xuất bản Lê Trần cho phát hành cuốn Trăm hoa vẫn nở trên quê hương, một cuộc bút chiến đã xảy ra ở hải ngoại. Tôi không có ý định khơi lại cuộc bút chiến này. Phản kháng hay không phản kháng phải được tranh cãi trong hòa khí. Ðập bàn cãi nhau, đâu còn không khí tranh luận nữa. Còn đối với nhà văn, điều quan trọng là tác phẩm, và bối cảnh để hoàn thành tác phẩm.

Cát bụi chân ai là một tác phẩm mới của nhà văn Tô Hoài, do nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành vào cuối năm 1992. Chỉ vài ngày sau là đã không còn một cuốn. Chẳng phải vì bị cấm, bị tịch thu, mà bởi vì mọi người muốn đọc. Sách đã phát hành, cho dù muốn thu hồi cũng không còn kịp nữa.

Quyển sách dày hơn ba trăm trang, in trên giấy trắng, là một tiến bộ trong ngành ấn loát nếu so với những quyển sách in trong nước khác. Mở đầu bằng mối giao tình giữa Tô Hoài và Nguyễn Tuân. Kết thúc bằng cái chết của Nguyễn Tuân. Giữa hai nhà văn đó là những kiếp nhân sinh chập chờn như những bóng ma trơi. Giữa hai nhà văn đó là không khí ngột ngạt của văn nghệ, kháng chiến, cách mạng và chính trị. Giữa hai nhà văn đó, cho tới khi có một người nằm xuống, đã một nửa thế kỷ trôi qua. Quốc gia đã thu về một mối, không còn vết chém đứt ngang mình. Có điều cái cách thống nhất đó mang lại cho quốc gia, dân tộc những gì, ngay bây giờ chúng ta đã có thể đánh giá, không cần phải đợi đến sau này lịch sử phê phán. Việt Nam, sau mười tám năm thống nhất, đã trở thành một trong vài quốc gia lạc hậu nhất, nghèo đói nhất, tham nhũng nhất... Tóm lại, Việt Nam nhất rất nhiều thứ, chỉ phiền một điều những thứ nhất này đều được tính theo tiêu chuẩn xấu.


2.

Cuốn sách mở đầu bằng một câu thật giản dị: “Tôi kém Nguyễn Tuân mười tuổi. Trước kia tôi không quen Nguyễn Tuân.”

Những dòng chữ mở đầu tưởng chừng hờ hững kia gợi liên tưởng tới hàng triệu con người ta đã bắt gặp trên sân khấu cuộc đời. Nhưng rồi đám đông chung quanh nhòa dần đi, ánh sáng chỉ vừa vặn soi đủ một thân hình. Ông ta còn trẻ, mắt sáng, tóc hớt cao, áo quần giản dị. Ông ta hiền lành, ngơ ngác như một con dế... Tiếng gáy đầu đời của một anh dế nghe mới vui vẻ làm sao; nó rộn ràng, háo hức, nó mơ mộng đến những cung đường xa. Nhưng đường bay của một cánh dế phỏng có là bao so với không gian bao la, bát ngát, trời rộng sông dài. Do đó tiếng gáy đầu đời này Tô Hoài gọi là: Dế mèn phiêu lưu ký.

Cuộc phiêu lưu của nhà văn bắt đầu từ cái ngôi làng Nghĩa Đô. Kể từ đó tới nay, đã nửa thế kỷ. Con dế hát ca cho đời xem chừng có khi lạc giọng, mặc dù đã đổi tông khá nhiều lần.

Thập niên 40, không phải chỉ một mình Tô Hoài muốn làm một con dế hát rong cho đời. Những người đồng trang lứa với ông trên nhiều bộ môn nghệ thuật họp lại như một ban hợp ca thời đại. Đó là những con người tiên phong của một xã hội đang khao khát sự thay đổi. Cái dòng thơ ngắn gọn, kiểu đường thi, cổ phong, đầy điển tích Hán. Cái hơi văn biền ngẫu cân nhắc, chữ đối chữ đó sau cùng, cũng như thơ, bị đời sống cuốn đi. Những con dế không thể tiếp tục chỉ đứng bên lề cuộc sống đấu tranh chung của dân Việt mà nghêu ngao thơ thẩn. Họ phải chọn cho mình một thế đứng nào đó, trong một đoàn thể nào đó. Giọng ca bây giờ không còn là của riêng họ, ít nhiều nó phải có hơi hướm của đoàn thể, do đó, trong đời sống, họ cũng bị ảnh hưởng bởi đoàn thể.

Mười năm sau, đoàn thể mà Tô Hoài cũng như phần đông những văn nghệ sĩ đồng trang lứa với ông góp mặt, đã thành công... một nửa. Người Pháp xuống tàu về nước, để lại một vết chém ngang lưng đất nước. Mới thành công một nửa mà máu đã chảy thành suối, xương đã cao thành gò. Nhưng, thành công một nửa thì không phải là là thành công. Giang sơn phải thu về một mối, tổ quốc phải là một. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Để cho có được điều quý giá này, chắc chắn máu phải chảy thành sông, xương phải cao thành núi. Còn những con dế, những con dế chỉ muốn hát rong cho đời, đã ứng phó thế nào trước những cơn ba đào của đời sống? Ðâu đâu cũng chỉ thấy biển máu và nước mắt. Có sá gì những giọt nước mắt của bất cứ ai trong những cuộc họp phê bình kiểm thảo nội bộ?


3.

Nếu đời sống là một sân khấu, thì quyển sách của Tô Hoài chỉ là một góc nhỏ, thu nhiều những khuôn mặt và những tên tuổi. Tất nhiên là những tên tuổi lớn trong lãnh vực văn nghệ, sáng tác của họ không ít thì nhiều cũng đã tạo ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng. Một Nguyễn Bính sau khi Lỡ bước sang ngang gia nhập vào đoàn thể, đã thôi không còn làm những bài thơ tình, đã đi Nam Bộ kháng chiến, đã làm bài “Hành phương Nam,” đã tập kết ra Bắc sau 54. Trước khi đi Nam Bộ, Nguyễn Bính chơi thân với Tô Hoài. Khi ra lại Bắc, Tô Hoài đã là đảng viên lâu năm. Lúc gặp lại, hai bên vồn vã, nhưng Tô Hoài ghi trong truyện: “Duy có cung cách thì thưa gửi, báo cáo anh, đề nghị đồng chí lôi thôi quá...”

Thời đó ở ngoài Bắc, do ảnh hưởng của Trung Hoa, người ta đề ra khẩu hiệu: Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Nguyễn Bính làm báo Trăm Hoa, có lần đề nghị muốn vào Đảng với Tô Hoài, thì được trả lời: “Nói anh Trúc Đường làm đơn rồi hai đứa mình giới thiệu anh theo thủ tục.” Vốn bản tính hiền hòa, Nguyễn Bính tức, để bụng không nói. Trong thời gian này Nguyễn Bính ly dị với vợ, giữ được đứa con. Cảnh gà trống nuôi con nheo nhóc, nhất là với một ông bố thi sĩ, lại trong hoàn cảnh gạo châu củi quế. Có lần quá khổ, trong một lúc quẫn chí, lại rượu say ngà ngà, ông bố Nguyễn Bính bế con đi chơi thơ thẩn. Chợt một ý nghĩ thoáng qua đầu, người bố đưa đứa con cho một người đàn ông đang đi tới. Trở về nhà bố say nằm vật xuống. Khi nhớ lại thì thằng bé đã không còn nằm cạnh nữa. Theo Tô Hoài, thằng bé tên Hiền đã thất lạc cho tới ngày nay. Tô Hoài muốn viết truyện ngắn “Tên cháu là Hiền”, mấy chục năm mà không viết nổi. Bây giờ Nguyễn Bính đã chết quá lâu, cái truyện ngắn Tô Hoài định dùng như một lời nhắn tin đã không còn cần thiết. Mới đó mà đã hơn ba chục năm trời!

Nguyên Hồng, một tên tuổi lớn khác, trước khi gia nhập vào phong trào cộng sản, từng bị thực dân bỏ tù, lại vô sản chính hiệu, nên chẳng bao lâu sau khi gia nhập đã trở thành Tổng thư ký của báo Văn, tiếng nói chính thức của Hội Nhà văn, và cũng là cơ quan tuyên truyền chính thức của Đảng Cộng sản. Vụ Nhân văn-Giai phẩm nổ ra. Những cây bút chủ trương bị vây đánh tứ phía trên những tờ báo của Đảng, lại không mua được giấy để ra báo trả lời, bị phong tỏa kinh tế, nói cho đúng hơn bị bóp chặt bao tử. Nhân văn tất nhiên phải đình bản. Nhóm Nhân văn phân tán, lặn sâu vào những tờ báo của Đảng. Đột nhiên, báo Văn đi những bài gây khó chịu. Nguyên Hồng là Tổng thư ký của báo Văn cũng bị truy, phê bình là hữu khuynh, bị lũng đoạn. Nguyên Hồng từ từ, cẩn thận, trịnh trọng đặt tập báo trước mặt. Nguyên Hồng nói: “... Tôi làm báo không kể giờ giấc, không quản thức đêm. Tôi bỏ hết sáng tác cố làm cho kịp. Suốt tuần tôi bận bịu về nó hơn lo con mọn, bỏ ăn, bỏ uống vì nó. Tôi đấu tranh thực hiện đường lối văn học nghệ thuật của Đảng. Thế thì làm sao tôi có thể làm sai... Tôi không thể, tôi không thể...” Rồi Nguyên Hồng khóc nức nở, như một người bị đồng ốp.

Lúc đó ở miền Bắc, bầu không khí văn nghệ ngột ngạt, nghi kỵ giữa những người cầm bút. Theo dõi, tố giác, vu cáo nhau những điều không có thật, hay những điều chỉ nhỏ bằng cái móng tay được thổi phồng lên. Thậm chí Tô Hoài tiết lộ, đã có một nhà văn trẻ nuốt dao cạo tự tử. Chết rồi còn mất đảng tịch, có người thắt cổ. Nhóm Nhân văn bị truy nã đánh đuổi. Trần Dần cứa cổ mà không chết đến bây giờ vẫn còn sẹo, Phùng Cung bị tù biệt giam mười một năm, bị lao. Hoàng Cầm, Phan Khôi, Lê Đạt, Phùng Quán, Chu Ngọc, Hoàng Tích Linh, Trần Lê Văn... tan ra như những cánh bèo. Tới độ Nguyên Hồng không chịu nổi, bỏ về Nhã Nam, nơi mà trước kia trong thời kháng chiến, đã có dạo cơ quan của Nguyên Hồng trú đóng ở đó. Đó là nơi khỉ ho cò gáy, có điều, sau khi những người kháng chiến đóng ở đó thì làm gì còn khỉ với cò. Trước khi đi, Nguyên Hồng làm một bữa chả ram, nhân thịt là nhau bà đẻ, mời Tô Hoài tới ăn từ biệt. Trước khi ăn, Tô Hoài cho Nguyên Hồng coi một bài viết mới có liên quan tới cái không khí ngột ngạt này, sau khi xem Nguyên Hồng chửi: “... Tiên sư cha, thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì không. Ông về Nhã Nam, ông đéo chơi với chúng mày nữa...”

Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài cho ta biết hầu hết những khuôn mặt lớn của giới cầm bút ngoài Bắc. Một Xuân Diệu và cái tình... trai đeo đẳng tới già không thay đổi. Đồng tính luyến ái cho tới giờ này, thậm chí nhiều nơi ở Mỹ vẫn còn là một điều đại kỵ. Thế mà mấy chục năm trước, trong không khí kháng chiến bừng bừng, những đêm giá rét, Xuân Diệu chui vào giường của hầu hết những người cùng lán. Tô Hoài không bêu xấu người đã chết, bởi vì trong những cơn mê loạn vì thể xác, vì tình dục đó có cả... chính Tô Hoài.

Ở trong nước bây giờ người ta gọi Cát bụi chân ai bằng cái tên khác: Cát bụi trần ai! Chỉ khác một chữ, song cái nghĩa của nó rộng lớn hơn nhiều lần. Nếu ở hải ngoại chúng ta tò mò muốn biết những gì đang xảy ra ở trong nước, ít nhất cuốn sách của Tô Hoài cũng cho thấy được nhiều điều. Nó không chỉ nói tới những khuôn mặt lớn. Nó đề cập tới rất nhiều những khuôn mặt bình thường. Nó không chỉ nói đến những người chiến thắng, nó nói cả tới những người bại trận, không phải chỉ bại từ năm 75. Cuộc tranh đấu giữa những người cộng sản và những người không cộng sản bắt đầu từ cách đây nửa thế kỷ. Những cuộc thanh toán lẫn nhau xảy ra khắp nơi. Tô Hoài thuật lại một vụ cộng sản xử tử bảy đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng. Một tử tội luôn miệng hỏi người dẫn mình đi xử bắn: “Ông bắn phát ân huệ phải không?”

Trong tác phẩm, Tô Hoài cũng cho biết những Hoa kiều đã tham gia chiến tranh Việt Nam, và đã bị trục xuất như thế nào trong trận chiến Hoa Việt. Những hàng ăn ban đêm, những tiệm cà phê, bánh cuốn, cháo gà... và những khuôn mặt đặc biệt của chủ nhân. Đây là một nét đặc biệt trong quyển sách, như thể ban ngày không có gì cho nhà văn đáng quan sát, hoặc giả cái xã hội ấy không có một chút ánh sáng ban ngày, đã nửa thế kỷ nay lúc nào cũng tù mù tăm tối, lúc nào cũng rờn rợn. Xã hội dường như lúc nào cũng thiếu con người, toàn bóng ma trơi chập chờn ngay cả giữa ban ngày. Nó ngộp đến mức thiếu không khí để thở, ngay cả với những đảng viên công lao hãn mã. Còn với quần chúng, không thể lấy gì đo cho đủ được sự sợ hãi, nỗi khổ đau, lòng uất ức, tuyệt vọng... của họ.

Thậm chí một bà già, khi đi mua hàng ở mậu dịch bị từ chối, vì hàng chỉ bán cho cán bộ. Bà già vỗ vào bẹn và gào lên: “Tiên sư mày sao mà dại thế, chỉ đẻ ra nhân dân mà không đẻ ra cán bộ.” Sự uất ức bị dồn nén quá lâu đến độ có lúc làm người ta quên cả sợ!

Quyển sách không hề tỏ lộ một lời bào chữa hay kết tội nào đối với cái chế độ mà Tô Hoài phục vụ nửa thế kỷ ròng rã. Chỉ là những cảm nghĩ, những điều mắt thấy tai nghe. Chỉ là những lời thuật lại, không cường điệu cũng như bi thảm hóa. Cái lối kể chuyện của một bà già nhà quê, ngồi bệt xuống đất, ngay lề đường, đầu ngõ. Cái lối kể chuyện luôn bắt đầu bằng cách lấy gấu quần lau những giọt mồ hôi, có thể giấu trong những giọt mồ hôi này đôi ba giọt lệ mà người nghe phải tinh ý mới nhận thấy. Chính vì thế mà thái độ chính trị mới mạnh làm sao. Nó làm những người nghe phải đau đớn quằn quại cho sự thật.
Một chế độ thản nhiên chà đạp lên tấm lòng của mọi con người, chế độ đó không thể nào tồn tại được. Một chế độ dựa vào sự dối trá và bạo lực, cho dù có khống chế được xã hội, thì cũng chỉ khống chế được một thời khoảng nào đó. Khi mọi con người trong xã hội đó hết còn sợ hãi, khi mà những nhà văn đã biết khát khao sự thật, khi mà những công thần đã phải đổi giọng, thì đó chính là giờ cáo chung của chế độ.


4.

Năm nay Tô Hoài đã trên bảy chục. Nửa thế kỷ trước ông vào đời với tư cách của một nhà văn, một nhà văn của dân quê nghèo khổ, của những người bị áp bức chà đạp. Ông muốn làm nhà văn, nhưng đồng thời cũng muốn đóng góp tuổi trẻ của ông vào công cuộc giải phóng đất nước. Đó cũng là tâm trạng của phần đông những người cùng thế hệ ông. Càng có học, càng hiểu biết thì lại càng dễ lao mình vào một đoàn thể, một đảng phái nào đó mà họ có dịp gặp gỡ, quen biết. Thập niên bốn mươi thật hiếm thấy một nhà văn nào độc lập. Họ không ở tổ chức này thì cũng ngã vào đoàn thể khác. Những đảng phái này có khi liên minh với nhau, có khi triệt hạ lẫn nhau, có khi che giấu cho nhau, và có khi thủ tiêu lẫn nhau. Năm năm sau khi nhập cuộc, ông vẫn là một nhà văn, song là một nhà văn cộng sản. Ông không thể không biến thái để có thể tồn tại trong một xã hội phải đấu tranh liên lục chẳng những với quân thù, mà còn ngay cả với những người đồng chí. Ngụp lặn trong đời sống đó suốt hơn bốn mươi năm, ông chỉ còn viết những quyển sách được đóng khung sẵn. Trong cái khung này, các nhà văn, nhà thơ trưng lên các khẩu hiệu đã được thi vị hóa. Và sản phẩm là những quyển sách chỉ có giá trị trong từng giai đoạn, những cuốn sách thời chống Pháp, thời cải cách ruộng đất, thời sửa sai và thời chống “Mỹ, Ngụy.” Đó là chưa kể tới những quyển sách viết chống lại những người đã một thời là bạn ông: Những nhà văn trong nhóm Nhân văn, những người chỉ có mỗi một tội là yêu sự chân thật và ghét điều giả dối. Chính những điều giả dối này đã làm cho quốc gia của chúng ta hiện nay đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất trong suốt bao năm trời.

Con chim sắp chết cất tiếng bi ai, con người sắp chết nói lời nói thật. Huống hồ Tô Hoài là một nhà văn, lại có tài! Nếu ông không thật sự có tài thì những: O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Quê người chắc hẳn đã không được in lại ở miền Nam thời trước 75. Có rất nhiều lời nói thật không được may mắn tới tay chúng ta. Phan Khôi với “Nắng chiều,” Nguyễn Công Hoan với Đống rác cũ, và thơ văn của biết bao nhiêu người đã chết trong tăm tối, chúng ta thậm chí còn không biết tới tên.

Tôi vẫn tin rằng Nguyễn Tuân, con người nổi tiếng là có những hành động bất ngờ, con người mà Tô Hoài đã dùng để mở và kết cho quyển hồi ký cuối đời, lại chết trong câm nín mà không để lại cho hậu thế một lời nói thẳng nào. Con người sắc cạnh đó không thể ra đi trong lặng lẽ như thế. Có thể ông ta đã không có đủ thời gian để sửa soạn, có thể cái chết ập đến khá đột ngột, có thể ông có để lại mà chúng ta chưa có cơ hội để thấy, hoặc giả chưa tới lúc thuận tiện để công bố. Có phải Nguyễn Tuân đã nói một câu bất hủ, tuy ngắn nhưng mô tả đúng nhất, cho thân phận những nhà văn xã hội chủ nghĩa: “Tao sống được tới ngày nay là nhờ tao biết sợ.” Có một người con làm đến cấp tướng mà còn sợ đến như thế, thử hỏi nhân dân làm sao mà sống cho ra người?

Cát bụi chân ai rất có thể là cuộc phiêu lưu cuối cùng của Tô Hoài, nhưng đó không phải là một cuộc phiêu lưu không chủ đích, cho thỏa máu giang hồ của một nhà văn. Đó chính là hành trình trở về khởi điểm của một nhà văn, và con đường ông phải đi tiếp sẽ đầy chông gai cùng cạm bẫy. Bởi, trong xã hội cộng sản, ông đã chọn con đường của sự thật, một con đường sẽ chẳng có hoa và bướm. Cầu cho nhà văn chân cứng đá mềm!

Trước đây vài năm, một số những tác phẩm trong nước được sáng tác trong giai đoạn Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ. Những tác phẩm này khi lọt ra ngoài đã được giới thưởng ngoạn văn chương ở hải ngoại nhiệt tình đón nhận. Trong giới cầm bút hải ngoại, có những nhận định trái chiều nhau. có nhà văn cho đó là những lời phản kháng thật, và cũng không ít người cho là phản kháng giả, theo chỉ thị. [Giả hay thật thì chưa ngã ngũ, nhưng có điều những quyển sách đó đã được khai thác tận tình trên lãnh vực thương mại.]

Cát bụi chân ai là một tác phẩm có nằm trong lãnh vực phản kháng hay không khoan hãy xét tới. Nó là một tập hồi ký nên chỉ có vấn đề trung thực hay giả dối là quan trọng. Nó đã được viết không phải để ca tụng lãnh tụ. Kể cả một lãnh tụ đã được thần thánh hóa như Hồ Chí Minh cũng chỉ được nhắc tới tên một lần duy nhất, nhắc như một sự tình cờ. Nó cũng được viết không phải để bài xích ai, tấn công ai. Nó đã được viết như những lời thì thầm trong bóng tối, những lời thật thà mà vì sợ hãi quá lâu không dám nói to. Làm cho âm thanh của nó được to hơn, vang xa là công việc của chúng ta.

California tháng Tư 1993
Nguồn: Báo Người Việt, tháng 8. 2004