trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
14.9.2005
Trần Văn Chi
Đổi mới và Bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam
 
Ðổi mới – Bảo thủ là ý niệm mà phương Tây và Hoa Kỳ chỉ thái độ chánh trị của cá nhân hay nhóm người trong Đảng CSVN trước tình trạng Liên Xô sụp đổ vào thập niên cuối của thế kỷ XX vừa qua. Ðổi mới – Bảo thủ cũng nhằm chỉ hai khuynh hướng chánh trị: Cấp tiến (tiến bộ) – Thủ cựu (lạc hậu) trong sanh hoạt chánh trị của các nước thuộc chế độ cộng sản.

Người Việt ở hải ngoại tùy theo sự hiểu biết và nhận thức chánh trị mà gán cho Ðổi mới – Bảo thủ một định nghĩa theo chủ quan để thỏa mãn cảm tính chánh trị của mình, hay ý đồ chánh trị của phe nhóm. Gần đây, những vận động nội bộ trong Ðảng giữa Ðổi mới - Bảo thủ khiến nổi lên những khiếu tố, tranh luận công khai trên báo Ðảng, qua “thông tin đen, truyền thông xám”… tạo ra nhiều vấn đề thời sự chánh trị đầy tánh “biểu kiến”.


1. Ðổi mới từ lý luận đến thực tiễn tại Việt Nam

Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, kéo theo sự tan rã, quay lưng từ giã quá khứ của các nước Ðông Âu, kể cả Ðông Ðức, thì nhiều người Việt và những tổ chức chống cộng ở hải ngoại đoán già đoán non rằng Ðảng CSVN sụp đổ tới nơi rồi. Rồi sự thể không xảy ra như vậy. Tại sao?

Bởi lẽ, Ðảng CSVN ra đời từ nhu cầu của lịch sử Việt Nam, hợp với trào lưu giải thực của thế giới (và cũng là sách lược của phong trào cộng sản thế giới thời ấy). Người Mỹ không học thuộc câu “tri hành hợp nhứt”, biết thực dân là xấu nhưng vẫn tiếp tay Pháp trong những năm cuối cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam; rồi bèn “điền vào chỗ trống” không hợp lý chút nào (thay chân Pháp ở miền Nam), nên phải “rút lui trong danh dự” năm 1975. Trong cách nhìn của Ðảng CSVN và người dân bình thường thì cuộc chiến 1954-1975 ở miền Nam chỉ là tiếp nối cuộc kháng chiến dang dở mà thôi. Nhìn như vậy, Ðảng CSVN là Ðảng Cách mạng, gắn liền với công cuộc kháng chiến và thống nhứt đất nước (dầu nhiều người không đồng ý), trong khi Ðảng Cộng sản ở các nước Liên Xô cũ chỉ là những đảng bị áp đặt hay xa hơn là “tay sai” của Liên Xô. Vì vậy, nói Ðảng CSVN ra đời là do nhu cầu lịch sử và giờ đây đổi mới cũng do đòi hỏi của thời cuộc.

Trở lại thời kỳ chuẩn bị Ðại hội VIII mới thấy được ý nghĩa của Ðổi mới trong Đảng CSVN. Bấy giờ vào tháng 6 năm 1995, Bộ Chánh trị bị phân hóa, chưa có kết luận về một số vấn đề mang tánh “lý luận Ðổi mới”. Bởi lẽ từ 1986, sự thành công “tự phát” trong nông nghiệp ở miền Nam đưa đến đổi mới kinh tế. Nhưng đó mới chỉ là thực tiễn, chưa mang tánh lý luận. Thực tiễn Đổi mới đó phải được trang bị bằng lý luận, bằng nghị quyết, bằng chủ trương, đường lối… (cách của những người cộng sản).

Ðến tháng 9 năm 1995, ông Võ Văn Kiệt bấy giờ là Thủ tướng (theo dư luận Hà Nội thì “Kiệt” mà không “kiệt”), mạnh dạn, đảm lược, đưa ra một bức thư gởi Bộ Chánh trị, nội dung vừa mang tánh lý luận vừa lấy thực tiễn biện minh cho công cuộc Ðổi mới. Và do vậy Đại hội VIII là đại hội mang nhiều dấu ấn của Võ Văn Kiệt, là đại hội Ðổi mới.

Bức thư này nói gì?

Trước hết đánh giá tình hình thế giới: “Trong thế giới ngày nay không phải mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, mà trước hết là tính đa dạng đa cực trở thành nhân tố nổi trội nhất, chi phối những mâu thuẫn…” Và từ đó quan hệ Việt Nam & Trung Quốc “có tánh cách quốc gia lấn át tánh chất XHCN”, trong đó còn tồn tại “không ít những điểm nóng”.

Bức thư nêu lên mấy nội dung chánh của Ðổi mới như sau:
  • Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh (sau này thêm từ dân chủ)

  • Phát triển gắn liền với giữ gìn độc lập, chủ quyền và bản sắc văn hóa dân tộc

  • Xây dựng được nhà nước của dân, do dân và vì dân có hiệu lực (phần này ít được nhắc lại)

  • Ðảng CSVN lãnh đạo toàn diện (phần này được người bảo thủ đưa lên hàng đầu)

Tài liệu cũng nhận rằng Đảng nay là đảng cầm quyền (không còn là đảng Cách mạng) nên phải nêu cao “ngọn cờ dân tộc và dân chủ”, như vậy Đảng “bao gồm cả toàn thể cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang hướng về Tổ Quốc”. (Ðiều này đến nay mới được nói đến như là một chủ trương lớn).

Trên cơ sở đó, đại hội VIII và IX, tùy lúc, tùy người mà diễn dịch Ðổi mới, khi nghiêng về Bảo thủ, khi nghiêng về Đổi mới. Nhìn chung dư luận phương Tây và Hoa Kỳ cũng như các tổ chức quốc tế đều xác nhận Việt Nam có tiến bộ về nhiều mặt, từ khi Đổi mới.


2. Bước vào Đại hội X, thử tìm hiểu thế - lực của Ðổi mới và Bảo thủ trong Ðảng

Trước tiên là phải nhìn vào quyền hạn của các thành viên trong Bộ Chánh trị khóa IX:

Nông Ðức Mạnh: sanh 11.9.1940, quê quán Bắc Cạn, dân tộc Tày, vào Đảng 5.7.1963, hiện là Tổng Bí thư, đứng đầu Bộ Chánh trị, xuất thân trường Trung cấp Nông lâm Hà Nội rồi Học viện Lâm nghiệp Liên Xô. Lập trường: trung dung, hy vọng ngồi lại chức Tổng Bí thư.

Trần Ðức Lương: sanh ngày 5.5.1937, quê quán Quảng Ngãi, vào Đảng 29.12.1959, xếp thứ 2 trong Bộ Chánh trị, hiện là Chủ tịch nước. Xuất thân học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, làm nhân viên kỹ thuật đội tìm kiếm địa chất, rồi đi học Liên Xô về quản lý kinh tế quốc dân. Trong chánh trị may mắn nhiều hơn là khả năng. Lập trường: trung dung, nghiêng về Đổi mới trong kỳ đại hội IX.

Phan Văn Khải: sanh 25.12.1933, quê quán Củ Chi, Sài Gòn, vào Đảng 15.7.1959, xếp thứ 3, hiện là Thủ tướng. Xuất thân cử nhân kinh tế tại Liên Xô. Lập trường: Đổi mới, thực dụng, thân phương Tây nhưng không phải là người cách mạng.

Nguyễn Minh Triết: sanh 8.10.1942, quê Bình Dương, xếp thứ 4, hiện là Bí thư TP HCM. Xuất thân cử nhân toán, nguyên Bí thư Bình Dương, thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, làm điển hình cho cả nước. Trước đây có dư luận cho ông là ứng viên thủ tướng nhưng nay ít được nhắc lại, do sức khỏe kém. Lập trường: đổi mới (triệt để), tiêu biểu cho các tỉnh phía Nam.

Nguyễn Tấn Dũng: sanh 17.11.1949, quê quán Cà Mau, vào Ðảng 1967. Xuất thân cử nhân luật, xếp thứ 5, hiện là Phó Thủ tướng Thường trực, được phân công: trực tiếp phụ trách công nghiệp, bưu chánh, nông lâm thủy sản, kinh tế hợp tác, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cơ bản, đổi mới doanh nghiệp quốc doanh, thanh tra xét khiếu tố, và các lãnh vực quốc phòng an ninh; theo dõi chỉ đạo các bộ Xây dựng, Công nghiệp, Bưu chánh, Giao thông, Nông nghiệp, Thủy sản, Tài nguyên, Quốc phòng, Công an, Cơ quan Thanh tra Nhà nước và Văn phòng Chánh phủ. Lập trường: đổi mới (triệt để), cung cách dễ dãi, không ưa lý luận. Ðược dư luận phương Tây, Hoa Kỳ đánh giá cao, và là ứng viên Thủ tướng số 1.

Lê Minh Hương (đã qua đời)

Nguyễn Phú Trọng: sanh ngày 14.4.1944, quê quán Hà Nội, vào Ðảng năm 1967, xếp thứ 7 trong Bộ Chánh trị. Trình độ Phó Tiến sĩ ở Liên Xô. Hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhưng chuyên “nói theo” Trung Quốc. Lập trường: Bảo thủ.

Phan Diễn: sanh năm 1937, quê quán Quảng Nam, vào Ðảng năm 1962, xếp thứ 8, hiện là Thường trực Ban Bí thư Trung ương. Xuất thân cán bộ văn phòng, đầu óc thư lại. Trong điều hành việc Bộ Chánh trị tỏ ra “lấn lướt” TBT Nông Ðức Mạnh nên bị sa lầy thảm bại trong vụ khiếu tố của tướng Võ Nguyên Giáp. Lập trường: Bảo thủ (dư luận cho rằng thân thiện với Bắc Kinh).

Lê Hồng Anh: sanh 12.11.1949, quê quán Kiên Giang, vào Ðảng tháng 3.1968, xếp thứ 9, hiện là Bộ trưởng Bộ Công an, hàm Ðại tướng, nhiều quyền lực. Xuất thân cán bộ Ðoàn cơ sở, ngoại hình đẹp, dễ gây thiện cảm với người xung quanh. Hiện nay thay Phan Diễn trong nhiệm vụ giải quyết khiếu tố của tướng Võ Nguyên Giáp. Lập trường: Ðổi mới.

Trương Tấn Sang: sanh 21.01.1949, quê quán Ðức Hòa, Long An, vào Ðảng 20.12.1969, xếp thứ 10, hiện là Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ðảng. Xuất thân từ phong trào Thanh niên Tình nguyện, rồi Bí thư Thành đoàn, Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Hiện nay chỉ đạo trực tiếp các tỉnh chuẩn bị vào WTO. Lập trường: Đổi mới không quyết liệt (?)

Phạm Văn Trà: sanh năm 1935, quê quán Bắc Ninh, vào Ðảng 25.5.1956, xếp thứ 11, hiện là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tướng dở trong binh nghiệp, nhưng nhờ trung thành với Lê Ðức Anh nên được làm Bộ trưởng Quốc phòng. Bị tai tiếng trong vụ Tổng cục 2. Lập trường: Bảo thủ, dư luận cho rằng đây là con bài thiệp (?)

Nguyễn Văn An: sanh 1.10.1937, quê quán Nam Ðịnh, vào Đảng 14.8.1959, xếp thứ 12, hiện là Chủ tịch Quốc hội. Tánh tình cởi mở trong giao tiếp. Lập trường: trung dung, gần với Đổi mới.

Trương Quang Ðược: sanh 10.2.1940, quê quán Quảng Nam,vào Ðảng tháng 5.1965, xếp thứ 13, là Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội. Không có khả năng đặc biệt. Lập trường: trung dung (ba phải).

Trần Ðình Hoan: sanh 20.10.1939, quê quán Hưng Yên, vào Ðảng 28.4.1962, xếp thứ 14, Chánh Văn phòng Trung ương Ðảng. Trước bị mất chức Bộ trưởng Lao động Thương binh & Xã hội, nhờ có công hạ Lê Khả Phiêu nên được Lê Ðức Anh thưởng chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương Ðảng. Bị nhiều tai tiếng trong việc bố trí nhân sự. Trong quan hệ tỏ ra cởi mở. Lập trường: trung dung (?)

Nguyễn Khoa Ðiềm: sanh năm 15.4.1943, quê quán Thừa Thiên Huế, vào Đảng 28.3.1966, xếp thứ 15 cuối bảng, hiện là Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, là tay chân của Ðỗ Mười, gốc con nhà Nguyễn Khoa, tỏ ra “mệ” với báo chí nên bị ông Võ Văn Kiệt “sát thủ” và Ðại hội kỳ 8 Hội Nhà báo tại Hà Nội vừa qua hạ uy thế thảm hại. Bị dân Huế căm ghét vì đã cho phá Ðàn Nam Giao. Lập trường: Bảo thủ nặng.


3. Hải ngoại nghĩ gì? Làm gì?

Nhìn vào thành phần Ðổi mới – Bảo thủ trong Bộ Chánh trị, ta thấy Ðổi mới có 5 ủy viên vẫn còn đầy đủ phong độ, sau Phan Văn Khải còn có Nguyễn Tấn Dũng thậm chí còn Trương Tấn Sang nữa. Bảo thủ có 4 ủy viên. Sau khi Nguyễn Khoa Ðiềm bị phế võ công, Phan Diễn dẫn đầu bảng này, nhưng dư luận quan ngại vì Diễn quá gần với Bắc Kinh. Như vậy Bảo thủ hiện nay đang co cụm lại. Nhóm đứng giữa trung dung có 5 ủy viên trong đó Nông Ðức Mạnh đứng đầu bảng, là người mà dư luận cho là có đạo đức. Trung dung hiện nay có chiều hướng ngả về Ðổi mới trừ trường hợp Trần Ðình Hoan (?)

Những người bảo thủ Việt Nam xưa nay luôn luôn bị dư luận coi là cái bóng nhỏ của Bắc Kinh; giờ đây trong thời buổi kinh tế thị trường đã bị người dân ruồng bỏ vì giao thương Việt – Hoa càng ngày càng bị nhập siêu (có lợi cho Trung Quốc), trong khi giao thương Việt - Mỹ thì xuất siêu (có lợi cho Việt Nam). Gần đây Bắc Kinh cố tình đưa hàng giả, hàng lậu vào Việt Nam, thậm chí bạc giả nữa. Những vụ lấn chiếm biên giới, bắt giết dân đánh cá, vụ “tai nạn” rớt máy bay ở Vịnh Bắc Bộ... khiến cho bộ mặt của những người Bảo thủ đã xấu nay càng xấu xí thêm. Nên những luận điệu “diễn biến hòa bình”, „thế lực thù địch”, “định hướng xã hội chủ nghĩa”... mà những người bảo thủ thường rêu rao nay trở thành trơ trẽn, lố bịch!

Ðời sống người dân càng ngày càng cao hơn thì Sài Gòn càng khẳng định mình là cái nôi của đổi mới vì đã đóng góp hơn 1/3 vào ngân sách của nhà nước, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài và kiều hối nhiều nhứt nước.

Đó không phải là thành tựu của đổi mới thì là gì?

Những người bảo thủ qua cách này cách khác vu cho người đổi mới là thân phương Tây, thậm chí là làm tay chân cho CIA; nhưng oái oăm thay người dân từ Nam ra Bắc đâu đâu cũng chuộng phương Tây, chuộng Mỹ – (ít nhất là vì lý do kinh tế).

Người Việt hải ngoại tự hào cho rằng mình là “tập thể chánh trị” nên chỉ lo “làm chánh trị”. Hết chủ trương kháng chiến, lật đổ, chống gởi tiền về Việt Nam, chống về Việt Nam làm ăn..., đến ủng hộ Đảng Cộng hòa, mong ông Bush đắc cử để giúp họ lật đổ CSVN, hồ hởi thấy Tổng thống Bush đưa quân sang Iraq với mơ ước hão huyền một ngày nào đó theo Mỹ mà về lấy lại Thăng Long! Nay sự thể đã không chiều lòng „tập thể chánh trị“ này, nên có người quay ra chống Tổng thống Bush, thậm chí chống cảnh sát Mỹ.

Nói cho cùng, người Việt bỏ nước ra đi sau năm 1975 là do bị bức xúc về tâm lý và tình cảm, trước thái độ của một số cán bộ miền Bắc vào cai trị miền Nam, cư xử với người miền Nam như ông “quan thái thú”. Trừ những quan chức VNCH, và những người chủ trương “Bắc tiến”, chủ trương Ðài Mẹ Việt Nam (cha Mỹ đưa tiền), còn lại đa số người dân miền Nam ra đi vì lý do họ bị tước đoạt nhiều thứ mà quan trọng nhứt là Danh Dự Con Người. Chủ trương của chánh phủ Việt Nam với người hải ngoại có nhiều thay đổi từ ngày đổi mới, biểu thị một sự sám hối (?) Nay có hàng triệu lượt người đi về thăm lại quê hương, trong đó có nhiều người ở lại và muốn sau khi chết được nằm trong lòng đất mẹ. Lựa chọn trở về mang ý nghĩa tâm lý - tình cảm của người Việt: gắn bó nặng lòng với tổ tiên hơn là ý nghĩa chánh trị.

Ðảng Cộng sản đang “lãnh đạo” Việt Nam có nhiều phần làm cho người Việt hải ngoại không thích, không chấp nhận. Ðiều đó ai cũng thấy. Nhưng đối kháng, chống cộng có nhất thiết phải “loại trừ”, “tiêu diệt”, “ai thắng ai” trong hoàn cảnh hiện nay không? Hay là tới lúc phải chấp nhận, nhìn nhận nhau, như đó là một thực tế chánh trị?

Việt Nam hiện tại với một Ðảng Cộng sản duy nhất, nhưng bước đầu có một bên là Bảo thủ và một bên là Ðổi mới, là một dấu hiệu tốt mà đến lúc chúng ta phải thừa nhận. Đó chưa phải như Cộng hòa - Dân chủ ở Hoa Kỳ, nhưng đây là bước đầu của tiến trình dân chủ theo cách Việt Nam. Làm chánh trị (không phải làm cách mạng) là chọn lựa cái thực thể đó, hoặc Ðổi mới, hoặc Bảo thủ. Ðó cũng là cách chia xẻ quyền lực, vì bản chất làm chánh trị là quyền lực.

Ngày nay ở Việt Nam cũng như hải ngoại, dưới cái nhìn của người dân bình thường thì Ðổi mới hàm ý tốt và Bảo thủ hàm ý xấu. Hải ngoại nghĩ gì và làm gì sao cho “tri hành hợp nhứt”? Biết mà không làm cũng như không biết đều có tội với quốc dân.

Los Angeles Hoa Kỳ ngày 23.8.2005
tranvanchi@earthlink.net

© 2005 talawas