trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
24.10.2005
Trà Ðóa
Huyễn hoặc
 
Sắp sang đông, trời se lạnh, cảm giác cuối năm lại đến: sắp Tết rồi!

Ðối với người việt, Tết không chỉ thiêng liêng (như một tập tục cổ truyền), mà còn là cái mốc thời gian để chờ đợi và hy vọng...

Tôi còn nhớ mẹ tôi, một người nông dân nghèo khổ miền Trung, hễ cứ sắp Tết là bà vui hẳn lên - chẳng sánh được với ngày thường, lúc nào tôi cũng nghe mẹ than vãn vì túng thiếu. Trong niềm vui của mẹ, tôi cảm thấy có điều gì đó rất đặc biệt, không giống như ở những người khác. Gương mặt bà trông rạng rỡ như chờ đợi điều gì; bà vui không phải vì sắp thu hoạch được nhiều lúa hay khoai, mà chỉ đơn giản là vì... sắp Tết. Ðối với trẻ con, chúng vui khi Tết đến là vì sẽ được quần áo mới hay tiền lì xì; còn người lớn như mẹ tôi thì chắc chắn chẳng có điều gì tương tự. Sau này khi đã lớn tôi mới hiểu ra niềm vui bí ẩn ấy. Thì ra Tết đối với những người nghèo khổ như mẹ tôi là một niềm an ủi lớn, vì sẽ được vài ngày nghỉ ngơi và kết thúc một năm khổ cực, và hơn hết là một niềm hy vọng huyễn hoặc: một điều mới sẽ đến cùng với năm mới (mà điều mới thì thường là tốt đẹp!) – như một lời cầu nguyện gửi đến cõi xa xăm, hay một phép tâm lý tự lừa dối mình. Mà quả thực cái huyễn hoặc ấy là niềm hy vọng duy nhất mà những người nghèo khổ như mẹ tôi có thể có được, nó có tác dụng cân bằng tâm lý, giúp họ có sức mà chịu đựng tiếp!

Tôi có một người bạn là nhạc công chuyên đánh nhạc cho đám cưới, cái nghề bạc bẽo mạt hạng ở Sài Gòn. Anh ta rất thích đi bộ (đơn giản là vì không có xe riêng và không đủ tiền đi xe ôm hay xích lô!). Có lần tôi nghe anh ta nói về kinh nghiệm đi bộ của mình. Theo anh ấy thì chẳng có gì ghê gớm cả, tại dân thành phố cứ ra khỏi cửa là lên xe, thành ra quen nên rất ngại đi bộ. Anh kể, ban đầu anh đi bộ đến chỗ làm rất vất vả (từ chỗ anh ở đến nơi làm khoảng 5 – 7 km). Sau vài lần, anh rút ra một kinh nghiệm quí báu là: nếu chia quãng đường dài thành nhiều đoạn ngắn, rồi cứ cố đi hết từng đoạn ngắn ấy, thì sẽ đến nơi mà không cảm thấy quá khó nhọc. Cũng lại là một phép tâm lý tự đánh lừa!

Con người ta, khi phải đối diện với một hoàn cảnh khó khăn không thể vượt qua, thường quay về với những cảm giác nội tại của mình để tìm hướng giải quyết. Một sự cân bằng tâm lý là cái cần thiết cho con người trong cuộc sống – dẫu cho đó là một sự huyễn hoặc.

Nếu nhìn lại lịch sử dân tộc ta thì quả thực người dân xứ này, ngoài những giai đoạn ngắn ngủi được sống an bình, còn toàn là những tháng ngày khổ ải. Ðầu tiên là 1000 năm Bắc thuộc, rồi đến 100 năm đô hộ của Pháp; cứ ngỡ khi được độc lập sẽ được sống tự do và an bình, nhưng hỡi ôi, lại bị tròng vào trong một cái ách khác: cái ách toàn trị! Mà xem ra cái ách này còn ghê gớm hơn những cái trước: mọi thứ tự do của người dân đều bị nó “nuốt chửng” và khoá chặt. Một kiểu nô lệ tuyệt đối, chưa có tiền lệ trong lịch sử loài người.

Vì có một lịch sử tồn tại khốc liệt như vậy nên chẳng trách trong tâm lý của người dân luôn hướng về những niềm tin huyễn hoặc (vì trong đời thực đâu còn gì đáng tin nữa!). Ða số người dân ở xứ ta rất ít khi tin vào sự thật, mà rất dễ tin vào những tin đồn kiểu “vỉa hè”. Gần đây, một tin đồn như thế đã suýt phá tan cả hệ thống tài chính ngân hàng của quốc gia này. Ðiều đó nói lên rằng: cái nền tảng của xã hội này rất mong manh và dễ vỡ. Vì thế, để giữ cho nó trông có vẻ ổn định thì biện pháp của những kẻ cai trị luôn là dùng “dùi cui” và “mị dân” – nghĩa là tiếp tục nện cho ngất xỉu những ai chống đối và ru ngủ người dân bằng những điều huyễn hoặc. Mà người cộng sản là bậc thầy về những trò này. Họ tuy là những người theo duy vật, nhưng trong cách quản lý xã hội, họ lại sử dụng những biện pháp duy tâm rất hiệu quả; họ hiểu thấu đáo tâm lý của người dân, ưu cũng như nhược. Và thay vì hành động như những người yêu nước là cải cách mọi mặt để nâng cao dân trí, họ lại sử dụng những nhược điểm của dân tộc để tăng tính hiệu quả trong việc cai trị của mình. Họ tạo ra những huyền thoại trong cuộc sống thường ngày, ví dụ như những anh hùng chẳng hạn. Nhưng hơn hết, trên đỉnh cao của huyền thoại, họ tạo ra hình tượng một vị thánh. Hẳn nhiên là họ hiểu rõ những việc họ làm. Họ chẳng cần bận tâm sự thực đó là anh hùng hay lưu manh, là thánh nhân hay quỷ dữ. Họ chỉ cần có một thứ gì đó nửa hư nửa thực mờ mờ ảo ảo cho người dân tin vào là được.

Cho đến ngày nay, trên thế giới, cái được gọi là “chủ nghĩa xã hội khoa học” đã trở thành một huyền thoại huyễn hoặc. Nhưng ở Việt Nam, cái huyền thoại này xem ra vẫn còn đất sống, và còn sống dài dài, bởi giới cầm quyền ở Việt Nam rất giỏi sử dụng huyền thoại và giỏi lươn lạch.

Ðầu tiên, họ vẽ ra con đường đi đến nơi đó như một sự tất yếu của lịch sử, cứ phấn đấu là tới. Nhưng nếu đem nguyên một con đường dài như vậy mà nói với dân chúng thì thật khó thuyết phục, vì vậy họ chia nó ra thành những đoạn nhỏ: những kế hoạch 5 năm! Và trong viễn tượng mà họ vẽ, cứ theo cách này sẽ từng bước vững chắc tiến đến thiên đường cộng sản trong một ngày không xa.

Có một câu chuyện vui thế này:

“Có một cán bộ cấp dưới hỏi một vị lãnh đạo cao cấp của Ðảng:

- Xin đồng chí giải thích rõ hơn về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Vị lãnh đạo này đã giải thích một cách hình tượng rằng kế hoạch năm năm như từng bước chân để tiến tới cái đích là thiên đường cộng sản, mỗi bước chúng ta đi được 1 mét chẳng hạn.

- Thế con đường này dài bao nhiêu?

- Ừ... ừ... thì khoảng 20 km.

Anh cán bộ cấp dưới (vốn học lớp 2 trường rừng) cúi xuống lẩm nhẩm tính toán. Con số một trăm ngàn năm không gây cho anh ta một ấn tượng gì mới mẻ vì anh ta vốn là một “tín đồ” cuồng tín, rất tin vào những huyền thoại và những điều huyễn hoặc.”

Cho dù ngày nay mục tiêu “chủ nghĩa xã hội” đã được thay bằng mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh”, nhưng tính huyễn hoặc của các “bước chân” ấy vẫn còn nguyên. Bởi đơn giản là não trạng của đa số người dân vẫn chưa được “khai sáng”, và những kẻ cai trị vẫn còn tìm thấy lợi ích to lớn mà những thứ ấy mang lại, đảm bảo quyền lực của họ. Và như thế, cứ mỗi 5 năm một lần, họ duy trì đại hội đảng để tổng kết những cái mà họ đã vơ vén được, và suy tính đưa ra những quyết sách để đảm bảo cho sự độc quyền cai trị của họ vẫn tốt đẹp trong 5 năm tới. Ngoài những công việc chính như trên, đại hội còn là nơi tranh giành quyền lực nội bộ (mà nhiều khi rất quyết liệt, có cả máu). Nó cũng giông giống như sự tranh “chiếu” ở mấy cái đình làng thời trước, nhưng khốc liệt và hiện đại hơn nhiều.

Cái mốc 5 năm lại sắp đến rồi - cái mốc lần thứ 10; qua Tết, chỉ vài tháng sau, là sự kiện ồn ào này sẽ xảy ra. Nhưng “...từ nửa năm nay, khắp nơi người ta chỉ làm việc cầm chừng, để chờ... Ðại hội Mười. Sự kiện chính trị này còn sáu, bảy tháng nữa mới diễn ra, nhưng nó đã và đang chi phối sinh hoạt của toàn xã hội trên nhiều phương diện.” [1] Người dân đang đặt niềm tin vào đó, hay họ chờ đợi điều gì? Niềm tin thì không còn nữa rồi, nhưng chờ đợi thì có. Người dân chờ đợi, có thể có chút hy vọng, nhưng đơn giản chính là vì chẳng còn thứ gì nữa để mà chờ đợi ở cái đất nước này. Sự chờ đợi này cũng giống như những người cùng khổ mong chờ vào ngày Tết – một hy vọng huyễn hoặc, không hơn không kém. Nhưng không khí thiêng liêng ngày Tết có thể giúp con người ta bình tâm trở lại, chứ cái “hội làng” xôi thịt ấy liệu đem lại được điều gì? Chắc lại những trò cũ tái diễn - cái trò chia chác quyền lực bẩn thỉu và cũ rích.

Bây giờ thử tưởng tượng ra một cuộc điều tra xã hội như sau:

Bạn chờ đợi gì ở Ðại hội X?

  1. Một cuộc cải cách có ý nghĩa
  2. Xem thử có diễn trò “hay hay” nào mới không
  3. Quan tâm ít hoặc không quan tâm
Kết quả:

  • Phương án 1: khoảng 1%; Bao gồm: nhóm “đặc quyền đặc lợi” của xã hội (các đảng viên cấp cao và những kẻ có quyền lợi liên quan... Dĩ nhiên là họ trả lời theo kiểu tuyên truyền!) và một nhóm nhỏ những kẻ mê muội hết thuốc chữa.

  • Phương án 2: khoảng 2%; Bao gồm: giới trí thức phản tỉnh và những người đã quá “hiểu” và ngán ngẩm chế độ này.

  • Phương án 3: phần còn lại. Bao gồm: hầu hết nông dân và dân nghèo thành thị, không quan tâm vì không biết gì; và một số nhóm khác, có biết ít nhiều nhưng không quan tâm vì nghĩ rằng “nó chẳng liên quan gì đến cuộc sống của họ”. Nhưng nhóm này vẫn “nghiêng” về nhóm 1, do hệ thống tuyên truyền dày đặc của chế độ và do trình độ nhận thức thấp (những người “có học” như tốt nghiệp đại học... vẫn là những kẻ “nhận thức thấp” nếu không biết tự khai sáng!) và không biết cách, hay không có nhu cầu tiếp cận với các luồng thông tin “phi chính thống”.

Những niềm tin, những hy vọng, những khát khao hay chua chát của người dân tựu trung cũng chỉ như những tiếng thở dài ai oán. Bởi, dân tộc này quá bất hạnh khi sinh ra một đám bất lương đầy quỷ quyệt, như một gia đình sinh ra một đứa con hư hỏng đốn mạt, phá gia chi tử, ăn chơi trác táng, cướp bóc và nghiện ngập – một con nghiện không thể cai nghiện và một tên cướp không thể phục thiện. Sức mạnh của dân tộc đã bị họ khống chế bằng bạo lực và bằng sự huyễn hoặc, như lũ quỷ dữ giam hãm linh hồn của con người lương thiện. Phép “phi huyền thoại hoá” [2] hay “giải huyền thoại” là điều cấp thiết lúc này, nếu muốn đưa dân tộc này tiến đến dân chủ và trở thành một quốc gia phát triển.

Tết sắp đến rồi, nếu mẹ tôi còn sống bà cũng sẽ vui như ngày trước. Bà là người nông dân thật thà chất phác, vì thế bà không thể nào hiểu nổi là cuộc sống của bà và tương lai của con bà đã bị đánh cắp bởi một lũ bất lương, mà miệng lúc nào cũng oang oang “văn hóa, đạo đức”. Còn anh bạn nhạc công của tôi hẳn cũng sẽ tự hào nếu anh biết rằng cái phép “tự đánh lừa” khốn nạn của anh là cách thức mà trước đây gần một nửa nhân loại đã sử dụng để đi tới tương lai. Bằng cái “phép” ấy, anh có một cái đích rõ ràng trước mắt (cái đám cưới) để đi đến và sẽ kiếm được một ít tiền, còn cái “nửa nhân loại” kia thì chỉ có một cái đích huyễn hoặc mà thôi, và họ đã bị đưa đến khốn cùng.

Sài Gòn, ngày 12/10/2005

© 2005 talawas


[1]Sự nghèo đói tự cưỡng bức của tư tưởng chính trị ở Việt Nam – La Thành, talawas ngày 8/10/2005.
[2]Huyền thoại về một nhà nước tự tiêu vong (chương X) – Mai Thái Lĩnh.