trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
8.11.2005
Phạm Viêm Phương
Đừng khen tôi dịch hay nếu chưa đọc nguyên tác
Lý Đợi thực hiện
 
Phạm Viêm Phương sinh năm 1955 tại Sài Gòn, tự học tiếng Anh, là tác giả của hơn 30 dịch phẩm, chuyên về truyện ngắn Mỹ, được xuất bản tại Tp. HCM từ năm 1990 tới nay. Đồng thời, cũng là biên tập viên phụ trách toàn bộ phần dịch Việt-Anh của tạp chí Phát triển Kinh tế của Đại học Kinh tế, Trực thuộc Đại học Quốc gia Tp. HCM.
Dịch giả Phạm Viêm Phương
Lý Đợi: Với bất kỳ nền dịch thuật của một quốc gia nào, cũng có một phần cơ bản phải hoàn tất. Theo ông, thì phần cơ bản có ý nghĩa gì?

Phạm Viêm Phương: Sao ông đặt cho tôi câu hỏi to thế? Tôi đâu có tư cách gì mà nhận định về nền dịch thuật của một quốc gia? Nên những điều bàn bạc với ông ở đây chỉ là suy luận cá nhân, hoàn toàn không có ý nghĩa minh định hay xác quyết gì cả.

Đầu tiên, ta hãy nghĩ thử “cơ bản” là gì. Nếu ta đồng ý rằng dịch thuật, với một nước đang phát triển như nước ta, phải giữ vai trò tiếp thu và giới thiệu tinh hoa học thuật và văn chương nước ngoài, thì nền dịch thuật ấy phải cung cấp được cho độc giả các “công cụ” để dựa vào đó họ có thể tự nghiên cứu và đi tiếp con đường họ chọn. Trong các công cụ ấy, tôi nghĩ quan trọng nhất là tự điển: tự điển các ngữ trên thế giới, tự điển và toàn thư chuyên ngành (tức từ điển bách khoa của từng ngành học), rồi tới các tác phẩm về phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu (từ cũ đến mới), và sau đó tới các tác phẩm tổng quan của từng ngành học (các sách này thường cung cấp thư mục về từng vấn đề của mỗi ngành, và cho biết kiến thức nhân loại đã mở rộng tới đâu và vấn đề nào đang được nghiên cứu hay tranh luận).

Nếu ông đồng ý nhìn vấn đề như thế, ông có thể thấy ngay phần cơ bản có ý nghĩa gì, và đánh giá được một nền dịch thuật đã tiến triển tới đâu, đang ở vị trí nào.

Mỗi phần cơ bản như vậy sẽ giúp nền dịch thuật không bị lạc hậu và “trụ” với thời gian khoảng bao lâu? Có khi nào có những phần cơ bản trường tồn, bất biến?

Về khả năng “trụ” được bao lâu của nền dịch thuật khi đã hoàn thành phần cơ bản, tôi tin rằng chẳng có gì trường tồn hay bất biến. Nếu những dịch phẩm của phần cơ bản được làm một cách chính xác, nghiêm túc, chứng tỏ có ích cho người đọc và nghiên cứu, đương nhiên chúng sẽ tồn tại lâu dài. Dĩ nhiên, thế hệ sau luôn tìm cách cập nhật và tạo cái mới thay thế cho cái cũ, nhưng chắc chắn thế hệ đó phải kế thừa di sản của thế hệ trước. Nghĩa là, có thể không ai in hay tìm mua dịch phẩm của thế hệ trước nữa, nhưng chúng vẫn tồn tại [một cách vô hình và tất yếu] trong dịch phẩm của thế hệ sau.

Vậy thì ông đánh giá như thế nào về vấn đề sách dịch ở Việt Nam hiện nay? Trong môi trường ấy, theo ông, những gì cần phải lên kế hoạch để làm ngay?

Cũng lại toàn là câu hỏi to lớn, ông có vẻ khoái những chuyện vĩ mô đấy, tuy rằng phận của chúng ta chỉ là con sâu cái kiến hay hạt cát trong sa mạc.

Như đã bàn ở trên, tôi thấy nền dịch thuật Việt Nam chưa làm xong phần cơ bản. Điều này cũng chẳng có gì bi quan, vì ngoài công cụ, ngành dịch thuật còn phải cung cấp vô số “món ăn” hàng ngày cho khối độc giả có vô số “khẩu vị” khác nhau. Dạo qua các nhà sách, chắc ông cũng thấy dịch phẩm chiếm tỉ lệ lớn. Tuy không có số liệu thống kê chính xác, nhưng tôi thấy rằng sách nghiên cứu của tác giả trong nước chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ bé (hiếm khi tôi thấy báo chí giới thiệu được một công trình nghiên cứu). Trong tình hình ấy thì dịch phẩm ra đời ồ ạt (dù Công ước Berne đã có hiệu lực), và đương nhiên chất lượng của chúng thì vàng thau lẫn lộn. Nhưng tình trạng này cho thấy nhu cầu học tập và nghiên cứu trong xã hội là rất cao.

Chuyện cái gì cần làm ngay và cái gì có thể bỏ qua, theo tôi, là trách nhiệm của cấp thẩm quyền về văn hóa, không phải của các dịch giả. Tuy nhiên, tôi cho rằng, từ ý kiến về “phần cơ bản” nói trên, mỗi dịch giả hay nhà xuất bản có thể thấy mình đang ở đâu và nên hướng về đâu, nhắm vào thị trường nào.

Và cả công việc của những dịch giả đơn lẻ trong môi trường ấy?

Là dịch giả đơn lẻ, tôi nghĩ, chúng tôi đang có nhiều cơ hội để dịch được những tác phẩm giá trị khi nhu cầu nghiên cứu ngày càng tăng, và các nhà xuất bản cũng như công ty văn hóa đang sẵn sàng đầu tư vào những tác phẩm tầm cỡ lớn. Thách thức với người dịch hiện nay, theo tôi, là nối kết được kiến thức ngoại ngữ và kiến thức về lãnh vực chuyên môn của tác phẩm mà họ dịch (ví dụ, dịch một cuốn sách về y khoa thì họ phải giỏi ngoại ngữ và có kiến thức, ít nhất, bằng cỡ sinh viên y khoa). Tôi nghĩ đây chính là yếu tố quyết định chất lượng dịch phẩm. Chắc ông cũng khó mà tin cậy được một cuốn sách dịch về tâm lý học chẳng hạn, mà trong danh sách người dịch, biên tập, hiệu đính… của cuốn đó chẳng có chuyên gia tâm lý nào cả. Thách thức này quả là quá lớn, dịch giả đơn lẻ khó lòng vượt qua. Tôi nghĩ họ chỉ còn cách liên kết với chuyên gia của mỗi ngành. Nếu không được, họ phải từ chối dịch tác phẩm thuộc lãnh vực mà họ không am hiểu ít nhiều.

Khu biệt hơn, như sách văn học, sách nghiên cứu… chúng ta phải làm những gì? Ví dụ với một cuốn sách dịch cụ thể, thế nào là đạt yêu cầu, thế nào là chưa?

Có lẽ phần trả lời câu trên cũng trả lời ít nhiều cho phần đầu câu hỏi này. Vả lại, ông đừng bắt tôi tuyên bố ai phải làm những gì, vì tôi không đủ tư cách.

Về dịch phẩm thế nào là đạt yêu cầu thì đã có nhiều bàn tròn thảo luận rồi. Tôi chỉ xin trình bày quan điểm làm việc của tôi thôi. Với sách biên khảo (không hư cấu, tức non-fiction), tôi chỉ cố dịch đúng, không hiểu sai ý kiến của tác giả, nhưng có thể trình bày theo văn phong Việt Nam để dễ đọc, dễ hiểu (tức là Việt hóa ít nhiều), nhưng với sách văn học, tôi tôn trọng tuyệt đối bút pháp và văn phong của tác giả, vì tôi e rằng nếu tôi Việt hóa hay dùng cách diễn đạt ưa thích của mình trong dịch phẩm, thì người đọc chỉ thấy được văn của tôi chứ không phải của tác giả, và rốt cuộc chẳng phân biệt được, và chẳng thưởng thức được, tác giả này hay tác giả kia.

Tôi yêu tác phong chuyên nghiệp trong công việc, nhưng tôi có cố gắng chuyên nghiệp hóa thì cũng chưa đủ, nhà xuất bản và công ty liên kết cũng phải chuyên nghiệp hóa. Cái cảnh bản dịch của tôi được in ấn trình bày thiếu chuyên nghiệp cũng là chuyện tôi thường gặp. Khổ nỗi ở nước ta hình như chẳng có ai dạy, hay có tài liệu dạy, cách trình bày sách theo kiểu chuyên nghiệp. Thôi thì được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Còn vấn đề ngôn ngữ, ông nghĩ những công cụ cơ bản của một dịch giả là gì? Với một dịch giả người Việt, vấn đề chữ Nho có quan trọng không?

Câu hỏi gần như đã tự trả lời.

Dĩ nhiên công cụ cơ bản của dịch giả là sự am hiểu hai nền ngôn ngữ và văn minh mà họ có tham vọng làm cầu nối ở giữa. Với một dịch giả người Việt, sự am hiểu chữ Nho là rất cần thiết vì từ Hán Việt chiếm tỉ lệ rất lớn trong tiếng Việt, nhất là trong thuật ngữ chuyên môn. Trong ngôn ngữ hàng ngày, ông cũng dùng cả đống từ Hán Việt đấy, và xin nói thật, có khi chúng ta dùng hàng ngày mà chưa hiểu hết nghĩa của từ đó.

Không nói những chuyện đã làm và làm được, theo ông, những hạn chế [có thể có] của các nhà xuất bản tại Việt Nam hiện nay là gì? Những hạn chế này có thể biến cải được không?

Có hạn chế nào mà không biến cải được? Tôi luôn tin rằng vấn đề gì cũng có giải pháp của nó. Còn về các nhà xuất bản, tôi đâu có nằm trong ruột họ mà biết có hạn chế gì. Thứ nữa, ta cần hiểu những thách thức mà họ phải đối mặt (thỏa mãn nhiều đối tượng người đọc, phục vụ nhiệm vụ chính trị, bảo đảm doanh số và lợi nhuận để tồn tại, đấu tranh giành quyền tự chủ trong kinh doanh, v. v..), trước khi muốn phê phán điều gì.

Bằng nhận xét cá nhân, tôi nghĩ rằng các nhà xuất bản nên có những kế hoạch dài hạn và nhiều tham vọng hơn, ngoài những chương trình ngắn hạn phục vụ cho nhu cầu trước mắt. Thí dụ như, xuất bản những tác phẩm có giá trị tham khảo (đáng tin để trích dẫn, được giới chuyên môn chấp nhận…) và mang tính chung quyết (phải rất lâu sau, hay cả thế kỷ sau, mới cần biên soạn lại…).

Rất nhiều sách công cụ, sách chuyên sâu đạt chuẩn mực do các "đầu nậu" thực hiện. Sách bây giờ đồng nghĩa với kinh doanh và tư nhân. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi rất hoan hỉ trước tình hình này, vì như thế tôi có nhiều cơ hội việc làm hơn nhờ một khu vực tư nhân ngày càng năng động và nhạy bén với thị trường hơn. Nếu thu hút được tác giả có uy tín thì tư nhân hoàn toàn có khả năng làm sách chất lượng cao.

Lý do thứ nhì khiến tôi hoan hỉ vì tôi nhìn tình hình này như một bước tiến dân chủ. Tư nhân, cũng là nhân dân, đã giành được quyền làm sách, cũng như làm giáo dục, phim ảnh, ca nhạc, thể thao [cái này người ta thường gọi là “xã hội hóa” nhưng tôi thích gọi là “dân chủ hóa” trong đó thế độc quyền dần bị phá bỏ và nhà nước phải trao trả các quyền về cho nhân dân]. Tôi tin rằng với sức mạnh tổng hợp của nhân dân thì nước ta sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn so với tình trạng cứ phải trông cậy vào khu vực quốc doanh. Dĩ nhiên, cũng có người lo rằng khi “xã hội hóa” sẽ có tình trạng “loạn” hay “bát nháo” nhưng tôi cho rằng cạnh cái “loạn, bát nháo” ấy vẫn ra đời những cái tốt đẹp. Ông hãy nhìn lại lịch sử. Khi máy in Gutenberg ra đời, nó cũng bị chống đối dữ dội. Bây giờ nhìn lại, nhân loại phải đội ơn Gutenberg. Có máy in thì chắc chắn tốt hơn không có. Và bây giờ, có thay đổi (xã hội hóa) thì chắc chắn tốt hơn không thay đổi.

Ở nhiều nước, các chuyên gia ở trường đại học, viện nghiên cứu… thường giữ trọng trách [chuyên gia đầu ngành] trong việc định hướng dịch “sách vở”; ở Việt Nam chưa có được điều này. Vậy thì theo ông, vấn đề giáo dục nhận thức và thái độ trân quý với sách vở cho các em nhỏ, ngay từ khi còn học phổ thông, có quan trọng và cần làm ngay không?

Ông đặt vấn đề như thế đã là tự trả lời rồi. Nhưng tôi còn tin tưởng vào sức mạnh quần chúng hơn nhiều. Thí dụ, ông đừng cho rằng lớp trẻ hiện nay khinh thường kiến thức, dốt văn, kém sử, còn người lớn chẳng còn mấy ai yêu nghiên cứu hay sách vở nữa. Tôi nghĩ rằng họ chán văn hay sử thì phải xem đó là loại văn sử nào, họ quay lưng với sách vở nghiên cứu, thì phải xem đó là loại sách vở nghiên cứu nào. Còn lòng hiếu tri thì ở đâu, thời nào, cũng có, ngay cả trong một xã hội đã trải qua cảnh “phần thư khanh nho.” Điều đó lý giải tại sao những nền văn nghệ và học thuật cứ tồn tại bất chấp mọi cấm đoán hay áp chế.

Bản thân ông, một dịch giả chuyên nghiệp, vấn đề “ôn luyện” tiếng Việt của ông có phải làm thường xuyên không? Hiện nay, giữa tiếng Việt và tiếng Anh, ông phải luyện thứ nào nhiều hơn?

Tôi nghĩ điều gì liên quan tới công việc đều phải rèn luyện thường xuyên. Tuy tôi chẳng có chương trình ôn luyện cụ thể cho tiếng Việt hay tiếng Anh nhưng công việc buộc tôi không ngày nào lại không đánh vật với hai thứ tiếng này vì tôi vừa dịch xuôi [Anh=>Việt] vừa dịch ngược [Việt=>Anh], và nhờ thế hiếm có ngày nào mà tôi không ngẫm nghĩ về công việc và mót được chút ít kinh nghiệm thú vị. Điều đó khiến tôi yêu công việc của mình hơn. Tôi thấy mình hạnh phúc vì được làm thứ công việc mình thích.

Kế hoạch sắp tới của ông là gì? Ông có muốn nói gì với độc giả có quan tâm đến vấn đề dịch và sách dịch?

Kế hoạch của tôi thường do người khác quyết định, vì tôi chỉ là người dịch thuê cho các nhà xuất bản hay công ty văn hóa. Tôi cũng có một dự án cho những năm cuối đời nhưng không tiện tiết lộ vì lý do thị trường.

Còn với các độc giả, tôi cám ơn những người quan tâm và tìm đọc sách dịch. Tôi mong sẽ có ngày họ có thể đọc thẳng sách nước ngoài và không tìm đọc sách dịch nữa. Hơn nữa, quý vị hãy khoan nhận xét dịch phẩm nào đó là hay hoặc dở trước khi quý vị đọc qua nguyên tác [câu này cũng tương tự như câu, “Đừng khen tôi dịch hay nếu chưa đọc nguyên tác.” Nghe phách lối quá phải không!?]. Vì nghề dịch giúp tôi hiểu ra rằng cái hay trong tác phẩm là của tác giả bản gốc, còn cái dở thì đến 90% là do người dịch. Như thế tôi mong mình chuyển tải được cái hay từ bản gốc và đừng lỡ tay bỏ lại cái dở của mình trong đó.

Cuối cùng, cảm giác của ông khi trả lời bài phỏng vấn này?

Trả lời phỏng vấn của ông khiến tôi thấy mệt vì ông bắt tôi đối mặt với quá nhiều chuyện ngoài tầm sức của tôi.
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng (Hà Ná»™i), số 13, ra ngày 05-10-2005.