trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
16.11.2005
Phan Khôi
Người Tây với phong tục An Nam
 
Những sự giả dối bề ngoài chẳng có ích gì cho hai giống người mà thêm hại


Người Pháp đến xứ ta đã lâu. Từ đó đến giờ, đối với phong tục của ta, như những sự cúng tế, đám tiệc, họ cứ để mặc ta, không can thiệp vào mà cũng không dự đến. Lễ tế Giao là lễ lớn nhứt của nước Nam ở Huế, thì cũng chỉ có một vài ông quan Tây đến xem mà thôi; xem chơi cho biết, chớ không phải là có chánh thức dự vào lễ tế ấy.

Như vậy là phải. Vì phong tục khác nhau, sự tin tưởng khác nhau, bên nào cứ giữ theo quốc tục bên ấy, hà tất phải giống nhau làm chi?

Đôi ba năm nay, coi tuồng người Pháp hơi đổi ý, muốn đem mình chen vào sự bảo tồn quốc tục An Nam! Chẳng có thế mà sao mới rồi một tờ báo Tây ở Sài Gòn đăng một bài xã thuyết, đề là: Des planteurs francais s’ emploien au mointien des traditions Annamites?

Thật vậy, mấy năm trước chưa hề thấy, bắt đầu từ năm nay thì phải, ở Sài Gòn đã có mấy nhà buôn Tây liên lạc với người An Nam trong sự cúng tế. Mới ngày tháng tám An Nam đây, trong một hãng kia ông chủ cho phép những người làm công chung nhau mở diên cúng cấp tại hãng rồi cùng nhau chè chén để tỏ tình thân mật. Lại trong một nhà in kia, ông chủ Tây cũng cho làm như vậy, lại có nói với mấy người đàn anh trong đám công nhân An Nam rằng: "Sự này không những chúng tôi chìu lòng các anh mà cho phép, song lại vui lòng để các anh làm nữa ; chúng tôi rất kính trọng quốc tục của các anh và cũng một lòng thành kính trong sự cúng tế của các anh".

Rồi người ta thấy trong khi đặt bàn tiệc lên cúng vái đó những người An Nam lạy lục phần rồi, các ông Tây bà Đầm cũng vòng tay đứng một bên.

Cái bài xã thuyết mới nói trên nầy là bài nói về sự cúng tế của bọn công nhân ở vườn cao su làng Xuân Lộc hôm rằm tháng 10 ta, mà trong 500 người An Nam lễ bái cũng có mười người Pháp dự vào nữa.

Cái dụng ý của đám tế ở Xuân Lộc đây tưởng cũng chẳng khác gì đám ở Sài Gòn đã nói trên kia.

Làm sao những sự nầy ngày xưa không thấy mà bây giờ mới thấy? Chúng tôi tưởng chẳng có cớ gì khác hơn là người Pháp muốn lấy những điều đó để tỏ lòng thân thiện với người An Nam.

Tự phương diện người Pháp mà xem thì làm những sự như vậy hoặc giả cho là tốt, song tự phương diện An Nam chúng tôi thì lại là không tốt.

Nói rằng kính quốc tục An Nam là cái gì kia, chớ những sự cúng cấp theo như họ đó là sự mê tín, những người thức giả An Nam trông bỏ đi không hết, hà có trông giữ lại làm chi?

Sao lại cho là mê tín? Vì họ cúng đó chẳng biết là cúng ai, nếu có chỉ ra là thần nọ thần kia thì cũng lại là đồ thần không chánh đáng. Như ông thần họ cúng ở làng Xuân Lộc đó, cứ theo bài xã thuyết ấy, "chẳng biết là thần chi hết, cái tượng che luôn một năm mười hai tháng, chỉ vén màn lên trong ngày ấy mà thôi".

Chúng tôi tưởng, nếu theo cái tri thức khoa học của người Pháp thì những sự mê tín như vầy làm sao mà biểu đồng tình được? Thế mà nói rằng cũng hết lòng thành kính thì chúng tôi phải lấy làm lạ lắm.

Chánh phủ cũng vậy mà các nhà tư bổn Tây cũng vậy, muốn cho được lòng người An Nam, muốn cho hai bên thân thiện thì nên chăm về chỗ sự thiệt là hơn, còn những sự giả dối bề ngoài không ăn thua chi.

Làm những sự như vậy đã không ích, mà lại có hại.

Không làm còn hơn; chớ người Pháp mà lại đi xen vào đám cúng quải thì người An Nam nào biết thấy vậy phải cho là giả dối, dầu là sự ấy không trái với lương tâm người Pháp chăng nữa cũng mặc. Mà khi người nầy bảo người kia là giả dối thì tất nhiên phải sanh lòng nghi nhau.

Ấy là hại cho bên người Pháp, lại còn hại cho bên người An Nam.

Xã hội An Nam chúng tôi ngày nay đương muốn bỏ hết sự mê tín để nuôi lấy cái tinh thần khoa học. Người Pháp làm như vậy, khác nào xui giục cho An Nam chúng tôi càng ngày càng chìm đắm trong sự mê tín, vì họ sẽ nói rằng: "Rất đỗi người Pháp là văn minh kia mà cũng còn tin sự cúng tế, nữa là chúng ta!"

Sau hết, chúng tôi lại dám khuyên anh em ta rằng những sự cúng cấp hằng năm ấy ta nên bỏ đi mà để tiền làm việc khác, còn có ích hơn vậy.

Thần Chung

Thần chung, Sài Gòn, s. 251 (20.11.1929)

Nguồn: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929, Lại Nguyên Ân sÆ°u tầm và biên soạn, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004 (Phần Tồn nghi)