trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt NamChính trị Việt Nam
24.11.2005
Hoằng Danh
Đổi mới chính trị hay là chết?
 
Từ trước nửa sau thế kỷ 20 đến nay, khắp nơi trên hành tinh này, đâu đó cứ vang lên những câu đại loại như: tổ quốc hay là chết, chiến đấu hay là chết, tự do hay là chết, cải tổ hay là chết, v.v… Vào lúc này, hoàn toàn không quá trong ngôn từ, Việt Nam cũng đang đứng trước khúc ngoặt của điều đó: đổi mới chính trị hay là chết?

1. Ngay Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không thể công khai bác bỏ nhu cầu cấp bách phải đổi mới chính trị, và từ sau Đại hội 9 đã đề ra những chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện điều đó (dù rằng thực chất và kết quả thực tế của những chủ trương, biện pháp này mới là những điều đáng nói).

Câu hỏi tại sao và lúc nào đổi mới chính trị, vào lúc này, hoàn toàn là câu hỏi ngớ ngẩn, chỉ đưa ra ở những người hoặc là quen chuẩn tư biện hoặc là muốn tiếp tục né tránh vấn đề. Đổi mới chính trị, rõ ràng, đã là một mệnh đề không còn cần phải chứng minh!

2. Ai chết và chết như thế nào, nếu không đổi mới chính trị hay có đổi mới nhưng là đổi mới giả hình?

3. Đối tượng chết đầu tiên là đất nước và dân tộc này.

3a. Sau gần 20 năm đổi mới, Việt Nam có những thành tựu đáng ghi nhận. Việt Nam sẽ tiếp tục có những thành tựu trong một tương lai có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, đó là những thành tựu không bền vững, không được đặt trên những nền tảng căn bản vững chắc cả về kinh tế, chính trị lẫn xã hội. Các giới chức và truyền thông Việt Nam cũng không phủ nhận điều này.

3b. Đó là xét “đối nội”, còn “đối ngoại”? Đặt trong bối cảnh những thành quả kinh tế, chính trị, xã hội cả trên phạm vi tiểu khu vực và khu vực, lẫn phạm vi toàn cầu, những thành tựu của Việt Nam xem ra rất khiêm tốn so với tốc độ vũ bão của bên ngoài, trên cái nền của công nghệ hóa trực tiếp hiện diện không chỉ trong hoạt động kinh tế, mà ở cả cơ chế vận hành chính trị, ở những biến chuyển trong sắc thái văn hóa và xã hội [1] .

“Nguy cơ tụt hậu”, đó là nhận định của chính Đảng Cộng sản Việt Nam. Hãy dám nhìn một cách dũng cảm hơn để thấy rằng điều đó không chỉ là sự thua kém vị thế với cả các quốc gia nhỏ bé hơn, mà đáng nói hơn cả sẽ là sự lệ thuộc, thuần phục dưới những hình thức mới của chủ nghĩa thực dân cộng sản.

Nhìn tốc độ phát triển đến tức thở của Trung Quốc, những người có suy nghĩ nếu không chạnh lòng về thân phận nhược tiểu hiện nay của đất nước [2] và nguy cơ trước người láng giềng vốn ngàn đời chưa bao giờ từ bỏ ý định thuần hóa mảnh đất bé nhỏ phương Nam này, thì đó là những người vô lương. Giới cầm quyền - không chỉ là lãnh đạo cấp cao, mà toàn thể bộ máy các cấp - nếu không biết chạnh lòng trước điều đó, thì là đại vô lương.

3c. Hiện tình tụt hậu và nhược tiểu của đất nước, từ các biểu hiện và nguyên nhân về kinh tế, chính trị, xã hội, có thể truy nguyên về khuyết tật cố hữu của nền giáo dục, về sự thiểu năng bẩm sinh của bộ máy công quyền, về những đặc trưng thiên phú của “phương thức lãnh đạo của Đảng”… Tất cả những điều đó (kể cả nền giáo dục trên căn bản tuyệt đối của ý thức hệ) là gì, nếu không phải những vấn đề “nội tại” của nền chính trị. Đó là gì, nếu không phải là sự tụt hậu và nhược tiểu của chính trị, do chính trị, và vì (sự tồn tại của) chính trị (toàn trị). Cái phương châm ẩn hình “của chính trị, do chính trị, vì chính trị” đó - cả trong vô thức và có ý thức, nằm đằng sau cái mặt nạ ngôn từ “của dân, do dân, vì dân” - một khi không chấp nhận đổi mới triệt để, nó đã, đang và sẽ tiếp tục đem đến cái chết cho đất nước này, dân tộc này qua chính vị thế tụt hậu và thân phận nhược tiểu đang dần được bình thường hóa đó.

4. Đối tượng sẽ chết thứ hai, cũng không đâu xa lạ, là các thành viên và thành tố tạo nên đất nước, dân tộc. Nó là con người, là nền kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Về bộ ba kinh tế - chính trị - xã hội, có lẽ không cần nói thêm, cái đáng nói là cái chết trong kinh tế, chính trị, xã hội sẽ kết tinh cụ thể vào cái chết ở con người và văn hóa.

4a. Xã hội toàn trị, nơi mà mọi thử đều xuất phát từ một trung tâm quyền lực tuyệt đối, mọi quan hệ đều biến thành quan hệ chính trị, hay nói cách khác, quyền lực chính trị trở thành một thứ quyền lực xâm lạm (xâm phạm và lạm dụng), xộc tận vào mọi ngóc ngách xã hội, thì con người và văn hóa sản sinh từ nó sẽ là con người của quyền lực bất minh và thứ văn hóa quyền lực xâm lạm.

Con người ta trở nên - không phải chỉ là thèm khát quyền lực (điều bình thường như ở bao xã hội khác), mà là - thèm khát loại quyền lực mặc nhiên tự do xâm phạm, đè nén lên người khác. Đó không phải là điều gì cao xa, vì con người được đề cập ở đây không chỉ là các quan chức trong bộ máy chính trị vốn đã đầy tham vọng bất minh đối với quyền lực toàn trị, mà chính là những con người bình thường trong đời sống hàng ngày.

Quá đơn giản, đâu đâu cũng chỉ là quan hệ quyền lực chính trị toàn trị - ở biến tướng này hay biến tướng khác, đâu đâu cũng chỉ là những chi phối, kiểm soát và mệnh lệnh chính trị toàn trị - dưới hình thức này hay hình thức khác, người ta cảm thấy những khi được hành xử kiểu có quyền hạn, quyền ban phát, quyền hoạch họe (và đủ thứ quyền khác vốn là bất tường minh, xâm lạm) đối với người khác, là sự vinh dự, niềm kiêu hãnh, là cái tự khẳng định mình…, và thỏa mãn, hả hê với những cái quyền bất minh đó… Bất cứ ai, vốn là một con người bình thường nhất, vào lúc ở bất cứ vai trò nào đó mà có dính dáng đến “công” đều cảm nhận một quyền năng vô độ để hành xử với người khác - ở vai trò đối tượng - bằng một thái độ quyền lực bất minh và xâm lạm [3] .

4b. Một đối cực không tránh khỏi của con người quyền lực bất minh và văn hóa quyền lực xâm lạm, nhưng là mặt bên kia của chính loại con người và thứ văn hóa đó, là con người khuất phục quyền lựcvăn hóa phò quyền lực. Với bên trong, xã hội sẽ trở nên càng đớn hèn; và với bên ngoài, đất nước sẽ trở nên càng yếu hèn, khi mà nhãn quan và thái độ sống giữ vị trí thống trị là việc sẵn sàng chấp nhận “thuần dưỡng”, với tất cả những biểu hiện sinh động của nó.

4c. Quyền lực chính trị bất minh và xâm lạm đó gắn liền với quyền lợi kinh tế cũng bất chính và nhũng lạm không kém. Nó sản sinh ra những con người vô lương và một nền văn hóa bất minh bạch.

Việc vòi vĩnh, móc túi, gian dối [4] , thậm chí cướp đoạt [5] của những người giữ vị trí công quyền - dù lớn dù nhỏ - đối với người dân, thông qua sự bất minh của chính sách và mờ lù, phi lý của luật pháp, cộng với sự vận dụng “sáng tạo” của từng con người quyền lực đó, đã khiến bộ máy thư lại thiểu năng trong điều hành xã hội thành một bộ máy toàn năng trong quyền lợi kinh tế gian trá: tham nhũng thành quốc nạn; hạch sách dân chúng (để phải xì tiền ra) thành phong cách công quyền; biến công thành tư, lấy tư xử công, dùng nguồn lực công thu vén (trọn) cho quyền lợi tư thành động lực công việc, v.v…

Trong bối cảnh bất minh của chính sách và mờ lù, phi lý của luật pháp đó, người dân, để tồn tại, không có cách gì khác hơn là cũng “vận dụng sáng tạo” trong công việc hay các mối liên hệ [6] . Gian dối cũng trở thành chuẩn mực bắt buộc đối với họ.

“Sống chung với tiêu cực” đã trở thành một chuẩn mực công khai, không thành văn nhưng đầy hiệu lực và hiệu năng. Điều đó, không gì khác hơn, là việc gian trá đã lên đến hàng lẽ sống xã hội.

4d. Tương quan tất yếu với sự gian trá đó, là sự dối trá cũng trở thành lẽ sống xã hội.

Trung thành với chủ nghĩa xã hội trở thành bình phong cho kiểu quyền lực và quyền lợi như thế - ai cũng biết nhưng chẳng ai hay, vì tất cả đã đi đến một thỏa thuận ngầm rằng dối trá là sự thật, còn sự thật mới là dối trá.

Chạy theo kiểu quyền lực và quyền lợi như thế người ta có thể làm mọi thứ giả trá: thành tích giả, làm giả, bằng giả… Cái giả trở thành một công nghệ và cũng hình thành nhiều công nghệ phục vụ cái giả [7] … Học giả nhưng lấy bằng thật, thành tích giả nhưng thăng tiến thật, quy hoạch giả để cướp đoạt thật, thiết bị giả để lấy tiền thật [8] … hoàn toàn là những lẽ thường tình, như nhịp sống hàng ngày, khi mà hơi thở giữ sống nó chính là cái dối trá chính trị được ngầm định là sự thật kia đã hoàn toàn là lẽ thường tình.

4e. Sở dĩ có cái thỏa thuận ngầm định đó, sở dĩ nó tồn tại được, chính vì con người ta, ngay từ còn bé, trong nhà trường, đã được đào luyện để trở thành một công dân sống trong sự dối trá như thế [9] , để rồi dối trá xã hội trở nên hiển nhiên, mặc định trong đời sống mỗi con người.

Cái giả trá của nền giáo dục không nằm trong bản thân nền giáo dục, mà ở nền chính trị làm nền tảng cho nó, quy định nó. Và, đương nhiên, cái chết không thể cứu vãn của nền giáo dục không quyết định ở những phương thuốc của bản thân giáo dục, mà ở những phương thuốc hữu dụng để đổi mới chính trị không được kê ra hoặc được kê ra nhưng không dùng đến.

5. Tất cả, thực tế và thực chất, những cái chết được nói bên trên đồng thời cũng là cái chết của nền đạo đức xã hội, để rồi biểu hiện cái chết đạo đức nơi mỗi con người.

Sự băng hoại đạo đức [10] nơi một xã hội toàn trị đang suy tàn là tất yếu và đang hiển hiện quá rõ rệt. Sự băng hoại đó xuất phát từ giai cấp thư lại cầm quyền, với thói đạo đức giả - có gốc tích từ sự gian trá, giả trá toàn trị như đã nói - được nâng lên hàng quốc sách và ý thức hệ. Thói đạo đức giả, và cùng với nó là những thói hư tật xấu đặc trưng đang thống trị xã hội đó, đã nhanh chóng lan tràn, chi phối, quy định đạo đức nơi những công dân bình thường khác, vì đơn giản là họ phải sống trong môi trường đạo đức giả đó mà không thể thoát ra được.

Cái chết của đạo đức đạt đến đỉnh điểm khi, cũng như thói giả trá, trên bình diện xã hội cũng như sự vụ, cái phi đạo đức được khoác cho lớp áo đạo đức [11] , còn những ai, những gì không chấp nhận “đạo đức” áp đặt thì bị lên án là không đạo đức.

6. Trên cái nền chung của cái chết nơi con người xã hội và văn hóa, cùng với cái chết của giáo dục và đạo đức, sẽ là cái chết của thế hệ trẻ.

Thực tế thì mấy mươi năm toàn trị đã đưa hết lớp trẻ này đến lớp trẻ khác vào cái chết của sự nghèo nàn về cơ hội thăng tiến xã hội (nói chung trên nhiều mặt), sự khốn cùng của hoạt động tinh thần độc lập, của sự bần cùng về một thái độ mở, của sự túng quẫn trong một vai trò chính trị-xã hội đối với đất nước. Trong môi trường chính trị toàn trị, nhiều lớp trẻ Việt Nam lớn lên được vũ trang thừa thãi một thái độ uy quyền vô lối mà hết sức thiếu thốn sự khoan dung đúng mực; dư dả sự thụ động khuất phục mà thiếu hẳn sự năng động can dự (cả trực tiếp và gián tiếp) vào các tiến trình chính trị, kinh tế, xã hội (ngoài hình thức can dự theo chỉ định, xuất phát từ sự thụ động khuất phục đó); nhiều tiềm năng hấp thu những cái xấu, cái lạc hậu từ bên trong lòng xã hội hay từ bên ngoài du nhập vào, mà ít khả năng khai phá cái mới từ bên trong và bung mở cái hay học hỏi, tiếp thu được ở bên ngoài…

Nguy cơ tụt hậu, không đâu khác, chính nằm ở cái chết này của thế hệ trẻ. Nếu biện bác được rằng giới trẻ Việt Nam - trụ cột của đất nước - có đầy đủ mọi cơ may về chính trị, kinh tế, xã hội, tri thức, và cả đạo đức (do Đảng đem lại) để phát triển, và thông qua sự phát triển của họ cả với tư cách cá nhân lẫn xã hội, đất nước này sẽ vững tiến, thì Đảng Cộng sản Việt Nam không cần phải nói đến nguy cơ tụt hậu nữa mà làm gì.

7. Nói đến cùng cực, có thể là đối tượng nào chết chăng nữa thì các giới cầm quyền hiện nay cũng không cần quan tâm, miễn là quyền lực và quyền lợi trong thời gian họ tại vị vẫn ngày được vun bồi - mà tôi không tin tất cả đều thế - nhưng có một cái chết mà họ không thể không giật mình, nếu không có đổi mới chính trị.

Đó chính là cái chết của Đảng Cộng sản Việt Nam và các thành viên của nó.

7a. Tất cả các quan chức và thành viên của Đảng, từ thấp nhất đến cao nhất, có ai tin tuyệt đối rằng chủ nghĩa cộng sản còn có tương lai trên trái đất này? Họ sẽ trả lời rằng dù có những kẻ dao động về tư tưởng nhưng toàn Đảng đều hoàn toàn tin vào chân lý khoa học của chủ nghĩa cộng sản và trung thành với nó… Hoàn toàn dối trá - cái dối trá đã trở thành sự thật theo đính ước ngầm của họ và áp đặt lên toàn thể xã hội. Và cái sự thật bị lên án là dối trá lại là - với sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, ngoài cái chủ nghĩa cộng sản tâm thần ở Bắc Hàn [12] và chủ nghĩa cộng sản bơ vơ ở Cuba [13] , còn lại cái chủ nghĩa cộng sản với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa (mông muội) theo định hướng xã hội chủ nghĩa (lối nói hoa mỹ của định hướng độc tài) ở Trung Quốc và Việt Nam - thì ngoại trừ một số đảng viên ở tầng thấp nhất vẫn sống trong mông muội (do không mở được tầm mắt ra bên ngoài và đồng hóa ngôn từ cộng sản với sấm truyền) giữ niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản, còn lại, những ai hàng ngày thực hành những công việc hoàn toàn phi xã hội chủ nghĩa, không còn ai còn trông mong vào chủ nghĩa cộng sản và phấn đấu cho nó.

7b. Nhưng có một thực tế là Đảng Cộng sản Việt Nam chưa hoàn toàn mất đi vị trí trong xã hội Việt Nam, vì một mặt vị trí này được trấn giữ bằng bộ máy bạo lực và bộ máy tuyên truyền khổng lồ, mặt khác đảng này đã thật sự đóng góp vào tiến trình lịch sử Việt Nam.

Không thể không thừa nhận, dù tiến trình lịch sử mà họ góp vào là một lịch sử của máu và nước mắt của nhiều tầng lớp nhân dân và thế hệ người Việt dưới ách chuyên chính, nhưng điểm son mà họ ghi được chính là vai trò chủ đạo trong việc giành độc lập từ tay Pháp, và là người chiến thắng duy nhất trước nước Mỹ 200 năm bất bại. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa với tư cách một ước nguyện công bằng, hạnh phúc cho tất cả mọi người khiến chủ nghĩa xã hội (chính thống) - trong bối cảnh dân trí chưa cao, không nhìn thấy những lựa chọn xã hội chủ nghĩa khác khả thi và khả dụng hơn, khả dĩ thay thế cho cái chủ nghĩa xã hội mà nhiều người từ cả hai phía ngỡ rằng độc nhất - vẫn là một lựa chọn trong suy nghĩ, tình cảm của họ.

7c. Nhưng điều đó không tránh khỏi cái chết cho Đảng Cộng sản Việt Nam, trái lại, nó sẽ thúc đẩy cái chết này đến nhanh hơn một khi cái nền tảng ủng hộ cuối cùng trong ý thức của một bộ phận người dân không còn nữa khi họ nhận ra sự thật về loại chủ nghĩa xã hội khác phi bạo lực, chống độc tôn, ủng hộ tự do kinh tế và dân chủ chính trị, bảo vệ tư hữu và an ninh bất khả xâm phạm của cá nhân… là loại chủ nghĩa xã hội ưu thắng, hiện thực hơn gấp nhiều lần so với cái chủ nghĩa xã hội mà họ được kêu gọi (thực tế là bị cưỡng bức) làm gạch lát trên con đường đi mãi không đến của thiên đường cộng sản.

Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu không đổi mới chính trị toàn diện, trong đó có đổi mới chính mình theo hướng một chủ nghĩa xã hội khác nhân bản hơn, dân chủ hơn, hiện thực hơn, sẽ không tránh khỏi cái chết trong lòng người và trên chính trường một khi xã hội đến lúc mở mang nhận thức hơn cái nhận thức trong vòng kiềm tỏa. Tự cải biến mình trong tiến trình đổi mới chính trị sẽ là cách duy nhất khả dĩ giữ lại sự tồn tại và vị trí hiện có của Đảng Cộng sản Việt Nam - một cách bình đẳng như bao tổ chức chính trị-xã hội khác - một khi xã hội dân chủ hơn, điều mà dù có muốn, có bằng bạo lực sắt máu, đảng này cũng sẽ đến lúc không thể cản ngăn được.

7d. Cái chết đó sẽ không chỉ là cái chết đạo lý, mà cả là cái chết vật lý (bị phá vỡ, phân rã hoàn toàn cơ cấu tổ chức lẫn cương lĩnh). Cái chết đó không chỉ đến từ nhận thức và lòng người bên ngoài Đảng, mà cũng sẽ đến từ chính bên trong Đảng, một khi không khí dân chủ phát triển và bạo lực không thể ngăn cản - không chỉ những con người chính trực, mà cả những người từng trung thành bằng mọi giá với… quyền và lợi của bản thân - cũng sẽ sẵn sàng rời bỏ nó hàng loạt.

7e. Nhìn xa hơn nữa, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không biết tự cải biến chính trị, rồi sẽ đến lúc nó phải nhận lấy cái chết pháp lý. Trong xã hội văn minh và tự do ngày nay, liệu có một thành phần, tổ chức nào tự cho mình cái quyền đứng trên tất cả, tùy tiện dùng bạo lực với tất cả, tự phong là đại diện cho tất cả… có thể tồn tại “muôn năm”? Một khi có điều kiện, xã hội sẽ ngay lập tức triệt tiêu sự tồn tại pháp lý của một cơ thể phi lý, vốn ngang nhiên dành cho mình địa vị pháp lý tuyệt đối trong khi lại hủy diệt triệt để mọi địa vị pháp lý đối với mọi cơ chế độc lập khác.

8. Có thể là giới thành viên có chức có quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thấy cái chết trong tương lai của Đảng nhưng vẫn không thúc đẩy đổi mới chính trị, xuất phát từ những toan tính cá nhân.

8a. Giới quyền lực bên dưới thì không màng đến vận mệnh của bất kỳ ai ngoài bản thân mình, bao giờ còn tận dụng được Đảng cho việc thu vén thì cứ thu vén, cho dù hành động này thực tế đang phá hoại chính nguồn chính trị cho sự thu vén đó. Có biến động gì - họ nghĩ - thì họ cũng chỉ là cấp thấp hoặc cấp trung, không có hậu quả chính trị; còn hậu quả kinh tế - ngay lúc này, guồng máy giám sát công dân chằng chịt còn không thể làm gì được họ, thì một tương lai chuyển biến có thể trải qua không ít biến động liệu có thể làm gì với những dấu vết đã đã xóa đi hợp lý, hợp pháp. Hậu quả xã hội đối với bản thân họ cũng không đặt nặng, vì có hậu quả gì thì tất cả đều đã được bảo đảm bằng những gì đã thu vén được.

Giới cầm quyền bên trên chưa chắc đã không có người suy nghĩ như thế. Họ cũng có thể cho rằng biến động gì thì biến động, miễn qua khỏi trào của mình là được, qua khỏi lớp của mình là được, an toàn, hợp pháp trước sức ép của bộ máy, trước phán xét của thời cuộc và lịch sử.

8b. Đó chính là những suy nghĩ đưa đến cái chết còn nhanh hơn, mạnh hơn cho Đảng Cộng sản Việt Nam, nay không với tư cách một khối chung chung, mà với tư cách những cá nhân cụ thể.

Một khi ý thức được những vấn đề chính trị của Đảng Cộng sản mà những người có trách nhiệm không hành động để tích cực thay đổi nó đúng hướng, sự phán xét của lịch sử sẽ còn nặng nề hơn, không chỉ là những ghi nhận sử sách chung chung, mà cụ thể lên chính những con người của Đảng này, cả những người phải chịu trách nhiệm chính lẫn những người thuộc bộ máy bên dưới, với những hình thức, mức độ khác nhau.

8c. Viễn cảnh này có phải là chủ trương bất khoan dung? Không! Chỉ là sự bất khoan dung của những người cộng sản có thể cuối cùng sẽ nhận lấy chính sự bất khoan dung đó. Không thể nghĩ rằng thời đại khoan dung này sẽ sẵn sàng khoan dung mà tiếp tục những gì bất khoan dung từ trước tới nay.

Xin hãy nhìn vào thực tế những gì đã từng diễn tại ở Liên Xô và Đông Âu. Các xã hội chuyển đổi theo hướng dân chủ sẵn sàng dung nạp các đảng cộng sản, những con người cộng sản đã biết tự chuyển biến mình, sẵn sàng bầu chọn họ vào vị trí lãnh đạo đất nước trên tinh thần cạnh tranh công bằng; nhưng cũng nhất định không khoan thứ cho những kẻ, những đảng “kiên trì” bạo lực chống lại ý nguyện của nhân dân. Ngay cả đội ngũ bên dưới của những đảng “kiên trì” nhất cũng không tránh khỏi cái chết xã hội đối với những cá nhân của nó: một số nước Đông Âu hậu toàn trị đã từng có chính sách loại trừ xã hội (khỏi các chức vụ công hay những vị trí nhất định trong công ăn việc làm) từng phần đối với các thành viên cộng sản “cốt cán”, “trung kiên”…

Với xã hội Việt Nam, những gì mà chế độ toàn trị đem lại trải dài trên dưới nửa thế kỷ qua, khi mà chủ nghĩa xã hội đã chấp nhận cáo chung chính nơi sào huyệt của nó, thì với những gì mà bộ máy toàn trị vẫn tiếp tục hàng ngày hành xử với người dân - rất cụ thể, rất trực tiếp, thật khó mà không nghĩ rằng phản ứng của người dân sẽ không cụ thể, không trực tiếp như thế - lên từng con người của bộ máy toàn trị, cả trong hành xử lẫn một đường hướng nào đó khi có những biến động vượt ra ngoài tầm kiểm soát, chính do sự sự bảo thủ, không chấp nhận đổi mới chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có thể thúc đẩy đi đến.

Cái chết cho Đảng Cộng sản Việt Nam, một khi không đổi mới chính trị, khi đó sẽ là điều diễn ra cho các thành viên cụ thể của nó, mà không chỉ cho “Đảng” với tư cách khái niệm, tên gọi.

Vậy thì, chính những con người cá nhân trong Đảng, vì xã hội mà cũng vì bản thân mình, phải có trách nhiệm với những đổi mới chính trị bên trong Đảng và trên toàn xã hội.

9. Tôi đang đi đến vấn đề là ai sẽ thúc đẩy đổi mới chính trị?

10. Nói toàn dân, toàn Đảng thúc đẩy đổi mới chính trị: đúng bài đấy, nhưng mà quá chung chung. Nói thành phần “tinh hoa” gồm cả trong và ngoài Đảng sẽ làm việc này: cụ thể hơn đó, nhưng giới tinh hoa ở Việt Nam, cả trên khái niệm lẫn thực tế, còn chưa định hình, hay nói đúng hơn, hiện chỉ hiện diện mờ nhạt ở một bộ phận trí thức, truyền thông, quan chức chính trị và nhà doanh nghiệp. Vậy mà, gánh nặng thúc đẩy đổi mới chính trị chính là đặt trên những con người này.

11. Hiệu quả trực tiếp nhất của công cuộc đổi mới hiện nay, trước tiên, không nằm đâu ngoài thành phần tiến bộ trong bộ máy chính trị cấp cao Việt Nam. Chính họ trực tiếp nắm được những vận động cụ thể của những xu hướng khác nhau bên trong bộ máy này mà có những bược đi, biện pháp phù hợp thúc đẩy hướng tới dân chủ thật sự. Họ có thể là những con người trung kiên với chế độ (toàn trị) nhưng đang thầm lặng [14] , hoặc riêng rẽ, hoặc liên kết nhất định, luôn hành động hướng tới đổi thay.

12. Họ có thể là trong số những nhân vật rất cao cấp hay những người có nhiều ảnh hưởng, cùng với bộ máy thân cận xung quanh, mà dù nắm trong tay quyền sinh sát toàn trị thì vẫn còn lại lương tri và trách nhiệm của người lãnh đạo, như tôi đã có lần đề cập.

Tôi nghĩ, chính những nhân vật như vậy là những yếu tố có thể tạo thúc đẩy mạnh mẽ hoặc tạo ra những tình huống đột biến trong đổi mới chính trị.

Chúng ta đã thấy những ý kiến của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt có tác động như thế nào đối với cả trong và ngoài nước, đối với các xu hướng chống toàn trị khác nhau, và với cả giới lãnh đạo qua phản ứng của bộ máy. Chúng ta cũng đã thấy cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người mà khi tại vị cũng đã có nhiều ý kiến thúc đẩy nhà nước pháp quyền, vạch trần sự linh thiêng bất khả xâm của những người ở vị trí đỉnh chóp của quyền lực thần thánh này là như thế nào [15] .

Cũng như vậy, ta thấy Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An hay Chủ tịch nước Trần Đức Lương vẫn thường xuyên có những ý tưởng hướng đến dân chủ cho cơ quan lập pháp và tư pháp. Nếu đây không phải là những hô hào chung chung mà không thấu hiểu (nói theo phong trào, nói cho có, nói từ sự chuẩn bị của người khác) và không hành động theo chính những gì được nói ra, thì đó là những chuyển động thật sự của các vị này hướng đến dân chủ.

13. Chỉ tiếc một điều những nhân vật như vậy ở ta - xin nói thật lòng và mong các vị bỏ quá - không những vẫn còn ngu trung khi chưa thể thoát khỏi những ràng buộc tư tưởng và lịch sử, mà còn - và đã - mất hẳn (hay đã bị tước bỏ trong bộ máy toàn trị) tính tích cực, chủ động chính trị. Tại sao ông Võ Văn Kiệt và Lê Khả Phiêu (và những cựu lãnh đạo cấp cao khác nữa) lại không đi đến việc định hình nhóm, thậm chí là hội đoàn xã hội, để hợp lực hậu thuẫn cho lực lượng cải cách trong bộ máy quyền lực? Tại sao ông Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An, lại cứ lẻ tẻ kêu gọi điều này điều kia, trong khi có thể tránh đi sự “van xin” ấy từ chính quyền lực của mình và hợp lực với nhau, với những người như ông Kiệt hay ông Phiêu?

Vẫn biết hệ thống toàn trị có những ràng buộc độc đoán mà ngay cả những người lãnh đạo có khi cũng khó thoát, ngoài ra còn phải kể đến tình thế, tình huống chính trị, phân bố và tương quan cụ thể giữa các thế lực, nhưng sự chủ động, tích cực vắng bóng nơi những vị có tâm huyết đổi mới xem ra còn nằm ở chính bản thân họ. Có phải với cái văn hóa ngu trung và khiếp nhược ở biến thể toàn trị Việt Nam, ta khó lòng mà có được những Khrushchev, Gorbachev, hay Triệu Tử Dương…? Thật vậy chăng?

14. Ngoài bộ phận quan chức, cựu quan chức lãnh đạo này, những thành phần mà tôi có nhắc đến ở trên, thực tế, tựu trung lại cũng là quy về người trí thức ở những lĩnh vực khác nhau. Họ, xuyên suốt lịch sử, dù ở vị trí xã hội gắn với đặc thù với danh xưng của họ hay ở những lĩnh vực khác, luôn là lực lượng tiên phong của những chuyển biến xã hội.

Chính họ, khi mà nhận thức xã hội đã chuyển biến đủ, sẽ là lực lượng trực tiếp thúc đẩy những biến đổi lớn lao nhất. Trong bối cảnh hiện nay, họ chưa đạt đến vai trò như vậy, nhưng rõ ràng những hoạt động “khai sáng” nhận thức đó vẫn đang được họ thực hiện, thầm lặng, lẻ tẻ và tự phát là chủ yếu, nhưng không kém hiệu quả. Chính những việc này, từ bộ phận trí thức ít ỏi này, sẽ nhân rộng ra, trở thành một thứ tôn chỉ ngầm của giới trí thức, để rồi sẽ có một sự hợp lực ngầm giữa họ, thúc đẩy nhận thức xã hội, thúc đẩy cải cách nói chung và đổi mới chính trị nói riêng.

15. Dù không thể nào bằng không khí thảo luận công khai trên chính các loại ấn phẩm của nhà nước, cả về dung lượng lẫn cường độ, về đổi mới chính trị, trong những năm 1988-1992, nhưng việc những người trí thức tâm huyết lên tiếng ngày càng nhiều về nhu cầu cấp bách đổi mới chính trị, dưới hình thức này hay hình thức khác, đã cho một chỉ dấu không kém phần rõ rệt cho một sự thúc đẩy có ý thức việc đổi mới chính trị.

Theo những gì mà tôi tiếp cận được, có thể kể ra đây một số hành động như thế trong chỉ một thời gian ngắn gần đây:

  • TS. Lê Đăng Doanh - nhà kinh tế kỳ cựu của chế độ cộng sản - dù không phải ở chốn công khai, đã có những ý kiến bài bác những biểu hiện kinh tế và chính trị toàn trị.
  • GS. TS. Toán học hàng đầu Phan Đình Diệu vẫn luôn kiên trì kêu gọi đa nguyên và hướng đến nền chính trị xã hội-dân chủ.
  • TS. Nguyễn Quang A, một doanh nhân có tiếng trong nước, xây dựng riêng Tủ sách SOS2 nhằm cung cấp những lý luận phản toàn trị và xã hội dân sự.
  • ZS. Lê Tuấn Huy trình bày về nền chính trị phân quyền như bước đột phá trong đổi mới thể chế.
  • PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa cho rằng Hiến pháp năm 1946 - cái hiến pháp được cho là có nhiều nội dung pháp quyền, chịu ảnh hưởng từ Hiến Pháp cộng hòa Pháp (và đã bị đảo chính bởi các hiến pháp xã hội chủ nghĩa sau này) - vẫn còn nguyên giá trị.
  • Ý kiến của ông Võ Văn Kiệt hay Hoàng Tùng cũng có thể xếp vào đây.
  • TS. Nguyễn Trần Bạt, một doanh nhân khác, cũng vừa công bố một cuốn sách mà những luận giải trong đó cho thấy một tinh thần cải cách mạnh mẽ.
  • Cũng xin nhắc đến nhà văn Nguyên Ngọc, người đã thể hiện một tinh thần cấp tiến ngay từ đầu đổi mới, và vẫn kiên trì có những ý kiến và hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy cải cách chung.
Tất cả những điều này, thực chất không có gì khác hơn, chính là tạo sức ép tri thức, sức ép nhận thức lên giới quyền lực, từ những nhà trí thức nằm trong hệ thống, nhằm thúc đẩy đổi mới chính trị.

16. Người trí thức không trực tiếp làm chính trị, không trực tiếp đưa quyết định hay quyết sách đổi mới chính trị, nhưng không có họ nhà chính trị cấp tiến sẽ không thể tiến hành đổi mới chính trị đúng hướng, nhanh chóng và hiệu quả.

Phần việc của họ trong tiến trình đó, là trao cho nhà chính trị cấp tiến những lý luận, lý lẽ (được minh chứng) cần thiết để thúc đẩy đổi mới, để “nói chuyện” với giới bảo thủ (vốn không thể công khai cản bước tiến trình đổi mới chính trị hiện nay); là tạo và gia tăng sức ép học thuật lên giới cầm quyền; là làm chuyển biến nhận thức xã hội hướng đến dân chủ một cách năng động hơn, chủ động hơn, tích cực hơn…

Tất cả những điều đó thực chất là hình thức mềm dẻo nhất của sức ép chính trị mà trong khuôn khổ hạn hẹp dưới chế độ toàn trị người trí thức có thể làm được, và cần phải làm, với tư cách những thành viên bên trong hệ thống.

17. Với giới trí thức, cũng chỉ tiếc một đìều, và lại tiếc thêm một điều nữa, là điều tiếc đó lại quá lớn, khi nhìn chung, họ đang tê liệt với hiện tình chính trị so với kỳ vọng và vai trò mà đáng ra họ cần có được.

Có lẽ không một người trí thức phi toàn trị (tự giác hay không tự giác) nào không nhìn thấy nhu cầu cấp bách đổi mới chính trị, và cũng không một người trí thức nào không nhìn nhận trách nhiệm của mình trước đất nước. Nhưng, cái trách nhiệm mà họ tự hào và ca ngợi đó, như một niềm vinh quang mà họ luôn cảm thấy đương nhiên dự phần vào, là cái trách nhiệm trí thức-ngoại thân, chứ không phải chính loại trách nhiệm trí thức-bản thân, tức việc thực hiện trách nhiệm đó là ở những trí thức nào đó, không phải ở chính mình!

17a. Có những trí thức luôn tỏ ra có trách nhiệm trước đất nước bằng những phê phán chuyện phiếm ở quán café, nhà ăn, tiệc nhậu…, khi gặp mặt, lúc trao đổi.., nhưng lại chê trách những tri thức nào đó khi có những ý kiến, nhận định mà mình chẳng bao giờ tự có được, rồi than phiền hay “thương cảm” cho những nông nổi, không thức thời của những người đó…

17b. Những trí thức khác cũng có những bức xúc như thế, tuy nhiên ở chốn công khai lại luôn phê phán người có bức xúc như mình nhưng đã có những việc làm mà mình không hề có, là đưa ra những nhận định và những ý tưởng công khai, bằng văn viết, đến đối tượng người đọc này người đọc khác…, để rồi họ - những người hai mặt đó - luôn tỏ ra là “nhà chính trị” đúng mực bằng những tự biện minh về quan hệ giữa mục đích và phương tiện…

17c. Số trí thức khác nữa thì luôn ủng hộ những người cấp tiến, luôn khuyến khích những trí thức cấp tiến công khai ý kiến học thuật này, thực hiện hành động trí thức khác, nhưng bản thân họ ở chốn công khai thì né tránh giao tiếp với những người mà họ cho rằng mình hết sức hậu thuẫn, và luôn giữ cho bản thân mình một vị trí thân thiện với chính quyền nhằm bảo đảm những cơ hội lợi ích và thăng tiến… Số này trong và ngoài nước đều có.

17d. Cũng phải kể ra đây những trí thức khác - chủ yếu là ngoài nước - hết sức đáng kính về khả năng tri thức và nhiệt tâm thúc đẩy đổi mới đất nước, nhưng không những mạnh miệng phê phán nhà nước toàn trị (đương nhiên thôi, vì nào có nguy cơ an toàn nào đâu), mà còn phê phán không thương xót và đầy hằn học với những trí thức trong hệ thống khi họ lên tiếng đòi đổi mới nhưng ở vị thế của người trong hệ thống, trong khuôn khổ của hệ thống…

18. Chừng nào mà đại đa số trí thức Việt Nam, cả trong và ngoài nước, vẫn chỉ thực thi trách nhiệm trí thức-ngoại thân, chừng đó đừng mong sẽ mau chóng có những chuyển biến nếu những chuyển biến như thế không đến từ bản thân giới lãnh đạo.

19. Tôi không nói đến vấn đề đổi mới chính trị như thế nào và đổi mới những gì. Đó là công việc của giới trí thức bên trong hệ thống.

20. Điều mà tôi muốn nói tiếp ở đây là chỉ có đổi mới chính trị thật sự mới tránh được những cái chết tất yếu. Đổi mới giả hình sẽ chỉ có tác dụng trì hoãn cái chết đó nhưng một khi nó đến, sẽ đến rất mãnh liệt.

20a. Người ta đã từng giả hình một lần như thế khi đánh tráo vấn đề đổi mới chính trị bằng ổn định chính trị, mà giới chính trị và trí thức cấp tiến khi đó đã thất bại trong việc báo động và ngăn ngừa sự bảo thủ đeo mặt nạ đổi mới. Sức mạnh đàn áp của quyền lực toàn trị độc tài còn quá khốc liệt, đó là một nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân khác là họ khi đó đã không trang bị được và tích lũy đủ cho phe tiến bộ và nhận thức chung của xã hội những vấn đề cần thiết về một nền dân chủ.

20b. Hiện nay thái độ giả hình đó vẫn đang chiếm ưu thế, cả trong lý luận và hiện thực, không bằng việc đánh tráo vấn đề, mà ở thủ đoạn làm mù mờ vấn đề và “vơ vào” vấn đề.

Người ta lập lờ giữa dân chủ và nhà nước pháp quyền với những ý tưởng trọng dân và pháp luật của phương Đông chuyên chế và bảo thủ, nhằm biện minh cho sự tồn tại của nền chuyên chế và sự bảo thủ hiện tại.

Người ta vơ vào lý luận những nội dung, vấn đề của dân chủ và nhà nước pháp quyền, xem nó như có trong bản chất của chủ nghĩa xã hội Việt Nam (!), để lẳng lặng mặc nhiên xem nền toàn trị nơi này là dân chủ và nhà nước pháp quyền.

21. Như vậy, hiện tình đổi mới chính trị có bi quan không? Quả là như thế nhưng không phải là tuyệt vọng.

Một ví dụ về cuộc đấu tranh giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến sau đây, để có thể thấy rằng mọi sự không hẳn đã tuyệt vọng:

Tại hội thảo Hỗ trợ tổng kết 20 năm đổi mới ở Việt Nam do UNDP hỗ trợ tổ chức, ông Hồng Hà, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương được Tuổi Trẻ phỏng vấn và giật tít (1.7.2005) rằng “Đổi mới chính trị: quan trọng và cần thiết”, với ý tưởng chủ đạo là nay cần đổi mới chính trị cho đồng bộ với đổi mới kinh tế. Cùng ngày đó, Vietnamnet lại chạy tựa “Đổi mới chính trị không thể nôn nóng”.

Ở cả hai bài ông Hồng Hà đều cho rằng điều mà Trung Quốc đã thực hiện nhưng không thể áp dụng ở Việt Nam, là việc kết nạp nhà tư bản vào Đảng Cộng sản. Tưởng chừng đây đã là kết luận dứt khoát của Hội đồng Lý luận Trung ương làm nền tảng lý luận cho quyết định của lãnh đạo cấp cao, thế nhưng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 sau đó (4-13.7.2005), điều này đã chính thức bị đảo ngược.

22. Trước thềm mỗi Đại hội Đảng (cái thềm đó có thời gian từ một đến hai năm!) mọi vận động chính trị dường như đứng yên. Có những ý kiến kỳ vọng vào những đổi thay của Đại hội sắp tới, nhưng ý kiến ngược lại cũng nhiều không kém. Chúng ta còn phải đợi kết quả từ thực tế. Nhưng sự bất động chính trị đó, sự đợi chờ đó không đồng nghĩa với việc những người tâm huyết với những đổi thay chính trị nước nhà cũng thụ động trông đến ngày đó; ngược lại, cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những đổi thay này cũng như những đổi thay trong chính lương tâm và trách nhiệm của những người có vai trò thúc đẩy.

© 2005 talawas




[1]Giả thử như ở những năm trước đây, người ta có thể sẽ ngay lập tức đổ lỗi sự thua kém này cho những điều rằng Việt Nam đi lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chiến tranh kéo dài, bị cấm vận của các nước đế quốc và phá hoại của các thế lực thù định. Nhưng thử hỏi tất cả các nước Đông Nam Á, ngoại trừ đảo quốc Singapore và Brunei, nước nào không đi lên từ nông nghiệp, còn chiến tranh và cấm vận ư? Hình như Kampuchea cũng chỉ thua kém một ít, nhưng thay vào, nước này lại đã hoàn toàn tan hoang dưới cái biến thể man rợ nhất của chủ nghĩa cộng sản (và cũng là chính thể diệt chủng man rợ nhất trong lịch sử loài ngoài - xem tiếp phần nói thêm bên dưới). Nay, “lý lẽ” như vậy người ta đã biết là quá lố bịch. Một vài trí thức trong nước đã lên tiếng rằng cải cách chính trị chậm chạp đang là cản lực đối với đổi mới. Theo tôi, đó chỉ là cách nói khéo của ý kiến rằng một nguyên nhân chính yếu của sự thua kém cả ở mặt “đối nội” và “đối ngoại” trong quá khứ, hiện tại, và cả tương lai của Việt Nam là nằm ở căn nguyên nền chính trị.
Phần nói thêm: trong thế kỷ 20 này, những chế độ khủng bố, giết chóc, diệt chủng nhất, đi vào lịch sử như những chế độ bạo tàn nhất, thì chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội đã không nhường cho bất kỳ xã hội nào khác một danh hiệu “cao quý” như thế. Ngoài chế độ Pol Pot này, là nền độc tài Stalin với những cuộc đại thanh trừng trên một nước Nga trải rộng từ Âu sang Á, không từ cả lực lượng đồng chí của chính mình, rồi mở rộng sang cả Ba Lan và những nước khác mà Stalin hào phóng bảo hộ. Ngay cả chế độ Hitler - mặc dù những người cộng sản cố làm mặt lạ với nó - nhưng tên đồ tể này đã xưng danh tư tưởng hệ của mình là Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia (Nationalsozialismus),
Nhân đây lại phải nói thêm chuyện khác nữa: những người làm công việc dịch thuật quốc doanh ở Việt Nam từ ban đầu có lẽ đã nhận được sự chỉ đạo để đánh lận con đen, bằng chữ viết tắt “Quốc Xã” (mà người nghe chẳng biết là gì) của “Xã hội chủ nghĩa Quốc gia”. Cái kiểu dịch thuật đánh lận con đen có tính ý thức hệ này (!) tìm thấy không ít ở Việt Nam, chẳng hạn Đảng Lao động / Đảng Công nhân Anh thì dịch rụt rè là Công đảng, các đảng xã hội chủ nghĩa châu Âu đều chỉ dịch lửng lơ là đảng xã hội…, trong khi nếu là hậu thân một đảng cộng sản Đông Âu nào đó mà đang có ưu thế trên chính trường thì sẽ dịch và giải thích hùng hổ hơn cả sự thật - những người cộng sản Việt Nam muốn độc quyền chủ nghĩa xã hội và độc quyền “đại diện” cho giai cấp lao động cả trên từ ngữ nữa!
[2]Ở đây không nói hoàn toàn theo ý nghĩa địa lý. Chẳng hạn, Nhật Bản so với Trung Hoa, họ “tiểu” nhưng không “nhược”, sẵn sàng ăn miếng trả miếng tức thì trong những tranh chấp trên vùng biển Nhật Bản với quốc gia hạt nhân Đông Á này (không như sự khúm núm, bưng bít, né tránh của Việt Nam). Nam Hàn từng là “chư hầu” của Hoa Kỳ, nhưng hiện họ cũng “tiểu” nhưng không “nhược”, họ có chính sách về Bắc Hàn độc lập so với Hoa Kỳ, dù đây chính là quốc gia đã bảo vệ họ trước nguy cơ của người anh em ruột toàn trị phản động vào bậc nhất nhì thế giới.
[3]Có ai đó trên đất nước Việt Nam lại không một lần trải nghiệm điều này, không chỉ với “thằng” công an hay “con” thư ký uỷ ban, mà cả với “thằng” dân phòng hoặc “con” tạp vụ, với “thằng” công nhân đào đường hoặc “con” y tá… đầy quyền “sinh sát”.
[4]Điển hình như ở các cơ quan và định chế tư pháp (công an điều tra, viện kiểm sát, tòa án, luật sư…), xảy ra tình trạng vòi và “ăn” tiền (nhiều) của đương sự cả các bên liên quan trong cùng một sự việc, dù chỉ để giải quyết cho họ theo đúng quyền lợi hay hình phạt mà họ được hưởng hay phải thụ hình theo luật định, sau khi đã hù dọa, vẽ vời, chạy (án) tới chạy (án) lui. Thái độ “đa mang” (không phải chỉ “hai mang”) này là đáng kinh tởm: một mặt ăn tiền của tất cả các bên đối lập nhau, mặt khác “lấy điểm” khi giải quyết đúng luật định (?), mặt khác nữa là sẵng sàng “vờ” khi một bên đương sự nào đó không được đáp ứng như “thỏa thuận” đã có, do nắm bắt được tâm lý sợ sệt của người dân trước các cơ quan tư pháp, và sự sợ hãi vì chính mình cũng bị trừng phạt (nặng hơn người được hối lộ, như thực tế luôn diễn ra) khi phải công khai chuyện hối lộ (bị bắt buộc) đó.
[5]Thời gian gần đây một số báo chí và quan chức cấp cao đã phải thừa nhận thẳng về những hành vi cướp đất của dân, một cách có tổ chức, thông qua quy hoạch, các dự án…, của cán bộ từ hàng xã đến cho tỉnh, thành.
[6]Ví dụ, phải luồn lách để giảm thiểu hay tránh né hệ thống thuế nhiều bất hợp lý, phải có những mối quan hệ “gia đình”, “thân hữu” với từng loại quan có liên quan.
[7]Ngày nay không chỉ là những tấm bằng thật (nhưng) giả đã trở thành bình thường, những cuộc đấu thầu thật (mà) giả, những con đường, những cây cầu, những toà nhà (làm) thật nhưng (chất lượng) giả… cũng đã ngang nhiên lừng lững ở khắp nơi (từ thiết kế cho đến thi công và giám sát, cho đến nghiệm thu đều là thật từ những cái giả trá)
[8]Vụ điện kế điện tử tại TP. Hồ Chí Minh thật khó mà hình dung nổi, nhưng nó chỉ là cái kết tinh, cái được khuyến khích từ thực tế giả trá bình thường của loại này trong đời sống xã hội: từ những thiết bị cân giả trá tại các chợ, cho đến đồng hồ taxi, đồng hồ trụ bơm xăng, rồi phần mềm tính thời lượng sử dụng điện thoại hay truy cập internet…: sự giả trá từ tự phát đến tự giác, từ lẻ tẻ cho đến có hệ thống đều ngang nhiên tồn tại, đã thôi thúc những người nắm quyền lực độc quyền cung cấp điện tại thành phố này làm một cú đột phá, mà nghe chính từ người dùng điện tại đây kể lại, rất bài bản và “khoa học” để chuẩn hóa cái giả của họ.
[9]Văn (học), cái thứ mà người cho là gắn với nhân (học), mà còn được làm (mẫu) sẵn để học sinh nói lên cảm nhận của mình đầy giả tạo, như bao thứ cảm nhận lý trí và tình cảm giả tạo ở những môn (khoa học xã hội) khác. Chương trình nặng “nhồi” (cả nhồi sọ và nhồi bài) khiến tác phong học tập đối phó trở thành phương châm; quay cóp, gian lận thi cử, không còn là điều đáng trách, mà là điều đáng làm, đáng giá không chỉ trong quan niệm của trẻ con, mà cả ở người lớn (ở các kỳ thi cấp quốc gia, sau mỗi môn thi, “phao” thản nhiên phơi trắng đầy sân trường và những con đường xung quanh trường; con em thi bên trong, phụ huynh của cả làng trực bên ngoài đồng loạt đột kích công khai vào trường để quăng “phao” cứu viện - như đã xảy ra ở một số địa phương ở kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa rồi; mô hình hậu thuẫn con em kiểu này liệu sẽ tiếp tục nhân rộng?...). Không thể trách các em và gia đình khi mà các ông bà thạc sỹ, tiến sỹ (tương lai) cũng gian lận thi cử không kém và (hiện tại) gian trá “khoa học” cũng không ít, như một lẽ tồn tại của đời sống “học thuật”. Các bậc giáo sư, phó giáo sư thì hữu danh vô thực, khi học hàm là cái chỉ để chạy đua về danh và lợi của số đông các ông bà tiến sỹ giấy, không chỉ ở các trường đại học, mà đã trở thành mốt ở các cơ quan công quyền. (Tất nhiên tôi loại trừ khỏi những dòng này những con người đáng kính, biết sống vì liêm sỉ khoa học và nhân cách.)
[10]Người ta hay nói đến sự băng hoại trong đời sống tình dục và lối sống buông thả của giới trẻ và giới không trẻ, và lên án như là ảnh hưởng của lối sống hưởng thụ phương Tây. Chữ “băng hoại” tôi dùng đến rộng hơn nhiều so với chuyện tình dục và buông thả, tuy nhiên ở đây phải nói thêm rằng đời sống tình dục trong thanh niên hiện nay có vẻ như đang thoáng hơn, nếu có sự tác động của văn hóa phương Tây, thì nó cũng chỉ làm được cái việc khiến những người đang tuổi sung mãn dục tình đó, trong cái xã hội phương Đông này, hiểu rằng tình dục là không cần tiết chế quá đáng nếu không xâm phạm luật pháp và đạo lý; còn những điều “đồi trụy” như những “phòng VIP” tại các nhà hàng, khách sạn, bia ôm, karaoke ôm, massage ôm, những “tăng hai, tăng ba, tăng tư”…, nếu thử truy nguyên về ban đầu, chúng há không phải là có nguồn gốc từ nhu cầu của giới làm ăn nhằm đáp ứng “nhu cầu” cho các quan sao: giải quyết công việc trên bàn nhậu và đến những “tăng” tiếp theo tại những nơi cần thiết (cái gốc của cơ chế hành chính, của nền chính trị buộc phải đi đến như vậy). Những người nghiên cứu lịch sử văn hóa đồi trụy ở Việt Nam - nếu mà có - hẳn sẽ không thể không ghi nhận “Đường Sơn Quán” là hình thức quán ôm đầu tiên trên đất nước này, mà trực tiếp dính líu là các quan chức cao cấp của công an TP. Hồ Chí Minh khi đó, như là trường hợp khai mở của văn hóa loại này.
[11]Chẳng hạn, dung dưỡng cho tiêu cực bằng sự cảm thông con người, rằng lương thấp; hối lộ, “bôi trơn”, mua tình cảm lâu dài thì được cho là lễ nghĩa phương Đông… Trên bình diện chính trị, văn hóa cũng vậy, những trò chụp mũ đạo đức tương thông với chụp mũ chính trị, văn hóa là nhan nhản dưới xã hội này.
[12]Đóng cửa kiểu đó thì không tâm thần chứ là gì? Thờ sống Kim Young Il đến mức hỏi đố lại rằng “bầu trời có thể nào thiếu vắng mặt trời?” (thách đố cả vũ trụ luôn) khi bên ngoài đặt câu hỏi về sự vắng mặt của ông này, thì không tâm thần chứ còn là gì?
[13]Quả thật là bơ vơ đến tội nghiệp. Ngày xưa họ hoàn toàn dựa vào Liên Xô, từ ngày Liên Xô không còn, ông tâm thần kia thì họ không dám chơi, Trung Quốc và Việt Nam đổi mới họ gần như xem là phản bội, đến mức mà Việt Nam nhiều ân tình với người anh em Mỹ Latin này cũng chỉ chú trọng ve vãn những kẻ thù tư sản hơn là gần gũi với bằng hữu vô sản này.
[14]Không theo nghĩa im hơi lặng tiếng, ẩn mình.
[15]Phát biểu của Lê Khả Phiêu thực tế vẫn không thoát khỏi khuôn khổ toàn trị, và thậm chí có thể còn cho cảm giác chẳng qua là một động thái cạnh tranh uy tín hay để tránh bị lãng quên, nhưng chúng ta vẫn phải công tâm ghi nhận khía cạnh tích cực của lần xuất hiện này.