trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
25.11.2005
 
Bourgois vĩ đại
(Phỏng vấn của báo Nouvel Observateur)
Cao Việt Dũng dịch
 
Gallimard, Fayard hay Flammarion? Những chấm đỏ rực trên bản đồ xuất bản của Pháp. Không thể phủ nhận. Nhưng nếu phải kể tên những nhà xuất bản bám chắc nhất vào văn chương như một giá trị tự thân, dù nhiều khi phải mang tiếng “kiêu kỳ”, tôi sẽ nhắc đến đầu tiên Christian Bourgois. Và P.O.L. Thế kỷ XIX, Hachette trình làng một dạng nhà xuất bản đầu tiên theo lối hiện đại; Émile Zola ở tuổi hai mươi bắt đầu tiếp xúc với thế giới sách vở bằng một công việc thuộc hệ thống phát hành, nôm na là bán sách, cho Hachette. Đầu thế kỷ XX, Bernard Grasset trẻ tuổi (xấp xỉ ba mươi) liều mình in tiểu thuyết của Proust. Những vụ đánh cược đó ngày càng thiếu vắng, và lại càng thiếu vắng ở chính những niềm tự hào của ngành xuất bản Pháp: đến nay ai còn tin những Gallimard, Fayard hay Flammarion phát hiện được một gương mặt văn chương độc đáo?

Gần năm mươi năm trời Christian Bourgois lặn ngụp trong biển sách. Nhờ ông García Marquez, Pessoa, Burroughs, Ginsberg tìm được đường đến tay người đọc Pháp. Tủ sách 10/18 khổ nhỏ, gọn mà ông phụ trách cho Presses de la Cité là cả một bộ sưu tập kỳ thú về kiến thức. Gần đây trong catalogue sách của Christian Bourgois có Antonia Tabucchi, cậu bé thần đồng ngôn ngữ Antoine Hardy, và nhất là Linda Lê. Người đọc Pháp may mắn vì có ông. Ở Frankfurter Buchmesse vừa rồi, nhà Christian Bourgois có một gian hàng giản dị, khá chìm lấp giữa các nhà xuất bản hào nhoáng. Nhưng nó nằm ở lối đi chính, một vị trí danh dự. Buổi sáng ngày thứ ba tại đó, tôi nhìn thấy chính con người huyền thoại ngồi sau chiếc bàn của mình. Ông đang tiếp một người khách. Một tiếng sau quay lại, thư ký của ông cho biết ông đã đi khỏi. Tôi bỏ lỡ dịp được chào ông.

Dưới đây là bài phỏng vấn Christian Bourgois do Didier Jacob thực hiện cho tờ Le Nouvel Observateur số 2140, 10-16/11/2005.
Người dịch
Ông đã xuất bản García Marquez, Rushdie, Soljenitsyne, Pessoa hay Harrison. Để kỷ niệm 40 năm nhà xuất bản của ông, một cuộc triển lãm dành riêng cho ông được tổ chức ở Trung tâm Pompidou [1] .


Le Nouvel Observateur (N. O.): Người ta trở thành nhà xuất bản như thế nào?

Christian Bourgois (C. B.): Bằng cách đọc. Tôi vẫn luôn đắm chìm trong văn chương. Khi còn học ở Sciences-Po [2] , ngày nào tôi cũng đến nhà sách Gallimard ở đại lộ Raspail, Paris, khi đó vừa là một phòng đọc vừa là thư viện cho mượn sách. Ở đó có toàn bộ sách của nhà xuất bản, mà tôi đã đọc được phần lớn. 15 tuổi, tôi đã biết Jacques Rivière [3] là ai, cách mạng vô sản và Đệ tứ cộng sản nghĩa là thế nào.

N. O.: Thế nhưng gia đình ông không cách mạng chút nào

C. B.: Tôi lớn lên trong một gia đình khá giả ở Antibes. Toàn quân nhân, luật gia, chưởng khế. Một tầng lớp tư sản hàng tỉnh sống trong các tòa biệt thự đẹp đẽ, nơi ngự trị là các hoạt động chính trị-văn chương mê hoặc tôi. Có thể gặp ở đó Maurice Chevalier, Claude Roy, Juliette Gréco, Henri Langlois…

N.O.: Nhưng không có gì báo trước rằng ông sẽ trở thành một nhà xuất bản

C. B.: Không, thêm vào đó trong môi trường của tôi chọn lựa nghề này đồng nghĩa với một sự đoạn tuyệt khó hiểu. Ông tôi từng học Bách khoa, trở thành sĩ quan pháo binh, cụ tôi là đô đốc hải quân. Ông là người chế tạo một trong những tàu ngầm đầu tiên và cấm việc tra tấn trong hải quân. Bố tôi, cũng là sĩ quan hải quân, từng theo kháng chiến, rồi bị Đức bắt đi trại tập trung. Khi ông từ đó trở về, tôi sùng kính ông như một người anh hùng. Phải mất rất nhiều thời gian ông mới hiểu được con đường đi của tôi. Ông luôn hỏi tôi: “Nhưng nói một cách chính xác thì con làm gì?” Mà tôi đã làm xuất bản được hai mươi năm trời…

N. O.: Ông tự nhủ: “Mình sẽ làm sách chuyên nghiệp” vào thời gian nào?

C. B.: Vào năm tôi 20 tuổi. Năm 1954. Khi đó tôi vừa học xong Sciences-Po, cùng khóa với Jacques Chirac và Jean-Yves Haberer, người sau này sẽ làm lãnh đạo Crédit Lyonnais. Hồi đó Haberer là người học giỏi nhất khóa. Tôi đứng thứ hai, và Chirac, thứ ba. Khác với các bạn tôi, tôi do dự không biết có nên thi vào ENA không. Tôi quen René Julliard, người không hấp dẫn tôi bằng Gaston Gallimard, nhưng dù sao đó cũng là một nhân vật nổi bật. Ông có một chiếc Cadillac mui xếp khổng lồ màu hồng nhạt. Ông mời tôi đến gặp ở Paris. Tôi còn nhớ văn phòng mênh mông của ông, phố Đại học. Phòng rất tối. Bàn tay ông rất đẹp dưới ánh đèn. Tôi nói tôi không muốn trở thành thanh tra tài chính. Julliard hiểu những gì tôi nói thành ra là tôi muốn chỗ của ông, nơi duy nhất hấp dẫn ở đây. Mà ông thì không muốn nhường chỗ cho tôi.

N. O.: Thế là từ đó ông bỏ ý định làm xuất bản?

C. B.: Không hoàn toàn. Tôi quyết định thi vào ENA và đỗ, điểm cao. Rồi tôi đi làm nghĩa vụ quân sự. Khi quay về, năm 1958, tôi ở ENA một năm. Nhưng vào năm thứ hai tôi quyết định rời khỏi trường. Trong một lần thi, tôi ngồi bốn giờ trước bài thi, để rồi nộp giấy trắng. Cả một vụ ồn ã. Bởi vì việc đó làm người ta không xếp hạng được học sinh. Nhưng họ chấp nhận cho tôi rời khỏi đó.

N. O.: Và ông vào làm cho Julliard

C. B.: Đúng. Ở Julliard tôi được hưởng những niềm sung sướng lớn lao đầu tiên của một nhà xuất bản. Niềm sung sướng được đọc, tháng Tám 1960, bản thảo cuốn sách của Jules Roy, Cuộc chiến tranh Algérie, cuốn sách sẽ tạo nên cả một sự kiện. Niềm sung sướng khi phát hiện bản dịch được gửi đến cho tôi qua đường bưu điện, từ một giáo sư tiếng Tây Ban Nha, Ngài đại tá chờ thư của một ai đó tên là García Marquez, hoàn toàn không được biết đến ở châu Âu. Niềm sung sướng đọc ngốn ngấu trong một đêm bản dịch Viện ung thư của Soljenitsyne Tôi cũng là người đầu tiên in sách của Alexandre Soljenitsyne, Một ngày của Ivan Denissovitch, nhờ một người bạn ở Moskva.

N. O.: Sau khi René Julliard mất, ông trở thành một trong những nhà xuất bản Pháp tiếng tăm nhất, khi ở tuổi 30.

C. B.: Nhưng cũng không hề dễ dàng. Năm 1965, Julliard nợ nần rất nhiều. Và khi nhà xuất bản được Presses de la Cité mua lại, ông chủ ở đó, Sven Nielsen, gọi tôi lên nói, với âm sắc rất nam tước Nucingen [4] : “Anh cũng biết là các anh đã lỗ một tỉ chứ? Những người ký séc mà tài khoản nhà băng thì âm thường phải vào tù. Thế nên, thưa ông Bourgois, tôi sẽ cho ông vào tù.” Trong mắt ông ấy tôi đại diện cho một nhà xuất bản mục ruỗng chứa chấp những tác giả đập cửa vào mũi ông ấy, như Sagan, Revel, Bory, Mallet-Joris. Tôi rất ngạc nhiên khi một năm sau đó tình hình đã thoải mái hơn rất nhiều, và Nielsen đề nghị tôi mở nhà xuất bản Christian Bourgois.

N. O.: Đã bốn mươi năm rồi?

C. B.: Đúng, năm 1966. Tôi nhảy vào cuộc. Tôi tạo ra cái bìa trắng sẽ là bìa của nhà xuất bản trong một thời gian dài. Tôi dựng nên một chương trình cùng Dominique de Roux, Michel Bernard và Jean-Claude Brisville. Và, vào mùa thu năm 1966, chúng tôi xuất bản Borges, Pound, rồi Arrabal, Maurice Clavel, Ginsberg, Miller, Topor…

N. O.: Như vậy là buổi sáng ông còn là một trong các trụ cột của tập đoàn Cité, tối đến ông đã trở thành một nhà xuất bản thủ công, ở tâm điểm của một công ty nhỏ xíu

C. B.: Chính xác. Trong hơn hai mươi năm tôi đã giữ nhiều trách nhiệm ở 10/18, Julliard, Plon, Perrin, tôi đã in ở đó các tác giả mà chỉ riêng cái tên đã khiến những người đầu tư tiền của cho tập đoàn không thể chịu đựng nổi. Năm 1992, khi cuối cùng cũng phải rời khỏi đó, ở tuổi 60, tôi lại đơn độc, chỉ có duy nhất vợ tôi là Dominique trong văn phòng nhà xuất bản Christian Bourgois. Bí mật duy nhất của tôi là: kể từ thời điểm ấy tôi là một nhà xuất bản lớn với rất ít phương tiện.

N. O.: Ông đã xuất bản bao nhiêu cuốn sách trong đời?

C. B.: Khoảng 4000. Trong tủ sách 10/18, tôi xuất bản khoảng 1500 đầu sách, trong đó 500 sách lần đầu xuất hiện. Ở Christian Bourgois, chúng tôi có khoảng 1500 đầu sách trong catalogue.

N. O.: Và nhất là các tác giả lớn của nước ngoài. Văn học Pháp hiện nay không thu hút ông bằng?

C. B.: Chắc chắn rồi. Nó không hẳn là thế giới của tôi. Tôi không làm sao tin nổi rằng Houellebecq quan trọng ngang được bằng với Céline hay Proust. Tôi nói điều đó không chút khinh miệt. Và trong văn chương nước ngoài, vẫn còn rất nhiều việc để làm

N. O.: Ông có hối tiếc nào khi làm nghề xuất bản không?

C. B.: Modiano [5] . Một hôm, tôi đọc một chút những gì Patrick, khi đó 17 tuổi, viết. Tôi đã gửi thư cho cậu ấy. Thư không hồi âm. Sau này khi gặp lại cậu ấy, cậu ấy nói tôi là người đầu tiên viết thư, nhưng khi đó cậu ấy quá nhút nhát nên không dám trả lời. Chính vì thế mà chưa bao giờ tôi xuất bản được gì của cậu ấy.

N. O.: Trung tâm Pompidou đang làm triển lãm về ông. Ông hợp tác với cuộc triển lãm theo cách nào?

C. B.: Tôi không muốn có một cái nhìn hồi cố mang tính hoài niệm và lịch sử về những gì tôi đã xuất bản kể từ 1960. Xuất bản sách là công việc sống động, là những tác giả mới, những lựa chọn mới, mà tôi làm với vợ tôi Dominique, là những người cộng tác mới. Tôi không phải là một nhà xuất bản chán chường và mệt mỏi. Tôi không lập hội đồng thẩm định sách, không phong ai làm giám đốc văn học, không có người phụ trách báo chí. Chúng tôi tự làm tất cả. Tôi vẫn giữ nguyên cảm xúc từng có từ cách đây bốn mươi năm khi nhìn thấy một quyển sách chuyển đến từ nhà in.

N. O.: Ngành xuất bản sẽ phát triển như thế nào trong tương lai?

C. B.: Nghề này vẫn chưa bao giờ dễ dàng. Và sẽ không thể dễ dàng. Nhưng nếu tin rằng ngày nay ngành xuất bản đang đạt đến kỷ nguyên vàng khi nó nằm trong tay những kẻ kiểm soát, quản lý xấu xa, thì thật là nhầm to. Từ Michel Lévy cho đến Stock, mà tôi rất ngưỡng mộ, cho đến Bernard Grasset, một nhân vật mà tôi ít ngưỡng mộ hơn rất nhiều, các nhà xuất bản đều dành cả đời để đếm [từng quyển sách ra đời một]. Cách những người đó, và cả tôi, làm việc, về sâu xa là giống hệt nhau.

N. O.: Ông vẫn luôn đi tìm những tác giả mới?

C. B.: Bây giờ có lẽ tôi xuất bản ít hơn rồi. Vì tôi đã 72 tuổi, và vì một tác phẩm đồng nghĩa với mười năm, hai mươi năm để chín và để đi theo. Nhưng tôi không muốn catalogue của tôi cố định, đóng đinh vào các nhà văn cổ điển. Chúng tôi nhận được hàng chục bản thảo mỗi tuần. Chúng tôi đọc, chúng tôi giới thiệu cho người khác đọc, chúng tôi trả lời. Việc đó tốn kém kinh khủng. Nhưng đó là nhiệm vụ mà chúng tôi phải hoàn thành.

N. O.: Kiệt tác của ông là catalogue của ông?

C. B.: Nếu tôi có để lại được một tác phẩm, thì nó hẳn là catalogue sách đó. Đó không phải cuốn sách mà tôi có thể viết. Tôi từng giành giải nhất trong cuộc thi toàn quốc môn tiếng Pháp năm 15 tuổi, và lúc nào tôi cũng viết dễ dàng. Nhưng tôi không phải là một nhà văn chỉ tự thích mình. Tôi giữ niềm ngưỡng mộ sâu sắc nhất với những người sáng tạo. Người mà hiện nay tôi ngưỡng mộ nhất là Boulez. Được gặp Roberto Bolano, nhà văn Chilê sống gần Barcelone trước khi ông chết, cách đây đã hai năm, và sắp sửa được xuất bản cuốn sách lớn của ông, một cuốn sách dày 1000 trang, với tôi là một đặc ân vô cùng lớn lao.

N. O.: Và sau đó?

C. B.: Tôi chưa bao giờ nghĩ đến những năm sẽ đến. Chỉ nghĩ đến công việc sắp làm. Tôi đã từng ốm rất nặng, điều đó ai cũng biết. Năm vừa rồi, tôi bị ung thư. Tôi đã qua phẫu thuật, và, hôm trước khi nhập viện, tôi ký một hợp đồng với một tác giả còn rất trẻ, Antoine Hardy, thành viên trẻ nhất trong đại gia đình. Anh thấy đấy, tôi vẫn luôn làm như thể mọi cái vẫn còn tiếp tục.

© 2005 talawas


[1]Triển lãm “Christian Bourgois, 40 năm xuất bản” tại Trung tâm Pompidou, Paris, cho đến 16/1/2006.
[2]Một trong các trường lớn của Pháp, chuyên đào tạo về chính trị học. Trường ENA ở dưới cũng là trường đào tạo chính trị gia chuyên nghiệp.
[3]Sau Gide, Rivière là yếu nhân của tạp chí văn chương lừng danh Nouvelle Revue Française, nay vẫn tồn tại, nhưng thời hoàng kim là trước khi Pháp chịu sự chiếm đóng của Đức trong Thế chiến II.
[4]Nhân vật của Balzac.
[5]Một số tiểu thuyết (ít nhất là hai: Những đại lộ ngoại viPhố các cửa hiệu u tối) đã được Dương Tường dịch ra tiếng Việt.