trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
29.11.2005
Thuận Văn
Một cuốn từ điển... đắc thọ
 
Nói theo lối giỡn chơi thì Từ điển luật pháp Anh Việt – Việt Anh / Dictionary Of Law Vietnamese – English English – Vietnamese của Luật sư Lê Ðình Hồ là một cuốn từ điển... đắc thọ. Còn như nói cho nghiêm, nghiêm theo kiểu người xưa “xét tật mình”, thì đó lại là một cuốn từ điển đầy bệnh hoạn. Bệnh và hoàn toàn thiếu sòng phẳng [1] .

Cái tính “thiếu sòng phẳng” này, tôi phải nói ngay, chỉ có thể diễn ra với xác suất cỡ năm mươi phần trăm thôi. Còn như không là thế thì, rất có thể, soạn giả này chả biết quái gì về... từ điển cả. Mà tôi cũng phải nói ngay rằng tôi không hề có ý nói đến chuyện sốt rét, thương hàn, xơ gan cổ trướng hay giang mai, hột xoài, những bệnh tật của cơ thể con người. Bệnh ở đây, nói theo ông Lỗ Tấn ở nước Trung Hoa cái thời liệt cường giày xéo, là bệnh của tinh thần. Ngày còn là một sinh viên y khoa du học tại Nhật, ông Lỗ xem phim thấy cảnh người Trung Quốc đứng nhe răng cười giữa lúc lính Nhật dùng súng và lưỡi lê hành hình đồng bào mình và, như thế, kẻ chuẩn bị làm nghề cầm kim chích ống nghe đã phẫn nộ vứt bỏ cả để cầm lấy cây bút: làm thầy thuốc thì chỉ chữa bệnh ở thể xác con người, cái mà dân tộc ông cần chữa là thứ bệnh tật ngay trong tâm hồn con người. Thế nhưng, trước khi bàn đến một chuyện xôm tụ như là “bệnh tinh thần” thì cũng nên giỡn chơi chút chứ?

Chuyện giỡn chơi, ấy là tính “đắc thọ”. “Kính lão đắc thọ”, ông bà ta dạy vậy và, chỉ lật sơ cuốn từ điển ra rồi ngẫm tới lời than của ông Nguyễn Mộng Giác bên Mỹ năm nào sẽ thấy. Ông nhà văn họ Nguyễn làm tạp chí Văn Học và, lai rai, ông lại nhận thư của những độc giả luống tuổi: tuổi càng cao thì mắt ngày càng loà để rồi kêu lên, “Văn Học ơi, hãy kính lão với chứ!”: kính lão ở đây là tăng cỡ chữ, mà tăng cỡ chữ thì phải tăng trang, tăng trang thì phải tăng giá, và như thế, với những người vì yêu văn học mà làm nghề bán văn chương thì cái sự tăng giá này, dù chỉ tăng một vài đồng thôi, lại là cái điều nói ra như thể thở than. Còn bộ từ điển pháp luật này thì khác: ngay từ lúc chào đời nó đã biết... dưỡng già với cỡ chữ thật to, to hơn cỡ chữ của bất cứ cuốn từ điển thuộc vào hàng điển mực nào khác, từ từ điển của ông Ðào Duy Anh, Lê Văn Ðức, Nguyễn Văn Khôn cho đến từ điển của nhà xuất bản Longman, Macquarie hay Oxford. Và như thế, thay vì mang tầm vóc thường thường bậc trung cỡ ba hay bốn, năm trăm trang là cùng nếu dùng cỡ chữ tương đương, công trình của soạn giả họ Lê đã trở mình bề thế với ngót nghét một nghìn chín trăm trang. Hóa ra, trong cái sự làm ra sách này thì, cơ hồ, mấy trò hóa phép trong truyện Phong Thần hay như Phù Ðổng Thiên Vương của ta cái năm giặc Ân kéo sang xâm lược cũng dễ dàng như chuyện húp cháo gà. Và, hóa ra, cái câu cách ngôn “Có bột mới gột nên hồ” của cổ nhân cũng chỉ đúng cỡ... dưới năm mươi phần trăm thôi: chỉ cần một “bột” mà cũng có thể gột thành ba, bốn “hồ” kia là gì?

Cái sự “phong thần” thân xác đã dễ như húp cháo gà thì cái sự “phong thần” cho phần hồn cũng dễ dãi theo cùng một thể và đó là chính là cái bệnh mà tôi muốn nói. Chỉ lật mấy trang đầu thôi thì người đọc đã bị giáo đầu bằng một loạt những lời khen rối rít, nổ cứ như là pháo giao thừa và tiếp nối nhau cứ như là bắn súng liên thanh. Cái kiểu tâng bốc nhau theo kiểu người cùng làng đều biết mặt nhau và đều cả nể nhau. Người thì mời mọc cho thật nhiều. Người thì nhiệt huyết có thừa. Người được khen có cái sướng của sự được khen. Người ban khen thì có cái trọng vọng và sang cả của bậc bề trên chỉ giáo. Cái trò tâng bốc trong mối quan hệ cộng sinh rất là đặc thù... Việt Nam, cái đặc thù của một xã hội tiểu nông nhỏ nhoi, lẩn quẩn và thiếu chuyên nghiệp. Thiếu chuyên nghiệp nên ai cũng... bá tri bá nghệ cả, cái gì cũng biết tất, cái gì cũng có thể chỉ giáo tất nhưng chả bao giờ chỉ giáo cho ra hồn, cho tới nơi tới chốn. Ðời sống lẩn quẩn tẻ ngắt nên ai cũng thích cái sự mâm bát bề thế giữa vuông chiếu sân đình để xập xèng cho vui ba hồi trống canh. Và vì đời sống bức bối trong cái quẩn quanh chật hẹp nên, cho dù lúc nào cũng có thể tự mãn ta đây theo kiểu ếch ngồi đáy giếng thì, từ sâu trong tâm thức, bao giờ cũng tiềm tàng một cái đầu vọng ngoại.

Cái khác đầu tiên, cái khác độc nhất vô nhị nhưng thành... bệnh của cuốn từ điển này là quá nhiều người khen, ngót nghét cỡ hai tiểu đội. Giới thiệu sách mà như thế thì cõi nhân gian này, phi ông Lê Ðình Hồ, chẳng bói đâu ra được một người thứ hai vì rộn ràng, đông vui cứ như là cảnh hai họ đưa dâu. Chính trị gia cường quốc số một thế giới có, nhà hoạt động chính trị tiểu quốc lưu vong có. Giám đốc có, nghệ sĩ có. Khoa bảng có, tu sĩ có. Cha có, sư có. Dẫu vậy, nhìn đi nhìn lại, cũng chỉ toàn những lời khen thiếu thực chất, chỉ khen để lấy... khen, cứ là na ná nhau như thể cùng đúc từ một khuôn đến độ không thể không thốt lên lời của Vũ Trọng Phụng ngày xưa: “Biết rồi, khổ quá, nói mãi”. Kể ra thì cũng chẳng đáng trách gì lắm với mấy ông Tây: họ là người “lớn” của nước lớn mà mình có lòng ngưỡng vọng thì họ cũng thể tất cho vài câu, kẹt lắm thì bảo thư ký thay mặt ngoáy cho vài chữ ngoại giao thế thôi. Cái đáng nói là cái sự “nói mãi, khổ thật” giữa người mình với người mình. Chỗ này thì cuốn từ điển là “một bằng chứng phản ánh trí lực”, thứ trí lực “vừa đẩy mạnh sự phát triển vừa đẩy mạnh sự tiến bộ của con người” (trang xiii). Chỗ kia thì nó lại là “một công tác văn hóa, giáo dục vô cùng quan trọng mà không một ai trong chúng ta có thể phủ nhận được” (tr. xv). Rồi nào là “một rừng cây kiến thức” không những “cho chúng ta” mà còn “cho đời sau” (tr. xix); nào là một “công trình vĩ đại”, “hết sức vĩ đại” hay “đóng góp lớn lao cho kho tàng văn hóa Việt Nam nói riêng và kho tàng văn hóa nhân loại nói chung”; nào là một “đóng góp” cho “ngôn ngữ Việt Nam và cho sự hiểu biết của người Việt Nam” vốn “rất to lớn và cần được đánh giá một cách xứng đáng” (tr. xxvii) [2] .

Cần được đánh giá một cách xứng đáng” thì, nghĩa là, hiện tại nó vẫn chưa được đánh giá xứng đáng. Thay vì đề cập thẳng đến những gì nằm ngay trong ruột sách thì ai cũng bàn tới những chuyện khơi khơi hoàn toàn nằm bên ngoài hai cái bìa cuốn sách. Từ điển là một loại sách công cụ, và do đó, cái cần khen ngợi hay phê phán phải là tính hiệu dụng của nó. Như, cách biên soạn của tác giả có chính xác hay không? Như, cách đưa ra từ tương đương có tinh tế, gãy gọn hay không? Hay như, có đầy đủ và có thực sự đáp ứng đúng nhu cầu song ngữ trên lĩnh vực chuyên môn này hay không? Chẳng thấy ai đả động đến những điểm cụ thể và thiết thực như thế mà chỉ vẽ vời toàn những chuyện xa xôi như là một sự “phản ánh trí lực”, một “công tác văn hoá giáo dục”, một “nỗ lực đem lại dân chủ pháp trị” hay phương tiện để “hòa giải hai nước Mỹ – Việt” v.v... Thay vì vẽ một chân dung rất “người” của cuốn sách thì họ lại thi nhau vẽ thần vẽ thánh nếu một mai nó được phong thần. Chuyện thật “người” thì ai cũng biết nên không thể muốn nói sao thì nói. Còn những chuyện thần thánh, như chuyện của tương lai sau này, của tiền đồ mối bang giao Việt Mỹ hay của dân trí Việt Nam thì ai mà biết được nên tha hồ tán! Nếu, trong thuật giao tế, khi đã không thể khen một cô gái là đẹp thì cũng cố khen cô ta là hiền thì, ở đây, hình dung cuốn sách như một thiếu nữ, những nhà phê bình – giới thiệu này “lắt léo” hơn rất nhiều. Chẳng bảo là cô gái là đẹp. Cũng cũng chẳng bảo là cô hiền. Họ chỉ tấm tắc khen rằng mai này cô sẽ là một bà nội hay bà ngoại phúc hậu, có con cháu đầy đàn, và đứa nào cũng thành đạt và có ích cho xã hội cả!

Cuốn từ điển, như thế, đã mở đầu một cách rất ư là thiếu chuyên nghiệp [3] . Người ta khen thế nào là một việc nhưng, trước hết, soạn giả phải có lựa chọn thật... chuyên nghiệp chứ? Ông John McCain là một nhà chính trị chứ đâu phải là nhà từ vựng học hay luật học? Cuốn từ điển chú giải những thuật ngữ pháp luật chứ đâu có chú giải Tân ước, Cựu ước hay kinh Phật mà phải làm nhọc đến sức cha hay đến sức sư? Ðó cũng đâu phải là một cuốn từ điển về thi ca để mượn tới người làm thơ? Lật bất cứ cuốn tự điển có uy tín nào trên thế giới chúng ta chẳng thể nào tìm ra những tràng “giáo đầu” rất là rầm rộ nhưng cũng rất là mơ hồ như thế cả. Khi viết lời đề từ cho là Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh - một cuốn từ điển thuộc loại “classic” của chúng ta, vốn có công lao rất lớn trong việc nâng cao dân trí và đã có chỗ đứng nào đó trong lịch sử văn hóa Việt Nam – nhà cách mạng Phan Bội Châu cũng chẳng hề nói tới chuyện gì xa xôi của tương lai mà chỉ đề cập đến tình trạng rất thực tế là “quốc văn nước ta không thể bỏ được Hán văn”, là cả nước chưa hề có ai bỏ công làm một bộ từ điển rồi mới nói đến đóng góp đáng trân trọng của soạn giả họ Ðào. Và khi viết những điều như thế cụ Phan đã đọc rất kỹ phần bản thảo của soạn giả trước khi đem in, trước khi cuốn sách tới tay độc giả. Còn với cuốn từ điển nói trên thì khó mà tin rằng mấy kẻ không tiếc lời khen kia thực sự đọc, thực sự tra cứu cuốn sách. Nếu đã làm thế thì, nhất định, họ đã chỉ cho soạn giả thấy những sai sót rất là căn bản trước khi phát hành.

Như cái tên Từ điển luật pháp Anh Việt – Việt Anh - Dictionary Of Law Vietnamese–English English– Vietnamese, chẳng hạn. Nó chỉ đúng có năm mươi phần trăm thôi vì, để danh chính ngôn thuận như thế, nhất định, phải có hai phần. Phần một là phần Anh-Việt với phần từ mục tiếng Anh, dành cho những người biết tiếng Việt muốn truy tìm tiếng Anh tương đương. Phần hai, phần Việt Anh, thì dĩ nhiên là... ngược lại với từ mục tiếng Việt và tiếng Anh tương đương. Nó là phần đất dành cho những người rành tiếng Anh nhưng mờ mịt tiếng Việt, giúp họ trong việc tìm hiểu những thuật ngữ trong hệ thống luật pháp Việt Nam. Và để xứng đáng là “một đóng góp vào kho tàng văn hoá nhân loại nói chung” thì, ít ra, cuốn từ điển ấy phải giúp cho người nói tiếng Anh hiểu thế nào là “thập ác”, “bát nghị”, “thất xuất”, “tam bất khả xuất”, “hình danh”, “hình dịch”, “hình tấn”, “hình vụ” rồi “ngũ hình” với nào là “xuy”, “trượng”, “đồ”, “lưu”, “tử” v.v... trong Quốc triều hình luật, Lê triều hình luật, hay Hoàng triều luật lệ của cha ông ta ngày xưa chứ? Thế nhưng cho dù có dùng tới kính lúp, kính hiển vi hay thậm chí dùng các thứ hóa chất đặc biệt của mấy ông gián điệp thoa lên mặt giấy chúng ta cũng chẳng thể nào tìm thấy phần thứ hai này.

Kể ra thì soạn giả cũng dành khoảng 150 trang cho phần gọi là “Mục lục các thuật từ pháp lý Việt ngữ” để chỉ rõ những “thuật từ pháp lý” tiếng Việt hiện diện ở trang nào, chuyện mà bất cứ một tay mơ nào về computer cũng có thể dễ dàng làm được trong tích tắc với kỹ thuật Microsoft Word hay Page Maker. Thế nhưng, làm sao có thể gọi đấy là phần “Từ điển Việt–Anh” cho được? Giỏi lắm, với một phụ lục kiểu Index như thế thì đấy chỉ là một Từ điển pháp luật Anh Việt với bảng tra cứu các danh từ pháp lý Việt Nam, thế thôi, chứ làm sao có thể xem như là một cuốn từ điển hai chiều? Cứ theo phương pháp này thì, nói ví dụ, việc soạn một cuốn Tự điển Kinh tế–Thương mại Anh Việt - Việt Anh cũng dễ thôi, chỉ cần có đủ kiên nhẫn cho cái sự... lấy công làm lời. Chỉ cần vớ dăm ba cuốn từ điển về thuật ngữ kinh tế của người Anh, xin phép đàng hoàng, rồi chăm chỉ dịch ra tiếng Việt, dịch xong thì cứ áp dụng kỹ thuật computer để lập mục Index cho những từ ngữ kinh tế – thương mại trong tiếng Việt là xong. Khỏi phải lăn lộn trong giới buôn bán nước nhà để ghi nhận những từ ngữ riêng của họ từ xưa đến nay như “bán mão”, “bán mãi lai thục”, “bán cất”, “làm rẽ”, “hoá ruộng”, “tá phương”, “tứ lục”, “tam thất” v.v... cái công việc mà, để chuyển sang tiếng Anh, đòi hỏi cả khối thì giờ và cả khối chất xám, tương tự như việc sưu tập rồi chuyển dịch những “bát nghị”, “tam bất khả xuất” hay “thập ác” cho phần Việt–Anh của một cuốn tự điển pháp luật. Thế nhưng, khi làm như thế thì, vô hình trung, chính chúng ta đã tự rẻ rúng chúng ta. Chúng ta đã tự mình xem những giá trị hay những ý niệm ngôn ngữ và văn hoá của mình chỉ là cái bóng, chỉ là một sản phẩm thứ cấp, một thứ sản phẩm phát sinh trong tiến trình chuyển ngữ những thuật ngữ từ Anh sang Việt. Và khi nhắm mắt tâng bốc tới trời cái việc tự mình rẻ rúng chính mình này, phải chăng, chúng ta đã mắc cái bệnh của những người Trung Hoa từng khiến Lỗ Tấn phải bỏ nghề, những kẻ đã đứng “nhe răng cười” khi thấy lính Nhật xem đồng bào mình như là cỏ rác?

Như thế, ngay từ cái tên, cuốn từ điển này đã tỏ ra lập lờ, thiếu sòng phẳng. Cứ theo những lời ca ngợi ở đầu sách thì đây là một công trình biên soạn cho sự nghiệp phát triển, cho lý tưởng mở mang dân trí và để “làm giàu cho kho tàng văn hóa nhân loại”. Một cuốn sách có giá trị văn hóa như thế đâu có thể bị chính tác giả rẻ rúng như thể thứ hàng tiêu thụ trong ngày một ngày hai kiểu thịt chó để vận dụng lối tiếp thị mẽ ngoài theo lối treo đầu dê lên được hay sao? Hay là, khi mở ngoặc để chêm phần giải thích bằng tiếng Anh sau phần tiếng Việt - y hệt các English Dictionary của các nhà xuất bản Oxford, Heritage hay Maccquarie - soạn giả cho rằng đó chính là “từ điển Việt–Anh”? Chẳng hạn, khi trình bày:

Prostitute (đĩ): Thuật từ được dùng để chỉ người nhận tiền để giao cấu một cách không phân biệt, như là công việc thường xuyên của đương sự. (The term used to denote one who receives payments for indiscrimiately sexual intercourse, as his or her regular occupation) (trang 1160)

soạn giả cho rằng phần nằm ngoài ngoặc đơn là “Anh Việt”, còn phần nằm trong ngoặc thì lại là “Việt Anh”, còn như muốn tra cứu thì cứ lật phần mục lục?

Nhưng nếu đã như thế thì, phải nói rằng, cái phương pháp soạn tự điển hai chiều nhập một này là một phương pháp cực kỳ phản... ngôn ngữ. Giữa hai ngôn ngữ chẳng bao giờ có một sự tương hợp hoàn toàn nên bất cứ sự sắp xếp đầy tính chất cưỡng từ đó sẽ khiến một bộ phận lớn của ngôn ngữ bị đoạt lý. Có những từ tiếng Anh bao hàm nhiều nghĩa, với nhiều từ tiếng Việt tương ứng. Có những từ ngữ tiếng Việt đa nghĩa, với nhiều từ ngữ tiếng Anh tương ứng. Như chữ “đĩ”, chẳng hạn: nó bao hàm bao nhiêu là nghĩa khác hoàn toàn năm ngoài chữ “prostitute”? Nếu gọi đó là phần “Việt-Anh” thì cuốn từ điển của ông Lê Ðình Hồ, vô hình trung, đã khiến những người Anh học tiếng Việt hiểu sai những “đĩ” trong “bố đĩ”, “mẹ đĩ”, “đĩ miệng”, “đánh đĩ”, “hôm nay sao ăn mặc đĩ thế” hay, như những lời bình, “con mắt nhìn trông đĩ đéo chịu được!”

Thì, đó là một cuốn từ điển pháp luật. Thế nhưng, riêng trên lĩnh vực này nó cũng chưa làm người đọc thoả mãn lắm. Ai mà không biết rằng “đĩ” là người bán thể xác kiếm tiền nhưng, trên phương diện pháp lý, thế nào mới bị kết tội là “đĩ” đây? Nếu một nữ sinh viên ở Sydney, vì quá kẹt tiền, đã xé lẻ làm liều và bị các thầy cớm bắt quả tang đang bán thân hay đang gạ gẫm cho khách hàng ở một góc công viên hay nhà ga nào đó, cô ta có bị kết tội là làm đĩ bất hợp pháp hay không? Tôi không rành luật pháp nhưng, cứ theo cách định nghĩa nêu trên, cô ta cũng có thể xùy tấm thẻ sinh viên ra, xùy thời khóa biểu mỗi tuần học mấy mươi giờ ra, rồi xùy giấy chứng nhận của mấy tutor ra để chứng minh rằng đó không phải là “công việc thường xuyên” của mình được không? Rồi với những gái điếm hạng sang chỉ tiếp những khách nhà giàu chạy xế hộp sang trọng như Roll–Royce hay Mercedes đời mới, nghĩa là họ bán xác thịt lấy tiền một cách hoàn toàn... phân biệt, họ sẽ không được xem là đĩ chắc? Rồi những cô gái điếm Nhật cái thời tang thương sau Ðệ nhị thế chiến: phần đông chỉ bán thân cho lính Mỹ để đổi lấy thực phẩm, thuốc hút và thậm chí đổi bia và nước ngọt chứ đâu phải lúc nào cũng phải ngửa tay lãnh tiền như cách dịch chữ “payments” nói trên? [4] Cũng không rõ tác giả moi ở đâu ra cái chữ “thuật từ”, trong nhóm từ “Thuật từ dùng để chỉ” đi song đôi với “The term used to denote” ở phần tương ứng tiếng Anh. Không những đã đóng góp vào cái sự “dày hóa” của cuốn sách khi lai rai xuất hiện chỗ này chỗ kia, đó có lẽ là một... sáng tạo độc nhất vô nhị khi mà, phi ông Lê Ðình Hồ, chẳng có ai biết tới. Tiếng Việt chỉ có “thuật ngữ” với ngụ ý là “từ chuyên môn” thế thôi, thí dụ “thuật ngữ pháp luật”, “thuật ngữ kinh tế” chứ chẳng ai biết tới “thuật từ”. Còn “đĩ” hay “prostitute”, hẳn nhiên, chẳng phải là thuật ngữ chuyên môn nên tác giả... sáng tạo thành “thuật từ” hay chăng?

Hẳn nhiên là ngôn ngữ luôn luôn phát sinh cái mới và người cầm bút có quyền sáng tạo: chấp nhận hay không là quyền của người đọc, là sự chọn lọc và đào thải của xã hội. Thế nhưng soạn từ điển phải hoàn toàn khác với trò làm thơ, viết văn. Ðó là công việc sưu tập và biên tập, ở đó người thực hiện bỏ công thu thập những từ ngữ đã được xã hội chấp nhận để giải thích hay tìm từ tương đương trong ngôn ngữ khác: sự sáng tạo của họ chỉ được ghi nhận ở chỗ khi, từ những từ ngoại quốc mà tiếng mẹ đẻ không có từ tương đương, có thể tìm ra những cách dịch thỏa đáng, gãy gọn và sáng sủa. Thế nhưng với soạn giả này thì ngay việc dịch những từ ngữ thông thường nhất cũng đã thấy đầy cái sự lấn cấn, tối tăm, xa lạ với cả hai ngôn ngữ. Lúc thì, cứ như một người đang tập tành học tiếng Anh như một thứ ngoại ngữ, không thể hiểu trọn nghĩa của từng từ trong văn cảnh của bản tiếng Anh. Lúc thì, cứ như một người Anh hay Pháp mới tập tểnh học tiếng Việt, không thể viết cho tròn trịa một câu văn tiếng Việt [5] .

Xa lạ và không thể tròn trịa được thật. Trong “Lời giới thiệu” của Thượng nghị sĩ John McCain ở trang ii, câu:

My own personal conversation with both American and Vietnamese authorities and citizens have convinced me of the need for a better understanding of our terms of the need for a much broader accord between our countries

được soạn giả chuyển ngữ thành:

Những cuộc đối thoại của chính cá nhân tôi với chính quyền cùng công dân của Hoa Kỳ và Việt Nam đã thuyết phục tôi về nhu cầu cần thiết đối với sự am hiểu tường tận hơn về những thuật ngữ tham khảo của chúng ta làm nền tảng cho một sự thỏa hiệp lớn hơn nhiều giữa hai quốc gia của chúng ta.

Chuyển ngữ như thế thì chỉ chính xác ở cái điểm là... không có dấu phẩy nào y như nguyên tác, thế nhưng với tôi, một người rành tiếng Việt hơn tiếng Anh, lời của ông McCain vẫn sáng sủa và dễ hiểu hơn là lời Việt. Không chỉ ngô nghê, nó còn hiểu sai và hiểu chệch cái ý hướng cao đẹp của tác giả khi “cho” rằng “accord” là “sự thỏa hiệp”. Thì “accord” cũng có nghĩa là “hiệp định”, “thỏa ước”, và muốn đạt tới điều đó thì phải có một sự thỏa hiệp nào đó; thế nhưng “sự thỏa hiệp” không phải là “thỏa ước” bởi chúng ta có thể nói “Thỏa ước ngưng bắn / Hiệp định Paris 1973” hay “sự thỏa hiệp của Mỹ với Hà Nội trong Hiệp định Paris 1973” chứ khó mà nói là “Sự thỏa hiệp Paris 1973”. “Thỏa hiệp” là hành động mà ở đó hai đối thủ tạm thời tương nhượng nhau để đạt tới một giải pháp tạm thời nào đó, coi như chịu lùi một bước để tiến tới hai hay ba bước, thậm chí để cắt cổ đối thủ, như Hồ Chí Minh đã thỏa hiệp với Pháp trong tạm ước 6.3.1946 hay với các đảng phái quốc gia trước đó. Còn ở đây, trong văn cảnh của lời ông McCain, “accord” lại thể hiện một ý nghĩa khác như là sự “hòa hợp hòa giải” mà tôi xin tạm dịch:

Những cuộc đối thoại của riêng tôi với chính quyền cùng công dân của hai nước Mỹ - Việt đã khiến tôi tin rằng, để tạo một nền tảng cho sự hòa hợp rộng lớn hơn nữa giữa hai nước, chúng ta cần có một sự thông hiểu tốt hơn đối với những thuật ngữ tham chiếu của mình.

Rồi, cách đó chỉ một câu thôi, lời ông McCain:

This bilingual dictionary compiled by Mr. Le Dinh Ho is a timely and important instrument for helping us build that common understanding”

lại... cứng đờ ra như thế này:

Cuốn từ điển song ngữ này được biên soạn bởi ông Lê Ðình Hồ là một văn kiện quan trọng và đúng lúc để giúp chúng ta xây dựng sự thông hiểu đó.

Câu văn ngớ ngẩn đã đành, người đọc còn ngơ ngác không hiểu tư duy ngôn ngữ – văn hoá của vị soạn giả này lệch lạc tới đâu mà lại xem “từ điển” như một thứ “văn kiện”. Từ này được ông ta dịch từ chữ “instrument”, vốn có nghĩa là “công cụ”, “dụng cụ” hay “phương tiện” để làm cái gì đó và, như một thuật ngữ pháp luật, ngụ ý một tài liệu mang tính pháp lý, thí dụ như một bản khế ước hiệp đồng, một bản chúc thư v.v.. Thế nhưng, ở đây, ông thượng nghị sĩ đâu có nói chuyện ra tòa hay pháp lý đâu? Ý ông ta, thực ra, chỉ là, xin tạm dịch:

Cuốn từ điển song ngữ do ông Lê Ðình Hồ biên soạn này là một công cụ quan trọng và hợp thời để giúp chúng ta xây dựng sự hiểu biết chung đó..

Yếu kém ở cả hai ngôn ngữ như thế cho nên, chẳng có gì là lạ khi, trong tiếng Việt, lá thư ngắn ông thượng nghị sĩ nước Mỹ lại rối lên như một thứ... Kinh Dịch, ma mỵ và khó hiểu như là lời niệm chú của mấy ông thầy phù thủy:

Cuốn từ điển này có thể cung ứng những phương tiện có hiệu năng để tránh những sự tranh cãi và tạo lập nền tảng cho sự tin tưởng hỗ tương, một sự tin tưởng mà sự tin tưởng đó chỉ đến từ niềm tin trong việc sử dụng và thông hiểu một các phổ biến các điều khoản của những thỏa ước và sự giao dịch.

Học một ngoại ngữ thì cái mà chúng ta cần trước hết là một cuốn từ điển. Dịch một văn bản mang tính chuyên môn thì, dù thành thạo ngoại ngữ cách mấy đi nữa, chúng ta cũng phải nương nhờ đến một cuốn từ điển chuyên môn. Trong ý nghĩa đó thì bất cứ ai trong chúng ta cũng phải tin cậy các soạn giả tự điển, xem họ như một thứ kim chỉ nam, một thứ đuốc soi đường. Như thế, với cách hiểu và cách dịch những từ ngữ thông thường nhất nói trên, với thứ tiếng Việt bí hiểm như là Kinh Dịch của “ngọn đuốc soi đường” nói trên, ai có thể an tâm khi lật cuốn từ điển chuyên về pháp luật mà có người ca ngợi như là “một đóng góp lớn lao cho kho tàng văn hóa Việt Nam nói riêng và kho tàng văn hóa nhân loại nói chung”?

Có thể sẽ có người bảo rằng tôi chỉ làm cái sự bới bèo ra bọ, chỉ làm cái sự bắt bẻ từng chữ chứ không chú ý đến cái lớn, cái bao quát, đến sự góp chung của cuốn sách. Thế nhưng nếu từ điển là một cuốn sách để tra cứu từ vựng thì, nếu không chú ý đến từng từ vựng, chúng ta sẽ chú ý đến cái gì? Mà có chú ý đến cái toàn cục, cái lớn, cái vĩ đại của cuốn từ điển thì, ngoài cái “toàn cục” ở cách soạn “từ điển Việt Anh” có một không hai, ngoài cái “bao quát” ở cái văn hoá tâng bốc rộn ràng như cảnh hai họ đưa dâu nhưng đầy sự rẻ rúng với tiếng Việt và văn hoá Việt, thú thật, tôi chỉ thấy cái “lớn” của nó qua cỡ chữ mà chẳng bộ từ điển nào khác có thể sánh bằng.

Hẳn nhiên, khi nói thế, tôi đã không hề tính đến cỡ chữ của mấy loại “từ điển” dành riêng cho học sinh tiểu học...



[1]Ledinh Lawyer xuất bản, Sydney 2004
[2]Những người giới thiệu cuốn tự điển này, xếp theo thứ tự, là: John McCain (Thượng nghị sĩ Mỹ), Douglas Peterson (Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam), Earl P. Yates (cựu phó đề đốc hải quân Mỹ), Terry Luckman (Trạng sư Úc), Lê Ðình Cai (Phó giáo sư tại SCIP & NUA), James Ronald Fisher (cựu sĩ quan hải quân Mỹ), Paul Van Chi (Linh Mục – Thạc sĩ âm nhạc), Lưu Tường Quang (Giám đốc đài phát thanh), Lê Phước Sang (Cựu viện trưởng Viện đại học Hoà Hảo), Nguyễn Việt Quang (Giám đốc USA Press, Inc.), Lê Linh Thảo (Giáo sư), Nguyễn Hữu Lễ (Linh mục), Du Tử Lê (nhà thơ), Thích Giác Lượng (nhà tu hành – hoà thượng), Chu Văn Hoàng (Thạc sĩ điện toán), Lê Ðình Bột (Tiến sĩ, luật sư), Thích Nguyên Tạng (nhà tu), Hồ Công Lộ (cựu luật sư, nhà báo), Phan Nhật Nam (văn sĩ và là ký giả), Nguyễn Gia Kiểng (người hoạt động chính trị), Phan Lạc Phúc (văn sĩ và là ký giả), Ðoàn Ngọc Ẩn (Dr.), Shaoquett Moselmane (Luật sư, thị trưởng tại Úc). Những chức vụ và bằng cấp được ghi theo nguyên văn và căn cứ theo thông tin này thì, tuy đông, trong đó cũng chẳng có được mấy người có thẩm quyền và uy tín về ngôn ngữ học.
[3]Cả cách trình bày của cuốn từ điển cũng hoàn toàn thiếu chuyên nghiệp. Từ điển chứ đâu phải là hồi ký, là một cuốn tự truyện, là “câu chuyện đời tôi” mà lại trình bày hình của soạn giả thật lớn ở bìa sách, cả bìa cứng bên trong và bìa bọc bên ngoài cứ như là sách giới thiệu thời trang?
[4]Không rõ soạn giả này có thù hằn gì với cô đào Jane Fonda hay không mà cho in bức hình rất sexy của cô ngay giữa đoạn viết về chữ “prostitute”. Không rõ trên phương diện luật pháp, cô đào này có thể kiện soạn giả vì tội mạ lỵ hay không?
[5]Năng lực Việt ngữ và Anh ngữ của soạn giả này rất đáng ngờ. Ngay từ bộ Từ điển phân giải chính trị và bang giao quốc tế xuất bản năm 1995 đã những lời dịch rất buồn cười. Không ai có thể đánh giá một cuốn sách bằng cách phân tích cái bìa, tuy nhiên bằng cách phân tích lời nói đầu hay lời giới thiệu cũng thấy được phần nào, và ngay trong “Lời nói đầu” của cuốn tự điển trên, do cựu phó đề đốc Earl P. Yates ký tên, câu “His dictionary is a novel and unprecedented approach” (Cuốn từ điển của ông ta là một phương pháp mới và chưa từng có) lại được “tự điển gia” họ Lê dịch thành “Cuốn từ điển của ôngcuốn tiểu thuyết và là phương pháp chưa hề có trước”. Chẳng cần phải đạt tới trình độ ngữ pháp tiếng Anh cỡ... sạch nước cản để thấy rằng chữ “novel” trong câu trên chỉ đóng vai trò của một tính từ nên chỉ có nghĩa là “mới mẻ”, một học sinh trung học ở Việt Nam cũng thừa thông minh để hiểu rằng không ai chấp nhận việc ví “từ điển” như một cuốn “tiểu thuyết”.
Nguồn: Việt Luận, tháng 3.2005