trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
5.12.2005
Trịnh Nhật
Dịch thuật: Một cái nhìn tự vấn
 
Chuyến đi Việt Nam của tôi vừa rồi có một tiết mục khá thú vị là được dịp hội thảo ba buổi, vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11, 2005, mỗi buổi chừng 2 ½ giờ đồng hồ, với các giảng viên Anh ngữ và một số sinh viên Khoa Anh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về những đề tài do tôi đề nghị là:

  1. Học và dạy Anh ngữ tại Việt Nam và tại Úc: Kinh nghiệm hiếm quí để đời.
  2. Biên dịch và phiên dịch Anh-Việt tại Úc: Kinh nghiệm thượng vàng hạ cám.
  3. Dịch thuật Anh-Việt bằng máy: Niềm mơ ước còn hoài.
Trong khi loay hoay soạn sửa, viết dàn bài cho các bài nói chuyện trong Khu Nội trú dành cho người nước ngoài, trong những đêm khuya thanh vắng, tôi cũng đã nghĩ ngay đến việc chuyển ngữ đề tài nói chuyện trên sang tiếng Anh, một phần cũng vì cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, theo dự kiến là sẽ diễn ra bằng song ngữ.

Trong chủ đề (1) “Học và dạy Anh ngữ tại Việt Nam và tại Úc: Kinh nghiệm hiếm quí để đời”, tôi đã nghĩ cái khó nó nằm trong cụm từ “kinh nghiệm hiếm quí để đời”. “Hiếm quí” hay “quí hiếm” thì ai đã học chút tiếng Anh mà chả biết là “precious” , nhưng“để đời” đã khiến tôi phải dành chút ít suy nghĩ. Cụm từ “để đời” theo tôi có nghĩa là “khó quên và có giá trị lâu bền”. Nghĩ thế thì mình lại tự hỏi mình, đặt mình vào trường hợp của người bản ngữ tiếng Anh, thì một cái tựa đề như thế nên chọn chữ gì, câu gì. Nói thế nào thì mới nghe mới kêu, mới hấp dẫn. Sau cùng tôi đã đi đến quyết định và đã hài lòng với kết quả câu dịch là: “An invaluable and unforgettable experience”. Và như thế chủ đề toàn bộ đã được dịch là: “Learning and Teaching EFL/ESL in Vietnam and Australia: An Invaluable and Unforgettable Experience”.

Trong chủ đề (2), “Biên dịch và phiên dịch Anh-Việt tại Úc: Kinh nghiệm thượng vàng hạ cám,” cái khó tôi nghĩ nó nằm trong cụm từ “kinh nghiệm thượng vàng hạ cám” . Từ ngữ “kinh nghiệm” thì không có gì đáng nói, nhưng thế còn thành ngữ “thượng vàng hạ cám” thì sao? Trước tiên tôi tự hỏi: “Đã đành trong tiếng Việt chúng ta có nói “kinh nghiệm” và cũng nói “thượng vàng hạ cám”, nhưng liệu chúng ta có nói, có kết hợp hai cụm từ đó lại với nhau thành “kinh nghiệm thượng vàng hạ cám” không? Sau một hồi suy nghĩ, và với khả năng của một người bản ngữ tiếng Việt, tôi cho là nếu có nói, có kết hợp chúng như thế thì cũng được, cũng tự nhiên thôi.

Cho dù đã hiểu nghĩa tiếng Việt “thượng vàng hạ cám” là gì rồi, tôi cũng muốn tra cứu xem sách Tự điển Việt-Anh xuất bản ở trong nước giảng nghĩa sang tiếng Anh ra sao, và liệu sách có dịch được “ý” tương đương sang Anh ngữ chăng. Vì không sẵn có cuốn từ điển Việt-Anh nào trong tay khi ở Sài Gòn lúc đó, tôi bèn gọi điện thoại ra Hà Nội cho tác giả Bùi Phụng để hỏi thăm ông, và nhân đó hỏi xem từ điển của ông có liệt kê cụm từ cố định đó hay không. Giáo sư Bùi Phụng là người vốn vui tính, mà tôi đã từng quen thuộc, đã thăm viếng ông tại tư gia ở phố Mai Hắc Đế, Hà Nội và đã từng ngồi uống bia tán gẫu thoải mái với nhau ngoài đường phố, gần nhà ông từ nhiều năm trước đây. Tác giả cuốn Từ điển Việt-Anh (Vietnamese-English Dictionary), dầy cộp, với ấn bản mớI nhất chứa có đến 500.000 mục từ, nặng gần 5 kí-lô, đã vui mừng đề nghị tôi ra một hiệu sách nào đó ở Sài Gòn, chẳng cần phải mua, cứ việc lật từ điển của ông ra là có, là tìm thấy liền.

Tôi đã ra hiệu sách Fahasa là hiệu sách lớn tại đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn, lật sách từ điển của Bùi Phụng thì không thấy. Tiện tay tôi cũng lật nhiều từ điển Việt-Anh khác, kể cả những quyển của Lê Khả Kế, Trịnh Xuân Hùng, hoặc Quang Hùng-Ngọc Ánh, nhưng đều ngạc nhiên là không thấy sách nào liệt kê mục từ này.

Sau đó, tôi chợt nhớ ra cuốn Chữ Nho và đời sống mới của tác giả Nguyễn Ngọc Phách, mà cháu Trần Đình Phước ở cùng nhà tại Sydney, đã mua tặng cách đó mấy tháng. Tôi cũng xin nói thêm ở đây là cuốn Chữ Nho và đời sống mới, theo tôi, là một công trình to lớn, đáng quí, để đời. Giáo sư Đàm Trung Pháp, Tiến sĩ ngôn ngữ học, tại một đại học ở Texas, Hoa Kì, đã không tiếc lời để nói lên sự trân quí đó:

Chữ nho và đời sống mới, tóm lại, là một kho tàng kiến thức đầy hoa thơm cỏ lạ trong các lãnh vực ngôn ngữ, văn chương, triết học, và chính trị đang chờ đón những nhà thám hiểm trí tuệ. Mặc dù cuốn sách quý này được tác giả nhắm vào giới trẻ Việt Nam sinh trưởng tại phương Tây cho nên không giỏi tiếng Việt, sự ích lợi của nó không có biên giới. Ai ai muốn trau giồi tiếng Việt đều cần cuốn sách tra cứu này. Phải chăng vì đức khiêm tốn mà Nguyễn quân đã đặt tên phụ cho cuốn sách là Thành-ngữ Hán-Việt Thông-dụng? Theo tôi, gọi nó là Thành-ngữ Hán-Việt Tinh-túy cũng không phải là quá đáng đâu.”

Nghĩ đến sách nói trên, tôi bèn “email” về Úc nhờ cháu tra cứu xem sách đã giải nghĩa và dịch sang tiếng Anh ra sao? Câu trả lời của cháu, sau một thời gian chờ đợi, là sách của ông chỉ giảng nghĩa tiếng Việt là: “đủ mọi mặt hàng”, trong một tiểu mục của mục từ “thượng bất chính, hạ tác loạn”, trong đó chữ “thượng” và chữ “hạ” được giảng nghĩa là “trên”“dưới” (trang 495). Về sau, có dịp tra Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, tôi được biết sách đã “chua” nghĩa như sau: “Đủ các thứ, từ cái quý nhất đến cái tầm thường nhất” (trang 978).

Vấn đề chuyển dịch chủ đề (2) “Biên dịch và phiên dịch Anh-Việt tại Úc: Kinh nghiệm thượng vàng hạ cám” của cuộc hội thảo của tôi qua việc tham khảo từ điển ở thời điểm đó như thế là vẫn chưa được giải quyết. Thật ra khi điện thoại hỏi Giáo sư Bùi Phụng, tôi đã có nghĩ tới dịch “ý”, thay vì dịch “lời”, đề tài nói trên, nhưng chưa tiện cho ông biết. Tôi không dịch “vàng”“gold” hoặc “cám”“rice bran”; thượng”“high above” hoặc “at the upper end” hay “at best” hoặc “hạ”“down below” hoặc “at the lower end”, hay“at worst’ mặc dù hiểu nghĩa đen là như vậy. Tôi trộm nghĩ, khi chọn đề tài nói về kinh nghiệm làm nghề thông ngôn và phiên dịch tại Úc, tôi có ý định là sẽ viết lên, nói lên những “cái tốt”, “cái hay”, “cái đẹp” mà người hành nghề được hưởng và những “cái xấu”, “cái dở”, “cái tệ” mà người hành nghề phải hứng chịu. Và vì thế, trong đầu tôi thoáng hiện cụm từ trong tiếng Anh mà tôi đã nghe đâu đó: “The good, the bad and the ugly” để dịch “Kinh nghiệm thượng vàng hạ cám”. Sau này, khi hỏi ra thì biết cụm từ cố định tiếng Anh này đã là tựa đề của một cuốn phim Mĩ, trong đó có mấy anh hùng xạ thủ, mấy tay súng bắn nhau chí chạp, nổ súng đùng đùng. Phim đã thể hiện cho khán giả thấy “cái thiện”, “cái ác”, “cái xấu xa” trong đó.

Kết quả là“Biên dịch và phiên dịch Anh-Việt tại Úc: Kinh nghiệm thượng vàng hạ cám” đã được tạm dịch là: “English-Vietnamese Translation and Interpreting Work in Australia: The Good, the Bad and the Ugly”.

Nay xin đề cập đến chủ đề (3) “Dịch thuật Anh-Việt bằng máy: Niềm mơ ước còn hoài”. Chủ đề này thật ra đã được tôi suy nghĩ từ trước khi về Việt Nam. Cái khó ở đây là cụm từ “còn hoài” nghĩa là “mãi mãi”, “không dứt”, thì dịch là “everlasting”, “endless” được không? Còn “niềm mơ ước” nghĩa là “điều mong muốn”, “niềm ao ước” dịch là “wish”, là “desire” , là “dream” thì đi cùng với tính từ nào? Sự kết hợp hai cụm từ này trong tiếng Anh mang ý nghĩa gì? Có tự nhiên, có hài hòa không? Khi có dịp bàn thảo với người bản ngữ tiếng Anh, tôi đã có những đề nghị để dịch “ý” như sau: “my lifelong ambition” [tham vọng trọn đời (của tôi)], “my ultimate objective” (mục tiêu tối hậu), “my eternal passion” (ước muốn muôn thuở), “my burning desire” (ao ước sôi sục/nóng bỏng), “my unquenchable thirst” (khát vọng khôn nguôi), “my insatiable quest” (nỗi niềm day dứt kiếm tìm).

Sau cùng, cũng vì hai chữ “còn hoài”, có nghĩa là “từ lâu đã có mà đến nay, hoặc trong tương lai cũng vẫn còn” nên tôi đã quyết định dịch là “A long-held dream”. Và kết quả phần dịch toàn thể chủ đề là “English-Vietnamese Machine Translation: A Long-held Dream”. Cách dịch này đã được dùng làm tựa đề cho bài viết bằng tiếng Anh của tôi trên một trang nhà ở California, Mĩ quốc.

Có điều từ bài viết về chuyện máy dịch, tôi chợt nhớ ra phần kết luận của bài viết đó như sau:

“Chừng nào chuyện dịch bằng máy trở thành hiện thực thì việc dịch thuật nhất định phải là một cái nghề cho giới trẻ, một cái nghề quí hiếm trong tay, mà cho dù có “ruộng bề bề” cũng không bằng.

Cổ nhân ta đã chẳng bảo “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” đấy sao?”

Cái khó cần phải tra cứu để dịch ở phần kết luận này nằm ở câu cuối: “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Thông thường muốn dịch, trong trường hợp này ra tiếng Anh, thì trước hết phải hiểu nghĩa cụm từ chữ Hán-Việt đó nghĩa là gì trong tiếng Việt cái đã. Với kiến thức Hán-Việt không đến nỗi ăn đong của tôi, tôi cũng có thể giải nghĩa không cần tra cứu sách vở nào cả là: “Nếu mình thật giỏi, thành thạo về một nghề nào đó, thì mình sẽ khá giả, sẽ có được đủ mọi thứ trên đời này.” Và khi hiểu như thế, tôi đã dịch ra là: “A well-skilled trade will bring you many great returns”.

Thế nhưng, khi tra cứu cuốn Chữ Nho và đời sống mới” của tác giả Nguyễn Ngọc Phách, xuất bản tại Melbourne, Australia, năm 2004, thì được biết ông giảng nghĩa như sau (tất nhiên có cả chữ Nho, nhưng xin được miễn ghi ở đây):

[nhất, một, nghệ, nghề, tinh, giỏi, thân, thân-thể, vinh, tươi tốt].

Chỉ làm một nghề thì tay nghề ắt giỏi và sống độc-thân thì sướng cái thân - một lời khuyên người mới lớn đến nay còn chứng tỏ là rất đúng: Keep to the trade and you will be good at it and refrain from falling in love too soon, and your life will run smoothly. (trang 324) [Tôi xin tạm dịch: Hãy giữ lấy nghề mình có, thì rồi sẽ giỏi nghề. Chớ vội yêu đương quá sớm, thì đời mình mới suôn sẻ, đâu vào đó được.]

Nghi ngờ chính sự hiểu biết của mình, tôi đã hỏi ít nhất là 5 người có thẩm quyền tiếng Việt, hay đúng hơn là Hán-Việt, thì họ đều đồng ý với tôi. Có người còn cho rằng theo quan niệm nhà Nho, đâu có ai khuyên mình chỉ nên sống độc thân cho sướng cái thân? Đâu có ai dạy mình, chỉ sống cho mình mà không sống cho đời đâu?

Đại Từ điển tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Nguyễn Như Ý chủ biên, do Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin phát hành năm 1999, thì đã định nghĩa như thế này: “Có một nghề chắc chắn, thật tinh thông thì có thể sống sung sướng cả đời, còn hơn có nhiều nghề mà dang dở, không nghề nào thành thạo, điêu luyện cả.” (trang 1244).

Ngôn ngữ theo tôi được hiểu là có tính động (dynamic), thay vì tĩnh (static), nghĩa là có biến hóa, thay đổi theo thời gian, chứ không nhất thiết đứng dừng, chết cứng ở một thời điểm nào đó. Chính vì vậy, tôi phân vân tự hỏi không hiểu Giáo sư Nguyễn Ngọc Phách, người tôi đã từng quen biết hơn 30 năm nay, đã định nghĩa cho cụm từ “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” theo quan điểm “tĩnh” hay “động” đây?

Sydney, tháng 12. 2005

© 2005 talawas