trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
16.12.2005
Thuận
Dàn đồng ca
 
1. Đọc bài của Phạm Xuân Nguyên, tôi không hề giận anh chút nào mà thấy vui vui. Thế mới lạ chứ. Nhờ bài viết của anh khéo người ta chú ý thêm một chút về tiểu thuyết của tôi. Paris 11 tháng 8, từ lúc nhắm mắt đưa chân rời nhà máy in, chưa được báo lớn nào giật cho một cái tít.

Tôi đồ rằng anh Nguyên đọc bài viết của tôi hơi nhanh nên bức xúc vội vàng, rồi lại phản hồi chỉ bằng ba cái nhấp chuột (một bài báo Tết thì bao nhiêu cái nhấp chuột hở anh?). Trong bài «Ôi mắt em là ánh nước hồ thu», không chỉ với riêng anh, tôi gợi ý tất cả những ai muốn đề cao Bóng đè nên tìm những cách độc đáo hơn một chút. Dàn đồng ca nhắc đi nhắc lại điệp khúc «dân tộc, truyền thống, ám chỉ, tượng trưng », thính giả không thể không có cảm giác cả nhạc trưởng lẫn diễn viên đều ít động não. Lần về nước vừa rồi, tôi đi cắt tóc ở phố Hàng Lược. Ba mươi phút cứng người nhìn múa kéo, tôi cũng được nghe một lời tâm sự thế này: «Chị ơi, trước khi làm thợ, em là cựu diễn viên Nhà hát Giao hưởng, em giải nghệ từ ba năm nay, đồng ca bây giờ chẳng ai muốn nghe, mừng Đảng mừng xuân bây giờ chỉ phục vụ bộ đội Trường Sa, bộ đội Trường Sa ra điều kiện một đồng ca phải trả thuế ba tình ca, ca sĩ phải vừa trẻ vừa xinh, vừa quần áo thiếu vải vừa uốn éo nhiệt tình…».

Lời nhận xét «tinh tế, duyên dáng, chua xót, hài hước» của Đoàn Cầm Thi về Paris 11 tháng 8 (chứ không về Thuận - anh Nguyên trích dẫn không chính xác rồi đấy nhé) ra đời nửa năm nay chẳng có ai luộc lại. Tiểu thuyết thứ ba này của tôi được một người nữa trong nghề viết cho một bài là Nguyễn Chí Hoan. «Chuỗi hoạt kê về sống và chết» đăng ở báo Người Hà Nội tháng 11 vừa rồi. Anh Nguyên có dùng kính lúp, hoăc các phương pháp tân kì hơn để kiểm tra, cũng khó lòng tìm thấy «tinh tế, duyên dáng, chua xót, hài hước». Nói xa nói gần cũng không. Ám chỉ cũng không. Tạo liên tưởng cũng không. Tôi cũng ngán nghe đồng ca lắm anh Nguyên ạ. Thà ai đấy cứ buột miệng chửi cho mấy tiếng thật bậy, còn dễ chịu hơn.


2. Có lẽ tôi và anh Nguyên không nên tranh luận thêm nữa vì chúng ta không có cái gì chung với nhau để mà làm cơ sở. Nguyên tắc của anh là: chị không được viết về em. Nguyên tắc của tôi là: trong văn học không có quan hệ cá nhân. Nguyên tắc của anh là: tác giả không nên diễn giải tác phẩm. Nguyên tắc của tôi là: người cầm bút phải bảo vệ quan điểm sáng tác. Và tôi đã tận dụng các cuộc phỏng vấn hiếm hoi để mang độc giả tới gần phong cách của mình, để bước qua các câu hỏi ngoài lề: Chị đã sang Pháp bằng máy bay hay đường thủy? Chị có thể kể về một ngày của chị ở Paris? Chồng chị là một họa sĩ nổi tiếng, bố chồng chị là một nhà thơ nổi tiếng, chị có tự hào về họ không? Con trai chị vẫn được về Việt Nam để ăn thịt gà luộc chấm xì dầu Chin Su?… Tôi tin là câu trả lời của tôi về nhân vật Liên (cám ơn anh đã trích dẫn) sẽ khiến độc giả trở nên độc lập hơn, và nhận ra rằng lời nhận xét của Đoàn Cầm Thi in trên bìa 4 rất hay nhưng không phải cách hiểu duy nhất. Kiều và Thị Nở, tôi tránh từ xa. Anna Karenina, tôi cũng tránh từ xa. Nói chung cái bóng nào cũng đáng sợ. Chinatown viết trước đó một năm cũng khiến tôi nhìn trước nhìn sau. Nhẩy qua bóng mình chưa chắc đã dễ.


3. Câu trả lời phỏng vấn của tôi trong eVăn nguyên văn như thế này:

Câu hỏi: Thân phận tha hương nơi xứ người là nguồn đề tài quen thuộc, nhiều nhà văn dùng để câu khách, còn với riêng chị…?

Trả lời: Nếu muốn câu khách thì tôi sẽ chọn đề tài tình dục, đang bị Ban Tư tưởng Văn hoá cho vào tầm ngắm và được độc giả Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, xốn xang. Với tôi, đề tài chỉ là cái cớ, viết về nó như thế nào mới là quan trọng.

Khi đăng lại, nó đã bị cắt đi như anh Nguyên thấy. Nếu cần kiểm tra, anh có thể liên lạc với nhà báo Phạm Ngọc Lương. Hy vọng bản gốc vẫn được giữ lại.

Tình dục có thể là một đề tài câu khách? Điều ấy phụ thuộc vào cách tác giả đối xử với nó. Dưới đây là một thí dụ.

«Linda mặt ngang» ra đời từng ấy năm chưa được dàn đồng ca nào để ý, chỉ nhận được không ít nhận xét đa âm, người ta tranh luận vì sao cái lồn động đĩ vào tay Đỗ Kh. lại vừa bằng hai ngón taybé chút xíu, giữa cái lồn và âm hộ âm đạo thì cái nào cao quí, giữa cái lồn gái đồng trinh và cái lồn gái điếm thì cái nào sướng hơn cái nào… Gay cấn đến độ chính tác giả còn phải viết thêm «Nhớ Linda». Rồi Phạm Thị Hoài lên tiếng, trọng tài «Sờ Linda» hóa ra khiêu khích chẳng kém cầu thủ Linda. Mấy khi văn học Việt được dịp vui vẻ và ít lạc đề. Cái lồn Linda lù lù ra đấy, hình thù kích thước rõ ràng, bảo nó tượng trưng, ám chỉ cái gì bây giờ? Phương pháp diễn nôm văn học có dùng cả mười ngón tay lẫn lòng bàn tay lẫn lưng bàn tay cũng không nặn nó thành dân tộc và truyền thống.

Chúc anh Nguyên viết được nhiều báo Tết, kiếm được bộn tiền chơi xuân! Tôi tin là anh phải vắt chân lên cổ mà nhấn chuột. Hàng chục dàn đồng ca đang ồn ào đâu đó. Dàn đồng ca nào cũng mong anh góp một hơi. Dàn đồng ca Nhà hát Giao hưởng thì đã giải nghệ từ lâu nhưng dàn đồng ca Hội Nhà văn Hà Nội nơi anh Nguyên vừa được bầu làm phó chủ tịch chẳng biết bao giờ mới cầm sổ hưu?

© 2005 talawas