trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
3.1.2006
Trịnh Lữ
Bài phát biểu trong lễ trao giải thưởng dịch thuật 2005 của Hội Nhà văn Việt Nam
 
Thưa các anh các chị,

Sau khi biết tin Cuộc đời của Pi lại được giải thưởng, tôi đạp xe lên vườn thú Thủ Lệ. Con hổ ở đó không phải loài Bengal, nhưng cũng là hổ, và tôi đã bảo nó rằng vinh dự này trước hết là của nó, của cậu Pi – người mà nó đã cứu mạng, không phải chỉ vì đã tha không ăn thịt cậu ấy, mà còn vì đã khiến cho cậu ấy có lí do và can đảm để sống, để vượt lên trên bất hạnh và nhất định làm người. Tôi cũng bảo với con hổ rằng cái hay cái đẹp của nó cũng như của cậu Pi sở dĩ có được là nhờ cái ngọn lửa sáng tạo của ông Yann Martel, và cả bọn chúng ta đều phải biết ơn ông ấy. Con hổ Thủ Lệ có vẻ chán đời lắm. Chợt nhớ ở đời chẳng có gì dễ sai lạc bằng lời nói, mà chắc gì nó đã hiểu tiếng Việt, tôi đành bỏ nó đó mà về.

Cây xanh nắng đẹp khiến người vẫn muốn tha thẩn, tôi bèn ghé vào vườn thú thời thơ ấu của mình – nay là khu vườn bách thảo xinh xắn với nhiều cây cối vẫn nguyên vẹn dáng dấp quen thuộc từ thời tôi còn bé. Mua vé 2 ngàn gửi xe 500, rồi tôi nhẩn nha bước dọc ven hồ. Thế rồi tôi thấy một cô gái vừa độ mươi tám, ra dáng sinh viên, đang một mình đọc Cuộc đời của Pi trên vạt cỏ. Suýt nữa thì tôi đã ngỏ lời cảm ơn cô ấy. Kẻ sắp già thường lẩm cẩm như vậy. Nhưng bây giờ, từ gian phòng này của Hội Nhà văn, tôi xin có lời chân thành cảm ơn tất cả bạn đọc đã yêu mến Cuộc đời của Pi, đã bàn thảo sôi nổi về nó, đến nỗi nó lọt được vào con mắt xanh của cả Hội Hà Nội và Hội Việt Nam. Và tôi xin các bạn hãy cùng tôi cảm tạ ông Martel đã cho chúng ta một câu chuyện hay như vậy.

Về đến nhà hôm ấy, vợ chồng tôi uống mừng nhau một li rượu mơ Hương Tích ngâm từ Xuân năm ngoái, rồi cùng nhớ lại cái ngày hè nóng nực vừa mới về đến nhà sau mười mấy năm tha hương, chưa biết sẽ sống ra sao, đang ngồi nhìn nhau thì có hai thanh niên đến tìm, hỏi có dịch sách được không. Hai bạn trẻ ấy đem theo cuốn Life of Pi, và nói một dịch giả là ông Nguyễn Tuấn Khanh có nói với họ rằng cuốn này thì phải người này dịch mới nên, mặc dù người ấy chưa dịch cuốn sách văn học nào bao giờ. Hai bạn trẻ ấy nay đã họp với mấy bạn trẻ mê văn chương khác thành Nhà sách Nhã Nam. Tôi xin chân thành cảm ơn bạn Tuấn Khanh và các bạn trẻ Nhã Nam đã cho tôi có dịp bắt đầu lại cuộc sống ở đây bằng cuốn Cuộc đời của Pi đầy thách thức và cũng đầy may mắn. Với tôi, cái chữ may mắn này to lắm. Tôi có nhớ mấy người thầy dạy đàn vĩ cầm và dương cầm ở bên New York. Hễ nhắc đến những người học trò của mình nay đã trở thành những nghệ sĩ thành công, họ chẳng bao giờ nói ai giỏi ai tài, mà chỉ bảo người này người kia may mắn quá, vậy thôi.

Cuộc đời của Pi là cuốn sách duy nhất mà tôi có cơ hội làm việc với người biên tập của nhà xuất bản. Tôi xin chân thành cảm ơn chị Trịnh Thị Diệu của nhà Văn Học, đã tận tình giúp tôi chỉnh sửa bản dịch. Nhân tiện cũng xin nói rằng việc làm sách ở ta hiện có một tiến bộ hơn ở phương Tây, là có in tên người biên tập ở trong sách. Ở Tây thì sách chỉ có tên tác giả, người dịch, và người thiết kế mỹ thuật cho cuốn sách mà thôi. Người biên tập ở bên đó là những hiệp sĩ không ai biết đến. Mong sao những hiệp sĩ được biết đến ở ta cũng xứng đáng với danh vị của mình.

Giải thưởng này đã khiến tôi nghĩ ngợi nhiều lắm. Trước hết là về chính mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là “dịch giả” – một danh từ hàm nghĩa chuyên nghiệp rất cao. Nếu chuyên một nghiệp tức là phải sống được bằng nghiệp đó, tỉ như họa sĩ thì phải sống được bằng bán tranh, nhà văn thì phải sống được bằng tiền sách của mình, vân vân, thì đúng là tôi không phải là dịch giả. Nhưng truyện tôi dịch lại được Giải thưởng của cả Hội Nhà văn Hà Nội lẫn Hội Nhà văn Việt Nam, trong khi tôi không phải là hội viên, cũng chẳng biết ai vào với ai trong văn đàn, thì là nghĩa làm sao? Chỉ có thể cắt nghĩa rằng bản thân tôi không có dự gì vào hai giải thưởng này, mà là cuốn sách tôi dịch kia thôi. Nghĩa là bản dịch ấy có phẩm chất chuyên nghiệp và nhiều cái hay thật thì mới được cả hai Hội vô tư nhìn nhận và hoan hỉ tưởng thưởng nó. Mặc dù chỉ may mắn được dự phần, tôi vẫn thấy sự này rất đáng trân trọng, và xin thay mặt cho cuốn sách có lời chân thành cảm ơn hai Hội, nhất là Hội Việt Nam, vì sau hơn một năm với một rừng sách dịch rậm rạp như thế mà vẫn chọn Cuộc đời của Pi để trao giải một lần nữa.

Xong chuyện đó rồi thì tôi tự hỏi: tại sao một câu chuyện giả tưởng hoàn toàn xa lạ như Cuộc đời của Pi lại được yêu mến như thế ở ta, nơi nhiều người vẫn than vãn thống thiết về cái gọi là “tình trạng suy đồi của văn hóa đọc” và cho rằng bây giờ thiên hạ chỉ còn tìm đọc những gì giúp họ thành đạt trong thời buổi kim tiền sóng gió này mà thôi? Không những được người đọc yêu mến, mà câu chuyện đầy ắp trí tưởng tượng này còn được chính thức nhìn nhận với hai giải thưởng liền trong hai năm. Chắc hẳn trí tưởng tượng ở xứ mình vẫn xanh tươi lắm, và hình như nhu cầu văn chương và người đọc ở ta không xoàng tí nào, nhất là giới trẻ. Có lẽ những lời phàn nàn về người đọc là sai rồi chăng? Có lẽ phải xét nét phía người viết và người làm xuất bản mới đúng chăng? Mà xét nét thì xét nét cái gì?

Văn chính là người. Người làm nên thời cuộc. Cho nên thời cuộc thế nào thì văn chương thế nấy, không thể vận động nó làm cái gì khác được. Còn tác phẩm hay lại là chuyện khác. Dạo này tôi hay nghĩ hình như làm nghệ thuật thì hễ đã cố tìm thì chẳng bao giờ thấy, hễ định bụng phải viết để làm chuyện gì đó thì chẳng bao giờ ra hồn, hễ thiết kế thật kĩ lưỡng thì hóa vô duyên; mà trái lại, cứ không tìm thì lại thấy, không định thì lại thành, có sao làm vậy với ý thức tối giản chân thực thì lại đẹp, vần thơ hay nhất đến với ta trong lúc toát mồ hôi làm một cái gì đó khác hẳn. Có vẻ giống như việc tu Thiền vậy. Cho nên tôi tin rằng nếu có xét nét thì hãy xét nét xem mình có toát mồ hôi thực của mình không? Mình có là chính mình không, một cá thể người tự do tự tại, kiến văn không bao giờ tự thấy là đủ mà vẫn không sợ mình, không sợ người, không sợ hơn kém được thua. Tôi tin rằng khi một người sáng tạo để tìm kiếm sự thật của chính đời sống mình, giống như 30.000 năm trước khi tổ tiên loài người phải vẽ voi mamút và hươu nai lên vách hang để nhập làm một với chúng và chế ngự được chúng, thì những sáng tạo ấy sẽ thực sự là nghệ thuật, vì chúng hiển lộ một sinh lực đã dồn hết mình vào việc tìm kiếm sự thật, cho dù sự thật ấy có muôn ngàn gương mặt khác nhau, và như lời Harold Pinter, những gương mặt ấy lại còn “thách thức lẫn nhau, né tránh nhau, phản ánh nhau, phớt lờ nhau, trêu trọc nhau, mà đều mù lòa không thấy được nhau”. Sự thật muôn mặt trong tín ngưỡng của cậu Pi là như vậy. Và chúng ta ai cũng thấy thế là đẹp. Đó là nghệ thuật.

Rồi tôi nghĩ đến ông Martel, và sợ hãi thấy mình đã chẳng hỏi han gì đến ông trong lúc dịch Cuộc đời của Pi. Trong số hàng chục ngàn người dịch văn học trên khắp thế giới, chắc chỉ một số rất ít có cơ hội quan hệ và làm việc chặt chẽ với tác giả. Haruki Murakami, nhà văn lớn hiện nay của Nhật Bản, có ba người chuyên dịch sách của mình ở Mỹ, đều là các giáo sư dạy văn học Nhật ở các đại học lớn và đều đã sinh sống và làm việc ở Nhật lâu năm. Thế mà đối với từng tiểu thuyết, ông còn chọn ra ai là người dịch chính thức cho loại độc giả nào. Ví dụ, cuốn Rừng Nauy có hai bản dịch, nhưng một bản thì được Murakami cho phép ấn hành ở nước ngoài, còn bản kia thì cho in trong nước dưới dạng song ngữ để phục vụ sinh viên học tiếng Anh. Các tiểu thuyết của ông khi dịch sang tiếng Anh đều được biên tập lại rất nhiều, và mấy người dịch đóng vai trò chính trong quá trình biên tập này. Cuốn Biên niên Chim Dây Cót chẳng hạn, một tiểu thuyết đồ sộ viết thành ba tập, đã được người dịch – ông Jay Rubin, cắt tổng cộng khoảng 25 ngàn chữ.

Vậy mình không nên nghĩ rằng chỉ có bản dịch “nguyên xi đầy đủ” mới là có giá trị. Ngay nguyên tác cũng tồn tại ở nhiều bản khác nhau nữa là. Mỗi việc làm đều nên có mục đích. Nên hỏi “Làm gì và tại sao?” trước đã, rồi hãy lo đến chuyện “Làm như thế nào?” Trong gần hai thế kỉ nay, những giải pháp kì diệu trong khoa học kĩ thuật hình như đang khiến con người chỉ quan tâm đến chuyện “Làm như thế nào?” mà thôi. Hình thức và kĩ thuật đang lấn át nội dung và mục đích. Khuynh hướng “cơ tâm” – chỉ chú trọng vào phần xảo diệu mà coi nhẹ phần trung thực giản dị, hình như đang chi phối tâm lí sáng tác ở mọi ngành nghệ thuật. Tâm lí tiếp thị và quảng cáo đã thành nếp sống nếp nghĩ hàng ngày, khiến con người chỉ còn mải “tham thanh chuộng lạ”, đến mức mất hết cả liên lạc với phần bản nhiên như nhất giản dị của chính mình và của thế giới xung quanh. Cùng một thứ xà-phòng gội đầu, năm nay thì hiệu này, sang năm thì tách ra hai lọ với hai nhãn hiệu khác nhau, sang năm nữa lại rùm beng lên rằng tất cả cái hay của hai nhãn hiệu ấy nay đã được gộp vào một thứ mới với cái tên mới. Cái “Lạ” đang hạ thủ cái “Thật”. Nội thất gia đình nay cũng phải hoành tráng hoàn chỉnh như nội thất nhà hàng, vào nhà chỉ thấy choáng ngợp đồ vật mà chẳng cảm thấy cái phong vị dở dang ấm áp của đời người. Rồi sẽ đến lúc muốn thưởng thức một bông hoa cũng phải có người giảng giải hướng dẫn mất thôi. Nghĩ lại Cuộc đời của Pi, tại sao cái Thật và cái Đẹp lại hiển lộ được qua những tưởng tượng lạ lùng như vậy. Có lẽ vì câu chuyện của Pi thì kì lạ và uyên áo, nhưng câu chữ của nó thì giản dị khúc chiết như dòng chảy của một con suối phải nương theo khe núi mà tìm đường ra biển vậy.

Trở lại ý nghĩ về dịch văn học, tôi thấy rõ ràng bản dịch không phải là một “nhái bản” của nguyên tác. Và người dịch cũng không phải là “con khỉ” chỉ biết ngây ngô nhại lại nhà văn. Lần đầu tôi đọc cuốn Nỗi buồn chiến tranh là qua bản dịch tiếng Anh (The Sorrow of War), từ hồi còn ở Mỹ, và thấy xúc động ghê lắm. Đến khi về nhà và được đọc nguyên tác, không hiểu sao lại không thấy hay nữa, mà có cảm giác như bản tiếng Việt là bản dịch. Có bạn người Đức bảo tôi anh ta thích đọc truyện của Schlink qua bản dịch tiếng Anh hơn là nguyên tác tiếng Đức. Rồi lại chợt nhớ ra Truyện Kiều cũng là một bản dịch. Quả thực bản dịch là một văn bản khác, dành cho một giới độc giả khác. Người dịch là người tái tạo lại tác phẩm trong một môi trường ngôn ngữ và văn hóa khác. Đây không phải là một quan niệm lí thuyết nữa, mà là một thực tế mà cả tác giả, biên tập xuất bản, và người dịch đều phải tích cực tạo dựng. Nay ta đã tham gia công ước Berne, có lẽ anh chị em làm sách cũng nên nghĩ đến việc xây dựng mối quan hệ tay ba ấy, vì quyền lợi của tác giả và độc giả, mà cũng là vì sự sống còn của chính mình. Nhân chuyện này, tôi nhớ đến một bài viết về dịch văn học của Giáo sư Edward Fowler, Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu ngôn ngữ và văn học Đông Á tại Đại học Berkeley ở California. Nhan đề của bài viết này bắt đầu như sau: “Rendering Words, Traversing Cultures” – nghĩa nôm na là “Tái tạo câu chữ để bắc cầu nối các nền văn hóa khác nhau”. Ông Fowler không dùng từ “Translating” mà ta vẫn hiểu là “dịch”, mà là từ “Rendering”, trong ngữ cảnh này có thể hiểu là “tái tạo”. Chữ này rất hay dùng trong hội họa. Người ta nói họa sĩ render cái làn da mịn màng kia thế nào, chứ không nói anh ta replicate hay copy nó thế nào. Tôi có đọc trên eVăn một bài viết ngắn có nhan đề là “Dịch văn học về bản chất là dịch văn hóa”, không biết người viết có tham khảo bài của ông Fowler hay không, nhưng nếu có thì cũng vẫn chưa thấy hết cái khúc chiết trong quan niệm dịch văn học của ông này.

Gary Frisketjon, biên tập của Murakami tại nhà xuất bản Knopf ở Mỹ, có viết như sau về vai trò biên tập của người dịch: “...tôi nghĩ người dịch giỏi nào cũng phải làm cả hai việc đó (nghĩa là dịch và biên tập) – bắt đầu bằng việc phải lựa chọn chữ này chứ không phải chữ kia, rồi đến cấu trúc hoặc ẩn ý của đoạn văn. Vì vậy, lòng tin mà người làm xuất bản đặt vào dịch giả – nhất là khi họ không biết ngôn ngữ gốc của nguyên bản – không phải chỉ là cực kì quan trọng, mà thực sự là cốt yếu.” Nhưng anh Gary này cũng duyên dáng khẳng định vai trò của một biên tập viên như sau: “Người dịch và người biên tập có nhiều điểm chung... Nhưng tôi thì chẳng muốn nghĩ đến chuyện là mình đang thực sự làm gì nữa, vì tôi chỉ có mỗi việc là cho tác giả biết những ý kiến và gợi ý của mình. Còn thì họ mới là người có toàn quyền muốn làm gì thì làm, và là người sở hữu tất cả những gì họ đã sáng tạo nên”. Nghĩa là người biên tập không có quyền tự ý chỉnh sửa bản thảo, mà chỉ tác giả mới có quyền làm chuyện đó. Điều này cũng đúng với người dịch, vì quả thật, bản dịch là tác phẩm của họ, họ đã tái tạo ngôn ngữ của nguyên tác cho một môi trường văn hóa khác. Và Cuộc đời của Pi cũng là sáng tạo của tôi thật rồi. Nếu ai khác dịch lại nó, mọi người sẽ có một Life of Pi khác bằng tiếng Việt, với những câu chữ khác, những ẩn ý khác, và một giọng điệu khác.

Trong ba năm qua, tôi có đôi chục bài viết đã xuất bản trên các báo và 8 cuốn sách dịch đã và đang lần lượt ra đời, nhưng chỉ có một lần tôi được làm việc với biên tập nhà xuất bản. Hầu hết các bài đăng báo đều được cắt sửa mà tôi không được biết, phần lớn lại là những câu những đoạn quan trọng nhất ở cuối bài. Ngay cả cuốn Cuộc đời của Pi cũng có những chỉnh sửa về sau mà tôi chỉ biết khi sách đã in rồi, những chỉnh sửa nhẽ ra không nên có. Anh em có giải thích rằng vì thích bản dịch quá nên có tự ý sửa thêm cho được đúng và hay hơn, hoàn toàn là vì thiện chí. Thì ra trong việc làm sách, phẩm chất chuyên nghiệp còn bao gồm một khía cạnh nữa là những thủ tục rõ ràng của mọi công đoạn để đảm bảo cho tác phẩm hoặc bản dịch không bị sang tay và nhào nặn một cách tùy tiện.

Giải thưởng lần này cho Cuộc đời của Pi còn khiến tôi nghĩ đến nhiều chuyện khác, nhưng quả thực không dám nhiều lời thêm. Vậy một lần nữa tôi xin bày tỏ lòng tri ân và lạc quan của mình tới bạn đọc, hai Hội Nhà văn, gia đình yêu quý của tôi và tất cả những người làm sách vẫn tận tụy trong cuộc tình đầy bất trắc với văn chương và lẽ thật.

Xin chúc các anh các chị một năm mới thật vui vẻ và may mắn.

30.12.2005

© 2006 talawas