trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
18.2.2006
Trịnh Lữ
Dịch sách tri thức Âu Mỹ – nên chọn sách gì trước?
 
Tri thức Âu Mỹ đã đi trước ta hàng nhiều nghìn năm, với phương tiện ngôn ngữ và thái độ khoa học của chính họ. Thế mà chính người Âu Mỹ cũng không phải ai cũng đọc và hiểu nổi các kinh điển tri thức của chính mình. Cho nên sách tri thức Âu Mỹ tựu trung có thể coi là có hai loại: một là nguyên tác - vốn là tài liệu nguồn, thường chỉ lưu truyền trong giới nghiên cứu chuyên nghiệp, hai là sách giải thích truyền bá những tri thức ấy cho người không phải là chuyên gia trong những lĩnh vực đó. Ở một nước có đầu óc thực tế như Mỹ, loại sách giải thích truyền bá tri thức thường có tên thẳng thừng là sách “dành cho người không biết gì” (“for dummies”).

Những “người không biết gì” ở đây thực ra là học sinh, sinh viên, luật sư, kĩ sư, bác sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư, những người làm nghề tư vấn… có những vốn tri thức rất khác nhau, và bất kì ai muốn tìm hiểu về một lĩnh vực tri thức nào đó. Lí do là chẳng có ai thông kim bác cổ được trong thời đại ngày nay, và với đà chuyên môn hóa của mấy thế kỷ vừa qua, ai chuyên ngành gì thì chỉ có khả năng hiểu biết về ngành ấy mà thôi, và cũng phải học liên tục thì mới theo kịp những tiến bộ trong chính ngành của mình; cho nên kiến trúc sư mà muốn tìm hiểu về phong thủy thì không thể đọc nguyên tác Kinh Dịch, mà phải đọc những sách giới thiệu về Dịch học và những hệ lụy phong thủy của nó. Tôi tin rằng rất nhiều người vẫn viết lách tranh cãi về nhiều lĩnh vực cao siêu thật ra cũng chưa bao giờ đọc các nguyên tác nguồn của những lĩnh vực ấy, mà chỉ học từ các sách giới thiệu phổ biến theo kiểu “for dummies” mà thôi.

Những người viết loại sách tri thức “dành cho người không biết gì” này phần lớn đều là các tác giả đầu ngành có uy tín nhất trong các lĩnh vực của mình. Ví dụ như sách “Nghệ thuật dành cho những người không biết gì” của nhà IDG Books Worldwide là do một chuyên gia lịch sử nghệ thuật nổi tiếng đã từng làm giám đốc nhà bảo tàng nghệ thuật lớn nhất nhì thế giới là nhà Metropolitan Museum of Art ở New York trong mười mấy năm trời soạn thảo ra. Nó giản dị, rõ ràng, dễ hiểu, có rất nhiều minh họa đẹp, lại gồm cả những lời khuyên bổ ích và thực tế để người đọc thêm hứng khởi và biết sẽ phải tự mình nâng cao trình độ hiểu biết nghệ thuật như thế nào. Chỉ có những trí thức đích thực mới viết được như vậy. Đội ngũ các soạn giả loại này còn bao gồm các chuyên gia được đào tạo chuyên về nghề “viết để phổ biến khoa học cho công chúng” (Writing for Science Popularization), là một môn rất được ưa chuộng ở các trường đại học lớn và có uy tín ở Mỹ. Các chuyên gia này không phải chỉ viết sách phổ biến tri thức, họ còn là đội ngũ viết các chuyên đề khoa học cho báo chí, phát thanh và truyền hình. Một thành viên đang rất nổi tiếng của đội ngũ này có lẽ là ông Bill Bryson, người đã viết cuốn Lược sử của hầu hết mọi thứ (A Short History of Nearly Everything) – cuốn sách phổ biến tri thức cơ bản của gần như tất cả các lĩnh vực khoa học mà đọc hay như tiểu thuyết, và là một best seller trong suốt 3 năm vừa qua ở Âu Mỹ.

Những điều vừa nói trên khiến tôi nghĩ thế này: ở những xứ sở mà nền văn minh đã phát triển trên cơ sở ngôn ngữ và văn tự của chính họ, với những thành tựu làm thay đổi cả nhân loại, mà người ta vẫn phải phổ biến tri thức bằng cách “dịch” các nguyên tác nguồn ra một thứ ngôn ngữ dễ hiểu rồi kết hợp giải thích thật rõ ràng cho mọi người, thì với ta, với đội ngũ tri thức và dịch giả hiện nay, ta có nên đâm đầu dịch luôn các nguyên tác nguồn của họ cho quốc dân đồng bào mình hay không? Tôi nghĩ là không.

Để truyền bá tri thức trong điều kiện hiện nay, tôi nghĩ ta nên, và chỉ có thể chọn dịch những bộ sách “dành cho người không biết gì” của Âu Mỹ mà thôi. Cho đến khi ta đã có một đội ngũ tri thức có khả năng thấu hiểu các nguyên tác nguồn của Âu Mỹ và bản thân cũng đã thành những tác giả có đóng góp cụ thể vào kho tàng những tri thức ấy của nhân loại, thì họ mới có thể là người dịch những nguyên tác kia ra tiếng Việt một cách tự tin. Mà ngay cả đến lúc ấy, những bản dịch của họ cũng sẽ vẫn chỉ phục vụ cho các môn đệ và sinh viên của họ mà thôi, cũng hệt như tình hình ở Âu Mỹ hiện nay.

Tóm lại, về chuyện dịch sách tri thức Âu Mỹ, tôi nghĩ ta nên chọn dịch loại sách phổ biến tri thức của họ trước, như thế khả dĩ hơn. Tôi không tin ở quan niệm cho rằng hễ dịch được mấy trăm cuốn sách nổi tiếng vĩ đại kia thì nước ta sẽ có cơ mở mày mở mặt với thiên hạ, đơn giản là vì việc này ta chưa thể làm nổi. Hãy cố gắng dịch những gì mà người Âu Mỹ đang phải viết để phổ biến mấy trăm cuốn sách ấy cho trí thức và công chúng của chính họ đi đã, may ra mình mới có cơ hội học được chút gì của họ vậy.

Hà Nội, Tết Bính Tuất 2006

© 2006 talawas