trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
22.2.2006
Phạm Toàn
Nguyễn Trung, người Việt Nam điển hình đương thời
 
Đọc những bài ông Nguyễn Trung công bố trên trang Web Tuổi trẻ hoặc Vietnamnet, mỗi người có một cảm nhận riêng. Hôm nay tiết xuân vẫn còn, cũng nên dứt khỏi công việc bề bộn, nghỉ tay giây lát, và cách nghỉ ngơi tích cực nhất cho người cao tuổi là thay đổi hoạt động. Vậy thì hôm nay tôi quyết tâm bỏ ra vài chục phút viết bài về những bài viết của ông Nguyễn Trung.


1. Đầy lòng tự tin

  1. Ông Nguyễn Trung là người cực kỳ tự tin. Ông đã làm việc đến quá tuổi về hưu mà rồi vẫn còn chưa được nghỉ ngơi, vẫn còn làm việc, hơn thế nữa lại làm ở cương vị tư vấn những điều quốc kế dân sinh. Làm đến thế vẫn còn chưa yên tâm, làm cho đến chết, và trước khi sang cõi bên kia lại vẫn nấn ná để góp ý kiến cho Đảng cầm quyền về nhu cầu và cách thức nắm bắt cơ hội vàng. Tự tin đến thế là cùng!

  2. Sau khi bài thứ nhất ra mắt, ông Nguyễn Trung đã sẵn sàng có mặt để trả lời, giải đáp thắc mắc, viết bài bổ sung, hướng dẫn thảo luận, rồi còn nêu cả những câu hỏi thảo luận mới nữa. Tất cả các hoạt động ngoài giờ lao động chính thức đó được diễn ra dưới hình ảnh một ông già vẫn đầy phong độ. Tấm hình ở góc trên bên trái với chòm râu đẹp đủ sức gợi nhớ câu trả lời “năm mươi năm trước ta hai mươi ba tuổi”, con người trong tấm hình đó như đang bước ra khỏi màn hình để nói những lời nồng nàn từ trái tim đến trái tim, có lúc lại còn đau đớn trách bạn xát muối vào một tấm lòng sáng như sao Khuê. Tự tin đến thế là cùng!

  3. Trước khi đăng bài báo đầu trong loạt bài hiến kế cứu nước, thì từ phía Nam tới tấp bà con ta điện thoại ra Bắc hẹn “đón coi đón coi”. Chuyện ma-két-tinh đó ông Trung chẳng cần làm, nhưng chắc hẳn ông Nguyễn Trung đã biết cách làm cho anh em nhà báo nhà đài tin tưởng bài viết của ông sẽ như trái bom Phạm Hồng Thái chưa biết chừng. Một trái bom sẽ cho nổ vào một cái bóng để Đảng cầm quyền không còn chỗ mà giẫm vào nữa. Tự tin đến thế là cùng!


2. Biết tự phê phán

Qua loạt bài viết, ông Nguyễn Trung không những tỏ ra tự tin, còn tỏ ra có một đầu óc tự phê phán cao. Dĩ nhiên tự phê phán theo lối tình cờ, không chủ bụng. Xin nhặt ra đây việc tự phê phán về thói quen tư duy là cái mang bản sắc đậm đà song vẫn còn ít được dư luận đụng chạm.

  1. Ông Nguyễn Trung nhận định nước ta, dân ta, Đảng cầm quyền của chúng ta đang đứng trước thời cơ vàng, trước nhất là vì lần đầu tiên ta không có kẻ thù chiến lược. Đó là thói quen tư duy chủ đạo lúc nào cũng thích đen-trắng rõ ràng, có ta-bạn-thù dứt khoát, theo đó mà lập luận mạch lạc, đồng nghĩa với “có tính lý luận”. Nhưng ngay cả khi chấp nhận lối tư duy đen trắng, vẫn cần xét khái niệm “kẻ thù chiến lược”. Giả sử sau khi định nghĩa được rồi, giả sử tình hình kể từ nay đổ đi đều “bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng” thì ít ra ở đây vẫn có thể có hai luồng ý kiến: nửa bảo vẫn có kẻ thù chiến lược, nửa bảo không. Thế là cuộc tranh cãi “lý luận” sẽ không có hồi kết. Không hồi kết, tương ứng với việc đưa lập luận về “Thời cơ vàng, thời gian vàng” về giá trị bằng không. Đó là sự tình cờ tự phê phán thứ nhất.

  2. Ông Nguyễn Trung xếp một loạt yếu tố mang tính điều kiện của “cơ hội và thời gian vàng” bên cạnh nhau, như: ta đang có các cường quốc là đối tác, ta có ý chí và quyết tâm lớn đi cùng xu thế phát triển của thế giới, ta bây giờ không tự chuốc kẻ thù, nhất là bây giờ khu vực và thế giới không xảy ra những đột biến quan trọng. Đây cũng là một bản tự phê phán sinh động về cách tư duy lộn xộn và tùy hứng, điển hình của lớp người quen tiện đâu “lý luận” đấy, cốt “đúng” thì thôi. Điển hình của lối tư duy xếp một loạt a, b, c cạnh nhau và khi tiện mồm thì thêm bên cạnh đó vài cái d, đ, e bất kỳ nữa, không quy nạp, chẳng diễn dịch, chẳng theo lô-gích nào, chỉ cần càng nhiều a bê xê thì hình như càng thêm “sức nặng” cho “lý lẽ”. Lối tư duy phi thực chứng, nói lấy được, được thấy rất rõ trong bài viết của tác giả Nguyễn Trung.

  3. Bài viết về Thời cơ vàng… của Nguyễn Trung dài 6.580 tiếng (chữ). Xin hãy đọc hết, và cho biết tác giả đoán bệnh cho Đảng cầm quyền ra sao? Bệnh gì? Chứng gì? Thuốc gì? Chỉ thấy nói đến cái bệnh xéo lên cái bóng của mình. Nhiều người suýt soa khen hình ảnh thật là sáng giá, đúng là văn phong thời đổi mới. Nhưng ít người thấy rõ đây chính là tự phê phán thứ ba của Nguyễn Trung: dùng tu từ thay cho sự kiện thực chứng. Nhưng hình ảnh tu từ đó lại sai, ấy mới tai họa. Khi nói “không thoát khỏi cái bóng của mình” là ẩn dụ tới một định mệnh, một tất yếu, cố tránh cũng không nổi. Cái gì đó là cái gì vậy? Xin để ông Nguyễn Trung tự phê phán lần nữa, nếu ông còn sức.


3. Làm gì?

Điều tai họa của những bài viết tương tự như của Nguyễn Trung là nó gây ra cái ảo tưởng mọi người đang tham gia vào một sự kiện vụ thực. Ngược lại! Đó là kéo dài cái tật xấu rất xấu cực xấu thậm xấu của người Việt Nam đương thời, tật không làm. Mọi người thi nhau dân bảo “quan trí” thấp, quan chê “dân trí xoàng”, nhưng không làm gì để cả quan trí lẫn dân trí khá lên. Làm gì?

  1. Trước hết có cái gốc, phải học cách làm chính trị. Xin chư vị chớ giật mình: đây không kêu gào lật đổ đâu nhé! Hàng vài ba chục năm nay, hễ nói đến học chính trị là y như rằng chỉ biết mời cấp trên đến nói chuyện. Bây giờ giàu sang có tiền treo giải thì có thêm những cuộc thi, có cuộc nhận được cả triệu bài dự thi. Cái mẫu học bằng nghe giảng lan sang mọi mặt đời sống. Nhà trường muốn “trẻ con trí” nâng cao “giao thông trí” thì mời một ông trung tá đến nói chuyện; chưa ai nghĩ là học ngôn ngữ thật đúng cách thì học trò lớp 2 đã nhuần nhuyễn những yếu tố cơ bản của luật, và không chỉ luật giao thông. Hình như nước ta có nhiều ban dân nguyện, và hình như các ban này cũng chỉ có sáng kiến nhận những “bài thi” kiểu kiến nghị này khác. Nhưng giả sử nhận được một trăm triệu ý kiến thì liệu kết quả có ngang bằng với chỉ một cách làm nhưng làm khác đi? Xin nói thật, người dân bây giờ đâu có coi trọng lá phiếu của mình? Coi trọng mà lại nhờ người đi bầu à? Dân nguyện thử tập cho dân bỏ phiếu tín nhiệm đi coi. Kêu ca đài truyền thanh phường ư? Bỏ phiếu tín nhiệm. Phường nào 51 phần trăm đòi bỏ thì bỏ. Không nhùng nhằng. Có phường 51 phần trăm giữ, vì trình độ gắn với cái đài đó, thì để người ta giữ. Giữ đến khi không buồn giữ nữa thì lại bỏ phiếu tín nhiệm. Đó chính là dân nguyện trong việc làm thay cho dân nguyện trong hồ sơ dầy cộp.

  2. Thứ hai, phải tìm cách cho người dân làm kinh doanh và được bảo đảm bằng tự do kinh doanh. Nghe đến Tự Do lại có người lè lưỡi nghi ngờ đây! Nhưng xin hãy kiên nhẫn. Tự do kinh doanh đây là nói theo nghĩa rộng. Hiểu theo nghĩa là mọi người tự do làm để tự tay mình thực thi những sáng kiến hoặc lý tưởng của mình. Ra một tờ báo, mở một cửa hàng, cũng như mở một nhà xuất bản hoặc một trường tư thục, lập một nhà thương làm phúc, có khi các tú tài lập ra một nhóm đi chơi vùng sâu vùng xa trước khi quyết định tương lai đời mình không lệ thuộc vào những trường học chất lượng đáng ngờ… Và còn nhiều thứ nữa hàm chứa trong Tự Do. Miễn là đừng hiểu hễ nói đến Tự Do là phạm húy hay là lật đổ. Tự Do đây là tổ chức mối quan hệ giữa giới cầm quyền và người bị cai trị. Tự Do đây bao trùm mọi mặt đời sống, từ khi bừng mắt buổi sáng cho đến díp mắt đi vào giấc ngủ ban đêm, từ khi lọt lòng o e oe cho tới khi tò tí te về nơi Hoàn Vũ. Làm được điều này thì cuộc sống chính trị sẽ đa nguyên. Vấn đề không phải là có đa nguyên chính trị hay không, mà là cách sử dụng vũ khí đa nguyên đó. Biết bao con trẻ có xe máy dễ dàng đã dùng cái giao thông đa nguyên đó đi đánh võng và đua xe? Nói thế khác với một tác giả nào đó cỡ ông Nguyễn Trung tự cho mình cái quyền theo chủ nghĩa gạt phắt nguyện vọng đa nguyên chính trị. Người dân biết luyện tập trong chờ đợi, không cần ấm ức mà có khi rũ tù, và cũng chẳng cần cãi cọ xem Karl Marx giá trị tới đâu hoặc Cộng hòa Dân chủ có nghĩa gì. Những câu hỏi đó cuộc sống thực không đặt ra. Đó là những vô công rồi nghề gây ảo tưởng tự do dân chủ. Cuộc sống thực cần những việc làm thực và sẽ giải đáp thực mọi chuyện có thực vào lúc chín muồi. Với điều kiện là phải làm, chỉ có làm và làm, tiếp tục làm. Hãy đòi được làm, đừng đòi khẩu hiệu.

  3. Tại sao lại nói ông Nguyễn Trung là người Việt Nam đương đại điển hình? Qua cách ông viết văn, thấy ông có một tấm lòng điển hình cho người Việt Nam bây giờ. Tấm lòng đó có thể trước đây đã có nhưng chưa mở toang ra được, thì nay mở. Tấm lòng đó có thể trước đây phải che khuất cứ như không có, thì nay có, càng vui! Nhưng những tấm lòng đó cũng thích giãi bầy và thảo luận những điều không có thực được đinh ninh là có thực, và điều đó thật nguy hại. Trong vở kịch Ruồi của Jean-Paul Sartre tôi dịch và in hồi những năm 80 thế kỷ trước ở nhà Văn học, Hà Nội, có hình ảnh người thổi sáo lôi cuốn đám đông hệt vậy. Vẻ như ông Nguyễn Trung đã thành công vì ông đã gãi đúng chỗ cần gãi và biết dừng lại nửa chừng. Đó là lối sống điển hình của người Việt Nam đương thời, thích hiểm nguy trong lời nói, không thích cái nhọc nhằn của việc làm, và luôn luôn dừng lại ở nửa chừng mọi công việc.


*


Bạn sẽ hỏi, bây giờ nên cắt đặt công tác ở Ban Nghiên cứu cho ông Nguyễn Trung sao đây? Có cách. Các nước văn minh cũng có các ban nhưng không ngồi dai hưởng quyền lợi suốt đời, mà có các ban ad hoc lập ra chỉ để làm xong một việc rồi giải tán. Ai có năng lực sẽ được mời ad hoc lần nữa. Nhưng không mời cho đến tận cổng nhà Hoàn Vũ.

Hà Nội, biệt thự Thu Trang, 20 tháng 2-2006

© 2006 talawas