trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
23.2.2006
Đông La
Công kích Lữ Phương
 
Sau khi nhận được bài viết dưới đây, chúng tôi cho rằng tác giả Đông La đã không hoàn toàn giữ được bình tĩnh và đã sử dụng một giọng tranh luận không phù hợp với diễn đàn ở một số đoạn trong bài, vì vậy chúng tôi đã đề nghị tác giả chọn một trong hai giải pháp: 1) xem xét và sửa lại bài viết, 2) đăng toàn văn bài viết – không có sự biên tập của talawas - và chấp nhận bị “phạt thẻ đỏ’’. Tác giả Đông La đã chọn giải pháp thứ hai. Như vậy, nếu cuộc tranh luận xuất phát từ bài “Các Mác - một tình yêu bao la’’ còn tiếp tục, chúng tôi xin mời tác giả Đông La vui lòng đứng ngoài theo dõi. Dĩ nhiên ở các cuộc tranh luận khác, tác giả Đông La có quyền tham luận bình đẳng như tất cả mọi người.
talawas
Tôi xin mượn chữ “công kích” để đặt tên bài viết này, chữ của chính Lữ Phương, trong bài “Những kẻ không được lên thiên đường!” trên talawas 11.2.2006, đã chỉ việc tôi xếp mình vào nhóm chống đối trong bài “Các Mác- một tình yêu bao la”. Một bài viết khá công phu với giọng điệu cao ngạo, coi thường và một thái độ thù địch hung hăng đã làm mù loà cái tư duy vốn đã thấp bé, nên không thể hiểu nổi bài tôi viết, chỉ phân tích phản bác vài chi tiết vụn vặt, rồi từ việc tôi bảo vệ một số nguyên lý của chủ nghĩa Mác, suy ra và quy kết tôi đủ kiểu. Nhưng tất cả những phản bác quyết liệt đó, tôi dễ dàng phủ nhận như ngắt một cọng cỏ, lấy ngón chân dí chết con sâu bọ. Thay vì ít lý lẽ, LP lại rất giàu có thứ ngôn ngữ chửi bới, đã hắt tất cả những gì là yếu kém, xấu xa của một con người vào mặt tôi: “ cẩu thả”, “bốc đồng”, “lôm côm”, “theo đuôi những cái lưỡi gỗ tuyên huấn Đảng, “không lượng sức mình”, “nói năng bừa bãi”, “ngang ngược”, “trình độ thấp kém”, “nhân cách tầm thường”, “lếu láo cực kỳ”, “bậy bạ hết cỡ”... Tôi rất tức giận khi đọc bài này nhưng không ngạc nhiên, vì với kẻ thù, người ta còn giết nhau cơ mà! Còn khi viết về các vị chống đối trong bài về Các Mác, dù chế độ và giới lý luận chính thống trong nước luôn cho họ là những kẻ phản bội Tổ quốc, nhưng tôi đã không hề lăng mạ, xúc phạm con người họ, mà chỉ có vài lời châm biếm sau khi đã phân tích những sai trái. LP không hề đối lại, cứ ngang nhiên chửi tôi một cách bậy bạ. Vậy theo đúng nguyên lý của Mác, bạo lực phải được trị bằng bằng bạo lực, tôi sẽ viết bài công kích LP này với giọng điệu có thể làm phiền lòng một độc giả đã từng góp ý cho talawas, là những người tranh luận nên bằng học thuật không nên nặng lời với nhau.

LP viết: “Tôi rất tiếc đã không thấy tác giả dẫn ra một câu nào trong rất nhiều bài viết... của tôi để chứng minh rẳng vì những sai lầm mắc phải khi “chống đối” chủ nghĩa Marx, tôi có bị làm cho “khốn đốn” thì cũng chẳng có gì gọi là “oan”... ”. Khi xếp Lữ Phương như vậy tất nhiên tôi phải hiểu LP đã viết gì, nhưng với một bài bao quát những vấn đề quá lớn, tôi không thể nhồi nhét tất cả những điều liên quan vô được; ngay những nhân vật “cộm cán” hơn Lữ Phương nhiều như Nguyễn Thanh Giang, Dương Thu Hương, tôi cũng chỉ có thể giành “giấy” cho họ vừa đủ cái tên mà thôi. Còn với riêng Lữ Phương, thấy có vẻ sính sách vở, quả thật tôi đã định viết một bài từ lâu; nhưng cuộc đời còn bao chuyện quan trọng hơn cứ cuốn đi; tôi cũng có cái dở là tính nghệ sĩ thất thường, phải có hứng mới viết được, mà cái tên Lữ Phương không đủ gây hứng cho tôi. Hôm nay đúng là “duyên” Trời định, nhờ cụ Các Mác mai mối mà tôi buộc phải giáp mặt với con người này.

Sau câu trên: “...không thấy tác giả dẫn ra một câu nào.... của tôi”. LP phản bác và diễu cợt: “Trong khi đó, lại thấy trong bài của tác giả mấy dòng trích dẫn mà tôi biết chắc là của tôi, nhưng được tác giả ghi chú trong ngoặc đơn bằng mấy chữ rất đáng ngạc nhiên: “dẫn theo một tác giả trên talawas mà tôi đã quên tên”! Nêu tên một tác giả để đẩy người ta về phía “chống đối” mà không dẫn chứng, nhưng khi cần thì lại dẫn chính tác giả ấy ra để chống… “chống đối” bằng cách “quên” tên tác giả ấy, một cái lối làm việc như vậy không thể không nói là cẩu thả và kỳ quái! Vậy mà đó cũng chính là cái phương pháp tác giả đã vận dụng trong bài viết nói trên để giải quyết một “bài toán lớn” cho đất nước (chữ hay dùng của tác giả) gọi là bảo vệ chủ nghĩa Marx”.

Sự việc LP nêu ra và đánh giá tôi “cẩu thả” là đúng, nhưng suy diễn tôi có ý xấu trong việc này thì sai hoàn toàn. Bởi khi viết bài về Các Mác, tôi đã phải đọc rất nhiều tài liệu đã cop trong máy tính, tôi đã cắt dán những ý cần thiết như chuẩn bị nguyên vật liệu vào một chỗ, riêng đoạn trích trên tôi lại sơ ý về nguồn gốc, viết xong tôi đã bỏ nhiều công truy tìm. Tôi nghĩ, vì ý trên là ý hay, không thể của LP được, tôi nhớ cũng có một bài của Nguyễn Hoài Vân gì đó viết khá hay về Mác, nhưng tôi tìm đọc thì không thấy ý cần tìm, nên vẫn ấm ức đến tận nay. Không ngờ lại là của Lữ Phương khi thấy tác giả viết “tôi biết chắc là của tôi”. Tôi quá ngạc nhiên, một người luôn đội chủ nghĩa tư bản lên đầu sao lại viết được như thế? Nhưng khi đọc phần chú thích mới té ngửa và cũng thật buồn cười là, tranh luận “hở sườn” thế mà cũng đòi đi tranh luận, cũng chính tác giả đã tự thú: “Những gì Derrida trình bày về “10 vết lở” của thế giới hiện đại trong chương III cuốn sách...: thất nghiệp, mất không gian sống, chiến tranh thị trường, tình trạng nghèo khổ phổ biến ở vùng Nam bán cầu, sự đe dọa khủng khiếp của công nghiệp vũ khí và bom hạt nhân, chiến tranh sắc tộc tràn lan, sự lộng hành của các thế lực tội ác có tổ chức, tình trạng luật pháp quốc tế bị một số cường quốc thao túng” (đoạn tô đậm chính là đoạn tôi đã trích dẫn trong bài Các Mác - một tình yêu bao la). Như vậy, ý trên là của Derrida! Lẽ ra LP phải viết: “tôi biết chắc là của Derrida mà tôi đã trích” mới phải chứ, sao lại tự nhận: “chắn chắn là của tôi”. Có điều viết vậy thì làm sao mà suy diễn bậy bạ được. Từ cái lỗi nhỏ xíu LP đã lu loa phủ nhận tính khoa học của tôi, vậy việc ông đạo tư tưởng, rồi lại tự vạch áo cho người xem lưng một cách ngô nghê như thế, thì ông viết lách theo theo “phương pháp” nào?

Trong bài về Các Mác, tôi viết tuy có những kẻ chối Chúa của mình, đã phản bội quay lưng, trái lại lại có “những triết gia tư sản có những ý tốt về Mác” và đã trích dẫn một số câu trong đó có của Derrida: “Không thể không có Marx, không thể có tương lai nếu không có Marx”, cũng chỉ là phụ họa cho những lập luận chính mà thôi. Với tư duy hạn hẹp lại cao ngạo vô lối, thiếu khách quan, gần như không tiếp nhận nổi những lập luận của tôi, nên LP mới tự tin một cách mù quáng khi viết: “tôi có đủ cơ sở để khẳng định rằng khi dẫn như vậy tác giả chẳng hiểu gì về ý nghĩa thật sự trong câu văn đã dẫn”; rồi “nếu tự mình đọc được và hiểu được cuốn sách này tác giả sẽ thấy câu nói đó giả định hàng loạt những điều kiện... tan rã của những thứ gọi là “chủ nghĩa Marx trong thực tế” cùng với việc phủ định tất cả những mưu toan muốn biến tư tưởng của Marx thành cái gọi là “chủ nghĩa Marx“ dưới bất cứ hình thức cố định nào để chỉ giữ lại điều duy nhất cốt yếu là cái tinh thần phê phán triệt để tất cả mọi thiết chế hiện tồn, và chỉ có trong những điều kiện ấy thì Marx mới cần thiết cho thế giới hôm nay”.

Với tôi, xin độc giả cho phép tôi nói cho LP hiểu tôi là ai để ông này đừng cao ngạo vô lối, nên biết mình biết người, nếu có tranh luận học thuật với tôi hoặc với ai đó nữa nên biết “phải phép”: tôi là người năm 1992 từng giải được bài toán công nghệ, xây dựng thành công cả một dây truyền sản xuất mà cả ngành Nông dược VN hơn hai chục năm không ai giải nổi, rồi năm 1993 công trình đó đã được tặng giải A sáng tạo KHKT; còn khi viết văn, tuy chưa thỏa đáng, nhưng cũng từng được giải thưởng, tặng thưởng cả về thơ và phê bình,... LP ngoài mấy bài quấy rối, làm được gì mà ngang ngược coi thường người khác?! Với tôi, hiện tại chỉ có những lý thuyết mà các nhà vật lý đưa ra với tham vọng thống nhất tất cả các lực của tự nhiên trong công cuộc tiến đến lý thuyết thống nhất của vật lý, như lý thuyết màng, lý thuyết dây, với không gian 11 chiều,... là còn có những chỗ khó hiểu, chứ còn KHXH, dù sao vẫn mang tính phổ thông, đưa ra được những điều có ích mới khó, còn hiểu được chúng thì với những người có trình độ nhất định, không có gì là khó. Còn mấy cái ý quá đơn giản trên có gì mà tôi không hiểu được, có chăng chỉ LP không đủ sức hiểu tôi mà thôi. Thứ nhất, không chỉ Derrida “giả định” mà chính tôi cũng đã giả định nguyên nhân sự tan vỡ và thất thế của các nước XHCN (Xem bài Vài cảm nghĩ về khen và chê trên talawas 11-2-2006). Nếu LP đọc hiểu đoạn tôi phê phán chủ nghĩa giáo điều và trích dẫn những câu của Mác trong Tuyên ngôn: “không nên quá câu nệ biện pháp cách mạng đã nêu”, “Nếu viết lại tôi sẽ viết khác”, “áp dụng những nguyên lý phải tùy theo hoàn cảnh” thì sao có thể cho tôi không hiểu ý của Derrida:“phủ định tất cả những mưu toan muốn biến tư tưởng của Marx thành cái gọi là “chủ nghĩa Marx“ dưới bất cứ hình thức cố định nào”; nếu LP đọc hiểu những ý tôi viết chủ nghĩa Mác cho “bóc lột” “nô dịch” là nguyên nhân dẫn đến cách mạng xã hội, rồi qua thắng lợi của những cuộc kháng chiến chống xâm lược bất công, các nưóc tư bản đã “tự chết” đi những bản tính xấu xa... thì làm sao lại cho tôi không hiểu ý “cái tinh thần phê phán triệt để (của Mác, tôi chú thích, ĐL) tất cả mọi thiết chế hiện tồn, và chỉ có trong những điều kiện ấy thì Marx mới cần thiết cho thế giới hôm nay”.

Khi nhắc đến đoạn tôi trích Wikipedia nói tốt về chủ nghĩa Mác, LP cũng trích một đoạn của Wikipedia có ý ngược lại rồi viết: “Tinh thần của Wikipedia khi nói về chủ nghĩa cộng sản là toàn diện, có đúng có sai, có thành công và thất bại, đâu phải chỉ ca ngợi một chiều như tác giả đã xuyên tạc”.

Khi mở đầu bài viết trước, tôi đã phiếm định có hai nửa nhân loại “yêu” và “ghét” Mác, giờ nhiều người nửa “yêu” cũng đã quay sang “ghét”. Nghĩa là tôi cũng biết có vô vàn những ý kiến xấu về Mác. Nhưng khi viết bài bảo vệ những điều mà tôi cho là “tốt” của chủ nghĩa Mác, thấy phía tư bản tuy “ghét” như vậy nhưng cũng có “những ý rất tốt về Mác”, thì tôi phải trích những ý tốt cho phù hợp, chứ không lẽ tôi lại trích những ý xấu hay sao?! Một lẽ thường tình như vậy, nhưng như kẻ mất trí, đoạn tôi trích cũng chính ở những trang mà LP trích, LP mù hay sao mà viết: “Tác giả cũng dẫn một cả một đoạn dài trong Bách khoa toàn thư Wikipedia để tiếp tục việc “nói tốt” cho chủ nghĩa cộng sản; không biết cách nào để tìm ra câu dẫn đó”. Thái độ thù hận đã làm đầu óc LP mù lòa, nếu Wikipedia nói Mác có tốt có xấu, tôi chỉ trích phần tốt (cho phù hợp lập luận), LP cho tôi xuyên tạc, còn LP khơi khơi chỉ trích riêng một đoạn xấu, còn đoạn tốt mà tôi trích thì cho “không biết cách nào tìm ra”, vậy LP không “xuyên tạc” sao?

Trong bài viết về Các Mác, tôi chỉ viết người ta đã hiểu và vận dụng sai một số vấn đề cụ thể như: chủ nghĩa giáo điều; khái niệm giai cấp công nhân; khái niệm đấu tranh giai cấp; cặp phạm trù Vật chất và ý thức; chứ tôi chưa chưa bàn đến tại sao các nước XHCN lại đổ vỡ và thất thế, LP không hiểu nổi bài tôi viết lại đi huyên thuyên dông dài để phê phán tôi một cách sai lầm như: “Không có những kiến thức căn bản để hiểu Marx từ nguồn cội, tác giả đã không thể nào lý giải được thoả đáng cái hiện tượng...: trên lý thuyết, chủ nghĩa xã hội mácxít thường được cho là “khoa học”, “nhân đạo” rất ngon lành, nhưng khi đưa vào thực hành thì lại tạo ra không biết bao điều kỳ quái, thậm chí đi đến chỗ “làm ngược lại tinh thần nhân đạo của Marx”; “Khi tiến hành cuộc cách mạng Nga” “Lenin ...theo Marx thiết lập ngay nền chuyên chính vô sản trong một nước mà giai cấp vô sản là rất yếu...”; “Sự chuyên chính của giai cấp vô sản theo nghĩa của Marx là sự chuyên chính của một giai cấp đã chiếm đại đa số dân cư...đã trở thành sự chuyên chính của một một thiểu số cầm quyền”... Rồi tác giả kết luận: “Như vậy, không phải người ta hiểu sai, làm sai lý luận của Marx (ý này của tôi-ĐL) mà chính là người ta đã quá trung thành với Marx, nghĩa là cố đem áp dụng cho được những nguyên lý của Marx vào những tình thế thiếu hoàn toàn điều kiện để áp dụng”

Ngoài việc tôi viết một đằng chê bai một nẻo, qua những đoạn trích trên ta thấy tư duy logic của LP rất kém, thể hiện ở sự lủng củng, ông chẳng bà chuộc, mâu thuẫn với chính mình, hiểu sai về Mác. Mác nói cách mạng XHCN chỉ xảy ra khi xã hội TB phát triển đến độ cực mâu thuẫn thì “Lênin thiết lập ngay nền chuyên chính vô sản trong một nước mà giai cấp vô sản là rất yếu” sao LP lại cho là “quá trung thành” với Mác? Tác giả phê phán sự chuyên quyền ngược lại khái niệm chuyên chính vô sản của Mác rồi sao lại lẩm cẩm cũng cho vào cái giỏ “quá trung thành”!? Bản thân câu kết luận trên LP cũng tự mâu thuẫn và hiểu sai Mác. Khi Mác viết áp dụng những nguyên lý phải “tùy hoàn cảnh cụ thể” thì việc “cố áp dụng cho được” trên cũng không thể là sự “quá trung thành” với Mác được!

Về một vấn đề lớn, đang là thời sự, và rất thiết thực: “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”, LP viết: “tác giả Đông La đã không nhìn ra được thực chất của cái xã hội “đổi mới” ra đời “dưới sự lãnh đạo” của Đảng Cộng sản hiện nay ở Trung Quốc và cả Việt Nam chính là cái thực thể mà học thuyết Marx đã phủ định từ nền móng”.

Sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung, quan liêu bao cấp sang kinh tế thị thường, để phát huy sức sản xuất, nhưng vẫn hướng về phía công bằng, huớng tới đông đảo người lao động bằng những chính sách xã hội, thì không phải như LP viết: “Học thuyết Mác đã phủ định từ nền móng”, bởi nó tuân theo hai điều cơ bản của chủ nghĩa Mác mà trong chính Tuyên ngôn của ĐCS đã xác định: một là chủ nghĩa Mác không phải là bất biến; hai là mục tiêu của chủ nghĩa Mác là sự công bằng. Có điều, ta phải có cách nhìn khác cho phù hợp với sự biến đổi, về những khái niệm cũ như “ông chủ và người làm thuê”, sự “bất công”, sự “công bằng”... như tôi đã viết trong bài vừa đăng trên talawas đã dẫn. Với tôi, kinh tế thị trường định hướng XHCN là một phát minh kỳ diệu. Nó như một tổ hợp của XHCN cực đoan và TBCN cực đoan mà tất cả các nước trên thế giới, hoặc ít hoặc nhiều, đều đang áp dụng, dù rằng chế độ chính trị ngược nhau. Sự cộng lại chia đôi ấy vừa phát huy được mặt tốt, đồng thời hạn chế được mặt xấu của cả hai thể chế đã có. Phía TBCN “bù” cho phía XHCN sức sản xuất, còn phía XHCN “bù” lại cho phía TBCN tinh thần nhân đạo; vừa thực hiện được nguyên lý “vật chất quyết định ý thức”, “đấu tranh giữa các mặt đối lập là động lực của phát triển”, vừa thực hiện được tinh thần nhân đạo của chủ nghĩa Mác. Trong thời gian qua, các nưóc TB đã thực hiện tốt hơn nên đã phát triển hơn. Nếu không, CNTB bảo thủ, với sự chiếm đoạt giá trị thặng dư, bần cùng hóa người lao động, không sớm thì muộn chắc chắn sẽ bị diệt vong theo đúng tiên tri của Mác, mà biểu hiện đầu tiên của sự đấu tranh chính là những cuộc đình công. Ngược lại, các nưóc XHCN với chế độ sản xuất tập thể, nếu không thay đổi cũng sẽ xơ cứng, suy yếu, và tụt hậu. Khi ấy, theo các cụ nhà ta thường nói, không có “thực” kinh tế thì lấy gì mà vực được “đạo” công bằng! Cái điều kỳ diệu này (sự thay đổi của các nước XHCN sang kinh tế thị trường), tôi thấy Lữ Phương và rất nhiều người chê bai là không giống ai, chẳng theo sách vở nào cả, thậm chí có người còn cho là quái thai. Quả thật, nếu “quái thai” này được sinh ra khỏe mạnh, thông minh, tốt bụng và thành đạt thì hơn vạn lần những đứa bình thường nhưng lại mang những mầm bệnh nguy hiểm. Thực tế sự tăng trưởng của Trung Quốc và VN đã chứng tỏ rõ nhất sự ưu việt của “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Đấy là thời kỳ đầu còn đang hoàn chỉnh, còn bao điều bất hợp lý và những tệ nạn, nếu nay mai khắc phục được, không biết sẽ tiến tới độ nào. Nhưng như con mọt sách, LP giống như một cậu học trò già nô nệ của những tri thức đã có, khả năng tư duy hạn chế, không hiểu nổi cái mới, không hiểu điều: có lý thuyết nào mới mà chả “không giống ai”, từ sự phê phán chủ nghĩa giáo điều cũ lại trở thành tín đồ của chủ nghĩa giáo điều mới, phớt lờ cả cái nguyên lý “thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý”. Vì vậy, khi thấy tôi cũng không giống ai, LP cũng ngạc nhiên, giờ nói cho ông hiểu, bởi tôi không nhìn đời bằng con mắt nô lệ sách vở như ông mà bằng con mắt của nhà phát minh!

Với phần tôi viết về các vị chống đối, LP viết: “Nhất là với những tên tuổi hầu hết tóc đã bạc phơ mà tác giả kể ra như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần, Dương Thu Hương, Hà Sĩ Phu, Lữ Phương v.v… Ngay những cái tên được kể vì có liên hệ đến chủ đề mà tác giả đặt ra để công kích cũng là quá tuỳ tiện, thiếu hẳn sự hiểu biết về toàn cảnh nên đã bỏ qua rất nhiều nhân vật tiêu biểu đã có những phát biểu nghiêm chỉnh về chủ nghĩa Marx cần được thảo luận như Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Phan Đình Diệu, Đặng Quốc Bảo… Lại cũng thiếu hẳn cả một lớp trẻ cùng lứa với tác giả như Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Phương Nam…

Là người tự xưng viết nhiều mà không hiểu mỗi bài viết có chủ đề riêng, giới hạn một phạm vi nhất định. Bài về Các Mác tôi viết chủ yếu về một số điều mà tôi quan tâm, trong đó có ý, có một số người từng là “tín đồ” của Mác giờ quay lưng thì tôi chỉ trích “một số người”, chứ tôi có viết riêng về phong trào chống đối hay “phong trào luận bàn về Mác” đâu mà LP nói bừa là tôi “tùy tiện”!?

Về ý này LP tiếp: “Không tìm hiểu đầy đủ những con người và tác phẩm cụ thể của từng người một”, “tác giả bằng lòng với việc lướt qua những phát biểu”, “rồi dựa vào cái mớ kiến thức hời hợt, sai sót, cẩu thả của mình về cái gọi là “chủ nghĩa nhân đạo” của Marx để vặn vẹo, bắt bẻ lăng nhăng”, “Đối với một vấn đề có tính chất học thuật, triết học, chính trị, khó khăn và phức tạp cần nghiêm túc thảo luận mà tác giả lại viện đến cái phương pháp đả kích kiểu “chống diễn biến hoà bình” như vậy thì nhiều lắm cũng chỉ đủ làm bộc lộ trình độ thấp kém và nhân cách tầm thường của tác giả”.

Như tôi đã nói, vì tính chất bài viết, khi lập luập để phê phán HMC, BT, HSP, tôi chỉ nhắm vào vài điều tối cơ bản như sự phê phán Mác của họ về “đấu tranh giai cấp”, về cặp phạm trù “vật chất” “ý thức”, chứ thời gian của tôi là quý giá, tôi không được phép lãng phí bỏ công ra phân tích tất cả những lý luận sai trái vô bổ được, còn tôi thách LP có tài hãy chỉ ra cái sai, khi tôi cho HMC đã dùng “toán chấm văn”; HSP lấy “ý thức” của nam châm, sắt, hydro, oxy... để phê phán Mác đấy! Những điều tối cơ bản như vậy, theo tôi cũng không phức tạp lắm, mà họ cũng không hiểu, thì tôi cho việc họ “bạo miệng chê những nhân vật vĩ đại” chỉ xuất phát từ thái độ “kiêu ngạo tiểu nông, khí khái phong kiến, chưa biết mình, biết người, nên chẳng khác gì hành động muốn lấy gang tay đo cao rộng của trời đất, lấy bát ăn cơm đong nước của biển cả, để cuối cùng thân làm tội đời” là có cơ sở vững chắc. Những người này phê phán Mác được (mà đầu Mác còn bạc hơn mấy vị này nhiều), tôi không có quyền phê phán họ sao? Nếu LP hiểu cái lẽ hiển nhiên này đã không mất dạy và lếu láo viết: “Tác giả dạy dỗ các vị ấy bằng một cái giọng lếu láo cực kỳ”, còn LP nói tôi “cho rằng những con người ấy chẳng có nghiêm chỉnh gì cả, mà hoá ra những con người ấy chỉ là những Chí Phèo liều mạng, chỉ biết phủ nhận để phủ nhận, chống đối để chống đối, không còn liêm sỉ để biết mình nói đúng hay sai, cũng không còn biết sợ hãi là gì khi bị bỏ tù, có khi còn cầu mong đi tù để trở thành nổi tiếng?” là không đúng đâu, vì tôi thấy các vị đã nêu đều rất tinh khôn, là những người có tham vọng, từng hưởng bổng lộc của chế độ, có những người còn có quyền cao chức trọng nữa (nếu có chủ thuyết riêng, nhận ra cái sai của Mác, sao lại kiên trì leo lên những vị trí tót vời như thế, hay chỉ đơn giản là mắc sai lầm, bị thất sủng, mới quay lại chống đối?!), LP hãy đọc những bài chửi nhau loạn xạ của Hoàng Tiến và Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Thanh Giang và Hoàng Minh Chính; Dương Thu Hương và Nguyễn Thanh Giang..., xem có mùi tiền, mùi quyền và mùi danh không? Chứ họ không Chí Phèo đâu!

LP tiếp: “chúng ta đã nhận ra cái nhận định gan ruột mà tác giả muốn bộc lộ: động cơ chống đối của các vị ấy, dù gì đi nữa thì cũng chẳng có gì là “vì dân vì nước” cả... các con người chống đối ấy chỉ là những kẻ đang đi ngược lại con đường của nhân dân”. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng phải trừ cái phần trăm nhân dân mà tôi đã viết trong bài mới nhất (đã dẫn) trên talawas 11-2-2006. Nếu LP và các vị chống đối xem những lễ hội về các ngày truyền thống, lễ hội mừng Đảng, mừng xuân, nếu xem những chương trình văn nghệ ca những bài ca cách mạng với cả biển khán giả được truyền hình trực tiếp, rồi những chương trình giao lưu về hai cuốn nhật ký của anh Thạc và chị Trâm, những buổi lễ trao giải cho những doanh nhân thành đạt, những nhà sáng tạo... các vị có tự thấy mình“đi ngược lại con đường của nhân dân” không? Hay các vị vẫn cứ khư khư cho chỉ mình là thông minh còn nhân dân ngu hết cả nên đã bị Đảng lừa. Đừng tự phụ vô lối thế! Không ai không biết những tệ nạn và những nguy cơ hiện có, nhưng so sánh giữa được và mất, giữa những khuyết điểm hiện tại và triển vọng tương lai, mọi người sẽ biết làm gì. Còn tôi, mỗi lần xem những chương trình ti vi trực tiếp chứng kiến cái không khí hào hùng và nhiệt thành đó, thể hiện cụ thể nhất sự trân trọng và tự hào về quá khứ CM, lòng yêu Đảng và Bác của mọi người, tôi đã khóc. Tình cảm của tôi không được bằng họ.

TPHCM 14-2-2006

© 2006 talawas